HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
153-CP
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 08 năm 1966
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC MẪU GIÁO NHẰM GIÁO DỤC TỐT CÁC CHÁU,GÓP
PHẦN GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ, PHỤC VỤ SẢN XUẤT VÀ CHIẾN ĐẤU CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Công tác mẫu
giáo (kể cả mẫu giáo và vỡ lòng) nhằm giáo dục trẻ em từ 3 đến 7 tuổi, bằng
cách tổ chức vui chơi mà giáo dục cho các những đức tính tốt, những tập
quán tốt, chăm sóc sức khỏe, tập cho các cháu vừa chơi vừa học, chuẩn bị cho
các cháu vào trường phổ thông. Giáo dục mẫu giáo tốt mở đầu cho một nền giáo dục
tốt.
Trường mẫu giáo phát triển rộng
khắp và vững chắc ở khắp nơi, có tác dụng to lớn bảo vệ sức khỏe của người mẹ,
giảm bớt gánh nặng gia đình cho chị em, giúp chị em vừa sản xuất, công tác vừa
tham gia các hoạt động khác, học tập và tiến bộ, hoàn thành các nhiệm vụ của phụ
nữ trong phong trào "3 đảm đang".
Lúc bình thường, công tác mẫu
giáo vốn là một khâu cần thiết và quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục
thế hệ trẻ, trong công cuộc giải phóng người phụ nữ. Đó là một biểu hiện sáng tỏ
của tính hơn hẳn của chế độ ta, của lòng thương yêu và săn sóc của Đảng, Nhà nước
và nhân dân ta đối với những mầm non đất nước. Ngày nay, trong sự nghiệp chống
Mỹ cứu nước, công tác mẫu giáo càng cần được coi trọng để bảo vệ tính mệnh và sức
khỏe của các cháu và tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ đảm đương những nhiệm vụ
ngày càng nặng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Mấy năm nay, sự nghiệp giáo dục
nói chung tiếp tục phát triển mạnh, nhưng công tác mẫu giáo phát triển chậm và
có nơi còn giảm sút. Đầu năm học 1965 - 1966, số trẻ em vào lớp mẫu giáo mới có
trên 14 vạn, bằng 8,21% số các cháu đến tuổi học mẫu giáo, như thế là một tỷ lệ
quá thấp. Ở một số địa phương, công tác mẫu giáo tốt, các trường mẫu giáo được
giữ vững và tiếp tục phát triển cả những khi khó khăn, là nhờ cấp ủy Đảng và
Chính quyền nhận thức được tầm quan trọng của các công tác mẫu giáo, quan tâm
lãnh đạo, dựa vào các ngành, các đoàn thể và lực lượng của nhân dân, ở nông
thôn thì dựa hẳn vào hợp tác xã. Những nơi ấy biết làm kế hoạch phát triển từng
bước các trường mẫu giáo, khéo vận động các gia đình gửi con đi học, giúp xây dựng
những cơ sở vật chất cần thiết cho trường và đặc biệt là thực hiện tốt chính
sách đối với giáo viên mẫu giáo. Trái lại, ở một số địa phương khác, công tác mẫu
giáo còn kém, các trường mẫu giáo có khi đã lập rồi lại tan, chính là vì thiếu
những nhân tố căn bản của thành công: thiếu sự nhận thức đúng đắn và quan tâm đầy
đủ của cấp ủy Đảng và Chính quyền đối với công tác mẫu giáo, thiếu sự phân công
rành mạch và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các đoàn thể, thiếu
chính sách thích đáng đối với giáo viên mẫu giáo và thiếu phát động lực lượng
nhân dân, ở nông thôn thì chưa dựa hẳn vào hợp tác xã để phát triển công tác mẫu
giáo.
Để đẩy mạnh công tác mẫu giáo
đúng với tầm quan trọng của nó trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước và xây dựng
chủ nghĩa xã hội, căn cứ vào những kinh nghiệm đã thu được trong mấy năm qua, Hội
đồng Chính phủ yêu cầu Ủy ban hành chính các cấp, yêu cầu các ngành, các đoàn
thể các cấp chú ý thực hiện nghiêm chỉnh những điểm sau đây:
1. Tăng cường
sự lãnh đạo và giúp đỡ của Đảng và Chính quyền đối với công tác mẫu giáo.
Đây là yếu tố quyết định để giữ
vững và phát triển phong trào mẫu giáo. Đảng ủy và chính quyền các cấp, cho đến
cấp xã, phải thực sự coi trọng công tác mẫu giáo, giải thích cho cán bộ, đảng
viên và cho quần chúng thông suốt ý nghĩa và tác dụng của công tác mẫu giáo, có
kế hoạch chỉ đạo phong trào, kiểm tra tình hình, uốn nắn lệch lạc, phổ biến những
kinh nghiệm tốt, phát hiện những điển hình tiên tiến để nêu gương cho mọi nơi học
tập và làm theo. Cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan, xí nghiệp, ở hợp tác xã cần có
thái độ tiêu biểu cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các cháu nhỏ, chỉ
đạo và giúp đỡ công tác mẫu giáo một cách nhiệt tình và thiết thực.
Cần chú ý phát triển công tác mẫu
giáo song song với việc phát triển các nhóm trẻ, bởi vì nếu không lập được nhóm
trẻ thì các em đến tuổi học mẫu giáo sẽ phải ở nhà trông em, và do đó trường mẫu
giáo không thể giữ vững được.
2. Phân công
và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các đoàn thể để đẩy mạnh công tác mẫu
giáo.
Trong phạm vi nhiệm vụ của mình
mỗi ngành, mỗi đoàn thể cần nghiêm chỉnh làm đúng phần việc đã được phân công
như sau:
1. Ngành giáo dục chỉ đạo
toàn bộ công tác mẫu giáo, đề ra phương hướng kế hoạch, chỉ tiêu phát triển
công tác mẫu giáo, tổ chức các trường, lớp mẫu giáo, xây dựng chương trình giảng
dạy, soạn và in sách giáo khoa, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên mẫu giáo, quản
lý giáo viên mẫu giáo về công tác, học tập và sinh hoạt, xây dựng đội ngũ cán bộ
quản lý công tác mẫu giáo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác mẫu giáo của
các cấp, sơ kết và tổng kết công tác mẫu giáo, biểu dương khen thưởng các giáo
viên mẫu giáo.
2. Ngành y tế phối hợp với
ngành giáo dục có trách nhiệm dạy cho giáo viên mẫu giáo những hiểu biết thường
thức về vệ sinh phòng bệnh cho các cháu, định kỳ kiểm tra sức khỏe cho giáo
viên mẫu giáo và các cháu, xây dựng nội quy vệ sinh phòng bệnh và tiêu chuẩn
cho trường lớp mẫu giáo.
3. Hội Liên hiệp phụ nữ
phối hợp với ngành giáo dục có trách nhiệm tổ chức các lớp mẫu giáo ở nông thôn,
vận động các bà mẹ cho con đi học mẫu giáo và đóng góp công sức xây dựng lớp mẫu
giáo, cùng với Đoàn thanh niên lao động và hợp tác xã lựa chọn, giới thiệu người
để đào tạo thành giáo viên mẫu giáo, xây dựng quan hệ tốt giữa giáo viên mẫu
giáo với các bà mẹ, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch phát
triển mẫu giáo, kiến nghị với chính quyền và hợp tác xã giải quyết những vấn đề
xây dựng các lớp mẫu giáo và thi hành chính sách, chế độ đối với giáo viên mẫu
giáo.
4. Công đoàn phối hợp với
ngành giáo dục có trách nhiệm tổ chức các lớp mẫu giáo ở cơ quan, xí nghiệp, vận
động công nhân, viên chức tham gia công tác mẫu giáo, phối hợp với Bộ Giáo dục
nghiên cứu, quy định các chính sách, chế độ đối với giáo viên mẫu giáo, theo
dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch mẫu giáo ở các cơ quan, xí nghiệp
của Nhà nước, cùng với cơ quan,xí nghiệp giải quyết các quyền lợi cho giáo viên
mẫu giáo.
5. Đoàn thanh niên phối hợp
với Hội Liên hiệp phụ nữ có trách nhiệm lựa chọn đoàn viên thanh niên tốt để
đào tạo thành giáo viên mẫu giáo, vận động thanh niên giúp đỡ các lớp mẫu giáo.
6. Ngành nông nghiệp phối hợp với ngành
giáo dục có trách nhiệm nghiên cứu và quy định chế độ thù lao và các chế độ
khác cho giáo viên mẫu giáo ở nông thôn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các
chế độ ấy.
7. Ngoài những ngành kể
trên trực tiếp liên quan đến công tác mẫu giáo, các ngành khác như ngành nội
thương, ngành văn hóa… đều phải thiết thực giúp đỡ công tác mẫu giáo.
8. Ở các cơ quan, xí nghiệp
và hợp tác xã, thủ trưởng cơ quan, giám đốc xí nghiệp, ban quản lý hợp tác xã
có trách nhiệm tổ chức và quản lý tốt các lớp mẫu giáo, thực hiện đầy đủ chính
sách đối với giáo viên mẫu giáo, xây dựng cơ sở vật chất cho các lớp mẫu giáo.
9. Các bộ, các ngành có
trách nhiệm đôn đốc các cơ sở thuộc Bộ mình, ngành mình tổ chức các trường, lớp
mẫu giáo và thi hành đầy đủ các chính sách đối với giáo viên mẫu giáo.
Ủy ban hành chính các cấp có
trách nhiệm lãnh đạo công tác mẫu giáo trong địa phương, kiểm tra, đôn đốc các
ngành hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra, chủ trì việc kiểm điểm và tổng kết công
tác mẫu giáo từng thời kỳ, khen thưởng những nơi làm tốt, phê bình những nơi
làm không tốt công tác mẫu giáo.
3. Phát huy
lực lượng quần chúng để đẩy mạnh công tác mẫu giáo.
Phải dựa vào lực lượng, của quần
chúng, tuyên truyền giải thích cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng
của công tác mẫu giáo, vận động các gia đình hăng hái gửi con đi học, vận động
toàn dân ủng hộ và giúp đỡ trường mẫu giáo. Quân đội chính quy, dân quân du
kích, thanh niên, phụ nữ, các cụ phụ lão, các anh chị em học sinh, mỗi giới, mỗi
người đều tùy khả năng mà làm những việc thiết thực giúp các cháu, các em ở trường
mẫu giáo.
4. Thực hiện
tốt chính sách đối với các giáo viên mẫu giáo và cán bộ mẫu giáo.
Giáo viên mẫu giáo là người mẹ
thứ hai của các cháu, gánh vác một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sức chịu đựng bền
bỉ, những cố gắng không mệt mỏi, lòng thương yêu sâu sắc đối với các cháu, giáo
viên mẫu giáo phải hiểu biết những kiến thức cần thiết để làm tốt công việc của
mình, giáo dục các cháu và chăm sóc sức khỏe của các cháu. Cho nên giáo viên mẫu
giáo phải có vị trí vẻ vang trong xã hội ta, phải được mọi người quý trọng và
yêu mến. Cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành phải có thái độ đúng đắn và hướng
dẫn dư luận xã hội ủng hộ và nâng đỡ giáo viên mẫu giáo, khích lệ tinh thần của
chị em. Đồng thời phải quan tâm giáo dục chị em về lòng mến trẻ, yêu nghề và
tinh thần phục vụ, thường kỳ bổ túc nghiệp vụ để nâng cao năng lực công tác cho
chị em.
Bộ Giáo dục, Bộ Nông nghiệp, Hội
Liên hiệp phụ nữ. Đoàn thanh niên, Tổng công đoàn cần phối hợp nghiên cứu, quy
định và hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách cụ thể nhằm đảm bảo những
quyền lợi tinh thần và vật chất cho giáo viên mẫu giáo để chị em yên tâm, phấn
khởi phục vụ lâu dài trong ngành. Phải tùy thời gian, trình độ và kinh nghiệm
trong công tác của mỗi người mà trả thù lao cho thích đáng.
Cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản
lý công tác mẫu giáo từ trung ương đến cấp xã, có chuyên môn giỏi và giàu kinh
nghiệm công tác, ở lâu trong ngành mẫu giáo.
Làm tốt công tác mẫu giáo và góp
phần phục vụ sự nghiệp chống mỹ cứu nước hiện nay, đồng thời chăm lo ngày mai của
đất nước. Theo tinh thần ấy, Hội đồng Chính phủ yêu cầu các cấp chính quyền,
các ngành và các đoàn thể nghiêm chỉnh thi hành chỉ thị này.
|
T.M HỘI ĐỒNG
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phạm Văn Đồng
|