ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10/KH-UBND
|
Bắc Giang, ngày
16 tháng 01 năm 2025
|
KẾ HOẠCH
NÂNG
CAO ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC LIÊM CHÍNH, NÂNG CAO NHẬN THỨC
VỀ TRÁCH NHIỆM PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC VÀ ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH
CHÍNH, CHUYỂN ĐỔI SỐ
Thực hiện Kế hoạch số 43-KH/BCSĐ ngày 29/10/2024 của
Ban cán sự đảng UBND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng kế hoạch nâng cao đạo đức
công vụ, tăng cường công tác giáo dục liêm chính, nâng cao nhận thức về trách
nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển
đổi số để tạo môi trường thực thi nhiệm vụ, công vụ công khai minh bạch cho cán
bộ, công chức, viên chức nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có
phong cách ứng xử, lề lối làm việc gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp,
năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi
công vụ.
- Hình thành ý thức tự giác về thực hành đạo đức,
văn hóa công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; nêu cao tinh thần đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tích cực học tập
và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính,
trọng tâm là cải cách thể chế, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế hành
chính, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm
vụ và sự phát triển đất nước.
- Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính
quyền số. Trong đó, chú trọng cải thiện nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ
công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần giữ vững và nâng cao Chỉ
số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính
công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của tỉnh các năm thuộc nhóm các địa
phương dẫn đầu cả nước.
2. Yêu cầu
- Việc nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường công
tác giáo dục liêm chính phải được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng các
hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả, thực chất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ
trong nhận thức và hành động của đội cán bộ, công chức, viên chức.
- Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham
nhũng, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực và thực hiện văn
hóa, đạo đức công vụ ; xác định rõ nội dung, yêu cầu, đề ra các nhiệm vụ, giải
pháp, thời gian tới.
- Nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ cải cách hành
chính, gắn kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính với kết quả thực
hiện nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
II. NỘI DUNG
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng
cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021
của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng,
chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý
nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu
hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về những điều đảng viên không được làm.
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính
quyền các cấp trong việc nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, ý
thức phục vụ nhân dân, có thái độ làm việc khách quan, công tâm của đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn được
giao.
- Hình thành ý thức tự soi, tự sửa trong thực hiện
đạo đức công vụ, trong đó chấp hành nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật hành chính;
tinh thần làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc, trách nhiệm; thực hiện chuẩn mực
trong giao tiếp ứng xử và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức,
lối sống. Tự giác trong nhận diện những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”; thực sự cầu thị trong tự phê bình, “tự soi, tự sửa”;
tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Nâng cao đạo đức công vụ là nhiệm vụ thường xuyên
gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và
cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
2. Tăng cường công tác giáo dục
liêm chính
- Đẩy mạnh việc giáo dục về thực hành “cần, kiệm,
liêm, chính” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục đẩy mạnh
công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện có hiệu quả Kết
luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khoá XIII “Về tiếp tục thực hiện
Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách H Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4
khóa XII và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII.
- Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chính trị,
tư tưởng, trong đó thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức thực hành về liêm
chính. Hình thành niềm tin, ý thức tự giác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức về thực hành liêm chính. Đó là ý thức luôn tôn trọng giữ gìn sự trong sạch
của bản thân, không tham địa vị danh vọng, không xâm phạm đến lợi ích của nhà
nước và người dân. Có lối sống trung thực, thẳng thắn, chân thành, khiêm tốn,
đoàn kết, luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.
- Thực hiện trách nhiệm nêu gương về liêm chính của
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Mỗi cán bộ, lãnh đạo quản lý phải là tấm gương về thực hiện liêm chính trong
công tác và trong sinh hoạt hằng ngày; tự tu dưỡng, rèn luyện bằng cách tự phê
bình , lời nói đi đối với việc làm, tiên phong trong mọi hoàn cảnh, tận lực, tận
tâm cống hiến trí tuệ, sức lực, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.
- Xây dựng, hình thành văn hóa về liêm chính trong
hoạt động công vụ, đó là ý thức tuân thủ pháp luật, hành vi ứng xử văn hóa dựa
trên các nguyên tắc đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mỗi cán bộ, công
chức, viên chức cần xây dựng cho mình lối sống trong sáng, liêm, chính, gương mẫu,
kiên quyết đấu tranh với tình trạng suy thoái biến chất, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong quá trình thực thi công vụ.
3. Nâng cao trách nhiệm phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của
Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực như: Luật Phòng chống tham
nhũng năm 2018, Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quy
định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm tra, giám
sát thi hành kỷ luật đảng; Quy định số 114-QĐ /TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính
trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác
cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền
lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra giám sát thi hành
kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra; Quy định số 132 - QĐ/TW ngày
27/12/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng,
tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án,...
- Tăng cường công tác giáo dục đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức, nâng cao nhận thức, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối
sống, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền
các cấp trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng hệ
thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ trước hết là người đứng đầu
có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám
nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám hành động vì lợi
ích chung, là hạt nhân đoàn kết; cùng với đó là thực hiện chính sách khuyến
khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
vì lợi ích chung sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham
nhũng, tiêu cực xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức kỷ cương, liêm
chính.
- Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo định
kỳ, điều chuyển vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức không hoàn
thành nhiệm vụ, mức độ hài lòng của người dân không cao, uy tín giảm sút. Thực
hiện nghiêm túc, đầy đủ việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ,
quyền hạn và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan, tổ chức, địa phương.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra,
kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi tham nhũng,
tiêu cực, lãng phí không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ để cảnh tỉnh, răn đe
đối với những người có ý định vi phạm.
4. Đẩy mạnh cải cách hành
chính, chuyển đổi số để tạo môi trường thực thi nhiệm vụ, công vụ công khai
minh bạch nhằm hạn chế các tham nhũng, tiêu cực.
- Triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo,
điều hành về công tác CCHC nhà nước của tỉnh: Kế hoạch CCHC tỉnh Bắc Giang giai
đoạn 2021-2030, Kế hoạch CCHC nhà nước năm 2025, Kế hoạch kiểm soát TTHC và thực
hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông năm 2025, Kế hoạch tuyên truyền về CCHC
tỉnh Bắc Giang năm 2025. Đẩy mạnh triển khai các mô hình, giải pháp mới trong
công tác CCHC.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế; nâng cao chất
lượng ban hành VBQPPL; tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, hệ thống hoá
VBQPPL, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các nội dung chồng chéo,
mâu thuẫn, không còn phù hợp; chú trọng rà soát, đơn giản hóa, công khai thủ tục
hành chính, mở rộng các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến; công khai,
minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin và giám
sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
- Nâng cao chất lượng công tác cải cách TTHC, thường
xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết, đơn giản hoá TTHC, tạo thuận lợi
tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết TTHC; tiếp tục triển khai
thực hiện hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về
thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Công bố,
công khai và cập nhật đẩy đủ, kịp thời TTHC, TTHC nội bộ theo quy định. Đẩy mạnh
thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định. Tăng cường công
tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương
trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ
chức kiểm tra công tác CCHC theo Kế hoạch đề ra.
- Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết
số 18-NQ/TW theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức để bộ máy chính quyền thực
hiện sắp xếp đi vào hoạt động bình thường, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính
trị. Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư
sau sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy.
- Thực hiện tốt việc đổi mới và nâng cao chất lượng
đội ngũ cán bộ, công chức; công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện nghiêm túc việc
luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; thực
hiện nghiêm quy định về số lượng cấp phó trong cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh
theo quy định. Thường xuyên rà soát việc bố trí công chức theo đề án vị trí việc
làm và cơ cấu ngạch công chức của các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND huyện,
thành phố; Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp
của các đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai thực hiện các kế hoạch nâng ngạch
công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Triển khai kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2025.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên
các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở về công tác CCHC và thực
hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, việc giải quyết TTHC trên môi trường mạng,
qua dịch vụ bưu chính công ích; các mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay
về CCHC.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các Sở, cơ quan, ban, ngành
đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển
khai kế hoạch về nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường công tác giáo dục liêm
chính, nâng cao nhận thức về trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho
cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi cơ quan, đơn vị phụ trách; gửi báo
cáo kết quả thực hiện về Sở Nội vụ trước ngày 05/12/2025 để tổng
hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Sở Tư pháp thường xuyên tuyên truyền, phổ
biến giáo dục pháp luật, cập nhật, đăng tải văn bản quy phạm pháp luật về phòng
chống tham nhũng, tiêu cực trên hệ thống thông tin pháp luật của tỉnh; phối hợp,
hướng dẫn hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng , chống
tham nhũng của các sở, ban, ngành và địa phương.
3. Giao Sở Nội vụ tổ chức các lớp tập huấn lồng
ghép nội dung bồi dưỡng về đạo đức công vụ, giáo dục liêm chính, công tác
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn
tỉnh. Là đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương theo
dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch, định kỳ tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Thành viên BCSĐ UBND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, cơ quan thuộc tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, các phòng;
- Lưu: VT, NC.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Việt Oanh
|