QUYẾT ĐỊNH
VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC
GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/3/1994 của
Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu
tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định 43/2999/NĐ-CP ngày 30/8/2000
của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo
dục;
Căn cứ quyết định số 66/2001/QĐ-TTg ngày
26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ, về việc thành lập trường Đại học Giao thông
vận tải thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
và lao động,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Chuyển
nguyên trạng Phân hiệu Đại học Hàng hải, trực thuộc trường Đại học Hàng hải
(bao gồm: Tổ chức, công chức, viên chức, trụ sở, tài sản, vật tư, tiền vốn...)
về trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Trường
Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là trường) là
cơ sở đào tạo đại học, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải có các nhiệm vụ và quyền
hạn sau:
1. Đào tạo cán bộ có trình độ đại học, sau đại học,
trên đại học (khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép), cao đẳng thuộc lĩnh vực
giao thông vận tải và các ngành khác có liên quan;
2. Xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm và hàng
năm về công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực giao thông vận
tải đường biển, đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không dân dụng,...;
3. Tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch
giảng dạy và học tập cho các ngành đào tạo của trường trên cơ sở chương trình
khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Tổ chức biên soạn, duyệt và thẩm định
các giáo trình theo chuyên ngành và các tài liệu giảng dạy, học tập của trường;
4. Tổ chức tuyển sinh theo quy chế của Bộ Giáo dục
và Đào tạo;
5. Tiến hành các hoạt động đào tạo trong phạm vi
ngành nghề, trình độ đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức đào tạo đã được
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Tổ chức thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp và
cấp bằng tốt nghiệp cho những người được đào tạo tại trường theo quy chế của Bộ
Giáo dục và Đào tạo,
Thường xuyên cải tiến mục tiêu, nội dung, phương
pháp đào tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện
đại hoá ngành giao thông vận tải từng bước hội nhập khu vực và quốc tế;
6. Tổ chức việc bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại
nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật
ngành giao thông vận tải và giảng viên của trường;
7. Tổ chức mở các lớp cập nhật kiến thức nâng
cao trình độ, huấn luyện nghiệp vụ cho sỹ quan, thuyền viên, cấp chứng chỉ theo
quy định của các Công ước quốc tế, của IMO;
8. Tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài, dự
án nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; chuyển giao công nghệ, thông
tin; tư vấn dịch vụ khoa học và công nghệ;
9. Hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức
trong nước và quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học; thực hiện các dự án khoa
học sản xuất nhằm ứng dụng công nghệ mới, các dự án nâng cao năng lực đội ngũ
giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất; tổ chức Hội nghị, hội thảo, triển lãm quốc
tế theo các quy định của pháp luật;
10. Trình cấp có thẩm quyền thành lập hoặc thành
lập theo thẩm quyền và trực tiếp quản lý các tổ chức thuộc trường; trình cấp có
thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ và các chức danh của Nhà nước; bổ nhiệm cán bộ, tiếp
nhận công chức, viên chức theo quy định của Nhà nước và phân cấp của Bộ Giao
thông vận tải;
11. Quản lý các nguồn vốn; xây dựng và thực hiện
kế hoạch thu, chi tài tài chính; quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường
theo quy định của pháp luật;
12. Được hưởng các chế độ đối với trường Đại học
theo quy định hiện hành;
13. Tổ chức việc kiểm tra, thanh tra các hoạt động
của trường và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Trường được tổ chức đào tạo các chuyên ngành sau:
+ Điều khiển tàu biển;
+ Sử dụng và khai thác máy tàu biển;
+ Điện tàu thuỷ (điện sử dụng);
+ Máy tàu thuỷ;
+ Thiết kế thân tàu thuỷ và công trình nổi;
+ Điện tử viễn thông (vô tuyến điện);
+ Kỹ thuật điện, điện tử;
+ Công nghệ thông tin (tin học);
+ Vô tuyến điện và thông tin liên lạc;
+ Công trình thuỷ;
+ Đảm bảo an toàn hàng hải;
+ Xây dựng cầu, đường, hầm, sân bay;
+ Cơ giới hoá xếp dỡ;
+ Cơ khí đầu máy toa xe, ô tô, máy thi công và xếp
dỡ;
+ Điều khiển kỹ thuật giao thông vận tải;
+ Kinh tế vận tải đường bộ, đường sắt, đường
sông, hàng không;
+ Kinh tế vận tải biển;
+ Kinh tế xây dựng;
+ Quản trị kinh doanh giao thông vận tải.
Điều 4. Quy mô đào tạo:
1. Giai đoạn 2000 - 2005: 1.500 hs/năm(7.500
hs/khoá);
2. Giai đoạn 2005 - 2010: 2.000 hs/năm(10.000
hs/khoá).
3. Thời gian đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục
và Đào tạo.
Điều 5. Cơ cấu tổ chức bộ
máy của trường:
1.
Ban Giám hiệu: Hiệu trưởng và các Phó hiệu trưởng giúp việc.
2.
Hội đồng Khoa học và đào tạo, các Hội đồng tư vấn khác.
3.
Các Phòng chức năng:
- Phòng Đào tạo;
- Phòng Tổ chức cán bộ;
- Phòng Quản lý sinh viên;
- Phòng Hành chính tổng hợp;
- Phòng Khoa học công nghệ;
- Phòng đối ngoại, nghiên cứu và phát triển;
- Phòng Tài vụ;
- Phòng Công tác chính trị;
- Phòng Quản lý ký túc xá;
- Phòng Bảo vệ;
- Trạm Y tế;
- Ban Quản lý dự án.
4.
Các Khoa chuyên môn:
- Khoa Hàng hải;
- Khoa Máy tàu thuỷ;
- Khoa Đóng tàu thuỷ và công trình nổi;
- Khoa Điện - Điện tử viễn thông;
- Khoa Công trình;
- Khoa Công nghệ thông tin;
- Khoa Cơ khí;
- Khoa Kinh tế vận tải.
5.
Các Khoa chung:
- Khoa Cơ bản;
- Khoa Giáo dục lý luận chính trị;
- Khoa Ngoại ngữ;
- Khoa Tại chức;
- Khoa Sau đại học;
- Thư viện;
- Xưởng thực hành.
6.
Các đơn vị trực thuộc:
- Công ty Tư vấn và ứng dụng Khoa học công nghệ
giao thông vận tải (trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Tư vấn và dịch vụ khoa học kỹ
thuật Hàng hải, được thành lập theo quyết định số 381 QĐ/TCCB-LĐ ngày
26/02/1997 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Công ty Tư vấn và ứng dụng
khoa học - công nghệ Hàng hải, được thành lập theo quyết định số
2294/1999/QĐ-BGTVT ngày 03/9/1999 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải);
- Trung tâm Huấn luyện thuyền viên (trên cơ sở đổi
tên Trung tâm Huấn luyện thuyền viên II được thành lập tại quyết định số
491/TCCB-LĐ ngày 01/9/1993 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải);
- Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giao
thông vận tải (trên cơ sở đổi tên Trung tâm Đào tạo, huấn luyện Vũng tàu được
thành lập tại Quyết định số 395/QĐ-TCCB-LĐ ngày 18/3/1994 của Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải). Trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh và có các Chi nhánh tại
Đà Nẵng, Vũng Tàu và Cần Thơ;
- Trung tâm Dịch vụ sinh viên.
Điều 6. Biên chế và cán bộ
1. Biên chế của trường thuộc biên chế sự nghiệp
đào tạo do Hiệu trưởng xây dựng, trình Bộ Giao thông vận tải xét duyệt và giao
hàng năm.
2. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất
trong trường. Hiệu trưởng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễn nhiệm,
Các Phó hiệu trưởng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải bổ nhiệm, miến nhiệm theo đề nghị của Hiệu trưởng,
Các chức danh khác do Hiệu trưởng bổ nhiệm, miễn
nhiệm theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều 7. Hiệu
trưởng trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm
xây dựng Bản Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, trình Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải ban hành.
Điều 8. Các quy
định trước đây của Bộ Giao thông vận tải trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Chánh Văn phòng Bộ; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
và lao động; Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải, Hiệu trưởng trường Đại học
Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.