ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO
TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 681/HD-SGDĐT
|
Cần Thơ, ngày 18 tháng 04 năm 2013
|
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM
Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT
ngày 16 tháng năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định
về dạy thêm, học thêm (gọi tắt là Thông tư số 17);
Căn cứ Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND
ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Quy
định quản lý dạy thêm, học thêm (gọi tắt là Quyết định số 06);
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn
việc thực hiện Quy định quản lý dạy thêm, học thêm với một số nội dung cụ thể
như sau:
I. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng
áp dụng
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp
dụng được thực hiện theo quy định tại Điều 1 của Thông tư số 17. Cần đặc biệt
chú ý:
1. Mọi đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ
chức việc dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông và có thu tiền của
người học đều là đối tượng áp dụng và thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số
17, dưới bất kỳ hình thức nào như: nhóm học thêm, lớp dạy thêm, cơ sở dạy thêm,
trung tâm bồi dưỡng kiến thức, trung tâm luyện thi, trung tâm gia sư, v.v… và
không phân biệt số lượng, số lượt học sinh.
2. Trong trường hợp do cha, mẹ của
học sinh, anh, chị của học sinh có yêu cầu và thỏa thuận với giáo viên dạy thêm
cho con ruột, em ruột mình tại nhà riêng với số lượng từ 01 đến 04 học sinh thì
không là đối tượng và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 17.
II. Nguyên tắc dạy thêm, học thêm và
các trường hợp không được dạy thêm
Thực hiện đúng theo quy định tại
Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số 17 và đặc biệt chú ý các trường hợp sau đây:
1. Các trường tiểu học chỉ được tổ
chức bồi dưỡng:
a) Về nghệ thuật: bồi dưỡng năng
khiếu về âm nhạc, mỹ thuật, luyện chữ đẹp.
b) Về thể dục thể thao: bồi dưỡng
năng khiếu ở các môn như bóng bàn, bóng đá, bơi, cầu lông, cờ vua, đá cầu, điền
kinh, thể dục dụng cụ, v.v… nhằm chuẩn bị cho các kỳ Hội khỏe Phù Đổng của các
cấp trường, quận, huyện, thành phố, khu vực và toàn quốc.
c) Về kỹ năng sống: bồi dưỡng kiến
thức trên cơ sở lựa chọn các chủ đề giáo dục đạo đức dành cho học sinh tiểu học
về gia đình, nhà trường, xã hội, môi trường, các quy định cơ bản của luật pháp,
các quy tắc ứng xử trong giao tiếp, v.v…
2. Các cơ sở giáo dục công lập trên
địa bàn thành phố Cần Thơ tổ chức dạy 2 buổi/ngày có huy động sự đóng góp của
cha mẹ học sinh, không được tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
3. Công chức, viên chức quản lý và
viên chức hợp đồng làm việc không thời hạn tại các cơ sở giáo dục công lập (gọi
tắt là giáo viên các trường công lập), hưởng lương từ ngân sách của Nhà nước
không được đứng tên trong đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm
ngoài nhà trường.
4. Công chức, viên chức quản lý của
các cơ sở giáo dục công lập đảm bảo đầy đủ chế độ làm việc và định mức tiết dạy
theo quy định; hoàn thành nhiệm vụ được phân công tại đơn vị, được sự đồng ý
của lãnh đạo Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà
trường tại các cơ sở dạy thêm được cấp phép.
5. Giáo viên các trường công lập đảm
bảo đầy đủ chế độ làm việc và định mức tiết dạy theo quy định; hoàn thành nhiệm
vụ được phân công tại đơn vị, được sự đồng ý của hiệu trưởng, có thể tham gia
dạy thêm ngoài nhà trường tại các cơ sở dạy thêm được cấp phép.
III. Tổ chức dạy thêm, học thêm
1. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm
trong nhà trường và ngoài nhà trường đảm bảo tuân thủ theo quy định tại các
điều 6, 7, 8, và 9 của Thông tư số 17.
2. Nhằm đảm bảo sức khỏe và tính
hiệu quả của việc tiếp thu kiến thức, hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà
trường và ngoài nhà trường không được thực hiện quá 3 tiết/buổi học (đối với
hai buổi sáng, chiều), không được thực hiện quá 2 tiết/buổi học (đối với buổi
tối) và không quá 3 buổi học/tuần cho một môn học.
3. Thời gian biểu dành cho các buổi
học như sau:
a) Buổi sáng bắt đầu từ 07g30, kết
thúc trước 10g30.
b) Buổi chiều bắt đầu từ 14g00, kết
thúc trước 17g00.
c) Buổi tối:
- Có thể bắt đầu từ 17g30, kết thúc
trước 20g00 đối với địa bàn nông thôn;
- Có thể bắt đầu từ 18g30, kết thúc
trước 21g00 đối với địa bàn đô thị.
4. Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm,
học thêm phải đảm bảo tuân thủ theo Điều 10 của Thông tư số 17.
5. Nội dung dạy thêm phải phù hợp
với bản kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động
dạy thêm, học thêm; nội dung được giảng dạy trên lớp phải được thể hiện và ghi
nhận trong sổ ghi đầu bài.
IV. Mức thu tiền học thêm của người
học; quản lý, sử dụng tiền học thêm
1. Mức thu tiền học thêm của người
học, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định tại các điều 10,
11, 12 và 13 của Quyết định số 06.
2. Mức thu tiền học thêm đảm bảo
trên cơ sở thỏa thuận giữa người học và tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, đồng
thời phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương;
tiền học thêm của một môn học/học sinh trong tháng có thể thu tối đa tương ứng
từ 25% đến 30% mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
3. Việc quản lý thu, chi tiền dạy
thêm, học thêm thực hiện theo quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30
tháng 3 năm 2006 và Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2010 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính.
4. Đối với hoạt động dạy thêm, học
thêm trong nhà trường, sử dụng từ 75% đến 80% tiền thu học thêm để chi trả thù
lao cho giáo viên (căn cứ vào hợp đồng làm việc); sử dụng từ 5% đến 7% để chi
cho công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường (bao gồm cả khoản chi
phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra); phần còn lại sử dụng chi tiền điện,
nước, mua sắm trang thiết bị và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học
thêm.
5. Đối với hoạt động dạy thêm, học
thêm ngoài nhà trường, sử dụng từ 5% đến 7% tổng số tiền thu học thêm để chi
cho công tác quản lý dạy thêm, học thêm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động
dạy thêm (bao gồm cả khoản chi phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra); phần còn
lại dùng để chi trả thù lao cho giáo viên (căn cứ theo hợp đồng làm việc), khấu
hao tài sản, thuê mướn cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thực hiện nghĩa
vụ thuế.
V. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt
động
1. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm đối với các
trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học
phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là
chương trình trung học phổ thông (Khoản 1 Điều 2 của Quyết định số 06).
2. Trưởng phòng Phòng Giáo dục và
Đào tạo, sau khi có văn bản ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, có thẩm
quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm có nội dung bồi dưỡng
nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống đối với cấp tiểu học, nội
dung thuộc chương trình trung học cơ sở hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có
chương trình cao nhất là chương trình trung học cơ sở (Khoản 2 Điều 2 của Quyết
định số 06).
VI. Hồ sơ xin cấp phép hoạt động dạy
thêm, học thêm
1. Đối với hoạt động dạy thêm, học
thêm trong nhà trường
Hiệu trưởng là người chịu trách
nhiệm chính về việc tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường (Điều
7 của Quyết định số 06), tiến hành lập hồ sơ xin cấp phép hoạt động dạy thêm,
học thêm, như sau:
a) Tờ trình xin cấp giấy phép hoạt
động dạy thêm, học thêm;
b) Danh sách trích ngang giáo viên
đăng ký dạy thêm;
c) Bản kế hoạch tổ chức dạy thêm,
học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: mục tiêu dạy thêm, học thêm; đối
tượng học thêm; nội dung dạy thêm; địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm;
mức thu và phương án chi tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm;
thời khóa biểu học thêm.
2. Đối với hoạt động dạy thêm, học
thêm ngoài nhà trường
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tổ
chức hoạt động dạy thêm, học thêm lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động, như
sau:
a) Đơn xin cấp giấy phép tổ chức
hoạt động dạy thêm, trong đó có cam kết và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận
địa điểm dạy thêm, học thêm đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an ninh, trật tự,
vệ sinh môi trường.
b) Danh sách trích ngang người tổ
chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
c) Đơn xin dạy thêm có dán ảnh của
người đăng ký dạy thêm, đính kèm:
- Đối với người không đang công tác
tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, giấy xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận
các yêu cầu về: phẩm chất đạo đức, thực hiện nghĩa vụ công dân, quy định của
pháp luật, không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự,
chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp
giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
- Đối với người đang công tác tại cơ
quan, đơn vị sự nghiệp công lập, giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị sự nghiệp công
lập về: phẩm chất đạo đức, thực hiện nghĩa vụ công dân, quy định của pháp luật,
hoàn thành các nhiệm vụ được giao, không trong thời gian bị kỷ luật và ý kiến
đồng ý cho phép tham gia hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường.
d) Bản sao hợp lệ giấy tờ xác định
trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức dạy thêm,
học thêm và người đăng ký dạy thêm;
đ) Giấy khám sức khỏe do bệnh viện
đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức
dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
e) Bản kế hoạch tổ chức dạy thêm,
học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: mục tiêu dạy thêm, học thêm; đối
tượng học thêm; nội dung dạy thêm; địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm;
mức thu và phương án chi tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm;
thời khóa biểu.
Chú ý:
- Trong quá trình tổ chức dạy thêm,
học thêm, nếu có thay đổi, điều chỉnh về địa điểm, số lượng học sinh, số người
tham gia dạy thêm thì các đơn vị, cơ sở dạy thêm phải báo cáo bằng văn bản về
cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ khi có
sự thay đổi, điều chỉnh.
VII. Trình tự thực hiện cấp giấy
phép hoạt động dạy thêm, học thêm
1. Đối với hoạt động dạy thêm, học
thêm trong nhà trường
a) Đối với Hiệu trưởng các trường
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định
tại Khoản 1, Mục VI của văn bản này.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại bộ phận nhận hồ sơ và
trả kết quả (gọi tắt là Bộ phận một cửa) của Sở Giáo dục và Đào tạo, của các
phòng giáo dục và đào tạo.
Bước 3: Nhận kết quả tại Bộ phận một cửa của
Sở Giáo dục và Đào tạo, của các phòng giáo dục và đào tạo theo ngày ghi trên
Phiếu nhận hồ sơ.
b) Đối với cơ quan có thẩm quyền cấp
giấy phép:
Bước 1: Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ xin
cấp giấy phép, kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ
thì cấp Phiếu nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.
- Trường hợp hồ sơ thiếu, hoặc không
hợp lệ thì lập Phiếu hướng dẫn làm lại hồ sơ.
Bước 2: Phòng Giáo dục Trung học (đối với Sở
Giáo dục và Đào tạo), Bộ phận nghiệp vụ (đối với các phòng giáo dục và đào tạo)
tham mưu với lãnh đạo Sở, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành lập đoàn
kiểm tra và tiến hành kiểm tra, thẩm định thực tế tại địa điểm tổ chức dạy
thêm, học thêm.
Bước 3: Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Phòng
Giáo dục Trung học, Bộ phận nghiệp vụ đề xuất bằng văn bản với lãnh đạo Sở,
Phòng Giáo dục và Đào tạo việc cấp giấy phép hoặc không đồng ý cấp giấy phép.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở, Phòng ký quyết định cấp giấy phép hoạt động dạy
thêm, học thêm trong nhà trường hoặc ký quyết định không đồng ý cấp giấy phép
hoạt động.
Bước 4: Bộ phận một cửa tiến hành trả kết
quả cho Hiệu trưởng các trường bằng quyết định cấp giấy phép hoạt động hoặc
quyết định không đồng ý cấp giấy phép hoạt động.
c) Thời hạn giải quyết cấp giấy
phép: 15
ngày làm việc, kể
từ ngày Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ.
2. Đối với hoạt động dạy thêm, học
thêm ngoài nhà trường
a) Đối với tổ chức, cá nhân có nhu
cầu tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định
tại Khoản 2, Mục VI của văn bản này.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa của Sở
Giáo dục và Đào tạo, của các phòng giáo dục và đào tạo.
Bước 3: Nhận kết quả tại Bộ phận một cửa của
Sở Giáo dục và Đào tạo, của các phòng giáo dục và đào tạo theo ngày ghi trên
Phiếu nhận hồ sơ.
b) Đối với cơ quan có thẩm quyền cấp
giấy phép:
Bước 1: Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ xin
cấp giấy phép, kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ
thì cấp Phiếu nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.
- Trường hợp hồ sơ thiếu, hoặc không
hợp lệ thì lập Phiếu hướng dẫn làm lại hồ sơ.
Bước 2: Phòng Giáo dục Trung học, Bộ phận
nghiệp vụ tham mưu với lãnh đạo Sở, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động
tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, sở, ngành có liên quan và cùng
Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành kiểm tra, thẩm định thực tế địa điểm tổ chức
hoạt động dạy thêm, học thêm.
Bước 3: Sau cuộc kiểm tra, đoàn kiểm tra họp
để thống nhất ý kiến về kết quả kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế, đề xuất cấp
giấy phép hoặc từ chối không cấp giấy phép cho các tổ chức, cá nhân liên quan.
Bước 4: Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Phòng
Giáo dục Trung học, Bộ phận nghiệp vụ đề xuất bằng văn bản (thực hiện theo quy
trình thanh tra, kiểm tra) với lãnh đạo Sở, Phòng việc cấp giấy phép hoặc không
đồng ý cấp giấy phép. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở, Phòng ký quyết định cấp giấy
phép hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường hoặc ký quyết định không
đồng ý cấp giấy phép hoạt động.
Bước 5: Bộ phận một cửa tiến hành trả kết
quả cho tổ chức, cá nhân bằng quyết định cấp giấy phép hoạt động hoặc quyết
định không đồng ý cấp giấy phép hoạt động.
c) Thời hạn giải quyết cấp phép: 15 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ phận một cửa tiếp
nhận hồ sơ.
VIII. Thời hạn, gia hạn, thu hồi
giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; đình chỉ hoạt động dạy thêm,
học thêm
1. Thời hạn của giấy phép, việc gia
hạn hoặc thu hồi giấy phép, việc đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm thực
hiện theo quy định tại Điều 14 của Thông tư số
2. Việc kiến nghị thu hồi giấy phép,
đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm thuộc trách nhiệm của các đoàn thanh tra,
kiểm tra sau khi kết luận có các hành vi vi phạm quy định về quản lý dạy thêm,
học thêm; cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sẽ ban hành quyết định thu hồi
giấy phép, quyết định đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm.
IX. Thanh tra, kiểm tra hoạt động
dạy thêm, học thêm
1. Thanh tra Sở, Thường trực thanh
tra có trách nhiệm tham mưu với lãnh đạo Sở, Phòng chủ động tổ chức hoặc phối
hợp với với các cơ quan, đơn vị, sở, ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm
tra hoạt động dạy thêm học thêm.
2. Việc thanh tra, kiểm tra hoạt
động dạy thêm, học thêm có thể tổ chức thành đoàn độc lập, đoàn liên ngành hoặc
phối hợp với thanh tra toàn diện, hay thanh tra chuyên đề; thanh tra, kiểm tra
theo kế hoạch hoặc đột xuất.
3. Đề xuất khen thưởng, biểu dương
đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định về quản lý dạy
thêm, học thêm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
4. Tùy theo mức độ sai phạm, đoàn
thanh tra, kiểm tra kiến nghị hình thức điều chỉnh, uốn nắn, xử lý đối với các
đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện chưa tốt hoặc có hành vi vi phạm quy định
của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, vi phạm
quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc vi phạm các quy định pháp
luật khác có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức.
Trên đây là hướng dẫn một số chi
tiết cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm thực hiện quy định của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân thành phố về quản lý dạy thêm, học thêm
trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Trong quá trình thực hiện, các đơn
vị, tổ chức, cá nhân có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị báo
cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo (Phòng Pháp chế - [email protected]) để được xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
-
Bộ GD&ĐT (để báo cáo);
- TT HĐND; TT UBND thành phố (để báo cáo);
- Thanh tra thành phố, các sở ngành có liên quan (để phối hợp);
- Các phòng GD&ĐT (để thực hiện);
- Các phòng CN, CM, các CSGD trực thuộc Sở (để thực hiện);
- Trang thông tin điện tử của Sở GD&ĐT;
- Lưu: VT, PC.
|
GIÁM ĐỐC
Trần Trọng Khiếm
|
FILE ĐƯỢC
ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|