THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
18/2001/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2001
|
CHỈ THỊ
VỀ
MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC
DÂN
Trong những năm gần đây, cùng với
sự phát triển kinh tế - xã hội, quy mô học sinh, sinh viên các cấp học, bậc học,
trình độ đào tạo đều tăng nhanh, đội ngũ nhà giáo phát triển, từng bước đáp ứng
nhu cầu học tập của nhân dân. Chất lượng của đội ngũ nhà giáo tuy có được nâng
lên, song còn nhiều bất cập. Giáo viên phổ thông vẫn thiếu về số lượng, không
phù hợp về cơ cấu, đặc biệt là thiếu nhiều giáo viên ở miền núi cao, hải đảo,
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Giảng viên giảng dạy ở
các trường đại học, cao đẳng tăng lên không đáng kể so với sự gia tăng quy mô học
sinh, sinh viên; nhiều ngành mới được mở để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền
kinh tế đang thiếu giảng viên; một số lượng lớn giáo sư, phó giáo sư chuẩn bị
nghỉ hưu; số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc không được biên chế vào đội
ngũ nhà giáo.
Để xây dựng đội ngũ giáo viên,
giảng viên (sau đây gọi chung là giáo viên) thực hiện phổ cập trung học cơ sở,
bảo đảm vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ, đào tạo nguồn
nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ
yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc
Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
thực hiện một số biện pháp cấp bách dưới đây:
1. Về xây dựng đội ngũ giáo viên
mầm non.
a) Biên chế giáo viên mầm non được
tập trung phân bổ cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,
các xã vùng núi cao, hải đảo để làm nòng cốt về chuyên môn, nghiệp vụ và quản
lý phát triển giáo dục mầm non của các địa phương này.
b) Tiếp tục thực hiện chủ chương
xã hội hoá phát triển sự nghiệp giáo dục mầm non; từng bước khắc phục tình trạng
bất hợp lý trong việc biên chế giáo viên mầm non hiện nay. Từ nay ở những nơi
có điều kiện kinh tế -xã hội phát triển như các thành phố, thị xã, thị trấn,
các địa bàn có khu công nghiệp tập trung, nhà máy, xí nghiệp chỉ tuyển giáo
viên mầm non làm việc theo cơ chế hợp đồng và chuyển dần chỉ tiêu biên chế dôi
ra do giải quyết chế độ để bổ sung cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn, những xã vùng núi cao, hải đảo và vùng nông thôn nơi còn thiếu
giáo viên mầm non theo quy định của Nhà nước.
c) Các cơ sở
giáo dục mầm non còn thiếu giáo viên theo quy định của Nhà nước thì thực hiện hợp
đồng giáo viên để giảng dạy. Giáo viên hợp đồng được hưởng tiền lương, các khoản
phụ cấp, chế độ bảo hiểm, học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ như giáo viên
trong biên chế; tiền lương, phụ cấp bảo hiểm được cân đối bằng nguồn thu học
phí và các khoản thu hợp pháp khác. Đối với những cơ sở mầm non công lập, bán
công ở nông thôn nếu nguồn thu nêu trên không đủ để chi trả lương và bảo hiểm
xã hội cho giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng thì phần còn thiếu được ngân
sách Nhà nước chi hỗ trợ thêm để bảo đảm lương của những giáo viên này không thấp
hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
2. Về xây dựng đội ngũ giáo viên
phổ thông.
a) Điều chỉnh,
sắp xếp và tuyển dụng mới để xây dựng đội ngũ giáo viên phổ thông đủ về số lượng,
đồng bộ về cơ cấu.
b) Việc tuyển giáo viên cho các
trường, lớp phổ thông công lập tiếp tục áp dụng theo định mức quy định tại Quyết
định số 243/CP ngày 28 tháng 6 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ)
về tổ chức bộ máy, biên chế của các trường phổ thông.
c) Các trường phổ thông công lập
còn thiếu biên chế được xét tuyển không phải qua thi tuyển công chức đối với những
sinh viên đã tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc có ngành đào tạo phù hợp để làm
giáo viên.
Trường công lập ở vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa
còn thiếu giáo viên nhưng nguồn tuyển không đủ, trước mắt được phép xét tuyển
vào biên chế không qua thi tuyển công chức đối với những người đủ tiêu chuẩn
quy định tại Điều 61, Điều 67 của Luật Giáo dục.
3. Về xây dựng đội ngũ giáo viên
các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
a) Đối với các cơ sở giáo dục
công lập:
- Được xét tuyển thẳng không phải
qua hình thức thi tuyển công chức đối với những sinh viên đã tốt nghiệp loại giỏi,
xuất sắc có ngành nghề đào tạo phù hợp để làm giáo viên;
- Trước mắt được giao đủ chỉ
tiêu biên chế giáo viên phù hợp với quy mô học sinh, sinh viên được tuyển theo
chỉ tiêu ngân sách nhà nước và các định mức giáo viên được quy định tại Quyết định
số 07-UB/LĐTL ngày 23 tháng 01 năm 1975 của ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ
Kế hoạch và Đầu tư) về tiêu chuẩn tính toán kế hoạch lao động tiền lương;
- Được giao đủ chỉ tiêu biên chế
giáo viên cho những ngành, nghề đào tạo mới mở theo yêu cầu của Nhà nước và phù
hợp với định mức quy định tại Quyết định số 07-UB/LĐTL nêu trên.
b) Từng cơ sở giáo dục đại học,
cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, nghề phải tự xây dựng và triển khai kế hoạch
dài hạn phát triển đội ngũ giáo viên; được áp dụng hình thức tuyển giáo viên
làm việc theo cơ chế hợp đồng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ sở.
c) Giáo viên hợp đồng có quyền lợi,
nghĩa vụ như giáo viên trong biên chế. Kinh phí chi trả lương, đóng bảo hiểm xã
hội cho giáo viên hợp đồng được sử dụng từ các nguồn thu hợp pháp của cơ sở
giáo dục.
4. Trách nhiệm của các cơ quan
quản lý Nhà nước.
a) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa
phương xây dựng và thực thực hiện kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo; chuẩn
hoá trình độ của đội ngũ nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục; khai thác tiềm
năng của hệ thống giáo dục quốc dân để đào tạo giáo viên phổ thông, đặc biệt là
việc đào tạo giáo viên cho những bộ môn còn thiếu nhiều;
- Chỉ đạo cải tiến nội dung,
chương trình, phương pháp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên;
- Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ
chức - Cán bộ Chính phủ cùng các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, bổ sung, điều
chỉnh các định mức về trường lớp, biên chế giáo viên, giảng viên, cán bộ quản
lý, cán bộ nghiệp vụ, nhân viên hành chính, định mức lao động cho phù hợp nội
dung, chương trình, kế hoạch giảng dạy ở các cấp học, bậc học, trình độ đào tạo.
b) Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức
- Cán bộ Chính phủ:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo
dục và Đào tạo, nghiên cứu xác định tỷ lệ giáo viên mầm non trong biên chế nhà
nước theo đặc điểm vùng, miền, mật độ dân cư để làm căn cứ điều chỉnh số lượng
biên chế giáo viên mần non;
- Hướng dẫn thực hiện; tiến hành
kiểm tra, thẩm định nhu cầu biên chế giáo viên của các địa phương, các Bộ,
ngành, tổ chức có trường trên cơ sở đó giao đủ số lượng chỉ tiêu biên chế giáo
viên cho các địa phương, các Bộ, ngành, tổ chức có trường.
c) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:
- Quy hoạch lại mạng lưới trường,
lớp công lập, ngoài công lập cho từng bậc học, cấp học, trình độ đào tạo phù hợp
với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Có kế hoạch và các giải pháp
tích cực để bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn trình độ theo quy định của Luật Giáo
dục; đào tạo giáo viên các bộ môn còn thiếu nhiều; sắp xếp lại đội ngũ giáo
viên, từng bước thực hiện điều chuyển giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu;
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch
biên chế, hợp đồng giáo viên hàng năm, 5 năm, báo cáo kết quả với Ban Tổ chức -
Cán bộ Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Tiếp tục đầu tư để tăng cường cơ
sở vật chất và các thiết bị dạy học, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên các
trường cao đẳng sư phạm địa phương;
- Dành ngân sách để bảo đảm thực
hiện các chính sách chế độ cho giáo viên theo quy định của nhà nước; hỗ trợ tiền
lương, bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non làm việc theo hợp đồng tại các cơ
sở giáo dục công lập và bán công ở nông thôn.
d) Các Bộ, ngành, tổ chức có trường
căn cứ vào các quy định tại Chỉ thị này để xây dựng kế hoạch biên chế giáo
viên, giảng viên hàng năm và kế hoạch 5 năm, gửi Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ
để thẩm định.
đ) Bộ Tài chính bố trí kinh phí
để thực hiện kịp thời các chính sách, chế độ đối với nhà giáo.
e) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện
tốt Chỉ thị này.