BỘ QUỐC PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/VBHN-BQP
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 3 năm 2024
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN CHUYỂN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN
DO DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ 100% VỐN ĐIỀU LỆ THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG THÀNH CÔNG
TY CỔ PHẦN
Thông tư số 155/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm
2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn chuyển doanh nghiệp nhà nước và công
ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn
điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng thành công ty cổ phần, có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 01 tháng 12 năm 2019, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 04/2024/TT-BQP ngày 15 tháng 01 năm
2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 155/2019/TT-BQP ngày 15 tháng
10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn chuyển doanh nghiệp nhà nước
và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư
100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng thành công ty cổ phần và Thông tư số
156/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn
thực hiện chuyển nhượng phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần do Bộ Quốc
phòng là cơ quan đại diện chủ sở hữu, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng
3 năm 2024.
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm
2014;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư
vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng
11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm
hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành
công ty cổ phần;
Căn cứ Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng
01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu
nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng
12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc
phòng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng
dẫn chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng thành công
ty cổ phần[1].
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh[2]
Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về chuyển
doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên là công ty con của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều
lệ trong Bộ Quốc phòng thành công ty cổ phần.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng (viết
tắt là doanh nghiệp cấp I), gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do
Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là Công ty mẹ của Tổng công ty, Công ty mẹ
trong nhóm công ty mẹ - công ty con thuộc Bộ Quốc phòng;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập
do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do
doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng đầu tư 100% vốn điều lệ (viết tắt là
doanh nghiệp cấp II).
3. Cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đến
việc chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng thành công
ty cổ phần.
Điều 3. Ban Chỉ đạo cổ phần hóa
doanh nghiệp
1. Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo
a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Ban
Chỉ đạo cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp cấp I;
b) Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Tổng công ty
(công ty) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp
cấp II.
2. Thành phần Ban Chỉ đạo
a) Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp cấp I, gồm:
Trưởng ban: Thủ trưởng Bộ Quốc phòng;
Phó Trưởng ban thường trực: Cục trưởng Cục Kinh tế/Bộ
Quốc phòng;
Phó trưởng ban: Thủ trưởng Cục Tài chính/Bộ Quốc
phòng;
Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng là Cơ quan thường trực của
Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp cấp I;
Các ủy viên, gồm thủ trưởng các cơ quan: Cục Kinh tế/Bộ
Quốc phòng; Văn phòng Bộ Quốc phòng, Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị, Cục Quân lực/Bộ
Tổng Tham mưu, Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng, Thủ
trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp cổ phần hóa; Chủ tịch Hội đồng
thành viên hoặc Chủ tịch doanh nghiệp cổ phần hóa; Tổng giám đốc (Giám đốc)
doanh nghiệp cổ phần hóa; Phòng Quản lý doanh nghiệp/Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng
(ủy viên thường trực), Chi cục Tài chính doanh nghiệp/Cục Tài chính/Bộ Quốc
phòng. Trường hợp cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty thì thành viên Ban Chỉ
đạo cổ phần hóa có đại diện của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp
và Bộ Tài chính;
Trưởng ban Chỉ đạo thành lập Tổ công tác trung tâm
giúp việc cho Ban Chỉ đạo.
b) Thành viên Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp
cấp II: Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty căn cứ điều kiện và tình hình
thực tế tại doanh nghiệp, thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp cấp
II; trong đó, có đại diện Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng, Cục Tài chính/Bộ Quốc
phòng, đại diện của cơ quan kinh tế, tài chính và cơ quan liên quan cấp trên
doanh nghiệp.
Điều 4. Quyền hạn, trách nhiệm
của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa
1. Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp cấp I có
quyền hạn, trách nhiệm sau:
a) Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo và tổ chức
thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng;
b) Quyết định thành lập Tổ giúp việc để triển khai
công tác cổ phần hóa tại doanh nghiệp;
c) Chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai cổ phần hóa
của doanh nghiệp trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt;
d) Được sử dụng con dấu của Bộ Quốc phòng trong khi
thực hiện nhiệm vụ;
đ) Căn cứ Quyết định cổ phần hóa của Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng, chỉ đạo doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện các nội dung sau:
- Chủ động thực hiện chuẩn bị hồ sơ, tài liệu pháp
lý về tài sản, nguồn vốn, công nợ của doanh nghiệp (bao gồm cả nhà cửa, đất
đai); phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ tại thời điểm lập báo cáo tài chính theo quy
định của pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch tiến độ cổ phần hóa (bao gồm cả
mốc thời gian cho từng bước công việc; dự toán chi phí cổ phần hóa). Trường hợp
không thực hiện được tiến độ cổ phần hóa do nguyên nhân chủ quan thì Người quản
lý doanh nghiệp được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ.
- Xử lý các vấn đề về tài chính, lao động, tổ chức
xác định giá trị doanh nghiệp.
- Xây dựng phương án sử dụng lao động.
- Xây dựng phương án cổ phần hóa và Điều lệ lần đầu
của công ty cổ phần.
- Phối hợp với các tổ chức đấu giá bán cổ phần theo
quy định.
- Xác định số tiền thu về từ cổ phần hóa phù hợp với
hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp, lập báo cáo quyết toán (quyết toán tài
chính thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần, quyết toán chi phí cổ
phần hóa, chi phí giải quyết chế độ cho người lao động, chi phí ưu đãi cho người
lao động và tổ chức công đoàn).
- Thực hiện công bố công khai kịp thời, đầy đủ quá
trình cổ phần hóa theo quy định theo khoản 1 Điều 11 và Điều 46 Nghị định
126/2017/NĐ-CP; đồng thời đăng trên Cổng Thông tin điện tử Ngành kinh tế quân đội
(www.ckt.gov.vn).
e) Báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lựa chọn phương
thức bán cổ phần lần đầu;
g) Thẩm tra và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết
định: Lựa chọn tổ chức tư vấn, tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức
bán đấu giá cổ phần; công bố giá trị doanh nghiệp; phê duyệt phương án sử dụng
lao động; phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trường hợp cổ phần hóa Công ty mẹ -
Tổng công ty thì Ban Chỉ đạo cổ phần hóa báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa;
h) Tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kết quả
bán cổ phần;
i) Tổng hợp và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết
định điều chỉnh giá trị doanh nghiệp; điều chỉnh phương án cổ phần hóa. Đối với
doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty mẹ - Tổng công ty báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định điều chỉnh phương án cổ phần hóa;
k) Thẩm tra và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết
định phê duyệt quyết toán tài chính; quyết toán chi phí cổ phần hóa; quyết toán
kinh phí hỗ trợ cho người lao động; quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa và
công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
l) Tham gia về việc cử người đại diện phần vốn nhà
nước góp tại công ty cổ phần theo Quy chế công tác cán bộ trong Quân đội nhân
dân Việt Nam;
m) Giám sát việc bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước
và công ty cổ phần;
n) Tham dự và chỉ đạo Đại hội đồng cổ đông lần đầu
của công ty cổ phần.
2. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Tổng công ty
(Công ty) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo để giúp Hội đồng thành viên/Chủ tịch
công ty tổ chức triển khai công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp cấp II. Ban Chỉ
đạo cổ phần hóa doanh nghiệp cấp II có trách nhiệm, quyền hạn tương ứng tại khoản
1 Điều này.
Điều 5. Tổ giúp việc cổ phần
hóa
1. Thành viên
a) Tổ trưởng: Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp
cổ phần hóa;
b) Các tổ viên: Kiểm soát viên doanh nghiệp; Trưởng
phòng Tài chính- Kế toán; Trưởng (hoặc Phó) một số phòng, ban của doanh nghiệp
cổ phần hóa và một số thành viên thuộc các cơ quan nghiệp vụ của đơn vị cấp
trên trực tiếp của doanh nghiệp (nếu có).
2. Số lượng thành viên Tổ giúp việc do Trưởng ban
Chỉ đạo cổ phần hóa quyết định.
Chương II
QUY TRÌNH CỔ PHẦN HÓA
DOANH NGHIỆP VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN XỬ LÝ
Điều 6. Quy trình cổ phần hóa[3]
1. Quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp thực hiện
theo quy định tại khoản 23 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11
năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp
nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước
đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày
13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và
quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP
ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 91/2015/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định số 140/2020/NĐ-CP) và Phụ lục I ban
hành kèm theo Thông tư này.
2. Quy trình sắp xếp lại, xử lý nhà đất tại doanh
nghiệp cổ phần hóa và lập phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa thực hiện theo quy
định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, khoản 6 Điều 3 Nghị định
số 140/2020/NĐ-CP, Điều 12 Nghị định số 26/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021
của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 132/2020/QH14
ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng
mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động
sản xuất, xây dựng kinh tế và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 7. Thực hiện công khai,
minh bạch thông tin và niêm yết trên thị trường chứng khoán[4]
Doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện công khai, minh
bạch thông tin theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và khoản 5
Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, đồng thời đăng trên Cổng Thông tin điện tử Ngành
kinh tế quân đội (www.ckt.gov.vn); báo cáo Ban Chỉ đạo cổ phần hóa để theo dõi,
hướng dẫn, chỉ đạo.
Điều 8. Công tác xử lý tài
chính, tài sản[5]
1. Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp
Doanh nghiệp thực hiện xử lý tài chính tại thời điểm
xác định giá trị doanh nghiệp (trước khi tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh
nghiệp) theo quy định tại Điều 14, 15, 16, 17, 18, 19 và Điều 20 Nghị định số
126/2017/NĐ-CP; khoản 8, 9, 10 Điều 1 và khoản 4 Điều 3 Nghị định số
140/2020/NĐ-CP; Điều 7 Thông tư số 46/2021/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định
giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công
ty cổ phần (viết tắt là Thông tư số 46/2021/TT-BTC);
2. Tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ
phần
a) Doanh nghiệp thực hiện xử lý tài chính tại thời
điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định tại Điều 21 Nghị định
số 126/2017/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư số 46/2021/TT-BTC;
b) Thực hiện bàn giao, xử lý các khoản nợ và tài sản
loại trừ không đưa vào giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số
07/2022/TT-BTC ngày 09 tháng 02 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn
bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu
doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và theo chỉ định của Chính phủ và Thủ
tướng Chính phủ;
c) Việc xử lý tài sản của doanh nghiệp khi thực hiện
cổ phần hóa phải đảm bảo minh bạch, đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc
phòng. Trường hợp có tài sản thuộc trang bị quốc phòng thì báo cáo Bộ Tổng Tham
mưu thu hồi 100% vũ khí, đạn và các trang bị đặc thù quân sự về cơ quan,
đơn vị cấp trên của doanh nghiệp để quản lý. Đối với doanh nghiệp do Bộ Quốc
phòng trực tiếp quản lý thì thu hồi về các kho chiến lược của Bộ Quốc phòng khi
có quyết định của Bộ Tổng Tham mưu;
d) Doanh nghiệp cổ phần hóa nhà nước nắm giữ từ 50%
vốn điều lệ trở lên thì được sử dụng một xe ôtô biển số quân sự để phục vụ chỉ
huy; doanh nghiệp cổ phần hóa nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ không được
sử dụng biển số xe quân sự kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh lần đầu.
Điều 9. Phương pháp xác định
giá trị doanh nghiệp
1. Việc xác định giá trị doanh nghiệp phải được áp
dụng tối thiểu hai phương pháp, trong đó có phương pháp tài sản. Giá trị doanh
nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định và công bố không
thấp hơn giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước được xác định theo phương
pháp tài sản.
2.[6] Tổ chức tư vấn
xác định giá trị doanh nghiệp phải thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo
phương pháp tài sản quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định số 126/2017/NĐ-CP,
khoản 13, 14, 15, 16, 17 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và hướng dẫn tại
Thông tư số 46/2021/TT-BTC; các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác
phải đảm bảo tính khoa học, phản ánh thực chất giá trị doanh nghiệp và được quốc
tế áp dụng rộng rãi, dễ hiểu, dễ sử dụng trong tính toán.
3. Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo các
phương pháp đã lựa chọn phải là thời điểm kết thúc quý hoặc năm gần nhất với thời
điểm có quyết định cổ phần hóa.
Điều 10. Kiểm toán kết quả xác
định giá trị doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa
1. Bộ Quốc phòng giao Kiểm toán Bộ Quốc phòng thực
hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi
chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đối với các công ty độc lập.
2. Các doanh nghiệp không thuộc đối tượng tại khoản
1 Điều này thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số
126/2017/NĐ-CP.
Điều 11. Quản lý quân nhân và
chính sách đối với người lao động
1. Quân nhân khi chuyển sang công ty cổ phần, căn cứ
quy mô vốn nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ giữ lại không quá 05 quân
nhân là Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
2. Việc giải quyết chế độ chính sách đối với sĩ
quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và người lao động
thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2018/TT-BQP ngày 30 ngày 8 tháng
2018 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc sử dụng và thực hiện một số chế độ, chính
sách đối với các đối tượng làm việc tại doanh nghiệp Quân đội thực hiện cổ phần
hóa hoặc giải thể, phá sản; công ty cổ phần thoái vốn nhà nước và công ty cổ phần
có vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý (viết tắt Thông tư số
139/2018/TT-BQP) và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 12. Cơ cấu vốn điều lệ
1. Doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ không thuộc diện
Nhà nước cần nắm giữ cổ phần (theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước được
Thủ tướng Chính phủ công bố trong từng thời kỳ) thực hiện theo quy định tại khoản
3 Điều 5 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
2. Doanh nghiệp không thuộc đối tượng tại khoản 1 của
Điều này, căn cứ kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh và phần vốn nhà nước
hiện có tại doanh nghiệp đề xuất mức vốn điều lệ hợp lý, trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt tại phương án cổ phần hóa.
Điều 13. Người đại diện phần vốn
nhà nước tại công ty cổ phần
1. Thẩm quyền cử Người đại diện:
a) Việc cử Người đại diện theo ủy quyền tại công ty
cổ phần thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư
vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quy định khác của Nhà nước và Quy chế
công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam;
b) Theo đề nghị của Đảng ủy đơn vị trực thuộc Bộ Quốc
phòng, cơ quan cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm định,
báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định cử Người đại diện vốn nhà nước tại các
công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu theo quy định tại
Quy chế công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam;
c) Hội đồng thành viên, Chủ tịch Tổng công ty (Công
ty) quyết định cử Người đại diện tại các công ty cổ phần có vốn góp theo Quy chế
công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam (sau khi có ý kiến của Ban Chỉ
đạo cổ phần hóa và cơ quan cán bộ).
2. Số lượng Người đại diện:
a) Số lượng người đại diện được cử tối đa là 05
(năm) người đối với doanh nghiệp cổ phần hóa nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ
trở lên và tối đa là 03 (ba) người đối với doanh nghiệp cổ phần hóa nhà nước nắm
giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Thành phần, cơ cấu Người đại diện tại doanh nghiệp
theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ doanh nghiệp, đặc thù của từng
doanh nghiệp có phần vốn nhà nước theo: Quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp; tỷ
lệ phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; ngành nghề kinh doanh và đặc điểm
hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; chiến lược và mục tiêu phát triển
doanh nghiệp theo định hướng của Nhà nước; các quy định khác của pháp luật;
b) Trường hợp cử từ 02 (hai) Người đại diện trở lên
thì xác định cụ thể số cổ phần giao cho mỗi Người đại diện và giao cho một người
đại diện chịu trách nhiệm phụ trách chung (gọi tắt là Người đại diện phụ trách
chung).
3. Tiêu chuẩn Người đại diện tại các công ty cổ phần
phải đảm bảo theo quy định tại Điều 46 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu
tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các quy định khác của Nhà nước và
Bộ Quốc phòng có liên quan.
4. Nhiệm kỳ cử Người đại diện là 05 năm, hết nhiệm
kỳ được xem xét cử lại, nhưng không quá 02 nhiệm kỳ làm đại diện tại một công
ty cổ phần.
5. Người đại diện phần vốn nhà nước có quyền và
trách nhiệm theo quy định tại Điều 48 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư
vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30
tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ
sở hữu nhà nước, các quy định khác của Nhà nước và Bộ Quốc phòng có liên quan.
Điều 14. Bàn giao giữa doanh
nghiệp cổ phần hóa và công ty cổ phần
1. Trong thời gian 90 ngày kể từ thời điểm được cấp
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa
phải hoàn thành các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số
126/2017/NĐ-CP.
2.[7] Việc bàn giao
giữa doanh nghiệp cổ phần hóa và công ty cổ phần thực hiện theo quy định tại Điều
9 Thông tư số 46/2021/TT-BTC.
Điều 15. Tên gọi của công ty cổ
phần và ban hành văn bản
1. Trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp, tên công ty cổ phần không được dùng các cụm từ “Quân đội”, “Bộ Quốc
phòng”, “Quân sự”, “Quốc phòng” hoặc các cụm từ có liên quan; các cụm từ viết tắt
của các cụm từ trên hoặc tên liên quan đến các cơ quan, đơn vị cấp trên quản lý
trực tiếp doanh nghiệp.
2. Trong các văn bản giao dịch của công ty cổ phần,
nơi ghi tên đơn vị ban hành văn bản, không ghi tên đơn vị quân đội chủ quản cấp
trên trực tiếp và gián tiếp.
3. Đối với quân nhân giữ chức danh quản lý trong
công ty cổ phần, không ghi cấp bậc quân hàm trong các văn bản do doanh nghiệp
phát hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Trách nhiệm của các
cơ quan, đơn vị có liên quan
1. Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng
a) Chủ trì tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc
phòng về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp quân đội; chịu trách nhiệm tham mưu
cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành cơ chế chính sách về cổ phần hóa doanh
nghiệp quân đội; phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, trình Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định phương án sử dụng đất quốc phòng, quyết định
cổ phần hóa doanh nghiệp và quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa. Hướng
dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa; kiểm tra, báo cáo Thủ trưởng Bộ
Quốc phòng các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban
Chỉ đạo thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quyết định công bố
giá trị doanh nghiệp, quyết định phương án sử dụng lao động, quyết định phê duyệt
phương án cổ phần hóa (hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với Công ty
mẹ - Tổng công ty), quyết định phê duyệt quyết toán tài chính và công bố giá trị
thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận
đăng ký doanh nghiệp lần đầu; hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức Đại hội đồng cổ
đông, tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp cổ phần hóa và công ty cổ phần.
2. Các cơ quan của Bộ Quốc phòng
a) Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng
Hướng dẫn doanh nghiệp cổ phần hóa xử lý tài chính
trước, trong và sau khi xác định giá trị doanh nghiệp, trong quá trình cổ phần
hóa.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc
phòng thẩm tra hồ sơ giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và hồ sơ quyết toán cổ
phần hóa; phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Bộ Quốc phòng kiểm toán kết
quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi báo cáo Ban Chỉ đạo
cổ phần hóa trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định công bố giá trị doanh nghiệp.
b) Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu
Tham mưu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền quyết định
giải thể đơn vị quân sự; điều chuyển nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; thành lập,
sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại, giải thể các tổ chức đối với doanh nghiệp trước
khi cổ phần hóa.
Hướng dẫn và thu hồi 100% vũ khí, đạn và các trang
bị đặc thù quân sự về cơ quan, đơn vị cấp trên của doanh nghiệp để quản lý.
Phối hợp với Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị hướng
dẫn doanh nghiệp cổ phần hóa giải quyết chế độ chính sách cho người lao động
thuộc diện quân lực quản lý khi chuyển sang công ty cổ phần; thẩm tra hồ sơ
phương án sử dụng lao động, giải quyết chế độ, chính sách quân nhân chuyên nghiệp,
công nhân và viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng dôi dư, báo cáo Trưởng
ban Chỉ đạo cổ phần hóa.
c) Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị
Phối hợp với Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị hướng
dẫn doanh nghiệp cổ phần hóa giải quyết chế độ chính sách cho người lao động
thuộc diện cán bộ quản lý khi chuyển sang công ty cổ phần.
Chủ trì thẩm tra hồ sơ phương án sử dụng lao động,
giải quyết chế độ, chính sách cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân
và viên chức quốc phòng thuộc diện cán bộ quản lý báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo cổ
phần hóa.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thẩm định, trình
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định cử người đại diện vốn nhà nước tại công ty cổ
phần.
d) Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn
doanh nghiệp cổ phần hóa giải quyết chế độ chính sách cho người lao động khi
chuyển sang công ty cổ phần; thẩm tra hồ sơ phương án sử dụng lao động, giải
quyết chế độ, chính sách cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và
viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng dôi dư, báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo cổ
phần hóa.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo,
kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng tại doanh nghiệp
thực hiện cổ phần hóa.
đ) Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng
Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng việc giám sát
chấp hành pháp luật; phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định các quyết định,
văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ Quốc phòng trong quá trình thực hiện chuyển
doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh
nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng thành công ty cổ phần.
e) Thanh tra Bộ Quốc phòng
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện
thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quá trình cổ phần hóa doanh
nghiệp.
Chủ trì, phối hợp với Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng, Cục
Tài chính/Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng phê duyệt kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc
chấp hành pháp luật của Người đại diện vốn nhà nước tại công ty cổ phần do Bộ
Quốc phòng là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật
và Bộ Quốc phòng.
Phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết vướng
mắc, khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện cổ phần hóa theo quy định của
pháp luật;
g) Kiểm toán Bộ Quốc phòng
Thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh
nghiệp để cổ phần hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư
này; kiểm toán chi phí cổ phần hóa, báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ cho
người lao động, báo cáo quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa (khi được Thủ trưởng
Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ).
3. Các đơn vị có doanh nghiệp cổ phần hóa (đơn vị cấp
trên doanh nghiệp)
a) Phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng chỉ đạo
doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đúng pháp luật, đảm bảo tiến độ;
b) Quản lý và giải quyết chính sách cho quân nhân
làm việc ở doanh nghiệp cổ phần hóa đúng quy định của Bộ Quốc phòng;
c) Đôn đốc doanh nghiệp thực hiện quyết toán tài
chính; quyết toán chi phí cổ phần hóa; quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao
động; quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa theo quy định của Nhà nước, báo cáo
Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng và Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng)
phê duyệt và công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ
phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
4. Người quản lý doanh nghiệp cổ phần hóa
Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Tổng
công ty (Công ty), Tổng giám đốc (Giám đốc), Kế toán trưởng doanh nghiệp cổ phần
hóa chịu trách nhiệm lập và ký báo cáo tài chính, báo cáo xác định giá trị phần
vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần, các báo cáo quyết toán
tiền thu về từ cổ phần hóa, chi trả chế độ cho người lao động, chi phí cổ phần
hóa và chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của báo cáo. Kiểm soát
viên doanh nghiệp chịu trách nhiệm rà soát, xác nhận tính trung thực và chính xác
của báo cáo.
Hội đồng quản trị công ty cổ phần (mới) có trách
nhiệm tạo điều kiện để lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần hóa hoàn thành nhiệm vụ và
ký, đóng dấu xác nhận chữ ký các chức danh quản lý của doanh nghiệp cổ phần hóa
trong báo cáo tài chính và các quyết toán liên quan đến quá trình cổ phần hóa.
5. Tổng công ty, công ty mẹ có công ty cấp II cổ phần
hóa
Thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa các công ty cấp
II và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện cổ phần hóa theo quy định Nghị định
126/2017/NĐ-CP, Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Điều 17. Hiệu lực thi hành[8]
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 12 năm 2019 và thay thế Thông tư số 56/2013/TT-BQP ngày 02 tháng 5 năm
2013 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong
Quân đội thành công ty cổ phần.
2. Các văn bản viện dẫn trong Thông tư này khi được
sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì nội dung viện dẫn cũng được điều chỉnh thực
hiện theo văn bản mới.
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
Thủ trưởng đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng,
Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ
100% vốn điều lệ và người đại diện phần vốn nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Đ/c Bộ trưởng (để b/c);
- Thủ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP (đề nghị sao gửi cho các doanh nghiệp thuộc
quyền);
- Cục KTVB QPPL/BTP;
- Vụ Pháp chế BQP;
- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT BQP (để đăng tải);
- Lưu: VT, THBĐ, PC. Nhung89.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Vũ Hải Sản
|
[1] Thông tư số 04/2024/TT-BQP sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 155/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ
thuộc Bộ Quốc phòng thành công ty cổ phần và Thông tư số 156/2019/TT-BQP ngày
15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng
phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần do Bộ Quốc phòng là cơ quan đại diện
chủ sở hữu, có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 01 tháng 7 năm
2020;
Căn cứ Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng
01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu
nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng
11 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp
nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước
đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày
13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và
quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP
ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 91/2015/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng
11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc
phòng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư số 155/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019 của
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ
thuộc Bộ Quốc phòng thành công ty cổ phần và Thông tư số 156/2019/TT-BQP ngày
15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng
phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần do Bộ Quốc phòng là cơ quan đại diện
chủ sở hữu”.
[2] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 04/2024/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 155/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng hướng dẫn chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng
thành công ty cổ phần và Thông tư số 156/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019
của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng phần vốn nhà nước
đầu tư tại công ty cổ phần do Bộ Quốc phòng là cơ quan đại diện chủ sở hữu, có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 3 năm 2024.
[3] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 04/2024/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 155/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng hướng dẫn chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng
thành công ty cổ phần và Thông tư số 156/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019
của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng phần vốn nhà nước
đầu tư tại công ty cổ phần do Bộ Quốc phòng là cơ quan đại diện chủ sở hữu, có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 3 năm 2024.
[4] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 04/2024/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 155/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng hướng dẫn chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng
thành công ty cổ phần và Thông tư số 156/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019
của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng phần vốn nhà nước
đầu tư tại công ty cổ phần do Bộ Quốc phòng là cơ quan đại diện chủ sở hữu, có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 3 năm 2024.
[5] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 04/2024/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 155/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng hướng dẫn chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng
thành công ty cổ phần và Thông tư số 156/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019
của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng phần vốn nhà nước
đầu tư tại công ty cổ phần do Bộ Quốc phòng là cơ quan đại diện chủ sở hữu, có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 3 năm 2024.
[6] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại khoản 5 Điều 1 của Thông tư số 04/2024/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 155/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng hướng dẫn chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng
thành công ty cổ phần và Thông tư số 156/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019
của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng phần vốn nhà nước
đầu tư tại công ty cổ phần do Bộ Quốc phòng là cơ quan đại diện chủ sở hữu, có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 3 năm 2024.
[7] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 04/2024/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 155/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng hướng dẫn chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng
thành công ty cổ phần và Thông tư số 156/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019
của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng phần vốn nhà nước
đầu tư tại công ty cổ phần do Bộ Quốc phòng là cơ quan đại diện chủ sở hữu, có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 3 năm 2024.
[8] Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số
04/2024/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 155/2019/TT-BQP
ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn chuyển doanh
nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp
nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng thành công ty cổ phần và
Thông tư số 156/2019/TT-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ
phần do Bộ Quốc phòng là cơ quan đại diện chủ sở hữu, có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 02 tháng 3 năm 2024, quy định như sau:
“Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
02 tháng 3 năm 2024.
2. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư
này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ
sung hoặc thay thế đó.
Điều 4. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục
Chính trị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch công ty của các doanh nghiệp
do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện phần vốn nhà nước, tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
2. Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm phối
hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, kiểm tra, theo dõi, giám
sát và báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”./.