THANH
TRA NHÀ NƯỚC-TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
01-TT-LB
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 11 năm 1991
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM VÀ THANH TRA NHÀ NƯỚC SỐ
01-TT-LB NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM 1991 HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 241-HĐBT ĐỐI
VỚI CÁC BAN THANH TRA NHÂN DÂN TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP VÀ CÁC ĐƠN VỊ SẢN
XUẤT, KINH DOANH THUỘC THÀNH PHẦN KINH TẾ QUỐC DOANH
Căn cứ Nghị định 241-HĐBT
ngày 5-8-1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về tổ chức và hoạt động của các
Ban Thanh tra nhân dân, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Thanh tra Nhà nước
hướng dẫn việc thực hiện Nghị định nói trên đối với các Ban Thanh tra nhân dân
tại cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc thành phần
kinh tế quốc doanh như sau:
I. NHIỆM VỤ
VÀ QUYỀN HẠN
Ban Thanh tra nhân dân được
thành lập tại cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc
thành phần kinh tế quốc doanh (gọi tắt là cơ quan, đơn vị) là tổ chức của người
lao động, do Đại hội CNVC bầu ra, Ban chấp hành công đoàn cơ sở chỉ đạo hoạt động,
nhằm bảo đảo thực hiện quyền giám sát, kiểm tra của CNVC trong việc thực hiện
các chính sách, pháp luật, nghị quyết của Đại hội CNVC và những quy định của cơ
quan, đơn vị liên quan trực tiếp đến lợi ích của người lao động, của tập thể và
Nhà nước.
Ban Thanh tra nhân dân tại cơ
quan, đơn vị có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a. Nhiệm vụ
1. Giám sát việc thực hiện chính
sách, pháp luật, nghị quyết Đại hội CNVC, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị
đối với các tổ chức và cá nhân trong cơ quan, đơn vị; giám sát việc giải quyết
các khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình.
2. Phối hợp với tổ chức thanh
tra Nhà nước khi tiến hành thanh tra tại cơ quan, đơn vị mình; giám sát việc thực
hiện các kết luận, quyết định, kiến nghị của tổ chức thanh tra Nhà nước.
3. Trường hợp được tổ chức thanh
tra Nhà nước yêu cầu, Đại hội CNVC quyết định thì Ban Thanh tra nhân dân tiến
hành kiểm tra. Những vi phạm liên quan trực tiếp đến việc sử dụng quỹ phúc lợi,
thực hiện chính sách lao động và tiền lương, tiền thưởng, các chính sách xã hội;
nếu có quá 1/2 số uỷ viên Ban Thanh tra nhân dân đề nghị cần phải kiểm tra thì
báo cáo với Ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét, quyết định. Khi kiểm tra
xong phải báo cáo kết quả với Ban chấp hành công đoàn cơ sở và tổ chức thanh
tra Nhà nước.
4. Thường xuyên phản ánh tình
hình hoạt động với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng
kết hoạt động và báo cáo trước Đại hội CNVC cơ quan, đơn vị.
b. Quyền hạn
1. Khi phát hiện thấy các vi phạm
chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế thì kiến nghị với thủ trưởng cơ quan,
đơn vị xử lý hoặc có biện pháp khắc phục, đồng thời giám sát việc thực hiện các
kiến nghị đó.
Đối với những vi phạm có liên
quan đến thủ trưởng cơ quan, đơn vị thì Ban Thanh tra nhân dân được quyền báo
cáo với tổ chức thanh tra Nhà nước, Công đoàn và cơ quan quản lý cấp trên.
2. Được yêu cầu cá nhân và tổ chức
có liên quan đến các vụ việc giám sát, kiểm tra cung cấp các thông tin, tài liệu
cần thiết.
3. Được tổ chức các hình thức động
viên người lao động, tham gia phát hiện các sai phạm, tiếp nhận các ý kiến và
phản ảnh của quần chúng. Những khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ
quan Nhà nước thì hướng dẫn công nhân, viên chức chuyển tới các cơ quan có
trách nhiệm giải quyết.
4. Được lập biên bản trong các vụ
giám sát, kiểm tra. Được yêu cầu, kiến nghị với thủ trưởng cơ quan, đơn vị về
các vấn đề cần phải xử lý.
Biên bản được lập công khai, ghi
rõ ý kiến đồng ý, không đồng ý và mỗi bên đều phải ký vào biên bản. Trong thời
gian 30 ngày thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trả lời cho Ban Thanh tra nhân dân
biết những biện pháp xử lý.
Trường hợp thủ trưởng cơ quan,
đơn vị không giải quyết hoặc không trả lời thì Ban Thanh tra nhân dân được quyền
kiến nghị lên thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của thủ trưởng cơ
quan, đơn vị đó.
5. Được cử đại diện tham gia các
cuộc họp của cơ quan, đơn vị mà nội dung liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ và
quyền hạn giám sát, kiểm tra của Ban Thanh tra nhân dân.
6. Được đề nghị với thủ trưởng
cơ quan, đơn vị khen thưởng những cá nhân và tập thể có thành tích trong hoạt động
thanh tra nhân dân, xử lý kỷ luật các cá nhân và tập thể vi phạm.
II. TỔ CHỨC
VÀ HOẠT ĐỘNG
1. Tất cả các cơ quan hành chính
sự nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế quốc doanh (cả
các nhà máy, đơn vị thành viên trong nhà máy liên hợp, liên đoàn) đều phải
thành lập một Ban Thanh tra nhân dân để thực hiện quyền giám sát, kiểm tra của
người lao động tại cơ quan, đơn vị mình. Ban Thanh tra nhân dân có từ 3 đến 9 uỷ
viên do Đại hội CNVC hoặc Đại hội đại biểu CNVC bầu bằng phiếu kín, số lượng tuỳ
theo đặc điểm của từng cơ quan đơn vị do Đại hội quyết định cụ thể. Nhiệm kỳ của
Ban Thanh tra nhân dân là 2 năm.
2. Các phân xưởng, đội sản xuất
và những đơn vị tương đương có thể thành lập Tổ Thanh tra nhân dân có số lượng
từ 3 đến 5 người do Đại hội CNVC ở bộ phận đó bầu ra, theo nhiệm kỳ 2 năm phải
được Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định công nhận.
3. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và
người đứng đầu các bộ phận trong cơ quan, đơn vị không tham gia Ban Thanh tra
nhân dân và Tổ Thanh tra nhân dân.
4. Các Ban Thanh tra nhân dân có
trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn công tác cho các Tổ Thanh tra nhân dân.
Các Tổ Thanh tra nhân dân phải
thường xuyên phản ánh tình hình về những vấn đề có liên quan đến công tác thanh
tra của bộ phận mình cho Ban Thanh tra nhân dân.
III. TRÁCH
NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải
tạo điều kiện cần thiết cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động như quy định tại
Điều 11 và Điều 13 của Nghị định 241-HĐBT.
2. Đối với các vụ việc do kết quả
giám sát, kiểm tra của Ban Thanh tra nhân dân mà thu hồi về cho Nhà nước, cơ
quan, đơn vị số tài sản bị thất thoát thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở đề nghị
thủ trưởng cơ quan, đơn vị khen thưởng cho Ban Thanh tra nhân dân. Ở những nơi
đã có quy chế nội bộ hoặc đã được Đại hội CNVC quyết định, về việc trích thưởng
thì áp dụng theo quy chế, quyết định đó.
3. Những Uỷ viên Ban Thanh tra
nhân dân đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị không
được thuyên chuyển hoặc bố trí công tác khác làm ảnh hưởng đến việc kiểm tra.
Trong trường hợp thật cần thiết phải được sự thoả thuận của Ban chấp hành công
đoàn cơ sở. Nghiêm cấm việc trả thù, trù dập đối với các Uỷ viên Ban Thanh tra
nhân dân.
Thủ trưởng Liên hiệp các xí nghiệp,
các Tổng công ty và cấp tương đương phải giải quyết kịp thời các kiến nghị của
các Ban Thanh tra nhân dân; phối hợp với công đoàn cùng cấp tổ chức việc phổ biến
kinh nghiệm, tập huấn nghiệp vụ cho các Ban Thanh tra nhân dân của các đơn vị
trực thuộc.
Thanh tra Bộ, tỉnh, thành phố và
Thanh tra các cơ sở... có trách nhiệm phối hợp với công đoàn đồng cấp tổ chức
sơ kết, tổng kết chuyên đề, phổ biến kinh nghiệm và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các
Ban Thanh tra nhân dân. Thanh tra Bộ có thể uỷ quyền cho tổ chức thanh tra Tổng
công ty hoặc Liên hiệp xí nghiệp hướng dẫn nghiệp vụ cho các Ban Thanh tra nhân
dân trong Tổng công cy hoặc Liên hiệp xí nghiệp mình.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày
ký và thay thế Thông tư số 03-TT-LB ngày 7-11-1979 của Uỷ ban Thanh tra của
Chính phủ và Tổng Công đoàn Việt Nam.