CHƯƠNG TRÌNH
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA NGÀNH GIÁO
DỤC VÀ ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2013 - 2017
Căn cứ Luật Giáo dục ngày
14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày
25 tháng 11 năm 2009; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng
Cộng sản Việt Nam; Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020;
Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020; Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày
30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển
thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết liên tịch số 01/2012/NQLT-CP-BCHTWĐTN ngày 14/12/2012 của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh về việc ban hành Quy chế phối
hợp công tác của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X nhiệm kỳ 2012
– 2017; trên cơ sở những kinh nghiệm và kết quả phối hợp hoạt động giữa ngành
giáo dục với các cấp bộ Đoàn giai đoạn 2007-2012; nhằm phát huy kết quả đạt
được, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành
chương trình phối hợp giai đoạn 2013 - 2017, cụ thể như sau:
I.
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nâng cao vai trò, trách
nhiệm, sự phối hợp hiệu quả của Ngành Giáo dục và các cấp bộ Đoàn trong công
tác giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.
2. Phát huy vai trò và
tiềm năng của lực lượng học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên, giáo viên trẻ trong
xây dựng và phát triển nhà trường, tổ chức Đoàn, Hội, Đội; xung kích phát triển
kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
3. Thực hiện chế độ, chính
sách đối với học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên, giáo viên trẻ, cán bộ
Đoàn, Hội, Đội và đội ngũ nhà giáo.
II. NỘI DUNG PHỐI HỢP
1. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, phẩm chất chính
trị, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng thực hành xã hội
cho học sinh, sinh viên, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tập trung giáo dục
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,
đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, giáo dục truyền thống
và phòng, chống tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
2. Tăng cường công
tác nắm bắt và định hướng dư luận học sinh, sinh viên; định kỳ lãnh đạo nhà
trường, cán bộ Đoàn, Hội đối thoại trực tiếp với học sinh, sinh viên, đoàn viên
thanh niên.
3. Tổ chức phong
trào thi đua Dạy tốt, học tốt; phong trào “Sinh viên 5 tốt” trong sinh viên;
phong trào “Học sinh 3 rèn luyện” trong học sinh các trường trung cấp chuyên
nghiệp; phong trào “Khi tôi 18” trong học sinh các trường trung học phổ thông;
phong trào “Kế hoạch nhỏ”; phong trào “Em yêu lịch sử Việt Nam”; phong trào
“Thiếu nhi thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”; phong trào “Thiếu nhi thi
đua làm nghìn việc tốt”; cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương
đạo đức, tự học, tự sáng tạo”; phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân
thiện, học sinh tích cực”,...
4. Đẩy mạnh công tác chăm lo, hỗ trợ học sinh, sinh viên; phát
triển các quỹ, giải thưởng, học bổng. Tôn
vinh, khen thưởng học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên, giáo viên trẻ xuất
sắc; hỗ trợ học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên, giáo viên trẻ có hoàn cảnh
khó khăn, vượt khó vươn lên.
5. Tổ chức tuyên
truyền, tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh từ bậc trung học cơ sở,
trung học phổ thông; tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên; xây dựng chiến
lược truyền thông quốc gia về nâng cao nhận thức nghề nghiệp, việc làm cho học
sinh, sinh viên góp phần thực hiện việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Định kỳ
tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan thực tế các doanh nghiệp, khu chế
xuất, khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp; tổ chức ngày hội, hội chợ việc
làm. Tăng cường lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập
cho các đoàn viên thanh niên.
6. Tổ chức, hướng
dẫn và vận động học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể
thao, đưa văn hóa dân gian vào trường học. Định kỳ tổ chức hoạt động văn hóa,
văn nghệ, thể dục thể thao cấp trường, khu vực, toàn quốc; xây dựng cơ chế,
chính sách cho học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ đại hội thể
thao khu vực và thế giới.
7. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò xung
kích, tình nguyện của học sinh, sinh viên. Tổ chức tốt các hoạt động Tư vấn mùa thi - Tiếp sức
mùa thi - Tiếp sức đến trường, Tháng Thanh niên, Chiến dịch thanh niên học
sinh, sinh viên tình nguyện hè. Triển khai các đội hình tình nguyện gắn với bảo
đảm an toàn giao thông, hiến máu tình nguyện, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ
môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động xã hội, nhân đạo khác.
8. Tổ chức tập
huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội, Đội cho đội ngũ
cán bộ Đoàn, Hội, Đội. Thực hiện Quyết định số 13/2013/QĐ-TTg ngày 06/02/2013 của
Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên cộng
sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong
các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề.
9. Tăng cường công tác phát triển Đảng
đối với Đoàn viên, Hội viên và cán bộ giáo viên trẻ, học sinh, sinh viên xuất
sắc; phát triển tổ chức Hội Sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng chưa có
tổ chức Hội Sinh viên; tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, cán bộ làm
công tác học sinh, sinh viên; nghiên cứu, triển khai công tác học sinh, sinh
viên và hoạt động Đoàn, Hội trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ.
10. Các cơ quan
báo chí, xuất bản của hai Ngành thường xuyên tuyên truyền về các hoạt động của
hai Ngành; định hướng giá trị cho học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện; phát hiện,
giới thiệu nhân rộng những mô hình
mới, cách làm sáng tạo, gương học sinh, sinh
viên tiêu biểu.
III. CƠ CHẾ PHỐI HỢP
1. Vào tháng 7 hàng năm, Bộ Giáo dục
và Đào tạo và Trung ương Đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh xác định những nội dung hoạt động cụ
thể, ban hành chương trình hoặc danh mục các hoạt động phối hợp theo năm học,
có sự phân công cụ thể đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp. Sở Giáo dục và Đào
tạo và các cơ sở giáo dục phối hợp với Đoàn Thanh niên cùng cấp ký chương trình
phối hợp phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo được mời tham dự và phát
biểu tại các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội nghị cán bộ Đoàn trường học toàn
quốc. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được mời tham dự và phát biểu tại các
Hội nghị tổng kết, triển khai năm học mới của Ngành Giáo dục.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo được mời tham dự và thông
tin kết quả của Ngành tại giao ban báo chí của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh theo định kỳ 06 tháng/1 lần.
4. Lãnh đạo hai Ngành ở mỗi cấp sẽ đánh giá sơ bộ
kết quả phối hợp vào thời gian sơ kết học kỳ I và học kỳ II. Thường xuyên trao
đổi thông tin, định kỳ kiểm tra, đánh giá, tổng kết, tuyên dương khen thưởng
đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
5. Định kỳ hàng tháng hoặc quý, nhà
trường và đoàn thanh niên tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với học sinh, sinh
viên; bố trí “Ngày đoàn viên” trong tháng hoặc tối thiểu 2 tiết/tháng trong
chương trình năm học của nhà trường để dành cho sinh hoạt đoàn, hội, đội và
triển khai công tác học sinh, sinh viên; đưa chương trình sinh hoạt chuyên đề
ngoại khóa thành chương trình bắt buộc trong sinh hoạt đoàn.
6. Vụ Công tác
Học sinh, sinh viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Thanh niên Trường học thuộc
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là bộ phận thường trực giúp lãnh đạo hai Ngành
theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc triển khai thực hiện chương trình phối hợp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các vụ, cục, đơn vị
chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; các ban, đơn vị thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm thực hiện Chương trình này; chủ động phối hợp tham mưu nội dung chỉ đạo,
tổ chức các hoạt động liên quan đến nội dung, đối tượng phụ trách.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo và
tổ chức Đoàn Thanh niên cùng cấp triển khai Chương trình phối hợp phù hợp với
đặc điểm của địa phương, đơn vị; phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tình
hình thực hiện Chương trình tại địa phương, đơn vị. Định kỳ báo cáo việc triển
khai Chương trình phối hợp về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Công tác học sinh,
sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo – số 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội) và Trung ương
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Ban Thanh niên trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí
Minh - số 64 Bà Triệu, Hà Nội) trước ngày 30/6 hàng năm.
3. Các cơ sở giáo
dục và tổ chức đoàn trong các cơ sở giáo dục phối hợp triển khai Chương trình
phối hợp hoạt động giữa Ngành Giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2013
– 2017. Hàng năm báo cáo việc triển khai Chương trình phối hợp về Bộ Giáo dục
và Đào tạo (Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo – số 49 Đại
Cồ Việt, Hà Nội) và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Ban Thanh niên trường học,
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, số 64 Bà Triệu, Hà Nội) trước ngày 30/6.