Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Báo cáo 135/BC-UBND 2013 sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi con tốt Hồ Chí Minh

Số hiệu: 135/BC-UBND Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Hứa Ngọc Thuận
Ngày ban hành: 26/07/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN 704
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 7 năm 2013

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT 3 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “GIÁO DỤC 5 TRIỆU BÀ MẸ NUÔI, DẠY CON TỐT” (2010 - 2012)

Thực hiện Quyết định số 704/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” giai đoạn 2010 - 2015 (gọi tắt là Đề án 704), Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án, kết quả như sau:

I. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

- Năm 2010, Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Ban Chỉ đạo gồm 13 thành viên và Tổ chuyên viên giúp việc gồm 10 thành viên theo Quyết định số 5625/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2010. Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 704 tại thành phố. Tại quận - huyện, phường - xã, thị trấn, Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Đề án 704 cũng được thành lập do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn làm Trưởng ban và Hội Liên hiệp Phụ nữ quận - huyện, phường - xã, thị trấn là cơ quan thường trực.

- Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 6102/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2011 về việc triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” và chọn 03 đơn vị để xây dựng kế hoạch thực hiện điểm Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” giai đoạn 2010 - 2015 gồm: phường Tân Thuận Đông - quận 7, phường 6 - quận 10 và xã Bình Khánh - huyện Cần Giờ; Tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tại các phường - xã điểm.

- Căn cứ kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và các ban ngành đoàn thể đã triển khai mục tiêu, ý nghĩa, nội dung Đề án theo Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ đến quận - huyện, phường - xã, thị trấn với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực thông qua các cuộc hội nghị, tập huấn, chuyên đề, bản tin và đài phát thanh địa phương, nhằm truyền tải nội dung Đề án đến với đông đảo người dân. Tổ chức truyền thông đến bà mẹ, ông bố có con dưới 16 tuổi về kiến thức nuôi dạy con tốt và kỹ năng giáo dục con, chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên; Lồng ghép truyền thông vào nội dung sinh hoạt tổ nhóm, câu lạc bộ, chiến dịch truyền thông và vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ như ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày dân số Việt Nam, Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, Tháng hành động Vì trẻ em, hoạt động hè, Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ… Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, chỉ đạo các cơ quan báo, đài tuyên truyền các gương điển hình, gương “Người tốt, việc tốt”, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo thực hiện điểm Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” giai đoạn 2010 - 2015:

Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 37/KH-PN ngày 05 tháng 5 năm 2011 về thực hiện điểm Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 2010 - 2015 tại phường Tân Thuận Đông - quận 7, phường 6 - quận 10 và xã Bình Khánh - huyện Cần Giờ, với các nội dung hoạt động chính:

- Khảo sát về thực trạng và nhu cầu nuôi dạy con của các bà mẹ có con dưới 16 tuổi: Phỏng vấn bằng bảng hỏi trong nhóm đối tượng ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi nhằm tìm hiểu nhận thức, thái độ, hành vi, nhu cầu về các vấn đề liên quan tới nuôi, dạy con; Thảo luận nhóm trong nhóm trẻ em tuổi vị thành niên (từ 12 đến 15 tuổi) nhằm tìm hiểu về thực trạng nuôi dạy trẻ và nhu cầu của trẻ đối với việc nuôi dưỡng và giáo dục; Phỏng vấn lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Cấp ủy, Trạm Y tế và Hội Phụ nữ phường - xã, thị trấn nhằm tìm hiểu các thông tin có liên quan đến vấn đề nuôi dạy con ở địa phương, những khó khăn, thuận lợi, nhu cầu về vấn đề nuôi dạy con (04 người/phường - xã, thị trấn).

- Tổ chức 03 lớp tập huấn cho tuyên truyền viên nòng cốt nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về nuôi, dạy con. Nội dung tập huấn tập trung các vấn đề: Vai trò giáo dục của gia đình trong việc hình thành nhân cách của con, kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - sức khỏe bà mẹ mang thai, truyền thông và tư vấn hiệu quả.

- Sinh hoạt 20 tổ nhóm, giúp cho 631 bà mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp những kiến thức cơ bản về nuôi, dạy con theo khoa học và có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi, dạy con để áp dụng thực hiện trong cuộc sống.

- Phát hành 2.000 tài liệu bướm “Những điều bà mẹ mang thai và nuôi trẻ dưới 3 tuổi cần biết”“Cha mẹ có con vị thành niên cần biết” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam biên soạn đến các gia đình có con dưới 16 tuổi.

- Tổ chức 03 cuộc tọa đàm chủ đề “Gia đình không có trẻ em bỏ học và vi phạm pháp luật”, với 82 đại biểu gồm các bà mẹ, ông bố có con dưới 16 tuổi, lãnh đạo chính quyền địa phương, Hội Mẹ truyền thống, Đoàn viên, thanh niên.

- Phối hợp Văn hóa thông tin phường - xã, thị trấn thực hiện 94 lượt tuyên truyền các tin, bài và phát trên loa phát thanh địa phương hàng tuần về các kiến thức nuôi dạy con tốt và hoạt động của địa phương trong triển khai thực hiện đề án. Nội dung các bản tin tập trung các vấn đề liên quan phòng chống Bệnh sốt xuất huyết; Bệnh tay chân miệng; các bệnh mùa mưa; cách chăm sóc thai kỳ, nuôi con, tâm lý trẻ, hiểu con, kỹ năng sống, giới thiệu các hoạt động của đề án.

- Thành lập 03 câu lạc bộ “Nuôi, dạy con tốt” tại 3 phường - xã với 76 thành viên, tổ chức sinh hoạt 2 tháng/lần với 1.215 lượt người tham dự, thông qua sinh hoạt câu lạc bộ dưới hình thức văn hóa văn nghệ để giúp các bà mẹ dễ hiểu, dễ nhớ và áp dụng trong việc nuôi dạy con.

- Tháng 02 năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá hoạt động Đề án tại 03 phường - xã điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và tiến hành chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án đến các quận - huyện còn lại.

2. Hoạt động truyền thông giáo dục:

2.1. Công tác tập huấn đào tạo lực lượng tuyên truyền viên, báo cáo viên:

Để hỗ trợ các quận - huyện triển khai Đề án, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tổ chức 32 lớp tập huấn 1.578 tuyên truyền viên, báo cáo viên thuộc 24 quận - huyện; Hỗ trợ tổ chức tập huấn 1.063 lớp cho 112.731 tuyên truyền viên cơ sở, thành lập và duy trì sinh hoạt 189 câu lạc bộ “Nuôi dạy con tốt” với 4.713 thành viên, 22.479 lượt tuyên truyền trên đài phát thanh địa phương, báo đài, 834 cuộc giao lưu, hội thảo, biểu dương 109.451 gia đình nuôi, dạy con tốt, 32 cuộc tọa đàm chủ đề “Gia đình không có trẻ em bỏ học và vi phạm pháp luật” và Hội thi “Kiến thức cha mẹ, sức khỏe cho con” cho 30 gia đình có con dưới 03 tuổi.

2.2. Về biên soạn và phát hành tài liệu truyền thông:

Để tạo thuận lợi cho cấp cơ sở trong thực hiện truyền thông các nội dung Đề án, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã biên soạn và phát hành 60.000 tờ rơi “Những điều bà mẹ mang thai và nuôi trẻ dưới 3 tuổi cần biết” và “Cha mẹ có con vị thành niên cần biết”, 5.000 cuốn thông tin Gia đình và đời sống, tái bản 15.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, 15.000 tờ rơi về Luật An toàn giao thông đường bộ và 5.000 tờ rơi về Luật phòng chống bạo lực gia đình,... đến các Chi, Tổ Hội, các câu lạc bộ, đội, nhóm do Hội quản lý, nữ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

2.3. Hoạt động phối hợp truyền thông:

- Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền nâng cao vai trò của gia đình trong nuôi dạy con gắn với việc triển khai Đề án và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng sống văn hóa ở khu dân cư”. Các cấp Hội đã đưa những nội dung tuyên truyền lồng ghép với các nội dung trong sinh hoạt riêng của giới tại các Chi, Tổ hội Phụ nữ, kết quả tổ chức được 2.557 cuộc, có 270.189 lượt người dự. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề cho nữ thanh niên, nữ công nhân lao động nhập cư 26 cuộc, có 1.950 chị tham dự. Nội dung truyền thông được tập trung vào sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống, dinh dưỡng, phòng chống tệ nạn xã hội.

- Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Sức khỏe Sinh sản, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe phối hợp tổ chức 189 lớp tập huấn nhằm trang bị cho 12.240 cán bộ Hội, báo cáo viên và tuyên truyền cơ sở các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho con; tập huấn cho cán bộ Hội tại cơ sở về các chuyên đề tăng cường công tác vận động các thành viên trong gia đình và cộng đồng quan tâm chăm sóc trẻ em. Nhân đợt Chiến dịch truyền thông lồng ghép Dân số và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, các cấp Hội tập trung tuyên truyền Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số và kế hoạch hóa gia đình. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức Hội nghị Tuyên dương các gia đình sinh con một bề là gái nhân kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Dân số Việt Nam (26/12). Trung tâm Dinh dưỡng thành phố thực hiện Chiến lược quốc gia Dinh dưỡng tại thành phố Hồ Chí Minh, triển khai truyền thông Vi chất dinh dưỡng; tổ chức 02 lớp tập huấn cấp thành phố “Chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 3 tuổi” cho 400 tuyên truyền viên và 11 lớp tại các quận - huyện (quận 7, quận 10, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và huyện Cần Giờ) với 2.500 lượt người tham dự; tập huấn 15 lớp “Dinh dưỡng hợp lý phòng ngừa bệnh mãn tính không lây” cho 2.000 hội viên, tại các quận - huyện: quận 1, quận 3, quận 5, quận 10, quận 11, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình và quận Bình Thạnh. Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe thành phố phối hợp tổ chức tập huấn chuyên đề: Những thực phẩm phòng chống bệnh đái tháo đường; Giảm cân trong cuộc sống hiện đại; Bệnh tay chân miệng - Sự nguy hiểm và cách sử dụng chất khử khuẩn; Xung đột tâm lý giữa cha mẹ và trẻ, Viêm gan siêu vi và nguy cơ xơ gan… cho 600 tuyên truyền viên. Phối hợp Ủy ban Phòng chống AIDS và Trung tâm Y tế Dự phòng tổ chức tập huấn 05 lớp “Tăng cường sự tham gia của nam giới trong phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” tại quận 9, quận 11, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận và huyện Cần Giờ cho 300 tuyên truyền viên; Tổ chức 36 cuộc chuyên đề: Dinh dưỡng đối với người có HIV; xét nghiệm HIV cho mẹ - Sức khỏe cho con tại các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân; Tổ chức 2 hội thi “Điều em nghĩ” và “Kiến thức giới tính và AIDS” trong Câu lạc bộ Kỹ năng sống cho trẻ ngoài trường học tại quận Bình Tân và quận Bình Thạnh. Tổ chức 04 cuộc tọa đàm “Phụ nữ - trẻ em và HIV/AIDS” với 210 thành viên tham dự tại quận 9, quận Tân Phú, quận Thủ Đức và huyện Củ Chi. Tập huấn “HIV/AIDS - Kỹ năng cho các bậc cha mẹ” tại quận 11, quận 12, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn và huyện Cần Giờ.

- Phòng Văn hóa Gia đình thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình như: Chỉ thị số 49/CT-TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chiến lược xây dựng gia đình việt Nam; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch... với 974 cuộc, thu hút 120.769 lượt người tham gia. Đồng thời, tổ chức các hoạt động kỷ niệm kết hợp với các hoạt động hưởng ứng “Năm 2011 - Năm vì trẻ em” như: tổ chức họp mặt, tọa đàm về Gia đình và đời sống gia đình trong các gia đình trẻ, Giáo dục con trong thời kỳ hội nhập...; các chuyên đề về Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, kỹ năng phòng, chống bạo lực trẻ em, văn hóa ứng xử trong giao tiếp, xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa...; giao lưu, tuyên dương các gia đình hạnh phúc tiêu biểu; tổ chức các cuộc hội thi, hội thao, văn nghệ...

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh thành lập 02 Câu lạc bộ Kỹ năng sống cho 60 trẻ ngoài trường học tại phường 11 quận Bình Thạnh và phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (Dự án Bạn Hữu) nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về sống khỏe mạnh và kỹ năng sống cho trẻ em ngoài trường học, thông qua hoạt động câu lạc bộ, tạo điều kiện giúp các em được tham gia, trao đổi, phản ảnh và giải quyết những vấn đề bức xúc mà các em đang gặp phải trong cuộc sống; giúp cho phụ huynh và các thành viên trong gia đình có ý thức chăm sóc, hỗ trợ tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện. Duy trì hoạt động của 10 câu lạc bộ “Kỹ năng sốngtại quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè về các kiến thức, kỹ năng sống khỏe mạnh cho trẻ và các bậc cha mẹ, giúp trẻ và gia đình nâng cao nhận thức và khả năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, phòng tránh và hạn chế tối đa nguy cơ bị lôi kéo vào quan hệ tình dục sớm hoặc bị dụ dỗ đi vào con đường ma túy, mại dâm, các hoạt động phạm tội, phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS.

- Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức các hoạt động truyền thông trong chị em hội viên phụ nữ về vai trò của người mẹ trong việc thực hiện “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông vì sự an toàn của trẻ ”. Tổ chức lễ phát động cuộc vận động “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông vì sự an toàn của trẻ ” tại huyện Củ Chi; Xây dựng mô hình điểm “Gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ cam kết đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông vì sự an toàn của trẻ” và tập huấn nâng cao kiến thức cho hội viên và phụ nữ tại xã Tân Phú Trung huyện Củ Chi và phường An Lạc A - quận Bình Tân. Phối hợp Ban An toàn Giao thông tổ chức 2 lớp tập huấn “Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông” cho 200 tuyên truyền viên và 10 lớp Kiến thức về An toàn giao thông tại các quận - huyện: quận 2, 5, 7, 10, 12, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ; 04 cuộc thi “Phụ nữ với an toàn giao thông” tại quận 5, 7, 10 và Cần Giờ; 05 Hội thi “ Phụ nữ và trẻ em với an toàn giao thông” tại quận 8, 12, Thủ Đức, huyện Nhà Bè và Cần Giờ, với 1.250 thí sinh và cổ động viên tham dự. Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp về an toàn giao thông” 02 cuộc tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, 400 tuyên truyền viên và các ban ngành tham dự. Thành lập điểm và sinh hoạt chuyên đề Câu lạc bộ “Tình thương và trách nhiệm” tại quận 8. Tổ chức hội thi “Kiến thức và giải pháp đảm bảo an toàn giao thông” (tổ chức trên Trang tin điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh), với 3.721 lượt thí sinh tham gia. Tổ chức chương trình “Diễn đàn giao lưu về an toàn giao thông năm 2012” với 90 đại biểu là gia đình nạn nhân giao thông, các ban ngành và tuyên truyền viên tham dự. Các cơ sở Hội thành lập 127 Câu lạc bộ Phụ nữ với an toàn giao thông có 2.834 thành viên.

- Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo sơ kết và thực hiện chương trình liên tịch “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà mẹ về vai trò của giáo dục đối với sự phát triển toàn diện của con em mình và có trách nhiệm quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi đến việc học tập của các em. tập trung thực hiện chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai với 32.467 suất trị giá 21.312.640.000đ để trao tặng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Triển khai công trình “Góc học tập” và hoạt động “Năm vì trẻ em - Năm 2011” , Thành Hội đã trao tặng 100 góc học tập tại quận Tân Phú, quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận, tặng 200 phần quà cho người nghèo tại Tân Phú.

Các cơ sở Hội vận động 100% hội viên thực hiện góc học tập cho con, vận động trang bị 1.253 góc học tập cho con hội viên có hoàn cảnh khó khăn trị giá 1 tỷ 093 đồng.

- Ngành Công an thực hiện Nghị quyết Liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; Từ phong trào “Mỗi hội viên phụ nữ là trợ thủ đắc lực cho công an” các cấp hội đã phát hiện hơn 1.000 nguồn tin có giá trị liên quan đến tội phạm và tệ nạn xã hội, đã có 94,2% chi hội và 92% tổ hội an toàn, qua phong trào đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phòng chống tội phạm có hiệu quả như “Chi, tổ hội an toàn”; “Tổ phụ nữ không có chồng, con, người thân nghiện ma túy, vi phạm pháp luật”, “Câu lạc bộ Lá chắn”.

- Thông qua phương tiện truyền thông như Báo Phụ nữ thành phố, Chương trình Phát thanh Phụ nữ - Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Chương trình Phụ nữ và Cuộc sống - Đài Truyền hình thành phố, trang Website của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố… đưa tin và bài liên quan đến nội dung giáo dục các cháu thực hiện nếp sống văn minh đô thị, sống đẹp, sống có trách nhiệm. Các cấp Hội phối hợp với cơ quan truyền thông và các ban ngành liên quan… xây dựng các chuyên mục, đưa tin tuyên truyền trên đài phát thanh, tờ tin của phường về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Báo Phụ nữ đã ra mắt phiên bản mới Báo Phụ nữ Chủ nhật và nhà sách “Mẹ và con”. Tập trung mở rộng và đưa nội dung các chuyên trang, chuyên mục hướng đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, tư vấn phòng chống bạo lực gia đình và bạo lực học đường, áp lực về học tập, diễn đàn trên trang Tình yêu - Hôn nhân, Cha mẹ - Con cái, tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm các nội dung “Xây dựng mái ấm không bạo lực” trong thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Xây dựng Gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó, trang Phunuonline thường xuyên được củng cố nâng cao chất lượng, chuyển tải được nhiều chuyên mục, thông tin mang tính thời sự, thu hút 300.000 lượt độc giả/ngày. Tiếp nhận các cuộc gọi qua Đường dây khẩn phản ánh các vấn đề an sinh xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em… Nhà Văn hóa Phụ nữ thành phố tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho phụ nữ trong việc giáo dục con qua nhiều hoạt động như: tổ chức nói chuyện chuyên đề về tình yêu và cuộc sống, toạ đàm liên quan đến vấn đề gia đình “Lắng nghe và hiểu con”, “Con thuyền gia đình trong cơn sóng thời hội nhập”.

2.4. Thực hiện xã hội hóa hỗ trợ chăm lo và đẩy mạnh hoạt động truyền thông:

Ban Chỉ đạo thành phố đã huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp để tổ chức các chuyên, hội thi nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng năng cho cán bộ Hội, tuyên truyền và các đối tượng của Đề án như: Phối hợp Công ty Humana Việt Nam chức Hội thảo “Nuôi con toàn diện” cho 500 tuyên truyền viên, tổng trị giá quà tặng cho đại biểu là 150 triệu đồng. Phối hợp Công ty Chế biến Dầu thực vật Việt Nam tổ chức 80 cuộc chuyên đề “Dầu gấc đối với sức khỏe phụ nữ và cộng đồng” cho 16.000 phụ nữ, tổng trị giá 350 triệu đồng. Hội thi nấu ăn “Cả nhà vào bếp” cho 296 thí sinh với sự hỗ trợ của Công ty Ajinomoto trị giá 68.000.000 đồng. Phối hợp Công ty BMI tổ chức chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng cho 400 tuyên truyền viên, tổng trị giá 350 triệu đồng, tư vấn phòng chống bệnh giun, sán và cấp tài liệu cho 180.000 bà mẹ có con dưới 16 tuổi… Tổng kinh phí 1 tỷ 80 triệu đồng.

3. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Đề án: (phụ lục đính kèm)

- Số bà mẹ có con dưới 16 tuổi được tập huấn kiến thức đúng về quyền trẻ em nhằm thực hiện chăn sóc, thực hành nuôi dạy con theo từng độ tuổi, tham dự các buổi truyền thông: 344.739/500.000 người (đạt tỷ lệ 68.9%); Bà mẹ có con dưới 16 tuổi được hướng dẫn thực hành và áp dụng kỹ năng trong giáo dục, nuôi dưỡng trẻ vị thành niên: 138.140/500.000 người, đạt tỷ lệ 27.6%.

- Bà mẹ có con dưới 16 tuổi thực hành đúng các phương pháp giáo dục trẻ em dưới 16 tuổi (phù hợp theo từng độ tuổi) và áp dụng thực hiện có hiệu quả: 137.104/500.000, đạt tỷ lệ 27%.

- Có ít nhất 150.000 trẻ vị thành niên được tiếp cận các kiến thức về sức khỏe sinh sản và giáo dục kỹ năng để đối mặt với các khó khăn trong cuộc sống: 124.831/150.000 trẻ, đạt tỷ lệ 83%.

- 500.000 bà mẹ được tham dự các buổi truyền thông, tư vấn, tập huấn để biết cách chia sẻ, thu hút sự tham gia, hỗ trợ của các ông bố trong việc nuôi, dạy con: 319.000/500.000 người, đạt tỷ lệ 63%.

- Ông bố trong gia đình có con dưới 16 tuổi được tiếp cận với các thông tin về nuôi, dạy con, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình thông qua các hoạt động tư vấn, sinh hoạt câu lạc bộ, hội họp, các sự kiện và tài liệu truyền thông tại cộng đồng: 100.809/500.000 người, đạt tỷ lệ 20%.

- 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ 24 quận - huyện được cung cấp tài liệu hướng dẫn cho giảng viên chủ chốt, cẩm nang cho cộng tác viên và tài liệu truyền thông cho cộng đồng: hiện đã triển khai cho 322 phường - xã, thị trấn, đạt tỷ lệ 70%.

- 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở của các quận - huyện thí điểm được tập huấn về kiến thức nuôi, dạy con và kỹ năng truyền thông, vận động các bà mẹ nuôi, dạy con tốt.

- 100% cán bộ chuyên trách công tác gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận - huyện được tập huấn kiến thức nuôi, dạy con tốt; được thường xuyên cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thành thạo các loại tài liệu truyền thông về nội dung nuôi, dạy con tốt.

- 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận - huyện có giảng viên chủ chốt về nuôi và dạy con.

- 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận - huyện xây dựng, duy trì và nâng chất lượng hoạt động Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc.

4. Hoạt động các đơn vị tham gia thực hiện Đề án

4.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Tổ chức chuyên đề “Hồ Chí Minh với phụ nữ và trẻ em” do Thạc sĩ Phạm Phương Thảo trình bày vào ngày 27 tháng 6 năm 2012 tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, có 150 cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên và cán bộ phụ trách công tác gia đình 24 quận, huyện tham dự. Đưa tiêu chí xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào tuyên truyền lồng ghép với các tiêu chuẩn Gia đình văn hóa và các danh hiệu văn hóa của khu dân cư trên địa bàn thành phố. Bước đầu đã lồng ghép nội dung tuyên truyền của đề án vào nội dung tập huấn tại các xã nông thôn mới ở 5 huyện, đến hết tháng 10 năm 2012, hoàn tất nội dung tập huấn tại các xã nông thôn mới.

Các cấp cơ sở tổ chức 3.525 cuộc tuyên truyền, có 186.887 lượt người dự với các nội dung “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, “Đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam”, “Giao tiếp ứng xử văn hóa trong đời sống gia đình”, Kiến thức chăm sóc nuôi dạy con, Bảo vệ trẻ… Tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình năm 2012; trong đó có tập huấn triển khai Đề án 704 đến lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác chuyên môn: thực hiện được 388 lớp, có 35.430 người tham dự. Phòng Văn hóa và Thông tin các quận - huyện đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn tổ chức lồng ghép tuyên truyền 1.508 cuộc có 111.335 lượt người tham dự các nội dung: chủ đề “Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại”, Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 09 tháng 5 năm 2011 của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về "Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, pháp luật, chính sách về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng, chống mua bán người, an toàn giao thông...

4.2. Sở Y tế:

Khám, điều trị và tư vấn dinh dưỡng cho 157.439 lượt bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng; Xây dựng và triển khai hoạt động của 30 góc thực hành dinh dưỡng tại 2 quận Bình Thạnh và Bình Tân.

Tổ chức cuộc thi trắc nghiệm “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe, tầm vóc và trí tuệ” nhân ngày Vi chất dinh dưỡng , đã thu hút 600 người tham dự; thi trắc nghiệm “Yêu thương từ sữa mẹ” và mitting hưởng ứng Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ với 350 người tham dự trong đó có hơn 100 bà mẹ mang thai và cho con bú.

Thiết kế 03 cẩm nang (vi chất dinh dưỡng; chế biến bữa ăn cho trẻ tập 1và Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai), 01 tờ rơi về phòng thiếu máu dinh dưỡng ở học sinh, 01 đĩa VCD về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, 01đĩa CD cổ động chiến dịch vitamin A, 01 pano phòng chống thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai và 01 tranh lật phòng ngừa thiếu máu cho phụ nữ mang thai; Cấp phát 7.780 cẩm nang (dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, thực đơn cho người bệnh đái tháo đường, vi chất dinh dưỡng), 28.014 tờ bướm các loại, 4.413 tờ tranh các loại.

Phát sóng 104 lần trên Đài Truyền hình với các chủ đề dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, dinh dưỡng cho bé, khắc phục chứng biếng ăn ở trẻ, dinh dưỡng trẻ mầm non, chế độ ăn giúp tăng cường miễn dịch, dinh dưỡng học đường… Giao lưu trực tuyến, tư vấn dinh dưỡng (mùa thi, dinh dưỡng cho trẻ, người lao động…) trên Đài phát thanh, Báo Tuổi trẻ, Đài Truyền hình (Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ…). Phát trên Đài phát thanh 41 chuyên mục, Đăng báo (Tuổi trẻ, Thanh niên, Thuốc và sức khỏe…) 106 bài, Website Trung tâm Dinh dưỡng: 21 bài, 5 tin.

Truyền thông dinh dưỡng cho nhiều đối tượng: 52 buổi/19.142 lượt người; hướng dẫn thực hành nấu ăn cho trẻ em và người lớn: 1.821 lần/8.850 lượt người; Tư vấn dinh dưỡng qua điện thoại: 4.070 lượt.

4.3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chọn 3 điểm thực hiện triển khai Đề án: Trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Chu Văn An và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp. Triển khai kế hoạch thực hiện hoạt động Đề án đến tất cả Phòng Giáo dục và Đào tạo 24 quận huyện và tất cả đơn vị trực thuộc trong ngành. Tổ chức tập huấn cho 677 cán bộ nòng cốt và tập huấn chuyên đề “Kỷ luật không nước mắt”“Gieo mầm tư duy” cho Trưởng ban nữ công kiêm phụ trách công tác Vì sự phát triển phụ nữ cấp cơ sở và phát hành DVD hai chuyên đề trên để làm tư liệu truyền thông. Có 42 đơn vị tổ chức tập huấn, 31.438 lượt người tham dự với các nội dung liên quan kiến thức về nuôi con theo khoa học, các phương pháp dạy con, giáo dục các kỹ năng cần thiết trong gia đình, kiến thức sức khỏe sinh sản, quyền và nghĩa vụ trẻ em và việc đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ trẻ em tại 24 Phòng Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trực thuộc; tuyên truyền bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và các phụ huynh trong nhà trường.

4.4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Xây dựng kế hoạch lồng ghép với các chương trình, dự án bảo vệ, chăm sóc trẻ em như Chương trình Bảo vệ trẻ em thành phố, Kế hoạch số 1476/KH-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Quyết định 84/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy định xã - phường phù hợp trẻ em… Triển khai công tác truyền thông lồng ghép đến với trẻ em, cha mẹ, cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em, cộng tác viên, những người làm việc trực tiếp với trẻ em tập trung vào các văn bản pháp luật liên quan đến Bảo vệ chăm sóc trẻ em như Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Nghị định số 91/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Với lực lượng 103 điểm tư vấn cộng đồng và 47 điểm tư vấn học đường đã tư vấn, tham vấn cho hơn 19.000 lượt. Tổ chức các hội thảo, tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực và nghiệp vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho 20.438 lượt cán bộ trẻ em, cộng tác viên trẻ em, các tổ chức xã hội, cơ sở xã hội trong và ngoài công lập, các sở - ngành liên quan, Ủy ban Phòng chống AIDS… Tổ chức Hội thảo “Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008 - 2010”, Hội thảo “Giải pháp nâng cao vai trò gia đình trong nuôi dạy, chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, tập huấn kỹ năng làm cha mẹ tốt, Quản lý ca, hướng dẫn quận - huyện trong việc thực hiện cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế…

4.5. Liên đoàn Lao động thành phố:

Cấp thành phố tổ chức 02 lớp tập huấn với 127 chị tham dự là chủ tịch hoặc phó chủ tịch, cán bộ nữ công công đoàn cấp trên cơ sở thuộc hệ thống công đoàn thành phố. Phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức 41 lớp tập huấn dành cho chủ tịch hoặc phó chủ tịch, cán bộ nữ công công đoàn cơ sở.

Thông qua các hoạt động truyền thông giáo dục tại công đoàn cơ sở, đến nay đã có 1.512 lượt bà mẹ; 1.446 lượt ông bố có con dưới 16 tuổi được cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con tốt. Nữ công nhân viên chức lao động tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ “Bà mẹ nuôi, dạy con tốt” tại địa phương, tham gia tọa đàm chủ đề Gia đình không có trẻ bỏ học và vi phạm pháp luật nhằm tạo cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về quản lý, giáo dục con; tổ chức Hội thi kiến thức cha mẹ, sức khỏe con hoặc Kiến thức cha mẹ, sáng tạo của con.

Phối hợp in ấn, nhân bản các loại loại ấn phẩm, tài liệu truyền thông về kiến thức nuôi dạy con theo khoa học phục vụ công tác tập huấn, tuyên truyền (10.000 bản).

4.6. Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân - Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh:

Căn cứ nhu cầu trong thực tế của các bạn thanh niên công nhân tại các đơn vị khối công nhân lao động để tiến hành xây dựng nội dung 4 lớp tập đối tượng cán bộ Đoàn và công nhân trực tiếp sản xuất với các nội dung “Dinh dưỡng”, “Chăm sóc sức khỏe trẻ em”, "Sức khỏe sinh sản”, "Dạy con”. Phối hợp với Báo cáo viên để xây dựng chi tiết giáo án và tài liệu tập huấn các chuyên đề cho phù hợp với nội dung đã được Ban giám đốc Trung tâm phê duyệt.

Triển khai chi tiết nội dung kế hoạch thực hiện Đề án 704 đến 36 cơ sở Đoàn Khu vực Công nhân lao động trực thuộc Thành Đoàn, 09 Tổng công ty lớn trên địa bàn thành phố; Ban Quản lý 09 Khu chế xuất - Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và 24 quận - huyện Đoàn.

5. Kinh phí hoạt động:

Số TT

Đơn vị

Ngân sách cấp

Sử dụng

1

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố

839.170.000đ

839.170.000đ

2

Sở Giáo dục và Đào tạo

30.460.000đ

30.460.000đ

3

Sở Y tế

40.100.000đ

3.800.000đ

4

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội

 

(Kinh phí lồng ghép)

5

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

26.240.000đ

26.240.000đ

6

Sở Thông tin và Truyền thông

15.000.000đ

15.000.000đ

7

Liên đoàn Lao động thành phố

20.000.000đ

20.000.000đ

8

Hội Nông Dân thành phố

62.225.000đ

62.225.000đ

9

Thành Đoàn thành phố

104.360.000đ

104.360.000đ

Tổng cộng

1.137.555.000đ

1.101.255.000đ

III. NHẬN XÉT - ĐÁNH GIÁ

1. Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ, nuôi dạy con tốt” tại thành phố Hồ Chí Minh được sự quan tâm và đồng thuận của ban ngành, đoàn thể. Thông qua các dự án chương trình mục tiêu quốc gia triển khai về kiến thức nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, các Sở, ngành liên quan đã có mối quan hệ khắng khít luôn tạo được nhiều nguồn lực cho các hoạt động truyền thông; đồng thời xây dựng được lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên để triển khai hiệu quả Đề án.

2. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tham mưu kế hoạch thực hiện đề án, thành lập Ban Chỉ đạo đề án cấp thành phố tạo thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện, đặc biệt tại các phường xã điểm. Đồng thời trong quá trình tổ chức thực hiện, Hội đã chủ động khảo sát, xây dựng kế hoạch phối hợp và chỉ đạo các cơ sở Hội triển khai thực hiện.

3. Ban Chỉ đạo Đề án cấp thành phố và cơ sở tổ chức họp định kỳ theo quy chế và họp đột xuất khi cần thiết; tại cuộc họp các thành viên được thông báo kết quả phối hợp và thực hiện hoạt động đề án, các thành viên trao đổi các giải pháp thực hiện để nâng cao chất lượng hoạt động đề án trong thời gian tới.

4. Công tác truyền thông, thực hiện đề án đã phát huy được sức mạnh của hoạt động liên ngành, các phương tiện truyền thông (Đài Truyền hình, Đài phát thanh, Website, báo, bản tin quận, phường…), lồng ghép trong sinh hoạt chi tổ Hội, để tạo hiệu quả trong công tác truyền thông vận động sâu rộng trong các đối tượng.

5. Phát huy tốt các mô hình tập hợp đa dạng của Hội như: Câu lạc bộ Kỹ năng sống, Câu lạc bộ Xây dựng Gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ Nuôi dạy con tốt, Chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, công trình “Góc học tập”…) với các hoạt động chăm lo hiệu quả để hỗ trợ cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia đề án.

IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM NĂM 2013

1. Triển khai hoạt động Đề án đến 100% phường - xã, thị trấn; thông qua sinh hoạt khu phố, tổ dân phố tổ chức truyền thông đến bà mẹ, ông bố có con dưới 16 tuổi về kiến thức nuôi dạy con tốt, trẻ vị thành niên về kiến thức sức khỏe sinh sản và các kỹ năng để trẻ đối phó với những khó khăn và thách thức của cuộc sống.

2. Tổ chức mô hình tập hợp trẻ em vị thành niên, đặc biệt là trẻ em gái tại nhà trường để giáo dục về kỹ năng sống, giới tính, tình bạn, tình yêu, sức khỏe sinh sản nhằm ngăn ngừa tình trạng trẻ em không ngoan, bỏ học, bạo lực học đường, có thai ngoài ý muốn… vào ngày Vì em là con gái.

3. Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Gia đình nuôi, dạy con tốt” (01 Câu lạc bộ/phường - xã).

4. Tổ chức tập huấn cung cấp kiến thức và hướng dẫn kỹ năng tuyên truyền viên quận - huyện, phường - xã về hướng dẫn các bà mẹ kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con.

5. Biên soạn và phát hành 10.000 cuốn tài liệu truyền thông 2 nhóm đối tượng ông bố, bà mẹ và trẻ vị thành niên; 100.000 tờ gấp về kỹ năng nuôi dạy con đến các Câu lạc bộ, nhóm các bà mẹ có con dưới 16 tuổi.

6. Liên hoan “Tuyên truyền viên giỏi về truyền thông nuôi dạy con tốt”. Giao lưu, biểu dương gia đình nuôi dạy con tốt vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam.

7. Phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi giáo dục kỹ năng sống cho trẻ nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, hè, Tết trung thu… các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em dưới 16 tuổi; vận động 100% gia đình hội viên thực hiện trang bị góc học tập cho con.

8. Tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá 03 năm thực hiện Đề án./.

 


Nơi nhận:
- Trung ương Hội LHPN Việt Nam;
- VP Chính phủ (Ban Chỉ đạo Đề án 704);
- Thường trực Thành ủy;
-
Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
 - Thành viên BCĐ và Tổ giúp việc;
 - Các Sở - ngành thành phố;
- UBND các quận - huyện;
- VPUB: CPVP; Phòng VX, THKH;
- Lưu:VT, (VX-VN) H.

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN 704




Hứa Ngọc Thuận
Phó Chủ tịch UBND Thành phố

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo 135/BC-UBND ngày 26/07/2013 về sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” (2010-2012) do Ban Chỉ đạo Đề án 704 thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


18.226

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.178.226
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!