Kính gửi: Quốc
hội
I. Những bất hợp lý của cơ chế
tài chính giáo dục mà đề án phải giải quyết
Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009 - 2014
trình Quốc hội đã phân tích sâu và chỉ rõ 8 tồn tại của cơ chế tài chính giáo dục
hiện nay và đó cũng chính là các bất hợp lý mà đề án phải giải quyết nhằm đạt
được 2 mục tiêu tổng quát của Đề án. Để có thể đánh giá tác động của Đề án khi
được triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo xin báo cáo Quốc hội thêm về các bất hợp
lý trong cơ chế tài chính giáo dục hiện nay như sau:
1. Ngành
giáo dục không có điều kiện đánh giá hiệu quả chi của nhà nước cho giáo dục,
các cơ quan quản lý giáo dục và nhân dân không đánh giá được chất lượng giáo dục
trong tương quan với chi của nhà nước và người dân cho giáo dục, nhất là đào tạo
nghề nghiệp:
- 74% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục do các
UBND tỉnh quản lý, 21 % do các Bộ ngành khác quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ
quản lý 5%. Không có quy định về chế độ báo cáo sử dụng ngân sách cho giáo dục
do các địa phương và Bộ ngành khác quản lý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Các trường không công khai cam kết chất lượng
giáo dục, không công bố đánh giá thực tế chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục,
không công bố nguồn lực thực tế của nhà trường phục vụ đào tạo (giáo viên, cơ sở
vật chất, chương trình đào tạo …), không công khai tài chính của nhà trường để
nhà nước và người dân dễ dàng kiểm tra, giám sát.
2. Trách
nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về việc sử dụng kinh phí cho giáo dục từ
ngân sách và của người dân (qua học phí) sao cho hiệu quả, góp phần nâng cao chất
lượng và mở rộng quy mô giáo dục là không rõ ràng. Người đứng đầu cơ sở giáo dục
nếu sử dụng kinh phí giáo dục không hiệu quả, không quan tâm thoả đáng đến yêu
cầu nâng cao chất lượng giáo dục, hầu như không bị chế tài gì. Cơ quan quản lý
nhà nước các cấp, nếu phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục không
hợp lý, không giám sát được hiệu quả chi cho giáo dục, thực tế hầu như không bị
chế tài gì.
3. Trong
10 năm qua từ năm 1999 - 2008:
- Tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người ở nước
ta tăng 4,7 lần (tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người năm 1999 là 3,6 triệu
đồng/người/ năm, năm 2008 là 17 triệu đồng/người/năm).
- Lương tối thiểu theo quy định của nhà nước tăng
1,86 lần (năm 1998 là 290.000 đ/người/tháng, năm 2008 là 540.000 đ/ người/
tháng).
- Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tăng 5,8 lần
(ngân sách giáo dục năm 1999 là 14.000 tỷ đồng, năm 2008 là 81.400 tỷ đồng).
- Quy mô học sinh học nghề, trung cấp chuyên nghiệp,
sinh viên cao đẳng, đại học tăng 2,3 lần (năm 1998 có 1,84 triệu học sinh học
nghề, sinh viên, năm 2008 là 4,3 triệu).
- Chỉ số giá cả tiêu dùng tăng gấp 2 lần (1 triệu đồng
của năm 2008 có sức mua hàng chỉ tương tương 500.000 đ năm 1998).
Nhưng khung học phí 10 năm không thay đổi dẫn đến hậu
quả tổng nguồn lực của đất nước huy động cho giáo dục đào tạo vẫn rất hạn chế, ảnh
hưởng đến chất lượng đào tạo, gây bất hợp lý thêm trong hệ thống giáo dục:
- Năm 2006, chi bình quân cho 1 học sinh, sinh viên
ở nước ta là 723 USD (quy đổi sức mua tương đương), chỉ bằng 1/4 của Thái Lan
(3.170 USD) và Malaysia (3.031 USD), bằng 1/8 của Hàn Quốc (5.733 USD), chưa bằng
1/10 của Đức (7.368), của Nhật (7.789 USD) và chỉ bằng 1/16 của Mỹ (12.023
USD).
- Năm 2001, tổng thu học phí ở tất cả các cấp giáo
dục công lập từ mầm non đến đại học chiếm 8,2% tổng chi cho giáo dục (gồm chi từ
ngân sách và từ học phí), năm 2005 là 7,3%, năm 2006 là 6,7%, năm 2008 là 5,5%
và nếu khung học phí hiện nay vẫn giữ đến 2011 thì tỷ lệ này chỉ còn 4%. Tức là
càng ngày đóng góp của học phí vào tổng chi đào tạo ở các trường càng giảm. Năm
2011 chỉ bằng 1/2 năm 2001.
- Do mất giá đồng tiền, nên học phí đại học 180.000
đồng/tháng năm 2008 chỉ có giá trị 90.000 đồng/tháng so với năm 1998 khi khung
học phí được ban hành.
- Trong thời gian qua Nhà nước tăng lương tối thiểu
từ 290.000 đồng/người/tháng (năm 1998) lên 540.000 đồng/người/tháng (năm 2008),
song yêu cầu các trường giải quyết nguồn trả lương tăng lên này trong nguồn thu
học phí là chủ yếu, mà học phí thì không tăng, nên các trường phải dành tỷ lệ
trong tổng thu của trường cho trả lương ngày một cao, phần dành cho giáo trình,
cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy ngày càng ít đi, ảnh hưởng ngày càng lớn đến
chất lượng đào tạo. Mặt khác, để có thể đảm bảo thu nhập tối thiểu cho giáo
viên, phần nào hạn chế việc giáo viên giỏi chuyển ra các trường ngoài công lập
dạy hoặc làm ở các công ty vì có thu nhập cao hơn thì các trường phải tăng số
lượng sinh viên, làm cho tỷ lệ sinh viên/giảng viên vẫn ở mức rất cao (30-50
sinh viên, thậm chí 100 sinh viên/giảng viên), ngược lại với yêu cầu nâng cao
chất lượng đào tạo và đòi hỏi của xã hội.
- Với mức học phí đại học 180.000 đồng/tháng, chi
phí đào tạo cho 4 năm hoặc 5 năm học để trở thành kỹ sư, cử nhân, người học phải
trả là 7,2 triệu đến 9 triệu đồng, trong khi ra trường ngay năm đầu tiên đi
làm, thu nhập của các kỹ sư, cử nhân đã từ 1,2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng,
tức là 14,4 triệu đến 36 triệu đồng/năm. Có nghĩa là thu nhập chỉ từ 3 đến 8
tháng lương sau khi ra trường đã bằng toàn bộ học phí của cả quá trình đào tạo.
4. Nhà
nước thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên diện chính sách, song
không trả lại chi phí này cho các trường; mà các trường phải tự cân đối từ thu
học phí của sinh viên khác. Kết quả là nếu nhận nhiều sinh viên diện chính sách
bao nhiêu, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường bao nhiêu thì trường
càng gặp khó khăn về tài chính bấy nhiêu.
5. Sinh
viên sư phạm được miễn đóng học phí, song có một số nhất định sau khi ra trường
không làm việc cho ngành giáo dục. Điều này là một sự không công bằng, làm giảm
hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho giáo dục.
6. Học
sinh thuộc gia đình thu nhập thấp, nếu ở các vùng khó khăn được miễn giảm học
phí. Tuy nhiên, nếu họ nghèo tới mức không dành được mỗi năm khoảng 600.000 đến
700.000 đồng để mua sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục, giày dép… cho con đi học
thì các em cũng không thể tới trường. Vì vậy, đề án đề xuất ngoài việc hỗ trợ
người nghèo qua miễn học phí, mà còn phải trợ cấp thêm tiền để các hộ này có thể
đưa con đi học.
7. Với
các hộ gia đình có thu nhập bình quân trên 1,5 triệu đồng/người/tháng (6 triệu
đồng/hộ 4 người/tháng) thì mức học phí THPT tối đa là 35.000 đồng/tháng là rất
thấp, dưới khả năng chi trả của họ. Nếu có 2 con đi học thì chi phí học tập chỉ
tương đương 3,3% thu nhập của gia đình. Họ có thể đóng góp cao hơn để bớt đi phần
bao cấp của nhà nước cho người thu nhập cao, mà dành phần ngân sách đó hỗ trợ,
chăm lo cho người nghèo. Song theo quy định hiện nay, trường cũng không thể thu
học phí hơn 35.000 đồng/tháng.
II. Tác động của đề án Đổi mới
cơ chế tài chính giáo dục 2009 - 2014
1. Ngân sách nhà nước và đóng góp của người dân (học phí, tự
nguyện, quyên góp) được sử dụng hiệu quả hơn hẳn, vì:
- Trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước trong việc
lập kế hoạch ngân sách cho giáo dục và chính sách sao cho có hiệu quả là rõ
ràng, được đánh giá công khai, tạo tiền đề cho việc xử lý trách nhiệm cá nhân
và tổ chức (4 kiểm tra: 1- kiểm tra việc chi cho giáo dục có đúng quy định về mức
chi ngân sách không; 2- kiểm tra về chi cho các địa bàn, chương trình có phù hợp
nhu cầu không; 3-kiểm tra việc thu và sử dụng học phí; 4- kiểm tra việc thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương- kiên cố hoá, nhà công vụ, tin
học hoá…).
- Các cơ sở giáo dục phải thực hiện 3 công khai: 1-
công khai cam kết và thực tế chất lượng giáo dục; 2- công khai nguồn lực của cơ
sở đào tạo; 3- công khai tài chính. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để nhà nước
và nhân dân kiểm tra, đánh giá chất lượng và tình hình tài chính của cơ sở giáo
dục.
- Hệ thống quản lý giáo dục yêu cầu tất cả các trường
học phải thực hiện đánh giá chất lượng theo chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban
hành từ tự đánh giá đến được kiểm định bởi một tổ chức độc lập có thẩm quyền được
nhà nước cho phép. Đây là căn cứ rất quan trọng để phụ huynh và người học chọn
trường, tạo áp lực cạnh tranh lành mạnh để các trường phát triển và để nhà nước
kiểm tra, quản lý các cơ sở giáo dục (đóng cửa các cơ sở giáo dục chất lượng
kém kéo dài).
2. Công bằng xã hội cao hơn hẳn trước kia, người nghèo được đảm
bảo cơ hội học tập cho con em tốt hơn trước:
- Với học phổ thông, mầm non, nhà nước là người
chi lớn nhất, chủ yếu cho giáo dục. Học phí chỉ là sự chia sẻ theo khả năng thu
nhập của gia đình học sinh với nhà nước.
Thực hiện nguyên tắc: học phí theo khả năng chi trả
của hộ gia đình, được cụ thể hoá bằng yêu cầu chi phí cho học tập của con em
không vượt quá 6% thu nhập của gia đình, thì với các bậc phổ cập (tiểu học,
THCS), mầm non, THPT ở các trường công lập, học phí không bao giờ là gánh nặng
tài chính cho gia đình. Gia đình nghèo còn được nhà nước trợ cấp tiền để mua đủ
sách vở, đồ dùng học tập, giày dép… cho con đi học.
Khi kinh tế khó khăn do thiên tai hoặc suy thoái của
vùng hay cả nước, thì theo đề án, người nghèo càng được quan tâm hơn, vì số người
được miễn giảm học phí sẽ tăng, số người được Nhà nước trợ cấp để có điều kiện
cho con đi học được tăng thêm.
- Những người có thu nhập cao hơn có quyền và nghĩa
vụ đóng góp nhiều hơn cho việc học hành của con em mình, trong khi nhà nước vẫn
là người chi chủ yếu cho con em họ đi học, để nhà nước có thể thay vì bao cấp
cho người khá giả sẽ dành phần đó hỗ trợ nhiều hơn cho người khó khăn hơn.
- Đối với đào tạo nghề nghiệp (học nghề, trung cấp
chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học) học phí tăng thêm sẽ làm chi phí cho đào tạo
cho một người học tăng thêm, là tiền đề trực tiếp để nâng cao chất lượng đào tạo
mà sinh viên, học sinh học nghề là người hưởng lợi trực tiếp. Đối với gia đình
nghèo, cận nghèo, khó khăn, nhà nước đã có chính sách cho vay để học, với mức
vay được điều chỉnh khi học phí tăng. Do đó, nhà nước đảm bảo cơ hội học tập với
chất lượng cao hơn cho học sinh, sinh viên.
3. Chất lượng đào tạo được tăng thêm, từ đó làm cho hiệu quả
lao động của người tốt nghiệp cao hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước:
- Với việc tăng chi của nhà nước cho đào tạo (nhất
là dạy nghề), nhà nước chi trả phần học phí miễn giảm thay cho các đối tượng
chính sách được miễn giảm và học phí đào tạo được tăng thêm, các cơ sở đào tạo
có điều kiện vừa đảm bảo thu nhập của giáo viên, vừa tăng cường cơ sở vật chất,
hoàn thiện chương trình đào tạo, quản lý nhà trường.
- Học phí đào tạo có sự phân biệt giữa 7 nhóm ngành
nghề đào tạo, từ đó làm cho chi phí đào tạo phù hợp hơn với đặc điểm của các
ngành nghề đào tạo, làm cho chất lượng đào tạo được đảm bảo hợp lý hơn.
4. Thông qua cơ chế học phí mới và các chính sách khuyến
khích xã hội hoá, sự đóng góp của xã hội cho giáo dục sẽ cao hơn, song luôn đảm
bảo yêu cầu phù hợp với khả năng đóng góp của nhân dân và các nhà đầu tư, không
gây gánh nặng về tài chính cho gia đình người học:
- Với mức chi phí cho học phí không vượt quá 6% thu
nhập của hộ gia đình, các hộ có thu nhập khá có khả năng đóng học phí cao hơn
trước kia (35.000 đồng/tháng), do đó góp phần tăng đóng góp của người dân vào hệ
thống giáo dục.
- Bằng chính sách cho vay để học, có thể hiểu là
nhà nước tạm ứng thu nhập tương lai của người học nghề, đại học, cao đẳng để họ
đóng học phí, thì học phí đào tạo có tăng, song nằm trong khả năng chi trả của
người học vì họ được vay, với mức vay được điều chỉnh khi học phí được điều chỉnh.
- Nhà nước đã có chính sách tạo quỹ đất và giao đất
miễn phí cho các cơ sở giáo dục được chấp thuận theo quy hoạch, ưu đãi thuế cho
giáo dục ở mức cao nhất, do đó sắp tới đầu tư của xã hội cho giáo dục sẽ tăng.
5. Đời sống thầy cô giáo và điều kiện làm việc sẽ được chăm
lo tốt hơn, để các thầy cô không ngừng nâng cao trình độ, nêu cao tấm gương đạo
đức, tự học và sáng tạo, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo là quốc
sách:
- Thông qua việc đảm bảo kinh phí cao hơn từ nhà nước
và học phí đào tạo cao hơn, các thầy cô giáo có điều kiện thu nhập và làm việc
tốt hơn, ngay cả khi tỷ lệ sinh viên trên giảng viên giảm xuống.
- Thực hiện chế độ thâm niên nghề nghiệp sẽ làm cho
thầy cô yên tâm với nghề hơn.
- Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, nhà
công vụ cho giáo viên, các thầy cô bậc mầm non và phổ thông sẽ có điều kiện làm
việc và sống tốt hơn.
Trên đây là đánh giá bước đầu tác động của Đề án đổi
mới cơ chế tài chính giáo dục 2009 - 2014.
Kính trình Quốc hội xem xét./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng CP (để báo cáo);
- Các PTTg CP (để báo cáo);
- VP TƯ Đảng;
- Ban Tuyên giáo TƯ;
- Ủy ban VHGD TNTN NĐ của QH;
- VP Quốc hội;
- VPCP;
- Các Thứ trưởng Bộ GDĐT;
- Các đơn vị CQ Bộ GDĐT;
- Lưu, Văn thư, KHTC, TH.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thiện Nhân
|