Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 85-TT/LB Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Liên hiệp xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trung ương Người ký: Nguyễn Văn Thao, Vũ Quang
Ngày ban hành: 05/06/1972 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-LIÊN HIỆP XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆPVÀ THỦ CÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 85-TT/LB

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 1972

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC THÀNH LẬP LIÊN HIỆP XÃ VẬN TẢI

Hiện nay toàn miền Bắc nước ta có trên ... trăm hợp tác xã vận tải (cả đường bộ và đường thuỷ) với gần ... vạn xã viên ... tấn trọng tải phương tiện ... vạn súc vật kéo, trên ... trăm đội xếp dỡ chuyên nghiệp với khoảng ... nghìn người được tổ chức dưới hình thức tập đoàn. Ngoài ra còn có gần ... vạn người lao động vận tải làm ăn cá thể. Hàng năm lực lượng vận tải hợp tác xã vận chuyển một khối lượng hàng hoá lớn, chiếm từ 40% đến 70% kế hoạch vận tải của các địa phương. (*)

Từ sau cuộc vận động hợp tác hoá đến nay, lực lượng vận tải này đã có những tiến bộ rõ rệt trên con đường cải tạo và phát triển theo chủ nghĩa xã hội. Nhiều hợp tác xã đã mở rộng quy mô hoạt động, thực hiện tập thể hoá tư liệu sản xuất và phân phối theo lao động, xây dựng nề nếp quản lý kinh tế tập thể, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhờ đó đã nâng cao năng suất lao động, sức vận chuyển, tăng được thu nhập và từng bước cải thiện đời sống xã viên.

Tuy nhiên, trên bước đường tiến lên của phong trào, hợp tác hoá đã và đang bộc lộ một số nhược điểm về mặt tổ chức lãnh đạo và quản lý đối với thành phần kinh tế này, cụ thể:

a) Cơ quan giao thông vận tải vừa phải làm chức năng quản lý của Nhà nước, vừa phải đại diện quyền lợi những người lao động vận tải và hướng dẫn việc quản lý nội bộ hợp tác xã do đó rất khó giải quyết được thoả đáng quan hệ giữa Nhà nước với hợp tác xã, hoặc làm cho hợp tác xã ỷ lại vào Nhà nước, có khi tìm cách đối phó với việc quản lý của Nhà nước, hoặc buông lỏng việc quản lý của Nhà nước, gây mâu thuẫn giữa lợi ích Nhà nước với lợi ích hợp tác xã.

b) Cơ quan giao thông vận tải tuy có trách nhiệm đối với quần chúng lao động vận tải, nhưng không làm chức năng của tổ chức đoàn thể quần chúng, tức là đi sâu vào việc giáo dục, tổ chức, vận động quần chúng; vì vậy việc phát động phong trào cách mạng của quần chúng để thực hiện biện pháp chính sách của Nhà nước bị hạn chế.

c) Trong quá trình tiến lên của phong trào hợp tác hoá, có những mối quan hệ giữa các hợp tác xã với nhau được hình thành và phát triển như: hợp tác về kinh tế, kỹ thuật, về tổ chức, phúc lợi chung, v.v… Những hoạt động hợp tác tương trợ như vậy trong nội bộ quần chúng phải do một tổ chức của quần chúng đứng ra vận động tổ chứ thì mới có điều kiện thuận lợi thúc đẩy được mạnh mẽ phong trào của quần chúng.

Xuất phát từ yêu cầu khắc phục các nhược điểm nêu trên, nên từ 1964, sau khi trao đổi thống nhất với Liên hiệp xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trung ương, Bộ Giao thông vận tải đã có chủ trương thành lập Liên hiệp xã vận tải tỉnh, thành phố với tính chất là một đoàn thể quần chúng nhằm đại diện quyền lợi của người lao động vận tải và làm nhiệm vụ tổ chức vận động quần chúng để hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý kinh tế của Nhà nước. Chủ trương trên được thực hiện thí điểm ở một số địa phương đã cho thấy việc thành lập Liên hiệp xã vận tải bên cạnh cơ quan giao thông vận tải đã góp phần cải tiến và tăng cường việc quản lý hợp tác xã vận tải, thúc đẩy phong trào hợp tác hoá trong ngành này tiến lên.

Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển vận tải địa phương, cần xúc tiến gấp việc thành lập Liên hiệp xã vận tải tỉnh, thành phố; ở những địa phương đã thành lập, cần củng cố để phát huy đầy đủ tác dụng của tổ chức đó nhằm gây khí thế phấn khởi trong quần chúng lao động vận tải.

Căn cứ vào tinh thần Nghị quyết số 143-CP ngày 03 tháng 08 năm 1970 của Hội đồng Chính phủ về tổ chức Liên hiệp xã các cấp và Liên xã ngành để giúp các địa phương thực hiện được thống nhất chủ trương thành lập Liên hiệp xã vận tải. Bộ Giao thông vận tải cùng với Liên hiệp xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trung ương hướng dẫn một số vấn đề cụ thể dưới đây.

I. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA LIÊN HIỆP XÃ VẬN TẢI

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, Liên hiệp xã vận tải do các hợp tác xã vận tải, hợp tác xã đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải (thuộc ngành giao thông vận tải quản lý) các tổ chức xếp dỡ chuyên nghiệp ở các tỉnh, thành phố thành lập lên là một tổ chức quần chúng nhằm mục đích thu hút, tổ chức, vận động các lực lượng lao động vận tải, sản xuất và sửa chữa phương tiện vận tải, xếp dỡ vào việc xây dựng, phát triển kinh tế vận tải tập thể, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của vận tải địa phương, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở từng địa phương và trong cả nước.

Nhiệm vụ cụ thể của Liên hiệp xã vận tải:

1. Đại diện cho các hợp tác xã vận tải, hợp tác xã đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải, các tổ chức xếp dỡ chuyên nghiệp trước các cơ quan Nhà nước, phản ảnh với các cơ quan Đảng và Nhà nước những nguyện vọng, yêu cầu của quần chúng lao động làm các ngành nghề trên; đề xuất những chủ trương, chính sách, chế độ cần ban hành đối với họ.

2. Tham gia việc quy hoạch mạng lưới vận tải, xếp dỡ, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải, việc xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao cho các hợp tác xã vận tải, hợp tác xã đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải, các tổ chức xếp dỡ, chuyên nghiệp, vận động, đôn đốc các sở này hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao.

3. Vận động phong trào cải tiến kỹ thuật trong các cơ sở sản xuất nhằm giảm bớt lao động nặng nhọc, nâng cao năng suất lao động trong vận chuyển, sản xuất và sửa chữa phương tiện vận tải, xếp dỡ hàng hoá.

4. Hướng dẫn việc xây dựng và củng cố tổ chức, việc cải tiến quản lý nhằm từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất mới trong các tổ chức này; vận động những người lao động vận tải cá thể còn lại đi vào làm ăn tập thể.

5. Tổ chức giáo dục, nâng cao trình độ chính trị, văn hoá cho xã viên, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế giỏi, đội ngũ đông đảo thợ lành nghề, vận động phong trào thi đua sản xuất và xây dựng tổ chức trong hợp tác xã.

6. Hướng dẫn việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho xã viên như vận động các hợp tác xã xây dựng các quỹ bảo hiểm xã hội, công ích, giáo dục, các công trình phúc lợi tập thể, tổ chức nghề phụ cho gia đình xã viên, phát triển phong trào văn nghệ, thể thao, v.v…

7. Vận động tổ chức các hoạt động hợp tác tương tự giữa các hợp tác xã về kinh tế, kỹ thuật, xã hội như tổ chức trạm sửa chữa; khai thác vật tư, trạm điều dưỡng, tổ chức thí điểm cải tiến kỹ thuật v.v… nhằm tạo thêm điều kiện phục vụ ngày càng tốt hơn các mặt sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã cũng như đời sống xã viên.

II. HỆ THỐNG TỔ CHỨC LIÊN HIỆP XÃ VẬN TẢI

Hiện nay, căn cứ vào tình hình số lượng, điều kiện cư trú và phạm vi hoạt động của các hợp tác xã vận tải, hợp tác xã đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải, các tổ chức xếp dỡ chuyên nghiệp chỉ cần thành lập Liên hiệp xã vận tải ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đối với các huyện, khu phố, thị xã nói chung vì số lượng hợp tác xã và số xã viên còn ít nên không cần thiết phải tổ chức thành một liên hiệp xã, mà chỉ có cán sự liên hiệp xã tỉnh, thành phố biệt phái, nằm trong Phòng vận tải huyện, khu phố, thị xã; trưòng hợp đặc biệt đối với các khu phố, huyện ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng có nhiều hợp tác xã với số xã viên tương đối đông, nếu xét thật cần thiết thì mới tổ chức thành lập một cấp liên hiệp xã.

Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp xã vận tải tỉnh, thành phố là đại hội đại biểu xã viên các hợp tác xã vận tải, hợp tác xã đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải, các tổ chức xếp dỡ chuyên nghiệp trong tỉnh, thành phố.

Đại hội đại biểu bầu ra ban chủ nhiệm để thi hành nghị quyết của đại hội về hoạt động của Liên hiệp xã vận tải trong thời gian giữa hai kỳ đại hội.

Việc bầu cử ban chủ nhiệm phải tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín và trực tiếp. Thành phần ban chủ nhiệm Liên hiệp xã vận tải tỉnh, thành phố gồm có cán bộ từ cơ sở giới thiệu lên và cán bộ của Nhà nước giới thiệu sang để đại hội bầu. Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã vận tải tỉnh, thành phố ra quyết định công nhận. Trên cơ sở đó Liên hiệp xã vận tải có tư cách pháp nhân để giao dịch, được quyền dùng con dấu riêng và mở tài khoản tại ngân hàng Nhà nước.

Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã vận tải tỉnh, thành phố bầu ra ban thường trực và kiểm tra để thay mặt Ban chủ nhiệm điều khiển mọi mặt hoạt động của Liên hiệp xã vận tải. Bộ máy giúp việc cho ban chủ nhiệm sẽ tuỳ theo tình hình khối lượng công tác cụ thể của từng nơi mà quy định tổ chức biên chế thích hợp, gọn nhẹ, chú trọng chất lượng. Biên chế bộ máy phải trình Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố xét duyệt, trong đó có những cán bộ Nhà nước biệt phái sang công tác do ngân sách Nhà nước đài thọ và những cán bộ của Liên hiệp xã do quỹ Liên hiệp xã đài thọ.

Tài chính để làm quỹ hoạt động của Liên hiệp xã vận tải tỉnh, thành phố do các hợp tác xã vận tải, hợp tác xã đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải, các tổ chức xếp dỡ nộp lên; tỷ lệ trích trên tổng thu nhập và thực lãi của các tổ chức đó là bao nhiêu do đại hội đại biểu Liên hiệp xã vận tải tỉnh, thành quy định, nhưng phải được Uỷ ban hành chính tỉnh, thành xét duyệt sau khi tham khảo ý kiến Bộ Giao thông vận tải; Liên hiệp xã vận tải tỉnh, thành phải có nội quy sử dụng quỹ và kinh phí hoạt động phải được đại hội đại biểu thông qua, chủ yếu nhằm chi các khoản chi phí có tính chất sự nghiệp, phúc lợi thuộc nội bộ Liên hiệp xã như chi cho công trình thí điểm cải tiến kỹ thuật, công trình phúc lợi tập thể, cho khen thưởng thi đua, trả lương cho cán bộ không thuộc ngân sách Nhà nước đài thọ, v.v…

III. QUAN HỆ GIỮA LIÊN HIỆP XÃ VẬN TẢI VỚI CƠ QUAN GIAO THÔNG VẬN TẢI VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC KHÁC VÀ LIÊN HIỆP XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP VÀ THỦ CÔNG NGHIỆP

a) Quan hệ với cơ quan giao thông vận tải: Cơ quan giao thông vận tải tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc quản lý toàn bộ công tác vận tải trong tỉnh và thành phố, bao gồm các cơ sở vận tải quốc doanh, vận tải tập thể và cá thể. Đối với các cơ sở vận tải tập thể và cá thể, cơ quan giao thông vận tải với chức năng quản lý Nhà nước có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra việc chấp hành chính sách, chế độ, luật lệ của Nhà nước thuộc phạm vi ngành, đồng thời chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch, cải tiến kỹ thuật, vận dụng các đòn bẩy kinh tế v.v… Liên hiệp xã vận tải là tổ chức của quần chúng lao động vận tải, sản xuất và sửa chữa phương tiện vận tải, xếp dỡ, có tư cách pháp nhân và tính độc lập, tự chủ để thực hiện mục đích và nhiệm vụ của nó như đã nêu trên nhằm hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý của Nhà nước. Tính chất của mối quan hệ giữa Liên hiệp xã vận tải với cơ quan giao thông vận tải là sự phối hợp công tác giữa chức năng đoàn thể và chức năng Nhà nước, không bên nào bao biện làm thay chức năng bên nào và thông qua sự phối hợp, cộng tác với nhau, mỗi bên có thể phát huy đến mức cao nhất chức năng của mình, nhằm mục tiêu chung là bảo đảm thực hiện vượt mức kế hoạch vận chuyển, sản xuất, sửa chữa phương tiện vận tải và xếp dỡ hàng hoá của địa phương, đồng thời đẩy mạnh việc hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, xây dựng vững mạnh tổ chức tập thể, nâng cao từng bước đời sống của xã viên.

b) Quan hệ với các cơ quan Nhà nước khác.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước khác có những nhiệm vụ công tác cần thực hiện trong hợp tác xã vận tải, hợp tác xã đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải và các tổ chức xếp dỡ thì ngoài sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan giao thông vận tải chịu trách nhiệm về quản lý ngành, còn cần có sự tham gia ý kiến và sự vận động quần chúng thực hiện của Liên hiệp xã vận tải trên tinh thần cộng tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức đoàn thể quần chúng.

c) Quan hệ với Liên hiệp xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

Trong công nghiệp địa phương, ngoài khu vực công nghiệp quốc doanh địa phương còn có khu vực tập thể tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, trong đó có các hợp tác xã vận tải, hợp tác xã đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải. Vì vậy Liên hiệp xã vận tải cần tham gia sinh hoạt chung của phong trào hợp tác hoá tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp để cùng nhau bàn bạc, đề xuất ý kiến và thực hiện các vấn đề có quan hệ đối với phong trào chung trong địa phương như tiếp tục cải tạo và phát triển công nghiệp và thủ công nghiệp theo chủ nghĩa xã hội, tổ chức việc phúc lợi tập thể, tham gia các phong trào chính trị, đồng thời cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về tổ chức quản lý kinh tế tập thể, về cải tiến kỹ thuật trong các ngành nghề, Liên hiệp xã vận tải ở cấp nào thì tham gia Liên hiệp xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp ở cấp ấy.

Việc thành lập Liên hiệp xã vận tải là một vấn đề có tầm quan trọng lớn và cấp bách đối với việc cải tiến, tăng cường tổ chức lãnh đạo, quản lý hợp tác xã vận tải nhằm đẩy mạnh phong trào vận tải địa phương. Nó đáp ứng yêu cầu của phong trào hợp tác hoá vận tải và nguyện vọng của quần chúng trong ngành. Vì vậy căn cứ thông tư này, các địa phương cần xúc tiến việc thành lập Liên hiệp xã vận tải và chấn chỉnh tổ chức đó ở những nơi đã được thành lập.

Các Sở, Ty giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng phương án thành lập Liên hiệp xã vận tải để trình Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố xét và ra quyết định.

Các ban chủ nhiệm Liên hiệp xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp tỉnh, thành có nhiệm vụ tham gia với Sở, Ty giao thông vận tải trong việc xây dựng phương án thành lập Liên hiệp xã vận tải địa phương.

Việc tổ chức Liên hiệp xã vận tải là một công tác mới chưa có nhiều kinh nghiệm. Cho nên trong khi tiến hành nếu các địa phương thấy có những điểm mới hoặc những mắc mứu, cần báo cáo về Bộ Giao thông vận tải để cùng với Liên hiệp xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trung ương nghiên cứu và xét nếu cần thiết, sẽ quyết định điều chỉnh bổ sung thêm.

CHỦ NHIỆM
LIÊN HIỆP XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP
VÀ THỦ CÔNG NGHIỆP TRUNG ƯƠNG
 
 


Nguyễn Văn Thao

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG


 

 
Vũ Quang

* Đoạn này không in các số liệu cụ thể 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư liên bộ 85-TT/LB ngày 05/06/1972 về việc thành lập Liên hiệp xã vận tải do Liên hiệp xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trung ương - Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.868

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.121.170
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!