CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO: CAO ĐẲNG
NGÀNH ĐÀO TẠO: GIÁO DỤC TIỂU HỌC
MÃ NGÀNH:
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 16/6/2004 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
1. Mục tiêu đào tạo
1.1. Mục tiêu chung
Chương trình đào tạo ngành Giáo dục tiểu học
trình độ cao đẳng nhằm đào tạo giáo viên đáp ứng được những yêu cầu đổi mới của
Giáo dục tiểu học trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các
giáo viên tiểu học được đào tạo phải có tư tưởng, phẩm chất đạo đức tốt, có đủ
sức khoẻ, có năng lực giáo dục, dạy học theo yêu cầu của chuẩn Giáo viên tiểu học,
có khả năng dạy tốt chương trình tiểu học mới cũng như có khả năng đáp ứng được
những thay đổi của Giáo dục tiểu học trong tương lai; có kỹ năng nghiên cứu, tự
bồi dưỡng khoa học giáo dục.
1.2. Mục tiêu cụ thể
Người giáo viên tiểu học được đào tạo theo chương
trình Cao đẳng sư phạm cần đạt được các yêu cầu cơ bản sau:
Về phẩm chất:
- Phẩm chất chính trị: có lòng yêu nước, yêu chủ
nghĩa xã hội; là công dân tốt trong cộng đồng; trung thành với đường lối giáo dục
của Đảng, biết vận dụng sáng tạo đường lối giáo dục của Đảng vào dạy học và
giáo dục học sinh.
- Đạo đức nghề nghiệp:
+ Gần gũi, thương yêu học sinh; tôn trọng và đối
xử công bằng với học sinh, được học sinh tin yêu.
+ Có lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị,
nêu gương tốt cho học sinh.
+ Yêu nghề dạy học và có tinh thần trách nhiệm
trong công việc. Đoàn kết, khiêm tốn học hỏi, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp về
các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ; có ý thức rèn luyện năng lực giao tiếp, quan
hệ tốt với cha mẹ học sinh và cộng đồng, có ý thức vận động cha mẹ học sinh và
cộng đồng tham gia xây dựng nhà trường, giáo dục học sinh, thực hiện xã hội hoá
giáo dục.
+ Có ý thức hoàn thiện bản thân, thường xuyên tự
học, tự nghiên cứu, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tham
gia đúc rút sáng kiến, kinh nghiệm giáo dục.
+ Có ý thức và thường xuyên rèn luyện sức khoẻ.
Về năng lực
- Kiến thức chuyên môn:
+ Có kiến thức đại cương làm nền tảng dạy tốt
các môn học ở tiểu học.
+ Có kiến thức vững vàng về các môn học để làm tốt
công tác chuyên môn và chủ nhiệm lớp. Dạy được tất cả các khối, lớp học ở bậc
tiểu học và có thể dạy các đối tượng học sinh dân tộc, học sinh khuyết tật.
+ Có hiểu biết đầy đủ về mục tiêu, nội dung chương
trình tiểu học, phương pháp dạy học và phương pháp đánh giá kết quả học tập rèn
luyện của học sinh ở toàn bậc tiểu học.
+ Nắm được yêu cầu và phương pháp kiểm tra, đánh
giá kết quả học tập của học sinh tiểu học.
- Kỹ năng sư phạm:
+ Có kỹ năng lập kế hoạch dạy học (từng năm học,
từng học kỳ) theo chương trình môn học, xây dựng hồ sơ giảng dạy và giáo dục.
+ Có kỹ năng thiết kế bài giảng: biết xác định
các yêu cầu, nội dung cơ bản của bài học, dự kiến các phương pháp và đồ dùng dạy
học sẽ sử dụng; biết phân bố thời gian lên lớp và tổ chức các hoạt động dạy học
phù hợp với từng môn học và trình độ học sinh; biết bổ sung, hoàn thiện bài giảng.
+ Lựa chọn và sử dụng hợp lý các phương pháp dạy
học theo hướng phát huy tính tích cực và tương tác của học sinh, các phương tiện
thiết bị dạy học thích hợp để đạt kết quả tốt.
+ Có kỹ năng tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên
lớp.
+ Có kỹ năng quản lý lớp học, xây dựng lớp thành
tập thể đoàn kết, tự quản; có khả năng giáo dục học sinh cá biệt.
+ Có kỹ năng giao tiếp sư phạm.
Về thái độ
Trên cơ sở có kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư
phạm, sinh viên tin tưởng sẽ làm tốt nghề dạy học ở tiểu học. Có ý thức vận dụng
một cách sáng tạo các kiến thức và kỹ năng được đào tạo để thực hiện tốt nhiệm
vụ dạy học và giáo dục học sinh, góp phần nâng cao chất lượng Giáo dục tiểu học.
2. Khung chương trình đào tạo
2.1. Khối lượng kiến thức tối
thiều và thời gian đào tạo theo thiết kế
168 đơn vị học trình (đvht), chưa kể phần nội
dung về Giáo dục Thể chất (90 tiết) và Giáo dục Quốc phòng (135 tiết).
Thời gian đào tạo: 3 năm học
2.2. Cấu trúc kiến thức của chương
trình đào tạo
2.2.1. Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu:
29 đvht (chưa kể phần nội dung về Giáo dục Thể chất và Giáo dục Quốc phòng).
2.2.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu
139 đvht
Trong đó tối thiểu:
- Kiến thức sở của ngành: 23 đvht
- Kiến thức ngành: 97 đvt
- Thực tập sư phạm và thi tốt nghiệp: 19 đvht
3. Khối kiến thức bắt buộc
3.1. Danh mục các học phần bắt
buộc
3.1.1 Kiến thức giáo dục đại cương: 29 đvht
- Triết học Mác - Lênin 4 đvht
- Kinh tế chính trị Mác - Lênin 4 đvht
- Chủ nghĩa xã hội khoa học 3 đvht
- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 3 đvht
- Quản lý Hành chính Nhà nước và quản lý ngành 2
đvht
- Ngoại ngữ 10 đvht
- Giáo dục Thể chất 90 tiết
- Giáo dục Quốc phòng 135 tiết
3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 30 đvht
* Kiến thức cơ sở của ngành 23 đvht
- Sinh lý học và Tâm lý học 9 đvht
+ Sinh lý trẻ lứa tuổi tiểu học 2 (1,1) đvht
+ Tâm lý học đại cương 3 (2, 1) đvht
+ Tâm lý học lứa tuổi tiểu học và Tâm lý học sư
phạm 4 (2,2) đvht.
- Giáo dục học 8 đvht
+ Những vấn đề chung của Giáo dụ học 2 (2,0)
đvht
+ Lý luận dạy học tiểu học 2 (1,1) đvht
+ Phương pháp nghiên cứu Khoa học giáo dục 2
(1,1) đvht
- Phương tiện kỹ thuật dạy học và ứng dụng Công
nghệ thông tin trong dạy học ở tiểu học 4 (1,5; 2,5) đvht
- Kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục ở tiểu học
2 (1,2; 0,8) đvht
* Kiến thức ngành 88 đvht
- Đạo đức và Phương pháp giáo dục đạo đức ở tiểu
học 3 (1,2) đvht
- Tiếng Việt - Văn học và phương pháp dạy học Tiếng
Việt 22 đvht
+ Văn học 5 (3,2) đvht
+ Tiếng Việt 8 (4,4) đvht
+ Tiếng Việt thực hành 3 (0,5; 2,5) đvht
+ Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở tiểu học 6
(3,3) đvht
- Toán và phương pháp dạy học Toán 14 đvht
+ Cơ sở lý thuyết tập hợp và logic toán 2 (1,1)
đvht
+ Các tập hợp số 4 (2,2) đvht
+ Nhập môn lý thuyết xác suất và thống kê toán 2
(1,1) đvht
+ Phương pháp dạy học Toán ở tiểu học 6 (3,3)
đvht
- Thể dục và phương pháp dạy học Thể dục 9 đvht
+ Thể dục, nhảy dây 2 (1,2) đvht
+ Điền kinh, Bơi lội, Đá cầu, Trò chơi vận động
4 (1,5; 2,5) đvht
+ Phương pháp dạy học Thể dục ở tiểu học 3 (1,2)
đvht
- Âm nhạc và phương pháp dạy học Âm nhạc 10 đvht
+ Nhạc lý phổ thông 2 (2,0) đvht
+ Tập đọc nhạc 2 (0,5; 1,5) đvht
+ Học hát 2 (0,5; 1,5) đvht
+ Nhạc cụ 2 (0,5; 1,5) đvht
+ Phương pháp dạy học Âm nhạc ở tiểu học 2 (1,1)
đvht
- Mỹ thuật và phương pháp dạy học Mỹ thuật 10
đvht
+ Vẽ theo mẫu 2 (0,5; 1,5) đvht
+ Vẽ trang trí 2 (0,5; 1,5) đvht
+ Vẽ tranh, nặn, tạo dáng 3 (0,5; 2,5) đvht
+ Phương pháp dạy học Mỹ thuật ở tiểu học 3
(1,5; 1,5) đvht.
- Thủ công - Kỹ thuật và phương pháp dạy học Thủ
công, Kỹ thuật 6 đvht
+ Thủ công - Kỹ thuật 4 (1,3) đvht
+ Phương pháp dạy học Thủ công,Kỹ thuật 2 (1,1)
đvht
- Tự nhiên - Xã hội và phương pháp dạy học Tự
nhiên - Xã hội 10 đvht
+ Phương pháp dạy học Tự nhiên - Xã hội 6 (2,4)
đvht
- Giáo dục môi trường ở tiểu học 2 (0,8; 1,2)
đvht
- Phương pháp tổ chức công tác Đội Thiếu niên Tiền
phong Hồ Chí Minh 2 (1,1) đvht
- Thực tập sư phạm và thi tốt nghiệp 19 đvht
+ Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên 6
đvht
+ Thực tập sư phạm I 3 đvht
+ Thực tập sư phạm II 7 đvht
+ Thực hành công tác Đội và Sao nhi đồng 1 (0,1)
đvht
+ Thực hành tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài
lớp 2 (1,1) đvht
+ Thi tốt nghiệp.
Ghi chú: Các số trong ngoặc đơn ở trên chỉ tương
quan giữa khối lương kiến thức lý thuyết và khối lượng thực hành.
3.2. Mô tả nội dung các học phần
bắt buộc
3.2.1. Triết học Mác - Lênin: 4 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 19/2003/QĐ-BGD&ĐT
ngày 08/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.2.2. Kinh tế chính trị Mác - Lênin: 4 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 19/2003/QĐ-BGD&ĐT
ngày 08/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.2.3. Chủ nghĩa xã hội khoa học: 3 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 34/2003/QĐ-BGD&ĐT
ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.2.4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: 3 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 41/2003/QĐ-BGD&ĐT
ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.2.5. Tư tưởng Hồ Chí Minh: 3 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT
ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.2.6. Quản lý hành chính Nhà nước và quản lý
ngành: 2 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 33/2002/QĐ-BGD&ĐT
ngày 22/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.2.7. Ngoại ngữ : 10 đvht
Đây là nội dung tiếng Anh cơ bản thuộc khối kiến
thức đại cương, nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về ngữ pháp,
vốn từ vựng sử dụng trong giao tiếp và giáo dục. Môn học này yêu cầu phải đạt
trình độ trung cấp đối với những sinh viên đã qua chương trình ngoại ngữ 7 năm
của giáo dục phổ thông.
3.2.8. Giáo dục thể chất: 90 tiết
Nội dung ban hành tại Quyết định số 3244/GD-ĐT
ngày 12/9/1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.2.9. Giáo dục Quốc phòng: 135 tiết
Nội dung ban hành tại Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT
ngày 09/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.2.10. Sinh lý học và Tâm lý học: 9 đvht
- Sinh lý học lứa tuổi tiểu học: 2 đvht
Giới thiệu các giai đoạn tăng trưởng và phát triển
của cơ thể trẻ em, mối quan hệ giữa cơ thể và môi trường; hệ thần kinh; các
giác quan; đặc điểm sinh lý và vệ sinh bảo vệ các hệ cơ quan trong cơ thể trẻ
em lứa tuổi tiểu học.
- Tâm lý học đại cương: 3 đvht
Giới thiệu khái quát về khoa học tâm lý; các
khái niệm cơ bản về tâm lý học: tâm lý, ý thức, hoạt động, giao tiếp, nhân
cách, các hoạt động tâm lý cơ bản.
- Tâm lý học lứa tuổi tiểu học và Tâm lý học sư
phạm: 4 đvht
Giới thiệu những kiến thức chung về sự phát triển
tâm lý của trẻ em, những đặc điểm tâm lý cơ bản, các hoạt động cơ bản của học
sinh tiểu học, một số nội dung cơ bản về tâm lý học dạy học và Giáo dục tiểu học.
3.2.11. Giáo dục học: 8 đvht
- Những vấn đề chung của giáo dục học: 2 đvht
Giới thiệu kiến thức cơ bản về giáo dục học, bao
gồm các phạm trù, khái niệm, phương pháp nghiên cứu, mục đích, mục tiêu giáo dục
của hệ thống giáo dục quốc dân, những đặc thù của giáo dục bậc tiểu học, vấn đề
phổ cập Giáo dục tiểu học, người giáo viên tiểu học.
- Lý luận Giáo dục tiểu học: 2 đvht
Giới thiệu kiến thức cơ bản về lý luận giáo dục:
bản chất của quá trình giáo dục, nội dung, nguyên tắc và phương pháp, hình thức
tổ chức giáo dục ở trường tiểu học.
- Lý luận dạy học tiểu học: 2 đvht
Giới thiệu kiến thức cơ bản về quá trình dạy học
ở trường tiểu học: bản chất, nhiệm vụ, động lực, nguyên tắc, nội dung, phương
pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học, phương tiện dạy học và các đặc điểm của
hoạt động dạy học ở trường tiểu học.
- Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục: 2
đvht
Giới thiệu kiến thức về khoa học giáo dục và
nghiên cứu khoa học giáo dục; quan điểm tiếp cận khoa học giáo dục; phương pháp
nghiên cứu khoa học giáo dục; lôgic tiến hành một đề tài khoa học giáo dục; đánh
giá một công trình khoa học giáo dục.
3.2.12. Phương tiện kỹ thuật dạy học và ứng dụng
Công nghệ thông tin trong dạy học ở tiểu học: 4 đvht
Học phần này gồm một số kiến thức cơ bản về sử dụng
các phương tiện kỹ thuật trong dạy học ở tiểu học (giới thiệu về vai trò, ý
nghĩa, phân loại, cách sử dụng phương tiện kỹ thuật thường dùng ở tiểu học); củng
cố lại kiến thức và kỹ năng tin học đại cương (củng cố, hệ thống hoá một số kiến
thức, kỹ năng về sử dụng máy tính để soạn thảo, trình bày văn bản); giới thiệu
một số ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ dạy các môn học: cách truy cập và lấy
thông tin trên mạng; gửi và nhận thư điện tử; sử dụng phần mềm Power Point
trong thiết kế và thực hiện các bài dạy ở tiểu học).
3.2.13. Kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục ở tiểu
học: 2 đvht
Học phần bao gồm một số kiến thức cơ bản về kiểm
tra, đánh giá kết quả giáo dục ở tiểu học: khái niệm, ý nghĩa, nguyên tắc, nội
dung, các hình thức, phương pháp, kỹ thuật kiểm tra, đánh giá trong giáo dục tiểu
học.
3.2.14. Đạo đức và phương pháp giáo dục đạo đức:
3 đvht
Giới thiệu một số kiến thức cơ bản về quá trình
giáo dục đạo đức và chương trình môn Đạo đức ở tiểu học, phương pháp giáo dục đạo
đức và phương pháp dạy học Đạo đức ở tiểu học.
Học phần này giúp sinh viên có kỹ năng sử dụng
phương pháp giáo dục đạo đức và phương pháp dạy học Đạo đức ở tiểu học theo chương
trình mới, đồng thời còn xác định trách nhiệm rèn luyện đạo đức của người giáo
viên tiểu học để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học.
3.2.15. Tiếng Việt - Văn học và Phương pháp dạy
học Tiếng Việt: 22 đvht
- Văn học: 5 đvht
Hệ thống hoá một số kiến thức, kỹ năng về Văn học
viết Việt Nam đã học ở trung học phổ thông (khái quát về những đặc điểm và
thành tựu của văn học viết Việt Nam qua các thời kỳ phát triển; Văn học viết Việt
Nam và phân tích một số tác phẩm văn học viết Việt Nam có trong chương trình tiểu
học).
Giới thiệu một số kiến thức về lý luận văn học,
văn học dân gian Việt Nam, văn học thiếu nhi Việt Nam, văn học nước ngoài trong
chương trình tiểu học.
- Tiếng Việt: 8 đvht
Giới thiệu một số kiến thức cơ bản về ngôn ngữ
và tiếng Việt (đối tượng, nhiệm vụ, bản chất xã hội, hệ thống tín hiệu của ngôn
ngữ và một số đặc trưng của tiếng Việt), từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt hiện đại,
ngữ pháp tiếng Việt hiện đại, phong cách học Tiếng Việt.
+ Tiếng Việt thực hành: 3 đvht
Học phần cung cấp một số kiến thức và rèn luyện
một số kỹ năng cơ bản cho sinh viên về nghe, nói, đọc (đọc hiểu văn bản, đọc
thành tiếng), viết (kỹ năng viết chữ, kỹ năng viết một số kiểu loại văn bản).
+ Phương pháp dạy học Tiếng Việt: 6 đvht
Học phần cung cấp những kiến thức và kỹ năng
giúp tổ chức quá trình dạy học tiếng Việt ở tiểu ở tiểu học như: kiến thức
chung về phương pháp dạy học Tiếng Việt (đối tượng, nhiệm vụ của phương pháp dạy
học Tiếng Việt ở tiểu học, đặc điểm của học sinh tiểu học trong quá trình học tập
tiếng Việt, mục tiêu, nội dung, nguyên tắc, phương pháp dạy học Tiếng Việt, chương
trình và sách giáo khoa môn Tiếng Việt ở tiểu học); các yêu cầu về kỹ năng thực
hành tiếng Việt, phương pháp dạy học các phân môn Tiếng Việt ở tiểu học, thực
hành dạy học theo sách giáo khoa mới môn học Tiếng Việt ở tiểu học.
3.2.16. Toán và phương pháp dạy học Toán: 14
đvht
- Cơ sở lý thuyết tập hợp và lôgic toán: 2 đvht.
Nội dung bao gồm: kiến thức cơ bản về cơ sở lý
thuyết tập hợp (tập hợp và các phép toán trên tập hợp, quan hệ, ánh xạ); cơ sở
lôgic toán (mệnh đề và các phép lôgic; công thức và quy tắc suy luận, suy luận
và chứng minh trong dạy Toán ở tiểu học); suy luận và các phép tiền chứng minh
trong dạy học Toán ở tiểu học.
- Các tập hợp số: 4 đvht
Giới thiệu một số kiến thức về cấu trúc đại số,
xây dựng tập số tự nhiên từ bản số tập hợp, xây dựng tập số hữu tỷ theo sơ đồ N
Q+ Q, xây dựng tập số thực dựa trên khái niệm số thập phân và vận dụng kiến thức
về các tập hợp số vào dạy học các tập hợp số ở tiểu học.
- Nhập môn lý thuyết xác suất và thống kê toán:
2 đvht
Giới thiệu một số kiến thức cơ sở của lý thuyết
xác suất (biến số ngẫu nhiên và định nghĩa xác suất, biến cố ngẫu nhiên độc lập,
xác suất điều kiện, công thức Becnuli; biến ngẫu nhiên và hàm phân phối); cơ sở
của thống kê toán; các phương pháp thống kê trong nghiên cứu khoa học giáo dục.
- Phương pháp dạy học toán: 6 đvht
Giới thiệu một số kiến thức về phương pháp dạy học
Toán ở tiểu học: những vấn đề chung về phương pháp dạy học Toán ở tiểu học
(khái niệm, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, sử dụng
thiết bị và hình thức tổ chức dạy học toán ở tiểu học); thực hành dạy học Toán ở
tiểu học (dạy các mạch kiến thức toán theo chương trình, sách giáo khoa tiểu học
hiện hành, tổ chức các hoạt động dạy học Toán, thiết kế bài giảng, kiểm tra
đánh giá việc học môn Toán ở tiểu học, giải toán ở tiểu học).
3.2.17. Thể dục và phương pháp dạy Thể dục: 9
đvht
- Thể dục, Nhảy dây: 2 đcht
Học phần cung cấp những kiến thức và kỹ năng cơ
bản về kỹ thuật ở các nội dung: đội hình đội ngũ, thể dục tay không, thể dục thực
dụng, thể dục với dụng cụ đơn giản, thể dục đồng diễn, nhảy dây.
- Điền kinh, Bơi lội, Đá cầu, Trò chơi vận động:
4 đvht
Giới thiệu một số kỹ thuật cơ bản (lý thuyết và
thực hành, các nội dung: đi, chạy thường, chạy cự ly ngắn, bật cao - nhảy xa, bật
xa - nhảy xa, chạy cự ly trung bình, chạy việt dã, ném bóng nhỏ, bơi lội và
cách cứu đuối (bơi trườn sấp, bơi ếch, bơi trườn ngửa, kỹ thuật xuất phát -
quay vòng).
- Phương pháp dạy học Thể dục ở tiểu học: 3 đvht
Giới thiệu một số kiến thức chung về phương pháp
dạy học Thể dục ở tiểu học (những vấn đề chung, nguyên tắc, phương tiện, các
phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra, các hình thức tổ chức dạy học thể
dục); phương pháp dạy học các môn Thể dục, Nhảy dây, Điền kinh, Đá cầu, Bơi lội,
Trò chơi vận động.
3.2.18. Âm nhạc và phương pháp dạy học Âm nhạc:
10 đvht
Giới thiệu những kiến thức sơ giản về nhạc lý phổ
thông cao độ âm thanh, trường độ âm thanh, nhịp, phách, các loại nhịp, dấu hoá,
hoá biểu, cung, quãng, điệu thức, gam, giọng, dịch giọng, hợp âm, sơ lược về
hình thức và thể loại âm nhạc, các ký hiệu.
- Tập đọc nhạc: 2 đvht
Học phần rèn luyện cho sinh viên đọc các bản nhạc
từ không dấu hoá đến dấu hoá ở 2 dạng tự nhiên và hoà thanh với các loại nhịp
đơn, nhịp phức; đọc một số dạng tiết tấu cơ bản của phách phân 2 và phách phân
3 với các trường độ không quá nốt móc kép, chùm 3, sử dụng dạng đảo phách cân,
không cân trong ô nhịp và qua ô nhịp; ứng dụng đọc các bài hát trong chương
trình Âm nhạc ở trường tiểu học.
- Học hát: 2 đvht
Giới thiệu một số khái niệm về ca hát (sơ lược bộ
máy phát âm, hơi thở - hơi thở ca hát, bài tập luyện thanh, tư thế ca hát thông
thường); động tác giữ nhịp, dàn dựng bài hát; học các bài hát trong chương
trình tiểu học mới.
- Nhạc cụ: 2 đvht
Giới thiệu sơ lược về đàn phím điện tử (cấu trúc
cơ bản, nhận biết các nốt trên phím đàn, chức năng và cách sử dụng, bảo quản
đàn và tư thế tập); luyện các gam; bước đầu tập sử dụng một số nhạc cụ để phục
vụ cho dạy học.
- Phương pháp dạy học Âm nhạc: 2 đvht
Giới thiệu một số vấn đề chung về vai trò của âm
nhạc, đặc điểm và khả năng tiếp thu âm nhạc của học sinh tiểu học; giới thiệu chương
trình, sách giáo khoa âm nhạc ở trường tiểu học; phương pháp dạy học hát, nghe
nhạc, tập đọc nhạc, cách thiết kế bài học Âm nhạc và vận dụng vào việc dạy học
âm nhạc theo chương trình, sách giáo khoa mới ở tiểu học.
3.2.19. Mỹ thuật và phương pháp dạy học Mỹ thuật:
10 đvht
- Vẽ theo mẫu: 2 đvht
Luyện tập khả năng quan sát, nhận xét các mẫu vật
có thực trước mắt và một vài kỹ năng vẽ các mẫu vật thể hiện thông qua cấu
trúc, hình thể, tỷ lệ, các tương quan đậm nhạt, sán tối, mầu sắc của vật mẫu
trên mặt phẳng để thể hiện không gian hai chiều.
- Vẽ trang trí: 2 đvht
Giới thiệu một số kiến thức chung về trang trí
và mầu sắc (chép và cách điệu hoa lá, côn trùng thành các hoạ tiết trang trí),
áp dụng vào các bài trang trí cơ bản (hình vuông, hình tròn, đường diềm); chép
và thể hiện các hoạ tiết trang trí trong vốn cổ dân tộc.
- Vẽ tranh, nặn, tạo dáng: 3 đvht
Giới thiệu một số kiến thức cơ bản về vẽ tranh,
tập nặn và tạo dáng (khái niệm, vai trò, một số phương pháp thể hiện, một số thể
loại trang, tượng; giới thiệu sơ lược khái niệm về bố cục tranh và điêu khắc
trong Mỹ thuật; một số hình thức bố cục tranh và thể loại của điêu khắc; hướng
dẫn phương pháp thực hành thông qua các bài ứng dụng để sinh viên thực hiện loại
bài tập có tính sáng tạo.
- Phương pháp dạy học Mỹ thuật: 3 đvht
Giới thiệu chương trình, sách giáo khoa Mỹ thuật
ở tiểu học; tiếp cận, làm quen với phương pháp giới thiệu, phân tích tác phẩm Mỹ
thuật cổ và dân gian Việt Nam; một số hoạ sĩ hiện đại tiêu biểu của nghệ thuật
cách mạng Việt Nam cùng các tác phẩm của họ; giới thiệu tranh thiếu nhi; giới
thiệu một sô vấn đề chung về phương pháp dạy học Mỹ thuật ở trường Tiểu học;
các phương pháp dạy học Mỹ thuật, thiết kế bài dạy theo các phân môn Mỹ thuật ở
tiểu học.
3.2.20. Thủ công - Kỹ thuật và phương pháp dạy học
Thủ công, Kỹ thuật: 6 đvht
- Thủ công - Kỹ thuật: 4 đvht
Giới thiệu một số kiến thức về kỹ thuật tạo hình
bằng giấy, bìa (xé dán hình, gấp hình, cắt dán giấy, phối hợp gấp, cắt dán giấy,
đan nan bằng giấy bìa, làm đồ chơi bằng vật liệu dễ kiếm); kỹ thuật phục vụ (cắt,
khâu, thêu và nấu ăn đơn giản); kỹ thuật trồng cây và chăn nuôi; lắp ghép mô
hình kỹ thuật (cơ, điện).
- Phương pháp dạy học Thủ công, Kỹ thuật: 2 đvht
Giới thiệu chung phần phương pháp dạy học Thủ
công, Kỹ thuật ở trường tiểu học; mục tiêu, nội dung chương trình Thủ công - Kỹ
thuật ở tiểu học, phương pháp dạy học Thủ công, Kỹ thuật ở tiểu học; đánh giá kết
quả học tập Thủ công, Kỹ thuật ở tiểu học; một số bài tập thực hành (thiết kế kế
hoạch bài học, tổ chức dạy học theo chương trình, sách giáo khoa ở tiểu học).
3.2.21. Tự nhiên - Xã hội và phương pháp dạy học
Tự nhiên - Xã hội: 10 đvht
- Cơ sở tự nhiên - Xã hội: 4 đvht
Giới thiệu một số kiến thức cơ bản về sinh học,
vật lý, hoá học, lịch sử, địa lý và về cuộc sống xã hội hiện tại làm cơ sở để dạy
các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở tiểu học.
- Phương pháp dạy học Tự nhiên - Xã hội: 6 đvht
Giới thiệu những kiến thức và kỹ năng giúp sinh
viên có thể tổ chức tốt quá trình dạy học các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học,
Lịch sử và Địa lý ở tiểu học như: chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên;
một số phương pháp dạy học đặc trưng của môn học; cách thiết kế kế hoạch dạy học
theo bài học; cách đánh giá kết quả học tập của học sinh.
3.2.22. Giáo dục môi trường ở tiểu học: 2 đvht
Giới thiệu những kiến thức như: một số khái niệm
môi trường, sinh quyển; các môi trường sống chính; nguồn năng lượng, nguồn nước
và nguồn khoáng; tác động gây ô nhiễm môi trường của con người; bảo vệ và phát
triển bền vững môi trường; giáo dục bảo vệ và phát triển bền vững môi trường
trong nhà trường và trong cộng đồng (phòng chống HIV/AIDS, giáo dục dân số và kế
hoạch hoá gia đình, giáo dục sức khoẻ sinh sản, giáo dục phòng chống ma tuý, an
toàn giao thông); Luật Bảo vệ môi trường.
3.2.23. Phương pháp tổ chức công tác Đội Thiếu
niên Tiền phong Hồ Chí Minh: 2 đvht
Giới thiệu một số kiến thức cơ bản về nội dung
lý luận về công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (mục đích, tính chất,
vị trí, vai trò và nhiệm vụ của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, tổ chức
Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh); nguyên tắc, nội dung và phương pháp
công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; phụ trách Đội Thiếu niên Tiền
phong Hồ Chí Minh trong trường tiểu học, công tác Nhi đồng ở trường tiểu học.
3.2.24. Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường
xuyên: 6 đvht
Nội dung gồm: kiến thức rèn luyện kỹ năng nghiệp
vụ sư phạm thường xuyên (mục đích, nguyên tắc và chương trình); hệ thống kỹ
năng nghiệp vụ sư phạm; hình thức tổ chức và phương pháp, kỹ thuật rèn luyện kỹ
năng nghiệp vụ sư phạm; các hoạt động rèn luyện kỹ năng dạy các môn học, tổ chức
giáo dục, nghiên cứu khoa học giáo dục; tổng kết đánh giá thực hành sư phạm thường
xuyên.
3.2.25. Thực tập sư phạm I: 3 đvht
Nội dung bao gồm: các hoạt động về tìm hiểu thực
tế giáo dục ở các địa phương; kiến tập việc dạy các môn học (quan sát các giờ dạy
mẫu của giáo viên, tham gia và quan sát các hoạt động chuẩn bị dạy các tiết học,
đánh giá kết quả học tập, tham gia và quan sát việc tổ chức cho học sinh tự học,
học nhóm, rút kinh nghiệm các giờ đã dự, các hoạt động giáo dục đã tham quan và
quan sát); kiến tập các hoạt động giáo dục (quan sát các buổi sinh hoạt tập thể,
quan sát các hoạt động giáo dục, quan sát các hoạt động ngoài giờ lên lớp, làm
bài tập thu hoạch); thực tập một số tiết và điều khiển một số sinh hoạt tập thể
hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp; tổng kết đánh giá kiến thức sư phạm.
3.2.26. Thực tập sư phạm II: 7 đvht
Nội dung bao gồm các hoạt động thực tập dạy học
và giáo dục ở tiểu học như sau: chuẩn bị thực tập sư phạm; lập kế hoạch thực tập
dạy học và giáo dục; tổ chức cho sinh viên tìm hiểu thực tế giáo dục, nghiên cứu
khoa học giáo dục, chuẩn bị bài dạy, thiết kế các hoạt động giáo dục; thực hiện
việc dự giờ, quan sát các hoạt động giáo dục do giáo viên thực hiện, rút kinh
nghiệm giờ dạy và các hoạt động giáo dục.
Học phần này còn bao gồm các hoạt động lên lớp dạy
học và rút kinh nghiệm các giờ dạy; tổ chức các hoạt động giáo dục và rút kinh
nghiệm các hoạt động đã thực hiện; hoàn thành bài tập nghiên cứu khoa học giáo
dục; tổng kết đánh giá thực tập sư phạm.
3.2.27. Thực hành công tác Đội và Sao nhi đồng:
1 đvht
Nội dung bao gồm các hoạt động về thực hành nghi
thức Đội; thực hành mô hình hoạt động Đội (cắm trại, trò chơi, múa hát thiếu
nhi, kể chuyện, diễn truyện thiếu nhi); thực hành các mô hình sinh hoạt Sao nhi
đồng.
Học phần này giúp cho sinh viên rèn luyện và
hoàn thiện kỹ năng thực hiện, tổ chức các hoạt động Đội và Sao nhi đồng.
3.2.28. Thực hành tổ chức các hoạt động giáo dục
ngoài giờ lên lớp: 2 đvht
Học phần cung cấp một số kiến thức như: ý nghĩa,
vai trò của việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp ở tiểu học; rèn luyện
các kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục ngoài lớp cho học sinh tiểu học.
4. Hướng dẫn sử dụng chương
trình khung ngành Giáo dục tiểu học trình độ cao đẳng để thiết kế chương trình
đào tạo cụ thể
Chương trình khung giáo dục đại học là cơ sở
giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng của quá trình đào tạo đại học và
cao đẳng, do đó được quy định bắt buộc cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học có
đào tạo trình độ đại học và cao đẳng.
4.1. Chương trình khung trình
độ cao đẳng ngành Giáo dục tiểu học được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc
phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục
các học phần (môn học) và khối lượng của chúng được đưa ra tại mục 3 chỉ là những
quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng
và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 1 và 2, các trường bổ sung những học phần
cần thiết để xây dựng thành chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng
khối lượng kiến thức không dưới 168 đvht (không kể các nội dung về Giáo dục Thể
chất và Giáo dục Quốc phòng).
4.2. Quán triệt các định hướng
đổi mới chương trình đào tạo
4.2.1. Chương trình khung này được biên soạn có
nội dung rộng so với các chương trình cao đẳng sư phạm tiểu học trước đây, phản
ánh mối quan hệ tương tác giữa các thành tố của quá trình đào tạo: mục tiêu, nội
dung, phương pháp, phương tiện, tổ chức, đánh giá, trong đó mối quan hệ giữa mục
tiêu - nội dung - phương pháp là cốt lõi. Lấy đổi mới phương pháp đào tạo làm
trọng tâm, chương trình tạo ra sự chuyển biến cơ bản về chất lượng đào tạo.
4.2.2. Về mục tiêu đào tạo
- Mục tiêu của chương trình này nhằm đảm bảo cho
sinh viên tốt nghiệp dạy được, tiến tới dạy tốt theo các chương trình và sách
giáo khoa tiểu học hiện hành.
- Chương trình đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp
có tiềm lực đáp ứng những yêu cầu mới của Giáo dục tiểu học trong thời kỳ công
nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
- Chương trình cũng đảm bảo cho sinh viên có các
năng lực dạy lớp ghép, dạy trẻ khuyết tật theo hướng hoà nhập, dạy chữ dân tộc...
ở những địa phương có nhu cầu và có đủ điều kiện.
4.2.3. Về nội dung đào tạo: Chương trình Cao đẳng
Sư phạm tiểu học cần phải:
- Chú trọng rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức
nhà giáo, mỗi giáo viên trước hết phải là một nhà giáo dục, là một tấm gương
cho học sinh.
- Tập trung vào việc đào tạo các năng lực của
người giáo viên (không chỉ chăm lo đào tạo về kiến thức). Nội dung đào tạo được
thiết kế theo các hoạt động học tập, đảm bảo cho sinh viên được rèn luyện theo
các nhóm năng lực, được tập dượt xử lý những tình huống phổ biến sẽ gặp trong
thực tiễn giáo dục ở trường tiểu học để sau khi ra trường sớm thích ứng với môi
trường nghề nghiệp.
- Hình thành ở sinh viên các năng lực cơ bản như
sau:
+ Năng lực chẩn đoán nhu cầu và đặc điểm đối tượng
giáo dục.
+ Năng lực thiết kế kế hoạch giáo dục, hướng dẫn
học sinh tự xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với nhu cầu, khả năng và hoàn cảnh
của mình.
+ Năng lực tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục,
tích hợp các nội dung, phát triển các phương pháp học tập tích cực, giao tiếp,
hợp tác với các lực lượng trong và ngoài nhà trường để làm giáo dục.
+ Năng lực giám sát, đánh giá kết quả hoạt động
giáo dục và phát triển khả năng tự đánh giá của học sinh.
+ Năng lực giải quyết những vấn đề nảy sinh
trong thực tiễn giáo dục và năng lực học tập, vận dụng, đúc kết kinh nghiệm,
không ngừng tự hoàn thiện.
+ Năng lực giao tiếp sư phạm.
- Năng lực được hình thành, bộc lộ trong hoạt động
và gắn với một số kỹ năng tương ứng. Vì vậy, để tăng cường rèn luyện các năng lực,
chương trình đào tạo cần giải quyết hợp lý tương quan giữa kiến thức lý thuyết
với thực hành, thực tập sư phạm và thực hành tại trường phổ thông.
- Cần bổ sung vào chương trình một số nội dung về
cách dạy phương pháp học, cách tổ chức, chỉ đạo hoạt động cho học sinh tiểu học.
4.2.4. Về phương pháp và tổ chức đào tạo
Trong quá trình đào tạo ở trường sư phạm, sinh
viên phải được hướng dẫn, rèn luyện phát triển phương pháp, kỹ năng, thói quen
học tập tích cực, chủ động, sáng tạo và tự học để khi ra trường họ có thể thực
hiện cách dạy phương pháp học.
Tuỳ hoàn cảnh và điều kiện, các trường Cao đẳng
sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học nên từng bước áp dụng những đổi mới quá
trình đào tạo như:
- Công khai hoá mục tiêu, nội dung, kế hoạch,
quy trình đào tạo. Đa dạng hoá hình thức tổ chức dạy học theo hướng tích cực
hoá hoạt động học tập của sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên tự học tập, tự
nghiên cứu. Nâng cao chất lượng xêmina, tăng cường các bài tập tình huống sư phạm.
- Sử dụng ngày càng rộng rãi các phương tiện
nghe nhìn và công nghệ thông tin (camera, video, tivi, máy vi tính...) vào quá
trình đào tạo. Phát triển dạy học vi mô trong các môn giáo dục học, tâm lý học,
phương pháp dạy học để nâng cao hiệu quả đào tạo các năng lực nghiệp vụ sư phạm.
- Tổ chức đào tạo theo kiểu môđun hoá; mỗi môđun
bao gồm những nội dung liên quan với nhau làm thành một khối tri thức kỹ năng
trọn vẹn, thực hiện một phần mục tiêu đào tạo, Các mô đun kiến thức trong chương
trình đào tạo giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng cũng cần được xây dựng để tạo
nên cơ chế liên thông với các chương trình đào tạo giáo viên tiểu học ở các
trình độ trung học và đại học.
4.2.5. Về đánh giá sản phẩm đào tạo
Chương trình yêu cầu công khai hoá, khách quan
hoá quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập rèn luyện của sinh viên, chú ý
khuyến khích tư duy sáng tạo và khả năng vận dụng linh hoạt kiến thức đã học,
chuyển dần từ đánh giá về kiến thức là chủ yếu sang đánh giá các năng lực. Nâng
cao chất lượng sử dụng các phương pháp kiểm tra truyền thống, phát triển các phương
pháp trắc nghiệm khách quan, phát triển năng lực tự đánh giá và đánh giá lẫn
nhau của sinh viên.
Các trường sư phạm cần tăng cường sử dụng các
phương tiện công nghệ thông tin để việc đánh giá hiệu quả trong của quá trình
đào tạo, đồng thời quan tâm hơn đến việc đánh giá hiệu quả ngoài của công tác
đào tạo ở đơn vị mình.
4.3. Cấu trúc chương trình
Cao đẳng sư phạm ngành Giáo dục tiểu học
Chương trình đào tạo giáo viên tiểu học trình độ
Cao đẳng bao gồm hai khối kiến thức: khối kiến thức bắt buộc của chương trình
khung và khối kiến thức tự chọn:
4.3.1. Khối kiến thức bắt buộc: chiếm tỷ lệ lớn
(95,56%), nhằm tạo ra mặt bằng về trình độ của sinh viên trong cả nước. Các học
phần bắt buộc này do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong chương trình khung.
4.3.2. Khối kiến thức chuyên môn tự chọn: chiếm
ít nhất 4,44% tổng số khối lượng kiến thức trong chương trình. Gồm 9 đvht
- Chọn 1 trong 2 phương án sau:
Phương án thứ nhất
Dùng 9 đvht (gồm 3 học phần) để dạy kiến thức
chuyên sâu cho một trong hai môn: Tiếng Việt và phương pháp dạy học Tiếng Việt,
Toán và phương pháp dạy học Toán.
Phương án thứ 2
Dùng 6 đvht (gồm 2 học phần) để dạy kiến thức
chuyên sâu cho một trong các môn: Mỹ thuật và phương pháp dạy học Mỹ thuật, Âm
nhạc và phương pháp dạy học Thể dục, Tự nhiên - Xã hội và phương pháp dạy học Tự
nhiên - Xã hội, Thủ công - Kỹ thuật và phương pháp dạy học Thủ công, Kỹ thuật,
Đạo đức và phương pháp dạy học Đạo đức.
Dùng 3 đvht (gồm 1 học phần) để dạy theo một số
chuyên đề: dạy Tiếng Việt cho học sinh dân tộc, phương pháp dạy học sinh khuyết
tật, dạy học lớp ghép, sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở tiểu học...
-Về phương pháp phát triển các học phần tự chọn:
các học phần tự chọn do tổ bộ môn và các khoa xây dựng và được hội đồng khoa học
của trường thông qua. Hiệu trưởng công bố danh mục các học phần tự chọn ngay từ
đầu khoá học.
Sinh viên sẽ chọn một trong hai phương án trên
và đăng ký với khoa hoặc phòng đào tạo để nhà trường bố trí kế hoạch học tập và
phân công giảng viên giảng dạy.
Mỗi trường sẽ tự lựa chọn một trong hai phương
án đã nêu nhằm cá thể hoá trình độ và năng lực của sinh viên. Chương trình tự
chọn một mặt đào tạo điều kiện cho sinh viên có điều kiện rèn luyện năng lực
chuyên sâu một môn học mà họ có nhu cầu cần nâng cao, để khi ra trường họ có thể
đáp ứng yêu cầu phân công giảng dạy của các nhà trường và có điều kiện trở
thành nòng cốt ở môn học đó. Mặt khác chuẩn bị cho sinh viên năng lực dạy học với
các đối tượng học sinh đặc biệt như: học sinh người dân tộc, dạy lớp ghép và học
sinh khuyết tật...
Để có được đề cương chi tiết của từng học phần tự
chọn, các cơ sở đào tạo cần lưu ý:
- Khi xây dựng đề cương chi tiết của các học phần
tự chọn nên hướng vào một số nội dung gắn liền với đặc điểm của địa phương (với
môn Tiếng Việt có thể chọn các nội dung như bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tiếng
Việt, dạy Tiếng Việt cho học sinh dân tộc..., với môn dạy Tự nhiên - Xã hội có
thể chọn các nội dung giáo dục như phòng chống AIDS, phòng chống ma tuý...; với
môn Âm nhạc, có thể chọn các nội dung như tìm hiểu các nhạc cụ dân tộc ở địa
phương, tìm hiểu các bài hát dân ca, dân tộc hoặc các bài hát địa phương...; với
môn Thể dục, nên chọn các nội dung như ném còn, đá cầu, bơi lội...), gắn liền với
yêu cầu giáo dục tiểu học từng giai đoạn (như việc dạy học sinh khuyết tật theo
hướng hoà nhập, dạy lớp ghép).
- Xây dựng các tài liệu và chuẩn bị đội ngũ giảng
viên dạy học các môn tự chọn.
4.4. Chương trình được thực
hiện bằng nhiều hình thức tổ chức đào tạo. Các hình thức này cần hướng vào sự
phát triển năng lực tự học của các sinh viên, tập trung vào việc đào tạo các
năng lực sư phạm của người giáo viên. Tinh thần này phải được quán triệt trong
việc giảng dạy từng môn học và trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. ở mỗi học phần,
giảng viên cần giảng bớt giờ học diễn giảng và nên giới thiệu nội dung học phần,
hệ thống tài liệu và hướng dẫn để sinh viên tự nghiên cứu. Sau đó giảng viên tổ
chức các xêmina cả lớp hoặc theo nhóm để sinh viên trình bày kết quả thu được
trong quá trình nghiên cứu học phần. Trên cơ sở đó các giảng viên sẽ giúp sinh
viên giải đáp một số vấn đề khó và nêu các kết luận chính, đồng thời dành một
thời gian đáng kể theo tỷ lệ quy định của học phần cho tất cả các sinh viên thực
hành.
4.5. Chương trình thực hành
nghiệp vụ được bố trí ngay từ học kỳ I của năm thứ nhất và trong tất cả các học
kỳ của quá trình đào tạo. Mỗi học kỳ, chương trình quy định tập trung rèn luyện
một số kỹ năng sư phạm nhất định cho sinh viên.
4.6. Kiểm tra, đánh giá sinh
viên: Thực hiện kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo một cách thường xuyên,
toàn diện và bằng nhiều cách: vấn đáp, tự luận, trắc nghiệm khách quan, hoạt động
thực hành, hoạt động ngoại khoá.
4.7.Chương trình Cao đẳng sư phạm
ngành Giáo dục tiểu học được xây dựng liên thông với các chương trình Trung học
sư phạm và Đại học sư phạm. Các giáo viên đã tốt nghiệp chương trình trên được
học tiếp lên trình độ Đại học sư phạm bằng cách bổ sung một số nội dung kiến thức
trong chương trình liên thông tiếp theo. Các giáo viên tiểu học đã tốt nghiệp
Trung học sư phạm (hệ 12 + 2, 10 + 2 hoặc 9 + 3) cũng sẽ được học một chương
trình liên thông để đạt trình độ Cao đẳng sư phạm tiểu học./.