ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 406/KH-UBND
|
Quảng Bình,
ngày27 tháng 3 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN THIẾT BỊ DẠY HỌC, ĐỒ DÙNG, ĐỒ CHƠI GIÁO DỤC MẦM
NON VÀ PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2017-2021
PHẦN I. SỰ CẦN THIẾT VÀ
CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
I. Sự cần thiết xây dựng Kế hoạch
Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8
khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ: Đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp
thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ
chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng,
sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục-đào tạo
và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới
ở tất cả các bậc học, ngành học.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần
thứ XVI cũng đã đề ra: Thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quan tâm chất lượng giáo dục mũi nhọn, bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đẩy mạnh xã hội
hoá để thu hút nguồn lực đầu tư mạng lưới trường lớp, thiết bị dạy học. Đến năm
2020, có 40 - 45% trường mầm non, 90% trường tiểu học, 70 - 75% trường trung học
cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Để thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội
nghị Trung ương 8 Khoá XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI tỉnh cần phải
có kế hoạch phát triển hợp lý về thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các trường
mầm non và phổ thông. Vì vậy việc đầu tư, phát triển, trang cấp thiết bị và đồ
dùng, đồ chơi phục vụ dạy học đóng vai trò rất quan trọng.
II. Căn cứ pháp lý
1. Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày
28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông;
2. Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày
09/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung
ương Khoá XI về đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong
điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
3. Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT
ngày 25/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch hành động của ngành
Giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số
29-NQ/TW;
4. Quyết định số 1719/QĐ-BGDĐT
ngày 23/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Kế hoạch tiếp tục thực
hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú
(giai đoạn 2016 – 2020);
5. Quyết định số 298/QĐ-UBND ngày
20/02/2012 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ
trong các cơ sở giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn
2011-2020;
6. Quyết định số 1880/QĐ-UBND ngày
17/7/2014 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sự
nghiệp Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình đến năm 2020;
7. Kế hoạch số 1484/KH-UBND ngày
25/11/2014 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và
nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020 của tỉnh Quảng
Bình;
8. Chương trình hành động Số
27-CTr/TƯ ngày 29/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Hội nghị
lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về “Đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong
điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”;
9. Kế hoạch số 610/KH-UBND ngày
09/6/2015 của UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện Chương trình hành động số
27-CTr/TU ngày 29/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Kết luận Hội
nghị Trung ương 8 (khoá XI).
PHẦN II. THỰC
TRẠNG THIẾT BỊ DẠY HỌC, ĐỒ DÙNG, ĐỒ CHƠI CỦA CÁC TRƯỜNG MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG
GIAI ĐOẠN 2011-2016
I. Đặc điểm tình hình kinh tế,
xã hội của địa phương
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ XI; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh Quảng Bình đã xây
dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, làm căn cứ để các cấp, các
ngành, các thành phần kinh tế triển khai thực hiện. Kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội 5 năm 2011-2015, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức,
nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của các
ngành, các cấp nên nền kinh tế của tỉnh Quảng Bình phát triển ổn định, tốc độ
tăng trưởng khá, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch;
cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế từng bước
được nâng lên; thu ngân sách tăng khá; cơ sở hạ tầng KT-XH được cải thiện rõ rệt;
các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân cải thiện,
công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách xã
hội đạt kết quả khá; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ
vững.
Giáo dục và Đào tạo tiếp tục được sự quan tâm của toàn xã hội; mạng lưới trường, lớp
học tiếp tục được sắp xếp mở rộng, đội ngũ giáo viên được bổ sung về số lượng,
nâng cao về chất lượng. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì và phát triển. Đến
nay, toàn tỉnh đã đạt PCGDMN 5 tuổi với 158/159 xã đạt chuẩn (99,37%) và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn
PCGDMN 5 tuổi, đã có 159/159 xã phường đạt chuẩn PCGDTH mức độ 2 trở lên (100%), 150/159 xã, phường, thị
trấn đạt chuẩn PCGD TH mức độ 3 (tỷ lệ 93,7%). Có 159/159 xã, phường, thị trấn (tỷ lệ 100%) và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ
cập GDTHCS.
II. Thực trạng thiết bị dạy học,
dồ dùng, đồ chơi của các trường mầm non và phổ thông giai đoạn 2011-2016
1. Quy mô mạng lưới trường, lớp
Toàn tỉnh, có 588 trường mầm non
và phổ thông và 02 cơ sở GDMN, chia ra: Mầm non 180 trường và cơ sở (có 02 cơ sở
mầm non; có 7 trường mầm non ngoài công lập); 211 trường Tiểu học (trong đó: có
01 trường ngoài công lập, 03 Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, 01 trường PTDT
bán trú); 148 trường THCS (có 04 trường PTDN nội trú, 01 trường PTDTBT); 18 trường
Tiểu học và THCS (có 5 trường PTDTBT) ; 27 trường THPT (trong đó, có 01 trường
THPT Chuyên, 01 trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, 01 trường THPT kỹ thuật); 06
trường THCS&THPT (có 01 trường tư thục).
Ngành đã tích cực quan tâm cùng với
chính quyền địa phương xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh có có
309 trường đạt chuẩn Quốc gia,
tỷ lệ 52,7%. Trong đó: Mầm non 64 trường (5 trường đạt chuẩn quốc gia mức
độ 2), tỷ lệ 35,7%; Tiểu học 159 trường (41 trường đạt chuẩn quốc gia mức
độ 2), tỷ lệ 75,3%; THCS 73 trường tỷ lệ 44% và THPT 13 trường tỷ lệ
39,4%. Tuy số trường đạt chuẩn Quốc
gia tăng 11,5%, nhưng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia các cấp học mầm non, THCS,
THPT vẫn còn thấp, nhiều trường sụt chuẩn do quá thời hạn công nhận lại, vì vậy
cần tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia trong năm tới, nhằm đảm bảo cơ sở
vật chất, điều kiện học tập cho học sinh.
2. Thực trạng thiết bị trường học
các cấp học
Thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi
được trang bị cho các trường mầm non và phổ thông hiện nay còn thiếu nhiều, một
số thiết bị đưa vào sử dụng đã lâu, đến nay đã hư hỏng, tiêu hao nhiều, nhiều
thiết bị dạy học đã lạc hậu không thể tiếp tục sử dụng được; nhiều thiết bị dạy
học đã quá hạn sử dụng. Đặc biệt do ảnh hưởng của các đợt thiên tai gây thiệt lớn,
làm hư hỏng nhiều thiết bị dạy học và đồ dùng, đồ chơi, nhất là đồ chơi ngoài
trời đối với cấp học mầm non (có Phụ lục 1 kèm theo).
2.1. Giáo dục mầm non
Toàn tỉnh có 180 trường và cơ sở mầm
non (173 trường mầm non công lập) với 1.993 lớp mẫu giáo và nhà trẻ. Thiết bị dạy học và đồ chơi ngoài trời phục vụ
giáo dục mầm non còn rất hạn chế, trang bị đã lâu, hư hỏng
và xuống cấp nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ
dạy và học (trung bình đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tối thiểu), các thiết bị để
quản lý dạy học như máy tính quản lý, máy chiếu, thiết bị âm thanh còn hạn chế,
hầu hết chỉ có các đơn vị ở khu vực trung tâm là được trang bị, các trường ở
khu vực miền núi, đặc biệt là các khu vực kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn còn
thiếu rất nhiều.
Hiện tại giáo dục Mầm non toàn tỉnh
cần phải tiếp tục tăng cường trang bị các đồ dùng tối thiểu phục vụ dạy và học,
đồ chơi ngoài trời cho các trường mầm non, nhất là các đơn vị ở khu vực kinh tế
xã hội đặc biệt khó khăn.
2.2. Giáo dục phổ thông
- Thiết bị dạy
học phục vụ giáo dục tiểu học còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục
vụ dạy và học (trung bình đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tối thiểu), các thiết bị để
quản lý dạy học như máy tính quản lý, máy chiếu, thiết bị âm thanh phòng Lab phục
vụ học ngoại ngữ, phòng máy vi tính chỉ
mới đáp ứng khoảng 35% nhu cầu tối
thiểu. Do đó, giáo dục Tiểu học toàn
tỉnh cần tăng cường trang bị các phòng tin học, ngoại ngữ, thiết bị bàn ghế và thiết bị dạy học tối thiểu để đáp ứng
nhu cầu dạy và học.
- Thiết bị dạy
học phục vụ giáo dục THCS hiện tại còn
hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học (trung bình đáp ứng
khoảng 60% nhu cầu tối thiểu). Nhiều đơn vị thiếu bàn ghế
và dụng cụ khác phục vụ học tập. Các phòng học bộ môn
trang thiết bị còn thiếu nhiều chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tối thiểu. Vì vậy mục tiêu giáo dục THCS cần tăng cường
trang bị các phòng học bộ môn, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ
Giáo dục và Đào tạo để đáp ứng nhu cầu dạy và học.
- Toàn tỉnh
hiện có 32 trường (THPT, THCS và THPT) công lập với 779 lớp. Thiết bị phục vụ dạy
và học tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 55-50% nhu cầu tối thiểu, nhiều trường còn thiếu máy
tính, dụng cụ thực hành các bộ môn, máy chiếu, thiết bị âm thanh, bàn ghế… Vì vậy, giáo dục Trung học phổ thông cần đầu tư trang thiết bị các phòng phòng thực hành bộ môn, bổ sung trang thiết bị, máy
móc phục vụ công tác dạy và học.
PHẦN III. NỘI
DUNG PHÁT TRIỂN THIẾT BỊ TRƯỜNG HỌC GIAI ĐOẠN 2017-2021
I. Những thuận lợi, khó
khăn và thách thức trong giai đoạn 2017-2021
1. Thuận
lợi
Ngành giáo dục và Đào tạo luôn
được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND,
UNBD tỉnh và các đơn vị ban ngành cấp tỉnh. Trong thời gian qua HĐND, UBND đã ban hành các văn bản trong việc
định hướng phát triển Giáo dục và
Đào tạo trong thời gian tới.
2. Khó khăn và thách thức
Việc đầu
tư mua sắm đầy đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu phục vụ dạy và học tại các trường mầm
non và phổ thông cần có kinh phí rất lớn trong khi
ngân sách còn hạn hẹp. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh kế tỉnh nhà chịu ảnh hưởng
khá nặng nề từ sự cố môi trường biển năm 2016; ảnh hưởng của
đợt lũ lịch sử năm 2016 và các cơn bão số 10 của các năm 2016 và năm 2017 đã
gây thiệt hại rất lớn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
II.
Mục tiêu chung
Đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu
tư thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho giáo dục mầm non
và phổ thông nhằm củng cố vững chắc phổ cập giáo dục ở
các cấp học, phát triển trường đạt
chuẩn quốc gia ở các cấp học. Đến năm học 2020-2021, 100% trường học
mầm non, phổ thông vùng nông thôn có đủ cơ sở vật chất tối
thiểu đáp ứng nhu cầu dạy và học ở
địa phương.
III. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2017-2021
Với thực trạng trang thiết bị
dạy học, đồ dùng, đồ chơi giáo dục mầm non và phổ thông hiện tại, giai đoạn 2017-2021 các cấp học từ mầm non đến phổ thông cần đầu tư thiết bị cho phòng học bộ môn và các phòng phục
vụ học tập, phòng hành chính quản trị. Tập trung mua sắm trang thiết bị dạy và
học như sau:
- Giáo dục mầm non: Trang bị 603 bộ thiết bị dạy học tối thiểu cho
các lớp có độ tuổi từ 0-6 tuổi và 270 bộ thiết bị dạy học dùng chung.
- Giáo dục học tiểu học: Trang
bị 500 bộ thiết bị dạy học
tối thiểu cho các lớp từ lớp 1 đến lớp 5; 275 bộ thiết bị dạy học dùng chung và 1.425 bộ bàn ghế.
- Giáo dục THCS: Trang bị 325 bộ thiết bị dạy học tối thiểu cho
các lớp THCS, 70 bộ thiết bị
dạy học dùng chung và 1.475
bộ bàn ghế học sinh.
- Giáo dục THPT: Trang bị 150 bộ thiết bị dạy học tối thiểu, 40 bộ thiết bị dạy học dùng chung, 50 bộ thiết bị dạy học QP-AN và 875 bộ bàn ghế học sinh.
(Chi tiết có tại Phụ lục
2 kèm theo)
PHẦN IV.
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Việc đầu
tư thiết bị trường học giai đoạn 2017-2021 đòi hỏi ngân sách đầu tư rất lớn. Trong đó,
các mục tiêu như xây dựng trường đáp ứng tiêu chí trường học đạt tiêu chí Nông
thôn mới, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng trường theo hướng chuẩn
hoá, hiện đại hoá chiếm tỷ trọng khá cao trong khi ngân sách dành cho Giáo dục còn hạn chế. Do đó, cần phải có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu.
- Nâng
cao nhận thức cho đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên và học
sinh toàn ngành trong việc giữ gìn, bảo quản thiết bị, đồ dùng dạy học; sử dụng, khai thác
hiệu quả, tiết kiệm thiết bị hiện
có; sử dụng hiệu quả, đúng mục đích các phòng học bộ môn.
- Các trường, cơ sở giáo dục
vùng khó, vùng dân tộc, vùng miền núi khó khăn cần được được Nhà nước quan tâm hỗ nguồn lực đầu tư thiết
bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, cơ sở vật chất - kỹ thuật
trường học thông qua nguồn ngân sách tỉnh và lồng ghép vào
các Chương trình, Đề án, Dự án, Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia...
- Ưu tiên đầu tư thiết bị dạy học cho các trường vùng miền núi, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, trong đó đảm bảo đủ thiết
bị phòng học bộ môn, phòng chức năng, các thiết bị dạy học, đồ
dùng, đồ chơi ngoài trời, thiết bị
dạy học môn QP-AN và môn thể dục thể thao nhằm nâng
cao chất lượng giáo dục toàn diện.
- Các trường, cơ sở giáo dục
vùng thuận lợi, thị trấn, thị xã, thành phố, ngoài nguồn lực
của Nhà nước để đầu tư thiết bị dạy học, cần phải huy
động các nguồn vốn địa phương, sự đóng góp ủng hộ tự nguyện của phụ huynh học sinh, của
các tầng lớp xã hội, các nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp... theo tinh thần xã hội hoá giáo dục để mua sắm,
bổ sung, tăng trưởng thiết bị dạy
học.
- Hàng năm cần kiểm tra, rà soát thực
trạng thiết bị, học liệu hiện có để lập kế hoạch mua sắm bổ sung những thiết bị
dạy học, đồ dùng, đồ chơi cần thiết và đồng bộ; việc mua sắm mới phải được đặt
trên cơ sở khai thác sử dụng hết công suất của những thiết bị đã được trang bị,
phù hợp với điều kiện kinh phí và tập trung bồi dưỡng
cán bộ vận hành, khai thác sử dụng thiết bị đảm bảo hiệu quả.
- Cần tránh lãng phí trong đầu tư
mua sắm. Chú trọng đến việc khai thác sử dụng hết công suất, khả năng của các
thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi hiện có. Tránh mua sắm thiết bị dạy học quá
hiện đại, nhiều chức năng, đắt tiền nhưng không khai thác sử dụng hết các chức
năng của thiết bị, khi chưa có người đủ kiến thức, khả năng để vận hành và khai
thác sử dụng.
PHẦN V. DỰ
TOÁN VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2017- 2021 là 151.320 triệu
đồng, chia ra:
- Năm 2017: 30.400 triệu đồng
- Năm 2018: 30.230 triệu đồng
- Năm 2019: 30.230 triệu đồng
- Năm 2020: 30.230 triệu đồng
- Năm 2021: 30.230 triệu đồng
(Chi tiết tại các Phụ lục 1, 2 kèm theo)
* Nguồn kinh phí triển khai
Ngân sách Nhà
nước, các nguồn xã hội hoá và các nguồn vốn hợp pháp khác.
PHẦN VI.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chịu trách nhiệm phối hợp các
sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, cụ thể:
- Rà
soát, xác định danh mục, số lượng trang, chủng loại thiết bị dạy và học, đồ dùng, đồ chơi cần trang cấp hàng năm trên cơ sở mạng lưới trường lớp, kế hoạch phát triển của từng địa phương, nhu cầu thực tế từ các đơn vị và tình
hình kinh tế - xã hội của từng địa
phương để lập kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng,
đồ chơi hàng năm cho các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh.
- Phối hợp với
Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện
Kế hoạch.
- Cụ thể hoá các chủ trương,
nhiệm vụ thành nội dung trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và triển khai thực
hiện; kiểm tra, tổng hợp báo cáo, đánh giá kết quả và tiến độ thực hiện; định
kì hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Sở Tài chính
Căn cứ vào Kế
hoạch đã được phê duyệt và khả năng ngân sách hằng năm, Sở Tài chính chủ trì, phối
hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ban, ngành, địa
phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch.
3. UBND các huyện, thành
phố, thị xã
- Căn cứ vào mục tiêu, nội dung,
nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch để lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo,
các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý triển khai và bố trí kinh phí thực
hiện theo quy định.
- Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện
gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
4. Các cơ sở giáo dục và
đào tạo
Chịu trách nhiệm tổ chức rà soát
thực trạng thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tại đơn vị để tham mưu chính quyền
các cấp đầu tư trang cấp thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học. Thực hiện
nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về xã hội
hoá giáo dục; nâng cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc khai
thác, sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy học, góp phần không ngừng nâng cao chất
lượng giảng dạy và học tập, phấn đấu đạt các mục tiêu về phát triển giáo dục và
đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-CP về Đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo.
Trên đây là Kế hoạch phát triển
thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017-2021, yêu cầu
các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện
nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành địa phương báo cáo về UBND tỉnh
(qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ GD&ĐT;
- TT Tỉnh uỷ; (B/c)
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các
PCTUBND tỉnh;
- LĐ VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Tiến Dũng
|