Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 14/2005/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Gia Khiêm
Ngày ban hành: 17/01/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 14/2005/QĐ-TTG NGÀY 17 THÁNG 10 NĂM 2005 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TƯ THỤC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao;
Căn cứ Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại tờ trình số 6800/ĐH&SĐH ngày 04 tháng 8 năm 2004 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định số 240/TTg ngày 24 tháng 5 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế đại học tư thục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn chi tiết thi hành Quy chế này.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TƯ THỤC
(Ban hành theo Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Quy chế này quy định việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của trường đại học tư thục.

Trường đại học tư thục do người có quốc tịch Việt Nam đề nghị thành lập và hoạt động theo Quy chế này, Điều lệ trường đại học và quy định của pháp luật.

Điều 2. Vị trí của trường đại học tư thục

1. Trường đại học tư thục có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại các ngân hàng, kho bạc nhà nước.

2. Trường đại học tư thục có địa vị pháp lý như các trường đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. “Góp vốn” là việc đưa tài sản vào nhà trường để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của nhà trường. Tài sản góp vốn có thể bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản khác được ghi trong Quy chế của trường. Tổng giá trị tài sản do các cá nhân đóng góp tạo thành vốn của trường.

2. “Phần vốn góp” là tỷ lệ vốn mà chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chung của nhà trường góp vào vốn điều lệ.

3. “Vốn điều lệ” là tổng giá trị số vốn góp quy thành tiền của tất cả thành viên, được ghi vào Quy chế tổ chức và hoạt đông của nhà trường.

4. “Vốn có quyền biểu quyết” là phần vốn góp, theo đó người sở hữu có quyền biểu quyết về những vấn đề thuộc đại hội đồng cổ đông quyết định.

5. “Thành viên sáng lập'' là người tham gia thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động đầu tiên của nhà trường và góp đủ số vốn cần thiết trong vốn điều lệ của trường đại học tư thục.

Điều 4. Quản lý nhà nước đối với trường đại học tư thục

1. Trường đại học tư thục chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi trường đặt trụ sở.

2. Cơ quan quản lý trực tiếp các trường đại học tư thục là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 5. Tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể

Tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam trong trường đại học tư thục hoạt động theo hiến pháp, pháp luật và các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội trong trường đại học tư thục hoạt động theo quy định của hiến pháp và pháp luật.

Điều 6. Nhiệm vụ của trường đại học tư thục

1. Đào tạo nhân lực có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, có năng lực sáng tạo, khả năng thích ứng với việc làm trong xã hội, có khả năng tự tạo việc làm cho mình và cho những người khác; có khả năng hợp tác trong hoạt động nghề nghiệp.

2. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất, dịch vụ khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giáo dục và các quy định khác của pháp luật.

3. Quản lý giảng viên, cán bộ, nhân viên; xây dựng đội ngũ giảng viên của trường đủ về số lượng, đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng, cân đối về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Tuyển sinh và quản lý người học theo quy định.

5. Phát hiện và bồi dưỡng nhân tài trong những người học và trong đội ngũ cán bộ giảng viên của trường.

6. Quản lý, sử dụng đất đai, trường sở, trang thiết bị và tài sản theo quy định của pháp luật.

7. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân và gia đình của người học trong hoạt động giáo dục.

8. Tổ chức cho giảng viên, cán bộ, nhân viên và người học tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với ngành nghề đào tạo.

9. Giữ gìn và phát triển những di sản văn hoá dân tộc.

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Quyền hạn và trách nhiệm của trường đại học tư thục

Trường đại học tư thục được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự. Cụ thể là:

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục và quy hoạch mạng lưới các trường đại học của Nhà nước.

2. Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, học tập đối với các ngành nghề nhà trường được phép đào tạo trên cơ sở chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; tổ chức tuyển sinh; tổ chức quá trình đào tạo, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục; hợp tác, liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hoá, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài theo quy định của luật pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất và việc làm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

4. Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao; sử dụng có hiệu quả kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ; đăng ký, tham gia tuyển chọn ký kết và thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ; góp phần xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

5. Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng và công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của trường.

6. Nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật để bổ sung nguồn tài chính cho nhà trường; góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất kinh doanh; sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh tế để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở vật chất của trường; tài trợ cho các hoạt động thực hiện chính sách ưu đãi đối với con, em gia đình thuộc diện chính sách, các hoạt động xã hội nhân đạo và từ thiện.

7. Được Nhà nước giao quyền sử dụng đất; được thuê đất, vay vốn và được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.

8. Tổ chức bộ máy nhà trường, tuyển dụng đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên; thành lập và giải thể các tổ chức khoa học và công nghệ, các đơn vị dịch vụ và các doanh nghiệp của trường theo quy định của pháp luật.

9. Thực hiện dân chủ, bình đẳng, công khai, trong việc bố trí và thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, khoa học, công nghệ và hoạt động tài chính.

10. Thực hiện chế độ báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp và các cơ quan cấp trên về các hoạt động của trường theo quy định hiện hành.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC TƯ THỤC

Điều 8. Trình tự thành lập trường

Việc thành lập trường được tiến hành theo hai bước:

1. Bước thứ nhất: xây dựng và thông qua đề án tiền khả thi.

a) Người đứng tên đề nghị thành lập trường phải có hồ sơ thành lập trường theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy chế này và nộp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm kiểm tra về tính hợp lệ của hồ sơ thành lập trường, căn cứ vào quy hoạch phát triển mạng lưới trường đại học và nội dung hồ sơ để xem xét và trong thời hạn không quá 02 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ phải trả lời cho người đứng tên đề nghị thành lập trường. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể để người đứng tên đề nghị thành lập trường hoàn chỉnh hồ sơ.

2. Bước thứ 2: xây dựng và thẩm định dự án khả thi.

a) Việc xây dựng dự án khả thi được tiến hành sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua đề án tiền khả thi và chủ trương cho phép thành lập trường. Nội dung của dự án khả thi phải thuyết minh rõ ràng những vấn đề quy định tại khoản 2 Điều 9 của Quy chế này và nộp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở, tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Sau khi có quyết định thành lập trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện:

a) Công nhận Chủ tịch Hội đồng quản trị trên cơ sở đề nghị của người đứng tên đại diện cho những người đề nghị thành lập trường;

b) Công nhận Hiệu trưởng trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị.

c) Phê duyệt ngành nghề, quy mô tuyển sinh và cho phép tuyển sinh.

4. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng căn cứ chức năng nhiệm vụ được quy định tại Quy chế này để điều hành nhà trường.

Điều 9. Hồ sơ thành lập trường

1. Hồ sơ đề án tiền khả thi bao gồm:

a) Đơn xin thành lập trường;

b) Đề án tiền khả thi thành lập trường;

c) Văn bản chấp thuận của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi trường đặt trụ sở.

Trong đơn xin thành lập trường phải thuyết minh tóm tắt về sự cần thiết phải thành lập trường, căn cứ pháp lý của việc thành lập, tôn chỉ mục đích của nhà trường, tên trường, nơi đặt trụ sở của trường, dự kiến ngành nghề, quy mô đào tạo 5 năm đầu và 5 năm tiếp theo, dự kiến về nguồn vốn.

2. Hồ sơ dự án khả thi bao gồm:

a) Ngoài những nội dung được đề cập trong đề án tiền khả thi, dự án khả thi phải căn cứ vào quy mô được duyệt trong đề án tiền khả thi và căn cứ vào các quy định về điều kiện thành lập trường tại Điều 10 của Quy chế này để xây dựng các giải pháp thực hiện dự án, trong đó đặc biệt làm rõ cơ cấu ngành nghề dự định đào tạo trong 10 năm đầu tiên, chương trình khung các ngành đào tạo, các giải pháp về giảng viên; giải pháp về đất đai và xây dựng cơ sở vật chất; giải pháp về vốn;

b) Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Nội dung Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phải căn cứ vào các quy định chung đã được quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đặc biệt làm rõ vốn điều lệ, tổ chức và nhân sự, tài chính được quy định tại Điều 11 và các điều có liên quan khác tại các Chương II, III, VI của Quy chế này.

Điều 10. Điều kiện thành lập trường đại học tư thục

1. Trường đại học tư thục được xét thành lập khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 46 Luật Giáo dục, Điều lệ trường đại học và Quy chế này.

2. Việc thành lập trường đại học tư thục phải phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới trường đại học; mục tiêu, nội dung, chương trình, ngành nghề đào tạo, quy mô phát triển nhà trường phải phù hợp nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

3. Đội ngũ giảng viên cơ hữu phải bảo đảm thực hiện không dưới 30% khối lượng giảng dạy các môn học của trường. Các trưởng khoa của trường phải là giáo viên cơ hữu;

Tùy từng ngành nghề đào tạo, khi mới thành lập trường phải đảm bảo tỷ lệ từ 5 đến 10 sinh viên/1 giảng viên đối với các ngành năng khiếu; từ 10 đến 15 sinh viên/1 giảng viên đối với các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ; từ 20 đến 30 sinh viên/1 giảng viên đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế và các ngành khác.

Điều 11. Vốn thành lập trường

1. Vốn điều lệ là số vốn do cá nhân hoặc nhóm cá nhân đóng góp và được ghi vào điều lệ tổ chức và hoạt động của nhà trường. Vốn điều lệ được xác định bao gồm vốn bằng tiền (tiền Việt Nam hay ngoại tệ tự do chuyển đổi), vàng hoặc vốn bằng tài sản và không ít hơn 15 tỷ đồng Việt Nam.

2. Vốn điều lệ và các nguồn đầu tư hợp pháp khác tại thời điểm thành lập trường phải bảo đảm điều kiện cần thiết cho nhà trường đi vào hoạt động, trong đó vốn dưới dạng diện tích mặt bằng sử dụng cho hoạt động đào tạo thoả mãn:

- Diện tích lớp học, phòng thí nghiệm, ký túc xá và các công trình phục vụ đào tạo nghiên cứu tối thiểu cho một sinh viên là 4 m 2;

- Diện tích đất tối thiểu cho một sinh viên là 10 m2.

3. Vốn bằng tiền, ngoại tệ tự do chuyển đổi hay bằng vàng khi góp vốn phải được thực hiện bằng biên bản góp vốn. Biên bản này phải có các nội dung chủ yếu bao gồm: tên và địa chỉ trụ sở của nhà trường; tên và địa chỉ của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị các tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của nhà trường; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn và người được các thành viên góp vốn cử làm đại diện chịu trách nhiệm trước pháp luật đứng tên xin thành lập trường.

4. Vốn bằng tài sản trước khi chuyển quyền sở hữu cho nhà trường phải được định giá tài sản. Việc định giá tài sản phải được tất cả các thành viên góp vốn nhất trí. Việc chuyển quyền sở hữu vốn bằng tiền, vàng hoặc tài sản chỉ được coi là hoàn thành khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang nhà trường.

5. Đối với tài sản có đăng ký giá trị hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho nhà trường tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu tài sản phải được hoàn thành trước khi nhà trường chính thức hoạt động.

Điều 12. Thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động và giải thể trường

1. Việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động, giải thể trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động và giải thể trường đại học tư thục thực hiện theo quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều 20, Điều 21 và Điều 22 Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luât Giáo dục; các Điều 8, 9, 10, 11, 12 và Điều 37 của Quy chế này.

Điều 13. Chuyển đổi loại hình trường đại học khác sang loại hình trường đại học tư thục

Các trường đại học công lập, bán công, dân lập được chuyển đổi thành loại hình trường đại học tư thục khi có các điều kiện sau đây:

1. Đối với trường đại học công lập và bán công: căn cứ quy hoạch mạng lưới trường đại học của Nhà nước, kế hoạch chuyển đổi trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề nghị của cơ quan quản lý trực tiếp trường, Hội đồng quản trị (nếu có);

2. Đối với trường dân lập: được Hội đồng quản trị, cơ quan quản lý trực tiếp trường và tổ chức đứng ra xin thành lập trường đề nghị chuyển đổi.

3. Có phương án, chuyển đổi trường, trong đó xác định cụ thể cách xử lý về tài chính, tài sản, cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên.

4. Hồ sơ và trình tự chuyển đổi trường phù hợp với những quy định tại các Điều 8, 9, 10 và Điều 11 của Quy chế này.

5. Sau khi thẩm định hồ sơ chuyển đổi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng quy định và quy trình cụ thể cho việc chuyển các loại hình trường đại học chuyển sang hoạt động theo mô hình trường đại học tư thục.

Chương 3:

TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ

Điều 14. Cơ cấu tổ chức

Trường đại học tư thục tổ chức quản lý bảo đảm các yêu cầu về cơ cấu tổ chức quy định trong Điều lệ trường đại học và phù hợp với điều kiện, quy mô của trường.

Cơ cấu tổ chức của trường đại học tư thục bao gồm:

1. Hội đồng quản trị.

2. Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng.

3. Ban Kiểm soát.

4. Hội đồng khoa học và đào tạo.

5. Các phòng (ban) chuyên môn.

6. Các khoa và bộ môn trực thuộc trường.

7. Các bộ môn thuộc khoa. Một số trường đại học tư thục có thể chỉ có các khoa hoặc bộ môn trực thuộc.

8. Các tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ sở phục vụ đào tạo và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong trường đại học.

9. Tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể.

Điều 15. Đại hội đồng cổ đông

1. Đại hội đồng cổ đông gồm các cổ đông có vốn góp có quyền biểu quyết.

2. Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nhiệm vụ sau:

a) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban Kiểm soát của trường; giải quyết các yêu cầu đột xuất về việc bổ sung, thay đổi thành viên Hội đồng quản trị trong nhiệm kỳ và đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận;

b) Thông qua báo cáo tài chính hàng năm;

c) Thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của trường;

d) Xác định mục tiêu, phương hướng xây dựng kế hoạch phát triển trường; xem xét điều chỉnh ngành nghề, trình độ, quy mô đào tạo, định hướng hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển trường;

đ) Các quyền và nhiệm vụ khác được quy định tại quy chế tổ chức hoạt động của trường.

3. Đại hội đồng cổ đông được triệu tập họp theo quyết định của Hội đồng quản trị hoặc theo yêu cầu của các cổ đông có sở hữu trên 30% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục 6 tháng trở lên; trong trường hợp Hội đồng quản trị có vi phạm nghiêm trọng và trong một số trường hợp khác theo quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường thì Ban Kiểm soát được quyền thông báo cho Hội đồng quản trị và triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường. Mọi chi phí cho việc triệu tập và tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông sẽ tính vào kinh phí hoạt động của nhà trường.

4. Đại hội đồng cổ đông thường niên họp mỗi năm một lần.

5. Người triệu tập Đại hội đồng cổ đông phải gửi giấy mời họp, chương trình họp và các tài liệu thảo luận đến tất cả cổ đông có quyền dự họp chậm nhất là 7 ngày trước ngày họp.

6. Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% số vốn có quyền biểu quyết. Tỷ lệ cụ thể do Quy chế tổ chức hoạt động của trường quy định.

7. Các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được ghi vào sổ biên bản của trường và thông qua ngay trước khi bế mạc; việc thông qua các quyết định của Đại hội đồng cổ đông bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp và có hiệu lực khi có số cổ đông chiếm quá nửa số vốn có quyền biểu quyết nhất trí. Biên bản phải có chữ ký của người chủ trì và thư ký cuộc họp.

Điều 16. Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý của trường và là tổ chức đại diện duy nhất quyền sở hữu của trường, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết nghị của Đại hội đồng cổ đông và có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường theo quy định.

2. Các thành viên của Hội đồng quản trị là cổ đông, có quốc tịch Việt Nam, có sức khoẻ và được bầu ra trong Đại hội đồng cổ đông.

3. Số lượng thành viên của Hội đồng quản trị có thể thay đổi tuỳ theo số lượng cổ đông nhưng tối thiểu là 3 người và không quá 11 người. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị do Quy chế tổ chức và hoạt động của trường quy định.

4. Hội đồng quản trị nhiệm kỳ đầu tiên do các thành viên sáng lập trường tổ chức bầu theo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Từ nhiệm kỳ thứ hai, 3 tháng trước khi hết nhiệm kỳ, Hội đồng quản trị tổ chức Đại hội đồng cổ đông để bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ kế tiếp theo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Quyết nghị của việc bầu cử và bỏ phiếu chỉ có hiệu lực khi có quá nửa số cổ phiếu có quyền biểu quyết nhất trí.

5. Hội đồng quản trị họp thường kỳ ba tháng một lần. Các cuộc họp bất thường do Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định khi có ít nhất 1/3 số thành viên Hội đồng quản trị đề nghị. Nghị quyết của Hội đồng quản trị xây dựng theo nguyên tắc: mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết và chỉ có hiệu lực khi được quá nửa số thành viên Hội đồng quản trị nhất trí. Trường hợp số phiếu tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị.

6. Trong nhiệm kỳ, nếu có yêu cầu bổ sung, thay đổi thành viên Hội đồng quản trị phải thông qua Đại hội đồng cổ đông theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và có hiệu lực khi có số cổ đông chiếm quá nửa số vốn có quyền biểu quyết nhất trí.

7. Trong quá trình hoạt động, nếu Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng Quy chế này và pháp luật, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định không công nhận Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm, đồng thời lập Hội đồng quản trị lâm thời và cử Chủ tịch Hội đồng quản trị lâm thời trong số các cổ đông để tiếp tục quản lý, điều hành các hoạt động của trường. Thời hạn hoạt động của Hội đồng quản trị lâm thời không quá 6 tháng. Chủ tịch Hội đồng quản trị lâm thời có nhiệm vụ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu Hội đồng quản trị mới và trình Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

8. Miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị

a) Thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ trong các trường hợp sau đây:

- Vi phạm pháp luật;

- Bị chết hoặc bị hạn chế năng lực, hành vi dân sự;

- Tự nguyện từ chức;

- Các trường hợp khác do Quy chế tổ chức và hoạt động của trường quy định;

b) Thành viên Hội đồng quản trị bị bãi nhiệm theo quy định của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

c) Trường hợp số thành viên của Hội đồng quản trị bị giảm quá 1/3 so với số lượng quy định của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ khi số thành viên của Hội đồng quản trị giảm quá quy định nêu trên để bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị.

Điều 17. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, thông qua Đại hội đồng cổ đông.

2. Xây dựng và quy định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức thu, chi tài chính của trường theo quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính.

3. Thực hiện quyết nghị của Đại hội đồng cổ đông. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng trường, phê duyệt các dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm do Hiệu trưởng trình; giám sát việc quản lý sử dụng tài chính và tài sản của nhà trường.

4. Chọn người giữ chức vụ Hiệu trưởng và trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận.

5. Phê duyệt phương án tổ chức bộ máy, biên chế và các vấn đề có liên quan đến nhân sự của trường do Hiệu trưởng đề xuất.

6. Quyết định những nguyên tắc cơ bản để giải quyết các vấn đề về đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, xây dựng cơ sở vật chất và công tác đối ngoại của trường.

7. Giám sát Hiệu trưởng trong việc chấp hành các quy định pháp luật và các quyết nghị của Hội đồng quản trị.

Điều 18. Ban Kiểm soát

1. Trường đại học tư thục có Ban Kiểm soát.

Ban Kiểm soát có từ 3 đến 5 thành viên do Đại hội đồng cổ đông bầu ra, trong đó có ít nhất một thành viên có chuyên môn về kế toán.

Thành viên của Ban Kiểm soát phải là người có cổ phần và quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phạt tù và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Những người trong Ban Kiểm soát không được là thành viên Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Kế toán trưởng; đồng thời không phải là cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ của thành viên Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Kế toán trưởng của nhà trường.

2. Ban Kiểm soát có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra các hoạt động của nhà trường.

3. Ban Kiểm soát bầu một thành viên làm Trưởng ban; nhiệm kỳ của Ban Kiểm soát cùng với nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị.

Điều 19. Quyền và nhiệm vụ của Ban Kiểm soát

Ban Kiểm soát có các quyền và nhiệm vụ sau:

1. Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp trong quản lý điều hành các hoạt động của trường, trong ghi chép sổ kế toán và báo cáo tài chính;

2. Thẩm định báo cáo tài chính hàng năm của trường; kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của trường;

3. Định kỳ thông báo với Chủ tịch Hội đồng quản trị về kết quả hoạt động; tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị về các báo cáo, kết luận và kiến nghị trước khi trình lên Đại hội đồng cổ đông.

4. Báo cáo tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông về các hoạt động của nhà trường.

5. Kiến nghị biện pháp bổ sung, sửa đổi, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của trường;

6. Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Quy chế này và Quy chế tổ chức và hoạt động của trường;

7. Việc kiểm soát theo quy định tại các khoản 1 và 2 của Điều này không được gây cản trở các hoạt động của Hội đồng quản trị và không gây gián đoạn các hoạt động của trường.

8. Chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên cơ hữu của trường về các nội dung trong báo cáo và các hoạt động của mình;

9. Được yêu cầu Hội đồng quản trị, thành viên của Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, các cán bộ quản lý khác cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin, tài liệu về các hoạt động của nhà trường khi thực thi nhiệm vụ.

Điều 20. Chủ tịch Hội đồng quản trị

1. Chủ tịch Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu trong số thành viên Hội đồng quản trị và được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm nhiệm Hiệu trưởng khi có đủ các tiêu chuẩn quy định đối với Hiệu trưởng.

2. Chủ tịch Hội đồng quản trị phải có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên.

3. Chủ tịch Hội đồng quản trị có những quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị;

b) Chủ trì chuẩn bị chương trình, nội dung các tài liệu phục vụ cuộc họp, triệu tập và chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị;

c) Tổ chức việc thông qua quyết nghị của Hội đồng quản trị;

d) Chỉ đạo việc thực hiện các quyết nghị của Hội đồng quản trị sau khi được thông qua;

đ) Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của Quy chế này và Quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

4. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt phải ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (nếu có) hoặc cho một thành viên thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị bằng văn bản.

Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị không còn khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc không có người được uỷ quyền thì Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (nếu có) hoặc Hiệu trưởng đứng ra tổ chức bầu một người trong số các thành viên còn lại giữ chức Quyền Chủ tịch theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và có hiệu lực khi có quá nửa số thành viên Hội đồng quản trị nhất trí. Kết quả bầu được báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để Bộ công nhận. Thời gian được uỷ quyền hoặc tạm giữ chức Quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị không quá 6 tháng, kể từ ngày được công nhận.

5. Chủ tịch Hội đồng quản trị được quyền sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của trường để hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản trị. Các văn bản, quyết định của Hội đồng quản trị do Chủ tịch Hội đồng quản trị ký.

6. Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện trước pháp luật về mọi hoạt động của trường đại học tư thục.

Điều 21. Hiệu trưởng

1. Hiệu trưởng trường đại học tư thục có chức danh từ Phó Giáo sư hoặc học vị Tiến sĩ trở lên, đã có ít nhất 5 năm tham gia quản lý giáo dục đại học từ cấp bộ môn trở lên, có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn; có uy tín, phẩm chất đạo đức và sức khoẻ tốt và không phải là công chức, viên chức nhà nước.

2. Hiệu trưởng trường đại học tư thục được Hội đồng quản trị đề cử trên cơ sở được quá nửa các thành viên Hội đồng quản trị nhất trí thông qua bằng hình thức bỏ phiếu kín và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

3. Hiệu trưởng trường đại học tư thục là người điều hành các hoạt động của trường, đại diện cho trường thực hiện các nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị, Bộ Giáo dục và Đào tạo và trước pháp luật về các nhiệm vụ được giao.

4. Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quy định tại Điều 6, Điều 7 Quy chế này và Điều lệ trường đại học, Hiệu trưởng trường đại học tư thục còn có quyền hạn và trách nhiệm sau:

a) Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị;

b) Dự kiến bộ máy, biên chế và nhân sự của trường trình Hội đồng quản trị phê duyệt. Quyết định tuyển dụng lao động theo quy định của pháp luật và theo kế hoạch đã được Hội đồng quản trị phê duyệt;

c) Xây dựng các biện pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực và các biện pháp bảo đảm chất lượng, hiệu quả đào tạo, hoạt động khoa học - công nghệ, trình Hội đồng quản trị phê duyệt nhằm thực hiện mục tiêu phát triển trường;

d) Tổ chức công tác kế toán, quản lý tài chính và tài sản của trường theo các quy định của pháp luật;

đ) Lập dự toán và quyết toán tài chính hàng năm, trình Hội đồng quản trị phê duyệt. Tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính theo định mức đã được Hội đồng quản trị phê duyệt. Báo cáo định kỳ Hội đồng quản trị, các cấp quản lý có liên quan về tài chính và các hoạt động của nhà trường theo quy định;

e) Thực hiện các quy định của pháp luật về lao động - tiền lương, tiền công, bảo hiểm, học bổng, học phí, trợ cấp xã hội, khen thưởng, kỷ luật giảng viên, cán bộ, nhân viên và người học của trường;

g) Thực hiện các quy định của pháp luật và quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo, kiểm tra, thi, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng chứng chỉ; ban hành các nội quy, quy định nội bộ nhằm thực hiện việc điều hành các hoạt động của nhà trường;

h) Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an ninh và an toàn trong nhà trường;

i) Trong trường hợp cần thiết, Hiệu trưởng có quyền bảo lưu ý kiến không nhất trí với quyết định của Hội đồng quản trị và báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 22. Phó Hiệu trưởng

1. Các Phó Hiệu trưởng là người giúp việc cho Hiệu trưởng. Phó Hiệu trưởng trường đại học tư thục phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có sức khoẻ và phẩm chất đạo đức tốt. Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo và nghiên cứu khoa học phải có tiêu chuẩn về chức danh, học vị như đối với Hiệu trưởng. Phó Hiệu trưởng do Hiệu trưởng đề nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị ra quyết định bổ nhiệm.

2. Phó Hiệu trưởng có những quyền hạn và trách nhiệm sau:

a) Giúp Hiệu trưởng quản lý điều hành các hoạt động của trường, trực tiếp phụ trách một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của Hiệu trưởng và giải quyết các công việc do Hiệu trưởng giao;

b) Khi giải quyết công việc được Hiệu trưởng giao, Phó Hiệu trưởng thay mặt Hiệu trưởng và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hiệu trưởng về kết quả công việc được giao.

Điều 23. Hội đồng khoa học và đào tạo

1. Hội đồng khoa học và đào tạo của trường đại học tư thục bao gồm: Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, các Trưởng khoa, một số Trưởng phòng, một số Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên chính của trường, một số nhà khoa học, quản lý giáo dục và đại diện một số tổ chức kinh tế - xã hội ở ngoài trường quan tâm và am hiểu về giáo dục đại học.

2. Hội đồng khoa học và đào tạo được thành lập theo quyết định của Hiệu trưởng và do Hiệu trưởng làm Chủ tịch. Nhiệm kỳ của Hội đồng khoa học và đào tạo theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng.

3. Hội đồng khoa học và đào tạo là tổ chức tư vấn cho Hiệu trưởng về:

a) Quy hoạch và chiến lược phát triển nhà trường; mục tiêu, chương trình đào tạo; kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm về đào tạo, khoa học và công nghệ;

b) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ hữu của trường.

4. Các thành viên Hội đồng khoa học và đào tạo của trường được quyền kiến nghị về kế hoạch và nội dung công việc của Hội đồng.

5. Hội đồng khoa học và đào tạo họp ít nhất 6 tháng một lần và do Chủ tịch Hội đồng triệu tập.

6. Các kết luận của Chủ tịch Hội đồng tại các phiên họp của Hội đồng khoa học và đào tạo phải được thông báo tới các khoa và bộ môn.

Điều 24. Các phòng (ban), khoa, bộ môn

Chức năng, nhiệm vụ của các phòng (ban), khoa hoặc bộ môn trực thuộc của trường đại học tư thục như các trường đại học công lập. Tuỳ thuộc vào quy mô đào tạo, nhiệm vụ của trường, Hiệu trưởng đề xuất với Hội đồng quản trị về cơ cấu tổ chức của các phòng (ban), khoa, bộ môn bảo đảm thực hiện tốt các hoạt động của trường.

Điều 25. Các tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ sở phục vụ đào tạo và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong trường đại học tư thục

1. Các tổ chức khoa học và công nghệ trong trường đại học tư thục gồm: các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo Luật Khoa học và Công nghệ và thực hiện các nhiệm vụ đã được quy định trong Điều lệ trường đại học.

2. Các cơ sở sản xuất kinh doanh trong trường đại học tư thục được thành lập gắn với nhiệm vụ đào tạo của trường và hoạt động theo quy định của luật pháp.

3. Các cơ sở phục vụ đào tạo khác:

a) Trường đại học tư thục có Trung tâm thông tin tư liệu phục vụ hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ. Trung tâm thông tin tư liệu có trách nhiệm quản lý, bổ sung và cung cấp các nguồn thông tin, tư liệu khoa học và công nghệ trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực hoạt động của trường; thu thập và bảo quản sách, tạp chí, băng, đĩa, các luận án đã bảo vệ tại trường, các ấn phẩm của trường và các tài liệu lưu trữ khác; hướng dẫn và quản lý công tác quyền sở hữu trí tuệ của trường. Trung tâm thông tin tư liệu hoạt động theo Quy chế do Hiệu trưởng ban hành và các quy định của nhà nước;

b) Trường đại học tư thục còn có các đơn vị phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, phù hợp với điều kiện phát triển của trường.

Chương 4:

NHÀ GIÁO, CÁN BỘ, NHÂN VIÊN VÀ NGƯỜI HỌC

Điều 26. Giảng viên

1. Giảng viên của trường đại học tư thục phải có đủ các tiêu chuẩn quy định về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và sức khoẻ, có nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Điều lệ trường đại học và các quy định tại Điều 61, 62, 63, 64 Luật Giáo dục và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Khi khai giảng khoá học đầu tiên, số giảng viên cơ hữu (những giảng viên làm toàn bộ thời gian cho trường) của trường đại học tư thục phải bảo đảm thực hiện không dưới 30% khối lượng giảng dạy năm học thứ nhất và trong vòng 5 năm phải đảm bảo thực hiện không dưới 50% khối lượng giảng dạy các môn học của trường và sau 10 năm nhà trường phải có đủ giảng viên cơ hữu theo yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ của trường.

3. Giảng viên cơ hữu của trường đại học tư thục được tuyển dụng theo quy định của pháp luật; được hưởng chế độ tiền công, tiền lương, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, được hưởng quyền lợi theo tỷ lệ góp vốn và có quyền tham gia các hoạt động của các tổ chức xã hội và đoàn thể theo quy định của pháp luật.

4. Những giảng viên đang trong biên chế nhà nước chuyển sang làm cán bộ, giảng viên, nhân viên cơ hữu của trường đại học tư thục thì thời gian làm việc tại cơ quan cũ được cộng với thời gian làm việc tại trường đại học tư thục để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

5. Giảng viên trường đại học tư thục phải nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện đầy đủ Điều lệ trường đại học, các quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế tổ chức hoạt động của trường và các quy định do Hiệu trưởng ban hành.

6. Giảng viên các trường đại học tư thục có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật được xét phong tặng các danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân và các chức danh Giáo sư, Phó giáo sư.

7. Trường đại học tư thục được mời các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý tham gia giảng dạy, nghiên cứu.

Điều 27. Cán bộ, nhân viên

1. Cán bộ, nhân viên cơ hữu và hợp đồng của trường đại học tư thục được hưởng chế độ tiền công, tiền lương theo kết quả hoạt động của trường, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn và được hưởng quyền lợi theo tỷ lệ vốn góp; có quyền tham gia các tổ chức xã hội và đoàn thể theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, nhân viên trường đại học tư thục phải nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ Điều lệ trường đại học, các quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường và các quy định do Hiệu trưởng ban hành.

Điều 28. Nhiệm vụ và quyền của người học

1. Người học trong trường đại học tư thục có các nhiệm vụ được quy định tại Điều lệ trường đại học và quy định của nhà trường; cụ thể là:

a) Học tập, rèn luyện theo chương trình kế hoạch đào tạo của trường;

b) Tuân thủ pháp luật của Nhà nước, các quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nội quy của trường;

c) Tham gia lao động và hoạt động xã hội phù hợp với lứa tuổi, sức khoẻ và năng lực;

d) Đóng học phí theo quy định;

đ) Giữ gìn và bảo vệ tài sản của trường; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của trường;

2. Người học ở trường đại học tư thục có những quyền sau đây:

a) Được cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về việc học tập;

b) Học vượt lớp, học rút ngắn thời gian, học sau đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Được sử dụng các trang thiết bị thí nghiệm, thực hành thực tập, các phương tiện phục vụ cho hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao của trường theo quy định của nhà trường;

d) Được tham gia hoạt động đoàn thể, tổ chức xã hội theo quy định của pháp luật;

đ) Trực tiếp tham gia tổ chức đoàn thể, kiến nghị với nhà trường về các giải pháp nhằm góp phần xây dựng trường, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người học;

e) Được hưởng các chính sách xã hội theo quy định của Nhà nước.

g) Được tiếp tục học các trình độ cao hơn, tìm kiếm việc làm như người học các trường đại học công lập.

Chương 5:

HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, HỢP TÁC QUỐC TẾ

Điều 29. Hoạt động đào tạo

1. Ngôn ngữ chính thức giảng dạy ở trường đại học tư thục là tiếng Việt. Trong những chương trình hợp tác với nước ngoài, chương trình đào tạo ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài và một số ngành học khác có thể giảng dạy trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Trường đại học tư thục được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở các ngành đào tạo đại học đã có trong danh mục ngành đào tạo của Nhà nước; tổ chức tuyển sinh phù hợp với quy mô của nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua.

3. Trường đại học tư thục tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy và học tập cho các ngành đào tạo của trường trên cơ sở chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

4. Trường đại học tư thục thực hiện việc tuyển sinh, quản lý quá trình đào tạo, kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng, chứng chỉ theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 30. Hoạt động khoa học và công nghệ

1. Trường đại học tư thục thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, các dịch vụ tư vấn khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực ngành nghề đào tạo của trường theo các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

2. Trường đại học tư thục được thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, các cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định của luật pháp. Việc tổ chức quản lý hệ thống thông tin tư liệu, phát hành tập san, tạp chí và các ấn phẩm khoa học, giáo trình, tài liệu phục vụ cho các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ các quy định của pháp luật và các quy định khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Trường đại học tư thục tổ chức xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn và dài hạn về hoạt động khoa học và công nghệ của trường, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 31. Hợp tác quốc tế

Trường đại học tư thục thực hiện các nhiệm vụ về hợp tác quốc tế được mời các Giáo sư, các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cử cán bộ, giảng viên và người học tham quan, giảng dạy, học tập ở nước ngoài theo các quy định của Nhà nước.

Chương 6:

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Điều 32. Chế độ tài chính

1. Trường đại học tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện góp vốn, tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi, thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, thống kê, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành khác có liên quan.

2. Trường đại học tư thục được vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất cung ứng dịch vụ.

3. Trường đại học tư thục được Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng.

Điều 33. Nguồn tài chính

1. Vốn góp của các cổ đông và nguồn tài chính bổ sung từ kết quả hoạt động hàng năm của nhà trường.

2. Các nguồn tài chính khác:

a) Học phí, lệ phí thu từ người học theo quy định của pháp luật;

b) Thu từ các hoạt động liên kết hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và các hoạt động lao động sản xuất, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật;

c) Lãi từ tiền gửi tại Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng;

d) Các khoản đầu tư, tài trợ, viện trợ, ủng hộ, quà tặng (bằng tiền, bằng hiện vật) của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước;

e) Vốn vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, cá nhân;

g) Các khoản thu hợp pháp khác.

Điều 34. Nội dung chi

1. Chi tiền lương, phụ cấp lương, tiền công, tiền thưởng và các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; các khoản chi phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường.

2. Các khoản chi cho người học: học bổng, khen thưởng.

3. Chi cho các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao.

4. Chi cho hoạt động giảng dạy, học tập, đào tạo, dạy nghề, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ, phục vụ giảng dạy học tập.

5. Chi quản lý hành chính.

6. Chi trả tiền thuê cơ sở vật chất, mua sắm tài sản, sửa chữa thường xuyên cơ sở vật chất, tài sản cố định, trang thiết bị đồ dùng dạy học.

7. Trích khấu hao tài sản cố định.

8. Chi trả vốn vay và lãi vốn vay.

9. Chi cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

10. Các khoản chi khác phù hợp với quy định của luật pháp.

Điều 35. Quản lý tài chính và tài sản

1. Tài chính và tài sản của trường đại học tư thục được hình thành từ các nguồn thu theo quy định tại Điều 33 Quy chế này. Chế độ chi tiêu tài chính và sử dụng tài sản do Hội đồng quản trị quy định.

2. Trường đại học tư thục có trách nhiệm báo cáo hoạt động tài chính hàng năm cho cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính ở địa phương.

3. Dự toán và quyết toán hàng năm của trường do Hiệu trưởng trình, Hội đồng quản trị phê chuẩn.

4. Định kỳ hàng năm, các tài sản được kiểm kê đánh giá lại giá trị, được tổ chức kiểm toán hàng năm, được nhượng bán để thu hồi vốn bổ sung nguồn tài chính cho hoạt động của trường. Trường đại học tư thục có thể tự quy định tỷ lệ khấu hao nhanh các tài sản cố định để thu hồi vốn nhưng không vượt quá mức trích khấu hao tối đa theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp. Trường đại học tư thục phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để làm cơ sở pháp lý điều hành tài chính của trường.

5. Toàn bộ tài sản của trường thuộc sở hữu của các nhà đầu tư; được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện chế độ công khai tài chính và chấp hành công tác kiểm tra tài chính thường xuyên cũng như đột xuất của Ban kiểm soát. Nghiêm chỉnh chấp hành việc kiểm tra của cơ quan tài chính theo quy định của pháp luật về việc sử dụng kinh phí và tình hình tăng, giảm tài sản, nguồn vốn của trường.

Điều 36. Thu nhập và sử dụng thu nhập

Tổng thu nhập sau khi đã trừ các khoản chi phí cần thiết cho hoạt động của nhà trường quy định tại Điều 34, số còn lại được sử dụng như sau:

1. Thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.

2. Trích lập quỹ đầu tư phát triển nhà trường và các quỹ khác theo quyết nghị của Hội đồng quản trị.

3. Thu nhập còn lại được phân chia cho các thành viên góp vốn theo tỷ lệ vốn góp.

Điều 37. Chuyển nhượng quyền sở hữu và rút vốn

1. Cổ đông có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo các quy định sau đây:

a) Cổ đông muốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp trước hết phải chuyển nhượng phần vốn đó cho các cổ đông còn lại theo giá thoả thuận tại thời điểm chuyển nhượng.

b) Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông nếu các cổ đông còn lại không mua hoặc mua không hết.

2. Trong trường hợp cổ đông có nhu cầu rút vốn hợp lý, việc rút vốn phải được chấp thuận bằng nghị quyết của cuộc họp hội đồng Hội đồng quản trị với kết quả biểu quyết đạt được từ 2/3 phiếu thuận trở lên.

3. Trong trường hợp nhà trường bị giải thể, việc xử lý về tài chính, tài sản được áp dụng theo quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp.

Chương 7:

THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 38. Thanh tra, kiểm tra

1. Trường đại học tư thục có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra các hoạt động của trường theo các quy định hiện hành.

2. Trường đại học tư thục chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 39. Trách nhiệm về tư cách pháp nhân

Trường đại học tư thục không được phép cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa hoặc sử dụng cơ sở của trường để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp, không đúng với tôn chỉ, mục đích hoạt động của nhà trường.

Điều 40. Khen thưởng

Tập thể, cá nhân (lãnh đạo, giảng viên, cán bộ, nhân viên) của trường đại học tư thục có thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và người học có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Xử lý vi phạm

Trong trường hợp có đủ căn cứ về việc trường đại học tư thục không chấp hành đúng pháp luật, các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không bảo đảm yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên phục vụ việc giảng dạy học tập; không bảo đảm điều kiện vệ sinh và an toàn thì tuỳ mức độ vi phạm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

1. Nhắc nhở bằng văn bản.

2. Quyết định tạm ngừng tuyển sinh.

3. Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể trường./.

THE PRIME MINISTER
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 14/2005/QD-TTg

Hanoi, January 17, 2005

 

DECISION

OF THE PRIME MINISTER NO. 14/2005/QD-TTG DATED JANUARY 17TH 2005 ON ISSUING THE REGULATION ON ORGANIZATION AND OPERATION OF PRIVATE UNIVERSITIES

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the Law on Government organization dated December 25, 2001;

Pursuant to the Law on Education dated December 02, 1998;

Pursuant to the Decree no 73/1999/ND-CP dated August 19, 1999 of the Government on incentive policies for private sector involvement in the activities of education, health, culture and sport;

Pursuant to the Decree no. 43/2000/ND-CP dated August 30, 2000 of the Government providing instructions on the implementation of a number of articles in the Law on Education;

At the request no. 6800/DH&SDH dated August 04, 2004 of the Minister of Education and Training issuing the Regulation on organization and operation of private universities,

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Issue the Regulation on organization and operation of private universities enclosed with this Decision.

Article 2. This Decision takes effect after 15 days from the day on which it is published on an official gazette. This Regulation shall replace the Regulation enclosed with the Decision no. 240/TTg dated May 24, 1993 of the Prime Minister issuing the Regulation on private universities. The Minister of Education and Training shall take charge and cooperate with the relevant Ministries and departments in providing guidance on implementing this Regulation.

Article 3. The Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Heads of Governmental agencies, the Presidents of People’s Committee of central-affiliated provinces are responsible for implementing this Decision.

 

 

Pham Gia Khiem

(signed)

 

REGULATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter 1:

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope and regulated entities

This Regulation provides for the establishment, management and operation of private universities.

Private universities which are established by Vietnamese people shall comply with this Regulation, University Charter and the regulations of the Law.

Article 2. Status of private universities

1. A Private university has legal status, a stamp and accounts in the banks and/or State Treasuries.

2. Private universities have the same legal status as the public universities in the national education system.

Article 3. Interpreter of terms

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. “Capital contribution” is the proportion of capital contributed by the owner or a co-owner to the charter capital.

3. “Charter capital” is the total amount of the capital contributed by all the founders, which is recorded in the Regulation of organization and operation of the private university.

4. "Voting contribution” is a capital contribution based on which the holder is given the right to vote for the issues required the decision of the Shareholder general assembly.

5. “Founders” are participants in approving the first Regulation on organization and operation of a school, who made necessary contributions to the charter capital of the school.

Article 4. State management of private universities

1. Private universities shall be under the educational State management of the Ministry of Education and Training; administrative management of the People’s Committees of central-affiliated cities and provinces (hereinafter referred to as provincial People's Committees).

2. The direct management agency of private universities is the Ministry of Education and Training.

Article 5. Communist Party organizations and unions

Organizations affiliated to the Communist Party of Vietnam in private universities shall comply with the Constitution, the Law and the regulations of the Communist Party of Vietnam. Socio-political organizations, social organizations in private universities shall comply with the Constitution and the Law of Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Provide training for human resources having political credentials, good moral, professional knowledge and skills, good health, creativity, adaptability, teamwork capability and ability of creating jobs.

2. Conduct scientific and technological researches; combine the educational activities with scientific researches as well as the scientific and technological service provision according to the Law on science and technology, the Law on Education and other regulations of the Law.

3. Manage lecturers, executive officers, and other employees; build a sufficient, qualified and balanced teaching staff according to the regulations of The Ministry of Education and Training.

4. Enroll and monitor students according to the regulations.

5. Find and foster talents among the students and personnel of every school.

6. Manage and use land, facilities, equipment and assets according to the regulations of the Law.

7. Cooperate with other organizations, individuals and students’ families in education and training.

8. Enable lecturers, executive officers, other employees and students to participate in social activities in appropriate fields of education.

9. Preserve and develop the national culture heritage.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 7. Entitlements and responsibilities of private universities

Private universities have the autonomy for planning for development, educational and training activities, scientific and technological activities, finance, foreign relationship, organization and personnel. i.e.:

1. Formulate and carry out plans for development pursuant to the educational development strategy and university network planning of the government.

2. Develop programs, textbook, schedule for the approved fields of education according to the framework issued by the Ministry of Education and Training; arrange entrance exams; Run courses, recognize graduation of students, issue professional qualifications according to the regulations of the Minister of Education and Training.

3. Mobilize, manage and use resources in order to achieve educational objectives; cooperate with domestic and foreign business organizations, educational institutions, culture, fitness & sport organizations, health facilities, scientific research institutions in accordance with the regulations of the Law in order to improve the educational quality, combine education with scientific research, manufacture and services for the socio-economic development.

4. Perform scientific and technological tasks assigned by the competent agencies; use efficiently the budget for developing science and technology; enter into and execute contracts for scientific and technological activities in order to contribute to the scientific and technological development of Vietnam.

5. Have intellectual property rights protected; transfer and announce results of scientific and technological activities; Protect the interests of the Government and society, individuals’ lawful rights and interests during educational and scientific activities.

6. Receive financial support according to the regulations of the Law; make contribution in the form of money, assets and value of intellectual property rights to the activities of science - technology, manufacture and business; invest in the expansion of business and facilities with the income from business activities; Support the students from families being beneficiaries of preferential policies, and charity activities.

7. Receive land from the state; Rent land, receive loans, and be entitled to tax exemption and reduction according to the regulations of the Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Ensure democracy, equality, and transparency during training, scientific, and financial activities.

10. Report on the operation to the direct management agency according to current regulations.

Chapter 2:

REQUIREMENTS AND PROCEDURES FOR ESTABLISHING PRIVATE UNIVERSITIES

Article 8. Process for establishing private universities

The university establishment process includes two steps as follows:

1. Step 1: Making and approving pre-feasibility study

a) The applicant for permission to establish the university establishment must compile a dossier prescribed in Clause 1 Article 9 of this Regulation and submit it to The Ministry of Education and Training.

b) The Ministry of Education and Training shall check the satisfactoriness of the dossier and consider the university network planning and the content of the dossier. Within 02 months from the receipt of satisfactory dossier, the Ministry of Education and Training shall make a response to the applicant. In case the dossier is not satisfactory, the Ministry of Education and Training is responsible for provide the applicant guidance on compiling the dossier.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The formulation of feasibility study shall be carried out after the Prime Minister approves the pre-feasibility study and grants permission to establish the university. The feasibility study must provide clear explanation for the issues prescribed in Clause 2 Article 9 of this Regulation and be submitted to The Ministry of Education and Training.

b) The Ministry of Education and Training shall take charge and cooperate with the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Home Affairs, the Ministry of Finance, and the People’s Committee of the province in which the university is planned to be located in assessing and then submit the assessment to the Prime Minister for considering.

3. After receiving the decision on establishment of the university, the Minister of Education and Training shall:

a) Recognize the President of the Board of Directors at the proposal of the applicant who represents for the founders.

b) Recognize the principal at the proposal of the President of the Board of Directors.

c) Approve the fields of education, enrolment scale and give permission to enroll.

4. President of the Board of Directors and the principal shall manage the university according to the functions and duties prescribed in this Regulation.

Article 9. Application for university establishment

1. A dossier of pre-feasibility study includes:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The pre-feasibility study on university establishment;

c) Approval of the People’s Committee of the province in which the university is planned to be located.

The request for permission to establish the university must explain the necessity of establishing the university, the legal foundations of the establishment, guideline, purpose, name and location of the university, fields of education and scale for first 5 years and the following 5 years, estimated capital.

2. A dossier of feasibility study includes:

a) Apart from the contents mentioned in the pre-feasibility study, the feasibility study must be formulated according to the approved scale in the pre-feasibility study and the requirements for university establishment prescribed in Article 10 of this Regulation, for the purpose of producing solutions for carrying out the project, especially for the fields of education for the first 10 years, framework program of fields of education, lecturers, land, facilities and capital.

b) Draft a Regulation on organization and operation for the university. The Regulation on organization and operation of the university must be made on the basis of the general regulations in Regulation on organization and operation of private universities issued by the Prime Minister. The points of charter capital, organization, personnel and finance prescribed in Article 11 and relevant Articles in Chapter II, III, VI of this Regulation must be particularly explained.

Article 10. Requirements for private university establishment

1. A private university may be established when all the requirements prescribed in Article 46 of the Law on Education, University Charter and this Regulation are met.

2. The private university establishment must be conformable with the university network planning; objectives, programs, fields of education and development scale of the university must be suitable for the demand for providing human resources at college level for the purpose of the socio-economic development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Depending on each field for education, at the time of establishment the university must ensure having 1 lecturer for every 5 - 10 students regarding to arts and physical fields; for every 10 – 15 students regarding to the fields of engineering, science and technology; for every 20-30 students regarding to the fields of social science and humanities, economy and other.

Article 11. Capital for university establishment

1. The charter capital is the capital contributed by an individual or a group of individuals and recorded in the Charter of organization and operation of private universities. The charter capital is determined by the capital in the form of money (Vietnam Dong or convertible foreign currencies), gold, or assets, which total value is not below 15 billions of Vietnam Dong.

2. Before a private university is established, its charter capital and other legal capital sources must meet the requirements for the operation of the university. The capital in the form of land contributed for the educational activities must satisfy the following requirements:

- The area of classrooms, labs, dorms and other buildings for studying must be at least 4 m2 per student;

- The area for every student in a training field must be at least 10 m2;

3. The contribution of capital in the form of money (Vietnam Dong or convertible foreign currencies) or gold must be recorded in writing. The records must have the following contents: Name and address of the university; name and address of the contributors; form and unit of contributed assets; total value of the contributed assets and its ratio to the charter capital; date of contribution; signature of the contributor and the representative elected by the contributors, who take legal responsibility for the university establishment.

4. The assets used as capital contribution must be assessed before being contributed to the university. The assessment of the asset values must be agreed among the contributors. The transfer of ownership of the capital in the form of money, gold or assets shall be considered completed only when the legal ownership of such capital belongs to the university.

5. With regard to the assets of which the values are registered or land, the contributor must follow the procedures for transferring the ownership of such assets or land to the university at the competent State agencies. The transfer of ownership of assets must be completed before the university starts operating officially.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The establishment, merger, separation, suspension and dissolution of private universities shall be decided by the Prime Minister at the request of the Minister of Education and Training.

2. The procedures for the establishment, merger, separation, suspension and dissolution of private universities shall be followed according to Clause 1 and Clause 2 Article 20, Article 21 and Article 22 in the Decree no. 43/2000/ND-CP dated August 30, 2000 of the Government providing instructions on the implementation of a number of articles in the Law on Education; Articles 8, 9, 10, 11, 12 and Article 37 of this Regulation.

Article 13. Conversion of other types of universities into private universities

Universities other than private universities may be converted into private universities when the following requirements are met:

1. Public and semi-public universities shall be converted into private universities in accordance with the universities network planning of the Government, plan for conversion of the Ministry of Education and Training and at the request of direct management agencies and/or the Board of Directors (if any)

2. Non-public universities shall be converted into private universities at the request of the Board of Directors, the direct management agencies and the organizations founding the universities.

3. The conversion plan must be made in which the solutions for finance, properties, lecturers, executive officers, other employees and students of the universities are clarified.

4. The request and procedures for conversion shall comply with the regulations in Articles 8, 9, 10 and 11 of this Regulation.

5. After assessing the request for conversion, The Ministry of Education and Training shall submit the assessment to the Prime Minister for considering.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter 3:

ORGANIZATION AND PERSONEL

Article 14. Organizational structure

Private universities shall structure their organization in conformity with the requirements for organizational structure prescribed in the University Charter and their specific conditions and scale.

Organizational structure of a private university includes:

1. The Board of Directors

2. The Principal and vice-principals

3. The Control Board

4. The Board of science & training.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Faculties and majors of the university.

7. Majors of faculties. Some private universities may have only faculties and majors of the universities.

8. Scientific and technological organizations, supportive facilities and affiliated businesses.

9. Communist Party organizations and unions

Article 15. Shareholder general assemblies

1. A shareholder general assembly is the assembly of shareholders having the right to vote.

2. The shareholder general assembly has the following tasks and entitlements:

a) Elect, dismiss members of the Board of Directors and of the Control Board of the university; respond to the irregular requests for adding and/or replacing members of the Board of Directors and then request competent authorities for considering approval;

b) Approve annual financial statement;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Decide the objectives, orientations of plans for the development of the university; consider changing fields, levels, scale of education, orient the scientific and technological activities of in accordance with the development strategy of the university;

dd) Take on other tasks and entitlements prescribed in the Regulation on organization and operation for the university.

3. The shareholder general assembly shall be convened at the decision of the Board of Directors or the request of the shareholders having over 30% of contribution for at least 06 consecutive months; in case the Board of Directors commits a serious violation and other cases prescribed in Regulation on organization and operation of the university, the Control Board may notify the Board of Directors and convene an irregular Shareholder general assembly. All the expense of Shareholder general assembly shall be account for the expenditures of the university.

4. The Shareholder general assembly must be convened once every year.

5. The convener of the shareholder general assembly must send invitation, agenda and materials to all the shareholders having right to attend the Assembly at least 07 days prior to the assembly.

6. The shareholder general assembly shall only be open when the attendants having at least 51% of Voting contribution in total. The specific percentage shall be prescribed in the Regulation on organization and operation of the university.

7. The shareholder general assembly shall be recorded in the university’s minute book and approved before closing the assembly; the approval for decisions of the shareholder general assembly in the form of voting shall take effect when it is agreed among the shareholders having more than half of Voting contribution in total. The meeting minutes must be signed by the presiding person and the secretary.

Article 16. Boards of Directors

1. A Board of Directors is the management office of the university and the only representative for the ownership of the university, who is responsible for implementing resolutions of the shareholder general assembly and making decisions on the issues of organization, personnel, finance, assets, plans and orientation for the development of the university according to the regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The number of members in the Board of Directors may vary between 03 and 11 depending on the number of shareholders. The tenure of the Board of Directors shall be prescribed in the Regulation on organization and operation of the university.

4. The members of the Board of Directors in the first tenure shall be elected in a ballot among the founders. From the second tenure onward, 03 months prior to the expiry of the tenure, the Board of Directors shall convene Shareholder general assembly in order to hold a ballot for members of the Board of Directors for the next tenure. The election resolution passed in the ballot shall take effect only when it is agreed among the shareholders having more than half of voting contribution in total.

5. The Board of Directors must meet once every 03 months. Irregular assemblies shall be convened by the President of the Board of Directors if requested by at least one third of the members of the Board of Directors. A Resolution of the Board of Directors shall be voted by all members of the Board of Directors and passed when it is agreed among more than half of the members of the Board of Directors. If the numbers of affirmative votes and negative votes are equal, the final decision shall be made by the President of the Board of Directors.

6. During a tenure, if there is any request for adding or replacing members of the Board of Directors, it must be decided in a ballot among the members of the shareholder general assembly and approved when it is agreed among the shareholders having more than half of Voting contribution in total.

7. During the operation, if the Board of Directors commits serious violation against this Regulation and the Law, the Minister of Education and Training shall decide to repudiate the Board of Directors and the incumbent President, establish a provisional Board of Directors and a provisional President among the shareholders in order for the provisional Board to manage the operation of the university. The valid period of the provisional Board of Directors is 06 months at maximum. The provisional President of the Board of Directors is responsible for convening an irregular shareholder general assembly in order to elect a new Board of Directors and submit the election result to The Ministry of Education and Training for consideration.

8. Dismissal of members of the Board of Directors

a) A member of the Board of Directors shall be dismissed when that member:

- Commits violation against the Law;

- Dies or is not capable of civil acts;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- - Other cases of dismissal are prescribed in the Regulation on organization and operation of the university.

b) Members of the Board of Directors shall be dismissed according to the regulation of the Regulation on organization and operation of the university.

c) In case the number of members of Board of Directors is reduce more than one third compared to the number prescribed in the Regulation on organization and operation of the university, the President of Board of Directors must convene a Shareholder general assembly within 60 days from such reduction date in order to fill the Board of Directors.

Article 17. Tasks and entitlements of Boards of Directors

A Board of Directors has the following tasks and entitlements:

1. Make Regulation on organization and operation of the university with the approval of the shareholder general assembly.

2. Establish policies, standard, norms of receipts and expenditures of the university according to the regulations of the Law and financial management policy.

3. Implement resolutions of the Shareholder general assembly. Attract investment in the development of the university, approve the annual estimate and balance sheet submitted by the principal; supervise the management of finance and assets of the university.

4. Appoint the principal and submit the decision on appointment to the Minister of Education and Training.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Establish the basic rules for settling issues of education, scientific research, technological development, facility improvement and external affairs of the university.

7. Supervise the adherence of the principal to the regulations of the Law and implementation of the resolutions of the Board of Directors.

Article 18. Control Boards

1. Every private university shall establish a Control Board.

The Control Board shall have 03 to 05 members elected by the Shareholder general assembly, at least one of them must be specialized in accounting.

The members of the Control Board must be Vietnamese shareholders having residences in Vietnam, who is not facing a criminal prosecution, in prison or involve to other violations against the Law.

A member in the Control Board must not be a member of the Board of Directors, the Principle, Chief accountant of the university, or a member of their family.

2. The Control Board is responsible for supervising and inspecting the operation of the university.

3. The Control Board shall elect a Head from its members; the tenure of the Board is the same as the tenure of the Board of Directors.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The Control Board has the following tasks and entitlements:

1. Inspect the rationality and validity of the management of the university’s activities through the accounting books and financial statements;

2. Verify the annual financial statement of the university; check every specific issue related to the management and operation of the university;

3. Periodically report the operation to the President of the Board of Directors; Refer to the opinions of the Board of Directors on the reports, conclusions and proposals before submitting them to the Shareholder general assembly.

4. Read the reports on the operation of the university in the Shareholder general assembly.

5. Propose measures for improving the organizational structure, the management of the university;

6. Take on other tasks and entitlements prescribed in this Regulation and the Regulation on organization and operation for the university.

7. Do not impede and interrupt the operation of the Board of Directors and the university when carrying out the inspection prescribed in Clauses 1 & 2 this Article.

8. Take responsibility before the Shareholder general assembly, the Board of Directors and the personnel for the content in the reports and its activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 20. Presidents of the Boards of Directors

1. The President of the Board of Directors is elected from the members of Board of Directors and recognized by the Ministry of Education and Training. The President of the Board of Directors shall also take charge of the principal when he/she satisfy the requirements for holding the principal position.

2. The President of the Board of Directors must have the moral quality and a bachelor’s degree or above.

3. The President of the Board of Directors has the following tasks and entitlements:

a) Establish programs, plans for the operation of the Board of Directors;

b) Prepare programs, agenda and materials for the meetings of Board of Directors, invite the attendants and preside the meetings;

c) Approve the resolutions of the Board of Directors;

d) Steer the implementation of the approved resolutions of the Board of Directors;

dd) Take on other tasks and entitlements prescribed in this Regulation and the Regulation on organization and operation for the university.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

If the President of the Board of Directors can no longer take on the assigned tasks or no delegation is made, the vice-President of the Board of Directors (if any) or the principal shall hold a ballot for electing temporary President from the members of the Board. The result takes effect when it is agreed among more than half of the members of the Board. The result shall then be reported to the Ministry of Education and Training for approval. The valid period of the delegation or the temporary President of the Board of Directors is 06 months maximum from the approval date.

5. President of the Board of Directors has right to use the university’s apparatus and stamp to work in the functions and duties of the Board of Directors. The documents and decisions of the Board of Directors must be signed by the President of the Board of Directors.

6. The President of the Board of Directors is the representative who takes legal responsibility for every activity of the private university.

Article 21. Principals

1. The principal of a private university must have a doctoral degree, a title of associate professor or above, at least 05 years experiences in educational management in universities for levels of major and above, moral quality, good health and is not a state official or civil servant.

2. The Principal of a private university shall be appointed with the agreement of over half of the members of the Board of Directors in a ballot and recognized by the Minister of Education and Training.

3. The principal of a private university shall manage the university's activities, perform assigned duties, take responsibility before the Board of Directors, The Ministry of Education and Training and the legal responsibility for the performance.

4. Apart from the tasks and entitlements prescribed in Articles 6 & 7 of this Regulation and the University Charter, the principle of a private university has the following tasks and entitlements:

c) Implement the resolutions of the Board of Directors;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Establish measures for the mobilization, management and use of resources, the assurance of quality and effectiveness of the education, activities of science – technology, and submit the measures to the Board of Directors for approval.

d) Take care of the works of accounting, managing finance and property according to the regulations of the Law.

dd) Make annual estimate and balance sheet, then submit them to the Board of Directors for approval. Carry out the financial plans in conformity with the norms approved by the Board of Directors. Periodically report the finance and the operation of the university to the Board of Directors and relevant management agencies according to the regulations.

e) Comply with the regulations of the legislation on labor – wage, rate, insurance, scholarship, tuition, social benefits, policies for rewarding and disciplining lecturers, executive officers, other employees and students of the university.

g) Comply with the regulations of the Law and the Regulation of The Ministry of Education and Training on enrolment, training, examination, recognition for graduation and qualification issuance; promulgate the regulations for the purpose of managing the operation of the university;

h) Take the measures for ensuring order, security and safety in the university;

i) If necessary, the principal may reserve the disagreement with a decision of the Board of Directors and report the situation to the Minister of Education and Training.

Article 22. Vice-principals

1. The Vice-principals are the assistants to the principal. A vice-principal of private universities must a bachelor’s degree and above, moral quality and good health. The vice-principal who takes charge of scientific study and education must satisfy the same requirements for title and degree as the principal. A vice-principal is proposed for appointing by the principal and approved by the President of the Board of Directors.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Assist the principal in managing the operation of the university, directly take charge of a number of tasks assigned by the principals.

b) Take responsibility before the Law and the principal for the tasks assigned by the principal.

Article 23. Science & Training Councils.

1. The Science & Training Council of a private university includes: the Principal, the vice-principals, the Chiefs of Faculty, the Heads of Department, the professors and associate professor, the doctors, the main lectures of the university and some of scientists, educational manager and representatives of socio-economic organizations who are interest and expert in education.

2. The Science & Training Council is established under the approval of the principal who is also the president of the Council. The tenure of the Science & Training Council shall be the same as the tenure of the principal.

3. The Science & Training Council is an advisory organization, who advises the principal on:

a) Planning and strategy for the development of the university; Training programs and their objectives; long-term and annual plan for educational, scientific and technological activities;

b) Refresher courses for the tenured lecturers, executive officers and other employees of the university.

4. The members of the Science & Training Council of the university have right to make proposal relation to the plans and duties of the Council.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. The conclusions of the President of the Science & Training Council in the meetings must be informed to the faculties and majors

Article 24. Departments, faculties and majors

The functions and duties of the departments, faculties and majors of a private university shall be the same as those of public universities. Depending on the educational scale and duties of the university, the principal shall propose the Board of Directors for the organizational structure of the departments, faculties and majors in order to carry out well the operation of the university.

Article 25. Scientific and technological organizations, supportive facilities and affiliated businesses of private universities.

1. Scientific and technological organizations are the organizations for the purpose of study and development, scientific and technological services, which are established and operate in accordance with the Law on science and technology and perform the duties prescribed in the University Charter.

2. Affiliated businesses of private universities are established for the purpose of performing the educational duties and carrying out the operation of the universities according to the regulations of the Law.

3. Other supportive facilities:

a) Private universities are allowed to have data centers supporting the educational, scientific and technological activities. Data centers are responsible for managing, updating and providing information, materials in the scientific and technological fields in Vietnam and abroad in the courses of the universities; Collecting and preserving books, magazines, tapes, disks, defended thesis, the universities’ publications and other documentations; providing instruction and managing works of the intellectual property rights of the universities. Data centers shall operate according to the Regulation issued by the principal and the regulations of the Government;

Private universities are allowed to have facilities supporting the educational activities, scientific and technological researches in conformity with the conditions of the universities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

LECTURERS, EXECUTIVE OFFICER, OTHER EMPOLYEES AND STUDENTS

Article 26. Lecturers

1. Lecturers of private universities must satisfy the requirements for moral quality, qualification and health, They have the tasks and rights prescribed in the regulations of the University Charter and the regulations in Articles 61, 62, 63, 64 of the Law on Education and relevant law provisions.

2. Before running the first course, the number of full-time lecturers of a private university must ensure conduct at least 30% of the total number of classes in the first year, 50% within the next 05 years. Within 10 years from the opening, the university must have sufficient full-time lecturers in order to satisfy the requirements for educational activities, scientific and technological research.

3. Full-time lecturers are recruited according to the regulations of the Law; entitled to receive wage, social insurance, medical insurance and benefits in the proportion to their contribution and have rights to participate in activities held by social organizations and unions according to the regulations of the Law.

4. The working time in the previous job of lecturers, who were in the state payroll before moving to private universities, shall be aggregate with the working time in the private university for the later enjoyment of social insurance benefits.

5. The lecturers of private universities must comply with the policies and guidelines of the Communist Party, the Law, the University Charters, the Regulations of the Ministry of Education and Training, the Regulation on organization and operation of the private universities and the regulations issued by the principals.

6. The lecturers of private universities satisfying standards according to the regulations of the Law shall be considered to be awarded the titles of Professor, Associate Professor, and other honorary titles.

7. Private universities are allowed to invite scientists, experts in education or management to give lectures and do researches in the universities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Tenured and contracted staff of Private universities shall be entitled to receive wage, social insurance, medical insurance and receive benefits in the proportion to their capital contribution, participate in social organizations and unions according to the regulations of the Law.

2. The staff of private universities must comply with the policies and guidelines of the Communist Party, the Law, the University Charters, the Regulations of the Ministry of Education and Training, the Regulation on organization and operation of the private universities and the regulations issued by the principals.

Article 28. Duties and rights of students

1. Students of private universities have the duties prescribed in the regulations of the University Charters and the Universities; i.e.

a) Study and exercise according to the programs and schedules of the universities;

b) Comply with the Law, the Regulations of The Ministry of Education and Training and the universities;

c) Take part in laboring and social activities that suitable for their age, health and capabilities.

d) Pay the tuition fee according to the regulations;

dd) Preserve and protect the universities' assets, contribute to the preservation and promotion of the universities' traditional;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Provide sufficiently information related to the study in a timely manner;

b) Skip grade for accelerating the study, enter postgraduate education according to the regulations of the Ministry of Education and Training.

c) Use equipment for experimenting, practicing and supporting the activities of culture, fitness, sport of the universities according to the regulations of the universities;

d) Take part in the activities held by social organizations and unions according to the regulations of the Law.

dd) Take part in founding unions, make proposals for the measures for the development of the universities and the protection of the reasonable rights and interests of the students;

e) Be beneficiaries of the social policies according to the regulations of the Government.

g) Advance the study to the upper level, look for jobs as the students in public universities.

Chapter 5:

ACTIVITIES OF EDUCATION, SCIENCE, TECHNOLOGY AND INTERNATIONAL COOPERATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The official language used in private universities is Vietnamese. In the foreign cooperation programs, training programs for languages and foreign cultures and some fields of education, the language used for education can be a foreign language or a domestic ethnic language according to the regulations of The Ministry of Education and Training .

2. Private universities may provide training in the fields approved by the Ministry of Education and Training; Enroll students in conformity with the scales of the universities, which are approved by the Ministry of Education and Training

3. Private universities shall develop training programs, schedule on the basis of the framework issued by the Ministry of Education and Training.

4. g) Private universities shall be responsible for the enrolment, the management of the education process, the evaluating exams, the recognition of students’ graduation and the issuance of qualifications according to the regulations of the Ministry of Education and Training.

Article 30. Scientific activities

1. Private universities are allowed to carry out scientific and technological activities, scientific advisory services and transfer of technology, businesses in the fields of education of the universities according to the regulations of the Law on science and technology.

2. Private universities are allowed to establish centers of research and development, affiliated businesses according to the regulations of the Law. The management of the Data system, magazines and other publications about science, textbooks, materials which support educational , scientific and technological activities must comply with the regulations of the Law and other provisions of the Ministry of Education and Training.

3. Private universities must formulate annual plans, long-term and mid-term plans for the scientific and technological activities of the universities, report the plans to the Ministry of Education and Training and the Ministry of Science and Technology

Article 31. International cooperation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter 6:

FINANCE AND ASSETS

Article 32. Financial practice

1. Private universities shall enjoy financial autonomy and must comply with regulations of law on bookkeeping, statistics, fulfill financial obligations to the State and relevant provisions

2. Private universities are allowed to receive loans from credit institutions in order to develop the facilities, improve the quality of education, carry out the scientific researches and business activities.

3. Private universities shall be funded by the Government for the duties assigned by the Government.

Article 33. Financial resources

1. Capital contributed by the shareholders and the financial income from the annual activities of the universities.

2. Other financial resources:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The receipts from the activities of educational cooperation, scientific researches, transfer of technology; experimental manufacture and other businesses according to the regulations of the Law.

c) Interest on deposits in banks, State Treasuries and credit institutions;

c) Investments, aids, sponsorships, donations, gifts (in cash or in kind) received from domestic and foreign entities;

e) Loans taken from/granted by banks, credit institutions and individuals;

g) Other legal receipts.

Article 34. Expenditure

1. Wages, allowances, remunerations, bonuses, social insurance & medical insurance of employees, costs of refresher course for the employees of the universities.

2. Scholarships, rewards given to the students.

3. Expenses of activities of culture, fitness and sport.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Expense of administrative management.

6. Facility rentals, purchases assets, charges of maintenance and repair of facilities, fixed assets, educational equipment.

7. Fixed asset depreciation

8. Payment for debts and their interests.

9. Spending on charity activities.

10. Other expenses in accordance with the regulations of the Law.

Article 35. Management of finance and assets

1. A private university’s money and assets are derived from the resources prescribed in Article 33 of this Regulation. The regulations on spending and using assets shall be decided by the Board of Directors.

2. Private universities are responsible for sending their annual financial statements to the governing bodies and local financial authorities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Annually, the assets of the universities shall be inventoried, valuated, audit. They may be sold in order to recover capital serving the operation of the university. Private universities may decide the accelerate depreciation for fixed assets in order to recover capital, but it must not exceed the maximum rate of depreciation according to the regulations of the Law applied to enterprises. Private universities must establish internal financial practice in order to manage their finance.

5. All the assets of the private universities shall be owned by the investors and under the protection of the Government according to the regulations of the Law.

6. The policy of financial disclosure and financial inspection shall be carried out regularly as well as irregularly by the Control Board. The inspection of the use, increase and decrease of the capitals and assets of the private universities shall be carried out by the financial authorities according to the regulations of the Law.

Article 36. Income and use of income

The total income after deducting necessary expenses of the operation of private universities is prescribed in Article 34, which shall be used as follows:

1. Fulfill obligations to the State budget.

2. Establish development investment budgets and other budgets according to the Resolutions of the Board of Directors.

3. The remaining amount shall be distributed to the contributors in the proportion to their contributions.

Article 37. Transfer of ownership and capital withdrawal

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The shareholder wanting to transfer part of or the whole of his/her capital contribution must transfer such contribution to the other shareholders at the agreed price at the time of transfer.

b) He/she is only allowed to transfer his/her capital contribution to a person other than a shareholder when the other shareholders do not buy or cannot afford all the capital contribution.

2. If a shareholder wants to withdraw his/her capital contribution with legitimate reasons, the withdrawal must be approved in a Resolution of the meeting of the Board of Directors after receiving ayes of at least two thirds of the members.

3. In case a university is dissolved, the finance and assets shall be handled in accordance with according to the regulations of the Law on enterprise dissolution.

Chapter 7:

INSPECTION, COMMENDATION, REWARD AND PUNISHMENT

Article 38. Inspection

1. Private universities are responsible for carry out inspection of the universities’ operation according to current provisions.

2. Private universities shall be inspected by the competent State agencies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Private universities must not let any individual or organization to use the name or the facilities of the universities for illegal activities that inconsistently with the principles and purpose of the universities.

Article 40. Commendations and reward

Individuals or groups (staff) of private universities, who have achievements in contributions to the education, and students, who have achievements in academic and scientific research, shall receive commendations and rewards according to the regulations of the Law

Article 41. Punishment

When there are clear evidences showing that a private university does not adhere to the Law and the regulations of The Ministry of Education and Training; does not satisfy minimum requirements for facilities, equipment, personnel for the purpose of educational operation; cannot ensure the hygiene and safety, depending on the nature of violation, the Minister of Education and Training shall:

1. Issue a written warning.

2. Suspend the enrolment

3. Request the Prime Minister to suspend the operation of the university or dissolve it.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 14/2005/QĐ-TTg ngày 17/01/2005 về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


9.794

DMCA.com Protection Status
IP: 18.97.14.81
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!