ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 208/KH-UBND
|
Cà Mau, ngày 30
tháng 9 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÁNH GIÁ DIỆN RỘNG CẤP
QUỐC GIA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA GIÁO DỤC
PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
Thực hiện Quyết định số
468/QĐ-BGDĐT ngày 13/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Đề
án “Phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng
cao chất lượng và hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông giai đoạn 2022 -
2030” (sau đây viết tắt là Đề án 468), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch
triển khai Đề án 468 như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm
vụ của Đề án để phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh, đảm bảo việc
triển khai tổ chức thực hiện thuận lợi và đạt hiệu quả.
- Phát huy vai trò của hệ thống
chính trị, các ngành, các cấp, vai trò trung tâm của người học tham gia thực hiện
đánh giá diện rộng cấp quốc gia.
- Nâng cao nhận thức về vai
trò, ý nghĩa của đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất
lượng và hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học
sinh ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm
phát triển giáo dục hòa nhập trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai và tổ chức thực
hiện phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án trong thực hiện đánh
giá diện rộng cấp quốc gia.
- Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất
trong chỉ đạo, quản lý và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, trách nhiệm giữa các
cơ quan, đơn vị ở địa phương.
- Đảm bảo thực hiện kịp thời,
hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị và địa
phương; tổ chức triển khai thực hiện gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát,
đánh giá việc thực hiện.
II. MỤC
TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung
Phát triển hệ thống đánh giá diện
rộng cấp quốc gia nhằm định kỳ cung cấp các thông tin khách quan, tin cậy về chất
lượng giáo dục phổ thông, làm cơ sở đề xuất các chính sách, giải pháp đổi mới
các hoạt động dạy và học đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ
thông 2018; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và hội nhập quốc tế.
1.2. Mục tiêu cụ thể
1.2.1. Đến năm 2026
- Tham gia đầy đủ các chương
trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia có liên quan đến tỉnh theo yêu cầu của Bộ
Giáo dục và Đào tạo.
- 100% các cơ sở giáo dục được
lựa chọn vào mẫu đánh giá tham gia đầy đủ các chương trình đánh giá diện rộng cấp
quốc gia tương ứng theo mục tiêu và quy trình kỹ thuật của mỗi kỳ đánh giá theo
quy định.
- 100% cán bộ cốt cán được bồi
dưỡng tập huấn và được cấp chứng nhận về các nội dung liên quan đến đánh giá diện
rộng cấp quốc gia.
- 50% cán bộ làm công tác khảo
thí của Sở Giáo dục và Đào tạo được bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực và được
cấp chứng nhận về đánh giá diện rộng cấp quốc gia nhằm đáp ứng tốt yêu cầu tổ
chức các kỳ đánh giá.
- 50% cán bộ quản lý giáo dục
và giáo viên ở các cơ sở giáo dục phổ thông tham gia đánh giá được bồi dưỡng và
được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng về đánh giá diện rộng cấp
quốc gia hằng năm.
1.2.2. Giai đoạn 2027 - 2030
- Tham gia đầy đủ các chương
trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia có liên quan đến tỉnh theo yêu cầu của Bộ
Giáo dục và Đào tạo.
- 100% các cơ sở giáo dục được
lựa chọn vào mẫu đánh giá tham gia đầy đủ các chương trình đánh giá diện rộng cấp
quốc gia tương ứng theo mục tiêu và quy trình kỹ thuật của mỗi kỳ đánh giá theo
quy định.
- 100% cán bộ cốt cán được bồi
dưỡng tập huấn và được cấp chứng nhận về các nội dung liên quan đến đánh giá diện
rộng cấp quốc gia.
- 100% cán bộ làm công tác khảo
thí của Sở Giáo dục và Đào tạo được bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực và được
cấp chứng nhận về đánh giá diện rộng cấp quốc gia nhằm đáp ứng tốt yêu cầu tổ
chức các kỳ đánh giá.
- 100% cán bộ quản lý giáo dục
và giáo viên ở các cơ sở giáo dục phổ thông tham gia đánh giá được bồi dưỡng và
được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng về đánh giá diện rộng cấp
quốc gia hằng năm.
2. Nhiệm vụ
- Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất,
phương tiện, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo cho việc khảo sát diện
rộng, đặc biệt là việc khảo sát trên máy tính do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
- Nâng cao năng lực về đánh giá
chất lượng giáo dục cho đội ngũ cán bộ làm công tác khảo thí và đánh giá các cấp
theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, bảo đảm có đủ số lượng và năng lực để thực
hiện các kỳ đánh giá diện rộng cấp quốc gia.
- Cử cán bộ quản lý giáo dục,
giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông tham gia các lớp tập huấn về đánh giá kết
quả học tập của học sinh để thực hiện các kỳ đánh giá diện rộng cấp quốc gia; từng
bước xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích cán bộ quản lý giáo dục,
giáo viên các cơ sở giáo dục tham gia đánh giá diện rộng cấp quốc gia theo quy
định và phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện nghiêm việc nhập dữ
liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đảm bảo dữ liệu “đủ, sống, sạch”, phục vụ
các đợt khảo sát diện rộng đầy đủ, chính xác theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục
và Đào tạo.
- Chỉ đạo các cơ quan thông tin
đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông về vai trò, ý nghĩa
của việc đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng
giáo dục và hội nhập quốc tế.
3. Giải pháp
- Tích cực tham gia phát triển
hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đối với giáo dục phổ thông. Phát triển
đội ngũ cán bộ cốt cán về đánh giá chất lượng giáo dục để trở thành lực lượng
nòng cốt cho công tác quản lý và triển khai thực hiện các chương trình đánh giá
diện rộng cấp quốc gia.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin trong triển khai thực hiện đánh giá diện rộng cấp quốc gia trên địa
bàn tỉnh, nhất là các phần mềm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương
do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, đảm bảo tính chính xác, khách quan theo
quy định và phù hợp với yêu cầu quốc tế.
- Tăng cường công tác phối hợp
giữa các cơ quan liên quan, đảm bảo tham gia đầy đủ các kỳ đánh giá diện rộng cấp
quốc gia, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu, quy trình, minh bạch và khách quan khi các
cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh được chọn làm mẫu đánh giá.
- Tăng cường công tác thông
tin, truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của đánh giá diện rộng
cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế
cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ làm công tác khảo thí và giáo viên,
học sinh ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
III. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện từ nguồn
Ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách và huy động các nguồn kinh phí hợp
pháp khác của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (nếu có).
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Căn cứ Kế hoạch này, xây dựng
các nhiệm vụ cụ thể từng năm và lập dự toán kinh phí theo kế hoạch dự toán hằng
năm gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp thẩm quyền theo quy định. Đối với kinh
phí đào tạo, bồi dưỡng thì lập dự toán gửi Sở Nội vụ tổng hợp chung vào nguồn
kinh phí thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hằng
năm trình thông qua Hội đồng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
trong hệ thống chính trị tỉnh để được bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện
Kế hoạch này đảm bảo hiệu quả, đúng quy định; theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc
thực hiện Kế hoạch hằng năm và theo giai đoạn, tổng hợp, báo cáo Bộ Giáo dục và
Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
- Là đơn vị đầu mối, chủ trì,
phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các chương trình khảo sát, đánh giá
diện rộng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Khảo sát hiện trạng cơ sở vật
chất, nhất là hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, các phương tiện cần thiết
cho các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh để đề xuất mua sắm phục vụ
việc đánh giá diện rộng cấp quốc gia theo đúng quy định.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo
viên đáp ứng yêu cầu phục vụ việc đánh giá diện rộng cấp quốc gia theo đúng quy
định.
- Cử lực lượng tham gia đầy đủ
các đợt tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức về triển khai thực hiện các
chương trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia.
- Tổ chức triển khai việc khai
thác dữ liệu và kết quả của các kỳ đánh giá diện rộng cấp quốc gia. Trên cơ sở
đó, phân tích nguyên nhân, kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của địa
phương để kịp thời đề ra giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; tham mưu, đề
xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận
lợi để phát triển giáo dục.
2. Sở Tài chính
Hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo
lập dự toán kinh phí và tham mưu cấp thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch
này theo khả năng cân đối ngân sách và phân cấp ngân sách đúng quy định.
3. Sở Nội vụ
Hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo
xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và dự toán kinh phí để tổng hợp chung vào
nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
hằng năm trình thông qua Hội đồng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
trong hệ thống chính trị tỉnh theo quy định.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính và các đơn vị có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền bố trí nguồn vốn đầu
tư công thực hiện Đề án 468 trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư
công và các văn bản có liên quan trên cơ sở khả năng cân đối các nguồn vốn.
5. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào
tạo và các đơn vị liên quan khai thác dữ liệu và kết quả của các kỳ đánh giá diện
rộng cấp quốc gia để chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cập nhật chương
trình, giáo trình giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
và hội nhập quốc tế.
6. Sở Thông tin và Truyền
thông
Hướng dẫn các cơ quan báo chí,
truyền thông trên địa bàn tỉnh phối hợp với ngành giáo dục thực hiện công tác
thông tin, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc đánh giá diện rộng cấp quốc
gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế và các nội dung liên
quan đến Kế hoạch này.
7. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Cà Mau
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào
tạo triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 468 theo Kế hoạch này
và theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; bố trí nguồn lực đảm bảo
thực hiện Đề án 468 tại địa phương.
Trên đây là Kế hoạch triển khai
Đề án “Phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng
cao chất lượng và hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông giai đoạn 2022 -
2030” trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vấn đề
phát sinh, khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời liên hệ Sở Giáo
dục và Đào tạo để được hướng dẫn theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền,
giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục
và Đào tạo (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị theo mục IV;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT;
- KGVX (LKH19);
- Lưu: VT, M.A90/0.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Minh Luân
|