|
Bản dịch này thuộc quyền sở hữu của
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Mọi hành vi sao chép, đăng tải lại mà không có sự đồng ý của
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT là vi phạm pháp luật về Sở hữu trí tuệ.
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT has the copyright on this translation. Copying or reposting it without the consent of
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT is a violation against the Law on Intellectual Property.
X
CÁC NỘI DUNG ĐƯỢC SỬA ĐỔI, HƯỚNG DẪN
Các nội dung của VB này được VB khác thay đổi, hướng dẫn sẽ được làm nổi bật bằng
các màu sắc:
: Sửa đổi, thay thế,
hủy bỏ
Click vào phần bôi vàng để xem chi tiết.
|
|
|
Đang tải văn bản...
Số hiệu:
|
1705/QD-TTg
|
|
Loại văn bản:
|
Quyết định
|
Nơi ban hành:
|
Thủ tướng Chính phủ
|
|
Người ký:
|
Lê Thành Long
|
Ngày ban hành:
|
31/12/2024
|
|
Ngày hiệu lực:
|
Đã biết
|
Ngày công báo:
|
Đang cập nhật
|
|
Số công báo:
|
Đang cập nhật
|
|
Tình trạng:
|
Đã biết
|
THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1705/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm
2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng
11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11
năm 2013 của Hội nghị trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Căn cứ Kết luận số 91-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm
2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04
tháng 11 năm 2013 của Hội nghị trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều
kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10
năm giai đoạn 2021 - 2030;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược
phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chiến
lược) với các nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM
Tiếp tục quán triệt các quan điểm, chỉ đạo của Đảng,
Nhà nước về phát triển giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04
tháng 11 năm 2013 của Hội nghị trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều
kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nghị
quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kết luận số 91-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm
2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04 tháng
11 năm 2013 của Hội nghị trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều
kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong
đó, nhấn mạnh, tập trung các quan điểm chỉ đạo sau:
1. Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng
đầu, đóng vai trò động lực then chốt để phát triển đất nước. Đầu tư cho giáo dục
và đào tạo là đầu tư cho phát triển, cần được ưu tiên đi trước trong các chương
trình, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước ưu tiên đầu tư và
thu hút các nguồn lực khác, tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia, đóng góp cho
phát triển giáo dục.
2. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ căn bản và toàn diện
giáo dục và đào tạo. Tiếp tục chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị
kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, đặc biệt là năng lực đổi
mới và sáng tạo của người học. Thực hiện tốt nguyên lý học đi đôi với hành, lý
luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình
và xã hội.
3. Giáo dục và đào tạo là vì con người và hạnh phúc
của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm,
chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc
thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước
phồn vinh và hạnh phúc.
4. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập tạo điều kiện
cho mọi người dân được học tập và học thường xuyên, học suốt đời. Phát triển
giáo dục bảo đảm cân đối về số lượng, chất lượng; hợp lý về cơ cấu trình độ,
ngành nghề.
5. Chủ động hội nhập quốc tế và tiếp thu, ứng dụng
các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là những
thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, trí tuệ nhân
tạo để hiện đại hóa giáo dục.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC
ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa và
phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phát
triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế -
xã hội trong kỷ nguyên mới, chủ động tham gia và thích ứng với cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư và các tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ; chú
trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo
của mỗi cá nhân, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Phát triển hệ thống
giáo dục mở, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, phục vụ học
tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, hội
nhập quốc tế. Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực
châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
a) Giáo dục mầm non
Tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ
cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm
non cho trẻ mẫu giáo. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 38% trẻ em trong độ tuổi
nhà trẻ và 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo.
Phấn đấu có 99,5% trẻ em mầm non đến trường được học
2 buổi/ngày. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục được nâng cao, đảm bảo
trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình
thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị vào học lớp 1.
100% giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ chuẩn được
đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục.
Phấn đấu tỷ lệ trường mầm non dân lập, tư thục đạt
30%, số trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đạt
35%.
Phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 100%; có trên
65% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
b) Giáo dục phổ thông
Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học
và trung học cơ sở; 75% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ
cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt
chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 60% các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.
Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp
trung học cơ sở đạt 97%; tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,7%, trung học cơ
sở đạt 99% và hoàn thành cấp trung học phổ thông đạt 95%; tỷ lệ chuyển cấp từ
tiểu học lên trung học cơ sở đạt 99,5%, từ trung học cơ sở lên trung học phổ
thông và các trình độ khác đạt 95%; 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
100% giáo viên phổ thông đạt chuẩn trình độ chuẩn
được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục.
Phấn đấu số cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5%
và số học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5,5%.
Phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố cấp tiểu học, cấp
trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông đạt 100%; có 70% trường tiểu học, 75%
trường trung học cơ sở và 55% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
c) Giáo dục đại học
Số sinh viên đại học/vạn dân đạt ít nhất là 260, tỷ
lệ sinh viên đại học trong nhóm độ tuổi 18-22 đạt ít nhất 33%, tỷ lệ sinh viên
quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam đạt 1,5%; tỷ lệ
giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%.
Dịch chuyển cơ cấu trình độ và ngành đào tạo phù hợp
với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế
toàn cầu; tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và
toán (STEM) đạt 35%.
Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực
cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn.
Phấn đấu 100% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng
theo các chu kỳ kiểm định phù hợp.
Số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng
khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6
công trình/năm.
Có ít nhất 05 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng
trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 05 cơ sở giáo dục đại học vào
nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á; Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống
giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống
giáo dục đại học tốt nhất châu Á.
d) Giáo dục thường xuyên
Phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi
từ 15 - 60 đạt 99,15%; trong đó tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ
15 - 60 ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 98,85%. Có
90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Triển khai mô hình thành phố học tập trên toàn quốc;
có ít nhất 50% huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương được công nhận danh hiệu huyện/thành phố học tập và 35% các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương được công nhận danh hiệu tỉnh, thành phố học tập.
Phấn đấu có 10 đơn vị hành chính tham gia vào Mạng lưới thành phố học tập toàn
cầu của UNESCO vào năm 2030.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Hoàn thiện thể chế
Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế,
chính sách về giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực có liên quan theo hướng khoa học,
hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực
tiễn ở nước ta, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho phát triển giáo dục và đào
tạo. Cụ thể:
Xây dựng Luật Nhà giáo; nghiên cứu đề xuất xây dựng
Luật Học tập suốt đời; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật
Giáo dục đại học và Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục
và đào tạo theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội
hoá giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo
dục và đào tạo; bảo đảm tính đồng bộ của các văn bản pháp luật liên quan, nhất
là về đầu tư, tài chính, tài sản công, ngân sách nhà nước và tuyển dụng, sử dụng,
quản lý viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập; rà soát, hoàn thiện các
chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng và thuế đối với tất cả cơ sở giáo dục; tạo
động lực thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trong mạng lưới cơ sở giáo dục
công lập và tư thục, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển giáo dục.
Ban hành chương trình giáo dục mầm non mới với nội
dung và phương pháp tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn; nâng cao chất
lượng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; chú trọng xây dựng
các chương trình giáo dục thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng
yêu cầu của người học, phát huy năng lực tự học, năng lực sáng tạo của người học;
xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, nhóm ngành phù hợp
với chuẩn mực và thông lệ quốc tế và phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt
Nam, Khung bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về liên thông giữa
các cấp học và trình độ đào tạo, tạo thuận lợi cho người học nâng cao trình độ
và chuyển đổi ngành nghề; hoàn thiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung
cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, tăng tính liên thông và tương thích quốc tế.
Hoàn thiện các quy định về tự chủ đại học phù hợp với
xu hướng chung của thế giới. Hoàn thiện các quy định liên quan đến khoa học
công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tạo thuận
lợi, tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tính đến đặc thù về độ trễ và rủi ro trong
nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi,
khuyến khích thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học và hợp tác nghiên cứu,
triển khai giữa các cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng
hành lang pháp lý về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử
dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng
dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; đẩy mạnh việc
thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tiền
lương, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài đối
với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nghiên cứu, xây dựng chính sách động
viên kịp thời đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng
núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven
biển, hải đảo, nhất là nhà giáo, cán bộ quản lý là nữ, người dân tộc thiểu số;
có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục
chuyên biệt.
2. Đổi mới quản lý giáo dục và quản
trị nhà trường
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo
dục; đổi mới bộ máy quản lý theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đảm
bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông trong quản lý nhà nước từ trung ương tới
địa phương và các cơ sở giáo dục, trong hệ thống giáo dục quốc dân từ giáo dục
mầm non, giáo dục phổ thông đến giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và
giáo dục đại học; thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.
Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý giáo dục các
cấp; tăng cường năng lực thực thi; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường
vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trong việc quyết
định về biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân
sách nhà nước cho ngành giáo dục.
Tiếp tục đổi mới cơ chế quản trị cơ sở giáo dục
theo hướng khoa học, hiện đại phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn
ở nước ta; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với nâng cao trách nhiệm
giải trình, phát huy dân chủ của các cơ sở giáo dục; bảo đảm việc tham gia của
người học, gia đình và xã hội trong giám sát các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh thực
hiện chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý giáo dục và quản trị
nhà trường. Xây dựng môi trường văn hóa - giáo dục lành mạnh, phù hợp với yêu cầu
của gia đình và xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học và đổi mới quản trị cơ
sở giáo dục đại học theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Thực hiện việc bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường, hội đồng đại học
công lập; đồng thời, làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa chủ tịch
hội đồng trường với hiệu trưởng để có quy định phù hợp với thực tiễn, có tính đến
đặc thù của các trường thuộc khối Công an, Quân đội. Đánh giá toàn diện việc thực
hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm
giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cả nước để có giải pháp phù hợp,
tạo thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển hệ thống này trong thời gian tới.
Tăng cường chất lượng của công tác lập kế hoạch; tổ
chức dự báo, cung cấp thường xuyên các thông tin về phát triển giáo dục và nhu
cầu nhân lực của xã hội cho các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục để điều tiết
quy mô, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu
quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về giáo dục; thực hiện đúng và đầy đủ
nhiệm vụ, quyền hạn về công tác thanh tra, kiểm tra của các bộ, cơ quan ngang bộ,
chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ sở giáo dục, bảo
đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường năng lực đội ngũ thanh tra giáo dục
để góp phần nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với
tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
3. Thực hiện công bằng trong tiếp
cận giáo dục
Thực hiện công bằng và bình đẳng trong cơ hội tiếp
cận giáo dục có chất lượng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, nhất là của
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội
đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo, khu đô thị đông dân cư,
khu công nghiệp, khu chế xuất và các các đối tượng là trẻ mồ côi, trẻ em không
nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ và
trẻ em gái, những đối tượng yếu thế khác. Tăng cường dạy học tiếng nói, chữ viết
của dân tộc thiểu số, gìn giữ và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của đồng
bào các dân tộc thiểu số, tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc
thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Có chính sách hỗ trợ trẻ dưới 36 tháng tuổi được
vào học ở nhà trẻ, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư. Nâng cao hiệu quả
công tác xóa mù chữ, tiến tới xóa mù chức năng.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho người học
là đối tượng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người
khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; chính sách tín dụng giáo dục,
học bổng, trợ cấp xã hội cho người học; chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ
tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, tạo cơ hội học tập công bằng cho mọi
người; chính sách cho sinh viên theo chế độ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại
học, người học là người dân tộc thiểu số rất ít người.
Bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục có chất lượng
cho người khuyết tật. Tiếp tục triển khai có hiệu quả ba phương thức giáo dục
cho người khuyết tật là phương thức giáo dục hòa nhập, bán hòa nhập và chuyên
biệt, trong đó đặc biệt quan tâm đến phương thức giáo dục hòa nhập.
Củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội
trú, phổ thông dân tộc bán trú, hệ thống trường dự bị đại học nhằm duy trì kết
quả phổ cập giáo dục và tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng
đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn.
4. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo
dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân
Phát triển hệ thống giáo dục theo hướng mở; linh hoạt,
đa dạng hoá các mô hình đào tạo, chương trình giáo dục, phương thức học tập, ứng
dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục để phù hợp với mọi đối tượng người
học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Gắn kết liên thông giữa
giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục
mầm non và phổ thông phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa
phương, địa bàn cụ thể, bảo đảm đủ trường, lớp học và trang thiết bị dạy học,
đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, tiểu học và trung
học cơ sở tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm. Khuyến khích phát triển
cơ sở giáo dục tư thục ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Nghiên cứu phát triển các mô hình mới như trường học số, trường học thông minh,
trường học hạnh phúc, trường chất lượng cao, trường công lập tự chủ...
Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục thường
xuyên theo hướng giáo dục mở, linh hoạt, hiệu quả bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập
suốt đời của mọi người dân, xây dựng xã hội học tập.
Triển khai hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo
dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng ngày
càng tốt hơn nhu cầu học đại học của nhân dân và yêu cầu nguồn nhân lực trình độ
cao, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy thế mạnh của
các cơ sở giáo dục thuộc khối Quân đội, Công an trong đào tạo hệ dân sự đối với
các ngành lưỡng dụng một cách phù hợp để khai thác hiệu quả các nguồn lực, đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục
chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển
giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo đủ năng lực,
quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng
cho người khuyết tật.
Rà soát, ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng cơ sở
giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở
giáo dục đại học; xây dựng hạ tầng phục vụ mở rộng không gian phát triển, thực
hiện kế hoạch di dời các cơ sở giáo dục đại học trong nội thành ra khu vực ngoại
vi của các thành phố lớn.
5. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy
học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục
Đổi mới Chương trình giáo dục mầm non bảo đảm đồng
bộ về nội dung và phương pháp, tiếp cận xu hướng tiên tiến về phát triển chương
trình, phù hợp với tình hình thực tiễn, liên thông với đổi mới giáo dục phổ
thông; tăng cường quản lý việc thực hiện Chương trình trong các cơ sở giáo dục
mầm non dân lập, tư thục, quan tâm hỗ trợ chuyên môn đối với nhóm trẻ, lớp mẫu
giáo, lớp mầm non độc lập; chuẩn bị đủ các điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất, đồ
dùng, đồ chơi, học liệu, thiết bị dạy học để triển khai thực hiện Chương trình
giáo dục mầm non mới.
Thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ
thông hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực từng cá nhân người học;
đẩy mạnh phương thức giáo dục tích hợp Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Toán học
(STEM) và nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông; nâng cao năng lực tự học
và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực,
sở thích, điều kiện của bản thân.
Tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp
và định hướng phân luồng học sinh; khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp,
các doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, tài liệu, đánh giá kết quả
giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường
xuyên. Tăng cường lồng ghép, tích hợp giáo dục khởi nghiệp vào các môn học và
hoạt động giáo dục. Nghiên cứu xây dựng khung kỹ năng bồi dưỡng, thúc đẩy tinh
thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh phổ thông.
Đổi mới chương trình xóa mù chữ và chương trình
giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông phù hợp với
chương trình giáo dục phổ thông.
Tăng cường các nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng
giáo dục đại học, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, nghiên cứu
khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân
lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực các ngành đáp ứng yêu cầu phát triển kinh
tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành
khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và các ngành mới như trí tuệ nhân tạo,
khoa học dữ liệu, bán dẫn,... Đổi mới quản lý, chương trình và phương pháp đào
tạo theo hướng hội nhập quốc tế.
Tổ chức rà soát, đánh giá, cập nhật chương trình
đào tạo theo hướng khuyến khích lồng ghép nội dung về tinh thần doanh nhân,
tinh thần khởi nghiệp vào chương trình đào tạo đảm bảo phù hợp với thực tiễn,
đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục
chính trị tư tưởng, giáo dục quốc phòng và an ninh, xây dựng bản lĩnh chính trị
vững vàng, ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho
học sinh, sinh viên. Nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức, bảo đảm
thời lượng phù hợp để tổ chức các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức,
lối sống, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng sống; hoạt động giáo dục hướng
nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động
thể thao, xây dựng trường học an toàn, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học
sinh toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cần
đạt để đánh giá tính tích cực, chủ động của học sinh, sinh viên khi tham gia
các hoạt động.
Đổi mới đánh giá người học theo hướng phát triển phẩm
chất, năng lực; thúc đẩy môi trường học tập hài hoà, hạnh phúc, giảm nhẹ áp lực
học tập, phát huy tối đa tiềm năng của người học, khuyến khích học theo đam mê
và sở thích. Hoàn thiện các phương thức đánh giá, tiếp cận các thông lệ tốt của
quốc tế, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và tăng cường phân tích kết quả
đánh giá phục vụ dạy học và quản lý giáo dục. Đẩy mạnh công tác bảo đảm chất lượng
và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, kiểm định chất lượng các chương trình
đào tạo trình độ đại học. Triển khai hiệu quả các chu kỳ đánh giá diện rộng cấp
quốc gia nhằm định kỳ cung cấp các thông tin khách quan, tin cậy về chất lượng
giáo dục phổ thông, làm cơ sở đề xuất các chính sách, giải pháp đổi mới các hoạt
động dạy và học đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông
2018, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và hội nhập quốc tế. Khuyến khích
tổ chức, cá nhân, người sử dụng lao động tham gia xây dựng, điều chỉnh, thực hiện
chương trình đào tạo và đánh giá năng lực người học.
Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở tất cả
các cấp học và trình độ đào tạo; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ
hai trong trường học; ưu tiên đầu tư đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho các trường
sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên; các chương trình đào tạo đại học triển
khai dạy học ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động;
khuyến khích dạy học một số môn học bằng ngoại ngữ trong giáo dục phổ thông và
đào tạo bằng ngoại ngữ một số ngành học đại học; đảm bảo đội ngũ giáo viên ngoại
ngữ đủ về số lượng và chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế
trong dạy và học ngoại ngữ. Xây dựng và triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia
trong giai đoạn mới.
Xây dựng và triển khai quy trình phát hiện sớm, bồi
dưỡng và định hướng phát triển năng khiếu, tài năng trong học sinh, sinh viên,
nhất là trong các môn học, các ngành nghề STEM; ưu tiên tuyển chọn và cấp học bổng
cho những cá nhân xuất sắc đi học tập ở nước ngoài theo các chương trình học bổng
có sử dụng ngân sách nhà nước phù hợp với định hướng phát triển nhân lực quốc
gia.
Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đổi mới
nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục.
6. Phát triển đội ngũ nhà giáo và
cán bộ quản lý giáo dục
Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục,
nhân viên ngành giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý và đồng
bộ về cơ cấu đội ngũ, đạt chuẩn nghề nghiệp.
Phát triển hệ thống đào tạo giáo viên trong mạng lưới
các cơ sở giáo dục đại học, xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm. Thực hiện
đào tạo gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng giáo viên
mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đổi
mới mô hình, phương thức đào tạo giáo viên, gắn việc đào tạo trong các trường
sư phạm với hoạt động thực tiễn tại các trường học; thực hiện đào tạo giáo viên
theo cơ chế đặt hàng; sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện
có; đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng giáo viên đảm bảo các cơ sở giáo dục mầm
non, phổ thông, giáo dục thường xuyên được bố trí đủ định mức giáo viên theo
quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình
giáo dục mầm non mới, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục
thường xuyên.
Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo giảng viên
đại học có trình độ tiến sĩ, áp dụng phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ theo
cơ chế khoán đầu ra đối với các cơ sở giáo dục đại học đào tạo tiến sĩ có uy
tín.
Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi
dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục theo hướng
phát triển năng lực và đạo đức nghề nghiệp. Tăng số lượng giảng viên đi đào tạo
tiến sĩ ở nước ngoài; có chính sách thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước,
người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học.
Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng,
quản lý sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, bảo đảm các điều kiện cần thiết
về vật chất và tinh thần để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục
thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, yên tâm công tác và cống hiến; đồng
thời thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục và tạo động lực cho đội ngũ nhà
giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục phát triển; nghiên cứu, xây dựng
và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về giáo dục đào tạo ở các cấp học gắn
với hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển đội ngũ. Có chính sách khuyến
khích, ưu đãi đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục công
tác tại vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng
bãi ngang, ven biển, hải đảo; nhất là nhà giáo, cán bộ quản lý là nữ, người dân
tộc thiểu số, nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Thực
hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc
lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc,
theo vùng.
7. Bảo đảm nguồn lực tài chính và
cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục
Bố trí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo
bảo đảm đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định và quản lý
sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo. Kịp thời
điều chỉnh tăng mức chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng
của nền kinh tế. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc,
giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, xoá mù chữ, phân luồng
học sinh trong giáo dục phổ thông, các nhiệm vụ trọng điểm, các chương trình mục
tiêu, các ngành nghề mũi nhọn; ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng chuyển
từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao
nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra. Thực hiện
cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật,
tiêu chuẩn chất lượng của một số loại hình dịch vụ đào tạo. Tiến tới bình đẳng
về quyền được nhận hỗ trợ của nhà nước đối với người học ở trường công lập và
tư thục. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia phát triển
giáo dục, nhất là đầu tư phát triển các loại hình cơ sở giáo dục tư thục đáp ứng
nhu cầu xã hội, nhất là loại hình tư thục chất lượng cao và không vì lợi nhuận.
Tăng cường huy động và thu hút các nguồn lực trong
và ngoài nước cho phát triển giáo dục. Khuyến khích hình thành các quỹ học bổng,
khuyến học, khuyến tài, giúp học sinh, sinh viên nghèo có thành tích học tập tốt.
Phát triển các hình thức liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước
để nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết
quả nghiên cứu.
Xây dựng, triển khai chương trình tăng cường cơ sở
vật chất cho giáo dục mầm non và phổ thông báo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện
chương trình. Đồng thời, tích hợp các mục tiêu tăng cường cơ sở vật chất trường,
lớp học vào các chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đầu tư xây dựng các
trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Huy động đa dạng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà
nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại,
vốn đầu tư, tài trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác;
phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư công để gia tăng thu hút các nguồn
lực xã hội cho đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục. Tăng cường nguồn lực đầu
tư cho phát triển giáo dục đại học tương xứng với vị trí vai trò của giáo dục đại
học, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, cho các ngành trọng điểm,
công nghệ cao.
Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và ưu tiên phân
bổ đầu tư nguồn lực để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường
đại học xuất sắc theo hiệp định quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm
và các trường đại học sư phạm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều
kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Xây dựng, thực
hiện Chương trình đầu tư công hiện đại hoá giáo dục đại học phù hợp với quy hoạch
mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, sư phạm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ
2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực
chất lượng cao; đảm bảo đầy đủ nguồn lực để triển khai thực hiện quy hoạch và
các đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển các
ngành kinh tế quan trọng và các lĩnh vực công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt.
8. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và
tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục
Triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát
triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị,
quản lý giáo dục; hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu toàn
ngành giáo dục, đồng bộ, thống nhất kết nối dữ liệu từ các cơ sở giáo dục, các
cấp quản lý giáo dục, kết nối dữ liệu giữa ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu
quốc gia; tất cả cơ sở giáo dục triển khai dạy học, quản lý nhà trường trên nền
tảng số bảo đảm thiết thực và hiệu quả, tạo nên hệ sinh thái chuyển đổi số
trong các cơ sở giáo dục.
Xây dựng và khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở,
đáp ứng cơ hội học tập suốt đời cho người dân. Phát triển kho học liệu số dùng
chung toàn ngành. Đẩy mạnh đào tạo trực tuyến theo chuẩn quốc tế. Khuyến khích
phát triển và khai thác dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực giáo
dục và đào tạo. Nghiên cứu, thí điểm và triển khai các mô hình trường học mới
như trường học số, trường học thông minh; triển khai mạnh mẽ mô hình giáo dục đại
học số nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển
đổi số.
Phát triển mạng lưới giáo dục đại học số trên cơ sở
chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong tổ chức và hoạt động của từng cơ sở
và cả hệ thống giáo dục đại học; liên kết mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trên
các nền tảng trực tuyến nhằm chia sẻ, sử dụng hiệu quả tài nguyên và dịch vụ
giáo dục đại học; chuyển đổi mô hình hoạt động của một số trường đại học hoặc
đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học thành trường đại học số, trường đào
tạo số. Tăng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục đại học số;
hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo ngành, lĩnh vực trọng điểm
trên hệ thống giáo dục đại học số quốc gia.
Đảm bảo các điều kiện về nhân lực và hạ tầng số, đường
truyền, băng thông, nền tảng tích hợp - chia sẻ dữ liệu, đảm bảo an toàn thông
tin, ưu tiên hỗ trợ các cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh hợp tác với
các tổ chức doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong hợp tác nghiên cứu, triển
khai ứng dụng và thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng các hệ thống công nghệ thông
tin, chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
9. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và
đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học
Đầu tư nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học và đổi
mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; ưu tiên đầu tư phát triển khoa học
cơ bản, khoa học mũi nhọn, công nghệ mới và nghiên cứu ứng dụng những lĩnh vực
Việt Nam có thế mạnh; phát triển một số cơ sở giáo dục đại học trở thành hạt
nhân thúc đẩy mạng lưới trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ ưu
tiên của công nghệ 4.0. Tăng cường công bố khoa học, khuyến khích xuất bản và
phổ biến các công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước
và quốc tế, bảo đảm liêm chính học thuật. Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học
của các cơ sở giáo dục đại học để gia nhập hệ thống trích dẫn có uy tín của khu
vực và thế giới.
Thực hiện phân bổ ngân sách chi sự nghiệp khoa học
công nghệ tương xứng với năng lực và kết quả hoạt động khoa học công nghệ của
các cơ sở giáo dục đại học.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học
và chuyển giao công nghệ, tập trung đẩy mạnh gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu,
phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học và tạo
ra tài sản trí tuệ. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục
vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp
và hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, khuyến khích thành lập
doanh nghiệp ứng dụng chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học trong các cơ sở
giáo dục đại học. Hình thành văn hóa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các
cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đại học; hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo,
phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.
Phát triển nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học
quản lý giáo dục; tập trung đầu tư nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động của
cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục quốc gia. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán
bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục. Tiếp tục triển khai Chương trình nghiên cứu
cấp quốc gia về khoa học giáo dục và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục ở
các cơ sở giáo dục và đào tạo.
10. Tăng cường hội nhập quốc tế
Chủ động mở rộng hợp tác song phương và đa phương;
thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN và các nước có nền giáo dục chất lượng hàng
đầu thế giới. Đẩy mạnh việc ký kết và triển khai hiệu quả các thỏa thuận, điều
ước quốc tế, trong đó ưu tiên thực hiện các cam kết quốc tế, khu vực về mục tiêu
phát triển giáo dục, chương trình, dự án và các chương trình học bổng hiệp định.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế giữa các cơ sở giáo dục của
Việt Nam và các đối tác có uy tín của nước ngoài; thực hiện tham chiếu Khung
trình độ quốc gia Việt Nam với các khung trình độ quốc gia các nước, các khu vực;
tham gia các cơ chế công nhận văn bằng, tín chỉ quốc tế và khu vực. Tham gia
các chương trình đánh giá, xếp hạng chất lượng giáo dục quốc tế đối với giáo dục
phổ thông và các bảng xếp hạng đại học quốc tế có uy tín.
Tăng cường trao đổi học sinh, sinh viên và giảng
viên; chia sẻ kinh nghiệm quản lý giáo dục và hợp tác nghiên cứu khoa học. Đẩy
mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam. Khuyến khích các
cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các trường,
viện nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để hình thành nhóm nghiên cứu quốc tế.
Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước
ngoài bằng ngân sách nhà nước, nhất là đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ và
chuyên gia các ngành kỹ thuật, công nghệ cao, các ngành trọng điểm mà Việt Nam
có nhu cầu.
Đẩy mạnh hợp tác và đầu tư với nước ngoài, phát triển
các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông chất lượng cao, các trường đại học theo
hiệp định hợp tác đã ký giữa Việt Nam và nước ngoài; thu hút các cơ sở giáo dục
đại học uy tín của nước ngoài mở phân hiệu tại Việt Nam.
Tăng cường đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra nước
ngoài; nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Chiến lược bao gồm:
- Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách
của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương.
- Nguồn vốn lồng ghép trong các chương trình mục
tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác.
- Nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ODA.
- Nguồn thu từ học phí; thu từ các hoạt động sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ; hoạt động liên doanh, liên kết; cho thuê tài sản công theo
quy định của pháp luật.
- Nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong
và ngoài nước.
- Nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
2. Các bộ, ngành và địa phương lập dự toán ngân
sách hàng năm để thực hiện Chiến lược và quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định
của pháp luật về ngân sách nhà nước.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì triển khai thực hiện Chiến lược phát triển
giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp với các bộ, ngành, cơ
quan có liên quan, các địa phương cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch,
đề án, dự án, nhiệm vụ 5 năm, hằng năm; xây dựng các cơ chế, chính sách, chương
trình, đề án, dự án về phát triển giáo dục theo phân cấp, trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt và tổ chức thực hiện.
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá
việc triển khai Chiến lược. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết
10 năm về tình hình thực hiện Chiến lược, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây
dựng cơ chế liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các cấp học khác trong hệ
thống giáo dục quốc dân; triển khai các quy định của Khung trình độ quốc gia Việt
Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục đại học; tổ chức thực hiện tham chiếu
các trình độ giáo dục đại học trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung
tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) và các khung trình độ quốc gia khác.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục
nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ,
ngành liên quan xây dựng cơ chế liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục
đại học và với các cấp học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và
các bộ, ngành có liên quan xây dựng Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia theo
quy định của pháp luật về việc làm đồng bộ, liên thông với khung trình độ quốc
gia đáp ứng yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp của thị trường lao động; tổ chức dự báo
và thông tin về nhu cầu nhân lực.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Hướng dẫn, tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền ưu
tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước kế hoạch trung hạn và hằng
năm cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để thực hiện các chương trình,
nhiệm vụ, dự án đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục và
đào tạo thực hiện mục tiêu, giải pháp của Chiến lược; tổng hợp, công khai số liệu
chi đầu tư cho giáo dục theo kế hoạch trung hạn và hằng năm theo quy định của
pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và quy định pháp luật khác có liên
quan.
4. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ
Giáo dục và Đào tạo và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương ưu tiên bố trí
ngân sách cho nhu cầu phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; bảo
đảm bố trí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo bảo đảm đạt tối thiểu
20% tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và
các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động khoa
học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học; nâng cao chất
lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam để gia nhập các hệ thống trích dẫn có
uy tín của khu vực và thế giới.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương
án phân bổ ngân sách chi sự nghiệp khoa học công nghệ tương xứng với năng lực
và kết quả hoạt động khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học.
6. Bộ Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo báo
cáo Trung ương ưu tiên bố trí, bổ sung biên chế ngành giáo dục sát với nhu cầu
của địa phương theo định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đáp ứng nhu cầu
phát triển giáo dục đến năm 2030.
- Phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế,
chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và
người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở
giáo dục Việt Nam.
7. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các
bộ, ngành địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các nhà trường được sử dụng
các công trình thể thao trên địa bàn phục vụ công tác giáo dục thể chất và hoạt
động thể thao trong nhà trường để bồi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam phát
triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ.
8. Bộ Y tế
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để kiện toàn và
nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học, đảm bảo việc bảo vệ và chăm sóc sức
khoẻ toàn diện cho trẻ em, học sinh để cải thiện, có kết quả rõ rệt trong việc
nâng cao thể lực, sức khỏe của con người Việt Nam thế hệ mới.
9. Bộ Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện
tuyên truyền về giáo dục. Tăng cường thời lượng, chất lượng tin bài tuyên truyền
về giáo dục và đào tạo. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế,
chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, bảo đảm an toàn thông tin trong ngành giáo dục,
nhất là tại các cơ sở giáo dục đào tạo.
10. Ủy ban Dân tộc
Tuyên truyền và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến
lược tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cụ thể hóa vào Chương
trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021-2030.
11. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh, Hội Khuyến học Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề
nghiệp có liên quan triển khai thực hiện Chiến lược này theo chức năng, nhiệm vụ
được giao.
12. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ và các cơ quan khác có liên quan
Xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động thực
hiện Chiến lược và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đề án được giao tại Phụ lục
kèm theo Chiến lược; đồng thời bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải
pháp, đề án theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước. Rà
soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền
sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm thúc
đẩy phát triển giáo dục. Tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các
chương trình, đề án, dự án, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
13. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương
Căn cứ theo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Cụ thể hóa và triển khai thực
hiện Chiến lược trên địa bàn, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
của địa phương; tăng cường công tác quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất cho phát triển
giáo dục và đào tạo theo quy định; bố trí đủ kinh phí thực hiện theo quy định của
pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo; chịu trách
nhiệm về kết quả thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự
án, đề án trong lĩnh vực giáo dục của địa phương.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, TCCV, QHĐP,
PL, TH;
- Lưu: VT, KGVX (2b), Sơn.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thành Long
|
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ VÀ ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT
TRIỂN GIÁO DỤC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Kèm theo Quyết định số: 1705/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng
Chính phủ)
TT
|
Nhiệm vụ, đề án
|
Cơ quan chủ trì
|
Cơ quan phối hợp
|
Thời gian trình
|
Cấp phê duyệt
|
1
|
Xây dựng Luật Học tập suốt đời
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2029
|
Quốc hội
|
2
|
Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2028
|
Quốc hội
|
3
|
Xây dựng Luật Giáo dục Đại học thay thế Luật Giáo
dục Đại học số 08/2012/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học số
34/2018/QH14
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2027
|
Quốc hội
|
4
|
Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục quốc phòng và an
ninh
|
Bộ Quốc phòng
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2025 - 2030
|
Quốc hội
|
5
|
Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu
giáo từ 3 đến 5 tuổi
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2025
|
Thủ tướng Chính phủ
|
6
|
Đề án đổi mới chương trình giáo dục mầm non
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2025
|
Thủ tướng Chính phủ
|
7
|
Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2026
- 2030, định hướng đến năm 2045
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2026
|
Thủ tướng Chính phủ
|
8
|
Đề án nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung
học cơ sở giai đoạn 2026 - 2030, định hướng đến năm 2045
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2026
|
Thủ tướng Chính phủ
|
9
|
Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản
lý cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2026 - 2035
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2026
|
Thủ tướng Chính phủ
|
10
|
Đề án đảm bảo điều kiện để thực hiện giáo dục tiểu
học là giáo dục bắt buộc theo Luật Giáo dục năm 2019
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2027
|
Thủ tướng Chính phủ
|
11
|
Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu
hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước
ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2026
|
Thủ tướng Chính phủ
|
12
|
Đề án nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của
Việt Nam để gia nhập các hệ thống trích dẫn có uy tín của khu vực và thế giới
|
Bộ Khoa học và
Công nghệ
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2026
|
Thủ tướng Chính phủ
|
13
|
Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và
chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2026 - 2030
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2026
|
Thủ tướng Chính phủ
|
14
|
Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp giai
đoạn 2026 - 2035
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2025
|
Thủ tướng Chính phủ
|
15
|
Đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên,
cán bộ quản lý giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2026 - 2035
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2025
|
Thủ tướng Chính phủ
|
16
|
Đề án đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT thí
điểm từ năm 2027 và triển khai đồng bộ sau năm 2030
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2026
|
Thủ tướng Chính phủ
|
17
|
Đề án xây dựng văn hóa học đường giai đoạn 2026 -
2035
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2026
|
Thủ tướng Chính phủ
|
18
|
Chương trình đầu tư công hiện đại hoá giáo dục đại
học
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2025
|
Chính phủ
|
19
|
Chương trình tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục
mầm non và phổ thông giai đoạn 2026 - 2035
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2025
|
Chính phủ
|
20
|
Đề án dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong
hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2026 - 2035, định hướng đến năm 2045
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2025
|
Thủ tướng Chính phủ
|
21
|
Đề án phát triển y tế học đường
|
Bộ Y tế
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2025
|
Thủ tướng Chính phủ
|
22
|
Đề án phát triển giáo dục thường xuyên đa dạng về
nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Các bộ ngành, cơ
quan liên quan
|
2026
|
Thủ tướng Chính phủ
|
23
|
Đề án tăng cường hoạt động nghiên cứu, phát triển
khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với hoạt động đào tạo trong cơ sở
giáo dục đại học
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Bộ, ngành, địa
phương
|
2027
|
Thủ tướng Chính phủ
|
24
|
Đề án phát triển và bảo tồn tiếng nói, chữ viết
các dân tộc giai đoạn 2030 - 2045
|
Bộ Giáo dục và Đào
tạo
|
Bộ, ngành, địa
phương
|
2029
|
Thủ tướng Chính phủ
|
Decision No. 1705/QD-TTg dated December 31, 2024 on approval of Education Development Strategy by 2030, orientation toward 2045
THE PRIME
MINISTER OF VIETNAM
--------
|
THE SOCIALIST
REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------
|
No: 1705/QD-TTg
|
Hanoi, December
31, 2024
|
DECISION APPROVAL OF
EDUCATION DEVELOPMENT STRATEGY BY 2030, ORIENTATION TOWARD 2045 THE PRIME MINISTER OF VIETNAM Pursuant to the Law on Organization of the
Government dated June 19, 2015; the Law on Amendments to the Law on
Organization of the Government and the Law on Organization of the Local
Government dated November 22, 2019; Pursuant to Law on Education dated June 14,
2019; Pursuant to the Law on Higher Education dated
June 18, 2012; Law on amendments to the Law on Higher Education dated November
19, 2018; Pursuant to Resolution No. 29-NQ/TW dated
November 04, 2013 of the 8th Conference of the 11th Central Executive Committee
on radical changes in education and training to meet the requirements of the
industrialization and modernization in a socialist-oriented market economy in
the course of the international integration; Pursuant to Conclusion No. 91-KL/TW dated August
12, 2024 of the Politburo on further implementation of Resolution No. 29-NQ/TW
dated November 4, 2013 of the 8th Conference of the 11th Central Executive
Committee on radical changes in education and training to meet the requirements
of the industrialization and modernization in a Socialist-oriented market
economy in the course of the international integration; ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. At the request of the Minister of Education and
Training. HEREBY DECIDES: Article 1. The Education Development Strategy BY
2030, orientation toward 2045 (hereinafter referred to as “Strategy") is
herein approved. The Strategy shall, inter alia, include the following
contents: I. VIEWPOINTS Continuing to adhere to the viewpoints and
directives of the Party and State on education development in line with
Resolution No. 29-NQ/TW dated November 04, 2013 of the 8th Conference of the
11th Central Executive Committee on radical changes in education and training
to meet the requirements of the industrialization and modernization in a
socialist-oriented market economy in the course of the international
integration, Resolution of the 13th National Congress of the Communist Party of
Vietnam, the 10-year socio-economic development strategy 2021-2030, and
Conclusion No. 91-KL/TW dated August 12, of the Politburo on further
implementation of Resolution No. 29-NQ/TW dated November 4, 2013 of the 8th
Conference of the 11th Central Executive Committee on radical changes in
education and training to meet the requirements of the industrialization and
modernization in a Socialist-oriented market economy in the course of the
international integration. Emphasizing and focusing on the following viewpoints: 1. Education and training development is a top
national policy, playing a pivotal role as a driving force for national
development. Investment in education and training is investing in
development and should be prioritized in socio-economic development investment
programs and plans. The state prioritizes investment and attracts other
resources, creating conditions for the whole society to participate and
contribute to the development of education. 2. Further radical changes in education and
training. Continuing to strongly shift the educational process from
mainly equipping knowledge to comprehensively developing learners' capacity and
qualities, especially their capacity for innovation and creativity. Effectively
implementing the principle of learning with practice, linking theory and
practice, linking school education and family and social education. 3. Education and training are for people and their
happiness, maximizing human factors, considering humans as the center,
subjects, objectives, driving forces, and resources for development, laying the
foundation for achieving the objectives of a prosperous people, a strong
country, democracy, fairness, civilization, and a prosperous and happy nation. 4. Promoting the development of a learning society,
enable access of all citizens to continuous learning and lifelong education.
Developing education, ensuring balance in quantity and quality, and rational
structure of educational levels and occupations. ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. II. OBJECTIVES OF
EDUCATION DEVELOPMENT BY 2030, ORIENTATION TOWARD 2045 1. General objectives Developing a modern education in Vietnam ,
inheriting and promoting the nation's fine traditions, absorbing human
civilization, comprehensively developing Vietnamese people, satisfying the
requirements of socio-economic development in the new era, proactively
participating in and adapting to the Fourth Industrial Revolution and the
latest advances in science and technology; focusing on moral and personality
education, maximizing the potential and creativity of each individual, creating
the foundation for realizing the objectives of a prosperous people, a strong
country, democracy, fairness, civilization, a prosperous and happy country.
Developing an open education system, ensuring fairness and equality in access
to education, serving lifelong learning, towards standardization,
modernization, democratization, socialization, and international integration.
By 2030, Vietnam's education system aims to reach an advanced level in the
Asian region, and by 2045, to achieve an advanced level globally. 2. Specific objectives by 2030 a) Preschool education Continue to maintain, strengthen, and improve the
quality of universalization of preschool education for 5-year-old children;
strive to complete universalization of preschool education for preschool
children. Archive the enrollment rate of 38% for children of nursery school age
and 97% for preschool-age children. Strive to have 99.5% of preschool children attend
school for 2 shifts per day. Improve the quality of nurturing, care, and
education, ensuring that children develop comprehensively in physical,
emotional, intellectual, aesthetic aspects, and are prepared for Grade 1. Ensure that 100% of preschool teachers meet the
standard educational qualifications as regulated by the Education Law. Strive to have 30% of schools as people-founded and
private preschools and 35% of children attend in such institutions. ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. b) General education Maintain solid results in universalization of
primary and lower secondary education; aim to have 75% of provinces and
centrally affiliated cities met the standard of primary educational
universalization at level 3, 40% of provinces and centrally affiliated cities
met the standard of lower secondary educational universalization at level 3,
and 60% of provinces and centrally affiliated cities met the standard of lower
secondary educational universalization at level 2. Ensure that the rate of attending school at the
right age is 99.5% for primary level, and 97% for lower secondary school; the
rate of completing education programs is 99,7% for primary level, 99% for lower
secondary level, and 95% for upper secondary level; the rate of
transferring from primary school to lower secondary school is 99,5%, from lower
secondary school to upper secondary school and other levels is 95%; 100% of
primary school students study 2 shifts/day. Ensure that 100% of general education teachers meet
the standard educational qualifications as regulated by the Education Law. Strive to have 5% of general educational
institutions be private institutions and 5,5% of students attend such
institutions. Strive to ensure that 100% of primary, lower
secondary, upper secondary schools have solid classrooms; 70% of primary
schools, 75% of lower secondary schools and 55% of upper secondary schools meet
the national standards. c) Higher education Have the number of university students per 10,000
people be at least 260, with at least 33% falling within the 18-22 age group,
and the proportion of international students enrolled in university programs in
Vietnam reach 1,5%; 40% of lecturers hold a doctoral degree. Change the structure of education levels and academic
disciplines to meet the needs of intellectual economic growth and deep global
integration; have 35% of disciplines to be in STEM fields. ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. Strive to have 100% of educational institutions
meet quality standards through appropriate accreditation cycles. Have the average number of scientific publications
and applied science and technology projects per full-time lecturer reach 0,6
per year. Have at least 5 higher education institutions
ranked among the top 500 universities globally, with 5 institutions in the top
200 universities in Asia; Vietnam to be among the top 4 countries with the best
higher education systems in Southeast Asia and the top 10 in Asia. d) Continuing education Strive for a literacy rate of 99.15% among
individuals aged 15-60; with a rate of 98.85% in extremely disadvantaged areas
and ethnic minority areas. Have 90% of provinces meeting the illiteracy
eradication standard at level 2. Implement the model of learning city nationwide;
have at least 50% of districts/communes/district-level towns/provincial cities
and centrally affiliated cities recognized as learning districts/cities, and
35% of provinces and centrally affiliated cities recognized as learning
provinces and cities. Aim to have 10 administrative units participating in
UNESCO Global Network of Learning Cities by 2030. III. TASKS, SOLUTIONS 1. Completing the
constitution Review and improve the legal system, mechanisms,
and policies on education, training, and related sectors towards scientific,
modern, coherent, interconnected direction, in line with the international
integration process and the reality in our country, creating a legal corridor
for the development of education and training. To be specific: ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. Complete investment mechanisms and policies for
education and training with the State playing a leading role, while promoting
the socialization of education, mobilizing effective participation of the
entire society in the cause of education and training; ensure the coherence of
related legislative documents, especially regarding investment, finance, public
property, state budget, and recruitment, use, and management of public
employees in public educational institutions; review and improve preferential
policies on land, credit, and tax for all educational institutions; create a
driving force to promote cooperation and fair competition in the network of
public and private educational institutions, and encourage the private sector
to invest in educational development. Issue a new preschool education program with
advanced content and methods, in line with practical conditions; improve the
quality of implementing the new general education program; focus on developing
continuing education programs to improve the quality of education meeting
learners' needs, self-learning capabilities, and creativity; develop and issue
training program standards for fields and groups of fields in line with
international standards and practices and in accordance with the Vietnamese
Qualifications Framework, the Quality Assurance Framework for Higher Education,
and Pedagogical Colleges. Further improve regulations on transferability
among education and training levels, facilitating learners to improve their
qualifications and change professions; improve the Vietnamese Qualifications
Framework and the structure of the national education system, enhancing
international transferability and compatibility. Complete regulations on university autonomy in line
with global trends. Complete regulations related to science and technology,
innovation in higher education institutions towards facilitating and removing
bottlenecks and barriers, considering the specificities of delays and risks in
scientific research and innovation; improve preferential, incentive mechanisms
and policies to commercialize research results and research cooperation,
implementation between higher education institutions and businesses. Research
and develop a legal corridor for artificial intelligence (AI) in education and
training. Establish breakthrough mechanisms and policies to
attract and use foreign experts, scientists, and overseas Vietnamese to teach,
research, and work at Vietnamese higher education institutions; intensify
attracting international students in Vietnam. Further innovate and complete mechanisms, policies
on salary, recruitment, use, management, benefits, attraction, and appreciation
of talented teachers and education managers. Research, develop timely
incentives for teaching staff and educational managers working in mountainous
areas, areas with extremely disadvantaged socio-economic conditions, coastal
areas, islands, especially female staff from ethnic minority groups; have
incentive, preferential policies for teachers working in specialized
educational institutions. 2. Innovating education
management and school administration Further innovate state management in education;
innovate the management system towards enhancing effectiveness, ensuring
systematic, coherent, interconnected management from central to local levels
and educational institutions, within the national education system from
preschool education, general education to continuing education, vocational
education, and higher education; implement administrative procedures through
online public services. Complete the organizational structure, functions, and
tasks of education regulatory authority at all levels; enhancing enforcement
capacity; promoting decentralization, delegation of authority; strengthen the
role of state education regulatory authority in deciding on payroll,
organizational structure, policies for teachers, and allocating state budgets
for the education sector. Further innovate the educational institution
administration mechanism in a scientific and modern direction aligned with the
international integration process and the reality in our country; increase
autonomy and self-responsibility associated with enhancing accountability and
promoting democracy in educational institutions; ensure the participation of
students, families, and society in the oversight of educational institutions;
promote digital transformation, AI application in education management and
school administration. Develop a healthy cultural and educational environment
that meets the needs of families and society. Further promote university
autonomy and innovate educational institution administration mechanisms with
modern approaches in line with global trends. Hold the position of Party
Secretary concurrently with Chairman of the School Council and Council of
Public Universities; at the same time, clarify the functions, tasks, and
relationship between the President of the School Council and the Principal to
have regulations suitable to reality, taking into account the characteristics
of Military and Police schools. Conducting a comprehensive assessment of the
restructuring and merging of continuing education centers and vocational -
continuing education centers nationwide to develop appropriate solutions,
enable management, and develop this system in the future. ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. Strengthen and improve the quality, effectiveness,
and efficiency of inspection and supervision in education; correctly and fully
implementing the duties, powers regarding inspection work of ministries,
ministerial agencies, local authorities, state regulatory authority in
education, educational institutions, ensuring democracy, transparency, and openness.
Improve the capacity of the education inspection team to contribute to
improving the quality of inspection and supervision work for organizations and
individuals operating in the field of education and training. 3. Ensuring equity in access
to education Implement fairness and equality in access to
quality education that meets the learning needs of the people, especially those
in ethnic minority and mountainous areas, areas with extremely disadvantaged
socio-economic conditions, coastal areas, islands, densely populated urban
areas, industrial parks, export processing zones, and vulnerable groups such as
orphans, homeless children, persons with disabilities, those from poor
households, near-poverty households, women and girls, and other vulnerable individuals.
Intensify the teaching of spoken and written languages of ethnic minorities,
preserve and promote the linguistic and cultural values of various ethnic
groups, intensify Vietnamese language preparation for children from ethnic
minorities based on their mother tongue. Have policies to support children under 36 months
to attend preschool, especially in areas with extremely disadvantaged
socio-economic conditions, industrial parks, export processing zones, densely
populated urban areas. Improve the effectiveness of literacy programs, aiming
to eradicate illiteracy. Further improve policies to assist learners who are
social policy beneficiaries, ethnic minorities in areas with extremely
disadvantaged socio-economic conditions, orphans, homeless children, persons
with disabilities, those from poor and near-poverty households; education
credit policies, scholarships, social allowances for students; fee waivers,
reductions, and support for tuition fees and living expenses, creating equal
learning opportunities for all; policies for students under admission by form
of nomination, students from pre-university schools, and student from ethnic
minority with sparse population. Ensure the right to access quality education for
persons with disabilities. Further implement in an effective manner three
education methods for persons with disabilities: inclusive education,
semi-inclusive education, and specialized education, with a special focus on
inclusive education. Strengthen and develop ethnic boarding schools,
ethnic semi-boarding schools, pre-university school systems to maintain the
results of universal education and provide high-quality human resources for
ethnic minority and mountainous areas, areas with extremely disadvantaged
socio-economic conditions. 4. Developing an education
network to meet the learning needs of the people Develop an open, flexible and diversified education
system with training models, educational programs, learning methods, technology
applications, and digital transformation in education to suit all learners,
promote lifelong learning, and build a learning society. Linking general
education with vocational education and higher education. ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. Review and reorganize the network of continuing
education institutions towards open, flexible, and efficient education to meet
the lifelong learning needs of all citizens, building a learning society. Effectively implement the Planning for the network
of higher education and pedagogy institutions for the period 2021-2030,
orientation toward 2050, to better meet the public's increasing demand for
higher education and the requirements for high-quality human resources equipped
with scientific, technological skills, and innovative thinking. Leverage the
strengths of Military and Police educational institutions in civilian training
for dual-use sectors appropriately to efficiently use resources and meet the
country's socio-economic development needs. Effectively implement the Planning for specialized
education system for persons with disabilities and the development support
centers for inclusive education for the 2021-2030 period, orientation toward
2050, ensure sufficient capacity, scale to meet the needs of access and
enjoyment of quality education services for persons with disabilities. Review, prioritize the allocation of sufficient
land funds to build preschools, general education institutions, vocational
education institutions, and higher educational institutions; develop
infrastructure to expand development space; and implement plans to relocate
higher education institutions from urban areas to suburban areas of major
cities. 5. Innovating content,
teaching methods, testing and educational quality assessment Innovate the Preschool Education Program to ensure
consistency in content and methods, embrace advanced trends in program
development, align with the practical situation, and integrate with innovations
in general education; intensify the management of program implementation in
people-founded and private preschools; provide professional support for
independent children's groups, kindergarten classes, and preschool classes;
prepare the necessary conditions such as personnel, facilities, teaching
materials, toys, educational materials, and teaching equipment to implement the
new preschool education program effectively. Effectively implement the comprehensive general
education program aimed at the holistic development of each individual
learner's qualities and capabilities; promote integrated Science, Technology,
Engineering, Mathematics (STEM) education methods and scientific research in
general education schools; improve self-learning abilities, lifelong learning
awareness, and the ability to choose careers that suit one's capabilities,
interests, and circumstances. Effectively organizing career orientation and
student streamlining; encourage vocational education institutions, enterprises
to participate in developing career orientation programs, materials, and
assessing the results of career orientation in general education schools and
continuing education centers. Intensify the integration of entrepreneurship
education into subjects and educational activities. Researching and establish a
skill development framework to foster and encourage entrepreneurial spirit and
innovation among general education school students. Innovate the literacy program and continuing
education program at lower and upper secondary education levels in accordance
with the general education program. ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. Review, assess, and update training programs to
encourage integrating entrepreneurial spirit and entrepreneurship training
content to ensure relevance to practical needs and meet requirements of
enterprises. Improve the quality of political ideology education, national
defense and security education, develop solid political awareness,
consciousness, and responsibility for the tasks of nation-building and defense
among students. Innovate content, methods, and formats to organize to
activities to educate revolutionary ideals, ethics, lifestyle, disseminate
legal knowledge, and life skills; career orientation, activities to equip
students with vocational knowledge, entrepreneurial skills, innovation and
creativity. Intensify physical education, sports activities, build safe
schools, build safe schools, protect and care for children and students' health
comprehensively, both physically and mentally. Establish criteria and
requirements for assessing students' positive and proactive engagement in
educational activities. Innovate student assessment towards developing
qualities and abilities; promote a harmonious and happy learning environment,
reduce learning pressure, maximize student potential, and encourage learning
based on passion and interests. Complete assessment methods, adopt good
international practices, efficiently use information technology, and improve
result analysis to aid teaching and education management. Promote quality
assurance and accreditation of educational institutions; accredit the quality
of university-level training programs. Effectively implement national-level
comprehensive assessment cycles to periodically provide objective, reliable
information on the quality of general education, serving as the basis for
proposing innovative policies and solutions to meet the requirements of
implementing the General Education Program 2018, improving the quality of
general education and international integration. Encourage organizations, individuals,
and employers to participate in developing, adjusting, implementing training
programs, and assessing students' competencies. Improve the quality of teaching and learning of
foreign languages at all levels of education and training; gradually introduce
English as the second language in schools; prioritize investment in English
training and development for teacher training colleges and teacher training
programs; teach foreign languages according to graduation standards, meeting
labor market requirements in higher education programs; encourage teaching some
subjects in foreign languages in general education and some university majors
in foreign languages; ensure an adequate number of qualified language teachers;
promote the application of technology and international cooperation in foreign
language teaching and learning. Develop and implement the National Foreign
Language Scheme in the new period. Establish and implement procedures for early
detection, nurturing, and guiding the development of talents and aptitudes in
students, especially in subjects and STEM fields; prioritize selection of and
scholarships for outstanding individuals to study abroad through scholarship
programs using the state budget, which is in line with national human resource development
objectives. Researching the application of artificial
intelligence in innovating the content, teaching methods, assessment, and
evaluation of education quality. 6. Developing the teachers and
education managers Develop a workforce of teachers, education
managers, and education employees with sufficient numbers, ensuring quality,
rationality, and consistency in team structure, meeting professional standards. Develop a teacher training system within the
network of higher education institutions, establish some key pedagogical
schools. Implement training aligned with needs to ensure the appropriate
structure, quantity, and quality of teachers in preschool, primary, and
continuous education to meet the requirements of educational innovation;
innovate teacher training models and methods, integrate teacher training at
pedagogical institutions with practical activities in schools; train teachers
through ordering mechanism; arrange, assign and use the existing teacher
workforce effectively; innovate recruitment mechanisms and teacher use to
ensure that preschools, primary schools, and continuous education institution
have the allocated teacher ratios as per regulations of the Ministry of
Education and Training, ensure effective implementation of the new preschool
education program, the General Education Program 2018, and the continuous
education program. Further implement programs to train university
lecturers with doctoral degrees, apply ordering methods, and output-based
mechanisms for reputable doctoral training institutions. ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. Innovate and complete mechanisms and policies for
recruitment, management, use, treatment and promotion of talents, ensuring
necessary material and spiritual condition for teachers education managers, and
education employees to effectively fulfill their roles and responsibilities,
work with peace of mind and dedication; simultaneously attract talented individuals
to the education sector and motivate the development of teachers, education
managers, and education employees; research, develop, and nurture high-quality
human resources for education and training at all levels linked with improving
the policies and mechanisms for developing the workforce. Provide incentive and
preferential policies for teachers, education managers, and education employees
working in remote mountainous areas, areas with extremely disadvantaged
socio-economic conditions, coastal areas, and islands; especially for teachers,
education manager who are female, ethnic minorities, and teachers working in
specialized educational institutions. Implementing the guideline of placing
teachers' salaries as the highest priority in the public sector salary scale
system and provide them with additional allowances depending on the nature of
the job and the region. 7. Ensuring financial
resources and facilities for educational development Allocate state budget for education and training to
ensure a minimum of 20% of the total state budget expenditure as required and
efficiently manage financial resources for education and training development.
Timely adjust the budget allocation for education and training in line with
economic growth. The state budget ensures funding for compulsory education,
universal education, and free education for 5-year-old preschool children,
literacy eradication, and student classification in general education, key
tasks, target programs, key industries; prioritize investment in ethnic
minority and mountainous regions, areas with extremely disadvantaged
socio-economic conditions. Research resource allocation mechanisms towards
transitioning from equal distribution mechanism to a state-contracted,
task-based or bidding mechanism for provision of education services by output
results. Implement an ordering or bidding mechanism based on a system of
economic - technical norms and quality standards for a number of types of
training services. Advance equality in the right to receive state support for
students in public and private schools. Promote socialization, encourage
community and social participation in education development, especially
investing in the development of high-quality private educational institutions
that meet social needs, particularly high-quality non-profit private
institutions. Intensify mobilization and attraction of domestic
and foreign resources for education development. Encourage the formation of
scholarship funds, learning encouragement funds, talent encouragement funds, to
help poor students achieve good academic results. Develop joint ventures,
partnerships with domestic and international partners to enhance the quality of
education and promote scientific research and research results transfer. Develop and implement programs to improve the
facilities for preschool and general education to ensure minimum requirements
for program implementation. Additionally, integrate objectives to improve
school facilities into national target programs. Further invest in building
preschools and general education schools that meet national standards. Diversify investment sources from the state budget,
official development assistance (ODA), concessional loans, non-refundable aid,
investment capital, and donation from organizations, individuals, and other
legal financial sources; allocate and use public investment source efficiently
to attract social resources for investment in educational institutions.
Increase investment resources for higher education development commensurate with
the role of higher education, especially for high-quality human resource
training, key sectors, and the high-technology sector. Establish breakthrough mechanisms, policies, and
prioritize allocation of resources to develop national universities, regional universities,
outstanding universities in accordance with international agreements, key
educational institutions, and pedagogical universities comparable to advanced
countries, with sufficient capacity and conditions to maintain a core role in
education and scientific research. Develop and implement a modern public
investment program to modernize higher education in line with the network
planning of universities, pedagogical institutions, and vocational education
institutions for the 2021-2030 period, orientation toward 2050 to make a
breakthrough in developing high-quality human resources; ensure adequate
resources to implement planning and schemes for training high-quality human
resources to serve the development of important economic sectors and high-tech sectors
approved by the Prime Minister. 8. Intensifying technology
application and digital transformation in education ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. Develop and leverage open educational resources to
provide lifelong learning opportunities for the public. Develop a shared
digital learning resource pool across the sector. Promote online training
following international standards. Encourage the development and use of big
data, apply artificial intelligence in education and training. Research, pilot,
and implement new school models such as virtual schools, smart schools; focus
on implementing online higher education models to develop and improve the
quality of human resources to meet digital transformation requirements. Develop a digital higher education network based on
digital transformation, apply digital technology in the organization and
operation of each institution and the entire higher education system; connect
the network of higher education institutions with online platforms to
efficiently share and use higher education resources and services; transform
the operation model of some universities or training units of higher education
institutions into virtual universities, virtual training centers. Increase the
scale, improve the quality and efficiency of digital higher education; form a
network of higher education institutions by key sectors on the national digital
higher education system. Ensure conditions of human resources and digital
infrastructure, connectivity, bandwidth, integrated data sharing platforms,
information security, prioritize support for educational institutions in ethnic
minority areas, mountainous regions, and areas with extremely disadvantaged
socio-economic conditions; enhancing cooperation with enterprises,
organizations, and individuals in research collaboration, application
deployment, and attract investment to build information technology systems,
digital transformation in the education sector. 9. Promoting scientific
research and innovative creativity in higher education institutions Invest in improving the research potential and
innovative creativity in higher education institutions; prioritize investment
in the development of basic sciences, cutting-edge sciences, new technologies,
and research applications in advantageous fields of Vietnam; develop some
higher education institutions into hubs to drive a network of excellent
technology-focused training centers prioritizing Industry 4.0 technologies.
Strengthen scientific publications, encourage publishing and disseminating
research works in reputable domestic and international journals, and ensure
academic integrity. Improve the quality of scientific journals of higher
education institutions to join reputable citation systems in the region and
globally. Allocate budget funds for science and technology
commensurate with the capacity and results of scientific and technological
activities of higher education institutions. Improve the quality and efficiency of scientific
research and technology transfer; focus on strengthening the connection between
education and research, scientific development, and innovative creativity,
particularly in postgraduate education and intellectual property creation.
Intensify research on application and transfer of technology to serve
socio-economic development. Promote innovation, entrepreneurship, and
cooperation between higher education institutions and enterprises, encourage
the establishment of enterprises to apply research results in higher education
institutions. Form a culture of entrepreneurship and innovation in educational
institutions from general to higher education; form an innovation network,
develop a creative entrepreneurship ecosystem in higher education institutions. Develop educational research and educational
management science; focus on investing in improving the capacity and
effectiveness of the national educational research agency. Improve the quality
of research staff and educational experts. Further implement the national
research program on educational science and improve educational research in
educational and training institutions. 10. Intensifying
international integration ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. Promote international cooperation between
Vietnamese educational institutions and prestigious foreign partners; refer the
Vietnamese National Qualifications Framework to national qualification
frameworks of other countries and regions; participate in international and
regional diploma/degree and credit recognition mechanisms. Participate in
international education quality assessment and ranking programs for general
education and prestigious international university rankings. Intensify student, lecturer exchange; share
educational management experiences and scientific research collaboration.
Promote attracting international students to study in Vietnam. Encourage
Vietnamese higher education institutions to cooperate in training and research
with high-quality international schools and research institutes to form international
research groups. Continuing to train high-quality human resources
abroad using the state budget, especially training doctoral-level lecturers and
experts in engineering, high technology, and key sectors that are in demand in
Vietnam. Promote cooperation and investment with foreign
countries, develop high-quality preschools and general education schools,
universities under cooperation agreements between Vietnam and foreign
countries; attract reputable foreign higher education institutions to establish
campuses in Vietnam. Intensify the promotion of Vietnamese language and
culture abroad; improve the quality of Vietnamese language teaching for
foreigners in Vietnam. IV. IMPLEMENTATION
BUDGET 1. Implementation budget for the Strategy includes: - State budget allocated in the budget estimates of
ministries, central and local authorities. - Integrated capital sources in national target
programs, programs, plans, and other projects. ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. - Revenue from tuition fees; revenue from
production, business, services activities; joint ventures, partnerships;
leasing of public property as regulated by law. - Capital rose from domestic and foreign
organizations, individuals. - Other financial sources as stipulated by law. 2. Ministries, central and local authorities shall
prepare annual budget estimates to implement the Strategy and manage and use
funds in accordance with the laws on state budget. V. ORGANIZATION 1. The Ministry of Education and Training shall - Take charge in implementing the Education
Development Strategy until 2030, orientation toward 2045; Cooperate with
relevant ministries, central authorities, agencies, and local authorities to
specify programs, plans, schemes, projects and tasks for 5 years and annually;
develop mechanisms, policies, programs, schemes, projects, and plans on
educational development according to decentralization, submit to competent
authorities for approval, implementation. - Provide guidance, inspect, urge, monitor, assess
the implementation of the Strategy. Take charge and cooperate with relevant
agencies in reviewing 10-year implementation result of the Strategy and report
to the Prime Minister. - Take charge and cooperate with relevant
ministries in establishing an interlinked mechanism between vocational
education and other levels within the national education system; implement the
regulations of the Vietnamese Qualifications Framework for higher education
levels; organize the implementation of referencing levels of higher educational
within the Vietnamese Qualifications Framework to the ASEAN Qualifications
Reference Framework (AQRF) and other national qualification frameworks. ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. - Take charge in implementing the Vocational
Education Development Strategy for the 2021 – 2030 period, orientation toward
2045. - Cooperate with the Ministry of Education and
Training and relevant ministries in building an interlinked mechanism between
vocational education and higher education and other levels within the national
education system. - Take charge, cooperate with the Ministry of
Education and Training and related ministries in developing the National
occupation skill qualification framework as per laws on employment in sync with
the National qualifications framework to meet the vocational skills
requirements of the labor market; organize forecasting and information on human
resource needs. 3. The Ministry of Planning and Investment shall Provide guidance, review, advise competent
authorities to prioritize the allocation of public investment capital from the
state budget in the medium-term and annual plans for ministries, central and
local authorities to ensure facilities, equipment for education and training to
achieve the objectives and solutions of the Strategy; review, publicly disclose
data on investment expenditure for education according to the medium-term and
annual plans in accordance with the law on public investment, state
budget, and other relevant laws. 4. The Ministry of Finance shall Take charge and cooperate with the Ministry of
Planning and Investment, the Ministry of Education and Training and other
ministries, central and local authorities in prioritizing budget allocation for
educational development until 2030, orientation toward 2045, in accordance with
the law on the state budget and relevant laws; ensure that the state budget
allocation for education and training ensures at least 20% of total state
budget expenditure as prescribed. 5. The Ministry of Science and Technology shall - Take charge and cooperate with the Ministry of
Education and Training and other ministries, central and local authorities in
developing mechanisms and policies to promote scientific and technological
activities and innovation of higher education institutions; improve the quality
of Vietnamese scientific journals to join reputable citation systems in the
region and globally. ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. 6. The Ministry of Home Affairs shall - Take charge and cooperate with the Ministry of
Education and Training in reporting to the Central Government on prioritizing
the arrangement and supplementing of staff in the education sector to meet
local needs according to the norms prescribed by the Ministry of Education and
Training, meeting the needs of educational development by 2030. - Cooperate with the Ministry of Education and
Training in establishing breakthrough mechanisms and policies to attract and
use foreign experts, scientists, and Vietnamese people residing abroad to
teach, research, and work at educational institutions in Vietnam. 7. The Ministry of Culture, Sports and Tourism
shall Take charge and cooperate with the Ministry of
Education and Training and ministries and central and local authorities in
guiding and enabling access to local sports facilities to serve physical
education and sports activities in schools to nurture and build Vietnamese
people to develop comprehensively in morality, intelligence, physique, and
aesthetics. 8. The Ministry of Health shall Take charge and coordinate with ministries and
central authorities in enhancing and improving the capacity of the school
health system, ensuring comprehensive health protection and care for children
and students to improve and achieve clear results in improving the physical
strength and health of the new generation of Vietnamese people. 9. The Ministry of Information and Communications
shall Instruct press and media agencies to carry out
propaganda on education. Increase the duration and quality of news and articles
about education and training. Cooperate with the Ministry of Education and
Training in developing mechanisms and policies to promote digital
transformation and ensure information security in the education sector,
especially at educational and training institutions. ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. Propagate, inspect and supervise the implementation
of the Strategy in ethnic minority and mountainous areas, specify it in the
socio-economic development target program for ethnic minority and mountainous
areas period 2021-2030. 11. 11. The Central Committee of the Ho Chi Minh
Communist Youth Union, the Vietnam Association for Promoting Education, and
relevant socio-political and socio-professional organizations shall implement
this Strategy within their jurisdiction. 12. Ministries, ministerial agencies, government
agencies, and other relevant agencies shall Develop programs, action plans to implement the
Strategy and organize the implementation of tasks, projects assigned in the
Appendix attached to the Strategy; allocate funds to carry out tasks, solutions,
projects as per laws on state budget decentralization. Review, amend,
supplement, issue by their authority, or advise competent authorities to amend
and issue new regulations related to the responsibility to promote educational
development. Propagate, inspect and supervise the implementation of programs,
schemes and projects in education and training. 13. People's Committees of provinces and centrally
affiliated cities shall Pursuant to the Education Development Strategy to
2030, orientation toward 2045, People's Committees of provinces and centrally
affiliated cities shall develop implementation plans. Specify and implement the
Strategy in the local areas, in line with the local socio-economic development
plan; intensify planning work, arrange sufficient land fund for education and
training development in accordance with law; arrange sufficient funding for
implementation in accordance with law on state budget decentralization for
education and training; take responsibility for the results of implementing
strategies, plans, programs, projects, and proposals in education in the local
areas. Article 2. This Decision comes into force from
the day which it is signed. Article 3. Ministers, Heads of ministerial
agencies, Heads of Government agencies, Chairmen of People's Committees of
provinces and centrally affiliated cities are responsible for implementing this
Decision. ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. PP. PRIME
MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER
Le Thanh Long APPENDIX LIST OF TASKS AND
SCHEMES FOR IMPLEMEMENTATION OF EDUCATION DEVELOPMENT STRATEGY TILL 2030,
ORIENTATION TOWARD 2045
(Attached to Decision No: 1705/QD-TTg dated December 31, 2024 of the Prime
Minister) No. Tasks, schemes Presiding
agencies Cooperating
agencies Submission time ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. 1 Formulation of Law on Lifelong Learning The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2029 National Assembly 2 Amendments to Law on Education The Ministry of
Education and Training ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. 2028 National Assembly 3 Formulation of the Law on Higher Education
replacing the Law on Higher Education No. 08/2012/QH13 and the Law amending
the Law on Higher Education No. 34/2018/QH14 The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2027 National Assembly 4 ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. The Ministry of
National Defense Relevant
ministries and agencies 2025 - 2030 National Assembly 5 Scheme for universalizing preschool education for
children from 3 to 5 years old The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2025 ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. 6 Scheme for innovating preschool education program The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2025 Prime Minister 7 Scheme for preschool education development for
the period 2026 - 2030, orientation toward 2045 The Ministry of
Education and Training ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. 2026 Prime Minister 8 Scheme for improving the quality of universal
lower secondary education for the period 2026 - 2030, orientation toward 2045 The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2026 Prime Minister 9 ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2026 Prime Minister 10 Scheme for ensuring conditions for implementing
primary education as compulsory education according to the Law on Education
2019 The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2027 ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. 11 Scheme for developing breakthrough mechanisms and
policies to attract and use foreign experts, scientists, and overseas
Vietnamese to teach, research, and work at Vietnamese educational
institutions. The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2026 Prime Minister 12 Scheme for improving the quality of scientific
journals of Vietnam to join reputable citation systems in the region and
globally. The Ministry of
Science and Technology ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. 2026 Prime Minister 13 Scheme for intensifying the application of
information technology and digital transformation in education and training
for the 2026 – 2030 period The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2026 Prime Minister 14 ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2025 Prime Minister 15 Scheme for providing training and refresher
training for teachers, lecturers, and education managers in national defense
and security education for the period 2026 - 2035 The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2025 ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. 16 Schemes for innovating the form of high school
graduation exams, which will be piloted from 2027 and implemented
synchronously after 2030 The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2026 Prime Minister 17 Scheme for developing school culture for the 2026
– 2035 period The Ministry of
Education and Training ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. 2026 Prime Minister 18 Program for public investment in modernizing
higher education The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2025 Government 19 ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2025 Government 20 Scheme for teaching and learning foreign
languages, especially English in the national education system for the 2026 –
2035 period, orientation toward 2045 The Ministry of
Education and Training Relevant
ministries and agencies 2025 ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. 21 School health development Scheme The Ministry of
Health Relevant
ministries and agencies 2025 Prime Minister 22 Scheme for developing continuing education with
diverse content and form, meeting people's lifelong learning needs The Ministry of
Education and Training ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. 2026 Prime Minister 23 Scheme for intensifying research, development of
science, technology and innovation associated with training activities in
higher education institutions The Ministry of
Education and Training Ministries,
central and local authorities 2027 Prime Minister 24 ... ... ... Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh. The Ministry of
Education and Training Ministries,
central and local authorities 2029 Prime Minister
Decision No. 1705/QD-TTg dated December 31, 2024 on approval of Education Development Strategy by 2030, orientation toward 2045
26
|
NỘI DUNG SỬA ĐỔI, HƯỚNG DẪN
Văn bản bị thay thế
Văn bản thay thế
Chú thích
Chú thích:
Rà chuột vào nội dụng văn bản để sử dụng.
<Nội dung> = Nội dung hai
văn bản đều có;
<Nội dung> =
Nội dung văn bản cũ có, văn bản mới không có;
<Nội dung> = Nội dung văn
bản cũ không có, văn bản mới có;
<Nội dung> = Nội dung được sửa đổi, bổ
sung.
Click trái để xem cụ thể từng nội dung cần so sánh
và cố định bảng so sánh.
Click phải để xem những nội dung sửa đổi, bổ sung.
Double click để xem tất cả nội dung không có thay
thế tương ứng.
Tắt so sánh [X] để
trở về trạng thái rà chuột ban đầu.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
FILE ATTACHED TO DOCUMENT
|
|
|
Địa chỉ:
|
17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
|
Điện thoại:
|
(028) 3930 3279 (06 lines)
|
E-mail:
|
inf[email protected]
|
Mã số thuế:
|
0315459414
|
|
|
TP. HCM, ngày 31/05/2021
Thưa Quý khách,
Đúng 14 tháng trước, ngày 31/3/2020, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã bật Thông báo này, và nay 31/5/2021 xin bật lại.
Hơn 1 năm qua, dù nhiều khó khăn, chúng ta cũng đã đánh thắng Covid 19 trong 3 trận đầu. Trận 4 này, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chắc chắn chúng ta lại thắng.
Là sản phẩm online, nên 250 nhân sự chúng tôi vừa làm việc tại trụ sở, vừa làm việc từ xa qua Internet ngay từ đầu tháng 5/2021.
Sứ mệnh của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT là:
sử dụng công nghệ cao để tổ chức lại hệ thống văn bản pháp luật,
và kết nối cộng đồng Dân Luật Việt Nam,
nhằm:
Giúp công chúng “…loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu…”,
và cùng công chúng xây dựng, thụ hưởng một xã hội pháp quyền trong tương lai gần;
Chúng tôi cam kết dịch vụ sẽ được cung ứng bình thường trong mọi tình huống.
THÔNG BÁO
về Lưu trữ, Sử dụng Thông tin Khách hàng
Kính gửi: Quý Thành viên,
Nghị định 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân (hiệu lực từ ngày 01/07/2023) yêu cầu xác nhận sự đồng ý của thành viên khi thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin mà quý khách đã cung cấp trong quá trình đăng ký, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Quý Thành viên xác nhận giúp THƯ VIỆN PHÁP LUẬT được tiếp tục lưu trữ, sử dụng những thông tin mà Quý Thành viên đã, đang và sẽ cung cấp khi tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Thực hiện Nghị định 13/2023/NĐ-CP, chúng tôi cập nhật Quy chế và Thỏa thuận Bảo về Dữ liệu cá nhân bên dưới.
Trân trọng cảm ơn Quý Thành viên.
Tôi đã đọc và đồng ý Quy chế và Thỏa thuận Bảo vệ Dữ liệu cá nhân
Tiếp tục sử dụng
Cảm ơn đã dùng ThuVienPhapLuat.vn
- Bạn vừa bị Đăng xuất khỏi Tài khoản .
-
Hiện tại có đủ người dùng cùng lúc,
nên khi người thứ vào thì bạn bị Đăng xuất.
- Có phải do Tài khoản của bạn bị lộ mật khẩu
nên nhiều người khác vào dùng?
- Hỗ trợ: (028) 3930.3279 _ 0906.229966
- Xin lỗi Quý khách vì sự bất tiện này!
Tài khoản hiện đã đủ người
dùng cùng thời điểm.
Quý khách Đăng nhập vào thì sẽ
có 1 người khác bị Đăng xuất.
Tài khoản của Quý Khách đẵ đăng nhập quá nhiều lần trên nhiều thiết bị khác nhau, Quý Khách có thể vào đây để xem chi tiết lịch sử đăng nhập
Có thể tài khoản của bạn đã bị rò rỉ mật khẩu và mất bảo mật, xin vui lòng đổi mật khẩu tại đây để tiếp tục sử dụng
|
|