ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
04/2013/CT-UBND
|
Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 28 tháng 02 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ 5 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH BÀ RỊA — VŨNG TÀU
Chăm lo phát triển
giáo dục mầm non là trách nhiệm chung của các cấp ủy đảng, chính quyền, của mỗi
gia đình và toàn xã hội. Trẻ em được tiếp cận với giáo dục
mầm non sớm sẽ thúc đẩy quá trình học tập, phát triển về
thể chất, nhân cách, trí tuệ trong giai đoạn tiếp theo,
nhất là trẻ 5 tuổi - thời kỳ có tính quyết định để tạo
tiền đề phát triển toàn diện trong tương lai.
Thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
“Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn
2010-2015”; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số
1664/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2011 về thực hiện “Đề án phổ cập giáo dục mầm
non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011-2015”, bước đầu đã đạt một số kết quả: Huyện
Côn Đảo đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2011 theo Quyết
định số 1292/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu đúng kế hoạch; thành phố Bà Rịa đã hoàn thành hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định phổ
cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi
trên địa bàn.
Để tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm 2013
theo đúng nội dung Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về
phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm
2013 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Sở Giáo dục
và Đào tạo chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể và Ủy ban nhân dân
huyện, thành phố:
- Chỉ đạo xây dựng
kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Cụ
thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi trên địa bàn.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng về chủ
trương, mục đích, ý nghĩa của công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi,
nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực
của Tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Huy động tối đa trẻ em 5 tuổi đến các cơ sở giáo dục mầm non để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2
buổi/ngày, ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi vào học ở các trường mầm non công lập. Duy
trì, giữ vững và phát triển số trẻ dưới 5 tuổi đến lớp với nhiều hình thức,
phấn đấu 87% trẻ mẫu giáo ra lớp năm 2013.
- Chỉ đạo thực hiện chương trình giáo
dục mầm non mới, đổi mới nội dung, phương pháp nhằm nâng
cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, 100% các cơ sở giáo dục mầm non; lớp 5 tuổi thực hiện chương trình giáo dục
mầm non mới và đánh giá trẻ theo bộ chuẩn 5 tuổi; đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng
(chiều cao và cân nặng) xuống dưới 5%.
- Triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng lồng ghép trong chương
trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non. Tiến hành kiểm
tra, giám sát công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục
mầm non, lớp mầm non 5 tuổi theo các mục tiêu phổ cập; phổ biến kiến thức, kỹ
năng chăm sóc, giáo dục tại gia đình.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng đội
ngũ giáo viên và cán bộ quản lý mầm non. Tăng cường năng
lực của các trường sư phạm, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non đủ về số
lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu phổ cập và đổi mới giáo dục mầm non.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố có trách nhiệm:
- Xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa mục
tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, tổ
chức thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5
tuổi trên địa bàn.
- Tuyên truyền, vận động trong cộng
đồng dân cư trên địa bàn nhằm huy động hết số trẻ 5 tuổi đến lớp.
- Quan tâm phát triển mạng lưới cơ sở
giáo dục mầm non, xây dựng đủ phòng học, đảm bảo thuận tiện cho trẻ đến trường;
Ưu tiên đầu tư vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa theo hướng xây dựng kiên cố, đạt chuẩn quốc gia.
- Bảo đảm 100% cơ sở giáo dục mầm non được trang bị máy vi tính và được kết nối mạng Internet;
trong năm 2013 trang bị bộ thiết bị tối thiểu và bộ thiết bị nội thất dùng
chung cho 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi.
- Thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu phổ cập và thực hiện
chương trình giáo dục mầm non mới.
- Bảo đảm ngân sách nhà nước chi
thường xuyên cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập, để thực
hiện hoạt động chăm sóc giáo dục và thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ
5 tuổi; Chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ quản lý,
giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn theo quy định.
- Huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
quản lý, giáo viên và tổ chức suất ăn công nghiệp cho trẻ em ở vùng khó khăn,
nhằm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
- Hàng năm, đưa chỉ tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: Đưa kết quả
thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào tiêu
chuẩn bình xét, đánh giá các cấp chính quyền, bình xét gia đình, đơn vị đạt
chuẩn văn hóa theo qui định hiện hành.
3. Giám đốc các Sở, Ngành liên quan
có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành
phố triển khai, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục
mầm non cho trẻ 5 tuổi.
4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
và các Đoàn thể của tỉnh phối hợp với ngành giáo dục đào tạo, Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố có kế hoạch hưởng ứng và tham gia tổ chức tuyên truyền,
vận động đoàn viên, hội viên các cấp và các tầng lớp nhân
dân trong tỉnh tích cực thực hiện Chỉ thị này.
5. Báo, Đài phát thanh và Truyền hình
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các đơn vị trường
học tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho
trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh.
6. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo (cơ
quan thường trực Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục của tỉnh) theo dõi, đôn đốc,
kiểm tra và tổng hợp kết quả triển khai, thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 6
tháng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày,
kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Bộ Giáo dục Đào tạo;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TTrTU; TTrHĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- UBMTTQVN tỉnh và các Đoàn thể;
- Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành;
- Báo Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, Phó VP.UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo và Tin học;
- Lưu VT-TH.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Dũng
|