BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO
TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số: 93/BC-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 23
tháng 02 năm 2009
|
BÁO CÁO
TÌNH
HÌNH KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIÊN CỐ HÓA TRƯỜNG, LỚP HỌC VÀ NHÀ CÔNG
VỤ GIÁO VIÊN
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày
01-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiên cố hoá trường lớp học
và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối
hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung
ương tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên phạm vi toàn quốc. Bộ Giáo dục và
Đào tạo xin báo cáo về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Đề án từ ngày
tổ chức Hội nghị triển khai Đề án (ngày 2-4-2008) đến 15- 02-2009 như sau:
I/. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Đối với Ban Chỉ
đạo và các Bộ, ngành ở Trung ương:
Đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án ở Trung ương
theo Quyết định số 288/2008/QĐ-TTg ngày 14-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Các
Bộ, ngành liên quan đã cử người tham gia Ban Chỉ đạo, bộ phận thường trực Ban
Chỉ đạo Đề án và triển khai nhiệm vụ thuộc trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ
giao.
1.1. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Ban hành các văn bản: Công văn
2096/BGDĐT-KHTC ngày 14-3-2008 hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án Kiên cố
hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012; Công văn số
5313/BGDĐT-CSVCTBĐCTE ngày 17-6-2008 về việc thông báo kế hoạch thực hiện Đề án
cả giai đoạn 2008-2012 và số vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ năm 2008 cho các
địa phương; Công văn số 7602/BGDĐT-CSVCTBĐCTE ngày 20-8-2008 về việc đẩy nhanh
tiến độ thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên; Công
văn số 7827/BGDĐT-CSVCTBĐCTE ngày 25-8-2008 gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ
quốc Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; Công văn
8893/BGDĐT-CSVCTBĐCTE ngày 25-9-2008 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành
phố về việc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát việc thực
hiện Đề án tại các địa phương; Công văn số 9415/BGDĐT-CSVCTBĐCTE ngày 8-10-2008
hướng dẫn các địa phương thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; Công văn số
11936/BGDĐT-CSVCTBĐCTE ngày 31-12-2008 lưu ý các địa phương thực hiện Đề án
theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục
và Đào tạo, đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng và các yêu cầu của Đề án.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn
bị nội dung để Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề án Kiên cố
hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 với đại diện
lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành Trung ương vào ngày
02-4-2008;
- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư xây dựng phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008 hỗ
trợ các địa phương thực hiện Đề án (Ngày 28-5-2008 Thủ tướng Chính phủ đã ký
Quyết định số 68/2008/QĐ-TTg về việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008 hỗ
trợ các địa phương thực hiện Đề án, với số tiền là: 3.775,6 tỷ đồng); Lập
phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương thực
hiện Đề án năm 2009 và dự kiến kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ cả giai đoạn
2008-2012 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
- Cùng với các Bộ, ngành liên quan biên soạn
tài liệu và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện Đề
án của các địa phương theo 3 khu vực (Bắc, Trung, Nam): Tại tỉnh Bắc Giang, tỉnh
Thừa Thiên Huế và thành phố Cần Thơ;
- Cùng với những văn bản hướng dẫn, Bộ Giáo
dục và Đào tạo đã có công văn giải đáp kịp thời những vấn đề liên quan đến việc
triển khai thực hiện Đề án của một số địa phương, giúp các địa phương triển
khai đúng theo tinh thần Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01-02-2008 của Thủ
tướng Chính phủ;
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm
tra thí điểm tại 3 tỉnh: Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang; Tiếp đó tổ chức nhiều
đoàn kiểm tra tại 31 tỉnh về tình hình tổ chức triển khai thực hiện Đề án: Rà
soát danh mục, số lượng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên các địa phương
đã báo cáo tại thời điểm cuối năm 2007; Tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân
nguồn vốn trái phiếu Chính phủ;
- Chuẩn bị nội dung để Văn phòng Chính phủ tổ
chức họp giao ban trực tuyến với đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các
Bộ, ngành liên quan về tình hình thực hiện Đề án (vào ngày 8-10-2008 và ngày
21-11-2008);
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình
Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặc thù lựa chọn hình thức thầu đối với các dự án
thuộc Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn
2008-2012 (Ngày 10/02/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 202/QĐ-TTg về
lựa chọn hình thức thầu đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc Đề án Kiên cố
hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012).
1.2. Bộ Tài chính:
- Ban hành Thông tư 46/2008/TT-BTC ngày
06-6-2008 hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn thực hiện Đề án Kiên cố
hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012; Công văn
2076/KBNN-TTVĐT ngày 16-10-2008 về việc kiểm soát, thanh toán nguồn vốn thực
hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn
2008-2012.
- Cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn
tài liệu và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện Đề
án của các địa phương;
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư xây dựng phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ
trợ các địa phương thực hiện Đề án năm 2008, 2009 và dự kiến kế hoạch cả giai
đoạn 2008-2012;
- Tham gia kiểm tra tình hình triển khai thực
hiện Đề án của một số địa phương.
1.3. Bộ Xây dựng:
- Ban hành công văn số 24/BXD-KHCN ngày
07-3-2008 về việc hướng dẫn áp dụng thiết kế mẫu trường, lớp học và các tiêu
chí xây dựng nhà công vụ giáo viên phục vụ Đề án;
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện Đề án của các địa
phương;
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây
dựng bộ thiết kế mẫu nhà công vụ cho giáo viên (sử dụng cho các xã vùng sâu,
vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện
miền núi ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, các xã có nhiều đồng báo
dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khác), đã ban hành tháng
10-2008 và gửi cho các địa phương (Quyết định số 13/2008/QĐ-BXD ngày 23-10-2008);
- Tham gia kiểm tra tình hình triển khai thực
hiện Đề án của một số địa phương.
1.4. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Ban hành công văn số 1153/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày
31-3-2008 về việc bảo đảm quỹ đất để thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp
học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012;
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện Đề án của các địa
phương;
- Tham gia kiểm tra tình hình triển khai thực
hiện Đề án của một số địa phương.
2. Đối với UBND các
tỉnh, thành phố trực thuộc TW:
2.1. Thành lập Ban Chỉ đạo Đề án các cấp và ban
hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của các thành viên trong Ban Chỉ đạo
Đề án; Tổ chức quán triệt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản
hướng dẫn thực hiện Đề án của các Bộ, ngành liên quan đối với cán bộ chủ chốt
của địa phương; Ban hành văn bản hướng dẫn các huyện (quận), các ban quản lý dự
án và chủ đầu tư thực hiện Đề án.
2.2. Tiến hành kiểm tra, rà soát lại danh
mục, số lượng phòng học 3 ca, phòng học tạm thời các loại và nhà công vụ giáo
viên (theo mục tiêu ghi trong Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01-02-2008 của
Thủ tướng Chính phủ) đã báo cáo theo yêu cầu và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
2.3. Lập kế hoạch triển khai Đề án năm 2008 và
cả giai đoạn 2008-2012, báo cáo HĐND và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
phê duyệt. Đến nay đã có 51/59 tỉnh, thành phố hoàn thành việc lập và phê duyệt
kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể giai đoạn 2008-2012 và năm 2008.
2.4. Các tỉnh, thành phố thuộc đối tượng thực
hiện Đề án (59/59 tỉnh) đã có Quyết định phê duyệt phương án phân bổ nguồn vốn
Trung ương hỗ trợ năm 2008 cho các chủ đầu tư, các dự án, với số vốn là 3.726
tỷ đồng/ 3.775,6 tỷ đồng.
2.5 Lập và báo cáo danh sách đăng ký nhu cầu
sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ thực hiện Đề án năm 2009 (48/59
tỉnh), còn 11 tỉnh chưa gửi báo cáo đăng ký nhu cầu vốn.
II/. TÌNH HÌNH TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG:
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố, kết quả và tiến độ thực hiện Đề án như sau:
1. Về khối lượng công
trình thực hiện:
1.1. Số công trình các tỉnh báo cáo và cam
kết khởi công trước ngày 31/12/2008 là hơn 29.000 phòng học và hơn 10.000 phòng
công vụ giáo viên.
1.2. Tổng số phòng học và nhà công vụ giáo viên
triển khai thực hiện đến 15/02/2009 là 35.156 phòng học và 10.711 nhà công vụ
giáo viên. Trong đó:
- Số phòng đã hoàn thành là 4.203 phòng học
và 1.024 phòng công vụ GV;
- Số phòng đang xây dựng là 13.836 phòng học
và 4.041 phòng công vụ GV;
- Số phòng đã hoàn thành thủ tục đang chuẩn
bị khởi công xây dựng là 4.667 phòng học và 1.593 phòng công vụ giáo viên;
- Số phòng đang làm thủ tục phê duyệt đầu tư
và đấu thầu là 12.450 phòng học và 4.053 phòng công vụ giáo viên.
2. Giải ngân nguồn
vốn Trung ương hỗ trợ:
Quyết định số 68/2008/QĐ-TTg ngày 28-5-2008
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ hỗ
trợ các địa phương thực hiện Đề án năm 2008 là 3.775,6 tỷ đồng. Đến ngày 15-02-2009,
các địa phương báo cáo đã huy động, phân bổ cho các chủ đầu tư, các dự án là 5.467,4
tỷ đồng, trong đó:
- Số vốn trái phiếu Chính phủ là: 3.643,2 tỷ
đồng, đạt 99%;
- Số vốn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện)
là: 1402,2 tỷ đồng;
- Số vốn huy động khác là: 422 tỷ đồng.
Tiến độ giải ngân theo báo cáo của Kho bạc
Nhà nước đến ngày 15-02-2009 là 2.326,4 tỷ đồng, trong đó:
+ Vốn trái phiếu Chính phủ là 2.055,2 tỷ
đồng, đạt tỷ lệ 54,4 % so với kế hoạch;
+ Vốn ngân sách địa phương là: 46,1 tỷ đồng;
+ Vốn huy động khác là: 225,1 tỷ đồng
Qua kiểm tra thực tế ở một số địa phương và
báo cáo của các địa phương đến 15 tháng 02 năm 2009, tiến độ triển khai thực
hiện Đề án ở các địa phương là không đồng đều:
- Các tỉnh có tiến độ thực hiện và giải ngân
trên 70% so với kế hoạch năm 2008 là: Hải phòng, Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ, Bắc
Giang, Quảng Ninh, Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Định, Bình Thuận, Sóc
Trăng, Kiên Giang.
- Các tỉnh triển khai chậm là: Hải Dương,
Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Cao Bằng, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái nguyên,
Điện Biên, Sơn La, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình
Phước, Tây Ninh, Cần Thơ, Bạc Liêu.
3. Một số nhận xét:
3.1. Về công tác tổ chức, chuẩn bị:
Thực hiện Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày
01-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã khẩn trương thực hiện:
- Thành lập Ban chỉ đạo Đề án, xây dựng quy
chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo của địa
phương.
- Tổ chức kiểm tra rà soát lại danh mục, xây
dựng kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể và từng năm; Lập phương án phân bổ vốn
Trung ương hỗ trợ năm 2008.
Tuy nhiên cũng có những địa phương thiếu chủ
động trong việc tổ chức triển khai thực hiện, còn có sự chờ đợi vào sự chỉ đạo,
hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, dẫn đến tiến độ triển khai chậm.
3.2. Về danh mục và số lượng công trình đã
được triển khai:
Về cơ bản các địa phương phê duyệt danh mục
đúng số liệu báo cáo năm 2007 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên
cũng có một số địa phương báo cáo chưa đúng với mục tiêu, đối tượng của Đề án
quy định trong Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01-02-2008 của Thủ tướng Chính
phủ và tiêu chí hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã
kịp thời nhắc nhở và chấn chỉnh.
3.3. Về phân bổ:
Căn cứ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ
các địa phương thực hiện Đề án năm 2008 (theo Quyết định số 68/2008/QĐ-TTg ngày
28-5-2008 của Thủ tướng Chính phủ), hầu hết các địa phương phân bổ đúng mục
tiêu, đối tượng. Tuy nhiên có một số tỉnh, thành phố triển khai phân bổ nguồn
vốn này còn chậm và phân bổ chưa đúng danh mục báo cáo, phân bổ mang tính bình
quân.
III/. NHỮNG KHÓ KHĂN,
VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI:
Qua kiểm tra tình hình thực tế, các địa
phương đều phản ánh việc triển khai thực hiện Đề án có những khó khăn, vướng
mắc trong quá trình thực hiện là:
1. Về thủ tục đầu tư, các công trình xây dựng
trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên thuộc Đề án phải thực hiện theo những
quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng: Với nhiều văn bản
bổ sung, điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện, các địa phương phải nghiên cứu vận
dụng cho phù hợp với thực tế. Thủ tục đầu tư xây dựng phải thực hiện theo đúng
trình tự quy định, mất nhiều thời gian chuẩn bị và trình duyệt. Để đẩy nhanh
tiến độ thực hiện Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ, ngành
liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế chỉ định thầu đối với các
dự án xây dựng trường học thuộc Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công
vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 (ngày 10/02/2009 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết
định số 202/QĐ-TTg về lựa chon hình thức đấu thầu đối với các dự án đầu tư xây
dựng thuộc Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn
2008-2012).
2. Giá cả nguyên vật liệu xây dựng biến động
liên tục, gây nhiều khó khăn trong việc lập dự toán, xác định giá dự thầu và
quyết định giá trúng thầu, trình duyệt và thực hiện phải bổ sung, điều chỉnh
nhiều lần.
3. Đề án được thực hiện bằng nhiều nguồn vốn
(trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ là hỗ trợ), do đó các tỉnh miền
núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, việc huy động các nguồn vốn đối ứng
của địa phương để bù vào phần còn thiếu là rất khó khăn.
4. Đề án triển khai đồng thời trên phạm vi
rộng, với quy mô lớn, nhiều địa phương thiếu đơn vị tư vấn làm các thủ tục đầu
tư và đơn vị thi công có đủ năng lực về tài chính và cán bộ kỹ thuật (đặc biệt
là cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ giám sát thi công). Các đơn vị thi công không
tích cực tham gia dự thầu các công trình ở các xã vùng sâu, vùng xa do điều
kiện thi công khó khăn.
5. Năm 2008, năm đầu triển khai thực hiện Đề
án, các địa phương phải làm nhiều công việc chuẩn bị như: Thành lập Ban chỉ đạo
các cấp, tổ chức kiểm tra, rà soát lại danh mục và số lượng phòng học, nhà công
vụ giáo viên cần xây dựng; Xây dựng kế hoạch triển khai cả giai đoạn 2008-2012,
thông qua Hội đồng nhân dân và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt;
Huy động các nguồn vốn của địa phương, ...
Những khó khăn, vướng mắc trên đây đồng thời
cũng là nguyên nhân làm cho tiến độ triển khai thực hiện Đề án của các địa
phương chậm.
IV/. NHỮNG CÔNG VIỆC
CẦN TRIỂN KHAI TIẾP TRONG THỜI GIAN TỚI:
1. Các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế
hoạch, phê duyệt danh mục đầu tư xây dựng năm 2009, ưu tiên đối với 61 huyện
nghèo (gồm 797 xã và thị trấn) thuộc 20 tỉnh (theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP
ngày 27/12/2008 của Chính phủ); Khẩn trương phân bổ vốn cho các chủ đầu tư, các
dự án đầu tư xây dựng sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ
vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án năm 2009.
2. Các địa phương khẩn trương hoàn tất các
thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đối với các đơn vị tư vấn,
đơn vị xây dựng, giải quyết đất đai và khởi công xây dựng hết các công trình
thuộc kế hoạch năm 2008 trong quý I năm 2009, quyết toán dứt điểm các công
trình đã hoàn thành; Đồng thời chủ động làm các thủ tục đầu tư để sớm khởi công
xây dựng các công trình thuộc kế hoạch năm 2009.
3. Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương cần
tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về tiến độ, chất lượng công trình, quản
lý và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ).
V/. KIẾN NGHỊ:
1. Với Chính phủ:
Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ
sung thêm danh sách các tỉnh có nhu cầu về chỉ định thầu đối với các dự án đầu
tư xây dựng ở vùng khó khăn thuộc Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công
vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 được áp dụng theo Quyết định số 202/QĐ-TTg
ngày 10/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp nhu
cầu các tỉnh xin bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, Quyết định.
2. Với các địa phương:
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cộng
đồng về tiến độ, chất lượng công trình và quản lý sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt
là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ) đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng và
đáp ứng yêu cầu theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01-02-2008 của Thủ tướng
Chính phủ.
- Ban Chỉ đạo Đề án các tỉnh, thành phố cần
thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Đề án với
Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo định kỳ hàng tháng, 3
tháng, 6 tháng, 9 tháng và hàng năm đã ghi trong Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg
ngày 01-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ và công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục
và Đào tạo (tại công văn số 9415/BGDĐT-CSVCTBĐCTE ngày 8-10-2008).
Bộ Giáo dục và Đào tạo xin trân trọng báo cáo
Thủ tướng Chính phủ.
Nơi nhận:
-
Như kính gửi;
- PTT - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường;
- Ủy ban nhân dân và Sở GDĐT các tỉnh, TP trực thuộc TW (gửi qua mạng);
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH;
- Ủy ban Văn hóa Giáo dục TN, TN&NĐ của QH;
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT. Cục CSVCTBĐCTE.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Vũ Luận
|