UBND
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 11/2007/CT-UBND
|
Buôn Ma Thuột,
ngày 24 tháng 07 năm 2007
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP
LUẬT TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, DOANH NGHIỆP, TRƯỜNG HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Ngày 25/6/2001, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 17/2001/CT-UB về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh. Qua 6 năm thực hiện, công tác xây dựng, khai thác Tủ
sách pháp luật bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi
cho cán bộ chính quyền các cấp nghiên cứu, vận dụng pháp luật để phục vụ nhiệm
vụ chuyên môn; đồng thời giúp nhân dân tìm hiểu pháp luật, góp phần đáng kể
trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động mọi người sống và làm việc theo
pháp luật.
Hiện nay, 174/175 xã, phường, thị
trấn đã hoàn thành việc xây dựng Tủ sách pháp luật, với số lượng 21.964 đầu
sách pháp luật; có 36 sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể ở tỉnh cũng đã xây dựng
được 293 tủ sách, ngăn sách pháp luật với 9.435 đầu sách. Tuy nhiên, vẫn còn
rất nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, trường học chưa
chú trọng triển khai xây dựng Tủ sách, ngăn sách pháp luật (khối doanh nghiệp
chỉ mới có 05 tủ sách, khối trường học có 193 tủ sách). Sự chủ động tìm hiểu,
nghiên cứu các tài liệu pháp luật tại Tủ sách, ngăn sách của cơ quan, đơn vị,
địa phương còn hạn chế. Việc quản lý, khai thác tính năng, công dụng của Tủ
sách, ngăn sách pháp luật chưa đạt yêu cầu; có không ít đơn vị xây dựng Tủ
sách, ngăn sách pháp luật mang tính hình thức; công tác tuyên truyền về Tủ
sách, ngăn sách pháp luật còn hạn chế nên chưa thu hút được sự quan tâm của
đông đảo nhân dân... Nguyên nhân của tình trạng này là do lãnh đạo các cơ quan,
đơn vị chưa thực sự quan tâm, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tác dụng và hiệu quả
của việc xây dựng Tủ sách, ngăn sách pháp luật; cán bộ phụ trách Tủ sách, ngăn
sách pháp luật chưa nhiệt tình với công việc; nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc
trang bị, bổ sung các loại tài liệu cho Tủ sách, ngăn sách pháp luật còn khó
khăn...
Để khắc phục tình trạng trên, sớm đưa
Tủ sách, ngăn sách pháp luật thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy cho cán bộ,
nhân dân đến tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật; đồng thời thực hiện Thông tư liên
tịch số 02/2006/TTLT-BTP-BCA-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH-TLĐLĐVN ngày 07/6/2006 của Bộ Tư
pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương
binh - Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn việc xây dựng,
quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường
học; UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, doanh
nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố triển khai tốt những công việc sau:
1. Khẩn trương xây dựng Tủ sách, ngăn
sách pháp luật tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp mà nhà nước có cổ
phần chi phối trong phạm vi toàn tỉnh; khuyến khích thành lập Tủ sách, ngăn
sách pháp luật tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Hội đồng
quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp cần quán triệt và xác định
rõ vị trí, vai trò quan trọng của Tủ sách, ngăn sách pháp luật đối với đơn vị
mình quan tâm chỉ đạo triển khai các hoạt động liên quan đến việc xây dựng,
khai thác Tủ sách, ngăn sách pháp luật, bố trí cán bộ phụ trách Tủ sách, ngăn
sách pháp luật (có thể là cán bộ pháp chế, báo cáo viên pháp luật, cán bộ công
đoàn... của đơn vị).
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có
biện pháp chỉ đạo các trường học chưa có thư viện phải tiến hành xây dựng Tủ
sách pháp luật, đối với các trường học đã có thư viện thì thành lập Ngăn sách
pháp luật trong thư viện của trường.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nơi chưa
có Tủ sách, ngăn sách pháp luật phải sớm có kế hoạch thành lập Tủ sách, ngăn
sách pháp luật tại đơn vị mình (Việc xây dựng Tủ sách, ngăn sách pháp luật được
thực hiện theo Quy chế về xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật tại
cơ quan, tổ chức, đơn vị - ban hành kèm Quyết định số 08/2006/QĐ-UBND ngày
22/02/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
Đến hết quý I năm 2008 phải hoàn
thành việc xây dựng Tủ sách, ngăn sách pháp luật ở tất cả các cơ quan, tổ chức,
đơn vị, doanh nghiệp, trường học và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
2. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa
phương cần có biện pháp phù hợp để khuyến khích, vận động cán bộ, nhân dân chủ
động, tự giác tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu pháp luật tại Tủ sách, ngăn
sách pháp luật; đặt Tủ sách, ngăn sách pháp luật tại vị trí thuận tiện nhất cho
mọi người đến tìm đọc, tham khảo.
3. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã
xây dựng Tủ sách, ngăn sách pháp luật phải thường xuyên trang bị và bổ sung đầy
đủ các loại tài liệu pháp luật, nhất là các văn bản pháp luật mới ban hành và
tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu có hiệu quả nâng cao chất lượng
phục vụ cho bạn đọc.
4. Ngoài hoạt động phục vụ bạn đọc
của Tủ sách, ngăn sách pháp luật (đọc tại chỗ, cho mượn tài liệu), cần tổ chức
thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu sách, báo, tài liệu
trong Tủ sách, ngăn sách pháp luật như: Thông báo sách mới; Giới thiệu sách
pháp luật trong buổi sinh hoạt của đơn vị, trên hệ thống loa truyền thanh; Tổ
chức hội nghị bạn đọc; câu lạc bộ bạn đọc sách, báo pháp luật; Tổ chức cuộc thi
tìm hiểu pháp luật theo chuyên đề (căn cứ vào tài liệu hiện có của tủ sách pháp
luật)... nhằm thu hút đông đảo bạn đọc đến với Tủ sách, ngăn sách pháp luật,
nâng cao hiểu biết của cán bộ, nhân dân về các vấn đề pháp luật cụ thể.
Tăng cường luân chuyển, trao đổi sử
dụng sách theo mô hình: Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn - Điểm bưu điện
văn hóa xã; Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn - Thư viện huyện, thành phố:
Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn - Tủ sách, ngăn sách của lực lượng vũ
trang: Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn - Thư viện trường học... để mở
rộng phạm vi phục vụ của tài liệu pháp luật. Khai thác có hiệu quả Tủ sách,
ngăn sách pháp luật đã được trang bị và khắc phục tâm lý e ngại của một bộ phận
nhân dân khi đến Tủ sách pháp luật tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị
trấn đọc sách.
Triển khai thực hiện và vận dụng linh
hoạt hình thức túi sách pháp luật lưu động, gồm những loại tài liệu pháp luật
liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân, đặc biệt là các loại
sách hỏi đáp pháp luật, nhằm giúp bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có
điều kiện tiếp xúc và tìm hiểu pháp luật.
5. Sở Tư pháp hướng dẫn Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố: các cơ quan, tổ chức, đơn vị mở các lớp tập huấn, bồi
dưỡng nghiệp vụ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách, ngăn sách pháp luật;
hướng dẫn bổ sung tài liệu cho Tủ sách, ngăn sách pháp luật ở các cơ quan, đơn
vị địa phương.
Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao
động tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn
hóa - Thông tin, Sở Bưu chính - Viễn thông, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh,
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh thực hiện có hiệu quả Kế hoạch liên
ngành về việc phối hợp thực hiện Chương trình xây dựng và nâng cao hiệu quả
quản lý, khai thác Tủ sách, ngăn sách pháp luật.
Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, quản lý,
khai thác Tủ sách, ngăn sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố Buôn Ma Thuột có trách nhiệm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể
ở địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, khai
thác Tủ sách, ngăn sách pháp luật.
Đối với các huyện có đường biên giới
giáp Campuchia, cần chỉ đạo các xã biên giới phối hợp với các đơn vị công an,
quân đội ở địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác này, góp phần tuyên truyền
đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân
dân, duy trì ổn định đời sống và an ninh vùng biên giới.
7. Lãnh đạo các đơn vị, địa phương
thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc triển khai hoạt động xây dựng, quản lý và khai
thác Tủ sách, ngăn sách pháp luật của đơn vị mình; tiến hành kiểm tra, sơ kết,
tổng kết, báo cáo tình hình thực hiện với cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp và
Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp), theo định kỳ 6 tháng, hàng năm.
8. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa
phương đảm bảo kinh phí cho công tác xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách,
ngăn sách pháp luật; bố trí từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị
và có thể huy động từ các nguồn khác; sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả
theo Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính về hướng dẫn
việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp
luật và các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác này.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu thủ
trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện khẩn trương và
nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo
Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo giải quyết.
Nơi nhận:
- TTCP; (để báo cáo)
- Bộ Tư pháp; (để báo cáo)
- TT Tỉnh ủy; (để báo cáo)
- TT HĐND tỉnh; (để báo cáo)
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- CT, các P.CT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể ở tỉnh, DNNN; (để thực hiện)
- UBND các huyện, TP; (để thực hiện)
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Báo ĐắkLắk;
- VP UBND tỉnh: Lđ VP, các BP ngc;
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lữ Ngọc Cư
|