NGHỊ QUYẾT
VỀ
PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 19
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007
của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư
Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ,
nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/1998
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của
Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012;
Căn cứ Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 27/02/2009
của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu
cầu đổi mới, phát triển của đất nước từ năm 2008 đến năm 2012”;
Trên cơ sở Tờ trình số: 79/TTr-UBND ngày 14 tháng
6 năm 2010 của UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về phổ biến, giáo
dục pháp luật giai đoạn 2010 - 2015; báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND
tỉnh và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2010
- 2015 trên địa bàn tỉnh.
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu
chung:
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc về nhận thức pháp luật,
ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đổi mới nội dung và
hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật. Chuyển tải kịp thời nội dung pháp luật
phù hợp với từng đối tượng; giúp cán bộ, nhân dân, các cơ quan nhà nước thực
hiện nghiêm chỉnh pháp luật; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh.
b) Mục tiêu
cụ thể:
Đến hết năm 2015 công tác phổ biến, giáo dục pháp
luật đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:
- 100% đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp
luật các cấp được tập huấn nghiệp vụ bồi dưỡng kiến thức pháp luật thường xuyên,
đảm bảo hoạt động mang tính chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn pháp lý đáp
ứng yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Từ 90% trở lên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và Trưởng
các đoàn thể cấp xã; cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở;
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hoà giải, Tổ trưởng Tổ liên gia được
tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục
pháp luật.
- Từ 80% trở lên nhân dân được phổ biến, giáo dục
pháp luật; từ 95% trở lên người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh
nghiệp, học sinh, sinh viên được phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với việc thực
hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến
sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân được trang bị kiến thức pháp luật theo
lĩnh vực hoạt động chuyên ngành và các lĩnh vực pháp luật khác có liên quan đến
hoạt động của mình.
- Đầu tư sách pháp luật mới cho Tủ sách pháp luật
cấp xã theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng Tủ sách pháp luật trong
các cơ quan Nhà nước, trường học, doanh nghiệp, ở các thôn, tổ dân phố để phục
vụ cán bộ, học sinh và nhân dân.
2. Nhiệm vụ và giải pháp.
a) Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, trách nhiệm và
quan hệ phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp, các ngành,
đoàn thể; gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã
hội trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối
hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; củng cố, nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp.
b) Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần tập
trung vào những chính sách pháp luật mới, quan trọng, thiết yếu, gắn với việc nâng
cao ý thức chấp hành và thực hiện pháp luật, nhất là phổ biến, giáo dục pháp
luật cho nhân dân ở các khu, cụm công nghiệp, những nơi giải phóng mặt bằng,
địa bàn có khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp. Kết hợp phổ biến, giáo dục
pháp luật với việc hoà giải cơ sở, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và
xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
c) Sử dụng đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục
pháp luật. Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp
luật từ tỉnh đến cơ sở; tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật cho
đội ngũ cán bộ ở thôn, tổ dân phố; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ,
công chức, viên chức các ngành, các cấp; người sử dụng lao động, người lao động
trong các doanh nghiệp; lồng ghép phổ biến pháp luật với việc bồi dưỡng, nâng
cao kiến thức cho nông dân. Tăng thời lượng và mở thêm các chuyên trang, chuyên
mục trên Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Trang bị tủ sách
pháp luật trong các cơ quan nhà nước, trường học, doanh nghiệp, thôn, tổ dân
phố. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử lưu
động.
d) Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh
giá kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kịp thời khen thưởng, biểu dương
các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật.
3. Về kinh phí
Hàng năm các cấp, các ngành dành kinh phí bảo đảm
cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ngân sách tỉnh cấp kinh phí cho công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật mỗi năm ước tính là 7.850.000.000đồng (bảy tỷ tám trăm năm
mươi triệu đồng).
Trong đó hỗ trợ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp
luật thông qua hoạt động xét xử lưu động mỗi năm ước tính là 1.350.000.000đồng
(một tỷ ba trăm năm mươi triệu đồng).
3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2010 -
2015.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị
quyết này.
2. Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh có
trách nhiệm giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết này, đã được HĐND tỉnh khoá XIV, kỳ họp
thứ 19 thông qua ngày 14-7-2010./.