BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
29/1999/CT-BGD&ĐT
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 6 năm 1999
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, THANH TRA VIỆC QUẢN LÝ, CẤP
PHÁT, SỬ DỤNG CÁC LOẠI VĂN BẰNG, CHỨNG CHỈ CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN
Những năm gần đây, cơ quan quản
lý giáo dục các cấp đã tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện và xử lý
các trường hợp tiêu cực trong việc lập hồ sơ dự thi, xét tuyển nhưng vẫn chưa
ngăn chặn được việc sử dụng các loại văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp trong các
kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh ở các cấp học, giáo dục phổ thông và giáo dục đại
học, sau đại học, trung học chuyên nghiệp cũng như sử dụng vào các mục đích
khác. Tình trạng đó không những làm giảm lòng tin của nhân dân vào giá trị của
các văn bằng, chứng chỉ mà còn gây trở ngại trong việc bố trí sử dụng cán bộ,
công chức, viên chức theo tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Để lập lại kỉ cương trong lĩnh vực
này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tiến hành tổng rà soát việc cấp phát và
sử dụng các loại văn bằng, chứng chỉ do các cấp quản lý có thẩm quyền ban hành
trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Việc kiểm tra phải được triển
khai ngay và tiến hành thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ sở, từng
cấp quản lý giáo dục, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan theo sự
chỉ đạo thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương.
1. Yêu cầu của
việc kiểm tra, thanh tra việc quản lý, cấp phát và sử dụng văn bằng, chứng chỉ:
Việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ
cho người đã được công nhận đạt một trình độ học vấn và chuyên môn tương ứng phải
tuân thủ quy định của pháp luật. Những văn bằng, chứng chỉ làm giả, bị thay đổi
nội dung, sao lại hoặc cấp phát không đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền
là bất hợp pháp. Các cấp quản lý giáo dục phải làm tất cả những việc cần thiết
trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình để sau một thời gian ngắn nhất
khắc phục mọi sơ hở, lập lại kỷ cương trong việc quản lý, cấp phát các loại văn
bằng, chứng chỉ, đảm bảo tính hợp pháp của hồ sơ để cấp phát và lưu trữ theo
quy định của các Quy chế thi tốt nghiệp, Quy chế và quy định về tuyển sinh.
Trong quá trình tiến hành kiểm
tra, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa ngành giáo dục với chính quyền địa
phương và các ngành liên quan.
Qua kết quả kiểm tra, thanh tra,
ngành Giáo dục và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần xử lý nghiêm minh các
đối tượng vi phạm:
- Tất cả những học sinh, sinh
viên, học viên, nghiên cứu sinh và cán bộ, công chức, viên chức đã có hành vi
gian lận trong việc lập hồ sơ để dự thi, nhập học, để được tuyển dụng, nâng bậc,
chuyển ngạch, tuỳ theo mức độ vi phạm phải có hình thức xử lý thích đáng theo
Quy chế và quy định tuyển sinh, Quy chế thi tốt nghiệp, Pháp lệnh cán bộ, công
chức.
- Phát hiện, xử lý những cá nhân
và đơn vị cấp phát (cấp lần đầu hoặc cấp lại) văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp
dù cố ý hay không cố ý (cấp phát không đúng thẩm quyền, cấp cho người chưa đủ
điều kiện, cấp khi chưa có đủ hồ sơ theo quy định, cấp theo mẫu văn bằng, chứng
chỉ không do cơ quan có thẩm quyền ban hành). Những văn bằng, chứng chỉ đã cấp
không đúng quy định phải thu hồi, người sử dụng đang công tác ở cơ quan nào (dù
thuộc trách nhiệm quản lý hay không thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Giáo dục
và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố) phải thông báo cho cơ quan đó biết.
- Phát hiện và kiến nghị với cơ
quan có thẩm quyền xử lý những người làm giả văn bằng, chứng chỉ hoặc chứng nhận
bản sao của những văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp, những người lập hồ sơ giả
hoặc làm sai lạc nội dung hồ sơ để cấp phát sai quy định.
Những trường hợp đã phát hiện vi
phạm pháp luật, căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý hoặc chuyển hồ sơ sang cơ
quan pháp luật xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Đối tượng, nội
dung, phương pháp kiểm tra, thanh tra:
Đối tượng kiểm tra thường xuyên
là toàn bộ học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh có sử dụng hồ sơ (học
bạ, phiếu điểm), văn bằng, chứng chỉ để dự thi, xét tuyển; mọi tổ chức, cá
nhân, đảm nhiệm việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ; những người sử dụng văn bằng,
chứng chỉ để được ngành Giáo dục hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tuyển dụng,
nâng bậc, chuyển ngạch.
Đối tượng cần tập trung kiểm
tra, thanh tra ngay là:
- Học sinh dự thi tốt nghiệp
trung học phổ thông, bổ túc trung học, những người dự thi tuyển sinh đại học,
cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, tuyển sinh sau đại học.
- Học viên các lớp đào tạo tại
chức và các lớp liên kết đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học
chuyên nghiệp mở tại địa phương.
- Người học năm thứ nhất và năm
cuối của cơ sở giáo dục đại học, sau đại học và các trường trung học chuyên
nghiệp.
- Các tổ chức và cá nhân đã phát
hiện có liên quan đến việc cấp phát, sử dụng các loại hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ
bất hợp pháp.
Việc thanh tra, kiểm tra cần giải
quyết sớm các trường hợp quần chúng phát hiện qua khiếu nại, tố cáo và cần tập
trung vào những trường lớp quản lý chưa chặt chẽ, thiếu nền nếp.
Nội dung kiểm tra việc sử dụng
văn bằng, chứng chỉ ở khâu tuyển sinh cần lưu ý: học bạ của học sinh lớp 12 đạt
tiêu chuẩn được tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng hàng năm; phiếu điểm (giấy chứng
nhận kết quả học tập) của các đối tượng dùng để dự thi, xét tuyển; các loại hồ
sơ, văn bằng, chứng chỉ của đối tượng mới tuyển vào đại học, sau đại học, các cấp
học phổ thông và văn bằng, chứng chỉ trong hồ sơ xin tuyển dụng, nâng bậc, chuyển
ngạch.
Đối với các cơ quan quản lý và
cơ sở giáo dục có thẩm quyền cấp phát văn bằng, chứng chỉ, Ban chỉ đạo các cấp
cần kiểm tra quy trình cấp phát, việc lưu trữ hồ sơ và tình hình chấp hành các
quy định về công tác này.
Phương pháp tiến hành cần kiểm
tra hồ sơ cấp phát văn bằng, chứng chỉ và đối chiếu bản sao, giấy chứng nhận tạm
thời với bản gốc (bản chính). Dựa vào những quy định, quy chế hiện hành làm căn
cứ để xem xét tính hợp pháp của các loại hồ sơ. Khi kiểm tra, thanh tra phải lập
biên bản về những sai sót và những chứng cứ để kết luận, kiến nghị xử lý và
theo dõi kết quả xử lý. Cần coi trọng kết luận trách nhiệm về những thiếu sót,
sai phạm đã phát hiện của người cấp phát, người chứng nhận bản sao cũng như người
sử dụng văn bằng, chứng chỉ.
3. Tổ chức thực
hiện:
Để triển khai nhanh chóng và có
hiệu quả công tác quan trọng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập Ban chỉ đạo
của Bộ về kiểm tra hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ. Yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và ở các cơ sở giáo dục đại học (bao gồm cả các
Đại học Quốc gia, Đại học vùng), trung học chuyên nghiệp (cả công lập và ngoài
công lập) thành lập Ban chỉ đạo của địa phương, đơn vị mình. Thành phần Ban chỉ
đạo mỗi cấp gồm đại diện lãnh đạo làm Trưởng ban, các thành viên được lựa chọn
trong số cán bộ quản lý có kinh nghiệm, năng lực và trình độ nghiệp vụ cần thiết.
Nhiệm vụ chung của các Ban chỉ đạo
là:
- Xây dựng kế hoạch hàng năm kiểm
tra hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ. Ban chỉ đạo cấp trên có trách nhiệm đôn đốc, kiểm
tra công tác của Ban chỉ đạo cấp dưới. Ban chỉ đạo của các Đại học Quốc gia, Đại
học vùng, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trực thuộc
Trung ương và Ban chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu sự chỉ đạo
trực tiếp của Ban chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ban chỉ đạo của Uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra công tác này của các cấp giáo dục
phổ thông và các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp do địa phương
quản lý.
- Chỉ đạo và quy định nhiệm vụ
cho các bộ phận chuyên môn giúp việc. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch kiểm tra hồ
sơ, văn bằng, chứng chỉ. Chỉ đạo điều tra xác minh, kết luận và kiến nghị xử lý
các trường hợp sai phạm đã được phát hiện.
- Phối hợp với các địa phương,
đơn vị liên quan để chỉ đạo việc xác minh những trường hợp nghi vấn là hồ sơ,
văn bằng, chứng chỉ bất hợp pháp. Khi cần thiết, phải trưng cầu giám định của
cơ quan chức năng để làm căn cứ kết luận kết quả kiểm tra. Ban chỉ đạo của các
cơ sở giáo dục đại học (bao gồm cả các Đại học Quốc gia, Đại học vùng), trung học
chuyên nghiệp cần kịp thời liên hệ với các Sở Giáo dục - Đào tạo và các cơ sở
giáo dục có thẩm quyền cấp phát văn bằng, chứng chỉ để xác minh các trường hợp
có nghi vấn. Khi nhận được yêu cầu, đơn vị có thẩm quyền cấp phát khẩn trương
xác minh và trả lời bằng văn bản.
Trong quá trình tổ chức thực hiện,
Ban chỉ đạo các cấp cần phát huy chức năng quản lý nhà nước của các cấp quản lý
giáo dục, huy động bộ máy Thanh tra Giáo dục để kiểm tra, thanh tra văn bằng,
chứng chỉ, coi trọng việc quy định lề lối làm việc để củng cố kỷ cương, nền nếp
trong mặt công tác quan trọng này.
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo
có trách nhiệm chỉ đạo hệ thống Thanh tra ngành trong việc triển khai thực hiện
Chỉ thị này, hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo các cấp và định kỳ tổng hợp
báo cáo tình hình với Bộ trưởng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Uỷ
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ sở
giáo dục đại học, sau đại học, trung học chuyên nghiệp triển khai ngay việc thực
hiện Chỉ thị này. Trong năm 1999, các cơ quan, cơ sở giáo dục có chức năng cấp
phát văn bằng, chứng chỉ, kiện toàn được bộ phận phụ trách công tác này, ban
hành quy định về quy trình làm việc. Các Ban chỉ đạo sơ kết công tác 6 tháng 1
lần và tổng kết đánh giá hàng năm, gửi báo cáo với cấp trên và Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
Trong quá trình tổ chức thực hiện
nếu có vướng mắc cần báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời giải quyết.
Chỉ thị này cần được phổ biến
cho mọi đối tượng trong toàn ngành và thông báo rộng rãi trong nhân dân để tổ
chức thực hiện từ cơ sở.