BAN BÍ THƯ
--------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số 197 CT/TW
|
Ngày 19 tháng
3 năm 1960
|
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC THIẾU
NIÊN, NHI ĐỒNG
Từ hòa bình lập lại, trên miền Bắc nước ta, đời sống
vật chất và tinh thần của thiếu niên, nhi đồng đã có nhiều bước tiến rõ rệt:
các em ăn mặc khá hơn trước, số em mắc bệnh, chết yểu giảm đi; trường học mở ra
nhiều. Hàng năm số sách báo dành riêng cho các em tăng thêm. Phong trào thể dục
thể thao phát triển rộng hơn trước. Đội thiếu niên tiền phong đã thu hút gần nửa
triệu thiếu niên và đã giáo dục cho các em trong Đội và ngoài Đội những đức
tính tốt đẹp: lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, nhiệt tình đấu tranh cho thống
nhất Tổ quốc.
Bên những kết quả đã đạt được, hiện nay còn tồn
tại nhiều vấn đề: có nơi các em còn phải làm lụng nhiều, phải bỏ học sớm, ít được
vui chơi giải trí, nhiều em phải xem phim, xem kịch của người lớn không hợp lứa
tuổi các em. Trong nhân dân, việc dạy dỗ con em ở gia đình chưa được chú ý, còn
nhiều sai lầm, còn thường dùng dọa nạt, đánh mắng. Việc giữ vệ sinh phòng bệnh
cho các em còn rất kém. Nhiều ngành chưa quan tâm đầy đủ tới thiếu nhi. Sự phối
hợp giữa các ngành có trách nhiệm chưa chặt chẽ.
Sở dĩ còn tình trạng như trên một phần là do
hoàn cảnh khách quan, nhưng phần rất quan trọng là do nhận thức của cán
bộ, đảng viên, đoàn viên và của nhân dân đối với công tác thiếu niên, nhi
đồng còn chưa đầy đủ, chưa thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác
thiếu niên, nhi đồng.
Các cấp, các ngành cần tích cực bổ khuyết tình
trạng trên, tận dụng mọi khả năng, ra sức đào tạo các em thành lớp người mới
đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển của nước ta.
I- TRƯỚC HẾT CẦN QUÁN TRIỆT Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN
TRỌNG CỦA VIỆC GIÁO DỤC THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG
Các em thiếu niên, nhi đồng ngày nay sẽ là lớp
người xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sau này. Quan tâm đến thiếu
niên, nhi đồng là quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng một lớp người mới không
những phục vụ cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa hiện nay mà còn chính là cho sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản sau này.
Quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng còn làm cho
các tầng lớp nhân dân thêm an tâm và phấn khởi về tiền đồ tốt đẹp của con em
mình và hăng hái tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất Tổ
quốc. Ngày nay tuy còn khó khăn, song sau 6 năm hòa bình, ta đã có những điều
kiện thuận lợi hơn để quan tâm hơn nữa đến vấn đề giáo dục thiếu nhi và đặt vấn
đề đúng tầm quan trọng của nó.
Mặt khác, cần thấy giáo dục thiếu niên, nhi đồng
là một vấn đề không đơn giản, mà là một vấn đề khoa học: trẻ em từ 6 đến
14, 15 tuổi là đang ở thời kỳ phát triển rất nhanh chóng và có những điểm riêng
về tâm lý, sinh lý. Giáo dục cho các em phải có nghiên cứu theo dõi, phải có những
người chuyên trách ngày càng có kinh nghiệm. Lại phải chăm lo mọi mặt và được mọi
ngành cùng phối hợp thì mới phát triển được tài năng, trí tuệ, tình cảm và sức
khoẻ của các em.
Tóm lại, cần nhận thức đầy đủ công tác giáo dục
thiếu niên, nhi đồng là một sự nghiệp cách mạng, là trách nhiệm vẻ vang của cán
bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân ta. Làm tốt việc giáo dục thiếu niên, nhi
đồng là một biểu hiện tính hơn hẳn của chế độ ta. Trên cơ sở nhận thức đó, phải
đặt vấn đề lãnh đạo về tư tưởng và tổ chức một cách nghiêm chỉnh hơn hiện nay,
khắc phục khó khăn; kiên quyết dành những điều kiện tốt nhất về mọi mặt cho việc
giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
II- TRONG THỜI GIAN TỚI, CẦN HUY ĐỘNG MỌI KHẢ
NĂNG ĐỂ ĐẨY MẠNH VIỆC GIÁO DỤC CÁC EM
Mục đích của chúng ta là đào tạo các em thiếu
niên thành những người lao động yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có sức khỏe, có
văn hóa, hết lòng hết sức phục vụ sự nghiệp của giai cấp công nhân và nhân dân
lao động. Con em của chúng ta cần được phát triển về mọi mặt: đức dục, trí dục,
thể dục, mỹ dục và sẵn sàng phấn đấu "vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và thống
nhất nước nhà". Nhiệm vụ ấy, Đoàn Thanh niên Lao động và nhà trường phải
giữ vai trò chủ yếu, nhưng riêng Đoàn và nhà trường không làm nổi, các cơ quan
đoàn thể khác và toàn thể nhân dân phải cùng làm thì mới thực hiện được.
Hàng ngày trẻ em sống ở trường một thời gian, phần
lớn thời gian các em tiếp xúc với xã hội và gia đình. Vì vậy phải xây dựng nhà
trường thật tốt; mặt khác, phải tạo những điều kiện để việc giáo dục của đoàn
thể và gia đình đóng một vai trò tích cực. Chỉ có như vậy trẻ em mới được giáo
dục ở mọi nơi, mọi lúc và theo một nội dung thống nhất.
1. Phải giáo dục cho các em có đạo đức, phẩm
chất cao quý của giai cấp công nhân
Giáo dục đạo đức cộng sản chủ nghĩa cho các em,
làm cho các em quen với lối sống "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi
người", qúy trọng lao động, quý trọng tập thể. Thực hiện 5 yêu 2 tốt mà Hồ
Chủ tịch đã giáo dục cho toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam: "Yêu nước,
yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu của công", "thành thật
và dũng cảm".
Cần giáo dục cho các em tinh thần yêu nước nồng
nàn, yêu chủ nghĩa xã hội và có tinh thần quốc tế vô sản. Do biết yêu nước sâu
sắc mà căm thù Mỹ – Diệm, ghét bọn đế quốc và muốn nước nhà mau thống nhất. Do
có nhiệt tình xã hội chủ nghĩa mà ghét bóc lột ăn bám, lười biếng, chăm lao động,
yêu quý công nông, bảo vệ của công, tham gia các công tác xã hội, v.v.; làm cho
các em từ nhỏ đã bước đầu hiểu biết Đảng, yêu quý chủ nghĩa cộng sản, biết ơn
những chiến sĩ cách mạng đã vì Tổ quốc, vì giai cấp, vì các em mà hy sinh.
Cách giáo dục tốt nhất là liên hệ giáo dục với đấu
tranh cách mạng và lao động sản xuất của nhân dân lao động. Cần tránh lối lý luận
chung chung, mà phải qua những sinh hoạt hàng ngày, trên những sự việc cụ thể
mà giáo dục các em, làm cho các em yêu tập thể, ghét lối sống ích kỷ, luôn luôn
phấn khởi, chủ động, coi tập thể, coi lao động như khí trời, như ánh sáng.
2. Luôn luôn quan tâm đến việc học tập văn
hóa của các em
Nhiệm vụ chủ yếu của các em là học tập. Yêu cầu
của công tác thiếu niên là giáo dục cho các em có thái độ đúng đắn đối với học
tập, giữ đúng kỷ luật học tập, nắm vững kiến thức khoa học. Đoàn Thanh niên Lao
động, các cơ quan, đoàn thể và phụ huynh học sinh cần tham gia tích cực hơn nữa
xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho những em đến tuổi đi học
dần dần được đến trường, và học tập có kết quả. Cần chỉnh đốn sinh hoạt cho hợp
lý để các em có thời giờ học tập và nghỉ ngơi.
3. Hết sức chú trọng đến việc bồi dưỡng sức
khoẻ cho các em
Hiện nay, tình hình giữ gìn vệ sinh phòng bệnh của
các em còn rất nhiều thiếu sót, nhất là ở nông thôn. Cần đặt mạnh hơn nữa vấn đề
vệ sinh phòng bệnh trong các em. Việc tập thể dục chưa thường xuyên và chưa rộng
khắp. Cần nghiên cứu việc tập thể dục hợp với các em, đào tạo nhiều huấn luyện
viên cho các em. Phải quan tâm tới lao động và sinh hoạt của các em; không để
các em làm quá sức, hội họp quá nhiều, vô ích, ảnh hưởng tới sức khoẻ và học tập.
Nhà trường, tổ chức phụ trách công tác thiếu niên
nhi đồng, các cơ quan y tế, thể dục thể thao cần có những biện pháp thích hợp
quy định cụ thể, chặt chẽ để giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe cho các em.
4. Quan tâm đến việc tổ chức vui chơi và
nghỉ ngơi cho các em
Phải tăng cường hơn nữa việc xuất bản sách báo về
số lượng cũng như về chất lượng để đáp ứng yêu cầu của từng lứa tuổi. Gây cho
các em có hứng thú tìm đọc sách báo; xây dựng thư viện; phòng đọc sách riêng
cho các em. Trong năm nay, cần thanh toán hết số sách báo xấu còn lưu hành ở miền
Bắc. Cần vận động sáng tác và biểu diễn phục vụ thiếu nhi. Các tổ chức văn nghệ
cần quan tâm giúp đỡ cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật của thiếu nhi. Tiến tới
thành lập những đội nghệ thuật thiếu nhi, kịch viện thiếu nhi. Về phim ảnh, cần
chú ý quay các loại phim nhằm giáo dục thiếu nhi và nhập nhiều phim thiếu nhi của
các nước anh em. Ở các thành phố lớn, mỗi nơi cần dành một nhà chiếu bóng tốt
cho các em. Chú ý dành sân tập, sân chơi riêng cho các em. Nghiên cứu đồ chơi,
trò chơi cho từng lứa tuổi.
Nhân những ngày nghỉ và dịp hè, các công đoàn,
các hợp tác xã lớn, các nông trường, các cơ quan đoàn thể cần tổ chức những trại
ngắn ngày hoặc dài ngày cho các em được nghỉ ngơi, giải trí, du lịch tham quan;
Tổng Liên đoàn lao động, Bộ Giao thông và các cơ quan có trách nhiệm cần giúp đỡ
tổ chức tốt những trại nói trên.
Các xí nghiệp, các công ty mậu dịch, v.v. cần
nghiên cứu sản xuất những thứ cần thiết cho việc học tập, đời sống hàng ngày,
vui chơi giải trí của thiếu nhi. Hàng năm, mỗi ngành, mỗi cơ quan cần có phần phục
vụ thiếu nhi trong kế hoạch của mình.
Phải làm cho phụ huynh biết cách dạy dỗ con em,
tránh đánh mắng các em; kiên trì giáo dục các em theo nội dung và phương pháp mới,
thực hiện trách nhiệm làm cha, làm mẹ như Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định.
Các cơ quan tuyên truyền và báo chí có trách nhiệm tuyên truyền và hướng dẫn
thường xuyên về vấn đề này.
III- CẦN XÂY DỰNG TỔ CHỨC THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG
THẬT TỐT, ĐỂ LẤY ĐÓ GIÁO DỤC TOÀN THỂ CÁC EM
Lênin đã nói: "Tổ chức thiếu niên, nhi đồng
là biện pháp tốt nhất để giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho các em".
Nhà trường đóng vai trò chủ yếu trong việc giáo
dục cho các em, nhưng bên cạnh nhà trường cần có Đội thiếu niên. Nhà trường và
Đội theo đuổi một mục đích giáo dục duy nhất, nhưng phương pháp hoạt động có khác
nhau. Các đảng uỷ nhà trường cần làm cho nhà trường biết dựa vào Đội, tôn trọng
sự tự quản của Đội và Đội thì biết phục vụ thực sự cho nhiệm vụ giáo dục của
nhà trường. Ở các trường, các lớp sư phạm, phải dành thời giờ thích đáng cho
các giáo viên học tập công tác thiếu niên, nhi đồng để họ làm được nhiệm vụ vừa
là thày giáo, vừa là cán bộ phụ trách thiếu nhi; các phụ trách Đội thiếu niên cần
nghiên cứu, tìm hiểu, học tập các vấn đề thuộc về khoa sư phạm đối với các em.
Đội Thiếu niên Tiền phong là một tổ chức quần
chúng rộng rãi, nhưng hiện nay chưa phát triển theo đúng hướng đó. Còn rất nhiều
em chưa được vào Đội. Cần phát triển Đội mạnh mẽ hơn nữa, nhằm thu hút đông đảo
thiếu niên vào tổ chức. Đồng thời, phải làm cho sinh hoạt Đội vui tươi, hấp dẫn,
bổ ích, làm cho con em nhân dân lao động được đi sinh hoạt dễ dàng.
Các ngành, nhất là Bộ Giáo dục cần tích cực giúp
đỡ Đội phát triển. Bộ và Đoàn cần nghiên cứu để có những cán bộ được học ở các
trường sư phạm ra chăm lo công tác giáo dục các em trong Đội. Tiến tới ở mỗi
trường học lớn có cán bộ chuyên trách công tác Đội. Các giáo viên được cử làm
phụ trách Đội được dành thì giờ để hoạt động và được miễn bớt một số công tác
khác.
Đối với trẻ em từ 6 đến 9 tuổi, Ban Bí thư quyết
định thành lập "Đội Nhi đồng Tháng Tám", nhằm thu hút tất cả các em
vào tổ chức, dùng hình thức vui chơi, sinh hoạt nhẹ nhàng để giáo dục các em
quen với đời sống tập thể và chuẩn bị cho các em có thể trở thành đội viên thiếu
niên tiền phong.
Các cấp bộ Đảng, các cấp bộ Đoàn Thanh niên Lao
động và các ngành có liên quan phải chú ý hơn nữa đến tổ chức thiếu niên và tổ
chức nhi đồng, chăm lo giáo dục cho các em sau này có thể trở thành đoàn viên
thanh niên lao động.
IV- MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỔ CHỨC
Gần đây, một số cấp uỷ đảng đã chú ý đến công
tác thiếu nhi hơn trước, nhưng so với yêu cầu sắp tới thì còn phải tăng cường
hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thiếu niên, nhi đồng. Phải làm
cho cán bộ và nhân dân có nhận thức đúng đắn; đồng thời cần giải quyết một số vấn
đề về tổ chức cho thích đáng. Từ trước tới nay, chúng ta chưa có bộ phận nào có
đủ thẩm quyền để bàn bạc và quyết định một cách toàn diện về công tác thiếu
nhi. Cán bộ thiếu, ít được bồi dưỡng, không chuyên trách; phương tiện cũng rất
hạn chế. Nhiều nơi công tác thiếu nhi thường khoán trắng cho Đoàn Thanh niên.
Để đẩy mạnh công tác thiếu nhi, cần giải quyết một
số vấn đề về tổ chức:
1. Công tác thiếu niên nhi đồng phải do Đảng
lãnh đạo. Đoàn thanh niên, nhà trường, các cơ quan, đoàn thể tùy theo vị trí của
mình, phải đặt rõ trách nhiệm và kế hoạch công tác của mình.
2. Cần có một cơ quan chuyên trách về công
tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng một cách toàn diện. Vì vậy, Ban Bí thư quyết
định thành lập Uỷ ban Thiếu niên nhi đồng từ trung ương đến cấp huyện. Thành phần
uỷ ban gồm có các ngành chủ yếu như thanh niên, phụ nữ, giáo dục, văn hóa, công
đoàn... trong đó thanh niên giữ vai trò chủ chốt. Uỷ ban cấp nào có hiệu lực đối
với các ngành khác của cấp ấy và có chỉ đạo cấp dưới về mặt nghiệp vụ và kinh
nghiệm công tác thiếu niên, nhi đồng.
Ở xã, không có uỷ ban thiếu niên nhi đồng, nhưng
có Ban thiếu niên và Hội phụ huynh để chăm lo việc giáo dục thiếu nhi. Chi bộ
xã phải trực tiếp lãnh đạo.
3. Cần làm cho anh chị em phụ trách thiếu
nhi thấy rõ nhiệm vụ vẻ vang của mình trước Đảng, trước nhân dân để phấn khởi
công tác, phát huy hết tính tích cực của mình. Cần nghiên cứu chính sách đối với
các anh chị em này. Mặt khác, cần đào tạo thêm cán bộ trong những cán bộ, đoàn
viên thanh niên lao động tốt, những người đã từng sản xuất, những nhà giáo yêu
nghề và yêu trẻ. Chú ý đào tạo nhiều nữ thanh niên tốt thành cán bộ phụ trách
thiếu nhi. Chú ý bồi dưỡng về chính trị và nghiệp vụ cho anh chị em.
Về biên chế cán bộ chuyên trách công tác thiếu
nhi từ trung ương đến huyện cần được dành một số lượng thích đáng đủ bảo đảm
nhiệm vụ vừa phù hợp với tình hình biên chế chung; có thể ở Trung ương từ 10 đến
15 người, tỉnh từ 4 đến 7 người, huyện từ hai đến ba người tùy nơi lớn, nhỏ.
Các cấp uỷ và các ngành nghiên cứu kỹ Chỉ thị
này, liên hệ với những ưu điểm và thiếu sót trong thời gian qua, đặt kế hoạch
thi hành Chỉ thị và báo cáo kết quả về Ban Bí thư.
|
T/M BAN BÍ THƯ
Nguyễn Duy Trinh
|