ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------
|
Số: 43/CT-UB
|
TP. Hồ Chí Minh,
ngày 01 tháng 11 năm 1989
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC
TẬP TRUNG GIÁO DỤC CẢI TẠO NHỮNG PHẦN TỬ CÓ HÀNH ĐỘNG NGUY HẠI CHO XÃ HỘI TRONG
TÌNH HÌNH MỚI.
Trong thời gian qua, công tác tập trung giáo dục cải tạo
những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội đã góp phần tích cực vào công tác
đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở
thành phố; tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động
trong công tác đấu tranh chống tội phạm.
Tuy nhiên, trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tập
trung giáo dục cải tạo ở thành phố còn một số tồn tại chủ yếu sau đây:
- Còn bỏ sót nhiều đối tượng trong diện cần tập trung cải
tạo; hạ thấp hình thức cải tạo đối với số đáng phải tập trung cải tạo qua lao
động bắt buộc hoặc cải tạo tại chỗ…
- Việc xét duyệt hồ sơ còn chậm trễ, làm hạn chế công tác
đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
- Công tác quản lý giáo dục đối tượng ở các trại cải tạo
chưa tốt; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tập trung giáo dục cải tạo còn nhiều
thiếu thốn, chưa có kế hoạch sử dụng tay nghề và sức lao động của trại viên,
tình hình trại viên bị bệnh nặng, suy kiệt, trốn trại còn xảy ra nhiều.
- Các đối tượng tập trung giáo dục cải tạo được tha về chưa
được các cấp chánh quyền quan tâm quản lý sắp xếp việc làm, chưa phát huy vai
trò của quần chúng và các đoàn thể trong việc giáo dục, giúp đỡ họ ổn định cuộc
sống; dẫn đến một số người lại tiếp tục phạm pháp (theo báo cáo của Công an
thành phố trong 6 tháng đầu năm 1989. Có 3095 tội phạm bị bắt thì 75,5% đối tượng
có tiến án tiền sự, trong đó 972 tên là đối tượng đã tập trung giáo dục cải
tạo, tù được tha về hoặc trốn trại).
Tại phiên họp ngày 29/5/1989 Hội đồng Nhà nước đã kết luận
tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp theo chiều
hướng xấu, gây bất bình lo lắng trong nhân dân, yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp
luật phải thực hiện các biện pháp kiên quyết, kể cả xét xử hình sự và xử lý
hành chính, nhằm bảo đảm được trật tự trị an, kỷ cương xã hội và cuộc sống yên
bình của nhân dân. Hội đồng Nhà nước quyết định giao cho Hội đồng Bộ trưởng và
các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục thi hành nghị quyết 49/TVQH ngày
20/6/1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo tinh thần thu hẹp diện tập trung
giáo dục cải tạo. Yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải có biện pháp khắc
phục nhanh chóng những nhược điểm tồn tại để công tác tập trung giáo dục cải
tạo mang lại hiệu quả cao.
Để thực hiện tốt kết luận của Hội đồng Nhà nước ngày 29/5/1989
về công tác tập trung giáo dục cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho
xã hội; chỉ thị 135/CT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 14/5/1989 về tăng cường công
tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân thành
phố chỉ thị các cấp chánh quyền; các ngành công an, tư pháp, thanh tra thực
hiện tốt những việc sau đây:
1/ Tiếp tục thi hành quyết định số 125/QĐ-UB ngày
16/6/1987 của Ủy ban nhân dân thành phố, trên tinh thần mới theo kết luận của Hội
đồng Nhà nước có thu hẹp về diện đối tượng; chỉ tập trung giáo dục cải tạo các
đối tượng sau đây:
- Về an ninh quốc gia: Những phần tử có hành vi xâm phạm
nghiêm trọng an ninh quốc gia, nhưng xét không cần thiết đưa ra truy tố, xét xử.
- Về trật tự an toàn xã hội: Những tên lưu manh chuyên nghiệp
có tiền án, tiền sự và những tên lưu manh chuyên nghiệp sống lang thang, cư trú
bất hợp pháp đã bị xử lý giáo dục nhiều lần nhưng không chịu cải tạo, vẫn tiếp
tục có hành vi vi phạm pháp luật, làm phương hại đến trật tự trị an; đối với
những đối tượng này nếu đủ căn cứ để xét xử hình sự thì đưa ra truy tố.
2/ Đẩy mạnh và phát huy vai trò làm chủ tập thể của quần
chúng trong công tác giáo dục phòng ngừa và tấn công trấn áp tội phạm; thường xuyên
tiến hành đưa đối tượng phạm pháp ở cơ sở ra kiểm điểm trước dân để quần chúng
tham gia đấu tranh giáo dục cải tạo họ. Trên cơ sở đó tiến hành lập hồ sơ phân
loại xử lý đúng người, đúng tội, đúng đường lối chính sách của Đảng và pháp
luật Nhà nước. Những đối tượng phạm pháp có đầy đủ chứng cứ thì phải đưa ra
truy tố xét xử, không được lấy công tác tập trung giáo dục cải tạo thay cho truy
tố xét xử, không được lấy biện pháp lao động bắt buộc và cải tạo tại chỗ thay
cho tập trung giáo dục cải tạo.
3/ Củng cố nâng cấp sửa chữa các trại cải tạo do Công an
thành phố quản lý; kết hợp việc giáo dục chính trị với lao động sản xuất; lấy kết
quả lao động để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho các trại viên; không
để lẫn lộn đối tượng tập trung cải tạo ăn ở, sản xuất với các loại đối tượng
khác.
Đối với cán bộ chuyên trách làm công tác giáo dục cải tạo
cần được bồi dưỡng nâng cao lập trường, quan điểm giai cấp công nhân vững vàng,
phải nắm chắc đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; không
ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt.
4/ Nâng cao chất lượng hồ sơ tập trung giáo dục cải tạo.
Hồ sơ đề nghị tập trung giáo dục cải tạo phải có đầy đủ tài liệu chứng minh rõ:
lai lịch của đối tượng, các tài liệu chứng minh quá trình hoạt động phạm pháp của
đối tượng, các hành vi, vi phạm pháp luật cụ thể của đối tượng qua từng thời
gian, các báo cáo tố giác của nhân dân, lời khai của đồng phạm, biên bản họp
quần chúng kiểm điểm đối tượng, các báo cáo đề nghị của công an các cấp và biên
bản họp Hội đồng Tư vấn, kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Phải tiến hành đúng các thủ tục xét duyệt của từng cấp được
quy định ở thông tư 121/CP ngày 9/8/1961 của Hội đồng Chính phủ, chỉ thị
03/CT-BNV ngày 25/3/1985 của Bộ Nội vụ và quyết định 125/QĐ-UB ngày 16/6/1987
của Ủy ban nhân dân thành phố. Cụ thể là:
- Sơ duyệt ở quận, huyện (trừ đối tượng xâm phạm an ninh
quốc gia thì chuyển Công an thành phố để tổng hợp báo cáo Hội đồng Tư vấn thành
phố). Việc sơ duyệt ở quận, huyện do Chủ tịch UBND quận, huyện chủ trì với thành
phần tham dự có công an, tư pháp, thanh tra và Mặt trận Tổ quốc quận, huyện.
- Công an thành phố tổng hợp hồ sơ của các quận, huyện và
các đơn vị an ninh, cảnh sát có chức năng làm công tác tập trung giáo dục cải
tạo, liên hệ với Viện Kiểm sát nhân dân thành phố để thực hiển kiểm tra trước
khi báo cáo Hội đồng tư vấn thành phố xét duyệt trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố quyết định.
- Sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
Công an thành phố có trách nhiệm báo cáo Bộ Nội vụ phê duyệt; sau khi có ý kiến
phê duyệt của lãnh đạo Bộ Nội vụ thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố
ra quyết định chính thức.
5/ Tăng cường công tác quản lý, giáo dục và sắp xếp việc
làm cho các đối tượng tập trung giáo dục cải tạo được tha về.
Ủy ban nhân dân phường, xã cùng với các ban, ngành có kế
hoạch quản lý sắp xếp việc làm cho các đối tượng tập trung cải tạo được tha về tạo
cho họ công ăn việc làm chính đáng, ổn định được cuộc sống, cách ly môi trường
xấu, tránh bị lôi cuốn trở về lại con đường phạm tội, giao cho các tổ dân phố,
gia đình và đoàn thể thường xuyên giúp đỡ giáo dục để họ ngày càng tiến bộ.
6/ Về tổ chức thực hiện:
- Ủy ban nhân dân các cấp và các ngành công an, tư pháp,
thanh tra có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nội dung kết luận của Hội
đồng Nhà nước và nội dung của chỉ thị này đến tận tổ dân phố, cán bộ chiến sĩ và
nhân viên của ngành mình.
- Sở Tư pháp có trách nhiệm căn cứ vào kết luận của Hội đồng
Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan để điều chỉnh bổ sung và quy
định tạm thời các biện pháp cụ thể thi hành xử lý tập trung giáo dục cải tạo ở
thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình mới, trình Ủy ban nhân dân thành phố
quyết định; đồng thời theo dõi, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện tốt chỉ thị
này và thường xuyên báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Quang Chánh
|