ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 35/KH-UBND
|
Huế, ngày 25
tháng 4 năm 2008
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 61/2007/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 37/2008/QĐ-TTG
NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 2008 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO
DỤC PHÁP LUẬT TỪ NĂM 2008 ĐẾN NĂM 2012 TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Thực hiện Nghị Quyết số 61/2007/NQ-CP ngày
07/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09
tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX); Quyết định số
37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt
Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012; Chỉ thị số
37/CT-TU ngày 04 tháng 6 năm 2004 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật,
nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Ủy ban Nhân dân
(UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ
năm 2008 đến năm 2012 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:
1. Mục tiêu chung
a) Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
là một bộ phận của công tác chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống
chính trị cần được quan tâm chỉ đạo tích cực, thường xuyên và thống nhất của
các cấp ủy Đảng; phải tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và
nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.
b) Tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ các văn
bản quy phạm pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày, đến các hoạt động kinh
tế, văn hóa, xã hội của cán bộ, nhân dân nhằm trang bị kiến thức và nâng cao hiểu
biết pháp luật, tạo điều kiện để cán bộ, công chức và nhân dân sử dụng pháp luật
làm phương tiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần thực hiện
nhiệm vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương bộ máy Nhà nước và tạo được chuyển biến
căn bản trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật
của cán bộ, nhân dân, đặc biệt là dân tộc thiểu số ở một số xã miền núi, góp phần
ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã
hội.
c) Xây dựng và phát triển mạnh đội ngũ cán bộ làm
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ
biến giáo dục pháp luật các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp
luật; trong đó, nòng cốt là cán bộ đoàn thể; tổ trưởng tổ dân phố; trưởng thôn,
cụm dân cư, già làng, trưởng bản và đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân
tại các trường phổ thông cơ sở và trung học phổ thông.
d) Xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động phổ biến,
giáo dục pháp luật giữa các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh với các tổ chức, đoàn
thể trong xã hội có liên quan để đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng
với tình hình mới.
đ) Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các
ngành và cả hệ thống chính trị trong việc đưa pháp luật đến từng tổ dân phố,
thôn, bản, làng, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, hình
thành ý thức tìm hiểu pháp luật như là một hoạt động thường xuyên ở cơ sở.
2. Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu đến hết năm 2012, công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được các mục
tiêu cụ thể sau đây:
a) Từ 80 - 90% người dân trong toàn tỉnh
được tuyên truyền các văn bản pháp luật quan trọng và các văn bản pháp luật
chuyên ngành liên quan đến từng nhóm đối tượng trên từng địa bàn cụ thể;
b) Từ 95% cán bộ, công chức, viên chức
trở lên được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn,
nghiệp vụ của mình;
c) 95% người sử dụng lao động được
tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh
nghiệp; 70% người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền,
nghĩa vụ của công dân và người lao động;
d) 100% cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng
vũ trang nhân dân được trang bị kiến thức pháp luật về an ninh, quốc phòng và
các quy định pháp luật khác liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ;
đ) 95% thanh thiếu niên được tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan trực tiếp tới đối tượng này.
3. Yêu cầu
a) Tiếp tục kế thừa và phát huy các hình thức phổ
biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả. Chú trọng và lựa chọn nội dung, hình thức
phù hợp với từng đối tượng để nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật.
b) Trên cơ sở các hình thức phổ biến giáo dục pháp
luật có hiệu quả đã được thực hiện tại các xã, phường, thị trấn được chọn điểm
để triển khai các Đề án thuộc Chương trình 212 theo Kế hoạch số 32/KH-UBND của Ủy
ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai thực hiện Chương trình hành động
quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2006 đến năm 2010, tiếp tục
mở rộng phạm vi thực hiện các Đề án đến 152 xã, phường, thị trấn. Khai thác có
hiệu quả, sáng tạo các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật đã
phát huy tác dụng ở cơ sở như: lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến pháp luật
trong các buổi họp dân; mở hòm thư giải quyết khiếu nại tố cáo tại các đơn vị
xã, phường, thị trấn; hoạt động hoà giải ở cơ sở; phổ biến pháp luật thông qua
hệ thống loa truyền thanh cơ sở,... Bên cạnh đó, cần đổi mới trong phương thức
thực hiện, kết hợp lồng ghép công tác trợ giúp pháp lý với công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
được triển khai ở địa phương.
c) Gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc
tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, chương trình, đề án của Nhà nước và các tổ
chức chính trị, xã hội khác với công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người
nghèo, đối tượng chính sách.
d) Kết hợp phổ biến giáo dục pháp luật với giáo dục
đạo đức xã hội, văn hóa truyền thống; đồng thời bồi dưỡng, rèn luyện ý thức tự
nguyện, tự giác tìm hiểu và chấp hành pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức
và nhân dân. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải tiến hành đồng bộ với
việc tổ chức thực hiện pháp luật và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
đ) Ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội
khó khăn, đặc biệt là những khu vực có nhiều vi phạm pháp luật, cần tăng cường
các phương tiện, điều kiện phục vụ và các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
phù hợp, có hiệu quả; vận động nhân dân chấp hành pháp luật.
II. ĐỐI TƯỢNG:
Tập trung tuyên truyền, phổ biến cho 6 nhóm đối tượng
sau:
1. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả
đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn giáo dục công dân và cán bộ quản lý tại các
trường học).
2. Người dân thành phố, người dân nông thôn và đồng
bào dân tộc thiểu số.
3. Đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ
trang.
4. Đối tượng thanh thiếu niên, sinh viên và học
sinh.
5. Người sử dụng lao động, người lao động trong các
doanh nghiệp.
6. Đội ngũ cán bộ cơ sở gồm cán bộ xã, phường, thị
trấn đến tổ dân phố, thôn, bản như: cán bộ cơ sở Đảng, chính quyền, mặt trận,
đoàn thể nhân dân, tuyên truyền viên, hoà giải viên, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng
thôn, già làng, trưởng bản…
III. NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ BIỆN PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN:
1. Nội dung chủ yếu:
a) Nội dung pháp luật tuyên truyền được lựa chọn
phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn. Tập trung tuyên truyền các văn bản
pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của cán bộ, nhân dân và các văn bản
quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương và Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân các
cấp ban hành.
b) Tuyên truyền, phổ biến một cách mạnh mẽ Chỉ thị
số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX),
chú trọng các nội dung theo Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Ban Bí thư Trung ương
Đảng (khóa X); Chỉ thị số 37/CT-TU ngày 04 tháng 6 năm 2004 của Tỉnh ủy
Thừa Thiên Huế, các văn bản của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật...và các quy định của pháp luật về phòng, chống tham
nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chống các tệ nạn xã hội; an toàn
giao thông; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
c) Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày
28/9/2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình hành động
quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2006 đến năm 2010 (gọi tắt
là Chương trình 212) gồm 04 Đề án và lồng ghép với việc thực hiện các Chương
trình phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn tỉnh.
d) Tập trung phổ biến các văn bản pháp luật quan trọng
liên quan mật thiết đến đời sống của cán bộ nhân dân như: Bộ luật Hình sự; Bộ
luật Dân sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đất đai; Luật
Nhà ở; Luật Khiếu nại tố cáo; Luật Giao thông đường bộ; Nghị quyết số
32/2007/NQ-CP;...và các văn bản pháp luật mới được Quốc hội khoá XII thông qua
như: Luật Tương trợ Tư pháp; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Đặc xá;
Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật phòng, chống
bệnh truyền nhiễm; Luật Hoá chất; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Luật
Thuế doanh nghiệp và những văn bản pháp luật mới do Quốc hội ban hành. Nội dung
văn bản pháp luật cụ thể được thể hiện ở kế hoạch hàng năm.
đ) Triển khai trên diện rộng những hình thức phổ biến,
giáo dục pháp luật đã phát huy hiệu quả trong thực tế trên cơ sở có đổi mới,
sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng và từng địa bàn dân cư. Công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật được hướng mạnh về cơ sở.
e) Tăng cường sự phối hợp và nâng cao hiệu quả tổ
chức thực hiện của Ủy ban Nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành, đơn vị, các
đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Tỉnh trong công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng kỹ thuật,
phương tiện hiện đại đáp ứng yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
trong tình hình mới nhằm làm cho cán bộ, nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm
chỉnh pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng - phát triển xã hội của Tỉnh trong
giai đoạn mới.
f) Song song với việc thực hiện các nội dung trên của
Kế hoạch, tiến hành xây dựng và tổ chức thực hiện các Đề án trọng tâm của Chương
trình sau khi có hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành ở Trung ương để thực hiện
04 Đề án sau:
* Đề án thứ nhất: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng
bào dân tộc thiểu số.
- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn;
- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Ban
Dân tộc, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
* Đề án thứ hai: Củng
cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước.
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Ban
Tuyên giáo Tỉnh ủy.
* Đề án thứ ba: Nâng
cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào
tạo;
- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Bộ chỉ
huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh.
* Đề án thứ tư: Tuyên
truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong
các loại hình doanh nghiệp.
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội;
- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Liên
đoàn lao động tỉnh, Sở Công thương.
Các cơ quan được giao chủ trì các Đề
án nói trên có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt
để tổ chức thực hiện khi có sự hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành cấp trên.
2. Nội dung cho các nhóm đối tượng cụ thể:
Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
cho sáu nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức; người dân thành phố, người
dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ
trang; thanh thiếu niên, sinh viên và học sinh; người sử dụng lao động, người
lao động trong các doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ cơ sở, cụ thể như sau:
a) Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức:
Tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực
tiếp đến quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức như: Pháp lệnh Cán bộ công chức;
Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Bảo
hiểm xã hội;...và những văn bản pháp luật có liên quan.
Tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, phổ
biến các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý của
cán bộ, công chức, viên chức như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của
Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân; Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
Nhân dân; Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Khiếu nại tố cáo; Luật Bảo vệ, Chăm
sóc và giáo dục trẻ em; Luật Giáo dục; Luật Giao thông đường bộ, Nghị quyết số
32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp
bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông và các văn bản quy
phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của ngành, qua đó
nâng cao trình độ kiến thức pháp luật đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc cho
nhân dân.
b) Người dân thành phố, người dân nông thôn và đồng
bào dân tộc thiểu số: Phổ biến các quy định có liên quan đến đời sống, sinh
hoạt của nhân dân như: Quản lý và đăng ký hộ khẩu; Quản lý và đăng ký hộ tịch;
Các quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, sở hữu nhà ở, đăng ký kinh doanh,...các quy định về phí và lệ phí; nếp sống
văn minh đô thị; quy chế dân chủ cơ sở. Bên cạnh đó, căn cứ vào tính chất đặc
thù của từng địa bàn sinh sống, tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản
pháp luật có nội dung phù hợp với từng đối tượng.
- Đối với người dân ở thành phố: phổ biến các văn bản
pháp luật như Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí; các văn bản về công nghệ thông tin, Internet, văn hoá thông tin, du lịch;...
phải được phổ biến đến người dân.
- Đối với người dân ở nông thôn: phổ biến các văn bản
pháp luật liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đối tượng này
như: Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã, Luật Thuế nông nghiệp, Luật Hôn nhân và gia
đình, quy chế dân chủ ở cơ sở, chủ trương của nhà nước về việc “dồn điền, đổi
thửa” đất nông nghiệp cho bà con xã viên,...
- Đối với đồng bào dân tộc thiểu số: tập trung
tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
Luật Khoáng sản; Luật Hôn nhân và gia đình; các trình tự, thủ tục giao đất rừng,
giao khoán rừng và đất lâm nghiệp; các quy định của nhà nước về bảo vệ động vật
hoang dã quý hiếm;...
c) Đối tượng cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ
trang: Phổ biến các văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh, quản lý hành
chính, kinh tế, xã hội liên quan đến vị trí công tác đang đảm nhiệm, địa bàn
đóng quân. Ngoài ra, đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng
cần tập trung vào các văn bản pháp luật như: Luật Doanh nghiệp, Pháp lệnh cán bộ
công chức, Bộ Luật Lao động,...
- Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ, lực lượng dân quân tự
vệ, lực lượng dự bị động viên, tổ chức quán triệt các luật về nghĩa vụ quân sự,
dân quân tự vệ, dự bị động viên; Luật Phòng cháy và chữa cháy; Pháp lệnh Bảo vệ
nguồn lợi thuỷ sản; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Giao thông đường bộ,
Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP;...
- Đối với lực lượng công an nhân dân cần nắm vững
các quy định pháp luật liên quan đến công tác chuyên ngành như: Bộ Luật tố tụng
hình sự; Luật An ninh quốc gia; Luật Công an nhân dân; Luật Quốc phòng; Luật
biên giới quốc gia; Luật An ninh nhân dân; Luật Khiếu nại tố cáo; Luật Cư trú;
Luật Phòng, chống tham nhũng;...
d) Đối tượng thanh thiếu niên, sinh viên và học
sinh: Tập trung tuyên truyền những văn bản pháp luật có ảnh hưởng lớn đến lối
sống, suy nghĩ và định hướng hành vi của đối tượng này như: Bộ luật Hình sự; Bộ
luật Dân sự; Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại, tố
cáo; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Giao thông đường bộ, Nghị quyết số
32/2007/NQ-CP; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính;...
- Đối với đối tượng thanh niên: phổ biến các chủ
trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; các Chỉ thị, Nghị quyết
của các cấp liên quan đến sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,
bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, xóa đói giảm nghèo, các quy định liên
quan đến xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa đô thị, bài trừ mê tín dị đoan,
các tệ nạn xã hội, chống hủ tục lạc hậu, phát huy tập quán tốt đẹp trong cộng đồng
dân cư. Phổ biến các luật như: Luật Thanh niên; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật
Biên giới quốc gia; Luật An ninh nhân dân; Luật Quốc phòng; Luật Hôn nhân và
Gia đình; Luật Phòng, chống mại dâm; Luật Bình đẳng giới;...
- Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng
là sinh viên, học sinh các văn bản pháp luật chủ yếu như: Luật Giáo dục; Luật Bảo
vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Cư trú;...
đ) Người sử dụng lao động, người lao động trong
các doanh nghiệp: Phổ biến các văn bản pháp luật như: Bộ luật Dân sự; Bộ luật
Lao động; Luật Doanh nghiệp; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bình đẳng giới; Luật
Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng cháy và chữa cháy,... Bên cạnh đó, tổ
chức phổ biến các văn bản pháp luật tuỳ vào từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.
e) Đối tượng đội ngũ cán bộ cơ sở: Đây là lực
lượng nòng cốt đóng vai trò tổ chức, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Vì vậy, đội ngũ cán bộ cơ sở
phải được quán triệt đầy đủ các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước. Tổ chức học tập,
tập huấn những văn bản có liên quan trực tiếp đến thẩm quyền quản lý
của cán bộ như: Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân; Luật Phòng,
chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Cư trú; Luật
Khiếu nại, tố cáo; Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bảo
vệ môi trường; Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật
Bảo vệ và phát triển rừng; Pháp lệnh Dân số; Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã,
phường, thị trấn; Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; các quy định
của pháp luật về cán bộ, công chức, tệ nạn xã hội và các văn bản quy phạm pháp
luật liên quan đến công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; chứng thực...trang bị
những kiến thức cần thiết để cán bộ cơ sở tích cực tham gia vào các phong trào ở
địa phương như tổ dân phố, khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội, tham
gia hòa giải các tranh chấp trong nội bộ nhân dân, thông qua đó tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
3. Hình thức và biện pháp triển khai:
a) Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức:
- Hình thức
+ Tổ chức Hội nghị để phổ biến, quán triệt nội dung
các văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, vào dịp hè tổ chức tập huấn chuyên
sâu để nâng cao hiểu biết pháp luật cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục
công dân và cán bộ làm công tác quản lý ở các trường học.
+ Cung cấp tài liệu để cán bộ, công chức, viên chức
tự nghiên cứu, tìm hiểu.
- Biện pháp
+ Văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nào thì
thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển
khai, chỉ đạo thực hiện.
+ Hoàn thiện các trang thông tin điện tử (Website)
cung cấp văn bản pháp luật miễn phí của địa phương để các đối tượng tra cứu học
tập và làm việc đạt hiệu quả cao.
+ Tổ chức phổ biến, quán triệt với quy mô nhỏ trong
từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc để hiệu quả tuyên truyền pháp luật được nâng
cao, chuyên sâu.
+ Đối với đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục
công dân và cán bộ làm công tác quản lý ở các trường học, thủ trưởng ngành giáo
dục trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc giảng dạy bộ môn
này cũng như giảng dạy pháp luật phù hợp với các cấp, trình độ đào tạo ở các
trường học trên địa bàn tỉnh. Trang bị đầy đủ sách giáo khoa, giáo trình, tài
liệu tham khảo và tài liệu hướng dẫn học môn giáo dục công dân, pháp luật, lựa
chọn nội dung giảng dạy pháp luật phù hợp, có hệ thống và bảo đảm tính thiết thực;
giáo cụ trực quan và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học pháp luật
trong nhà trường; xây dựng và tổ chức khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật ở
các trường học, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh tìm hiểu, nghiên cứu.
b) Người dân thành phố, người dân nông thôn và đồng
bào dân tộc thiểu số:
- Hình thức:
+ Mở thêm chuyên mục mới, tăng thời lượng và làm
phong phú, hấp dẫn, đa dạng các hình thức thể hiện các chương trình về pháp luật
trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát
thanh truyền hình tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài truyền thanh các
huyện và thành phố Huế.
+ Tăng cường các đợt trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp
luật lưu động về các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đầm phá; đồng
bào dân tộc ở làng, bản.
+ Luân chuyển tủ sách pháp luật đến các địa bàn
thôn, xóm, làng, bản;
+ Cung cấp các loại tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp
luật;
+ Tuyên truyền pháp luật qua hệ thống loa truyền
thanh ở cơ sở;
+ Ký cam kết chấp hành pháp luật như: cam kết không
vi phạm pháp luật, cam kết thực hiện nghiêm túc kế hoạch hoá gia đình, an toàn
giao thông đường bộ, cam kết bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, động vật
hoang dã quý hiếm,...
- Biện pháp:
+ Thông qua việc xây dựng, thực hiện hương ước của
thôn, làng, bản lồng ghép các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
+ Các Đoàn thể, tổ chức xã hội phối hợp với Trung
tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, các Chi nhánh trợ giúp pháp lý và Tổ cộng
tác viên trợ giúp pháp lý cấp huyện tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý, tư vấn
pháp luật, trong đó ưu tiên cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đầm phá.
+ Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xuất bản
các tài liệu, ấn phẩm chuyên đề có chứa các nội dung pháp luật quy định liên
quan mật thiết đến cuộc sống người dân một cách ngắn gọn, dễ hiểu để các đối tượng
nghiên cứu, tìm hiểu. Chú trọng tài liệu song ngữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu
số.
+ Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường
xuyên đưa các chuyên trang, chuyên mục như: công tác dân số; chăm sóc và bảo vệ
bà mẹ, trẻ em;...
+ Vận động bà con ký các cam kết về chấp hành pháp
luật, bảo đảm 100% hộ dân cư sinh sống ở các khu vực này chấp hành nghiêm túc
các quy định của pháp luật.
+ Thực hiện lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật thông qua các phiên toà xét xử lưu động.
c) Đối tượng cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ
trang:
- Hình thức:
+ Tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản pháp luật
liên quan đến vị trí công tác, chuyên môn của từng đơn vị.
+ Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như:
Báo Thừa Thiên Huế, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Trung tâm truyền hình
Việt Nam tại Huế,... đăng các tin, bài phản ánh công tác đấu tranh phòng chống
tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, gương người
tốt, việc tốt.
+ Phát hành các panô, áp phích tuyên truyền về pháp
luật để cán bộ, chiến sỹ tự giác chấp hành nghiêm pháp luật và vận động nhân
dân nơi đóng quân chấp hành pháp luật.
- Biện pháp:
+ Kiện toàn, củng cố đội ngũ tuyên truyền viên pháp
luật trong lực lượng vũ trang đảm bảo chất lượng để tăng cường về cơ sở phục vụ
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
+ Phối hợp với các ngành, đơn vị, đoàn thể có liên
quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ chiến sỹ công tác tại địa
bàn các huyện, thành phố Huế, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho
đội ngũ báo cáo viên là cán bộ chiến sỹ để thực hiện công tác giáo dục pháp luật,
nâng cao ý thức bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội cho người
dân tại địa bàn.
d) Đối tượng thanh thiếu niên, sinh viên và học
sinh:
- Hình thức:
+ Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Hình thức
tuyên truyền này dễ thực hiện, đạt hiệu quả cao và thu hút được các đối tượng
tham gia.
+ Tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông
tin đại chúng như Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Đài Truyền
hình Việt Nam tại Huế. Phát triển các chương trình có lồng ghép nội dung tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo những văn bản pháp luật có liên
quan đến quyền và nghĩa vụ của từng nhóm đối tượng được phát trên các mạng
thông tin.
+ Tuyên truyền pháp luật bằng hình thức thông tin cổ
động, tổ chức biểu diễn văn nghệ, sân khấu hoá có lồng ghép các nội dung pháp
luật.
+ Tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ pháp luật như
“Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, lồng ghép việc tuyên truyền đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với sinh hoạt văn hóa truyền
thống, vui chơi giải trí lành mạnh.
+ Biên soạn tờ gấp, tờ rơi, lịch tuyên truyền có nội
dung pháp luật cần thiết, phù hợp phát hành đến các nhóm đối tượng cụ thể.
+ Đối với lực lượng học sinh, sinh viên, ngoài những
hình thức phổ biến pháp luật như trên cần lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật
thông qua các bài giảng của bộ môn giáo dục công dân ở các trường trung học cơ
sở và trung học phổ thông; các chương trình học pháp luật chính khoá đối với
sinh viên trường cao đẳng, đại học. Thường xuyên tổ chức sinh hoạt ngoại khoá kết
hợp với việc tổ chức tuyên truyền, học tập các quy định của pháp luật cho các đối
tượng này.
- Biện pháp:
+ Kiện toàn, củng cố đội ngũ tuyên truyền viên của
các tổ chức Đoàn trong trường học, vận động thanh niên, học sinh, sinh viên
tham gia các hoạt động về phổ biến, giáo dục pháp luật ở các địa bàn vùng sâu,
vùng xa. Tổ chức các chương trình hoạt động thực tế như: thanh niên tham gia điều
khiển giao thông vào các đợt cao điểm, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường,...
Các hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức và áp dụng pháp luật vào cuộc sống.
+ Nâng cao hiệu quả và nội dung hoạt động của các
câu lạc bộ, bảo đảm kinh phí để duy trì hoạt động của các mô hình câu lạc bộ
này.
+ Đưa việc học tập pháp luật trở thành môn học
chính khoá trong các nhà trường.
+ Xây dựng chương trình, giáo trình, sách giáo khoa
giảng dạy bộ môn giáo dục công dân có nội dung pháp luật.
+ Xây dựng tủ sách pháp luật ở nhà trường để học
sinh, sinh viên có điều kiện tìm hiểu. Hằng năm bổ sung các đầu sách pháp luật
mới được ban hành để học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận.
đ) Người sử dụng lao động, người lao động trong
các doanh nghiệp:
- Hình thức:
+ Tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt các văn bản
pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, đặc
biệt là những người làm công tác Công đoàn ở các doanh nghiệp.
+ Phát hành các tập sách hỏi đáp về pháp luật lao động
như: hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kỹ
luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, trách nhiệm vật chất khi vi phạm kỹ
luật lao động...để các đối tượng này dễ tìm hiểu.
+ Phát hành: tờ gấp, tờ rơi tới tận tay những người
lao động; xây dựng cụm panô, áp phích để tuyên truyền cổ động trực quan về
chính sách lao động ngay tại doanh nghiệp.
- Biện pháp:
+ Thủ trưởng các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chỉ
đạo xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai, học tập các văn bản pháp
luật có liên quan cho người lao động tại doanh nghiệp.
+ Xây dựng và có biện pháp tổ chức khai thác, sử dụng
hiệu quả tủ sách pháp luật ở các doanh nghiệp.
+ Tổ chức Công đoàn các cấp tổ chức hội nghị quán
triệt các văn bản pháp luật liên quan mật thiết đến quyền lợi và nghĩa vụ của
người lao động.
+ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức tư vấn
cho người lao động các văn bản pháp luật lao động nhằm giúp họ bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của mình.
e) Đội ngũ cán bộ cơ sở:
- Hình thức
+ Định kỳ tổ chức hội nghị để phổ biến, quán triệt
nội dung các văn bản quy phạm pháp luật của các Đề án thuộc Chương trình 212 của
Chính phủ, yêu cầu định kỳ mỗi tháng một lần tổ chức hội nghị để quán triệt, phổ
biến pháp luật ở xã, phường, thị trấn hoặc địa bàn thôn, xóm, khu dân cư để việc
học tập pháp luật có hiệu quả. Lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua các
buổi họp dân.
+ Cung cấp tài liệu, đặc biệt là Sách “Bạn và những
điều cần biết về pháp luật” do Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục
pháp luật tỉnh cấp phát để cán bộ tự nghiên cứu, tìm hiểu.
+ Tổ chức các cuộc thi, hội thi cho cán bộ cơ sở với
mục đích giao lưu và tìm hiểu pháp luật như cuộc thi Chủ tịch UBND xã, phường,
thị trấn với pháp luật; Cán bộ Mặt trận giỏi; hoà giải viên, tuyên truyền viên
giỏi...
- Biện pháp
+ Đối với địa bàn dân cư: Ủy ban Nhân dân các huyện,
thành phố chủ trì, tổ chức triển khai. Báo cáo viên pháp luật cấp huyện có
trách nhiệm truyền đạt nội dung theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng phối hợp
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện hoặc mời báo cáo viên pháp luật
tỉnh đối với các lĩnh vực phức tạp.
+ Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đầm phá cần
phân công lãnh đạo các ban, ngành là thành viên của Hội đồng phối hợp công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện và cử báo cáo viên, tuyên truyền viên
pháp luật trực tiếp xuống triển khai nội dung theo kế hoạch của Hội đồng phối hợp
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật huyện.
+ Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng các
tài liệu từ tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh việc luân chuyển
sách pháp luật về các điểm bưu điện văn hoá xã, thôn, xóm.
+ Phát huy vai trò của các đối tượng này trong công
tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Kiện toàn, củng cố và tổ chức bồi
dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hoà giải viên. Kiện
toàn, củng cố đội ngũ làm công tác hoà giải ở cơ sở; hoà giải viên là người dân
tộc thiểu số; đổi mới công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải
và cung cấp tài liệu, tổ chức giao lưu, hội thi tạo điều kiện thuận lợi cho các
hoà giải viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm.
+ Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ
pháp luật. Đổi mới nội dung tuyên truyền pháp luật tại Câu lạc bộ theo hướng
sinh hoạt pháp luật theo chuyên để, trao đổi, giải đáp những tình huống pháp luật
từ thực tiễn; đảm bảo kinh phí một phần từ ngân sách nhà nước và trên cơ sở huy
động tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân để duy trì hoạt động của Câu lạc
bộ.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:
1. Kinh phí thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục
pháp luật được bố trí trong kế hoạch ngân sách hàng năm cho các Sở, ban, ngành,
cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật,
các huyện, thành phố theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và huy động từ
sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước theo quy định
của pháp luật.
2. Đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng kỹ
thuật, phương tiện hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật.
3. Kinh phí thực hiện Chương trình phải được quản
lý và sử dụng có hiệu quả.
V. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:
1. Sở Tư pháp:
- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi các cấp,
các ngành thực hiện có hiệu quả Chương trình, Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp
luật, định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh.
- Trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo
dục pháp luật hàng năm.
- Là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp công
tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn hoạt
động phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo
dục pháp luật của các Sở, ban, ngành và các huyện, thành phố.
- Chỉ đạo, hướng dẫn phòng Tư pháp tham mưu UBND
huyện, thành phố ban hành văn bản về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ
chức thực hiện tại địa phương.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, quản lý và
khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường
học.
- Biên soạn, in ấn phát hành kịp thời các loại tài
liệu hỏi đáp pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, bản tin của Hội đồng Phối hợp công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật sát với yêu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như:
Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Trung tâm truyền hình
Việt Nam tại Huế xây dựng chuyên trang, chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật
cho cán bộ và nhân dân vùng sâu, vùng xa và vùng đầm phá, đặc biệt là đồng bào
dân tộc thiểu số.
- Biên tập, xây dựng và phát hành các băng, đĩa có
nội dung phổ biến pháp luật cấp phát miễn phí chuyển về các xã, phường, thị trấn
phát trên hệ thống đài, loa truyền thanh ở cơ sở.
- Chủ trì xây dựng và triển khai Đề án: Củng cố, kiện
toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước.
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, quản
lý sử dụng kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh.
Có chế độ hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải
viên và những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch kinh
phí hàng năm cho việc thực hiện Kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tham mưu UBND tỉnh sơ kết, tổng kết, đề xuất khen
thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo và Đại học Huế:
- Tổ chức giảng dạy các kiến thức pháp luật phù hợp
ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Tham gia xây dựng, hoàn thiện chương
trình, giáo trình, sách giáo khoa giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân. Đưa nội
dung bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm vào chương trình giáo dục
trong hệ thống nhà trường khi có sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Phối hợp với Công an tỉnh xây dựng chương trình
phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong học
sinh, sinh viên, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội.
- Đổi mới, nâng cao chất lượng các hình thức phổ biến,
giáo dục pháp luật, đặc biệt quan tâm đến hoạt động ngoại khoá gắn với việc
tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
- Đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ
sách pháp luật trong nhà trường để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phổ biến,
giáo dục pháp luật trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.
- Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ nghiệp
vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục
công dân và các cán bộ làm công tác quản lý trong nhà trường. Thường xuyên kiểm
tra, theo dõi và đánh giá việc dạy và học môn giáo dục công dân, pháp luật
trong nhà trường.
- Chủ trì xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án:
Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.
3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật thuộc các lĩnh vực: việc làm, dạy nghề, lao động, tiền
lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động cho doanh nghiệp và các
chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc
trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội.
- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chính sách của
nhà nước đối với người lao động tại các doanh nghiệp.
- Chủ trì xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án:
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động
trong các loại hình doanh nghiệp.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật cho các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý theo Kế hoạch đã được phê
duyệt.
- Chủ trì xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án:
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc
thiểu số.
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chỉ đạo việc xây dựng, củng cố, duy trì và nâng
cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục thông tin, phổ biến pháp luật phục
vụ cán bộ và nhân dân trên báo, đài, trang thông tin điện tử.
- Chỉ đạo việc củng cố, phát triển đội ngũ phóng
viên, biên tập viên chuyên trách về pháp luật của các cơ quan thông tin đại
chúng của địa phương. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ báo
chí bảo đảm tuyên truyền đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà
nước.
6. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch:
- Chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, củng cố và hoàn
thiện các thiết chế văn hoá - thông tin cơ sở để đưa nội dung pháp luật tới
nhân dân thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, lễ hội, hội thi, hội diễn,
sinh hoạt nhà văn hoá, câu lạc bộ, triển lãm và lồng ghép tuyên truyền pháp luật
thông qua các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch nhân các ngày lễ lớn và lễ hội
tổ chức tại tỉnh.
- Tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt,
điển hình tiên tiến trong chấp hành pháp luật; đấu tranh bài trừ mê tín, các hủ
tục lạc hậu, bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội và các văn hoá phẩm bạo lực, đồi
trụy, các hiện tượng không lành mạnh trong lối sống và sinh hoạt văn hoá.
7. Sở Tài chính:
- Hằng năm, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực
hiện Kế hoạch phổ biến pháp luật theo quy định.
- Chủ trì xây dựng hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử
dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước bảo đảm kịp thời, đầy đủ cho công tác phổ
biến giáo dục pháp luật.
- Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban Nhân dân
tỉnh về chế độ, chính sách cho báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác phổ
biến giáo dục pháp luật.
8. Các Sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh:
- Trên cơ sở Kế hoạch này và tình hình thực tế của
đơn vị, chủ động xây dựng chương trình, Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật
hàng năm để triển khai ở Sở, ngành mình; chịu trách nhiệm chính trong việc phổ
biến, thông tin, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật do ngành dọc ban
hành; phối hợp với Sở Tư pháp, các tổ chức đoàn thể ở tỉnh và chính quyền các cấp
triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân, hội
viên, đoàn viên do mình quản lý; bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp
luật để theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kiện toàn, củng
cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo
dục pháp luật ở các Sở, Ban, ngành.
- Đảm bảo kinh phí từ nguồn ngân sách thực hiện
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chế độ tài chính hiện hành.
- Tiến hành kiểm tra, sơ kết, đánh giá tình hình thực
hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng quý, hàng năm; thông báo cho Sở
Tư pháp kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để tổng hợp báo cáo UBND
tỉnh.
- Các Sở, Ngành được giao chủ trì các đề án có
trách nhiệm phối hợp với các ngành hữu quan và UBND các huyện, thành phố Huế tổ
chức triển khai có hiệu quả các Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Căn cứ vào mục
tiêu, nội dung Đề án chi tiết được duyệt, lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính
tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí vào dự toán ngân sách hàng
năm.
9. Đề nghị Toà án Nhân dân tỉnh, Viện kiểm
sát Nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật cho cán bộ, nhân dân thông qua các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử;
đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân phương
pháp, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
10. UBND các huyện và thành phố Huế:
- Trên cơ sở Kế hoạch này, hướng dẫn của các Sở,
ngành, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh và tình
hình thực tế tại địa phương, UBND các huyện, thành phố Huế chủ động xây dựng Kế
hoạch 5 năm, hàng năm và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật
tại địa phương có kết quả.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
- Bảo đảm kinh phí từ ngân sách để thực hiện Kế hoạch
phổ biến, giáo dục pháp luật; lồng ghép các hoạt động của Kế hoạch này với các
Chương trình, dự án khác liên quan được triển khai trên địa bàn.
- Chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động
của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cấp huyện và cấp
xã.
Việc củng cố, kiện toàn tổ chức của Hội đồng phải đảm
bảo nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể, bảo đảm
nguyên tắc thiết thực, hiệu quả và được thực hiện một cách nghiêm túc.
- Định kỳ 6 tháng và hàng năm tiến hành sơ kết,
đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về
UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh). Thực hiện chế độ khen
thưởng cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này
theo thẩm quyền.
VI. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
Kế hoạch này được thực hiện từ năm 2008 đến năm
2012, chia làm 02 giai đoạn.
1. Giai đoạn I: Từ năm 2008 đến năm 2010 triển
khai một số hoạt động chính sau:
- Xây dựng chi tiết chương trình thực hiện các nội
dung của Kế hoạch phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng đối tượng và tổ chức
triển khai.
- Năm 2009, triển khai các Đề án trọng tâm của
Chương trình khi có hướng dẫn của các Bộ, ngành ở Trung ương.
- Năm 2010 tổ chức sơ kết đánh giá và đề xuất các
biện pháp để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, yêu cầu của Chương trình.
- Xác định, lựa chọn các địa bàn trọng điểm để triển
khai thực hiện Kế hoạch và tập trung chỉ đạo.
- Tổ chức phổ biến, quán triệt Kế hoạch đến từng cơ
quan, đơn vị thực hiện; phát động phong trào sâu rộng trong nhân dân và cán bộ
về tìm hiểu và chấp hành pháp luật.
- Tiến hành sơ kết giai đoạn 1.
2. Giai đoạn II: Từ năm 2010 đến năm 2012:
Tiếp tục phổ biến các văn bản pháp luật mới do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương và các văn bản
quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp ban hành, đặc
biệt là những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, dân tộc, tôn giáo, cải cách thủ tục hành
chính, quản lý đất đai, trong đó, tập trung phổ biến các văn bản pháp luật có
liên quan trực tiếp đến thẩm quyền quản lý của Nhà nước, đời sống của cán bộ,
nhân dân; những nội dung pháp luật cần thiết để góp phần giải quyết những vấn đề
nổi cộm, bức xúc và nội dung pháp luật thiết thực đáp ứng yêu cầu của cán bộ và
nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Nhân rộng các địa bàn thực hiện các Đề án thuộc
Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2008-2012 theo Quyết định số
37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Tổng kết việc thực hiện Kế hoạch vào năm 2012.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế và các
Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức quán triệt Nghị quyết
số 61/2007/NQ-CPcủa Chính phủ; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí
thư Trung ương Đảng; Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ
thị số 37 của Tỉnh ủy và Kế hoạch này của UBND tỉnh; quán triệt nội
dung Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
(khóa X) về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
2. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế,
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh chỉ đạo việc xây
dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện ở ngành, địa phương mình đồng thời dành một
khoản kinh phí thuộc ngân sách của mình chi cho công tác phổ biến giáo dục pháp
luật tại địa phương, đơn vị mình theo đúng quy định.
Sở Tư pháp, phòng Tư pháp các huyện, thành phố Huế
phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp lập dự toán chi ngân sách theo kế hoạch
phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm trình cấp có thẩm quyền quyết định.
3. Kiện toàn, củng cố tổ chức và hoạt động của các
cơ quan chuyên trách về công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Xây dựng kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật nhằm đáp ứng
yêu cầu của công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
4. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban
Nhân dân các huyện, thành phố Huế thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ 06
tháng, hàng năm với Ủy ban Nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp báo cáo theo
quy định.
5. Riêng các cơ quan được giao chủ trì 04 Đề án thuộc
Chương trình 212 theo Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 28/9/2006 của Ủy ban Nhân dân
tỉnh tiến hành sơ kết giai đoạn I việc thực hiện Đề án, trước ngày 30/5/2008
báo cáo về Ủy ban Nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo
Chương trình 212) theo điểm 4.2 Công văn số 612/BTP-PBGDPL ngày 07/3/2008 của Bộ
Tư pháp để kịp thời báo cáo Chính phủ.
Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao cần bám sát kế hoạch này để tổ chức
triển khai và đảm bảo kinh phí thực hiện Kế hoạch có hiệu quả ở cơ quan, đơn vị
mình theo Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện
Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
(khoá IX), Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng
Chính phủ về phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến
năm 2012 và Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 04 tháng 6 năm 2004 của Tỉnh ủy.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Vụ PBGDPL - Bộ Tư pháp; Đã ký -
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; và cơ quan Trung ương đóng trên địa
bàn;
- Thành viên Hội đồng PHCTPBGDPL cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố Huế;
- CVP, PCVP và các CV;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. UỶ
BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PCT Nguyễn Thị Thúy Hòa
|