HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 26/NQ-HĐND
|
Kon Tum, ngày 09
tháng 7 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG
QUA ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐỐI VỚI HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ TÍNH ĐẾN
NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
KHÓA XII KỲ HỌP THỨ NHẤT
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Xét Tờ trình số 102/TTr-UBND ngày 18 tháng 6 năm
2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc Thông qua Đề án nâng cao chất lượng
giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số tính đến năm 2025, định hướng đến
năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa
XI; Báo cáo số 188/BC-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về
tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân, ý kiến thảo
luận Tô đại biểu Hội đồng nhân dân; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân
dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án nâng
cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số tính đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quan điểm
Việc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với
học sinh dân tộc thiểu số là tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng,
Nhà nước về chính sách dân tộc; thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo của Đảng; là điều kiện tiên quyết để tiếp tục nâng cao chất
lượng giáo dục, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy
sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng,
trật tự an toàn xã hội, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu
số các cấp học là vấn đề xã hội quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, chịu ảnh
hưởng của nhiều yếu tố, là trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục mà còn của
các tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp và các lực lượng xã hội;
do đó cần phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi, có tính kế thừa, tính trọng
tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
2. Mục tiêu tổng quát
Kế thừa và phát huy kết quả đạt được qua thực hiện
Đề án tiếp tục nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn
2016-2020; trên cơ sở tình hình thực tế về giáo dục vùng dân tộc thiểu số của tỉnh,
có những giải pháp phù hợp để huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị
và các lực lượng xã hội, tiếp tục thực hiện việc nâng cao chất lượng và hiệu quả
giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số đến năm 2025, định hướng đến năm
2030; thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng
ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc
phòng gắn với việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện
hành trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục,
xóa mù chữ, huy động học sinh ra lớp, đẩy mạnh phân luồng và định hướng nghề
nghiệp, sắp xếp mạng lưới trường, lớp gắn với huy động có hiệu quả các nguồn lực
đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
3. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Đối với giáo dục mầm non: Huy động trẻ em dân tộc
thiểu số dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt tỷ lệ từ 10% trở lên; trẻ dân tộc thiểu số
3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ trên 95%, trong đó tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi
đạt 99,9%; 100% trẻ dân tộc thiểu số 3-5 tuổi học mẫu giáo được tăng cường và
chuẩn bị tiếng Việt để vào học lớp 1; có 50% trường mầm non vùng dân tộc thiểu
số đạt chuẩn quốc gia.
- Đối với giáo dục phổ thông: 40% học sinh tốt nghiệp
trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề; 80% học sinh dân tộc
thiểu số tốt nghiệp trung học phổ thông tham gia học đại học, cao đẳng, trung cấp
hoặc đào tạo nghề; trên 99,5% học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học được đánh
giá hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh dân tộc thiểu số được học
ngoại ngữ, tin học từ lớp 3 trở lên; 99,8% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung
học cơ sở có hạnh kiểm từ trung bình trở lên, trong đó hạnh kiểm tốt, khá từ
92% trở lên và 95% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học cơ sở có học lực từ
trung bình trở lên, trong đó đạt khá, giỏi trên 25%; 99,6% học sinh dân tộc thiểu
số cấp trung học phổ thông có hạnh kiểm từ trung bình trở lên, trong đó hạnh kiểm
tốt, khá từ 90% trở lên và 92% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học phổ
thông có học lực từ trung bình trở lên, trong đó đạt khá, giỏi trên 30%; 95% học
sinh dân tộc thiểu số toàn tỉnh tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó học
sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp chương trình giáo dục trung học phổ thông đạt
97%; 70% trường tiểu học, 50% trường trung học cơ sở, 55% trường trung học phổ
thông vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia.
b) Định hướng đến năm 2030: Củng cố và nâng cao hiệu
quả hoạt động của các trường vùng dân tộc thiểu số; giữ vững và nâng cao chất
lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở; tỷ
lệ chuyên cần của học sinh dân tộc thiểu số các cấp học từ 99% trở lên.
- Đối với giáo dục mầm non: Huy động trẻ em dân tộc
thiểu số dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt tỷ lệ từ 11% trở lên; trẻ dân tộc thiểu số
3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỷ lệ trên 97%; có 55% trường mầm non vùng dân tộc
thiểu số đạt chuẩn quốc gia.
- Đối với giáo dục phổ thông: Duy trì và nâng cao
chất lượng giáo dục phổ thông; trên 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở,
trung học phổ thông chuyển sang học nghề; trên 85% học sinh dân tộc thiểu số tốt
nghiệp trung học phổ thông tham gia học đại học và cao đẳng, trung cấp hoặc đào
tạo nghề; duy trì và giữ ổn định tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp
trung học phổ thông toàn tỉnh đạt 95% trở lên, trong đó học sinh dân tộc thiểu
số tốt nghiệp chương trình giáo dục trung học phổ thông đạt 97%; 75% trường tiểu
học, 55% trường trung học cơ sở, 60% trường trung học phổ thông vùng dân tộc
thiểu số đạt chuẩn quốc gia.
4. Một số giải pháp chủ yếu
a) Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng,
chính quyền đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số;
tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ,
giáo viên, nhân viên và học sinh.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức,
nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân, đặc biệt là của
học sinh, cha mẹ học sinh đối với việc nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu
số.
c) Củng cố, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp
phù hợp; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cơ sở
vật chất, thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh dân
tộc thiểu số.
d) Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu nâng
cao chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số.
đ) Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức
các hoạt động đặc thù phù hợp với đối tượng học sinh DTTS.
e) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên
lĩnh vực giáo dục dân tộc, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao
hiệu quả việc sử dụng và phát huy các chính sách hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc
thiểu số.
5. Nguồn lực thực hiện
Kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2025: 1.185.371,3
triệu đồng, trong đó: Nguồn ngân sách Trung ương 613.585 triệu đồng, ngân sách
địa phương 469.522,3 triệu đồng, nguồn huy động khác 102.264 triệu đồng.
a) Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trong giai đoạn
2021-2025: 1.022.641 triệu đồng, trong đó: Nguồn ngân sách Trung ương 613.585
triệu đồng, ngân sách địa phương 306.792 triệu đồng, nguồn huy động khác
102.264 triệu đồng.
Kinh phí ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025: 668.139
triệu đồng (kinh phí đầu tư phòng học 218.959 triệu đồng, kinh phí đầu tư
nhà ở học sinh 121.590 triệu đồng, kinh phí đầu tư công trình vệ sinh-nước sạch
108.875 triệu đồng và kinh phí đầu tư phòng bộ môn theo lộ trình trường đạt chuẩn
quốc gia và nông thôn mới 218.715 triệu đồng), trong đó: Nguồn ngân sách
Trung ương 400.883 triệu đồng (60%), ngân sách địa phương 200.442 triệu đồng
(30%), nguồn huy động khác 66.814 triệu đồng (10%).
b) Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực
cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên: 9.155 triệu đồng.
c) Kinh phí tăng cường Tiếng
Việt cho trẻ 5 tuổi dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1: 3.510 triệu đồng.
d) Kinh phí phụ đạo, bồi dưỡng
học sinh dân tộc thiểu số: 147.555,3 triệu đồng (29.511,06 triệu đồng/năm học).
đ) Kinh phí Biên soạn bộ tài liệu bổ trợ ngôn ngữ
cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học: 1.850 triệu đồng (370 triệu đồng/năm
học).
e) Kinh phí thực hiện miễn học phí đối với học sinh
dân tộc thiểu số học hệ giáo dục thường xuyên: 660,15 triệu đồng (132,03 triệu
đồng/năm học).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực
hiện.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban
của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kon
Tum Khóa XII Kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 02 tháng 7 năm 2021./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu quốc hội;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Ủy ban Dân tộc;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Thường trực HĐND-UBND các huyện, thành phố;
- Báo Kon Tum;
- Đài PT-TH tỉnh;
- Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, CTHĐ.
|
CHỦ TỊCH
Dương Văn Trang
|