ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2021/QĐ-UBND
|
Bình
Phước, ngày 01 tháng 4 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO
DỤC PHỔ THÔNG TỪ NĂM HỌC 2021-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng
6 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 88/2014/QH13
ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa
giáo dục phổ thông;
Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT
ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương
trình giáo dục phổ thông;
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Thông tư số
25/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong
cơ sở giáo dục phổ thông;
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW
ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương khóa
XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa và hội nhập quốc tế;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo
dục và Đào tạo tại Tờ trình số 777/TTr-SGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về
tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học
2021-2022 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
12 tháng 4 năm 2021 và bãi bỏ Quyết định số 586/QĐ-UBND ngày 23 tháng 3 năm
2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Bộ Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa lớp
1 từ năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, tổ chức. cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục KTVB QPPL (Bộ Tư pháp);
- TTTU, TT. HĐND tỉnh;
TT. UBMTTQVN tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- BTGTU, UBKTTU;
- Sở Tư pháp; Sở GD&ĐT (10 bản);
- Như Điều 3;
- Trung tâm CNTT-TT, Sở TT&TT;
- LĐVP, các phòng, ban, trung tâm;
- Lưu: VT, PVX (NngQĐ27.31.3.21).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Tuệ Hiền
|
QUY ĐỊNH
VỀ TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỪ
NĂM HỌC 2021-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 01 tháng 04 năm 2021 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy định này quy định về tiêu chí lựa
chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021-2022 trên địa
bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Quy định này áp dụng đối với trường
tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông
có nhiều cấp học và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ
thông (sau đây gọi là cơ sở giáo dục phổ thông); các cơ quan quản lý Nhà nước;
tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh
Bình Phước.
Chương II
QUY ĐỊNH TIÊU
CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA
Điều 3. Phù hợp
với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương
1. Nội dung sách giáo khoa đảm bảo
các yêu cầu:
a) Đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với
phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa người Việt Nam nói chung, của tỉnh Bình
Phước nói riêng.
b) Có tính phân hóa; đảm bảo tính khả
thi, phù hợp với trình độ của học sinh, năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ
quản lý giáo dục tại địa phương.
c) Triển khai phù hợp với điều kiện
cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương;
giúp nhà trường và giáo viên tự chủ, linh hoạt và sáng tạo trong việc xây dựng
và thực hiện kế hoạch giáo dục dưới sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý giáo dục
địa phương.
d) Có hệ thống bài tập gắn với thực
tiễn của địa phương để giúp học sinh ôn tập, củng cố và phát triển phẩm chất,
năng lực.
2. Cấu trúc, nội dung sách giáo khoa
có tính mở, tạo cơ hội để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung,
điều chỉnh những nội dung và hoạt động giáo dục phù hợp, sát với thực tiễn.
3. Sách giáo khoa có giá thành hợp
lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của các đối tượng sử dụng sách tại địa
phương.
Điều 4. Phù hợp với
điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông
1. Phù hợp với năng lực học tập của học
sinh
a) Sách giáo khoa được trình bày khoa
học, hấp dẫn, gây hứng thú với học sinh. Kênh chữ chọn lọc và số lượng phù hợp
với học sinh ở từng khối lớp; kênh hình gần gũi, trực quan, có tính thẩm mỹ
cao; cấu trúc sách giáo khoa tạo cơ hội học tập tích cực, chủ động, sáng tạo,
rèn kĩ năng hợp tác, phát huy tiềm năng và khả năng tư duy độc lập của học
sinh.
b) Nội dung mỗi bài học trong sách
giáo khoa phải đảm bảo tính khoa học, hiện đại, thiết thực, dễ sử dụng, được thể
hiện sinh động, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình; phù hợp với năng
lực học tập của học sinh, thúc đẩy học sinh học tập tích cực, kích thích học
sinh tư duy sáng tạo, độc lập, giúp học sinh dễ hiểu, không xa rời thực tế.
c) Nội dung các bài học hoặc chủ đề
trong sách giáo khoa có quan hệ liên môn theo các chủ đề, có những hoạt động học
tập thiết thực, giúp học sinh biết cách định hướng để đạt được mục tiêu học tập
phù hợp với năng lực, khả năng của học sinh.
d) Các nhiệm vụ học tập trong mỗi bài
học hướng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức;
bồi dưỡng, phát triển phẩm chất, năng lực, các kĩ năng song thông qua việc vận
dụng kiến thức để giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học.
2. Thuận tiện, hiệu quả đối với giáo
viên
a) Các bài học hoặc chủ đề trong sách
giáo khoa được thiết kế, trình bày đa dạng, thuận tiện cho giáo viên trong việc
lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực.
b) Sách giáo khoa có các nội dung, chủ
đề, kiến thức:
- Phong phú, tạo điều kiện để giáo
viên thực hiện dạy học tích hợp, gắn kết bài học với thực tiễn cuộc sống.
- Thể hiện rõ, đủ các yêu cầu về mức
độ cần đạt; đảm bảo mục tiêu phân hóa, giúp giáo viên đánh giá được mức độ đáp ứng
yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh.
- Cùng với các nội dung, chủ đề, kiến
thức, cấu trúc sách giáo khoa thuận tiện cho nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây
dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch
giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học
sinh.
3. Phù hợp với điều kiện về cơ sở vật
chất, trang thiết bị và điều kiện dạy học khác của các cơ sở giáo dục phổ
thông.
Điều 5. Các yếu tố
đi kèm với sách giáo khoa
Các yếu tố đi kèm với sách giáo khoa
đảm bảo phù hợp với các tiêu chí nêu tại Điều 3, Điều 4 của Quy định này và các
quy định có liên quan; góp phần hướng dẫn, hỗ trợ tốt cho việc sử dụng sách
giáo khoa và phát hành kịp thời sách đến các cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh.
Cụ thể:
1. Phương pháp tập huấn, hỗ trợ đội
ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong sử dụng sách giáo khoa phù hợp với điều
kiện thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.
2. Nguồn tài nguyên, học liệu điện tử
bổ sung cho sách giáo khoa đa dạng, phong phú, hữu ích; đáp ứng tốt nhu cầu sử
dụng của các cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh.
3. Danh mục thiết bị dạy học kèm theo
sách giáo khoa có chất lượng tốt, dễ sử dụng, phù hợp với tình hình thực tế của
đơn vị, giá thành hợp lý.
4. Chất lượng sách giáo khoa tốt (giấy
in, khổ sách, cỡ chữ, font chữ, đóng cuốn chắc chắn, đẹp, chuẩn về màu sắc...);
có thể sử dụng nhiều năm.
5. Kênh phân phối, phát hành sách
giáo khoa đủ lớn, đảm bảo yêu cầu cung ứng kịp thời cho các cơ sở giáo dục phổ
thông trong tỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Sở Giáo dục
và Đào tạo
1. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm
tra, giám sát các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện
Quy định này trong việc lựa chọn sách giáo khoa theo hướng dẫn tại Thông tư số
25/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và các quy
định hiện hành của pháp luật; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định.
2. Đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân
tỉnh bố trí kinh phí, cơ sở vật chất để các Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp
tỉnh và các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức thực hiện
Quy định này trong việc lựa chọn sách giáo khoa.
3. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh tình hình triển khai thực hiện Quy định này sau khi việc lựa chọn sách
giáo khoa được thực hiện xong (đối với các năm có tổ chức lựa chọn sách giáo
khoa).
Điều 7. Ủy ban
nhân dân cấp huyện
1. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo
tổ chức hướng dẫn và kiểm tra, giám sát, báo cáo tình hình thực hiện Quy định
này trong việc đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông
trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Bảo đảm nguồn kinh phí, cơ sở vật
chất để các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức thực hiện
Quy định này trong việc đề xuất lựa chọn sách giáo khoa.
Điều 8. Phòng
Giáo dục và Đào tạo
1. Thực hiện đúng theo chỉ đạo của Sở
Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc triển khai thực hiện
Quy định này.
2. Đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân
cấp huyện về kinh phí, cơ sở vật chất để các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm
quyền quản lý tổ chức thực hiện Quy định này trong việc đề xuất lựa chọn sách
giáo khoa.
3. Tổng hợp và báo cáo Sở Giáo dục và
Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp huyện kết quả thực hiện Quy định này kết hợp trong
báo cáo kết quả đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ
thông trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
Điều 9. Cơ sở
giáo dục phổ thông
Tổ chức thực hiện Quy định này trong
việc đề xuất lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư
số 25/2020/TT-BGDĐT ; báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ
thông), Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở)
về tình hình thực hiện Quy định này kết hợp trong báo cáo kết quả đề xuất lựa
chọn sách giáo khoa.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 10. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn hoặc
phát sinh vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân
có liên quan phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo đúng quy định./.