THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
03/2000/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 1 năm 2000
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ, VUI CHƠI, GIẢI TRÍ CHO TRẺ EM
Sau gần 10 năm thực hiện Luật
Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật phổ cập Giáo dục tiểu học và Chương
trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 1991- 2000, sự nghiệp bảo vệ, chăm
sóc, giáo dục trẻ em nói chung, chăm sóc đời sống văn hoá, vui chơi, giải trí
cho trẻ em nói riêng đã có nhiều tiến bộ cả về nhận thức, tổ chức và kết quả
thực hiện. Tuy nhiên, nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng cao, vùng sâu, vùng
xa, vùng đặc biệt khó khăn, còn thiếu cơ sở, trang thiết bị để tổ chức các hoạt
động văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em; nội dung và hình thức hoạt động
đơn điệu, kém hấp dẫn, chưa phù hợp và đáp ứng được yêu cầu. Trên thị trường
còn lưu hành một số sản phẩm văn hoá và đồ chơi trẻ em có ảnh hưởng xấu đến
giáo dục nhân cách, sức khoẻ của trẻ em và ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã
hội. Có tình trạng trên, một phần là do còn khó khăn về kinh tế, mặt khác cũng
do sự quan tâm chưa đầy đủ của các ngành, các cấp, các đoàn thể, nhà trường,
gia đình và xã hội đối với các hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí của trẻ em.
Để thực hiện tốt hơn Luật Bảo
vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật Giáo dục và thực hiện thắng lợi Chương
trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp
hành Trung ương Đảng khoá VIII, nhằm tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng
đạo đức, tri thức, sức khoẻ và thẩm mỹ, hình thành nhân cách và nâng cao không
ngừng phẩm chất tốt đẹp cho trẻ em Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1- Bộ Văn hoá, thông tin:
a) C hủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp: xây dựng quy hoạch tổng thể và
chính sách hỗ trợ phát triển các cơ sở văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em
để trình Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ làm công tác văn
hoá cơ sở; hướng dẫn nội dung hoạt động văn hoá - thông tin phục vụ trẻ em trên
mọi địa bàn, đặc biệt là ở cơ sở, theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và
pháp luật của nhà nước.
b) Tăng cường quản lý và kiểm
tra các hoạt động kinh doanh các sản phẩm văn hoá và dịch vụ văn hoá, nhằm ngăn
chặn việc kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ văn hoá có ảnh hưởng xấu đến nhân
cách, sức khoẻ của trẻ em.
2- Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Cùng với các Bộ, ngành có
liên quan chỉ đạo các Viện nghiên cứu khoa học, các Trường đại học trực thuộc,
nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất đồ chơi trẻ em phù hợp với tâm lý,
sinh lý trẻ em, bảo đảm mục tiêu giáo dục, giữ gìn truyền thống và bản sắc văn
hoá dân tộc Việt Nam.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn
hoá, thông tin chỉ đạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy mỹ học
cho trẻ em.
3- Bộ Công nghiệp chủ trì, phối
hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu chính sách và chỉ đạo phát triển
công nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em, ban hành tiêu chuẩn đồ chơi trẻ em phù hợp
với yêu cầu giáo dục cho từng lứa tuổi.
4- Bộ Thương mại chủ trì, phối
hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện đúng các quy định về quản lý nhà nước
đối với một số sản phẩm văn hoá và đồ chơi cho trể em nêu tại Nghị định số
11/1999/NĐ-C P ngày 03 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ về hàng hoá cấm lưu
thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hoá, dịch vụ thương mại hạn chế
kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.
5- Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp
với Uỷ ban bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam và các cơ quan có liên quan tăng
cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến việc
bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
6- Uỷ ban Thể dục, Thể thao chủ
trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các đoàn thể nhân dân và các tổ
chức xã hội đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao trong thanh niên, thiếu niên
và đào tạo tài năng thể thao trẻ.
7- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương:
a) Xây dựng quy hoạch phát triển
các khu hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí. thể dục thể thao gắn với các khu
dân cư và các trường học trong quy hoạch phát triển ở địa phương;
b) Huy động mọi nguồn lực và đẩy
mạnh xã hội hoá để đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp đồng bộ các cơ sở văn hoá,
vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho trẻ em ở các địa phương; ưu tiên các
vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào các dân
tộc thiểu số;
c) Thực hiện chính sách ưu đãi
sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật để xây dựng nhà thiếu nhi, khu vui
chơi, giải trí, thể dục thể thao cho trẻ em;
đ) Chủ trì, phối hợp với Mặt trận
Tổ quốc và các đoàn thể xã hội chỉ đạo phát triển đa dạng các hoạt động văn
hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hoá".
8- Đề nghị Trung ương Đoàn thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động vui chơi, giải trí
trong hệ thống nhà thiếu nhi; chỉ đạo tổ chức lực lượng phụ trách vui chơi,
giải trí cho thiếu nhi ở cơ sở;
9- Khuyến khích các đơn vị thuộc
mọi thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và các cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở
văn hoá, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho trẻ em, theo chính sách ưu
đãi của Đảng và nhà nước.
10- Các cơ quan thông tin đại
chúng dành thời lượng thích đáng với nội dung và hình thức phù hợp cho các
chương trình phục vụ trẻ em; chú trọng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt,
điển hình tiên tiến trong các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
tuyên truyền, phổ biến các hình thức vui chơi, giải trí, các sản phẩm văn hoá,
đồ chơi có ích cho sự phát triển về trí thức, đạo đức, thẩm mỹ của trẻ em.
11- Uỷ ban Bảo
vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam chủ trí, phối hợp với Bộ Văn hoá, thông tin và
Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh theo dõi, kiểm tra việc thực
hiện Chỉ thị này, hàng năm báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ tưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.