Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 62/2021/TT-BTC Quy chế tài chính Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam

Số hiệu: 62/2021/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Huỳnh Quang Hải
Ngày ban hành: 29/07/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2021

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHẾ TÀI CHÍNH CỦA CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN MUA BÁN NỢ VIỆT NAM

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 06 năm 2020;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 07 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Quy chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/09/2021 và áp dụng từ năm tài chính 2021. Thông tư này thay thế Thông tư số 134/2016/TT-BTC ngày 08 tháng 09 năm 2016 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam.

Điều 3. Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐNĐ, UBND, Sở TC, Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Cục TCDN. (250b)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Huỳnh Quang Hải

QUY CHẾ TÀI CHÍNH

CỦA CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN MUA BÁN NỢ VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 62/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 07 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định cơ chế quản lý tài chính đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động theo quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định số 129/2020/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (sau đây gọi là DATC hoặc Công ty).

2. Tổ chức, cá nhân liên quan đến cơ chế quản lý tài chính của DATC.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Công ty được xác lập quyền sở hữu, quyền quản lý và sử dụng đối với nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận; thực hiện quản lý, sử dụng và hạch toán theo dõi các khoản nợ và tài sản theo quy định tại Quy chế này và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

2. Mỗi khoản nợ mua của Công ty (theo thỏa thuận hoặc chỉ định) được xác định là một loại hàng hóa, Công ty có trách nhiệm tổ chức hạch toán, theo dõi từng khoản nợ mua.

3. Đối với các khoản nợ và tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc tiếp nhận theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, sau khi tiếp nhận, Công ty quản lý, theo dõi ngoài Báo cáo tình hình tài chính và xử lý theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

4. Việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu được thực hiện theo phương án đã thỏa thuận (bằng văn bản) với cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, phù hợp quy định của pháp luật về sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp khác, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận với chủ sở hữu doanh nghiệp.

5. Việc sử dụng các khoản nợ và tài sản để góp vốn theo nguyên tắc có hiệu quả trên cơ sở phương án mua, xử lý nợ và tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Các tài sản (không bao gồm nợ) trước khi góp vốn phải được xác định lại giá trị bởi các tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

6. Khi thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, Công ty triển khai thực hiện trên cơ sở phương án phù hợp với ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và quy định tại Điều lệ của Công ty.

7. DATC không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có vốn góp chi phối của DATC thông qua tái cơ cấu nợ theo hình thức chuyển nợ thành vốn góp.

DATC thực hiện thoái vốn trong thời hạn 05 năm kể từ ngày DATC chính thức trở thành cổ đông tại các doanh nghiệp có vốn góp chi phối thông qua tái cơ cấu. Trường hợp quá thời hạn 05 năm mà DATC chưa thực hiện thoái vốn, DATC báo cáo nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý để Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến bằng văn bản.

8. DATC thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN

Điều 4. Vốn hoạt động của Công ty

1. Vốn chủ sở hữu của Công ty, gồm:

a) Vốn điều lệ của Công ty theo quy định của pháp luật;

b) Vốn tự tích lũy từ hoạt động kinh doanh được bổ sung vào nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu;

c) Các nguồn vốn chủ sở hữu khác theo quy định của pháp luật.

2. Vốn huy động bằng các hình thức: vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính; vay của tổ chức, cá nhân ngoài doanh nghiệp, của người lao động; phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Huy động vốn

1. Nguyên tắc huy động vốn:

a) Căn cứ chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của Công ty;

b) Phương án huy động vốn đảm bảo có hiệu quả và khả năng thanh toán nợ;

c) Người phê duyệt phương án huy động vốn chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra, bảo đảm vốn huy động được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả;

d) Việc huy động vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, vay hoặc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công và quy định của pháp luật có liên quan;

đ) Việc huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Công ty;

e) Việc huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh (bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng đối với công ty con quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và đối với doanh nghiệp tái cơ cấu do DATC nắm giữ trên 50% vốn điều lệ quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP) phải bảo đảm tổng số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu của Công ty được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của Công ty tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn, trong đó:

- Vốn chủ sở hữu ghi trên Báo cáo tình hình tài chính trong báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của Công ty được xác định không bao gồm chỉ tiêu “nguồn kinh phí và quỹ khác”.

- Nợ phải trả ghi trên Báo cáo tình hình tài chính trong báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của Công ty được xác định không bao gồm các chỉ tiêu: Quỹ khen thưởng, phúc lợi; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; các Quỹ thành lập tại DATC theo Quyết định của cấp có thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định, các khoản nợ phải trả phát sinh từ việc phát hành trái phiếu, hối phiếu và công cụ nợ khác có bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định.

2. Thẩm quyền huy động vốn:

a) Hội đồng thành viên Công ty thực hiện việc huy động vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

b) Hội đồng thành viên phân cấp cho Tổng Giám đốc quyết định phương án huy động vốn thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;

c) Trường hợp huy động vốn trên mức quy định tại điểm a khoản này, huy động vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Hội đồng thành viên báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.

Điều 6. Nguyên tắc sử dụng vốn

1. Công ty được quyền chủ động sử dụng vốn của Công ty để phục vụ hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn và phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó:

a) Ưu tiên tập trung nguồn lực của DATC để hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản;

b) Sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài công ty, mua nợ, tài sản cho mục đích kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật và Quy chế này. Tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo cơ chế thị trường.

Hội đồng thành viên quy định cụ thể hồ sơ, trình tự xây dựng, thẩm định và thẩm quyền quyết định phương án mua nợ, tài sản áp dụng trong Công ty phù hợp với quy định của pháp luật và Quy chế này;

c) Sử dụng vốn để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Công ty;

d) Sử dụng nguồn vốn hoạt động của mình để sửa chữa, nâng cấp tài sản nhằm mục đích gia tăng giá trị và tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản để thu hồi vốn. Hoạt động đầu tư cải tạo, nâng cấp tài sản thuộc về đầu tư xây dựng cơ bản phải chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng;

đ) Sử dụng vốn để thực hiện gửi tiền tại Kho bạc nhà nước và các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam theo Quy chế do Hội đồng thành viên ban hành phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, cung cấp tài chính từ nguồn vốn kinh doanh của DATC để phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và Quy chế kiểm soát rủi ro đối với hoạt động kinh doanh mua, bán nợ, tài sản và hoạt động cung cấp tài chính, bảo lãnh vay vốn đối với các doanh nghiệp tái cơ cấu.

2. Việc sử dụng vốn để đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động của Công ty phải đảm bảo:

a) Trang bị phù hợp với nhu cầu hoạt động của Công ty và tuân thủ các quy định của Nhà nước;

b) Tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định;

c) Hạch toán theo dõi tài sản đầu tư, mua sắm theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 7. Bảo toàn vốn

1. Công ty có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Công ty theo quy định.

2. Việc bảo toàn vốn của Công ty được thực hiện bằng các biện pháp sau đây:

a) Thực hiện quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo đúng quy định của pháp luật;

b) Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật;

c) Xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật có liên quan;

d) Các biện pháp khác về bảo toàn vốn của Công ty theo quy định của pháp luật.

3. Định kỳ hàng năm DATC phải đánh giá mức độ bảo toàn vốn của Công ty như sau:

a) Sau khi trích lập các khoản dự phòng theo quy định tại Điều 8 Quy chế này, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không phát sinh lỗ hoặc có lãi, doanh nghiệp bảo toàn vốn. Lãi, lỗ làm căn cứ đánh giá mức độ bảo toàn vốn là số chênh lệch giữa tổng doanh thu và thu nhập khác trừ (-) các khoản giảm trừ doanh thu trừ (-) tổng các khoản chi phí phát sinh;

b) Trường hợp sau khi trích lập các khoản dự phòng theo quy định tại Điều 8 Quy chế này, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị lỗ (bao gồm trường hợp còn lỗ lũy kế), Công ty không bảo toàn được vốn.

Điều 8. Trích lập dự phòng

1. Công ty thực hiện trích lập, xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư theo quy định tại Quy chế này. Các nội dung không quy định tại Quy chế này thì thực hiện theo quy định áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các quy định của pháp luật có liên quan,

2. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho:

a) Công ty thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho bao gồm cả các tài sản DATC dùng vốn kinh doanh để mua theo thỏa thuận và chỉ định, tài sản nhận bù trừ nợ, tài sản chờ xử lý (bao gồm cả bất động sản);

b) Công ty không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với các tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc theo chỉ định của cấp có thẩm quyền.

3. Dự phòng nợ phải thu khó đòi:

a) Các trường hợp trích lập dự phòng bao gồm: nợ phải thu khó đòi đối với các khoản nợ DATC dùng vốn kinh doanh để mua theo thỏa thuận và chỉ định; nợ phải thu khó đòi khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh của DATC;

b) Công ty không phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với: các khoản nợ tiếp nhận từ các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc theo chỉ định của cấp có thẩm quyền; nợ phải thu khi Công ty thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền.

c) Nguyên tắc trích lập dự phòng đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động mua, xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp:

- Mức trích lập dự phòng không vượt quá giá trị còn lại của giá vốn mua nợ.

- Mức trích lập dự phòng cụ thể thực hiện theo quy định tại Quy chế trích lập dự phòng do Hội đồng thành viên DATC ban hành và đảm bảo nguyên tắc mức trích lập lần đầu tối thiểu là 15% giá trị quá hạn của giá vốn mua nợ còn lại đối với khoản nợ mua quá hạn từ trên 6 tháng đến dưới 1 năm và trích đủ 100% giá trị quá hạn của giá vốn mua nợ còn lại đối với khoản nợ mua quá hạn từ 5 năm trở lên.

- Việc xác định thời gian quá hạn và giá trị quá hạn của khoản nợ mua để trích lập dự phòng được tính từ thời điểm chuyển giao quyền chủ nợ cho DATC (trên cơ sở biên bản hoặc thông báo bàn giao quyền chủ nợ) hoặc cam kết trả nợ gần nhất giữa bên nợ và DATC phù hợp với phương án thu hồi nợ và/hoặc khả năng trả nợ của bên nợ.

- Đối với các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng DATC thu thập được các bằng chứng xác định bên nợ đã phá sản, đã mở thủ tục phá sản, đã bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh; bên nợ đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử hoặc đang thi hành án hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo (có xác nhận của bệnh viện) hoặc đã chết hoặc khoản nợ đã được doanh nghiệp yêu cầu thi hành án nhưng không thể thực hiện được do đối tượng nợ bỏ trốn khỏi nơi cư trú; khoản nợ đã được doanh nghiệp khởi kiện đòi nợ nhưng bị đình chỉ giải quyết vụ án thì DATC dự kiến mức tổn thất không thu hồi được để trích lập dự phòng. Mức trích lập dự phòng tối đa bằng giá trị còn lại của giá vốn mua nợ đang theo dõi trên sổ kế toán.

4. Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư thông qua hoạt động tái cơ cấu, chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp:

- Trường hợp tại thời điểm trích lập dự phòng (thời điểm kết thúc năm tài chính hoặc thời điểm xây dựng phương án chuyển nhượng vốn), doanh nghiệp có vốn góp của DATC chưa hoàn tất việc lập báo cáo tài chính theo quy định, DATC được sử dụng báo cáo tài chính của doanh nghiệp có vốn góp tại thời điểm gần nhất để làm cơ sở trích lập dự phòng.

- Mức trích lập dự phòng của từng khoản đầu tư được xác định tối đa bằng giá trị đầu tư thực tế đang hạch toán trên sổ sách kế toán khi thực hiện chuyển nợ thành vốn góp từ giá vốn mua nợ. Công ty không trích lập dự phòng đối với khoản vốn góp hình thành từ nguồn chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ.

- Công ty được loại trừ khoản lỗ lũy kế tại doanh nghiệp tái cơ cấu phát sinh trước thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

5. Hội đồng thành viên DATC có trách nhiệm ban hành Quy chế trích lập các khoản dự phòng theo quy định tại Quy chế này.

Điều 9. Hoạt động đầu tư vốn

1. Công ty thực hiện đầu tư vốn theo các hình thức quy định tại Điều 25 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và các quy định tại Quy chế này. Các nội dung không quy định tại Quy chế này, DATC thực hiện theo quy định của pháp luật áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Nguyên tắc đầu tư vốn:

a) Công ty được quyền sử dụng tài sản (bao gồm cả tiền, tài sản cố định và các tài sản khác) thuộc quyền quản lý của Công ty để đầu tư theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn vốn, phù hợp với quy định của pháp luật và chiến lược, kế hoạch đầu tư của Công ty được chủ sở hữu phê duyệt;

b) Công ty không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại Ngân hàng thương mại, Công ty bảo hiểm, Công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư chứng khoán hoặc Công ty đầu tư chứng khoán và Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ các trường hợp đầu tư, góp vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và các trường hợp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính;

c) DATC được chủ động quyết định mua, bán cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua cổ phần tại các doanh nghiệp mà DATC có cổ phần hoặc có phương án tái cơ cấu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp Bên nợ và xử lý các khoản nợ, tài sản đã mua, tiếp nhận;

d) DATC không được đầu tư ra ngoài Công ty trong các trường hợp:

- Tham gia góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng của Công ty.

- Góp vốn cùng doanh nghiệp mà DATC giữ vốn góp chi phối để thành lập Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh;

đ) Công ty không được sử dụng tài sản do Công ty đang đi thuê hoạt động, đi mượn, nhận giữ hộ (ngoại trừ tài sản tiếp nhận) để đầu tư ra ngoài Công ty.

3. Thẩm quyền quyết định đầu tư vốn thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp,

Điều 10. Quản lý vốn đầu tư của Công ty

1. DATC thực hiện quản lý vốn đầu tư của Công ty theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Điều lệ của Công ty, Quy chế này và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Định kỳ, thường xuyên tổ chức quản lý, đánh giá, giám sát hiệu quả các khoản vốn đầu tư của Công ty.

Điều 11. Chuyển nhượng vốn đầu tư của Công ty

1. Nguyên tắc chuyển nhượng vốn đầu tư của Công ty

a) Việc chuyển nhượng các khoản vốn đầu tư của Công ty (bao gồm cả việc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) tuân thủ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật về chứng khoán; Điều lệ của doanh nghiệp có vốn góp của Công ty, các cam kết của các bên tại các hợp đồng liên doanh, liên kết và các quy định của pháp luật có liên quan;

b) Việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của Công ty phải căn cứ vào danh mục chuyển nhượng vốn được Bộ Tài chính phê duyệt; không phân biệt mức vốn đầu tư, kết quả kinh doanh lãi, lỗ của doanh nghiệp có vốn góp DATC; việc tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn, lập hồ sơ chuyển nhượng vốn, thực hiện công bố thông tin chuyển nhượng vốn, báo cáo kết quả chuyển nhượng vốn thực hiện theo quy định của pháp luật;

c) Tại thời điểm xây dựng phương án chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng vốn kèm nợ), giá trị chuyển nhượng dự kiến thu được thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán và Công ty đã thực hiện trích lập dự phòng thì xử lý như sau:

- Nếu khoản trích lập dự phòng bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa giá trị dự kiến thu được so với giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc Công ty quyết định chuyển nhượng theo thẩm quyền để thu hồi vốn đầu tư;

- Nếu khoản trích lập dự phòng vẫn nhỏ hơn chênh lệch giữa giá trị ghi trên sổ kế toán với giá trị chuyển nhượng dự kiến thu được thì Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc Công ty quyết định thực hiện chuyển nhượng sau khi báo cáo Bộ Tài chính cho ý kiến bằng văn bản.

2. Chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài Công ty:

a) DATC thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Việc chuyển nhượng các loại công trái, trái phiếu mà DATC đã đầu tư để hưởng lãi thực hiện theo quy định khi phát hành hoặc phương án phát hành của tổ chức (chủ thể) phát hành. Trường hợp DATC chuyển nhượng trái phiếu trước kỳ hạn thì giá chuyển nhượng phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn khi chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng trái phiếu đã được đăng ký, lưu ký, niêm yết trên thị trường chứng khoán, DATC thực hiện theo quy định của pháp luật chứng khoán.

3. Chuyển nhượng vốn đầu tư hình thành từ hoạt động chuyển nợ, tài sản thành vốn góp:

DATC thực hiện chuyển nhượng vốn theo hình thức đấu giá công khai (đấu giá thông thường hoặc đấu giá theo lô). Trường hợp đấu giá công khai không thành công hoặc không chuyển nhượng hết số cổ phần đấu giá thì thực hiện theo hình thức chào bán cạnh tranh. Trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công hoặc không chuyển nhượng hết số cổ phần của cuộc chào bán cạnh tranh thì thực hiện theo hình thức thỏa thuận. Trong đó:

a) Giá chuyển nhượng lần đầu được căn cứ vào giá do tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định trên cơ sở Chứng thư thẩm định giá còn hiệu lực do tổ chức có chức năng thẩm định giá cung cấp theo quy định pháp luật thẩm định giá;

b) Việc điều chỉnh giá khởi điểm để thực hiện các phương thức chuyển nhượng vốn quy định tại khoản 3 Điều này được thực hiện như sau:

- Trường hợp đấu giá công khai không thành công hoặc không chuyển nhượng hết số cổ phần thì được giảm tối đa 10% giá khởi điểm để thực hiện chào bán cạnh tranh. Trường hợp cháo bán cạnh tranh không thành công (trừ trường hợp quy định tại gạch đầu dòng thứ hai điểm b khoản này) hoặc không chuyển nhượng hết số cổ phần thì được giảm tối đa 10% giá khởi điểm của cuộc chào bán cạnh tranh để tiếp tục đấu giá công khai;

- Trường hợp chào bán cạnh tranh chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia (đã nộp hồ sơ hợp lệ và thực hiện đầy đủ các thủ tục tham dự phiên chào bán cạnh tranh theo quy định của quy chế phiên chào bán cạnh tranh) thì bán thỏa thuận theo giá khởi điểm của cuộc chào bán cạnh tranh. Trường hợp thỏa thuận không thành công hoặc không chuyển nhượng hết số cổ phần thì được giảm tối đa 10% giá khởi điểm của cuộc chào bán cạnh tranh để tiếp tục đấu giá công khai.

c) Đối với chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, ngoài các phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận, DATC được thực hiện các phương thức chuyển nhượng cổ phần thông qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán.

d) Trường hợp Công ty đang thực hiện chuyển nhượng vốn mà Chứng thư thẩm định giá hết hiệu lực thì không phải xây dựng lại phương án chuyển nhượng vốn nhưng phải thực hiện xác định lại giá khởi điểm để tiếp tục chuyển nhượng vốn theo phương thức chuyển nhượng mà Công ty đang triển khai (trường hợp đã tổ chức bán đấu giá công khai nhưng không thành công hoặc chưa bán hết số vốn cần chuyển nhượng thì căn cứ vào giá khởi điểm đã được xác định lại để tổ chức chào bán cạnh tranh).

4. Chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu:

DATC được chuyển nhượng vốn đầu tư hình thành từ hoạt động chuyển nợ thành vốn góp kèm nợ phải thu tại các doanh nghiệp đồng thời có vốn góp và nợ phải thu của DATC theo các phương thức quy định tại khoản 3 Điều này, trong đó:

a) Toàn bộ phần vốn chào bán và khoản nợ phải thu kèm theo được xác định là một lô;

b) Nhà đầu tư tham gia phải mua cả lô vốn kèm nợ phải thu chào bán;

c) Doanh nghiệp có vốn và nợ phải thu của DATC không được tham gia mua vốn kèm nợ phải thu của chính doanh nghiệp mình;

d) Giá chuyển nhượng lần đầu của lô vốn kèm nợ phải thu không thấp hơn tổng giá trị của phần vốn góp cộng với giá trị khoản nợ phải thu do tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định;

đ) Trường hợp chuyển nhượng không thành công, DATC thực hiện điều chỉnh giá theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn

DATC thực hiện chuyển nhượng vốn theo quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư ra ngoài doanh nghiệp quy định tại Điều 28 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Trường hợp chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu, giá trị chuyển nhượng để xác định thẩm quyền chuyển nhượng bằng tổng giá trị sổ sách kế toán của phần vốn và giá trị còn lại của giá vốn mua khoản nợ.

Mục 2. QUẢN LÝ TÀI SẢN

Điều 12. Đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của Công ty

1. Việc đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định của Công ty thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Trong đó:

a) Thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định thực hiện theo quy định tại Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

b) Quy định đối với một số trường hợp cụ thể:

- Đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định do Công ty thực hiện, quá trình đầu tư xây dựng, mua sắm phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (kể cả phương tiện vận tải phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ), Công ty phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Đối với việc đầu tư, mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại (xe ô tô) phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo và phục vụ công tác chung, Công ty phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức mua sắm, sử dụng phục vụ công tác bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả theo quy định hiện hành.

2. Khấu hao tài sản cố định: Công ty thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

3. Cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản:

Công ty được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc sở hữu của Công ty theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo quy định của pháp luật, trong đó thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản của doanh nghiệp để thế chấp, cầm cố vay vốn thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (sau đây gọi là Nghị định 91/2015/NĐ-CP) và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

4. Thanh lý, nhượng bán tài sản cố định:

a) Công ty được quyền chủ động và thực hiện thanh lý, nhượng bán, tài sản cố định đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được trên nguyên tắc công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của pháp luật;

b) Thẩm quyền quyết định việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

c) Phương thức thanh lý, nhượng bán tài sản cố định:

- DATC thực hiện việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định bằng hình thức đấu giá thông qua một tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc do doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện công khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Trường hợp thanh lý, nhượng bán tài sản cố định có giá trị còn lại ghi trên sổ kế toán dưới 100 triệu đồng, Tổng Giám đốc Công ty quyết định lựa chọn bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá thị trường. Trường hợp tài sản cố định không có giao dịch trên thị trường thì Công ty được thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá làm cơ sở bán tài sản theo các phương thức trên.

- Trường hợp thanh lý, nhượng bán tài sản cố định gắn liền với đất phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;

d) Trình tự, thủ tục thanh lý, nhượng bán tài sản cố định thực hiện theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

5. Công ty phải xây dựng Quy chế quản lý tài sản để xác định rõ trách nhiệm của từng khâu trong công tác quản lý; tổ chức hạch toán phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời; tổ chức kiểm kê, đối chiếu theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của chủ sở hữu; thực hiện đầu tư, quản lý và sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

Điều 13. Quản lý tài sản mua và tài sản tiếp nhận

1. Các hình thức xử lý tài sản:

a) Chuyển nhượng tài sản (bao gồm cả dự án đã mua, tiếp nhận theo chỉ định);

b) Dùng tài sản (bao gồm cả tài sản đã mua, tiếp nhận theo chỉ định) để hợp tác kinh doanh, góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết;

c) Quản lý, đầu tư để khai thác, bán, cho thuê tài sản (bao gồm cả dự án đã mua, tiếp nhận theo chỉ định).

2. Nguyên tắc xử lý tài sản (bao gồm cả dự án đã mua, tiếp nhận theo chỉ định):

a) Tài sản phải được đánh giá lại giá trị thông qua tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, làm cơ sở để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp sử dụng tài sản, dự án để hợp tác kinh doanh, góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết thì giá trị góp vốn thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận giữa các bên nhưng không thấp hơn giá trị được tổ chức tư vấn định giá lại;

b) Tổ chức bán đấu giá công khai, chào giá cạnh tranh hoặc thỏa thuận trực tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Công ty thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Đối với tài sản tiếp nhận được DATC sử dụng vào mục đích kinh doanh, DATC thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về việc bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);

d) Đối với tài sản mua, tiếp nhận theo chỉ định, DATC căn cứ phương án mua, bán, xử lý tài sản chỉ định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có) và các hình thức, nguyên tắc xử lý tài sản quy định tại khoản 1 Điều này và điểm a, điểm b, điểm c khoản này để xử lý.

Trường hợp DATC tiếp nhận tài sản theo chỉ định để xử lý, thu hồi cho Nhà nước thì được hưởng phí xử lý tài sản trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí xử lý tài sản cộng (+) một phần chi phí quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính phù hợp với từng phương án chỉ định.

3. Hạch toán nguồn thu xử lý tài sản

a) Đối với tài sản mua theo thỏa thuận (bao gồm tài sản nhận bù trừ nợ) và chỉ định:

- Số tiền thu được từ bán tài sản, cho thuê tài sản là doanh thu của Công ty.

- Giá trị tài sản góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh là khoản đầu tư của Công ty, được hạch toán theo quy định. Phân chênh lệch đánh giá lại giữa giá trị sổ sách và giá trị tài sản đưa đi góp vốn được xử lý theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

- Giá trị tài sản nhận bù trừ nợ không xác định là doanh thu, Công ty hạch toán tăng giá trị tài sản chờ xử lý tương ứng với giá trị khoản nợ bù trừ vào giá vốn mua nợ tại thời điểm nhận tài sản bù trừ nợ. Trường hợp giá trị khoản nợ bù trừ cao hơn giá vốn mua nợ đang theo dõi trên sổ sách thì giá trị tài sản chờ xử lý được hạch toán bằng số dư giá vốn mua nợ trên sổ sách.

- Căn cứ kết quả xử lý tài sản chờ xử lý, DATC thực hiện hạch toán tương tự như việc xử lý các tài sản mua theo thỏa thuận;

b) Đối với tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu:

- Trường hợp bán hoặc tạm cho thuê trong thời gian chờ xử lý dưới các hình thức khác, toàn bộ số tiền thu (không bao gồm thuế GTGT theo quy định) được hạch toán nợ phải trả để xử lý phân chia theo quy định của Bộ Tài chính về việc bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

- Trường hợp xử lý tài sản tiếp nhận dưới các hình thức góp vốn, cho thuê, sử dụng vào kinh doanh:

+ Tài sản trước khi xử lý phải được xác định lại giá trị bởi các tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

+ Căn cứ giá trị thẩm định, DATC thanh toán tối đa 10% giá trị thẩm định cho doanh nghiệp giữ hộ tài sản (nếu có) tại thời điểm đưa tài sản vào khai thác.

+ DATC hạch toán tăng giá trị tài sản tương ứng với giá trị tài sản thẩm định lại, đồng thời hạch toán tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu tương ứng với giá trị thẩm định lại sau khi trừ đi giá trị đã thanh toán cho doanh nghiệp giữ hộ tài sản (nếu có). Sau khi ghi nhận, tài sản thuộc sở hữu của DATC và được quản lý, sử dụng, khai thác theo quy định;

c) Tiền thu từ doanh nghiệp xử lý tài sản trước khi bàn giao và tiền thu hồi giá trị tài sản mất mát, thiếu hụt trong quá trình giữ hộ của doanh nghiệp được hạch toán nợ phải trả để xử lý phân chia theo quy định của Bộ Tài chính về việc bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập.

Mục 3. QUẢN LÝ NỢ

Điều 14. Trách nhiệm của Công ty

1. Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý nợ theo quy định hiện hành (bao gồm nợ phải thu trong đó gồm cả các khoản nợ mua, nợ tiếp nhận; nợ phải trả); phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ; đối chiếu xác nhận, phân loại nợ, đôn đốc thu hồi và chủ động xử lý nợ theo quy định tại Quy chế này và các quy định có liên quan.

2. Mở sổ theo dõi, hạch toán, thanh toán các khoản nợ theo từng đối tượng nợ; nợ phải thu, nợ phải trả (gồm cả các khoản lãi phải thu, phải trả) thường xuyên phân loại các khoản nợ theo tuổi nợ (nợ chưa đến hạn thanh toán, nợ đến hạn thanh toán, nợ đã quá hạn thanh toán, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi); theo tính chất khoản nợ (nợ dài hạn, nợ ngắn hạn, nợ vay ưu đãi, vay thương mại, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ, bao gồm cả các khoản nợ phải thu, phải trả phát sinh theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

3. Thường xuyên xem xét, đánh giá, phân tích khả năng thanh toán, đôn đốc thu hồi nợ, không để phát sinh các khoản nợ phải trả quá hạn, nợ phải thu không có khả năng thu hồi; định kỳ đối chiếu công nợ; thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định tại Điều 8 Quy chế này.

4. Đối với các khoản nợ phải thu, phải trả có gốc ngoại tệ, DATC phải mở sổ theo dõi nguyên tệ (bao gồm cả gốc và lãi), quy đổi ra đồng Việt Nam (VNĐ), đánh giá lại và xử lý chênh lệch tỷ giá theo quy định.

5. Đối với các phương án mua nợ phải lập hồ sơ riêng để theo dõi, quản lý ngoài Báo cáo tình hình tài chính giá trị khoản nợ (bao gồm cả gốc và lãi) làm cơ sở để theo dõi, đối chiếu khoản nợ theo sổ sách với Bên nợ và đánh giá hiệu quả của phương án; Đối với các khoản nợ tiếp nhận, DATC có trách nhiệm theo dõi ngoài Báo cáo tình hình tài chính, quản lý phù hợp với tính chất và thời gian các khoản nợ tiếp nhận để theo dõi xử lý.

6. Đối với nợ mua, tiếp nhận theo chỉ định, nợ phát sinh khi thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định, DATC có trách nhiệm xây dựng phương án đảm bảo phù hợp với ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; theo dõi, hạch toán riêng làm cơ sở để đánh giá, xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ.

7. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phát sinh nợ quá hạn thanh toán, nợ không có khả năng thu hồi DATC có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

8. Nợ phải thu (không bao gồm nợ phải thu phát sinh khi thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) không có khả năng thu hồi, DATC phải xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đối với nguyên nhân chủ quan, DATC có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan. Đối với nguyên nhân khách quan, Hội đồng thành viên, Ban điều hành và các phòng ban có liên quan phải xác định rõ nguyên nhân và có biên bản xác nhận; nếu xác định các khoản nợ này có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi, phần còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của Công ty.

9. Nợ không có khả năng thu hồi sau khi đã xử lý theo quy định, DATC vẫn phải theo dõi ngoài Báo cáo tình hình tài chính và trong thuyết minh báo cáo tài chính trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và có các biện pháp để thu hồi nợ. Trường hợp thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi được sau khi trừ đi các chi phí liên quan, DATC hạch toán vào thu nhập khác.

10. Xây dựng kế hoạch trả nợ, cân đối dòng tiền đảm bảo trả nợ; thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng thời hạn đã cam kết; quản lý và điều hành bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ (không bao gồm nợ phải trả phát sinh khi thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền); có trách nhiệm phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời không để phát sinh các khoản nợ quá hạn; trường hợp không xử lý kịp thời để phát sinh tình trạng nợ phải trả quá hạn không thanh toán trên 06 tháng, căn cứ vào hậu quả của việc không xử lý kịp thời, chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật theo quy định; Trường hợp không xử lý kịp thời dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thì phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.

11. Khi DATC không có khả năng thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả phát sinh từ hoạt động kinh doanh thì Tổng Giám đốc phải báo cáo Hội đồng thành viên tìm biện pháp khắc phục khó khăn về tài chính và thông báo tình hình tài chính của DATC cho tất cả chủ nợ biết. Trong trường hợp này, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc DATC không được quyết định tăng tiền lương, không được trích lợi nhuận và chi tiền thưởng cho cán bộ quản lý và người lao động của DATC. Riêng đối với các khoản nợ phải trả phát sinh khi DATC thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, DATC có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền trong trường hợp không đảm bảo khả năng thanh toán nợ đến hạn để Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét, có biện pháp xử lý.

12. DATC được phép loại trừ các khoản nợ phải thu, phải trả khi thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền để đánh giá, giám sát đầu tư vốn Nhà nước, giám sát tình hình tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DATC.

Điều 15. Xử lý nợ phải thu phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh (không bao gồm nợ mua, nợ tiếp nhận, nợ phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

1. Công ty thực hiện xử lý các khoản nợ phải thu phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý nợ đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Hình thức, biện pháp xử lý nợ:

a) Tổ chức đôn đốc, thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm nợ (nếu có) để thu hồi;

b) Xử lý thông qua các hình thức khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ;

c) Bán các khoản nợ phải thu theo quy định của pháp luật, gồm cả nợ phải thu đã quá hạn thanh toán, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn trên nguyên tắc trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định, không được bán nợ trực tiếp cho Bên nợ. Giá bán các khoản nợ do các bên tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm về quyết định bán khoản nợ.

Trường hợp bán nợ mà dẫn tới Công ty bị thua lỗ, mất vốn, hoặc mất khả năng thanh toán dẫn đến tình trạng Công ty phải giải thể, phá sản thì Hội đồng thành viên phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để bồi thường theo quy định của pháp luật, Điều lệ của Công ty và Quy chế này.

3. Quy định cụ thể về xử lý các khoản phải thu:

a) Xử lý các khoản nợ phải thu có khả năng thu hồi:

Đối với các khoản nợ phải thu có khả năng thu hồi, DATC phải tích cực đôn đốc và áp dụng mọi biện pháp để thu hồi. Trường hợp các khoản nợ có bảo lãnh, nợ có tài sản bảo đảm, khách nợ đang làm thủ tục giải thể, phá sản, DATC vẫn phải tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật có liên quan đến tính chất khoản nợ;

b) Xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi:

- Xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu tập thể, cá nhân bồi thường theo Quy chế quản lý nợ do Hội đồng thành viên DATC ban hành.

- Dùng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi để bù đắp.

- Trong trường hợp thực hiện bán nợ theo quy định của pháp luật, sau khi xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu bồi thường (nếu có), giá trị tổn thất thực tế của từng khoản nợ không thu hồi được là khoản chênh lệch giữa nợ phải thu ghi trên sổ kế toán và số tiền đã thu hồi được (do người gây ra thiệt hại đền bù, do bán tài sản của đối tượng nợ hoặc người nợ, do được chia tài sản theo quyết định của tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác), DATC sử dụng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi (nếu có) để bù đắp, phần chênh lệch thiếu hạch toán vào chi phí của DATC.

- Các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi đã được xử lý (trừ trường hợp bán nợ), DATC có trách nhiệm tiếp tục theo dõi ngoài Báo cáo tình hình tài chính và trong thuyết minh báo cáo tài chính trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày thực hiện xử lý. Trường hợp thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi được sau khi trừ đi các chi phí liên quan, DATC hạch toán vào thu nhập khác;

c) Xử lý xóa nợ:

- Đối với tổ chức kinh tế:

+ Bên nợ đã hoàn thành việc giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản doanh nghiệp: Quyết định của người có thẩm quyền về việc giải thể đối với doanh nghiệp Bên nợ hoặc Quyết định của Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo Luật Phá sản. Trường hợp giải thể thì có thông báo của đơn vị hoặc xác nhận của cơ quan quyết định thành lập đơn vị, tổ chức hoặc tổ chức đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc doanh nghiệp, tổ chức đã giải thể.

+ Khi Bên nợ là doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả, không có người kế thừa nghĩa vụ trả nợ: có xác nhận của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan thuế về việc doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán.

- Đối với cá nhân phải có một trong các tài liệu sau:

+ Giấy chứng tử (bản sao) hoặc xác nhận của chính quyền địa phương đối với khách nợ đã chết, mất tích nhưng không có tài sản thừa kế để trả nợ.

+ Giấy xác nhận của chính quyền địa phương đối với khách nợ còn sống nhưng không có khả năng lao động hoặc người được hưởng thừa kế nhưng không có khả năng trả nợ.

+ Lệnh truy nã hoặc xác nhận của cơ quan pháp luật đối với khách nợ mất năng lực hành vi dân sự: đã bỏ trốn hoặc đang bị truy tố, đang thi hành án phạt tù.

Điều 16. Xử lý nợ mua, tiếp nhận

1. DATC thực hiện các hình thức xử lý nợ mua, tiếp nhận theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP.

2. Nội dung xử lý nợ mua, tiếp nhận thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và các quy định sau:

a) Việc cơ cấu lại nợ bằng các hình thức: điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ và điều chỉnh lãi suất khoản nợ phù hợp với khả năng trả nợ của bên nợ trên cơ sở các điều kiện cụ thể về việc thu nợ; phù hợp với khả năng giám sát hoạt động kinh doanh của DATC đối với bên nợ, đảm bảo phương án mua nợ có hiệu quả.

Trường hợp DATC điều chỉnh mức lãi suất của khoản nợ phù hợp với khả năng trả nợ của bên nợ và điều kiện thị trường, nhưng không thấp hơn mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng bình quân công bố bởi Sở Giao dịch của bốn ngân hàng thương mại lớn (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) tại cùng thời điểm xem xét điều chỉnh lãi suất. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng của mỗi ngân hàng là lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng do ngân hàng đó công bố trên Website hoặc thông báo bằng văn bản quy định mức lãi suất áp dụng đối với khách hàng là tổ chức;

b) Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc theo phân cấp của Hội đồng thành viên xem xét giảm trừ nghĩa vụ trả nợ lãi và một phần nợ gốc cho bên nợ (từ nguồn chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ) nhưng phải đảm bảo phương án mua nợ có hiệu quả;

c) Thỏa thuận với bên nợ và bên thứ ba để thực hiện chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ bên nợ sang bên thứ ba trên nguyên tắc đồng thuận giữa ba bên và phải đảm bảo tạo thuận lợi hơn cho DATC trong việc thu hồi khoản nợ, trong đó giá trị khoản nợ được chuyển giao không xác định là doanh thu của DATC;

d) Trường hợp có khách hàng cam kết mua lại toàn bộ khoản nợ một lần trước khi DATC ký hợp đồng mua nợ và đáp ứng các điều kiện của DATC về giá cả, thanh toán và đặt cọc, khả năng tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sau tái cơ cấu thì DATC thực hiện bán thỏa thuận theo giá cam kết;

đ) Việc xử lý tài sản bảo đảm khoản nợ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa DATC, bên nợ và các bên có liên quan phải đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp bán tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai;

e) Giảm trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ

- Đối với nợ tiếp nhận:

+ Hàng năm, Công ty thực hiện rà soát, phân loại để đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ đã tiếp nhận.

+ Đối với các khoản nợ tiếp nhận nhận được xác định là không có khả năng thu hồi theo quy định (bao gồm cả nợ xử lý trước thời điểm bàn giao), đã được DATC theo dõi ngoài Báo cáo tình hình tài chính trên 10 năm (bao gồm cả thời gian doanh nghiệp theo dõi ngoài bảng trước khi chuyển giao cho DATC nếu có), DATC thực hiện theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 17 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP.

- Đối với nợ mua theo thỏa thuận, mua chỉ định bằng vốn kinh doanh, DATC thực hiện xóa nợ trong những trường hợp sau:

+ Đối tượng và điều kiện xóa nợ: thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 15 Quy chế này.

+ Khi xử lý xóa nợ, Công ty phải lập hồ sơ theo từng đối tượng khách nợ, báo cáo Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc theo phân cấp của Hội đồng thành viên xem xét quyết định xóa nợ trong phạm vi phương án mua nợ thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc. Nguồn xử lý xóa nợ từ chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ. Trường hợp số nợ xóa lớn hơn số chênh lệch thì được bù đắp bằng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi. Trường hợp nguồn dự phòng không đủ để bù đắp thì phần chênh lệch thiếu được hạch toán vào chi phí kinh doanh của Công ty.

3. Hạch toán nguồn thu xử lý nợ mua, tiếp nhận

a) Đối với nợ mua theo thỏa thuận và mua chỉ định:

- Số tiền thu hồi nợ do khách nợ trả bằng tiền hoặc bán nợ, bán tài sản bảo đảm là doanh thu của Công ty.

- Trường hợp góp vốn từ nguồn chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ và giá vốn mua nợ, DATC chỉ hạch toán, theo dõi khoản đầu tư theo mệnh giá ngoài Báo cáo tình hình tài chính. Trường hợp chuyển nợ thành vốn góp từ giá vốn mua nợ, Công ty hạch toán tăng giá trị khoản đầu tư góp vốn và hạch toán giảm giá vốn mua nợ bằng giá trị khoản nợ chuyển thành vốn góp tại thời điểm chuyển nợ thành vốn góp. Công ty thực hiện hạch toán doanh thu và chi phí khi chuyển nhượng phần vốn góp trên theo quy định tại Quy chế này và quy định của pháp luật có liên quan.

- Trường hợp thỏa thuận với khách nợ và bên thứ ba để thực hiện chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ khách nợ sang bên thứ ba, giá trị khoản nợ được chuyển giao không xác định là doanh thu của DATC;

b) Đối với nợ tiếp nhận:

Toàn bộ số tiền thu từ thu hồi, xử lý nợ tiếp nhận, bao gồm cả thu hồi nợ (thu từ doanh nghiệp đối với khoản nợ tiếp nhận được xử lý trước khi bàn giao, thu từ khách nợ, thu lãi do doanh nghiệp xử lý nợ trước bàn giao chậm nộp); thu từ bán nợ tiếp nhận; tiền bán, cho thuê, khai thác tài sản bảo đảm khoản nợ (không bao gồm thuế GTGT theo quy định) được hạch toán nợ phải trả để xử lý phân chia theo quy định của Bộ Tài chính về việc bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 17. Xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp Bên nợ

1. Đối với doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP:

a) Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ phải gắn với phương án tái cơ cấu, cổ phần hóa theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp;

b) Mức giảm trừ nghĩa vụ trả nợ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu theo Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền trừ đi phần giảm trừ nghĩa vụ trả nợ của các chủ nợ khác (nếu có) và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ;

c) Từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành Công ty cổ phần, nếu doanh nghiệp tái cơ cấu có phát sinh lỗ, DATC và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu xem xét, thực hiện tiếp việc giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ nếu còn nguồn chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường theo quy định;

d) Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc theo phân cấp của Hội đồng thành viên xem xét tiếp tục giảm trừ nghĩa vụ trả nợ để bù đắp lỗ lũy kế nếu còn nguồn chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ để xử lý trên nguyên tắc đảm bảo phương án thu nợ có hiệu quả.

2. Đối với doanh nghiệp khác theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP:

Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho các doanh nghiệp khác là bên nợ của DATC phải gắn với phương án chuyển nợ thành vốn góp được cấp có thẩm quyền của DATC phê duyệt. Mức giảm trừ tối đa không quá số lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp bên nợ đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ.

3. Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho các khách nợ không làm thay đổi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra tổn thất tài chính trước đây.

Điều 18. Xử lý nợ phải trả

1. Các khoản nợ phải trả mà không có đối tượng để trả thì hạch toán vào thu nhập khác của Công ty.

2. Việc phát hành trái phiếu, hối phiếu có bảo lãnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, DATC thực hiện theo Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Các khoản nợ phát sinh khi thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, DATC thực hiện phương án xử lý nợ theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, theo dõi riêng để đánh giá, xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý, DATC báo cáo Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

Mục 4. QUẢN LÝ DOANH THU, CHI PHÍ VÀ KẾT QUẢ KINH DOANH

Điều 19. Nguyên tắc chung

1. Doanh thu, chi phí của Công ty được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán, Điều lệ của Công ty và Quy chế này; việc xác định doanh thu, chi phí, thu nhập khác cho mục đích tính thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Đối với các phương án mua, bán, tiếp nhận nợ và tài sản theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, DATC thực hiện hạch toán doanh thu, chi phí phù hợp với phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền mà nguồn thu không đủ để bù đắp chi phí, DATC có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

Điều 20. Doanh thu và thu nhập khác

1. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh, gồm:

a) Doanh thu từ hoạt động xử lý nợ và tài sản tiếp nhận là số tiền DATC được hưởng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

b) Doanh thu từ hoạt động xử lý nợ và tài sản đã mua thỏa thuận và chỉ định:

- Doanh thu từ xử lý nợ mua:

+ Doanh thu từ thu nợ;

+ Doanh thu từ bán nợ, bán tài sản bảo đảm khoản nợ;

+ Doanh thu từ cho thuê, khai thác tài sản bảo đảm khoản nợ;

- Doanh thu từ xử lý tài sản mua:

+ Doanh thu từ bán tài sản;

+ Doanh thu từ cho thuê, khai thác tài sản;

- Doanh thu từ chuyển nhượng phần vốn góp hình thành từ việc góp vốn bằng tài sản mua, tiếp nhận, chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp tái cơ cấu;

c) Doanh thu từ hoạt động khác.

2. Doanh thu từ hoạt động tài chính, gồm:

a) Các khoản lãi thu được từ việc mua công trái, trái phiếu;

b) Thu lãi tiền gửi (bao gồm cả lãi dự thu theo quy định); lãi chậm trả;

c) Thu cổ tức (không bao gồm cổ tức bằng cổ phiếu), lợi nhuận được chia từ hoạt động góp vốn cổ phần, góp vốn liên doanh, hợp tác kinh doanh;

d) Thu lãi từ hoạt động cung cấp tài chính;

đ) Chênh lệch lớn hơn giữa giá trị thu hồi so với giá trị sổ sách của khoản đầu tư ra ngoài công ty (không bao gồm các khoản đầu tư hình thành từ việc góp vốn bằng tài sản mua, tiếp nhận, chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp tái cơ cấu);

e) Khoản chênh lệch tăng giữa giá trị tài sản được ghi nhận góp vốn với giá trị sổ sách của tài sản này.

3. Thu nhập khác, gồm: thu thanh lý nhượng bán TSCĐ, thu phạt thực hiện hợp đồng, thu do khách hàng bỏ tiền đặt cọc; thu từ hoạt động phát sinh không thường xuyên.

Điều 21. Chi phí của Công ty

1. Chi phí hoạt động kinh doanh:

a) Chi phí hoạt động tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản:

- Chi phí chiết khấu cho khách nợ để thu hồi nợ nhanh;

- Chi phí sửa chữa, nâng cấp tài sản (nếu có): Chi phí này được ghi nhận là khoản mục tài sản trên Báo cáo tình hình tài chính khi phát sinh và được kết chuyển vào chi phí trực tiếp xử lý nợ và tài sản tiếp nhận khi có phát sinh thu nhập từ tài sản được nâng cấp sửa chữa.

- Chi phí thuê dịch vụ bên ngoài liên quan đến xử lý nợ, tài sản, chuyển nhượng vốn;

- Các chi phí khác có liên quan đến xử lý nợ và tài sản tiếp nhận (bao gồm cả nợ và tài sản tiếp nhận theo chỉ định);

b) Chi phí hoạt động mua, bán nợ, tài sản theo thỏa thuận và chỉ định:

- Giá vốn mua nợ kết chuyển chi phí trong kỳ được quy định cụ thể như sau:

+ Trường hợp khoản nợ được thu hồi một lần hoặc bán:

(i) Trường hợp khoản nợ được bán hoặc thu hồi bằng tiền một lần, thực hiện kết chuyển toàn bộ giá vốn mua khoản nợ đó vào chi phí trong kỳ.

(ii) Trường hợp bán nợ doanh thu thu được từ việc bán nợ nhỏ hơn giá vốn mua nợ tương ứng, kết chuyển toàn bộ giá vốn mua nợ còn lại vào chi phí trong kỳ.

+ Trường hợp khoản nợ được thu hồi nhiều lần:

(i) Trường hợp doanh thu thu được từ việc xử lý nợ (thu nợ từ khách nợ; khai thác, bán tài sản bảo đảm của khoản nợ) lớn hơn giá vốn mua nợ tại thời điểm xử lý thu hồi: thực hiện kết chuyển toàn bộ giá vốn mua nợ vào chi phí trong kỳ.

(ii) Trường hợp doanh thu thu được từ việc xử lý nợ (thu nợ từ khách nợ; khai thác, bán tài sản bảo đảm của khoản nợ) nhỏ hơn giá vốn mua nợ tại thời điểm xử lý thu hồi: thực hiện kết chuyển một phần giá vốn mua nợ vào chi phí trong kỳ bằng số tiền thực tế thu được từ việc xử lý khoản nợ hoặc theo cam kết phù hợp với phương án xử lý nợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phần còn lại của giá vốn mua nợ được tiếp tục kết chuyển vào chi phí theo nguyên tắc nêu trên khi khoản nợ tiếp tục được xử lý thu hồi.

- Chi phí hoạt động mua, bán tài sản: bao gồm giá mua tài sản và các chi phí khác có liên quan (chi phí vận chuyển tài sản, sửa chữa, nâng cấp tài sản, tiền thuê đất....). Trường hợp bán tài sản, DATC thực hiện kết chuyển toàn bộ chi phí mua tài sản đó vào chi phí trong kỳ. Trường hợp cho thuê tài sản, DATC thực hiện trích khấu hao tài sản và hạch toán các chi phí có liên quan vào chi phí trong kỳ phù hợp với quy định.

- Chi phí trực tiếp hoạt động xử lý nợ, tài sản, tái cơ cấu doanh nghiệp:

+ Chi trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi từ hoạt động mua, bán nợ; dự phòng giảm giá các khoản đầu tư từ hoạt động chuyển nợ thành vốn góp; dự phòng giảm giá hàng tồn kho;

+ Chi phí thuê dịch vụ bên ngoài liên quan đến xử lý nợ, tài sản:

(i) Chi phí phát sinh để duy trì, quản lý, khai thác và xử lý đối với tài sản bảo đảm DATC đã nhận bàn giao;

(ii) Chi phí thẩm định giá, chi phí tổ chức bán đấu giá khoản nợ, tài sản để bán, cho thuê, góp vốn, liên danh, liên kết, hợp tác kinh doanh bằng nợ, tài sản;

(iii) Chi phí thẩm định giá, chi phí tổ chức bán đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính;

(iv) Chi phí thuê kiểm toán độc lập;

(v) Chi phí đòi nợ thuê;

(vi) Phí thi hành án;

(vii) Phí tham gia tố tụng, hình sự (nếu có);

(viii) Chi phí dịch vụ quảng cáo, đăng báo;

(ix) Chi phí tư vấn pháp lý, chi phí tư vấn;

(x) Chi phí cho các dịch vụ khác liên quan đến xử lý nợ, tài sản.

+ Chi phí cho cán bộ DATC được cử biệt phái tại các doanh nghiệp có vốn góp của DATC hoặc các doanh nghiệp đang trong giai đoạn tái cơ cấu (chi phí đi lại, chi phí thuê chỗ ở,...);

+ Chi phí khác liên quan đến hoạt động xử lý nợ, tài sản, tái cơ cấu doanh nghiệp;

- Chi phí hoạt động chuyển nhượng vốn đầu tư hình thành từ việc góp vốn bằng tài sản mua, tiếp nhận, chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp tái cơ cấu trong kỳ:

+ Trường hợp doanh thu thu được từ việc bán toàn bộ hoặc bán một phần khoản đầu tư lớn hơn giá trị khoản đầu tư tương ứng trên sổ sách thực hiện kết chuyển toàn bộ giá trị khoản đầu tư tài chính vào chi phí trong kỳ.

+ Trường hợp doanh thu thu được từ việc bán toàn bộ hoặc một phần khoản đầu tư tài chính nhỏ hơn giá trị khoản đầu tư tương ứng trên sổ sách, sau khi dùng nguồn dự phòng để bù đắp phần chênh lệch, DATC hạch toán giá trị còn lại theo sổ sách của khoản đầu tư vào chi phí trong kỳ;

c) Chi phí hoa hồng môi giới trong việc thu hồi, mua, bán nợ và tài sản, cho thuê tài sản (bao gồm cả tài sản bảo đảm) phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Hội đồng thành viên Công ty căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước, đặc điểm cụ thể của Công ty để xây dựng và ban hành Quy chế chi hoa hồng môi giới áp dụng thống nhất và công khai trong Công ty. Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định chi hoa hồng của Công ty.

- Việc chi hoa hồng môi giới của Công ty phải đảm bảo đem lại hiệu quả kinh tế.

- Đối tượng được hưởng tiền chi hoa hồng môi giới là các tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước) có làm môi giới, dịch vụ cho Công ty.

- Hoa hồng môi giới không được áp dụng cho các đối tượng là các khách hàng được chỉ định, các chức danh quản lý, nhân viên của Công ty.

- Việc chi hoa hồng môi giới phải căn cứ vào hợp đồng hoặc giấy xác nhận giữa Công ty và bên nhận hoa hồng, trong đó phải có các nội dung cơ bản sau: tên, địa chỉ, số chứng minh thư của người đại diện của bên nhận hoa hồng; nội dung chi (nêu rõ kết quả xử lý nợ và tài sản do đối tượng được hưởng hoa hồng đóng góp cho Công ty); mức chi; phương thức thanh toán, thời gian thực hiện và kết thúc; trách nhiệm của các bên;

d) Chi nộp thuế, phí, tiền thuê đất có liên quan tới hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Chi phí hoạt động quản lý:

Chi phí quản lý của Công ty được thực hiện theo Quy chế chi tiêu nội bộ do Hội đồng thành viên Công ty ban hành phù hợp với các Quy định hiện hành của Nhà nước áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Trong đó:

- Chi phí tiền lương thực hiện theo quy định tại Điều 22 Quy chế này;

- Các khoản chi cho người lao động: Chi mua bảo hiểm bắt buộc; Chi bảo hiểm tai nạn sức khỏe; trích nộp Quỹ hưu trí tự nguyện, Quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm nhân thọ;

- Chi cho hoạt động của Kiểm soát viên; chi phí thuê chuyên gia tư vấn của Hội đồng thành viên;

- Chi trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi (không bao gồm nợ phải thu khó đòi từ hoạt động mua, bán nợ);

- Chi phí thuê kiểm toán độc lập;

- Chi phí khấu hao tài sản cố định, công cụ, dụng cụ;

- Chi nộp thuế, phí và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chi phí hoạt động tài chính, bao gồm:

a) Các khoản chi khác liên quan đến đầu tư ra ngoài Công ty như: các khoản chi phí do các bên góp vốn phải tự chi, khoản lỗ được chia (nếu có) từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh, tổn thất (nếu có) thuộc trách nhiệm của Công ty tương ứng với phần vốn góp tại các doanh nghiệp có góp vốn của Công ty;

b) Chênh lệch nhỏ hơn giữa giá trị thu hồi so với giá trị sổ sách cộng (+) với chi phí chuyển nhượng và các chi phí phát sinh có liên quan khi chuyển nhượng các khoản đầu tư ra ngoài công ty (không bao gồm các khoản đầu tư hình thành từ việc góp vốn bằng tài sản mua, tiếp nhận, chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp tái cơ cấu);

c) Chênh lệch tỷ giá;

d) Chiết khấu thanh toán;

đ) Dự phòng giảm giá các khoản đầu tư dài hạn được trích lập theo quy định tại Quy chế này (không bao gồm các khoản đầu tư từ hoạt động chuyển nợ thành vốn góp);

e) Tiền lãi huy động vốn theo quy định;

g) Chi phí có liên quan tới hoạt động mua, bán công trái, trái phiếu;

h) Phí lưu ký; phí giao dịch khi thực hiện chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính;

i) Khoản chênh lệch giảm giữa giá trị tài sản được ghi nhận góp vốn với giá trị sổ sách của tài sản này;

k) Chi nộp thuế, phí và các khoản chi phí tài chính khác theo quy định của pháp luật.

4. Chi phí khác theo quy định của pháp luật:

a) Chi nhượng bán, thanh lý tài sản cố định;

b) Chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ đã xóa sổ kế toán: Công ty được chi cho các tổ chức, cá nhân đã có đóng góp trong việc thu hồi các khoản nợ đã xóa trên cơ sở công sức đóng góp và hiệu quả đem lại của các tổ chức và cá nhân này. Trình tự, thủ tục, trách nhiệm pháp lý khi thực hiện khoản chi này áp dụng như khoản chi hoa hồng môi giới quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;

c) Khoản tổn thất tài sản còn lại sau khi đã bù đắp bằng các nguồn theo quy định hiện hành;

d) Chi phí tiếp thị, truyền thông, hội nghị khách hàng, chi phí tiếp khách, đối ngoại, quà tặng;

đ) Các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ khác.

5. Không tính vào chi phí các khoản sau đây:

a) Chi phí mua sắm xây dựng, lắp đặt tài sản cố định hữu hình, vô hình được tính vào nguyên giá tài sản cố định hữu hình, vô hình theo quy định;

b) Chi phí lãi vay được tính vào chi phí đầu tư và xây dựng;

c) Các khoản chi không có chứng từ hợp lệ;

d) Các khoản chi có nguồn khác bù đắp;

đ) Các khoản tiền phạt về vi phạm pháp luật không mang danh công ty mà do cá nhân gây ra.

Điều 22. Quỹ tiền lương và Thù lao kiêm nhiệm

1. Quỹ tiền lương của DATC được xác định theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phù hợp với đặc thù hoạt động của DATC. Việc quản lý, phân phối, sử dụng Quỹ tiền lương được thực hiện theo Quy chế do Hội đồng thành viên DATC ban hành.

2. Thù lao kiêm nhiệm dùng để chi trả cho cán bộ DATC bao gồm cán bộ là Người quản lý doanh nghiệp của DATC, cán bộ DATC được cử tham gia trực tiếp các chức danh tại các doanh nghiệp khác, cán bộ DATC tham gia quản lý hoặc hỗ trợ hoạt động quản lý vốn của DATC vào doanh nghiệp khác.

3. Thù lao kiêm nhiệm được lấy từ nguồn thù lao thực tế doanh nghiệp có vốn góp của DATC chi trả cho cán bộ của DATC (bao gồm cả Người quản lý doanh nghiệp) được cử tham gia kiêm nhiệm các chức danh tại các doanh nghiệp khác nộp về DATC và chi trả theo các nguyên tắc sau:

a) Thù lao kiêm nhiệm được chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tối đa không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế được hưởng tại Công ty;

b) Thù lao kiêm nhiệm không chi trả hết trong năm được sử dụng để chi trả trong các năm tiếp sau;

4. DATC quản lý, phân phối thù lao kiêm nhiệm theo Quy chế Quản lý Quỹ thù lao kiêm nhiệm do Hội đồng thành viên ban hành phù hợp với Quy chế này.

Điều 23. Lợi nhuận và phân phối lợi nhuận

1. Lợi nhuận thực hiện trong năm là kết quả kinh doanh của Công ty, bao gồm lợi nhuận hoạt động kinh doanh, lợi nhuận đầu tư tài chính và lợi nhuận các hoạt động khác.

2. Công ty thực hiện phân phối lợi nhuận và trích lập các Quỹ theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Mục 5. GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG; KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH; CÔNG TÁC KẾ TOÁN, THỐNG KÊ VÀ KIỂM TOÁN

Điều 24. Giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp

1. Công ty thực hiện cơ chế giám sát nội bộ theo quy định đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và chịu sự kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu, các cơ quan có thẩm quyền về kết quả hoạt động theo quy định.

2. Hàng năm, Hội đồng thành viên Công ty đánh giá hiệu quả hoạt động và báo cáo Bộ Tài chính xem xét, công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp trên cơ sở các chỉ tiêu đánh giá phù hợp với đặc thù hoạt động của Công ty theo quy định đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Điều 25. Chế độ kế toán và kiểm toán

1. Công ty thực hiện tổ chức hạch toán kế toán theo quy định pháp luật về kế toán hiện hành và hướng dẫn của Bộ Tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động của công ty.

2. Báo cáo tài chính hàng năm của Công ty phải được doanh nghiệp kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán theo quy định.

3. Công ty thực hiện chế độ kiểm soát và kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Kế hoạch tài chính

1. Căn cứ vào định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của 05 năm của Công ty được chủ sở hữu phê duyệt, Công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính 5 năm.

2. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm, căn cứ vào năng lực của công ty và nhu cầu thị trường, Hội đồng thành viên quyết định kế hoạch kinh doanh của năm tiếp theo.

3. Căn cứ kế hoạch kinh doanh được Hội đồng thành viên quyết định, Công ty thực hiện đánh giá tình hình kinh doanh của năm báo cáo và lập kế hoạch tài chính cho năm kế tiếp gửi Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 7 hàng năm.

4. Bộ Tài chính rà soát lại kế hoạch tài chính do Công ty lập và có ý kiến chính thức bằng văn bản để Công ty hoàn chỉnh kế hoạch tài chính. Kế hoạch tài chính sau khi hoàn chỉnh là kế hoạch chính thức làm cơ sở để Bộ Tài chính giám sát, đánh giá quản lý điều hành hoạt động kinh doanh của Công ty.

Điều 27. Báo cáo tài chính, thống kê và các báo cáo khác

1. Cuối kỳ kế toán (quý, năm), Công ty phải lập, trình bày, gửi các báo cáo tài chính, báo cáo thống kê cho các cơ quan nhà nước và thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành. Hội đồng thành viên Công ty chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo tài chính, thống kê và việc thực hiện công khai tài chính.

2. Ngoài các báo cáo tài chính, thống kê định kỳ lập và gửi theo quy định nêu trên, Công ty phải thực hiện lập, gửi các báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước; trường hợp Công ty có khoản vay trong nước và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, Công ty phải thực hiện lập và gửi báo cáo theo các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các phương án mua, xử lý nợ và tài sản được phê duyệt trước ngày Thông tư ban hành Quy chế này có hiệu lực thi hành, DATC tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt hoặc DATC có thể sửa đổi, bổ sung phương án để áp dụng quy định tại Quy chế này.

2. Xử lý các khoản dự phòng đã trích lập trước ngày Thông tư ban hành Quy chế này có hiệu lực thi hành:

a) Trường hợp mức dự phòng đã trích lập của từng phương án cao hơn mức trích lập dự phòng theo quy định tại Quy chế này thì Công ty không phải hoàn nhập các khoản dự phòng;

b) Trường hợp mức dự phòng đã trích lập của từng phương án thấp hơn mức trích lập dự phòng theo quy định tại Quy chế này thì Công ty trích lập bổ sung cho đủ theo quy định tại Quy chế này.

Điều 29. Trách nhiệm thực hiện

1. Hội đồng thành viên DATC quyết định phân cấp cho Tổng Giám đốc các nội dung trong phạm vi thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên quy định tại Quy chế này. Việc phân cấp cho Tổng Giám đốc phải được quy định cụ thể bằng văn bản.

2. Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, DATC phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, xử lý theo thẩm quyền./.

THE MINISTRY OF FINANCE
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No.: 62/2021/TT-BTC

Hanoi, July 29, 2021

 

CIRCULAR

PROMULGATING FINANCIAL REGULATIONS OF VIETNAM DEBT AND ASSET TRADING CORPORATION

Pursuant to the Law on Enterprises dated June 17, 2020;

Pursuant to the Law on management and use of state capital invested in manufacturing and business operations of enterprises dated November 26, 2014;

Pursuant to the Government’s Decree No. 10/2019/ND-CP dated January 30, 2019 performing rights and responsibilities of state owner’s representatives;

Pursuant to the Government’s Decree No. 91/2015/ND-CP dated October 13, 2015 on state capital investments and utilization and management of capital and assets of enterprises;

Pursuant to the Government’s Decree No. 32/2018/ND-CP dated March 08, 2018 on amending and supplementing certain articles of the Government’s Decree No. 91/2015/ND-CP dated October 13, 2015 on state capital investment in enterprises, use and management of capital and assets in enterprises;

Pursuant to the Government’s Decree No. 140/2020/ND-CP dated November 30, 2020, providing amendments to the Government’s Decree No. 126/2017/ND-CP dated November 16, 2017 on conversion of state-owned enterprises and wholly state-owned single-member limited liability companies into joint-stock companies, the Government’s Decree No. 91/2015/ND-CP dated October 13, 2015 on state capital investment in enterprises, use and management of capital and assets in enterprises, and the government’s decree no. 32/2018/ND-CP dated march 08, 2018 providing amendments to decree no. 91/2015/ND-CP;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Pursuant to the Government’s Decree No. 87/2017/ND-CP dated July 26, 2017 defining functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

At the request of the Director of the Department of Corporate Finance, and the Board of Members of Vietnam Debt and Asset Trading Corporation,

The Minister of Finance promulgates a Circular promulgating financial regulations of Vietnam Debt and Asset Trading Corporation.

Article 1. The “Financial regulations of Vietnam Debt and Asset Trading Corporation” is enclosed with this Circular.

Article 2. This Circular comes into force from September 15, 2021 and applies from the financial year 2021. This Circular supersedes the Circular No. 134/2016/TT-BTC dated September 08, 2016 of the Ministry of Finance promulgating regulations on financial management of Vietnam Debt and Asset Trading Corporation.

Article 3. Director of the Department of Corporate Finance, heads of relevant units, the Board of Members and General Director of Vietnam Debt and Asset Trading Corporation are responsible for the implementation of this Circular./.

 

 

PP. THE MINISTER
DEPUTY MINISTER




Huynh Quang Hai

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

FINANCIAL REGULATIONS

OF VIETNAM DEBT AND ASSET TRADING CORPORATION
(Enclosed with the Circular No. 62/2021/TT-BTC dated July 29, 2021 of the Minister of Finance)

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This document introduces the mechanism for financial management of Vietnam Debt and Asset Trading Corporation of which 100% charter capital is held by the State, operating in accordance with the Government’s Decree No. 129/2020/ND-CP dated October 27, 2020 prescribing functions, tasks and operational mechanism of Vietnam Debt and Asset Trading Corporation (hereinafter referred to as “Decree No. 129/2020/ND-CP”).

Article 2. Regulated entities

1. Vietnam Debt and Asset Trading Corporation (hereinafter referred to as “DATC” or “Company”).

2. Organizations and individuals involved in DATC’s financial management mechanism.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Company is entitled to establish the ownership and right to manage and use debts and assets it purchased and received; manage, use and record debts and assets in accordance with regulations laid down in this document and regulations of relevant laws in force.

2. Each debt purchased by the Company (under either agreement or direction) shall be considered as a specific type of goods, and shall be recorded and monitored by the Company.

3. Debts and assets received from wholly state-owned enterprises and public service providers undergoing rearrangement or ownership conversion or received under the direction of competent authorities shall be managed and monitored out of the Company’s statement of financial position and settled in accordance with regulations of law and this document.

4. Conversion of a debt into capital contribution associated with the restructuring of a wholly state-owned enterprise subject to rearrangement or ownership conversion shall be carried out according to the plan agreed upon (in writing) with the authority that has the power to decide the enterprise restructuring plan in accordance with regulations of law on arrangement and conversion of ownership of enterprises.

Conversion of a debt into capital contribution associated with the restructuring of other enterprises shall be carried out according to specific agreements made with the enterprise’s owner.

5. Use of debts and assets as capital contributed to enterprises must ensure efficiency on the basis of the plans for purchase and handling of debts and assets approved by competent authorities as prescribed. Before assets (excluding debts) are contributed to an enterprise, they must be revalued by a qualified valuation organization in accordance with regulations of law.

6. When receiving, purchasing, selling and settling debts and assets under direction of competent authorities, the Company shall develop and implement plans appropriate to the direction of competent authorities and the Company’s Charter.

7. DATC shall not consolidate financial statements of enterprises of which it owns controlling shares through debt restructuring in the form of conversion of debts into capital contributions.

DATC shall carry out divestment within 05 years from the day on which it official becomes a shareholder of the enterprise of which it owns controlling shares through restructuring. If DATC fails to complete the divestment within 05 years, it shall provide reasons and propose remedial measures to the Ministry of Finance for its written opinions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter II

SPECIFIC PROVISIONS

Section 1. CAPITAL MANAGEMENT AND USE

Article 4. Working capital

The Company’s working capital includes:

1. Owner's equity, including:

a) The Company’s charter capital as prescribed by law;

b) Capital accumulated from its business operations and added to the paid-in capital;

c) Other sources of the owner's equity as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 5. Capital mobilization

1. Capital mobilization rules:

a) The capital mobilization shall be carried out on the basis of the Company’s 05-year development investment plan and annual business plan;

b) The capital mobilization plan must ensure efficiency and solvency.

c) The person giving approval for the capital mobilization plan shall inspect and ensure the proper and efficient use of mobilized capital;

d) Mobilization of capital from foreign organizations and individuals or through issuance of Government-backed bonds shall comply with regulations of law on public debt management and relevant laws;

dd) Mobilization of capital through issuance of corporate bonds shall comply with regulations of law and the Company’s Charter;

e) Mobilization of capital to serve business operations (including guaranteed loans taken from credit institutions by subsidiaries as prescribed in Clause 4 Article 23 of the Law on management and use of state capital invested in manufacturing and business operations of enterprises and restructured enterprises over 50% of charter capital of which is held by DATC as prescribed in Clause 2 Article 22 of the Decree No. 129/2020/ND-CP) must be carried out in a manner ensuring that total outstanding debts payable shall not exceed 03 times the owner's equity recorded on the Company’s latest quarterly or annual financial statements. In which:

- The owner's equity specified on the statement of financial position included in the Company's quarterly or annual financial statements shall exclude the "other funding sources and funds” item.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Authority to decide capital mobilization:

a) The Company’s Board of Members shall carry out the capital mobilization according to Clause 3 Article 23 of the Law on management and use of state capital invested in manufacturing and business operations of enterprises;

b) The Board of Members may authorize the Company's General Director to decide the capital mobilization plan within its competence;

c) In case the capital to be mobilized exceeds the amount specified in Point a of this Clause, or capital is mobilized from foreign entities, the Board of Members shall report the case to the owner’s representative agency for consideration.

Article 6. Capital use rules

1. The Company shall take initiative in using its capital for business purposes in an effective manner that ensures capital preservation and growth as well as adherence to regulations of law, including:
a) Prioritized use of DATC’s resources for restructuring and ownership conversion of wholly state-owned enterprises through receipt, purchase and handling of debts and assets;

b) Use of the Company’s capital for making external investments and purchasing debts and assets to serve its business in accordance with regulations of law and this document. The Company shall assume responsibility for the efficiency of its trading and handling of debts and assets according to the market mechanism.

The Board of Members shall provide specific provisions on documentation, formulation and appraisal procedures, and authority to decide the debt and asset purchase plan applied by the Company which must be conformable with regulations of law and this document;

c) Use of capital for performing tasks which are assigned by competent authorities and appropriate to the Company’s business lines;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Use of capital for making deposits at the State Treasury and credit institutions operating in Vietnam according to regulations issued by the Board of Members in conformity with regulations of law in force, and providing funding derived from DATC’s working capital for restoration of restructured enterprises as prescribed in Article 22 of the Decree No. 129/2020/ND-CP and regulations on management of risks from debt and asset trading and provision of funding and loan guarantee for restructured enterprises.

2. Use of capital for investment in and purchase of fixed assets which are used for serving the Company’s operation shall:

a) Fixed assets must be appropriate to the Company’s operation and comply with State regulations;

b) Such investment in and purchase of fixed assets must comply with regulations of laws on fundamental construction investment and purchase of fixed assets;

c) Purchased assets must be recorded in accordance with regulations of law in force.

Article 7. Capital preservation

1. The Company shall be responsible for the preservation and growth of state capital invested in the Company as prescribed.

2. The preservation of the Company’s capital shall be made adopting the following measures:

a) Compliance with regulations of law on management and use of capital and assets, profit distribution, other financial management policies and accounting;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Timely settlement of impairment of assets and irrecoverable debts, and making of risk provisions as prescribed in this document and relevant laws;

d) Implementation of other measures for preserving the Company’s capital as prescribed by law.

3. DATC shall conduct annual evaluation of the level of preservation of its capital as follows:

a) If, after setting aside all provisions as prescribed in Article 8 of this document, the Company does not incur loss or earns profit, it has succeeded in preserving its capital. The loss or profit used as the basis for determining the level of capital preservation equals total revenues and other incomes minus (-) revenue deductions minus (-) total expenses incurred;

b) If, after setting aside all provisions as prescribed in Article 8 of this document, the Company incurs losses (including accumulated losses), it has failed to preserve its capital.

Article 8. Setting aside provisions

1. The Company shall set aside and settle the provision for devaluation of inventories, provision for bad debts and provision for loss on investments according to regulations of this document. Other contents concerning making of provisions which are not prescribed in this document shall be performed in accordance with regulations of law applicable to wholly state-owned enterprises and relevant laws.

2. Provision for devaluation of inventories:

a) The Company shall set aside the provision for devaluation of inventories, including assets purchased by DATC’s working capital under agreement or direction, foreclosed assets and assets pending disposition (including real estate);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Provision for bad debts:

a) The Company shall set aside provision for bad debts for: debts purchased by DATC’s working capital under agreement or direction, and other bad debts incurred from its business;

b) The Company is not required to set aside the provision for bad debts for debts received from wholly state-owned enterprises or public service providers undergoing rearrangement or ownership conversion or received under direction of competent authorities, and receivable debts arising from the Company’s performance of tasks assigned by competent authorities.

c) Rules for setting aside provision for debts arising from debt purchase and handling and enterprise restructuring:

- The level of provision shall not exceed the remaining value of the debt purchase cost.

- The specific levels of provision shall be determined according to regulations on making of provisions issued by DATC’s Board of Members provided that the initial provision must be at least 15% of the overdue value of the remaining debt purchase cost of the purchased debt which is more than 6 months to under 1 year overdue, and the level of provision must be equal to the overdue value of the remaining debt purchase cost of the purchased debt which is 5 years or more overdue.

- The overdue period and overdue value of a purchased debt shall be calculated from the time of transfer of the creditor’s rights to DATC (according to the written record or notification of transfer of creditor’s rights) or the latest promise to pay agreement made between the debtor and DATC in conformity with the debt recovery plan and/or the debtor's solvency.

- If a receivable debt is not yet due but DATC has evidence that the debtor has gone bankrupt, initiated bankruptcy proceedings or absconded from their business location, or is prosecuted, detained or tried by law enforcement agencies, or is executing a court judgment or suffering from a fatal disease (as certified by a hospital), or dead, or a debt remains irrecoverable upon the enterprise’s request for execution of the court judgment because the debtor has fled from his or her residence, or the debt is subject to the enterprise’s claim filed in the court but the case involving such debt is dismissed, DATC shall estimate the irrecoverable amount of such debts to set aside provision. The level of provision shall not exceed the remaining value of the debt purchase cost recorded on accounting book.

4. Provision for loss on investments made through restructuring or conversion of debts into capital contributed to enterprises:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The level of provision for each investment shall equal the actual book value of that investment when converting the debt into capital contribution, which is equal to the debt purchase cost. The Company is not required to set aside the provision for its capital contribution which is the difference between the book value of the purchased debt and the debt purchase cost.

- The Company is entitled to disregard the accumulated losses incurred by the restructured enterprise before it is officially converted into a joint-stock company.

5. DATC’s Board of Members shall be responsible for issuance of regulations on making of provisions as prescribed in this document.

Article 9. Investment

1. The Company shall make investment in the forms specified in Article 25 of the Decree No. 129/2020/ND-CP and provisions laid down in this document. Other contents concerning investment activities which are not prescribed in this document shall be performed in accordance with regulations of law applicable to wholly state-owned enterprises.

2. Rules for making investment:

a) The Company is entitled to use assets under its management (including cash, fixed assets and other assets) for making investment in a manner that ensures efficiency and capital preservation and compliance with regulations of law and the Company’s investment strategies/plans approved by the owner;

b) The Company is not allowed to make capital contribution or investment in the field of real estate, and is not allowed to make capital contribution or purchase shares of commercial banks, insurance firms, securities companies, venture capital funds, securities investment funds or companies and securities investment fund management companies, except investments and capital contribution made according to Clause 2 Article 25 of the Decree No. 129/2020/ND-CP and other cases decided by the Prime Minister at the request of the Ministry of Finance;

c) DATC shall take initiative in buying and selling shares, convertible bonds or share purchase rights at enterprises of which DATC has shares or has developed restructuring plans so as to facilitate the restructuring of enterprises that are debtors and handling of debts and assets purchased or received;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- contribute capital to, purchase shares or wholly acquire an enterprise whose manager or representative is spouse, natural parent, parent-in-law, adoptive parent, natural child, adopted child, son-in-law, daughter-in-law, natural brother or sister, brother-in-law or sister-in-law of the Chairperson or member of the Board of Members, Controller, General Director, Deputy General Director or Chief Accountant of the Company; or

- contribute capital with an enterprise of which DATC holds controlling interests to establish a joint-stock company or a limited liability company or execute a business cooperation agreement;

dd) The Company shall not be allowed to use assets leased for operation, borrowed or kept by the Company (except received assets) for making external investments.

3. Authority to issue decisions to make investment shall comply with Article 28 of the Law on management and use of state capital invested in manufacturing and business operations of enterprises.

Article 10. Management of Company's investments

1. DATC shall manage its investments in accordance with the Law on management and use of state capital invested in manufacturing and business operations of enterprises, the Company’s Charter, provisions laid down in this document and relevant laws.

2. The Company shall periodically conduct management, evaluation and supervision of efficiency of its investments.

Article 11. Transfer of Company’s investments

1. Rules for transferring the Company’s investments:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Transfer of the Company’s external investments shall be made based on the list of transferred investments approved by a competent authority; such transfer is made irrespective of the amount of investment and whether the enterprise receiving DATC’s investment gains profit or incurs loss; organization, document preparation, disclosure of information and reporting on transfer of investments shall comply with regulations of law;

c) At the time of formulation of the investment transfer plan (including case of transfer of investment and debts), if the expected transfer price is lower than the book value of the investment for which the provision has been already made by the Company, the transfer shall be made as follows:

- If the provision is equal to or greater than the difference between the expected transfer price and the book value, the Company’s Board of Members or General Director shall decide the transfer within their competence to recover investment capital;

- If the provision is smaller than the difference between the book value and the expected transfer price, the Company’s Board of Members or General Director shall issue a decision on transfer after obtaining written opinions from the Ministry of Finance.

2. Transfer of Company’s external investments:

a) DATC shall carry out transfer of its external investments in accordance with regulations of law applicable to wholly state-owned enterprises;

b) Transfer of government bonds or bonds purchased by DATC to receive interests shall be carried out in accordance with regulations applied at the date of issuance of such bonds or the issuer’s issuance plan. The transfer price of a bond which is transferred before it matures must be determined in accordance with the capital preservation rules. Transfer of bonds registered, deposited and listed on the securities market shall comply with regulations of the Law on securities.

3. Transfer of investments which are made through conversion of debts/assets into capital contribution:

DATC shall conduct transfer of capital contributions through auction (either ordinary auction or lot-based auction). In case the public auction is unsuccessful or the number of shares is not sold up after completion of the auction, the competitive offering shall be adopted. In case the competitive offering is unsuccessful or the number of shares is not sold up after completion of the competitive offering, the put-through method shall be adopted. In which:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Adjustment of the starting price used for capital transfer specified in Clause 3 of this Article shall be carried out as follows:

- In case the public auction is unsuccessful or the number of shares is not sold up after completion of the auction, the starting price may be decreased by not exceeding 10% of the initial starting price for conducting the competitive offering. In case the competitive offering is unsuccessful (except the provision in the second dash Point b of this Clause) or the number of shares is not sold up after completion of the competitive offering, the starting price of the competitive offering may be decreased by not exceeding 10% for conducting the public auction;

- In case only one investor participates in the competitive offering (who has submitted valid documents and fully completed procedures for participation in a competitive offering session), the put-through method shall be conducted using the starting price of the competitive offering. In case the put-through is unsuccessful or the number of shares is not sold up after completion of the put-through session, the starting price of the competitive offering may be decreased by not exceeding 10% for conducting the public auction.

c) In case of transfer of investments in joint-stock companies that have been registered or listed on Stock Exchanges, DATC shall, in addition to the public auction, competitive offering and put-through methods, be allowed to transfer its shares through the Stock Exchange's trading system.

d) If the valuation report expires when the Company is carrying out the investment transfer, it shall not be required to formulate a new transfer plan but must re-determine the starting price for continuing the investment transfer according to the adopted transfer method (if the public auction is unsuccessful or the investment to be transferred is not sold up after the auction, a competitive offering shall be held according to the re-determined starting price).

4. Transfer of investment and receivable debts:

DATC shall be allowed to transfer its investment established from conversion of debts into capital contribution and receivable debts at enterprises in which DATC has both capital contribution and receivable debts according to the transfer methods specified in Clause 3 of this Article. To be specific:

a) Both the investment and the receivable debt are determined to be of one lot;

b) The bidder is required to purchase the entire lot of investment and receivable debt;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The initial transfer price shall not be lower than total value of the investment (or capital contribution) and the receivable debt determined by a qualified valuation organization;

dd) In case of unsuccessful transfer, DATC shall adjust the transfer price according to the provisions of Clause 3 of this Article.

5. Authority to decide the investment transfer

DATC shall conduct investment transfer according to regulations on authority to issue decision to make external investments in Article 28 of the Law on management and use of state capital invested in manufacturing and business operations of enterprises. In case of transfer of investment and receivable debt, the transfer price used as the basis for determining the authority to decide the investment transfer shall be the sum of the book value of the investment and the remaining value of the debt purchase cost.

Section 2. ASSET MANAGEMENT

Article 12. Investment, construction and purchase of fixed assets

1. The Company shall carry out investment, construction and purchase of fixed assets in accordance with regulations of the Law on management and use of state capital invested in manufacturing and business operations of enterprises. To be specific:

a) Authority to decide investment, construction and purchase of fixed assets shall comply with Article 24 of the Law on management and use of state capital invested in manufacturing and business operations of enterprises.

b) Provisions on certain cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- With regard to investment in and purchase of external fixed assets for use (including vehicles serving the Company’s business), the Company must comply with regulations of the Law on bidding and other relevant laws.

- With regard to investment in, purchase and use of vehicles (motor vehicles) to serve the business trips of managerial position holders and general work, the Company is required to meet rigorous purchase standards and limits in order to ensure openness, transparency, cost efficiency and effectiveness in accordance with regulations of law in force.

2. Depreciation of fixed assets: The Company shall carry out depreciation of fixed assets in accordance with the Ministry of Finance’s regulations on management, use and depreciation of fixed assets.

3. Leasing out, offering assets as pledges or collateral:

The Company is entitled to lease out or offer its assets as pledges or collateral by adhering the principle that efficiency, capital preservation and growth must be assured in accordance with regulations of law whereby the authority to decide the use of assets as pledges or collateral shall comply with Article 26 of the Government’s Decree No. 91/2015/ND-CP dated October 13, 2015 on state capital investments and utilization and management of capital and assets of enterprises (hereinafter referred to as “Decree No. 91/2015/ND-CP”) and its amending documents (if any).

4. Disposition, transfer or sale of fixed assets:

a) The Company shall be allowed to act on its initiative in disposition, transfer or sale of fixed assets which have been damaged, technically obsolete, or removed from service or utilization on the principle of openness, transparency and adherence to regulations of law;

b) Authority to make decision on disposition, transfer or sale of fixed assets shall comply with Clause 2 Article 27 of the Decree No. 91/2015/ND-CP and its amending documents (if any);

c) Method of disposition, transfer or sale of fixed assets:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Disposition, transfer or sale of fixed assets associated with land must comply with regulations of law on land;

d) Procedures for disposition, transfer or sale of fixed assets shall comply with regulations of law applicable to wholly state-owned enterprises.

5. The Company shall develop regulations on asset management which clearly defines the responsibility to manage asset in each stage; fully, accurately and promptly record assets; organize inventory and inspection of assets on a periodical basis or at the request of the owner; carry out investment, management and use of assets in accordance with regulations of law and this document.

Article 13. Management of purchased and received assets

1. Asset handling methods:

a) Transfer of assets (including projects purchased or received under direction);

b) Use of assets (including assets purchased or received under direction) for engaging in business cooperation, joint venture or association or contributing as share capital;

c) Management and investment in assets for operation, sale or lease (including projects purchased or received under direction).

2. Rules for handling assets (including projects purchased or received under direction):

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In case an asset is used for engaging in business cooperation, joint venture or association or contributing as share capital, the contribution value shall be agreed upon between two parties but shall not be lower than the value re-determined by the valuation organization;

b) The sale of asset shall be conducted by adopting public auction, competitive offering or put-through method as prescribed by law.

In the event of transfer of land-use rights, the Company shall comply with regulations of the Law on land;

c) With regard to received assets which are used to serve DATC’s business purposes, DATC shall comply with the Ministry of Finance’s regulations on transfer, receipt and handling of excluded debts and assets when arranging or converting ownership of wholly state-owned enterprises and public service providers and their amending documents (if any);

d) With regard to assets purchased or received under direction, DATC shall handle assets according to the plan for sale, purchase and handling of assets under direction approved by a competent authority (if any), and asset handling methods and rules laid down in Clause 1 of this Article and Points a, b, c of this Clause.

In case DATC receives assets under direction for handling or recovering state capital, it shall be entitled to the asset handling fee which must be sufficient to cover asset handling costs plus (+) a part of management fee according to the Ministry of Finance’s regulations and each direction plan.

3. Statement of proceeds from asset handling:

a) With regard to assets purchased under agreement (including foreclosed assets) and direction:

- The proceeds from sale or lease of assets shall be recorded as the Company’s revenues.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The value of a foreclosed asset shall not be recorded as the Company’s revenue but shall be recorded as an increase in the value of assets pending disposition, equal the value of the debt, and be offset against the debt purchase cost at the time of receipt of asset. In case the value of the debt is greater than the debt purchase cost recorded on accounting book, the value of asset pending handling shall equal the debt purchase cost recorded on accounting book.

- Based on the handling results of asset pending handling, DATC shall record the proceeds in the same manner as assets purchased under agreement;

b) With regard to assets received from enterprises or public service providers undergoing rearrangement or ownership conversion:

- In case of sale or temporary lease of assets before they are handled adopting other methods, the entire proceeds (excluding VAT as prescribed) shall be recorded as debts payable for determining responsibility to pay in accordance with the Ministry of Finance’s regulations on transfer, receipt and handling of excluded debts and assets when arranging or converting ownership of wholly state-owned enterprises and public service providers and their amending documents (if any).

- In case of assets received as capital contribution, leased or used for business purposes:

+ Before being handled, the asset must be re-valued by a qualified valuation organization as prescribed by law.

+ Based on the asset’s value re-determined by the valuation organization, DATC shall make a payment not exceeding 10% of the asset's value to the asset managing enterprise (if any) at the time when it is put in operation.

+ DATC shall record an increase in the asset’s value which is equal to the re-determined asset's value and an increase in the paid-in capital which is equal to the re-determined asset's value minus the fee paid to the asset managing enterprise (if any). Upon receipt, DATC shall be entitled to the ownership of the asset, and shall manage, use and operate it in accordance with regulations;

c) Payments received from enterprises handling assets before they are transferred and recovered values of assets lost or damaged while they are managed by other enterprises shall be recorded as debts payable for determining responsibility to pay in accordance with the Ministry of Finance’s regulations on transfer, receipt and handling of excluded debts and assets when arranging or converting ownership of wholly state-owned enterprises and public service providers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 14. Company’s responsibilities

1. Formulate and promulgate debt management regulations in accordance with regulations of law in force (including debts receivable, including those purchased or received, and debts payable); assign and determine responsibilities of collectives or individuals to monitor, recover and settle debts; compare and verify debt certification and classification, expedite debt collection and proactively settle debts in accordance with provisions of this document and relevant regulations.

2. Open monitoring books to record and monitor payment of debts sorted by debtors, debts receivable and debts payable (including interests receivable and those payable); regularly classify debts by their overdue periods (undue debts, due debts, overdue debts, bad debts and irrecoverable debts) or by their characteristics (long-term debts, short-term debts, concessional loans, commercial loans, foreign loans, and government-guaranteed loans, including debts receivable and those payable under direction of the Government or the Prime Minister).

3. Carry out regular assessment and analysis of debtors' solvency, expedite the debt collection so as to avoid debts becoming overdue or irrecoverable; periodically carry out debt comparison; set aside provision for bad debts as prescribed in Article 8 of this document.

4. With regard to foreign currency debts receivable and foreign currency debts payable, DATC shall open a monitoring book to record amounts in original currency (including principal and interest amounts), amounts converted into VND, reassess and deal with exchange rate differences as prescribed.

5. With regard to debt purchase plans, a separate monitoring book shall be opened to manage debts out of the statement of financial position (including principal and interest amounts) and shall be used as the basis for debt comparison with debtors and assessment of the plan’s efficiency; DATC shall monitor received debts out of its statement of financial position and manage them in a manner that is suitable for characteristics and period of each received debt.

6. With regard to debts purchased or received under direction and those arising from performance of assigned tasks, DATC shall develop specific plans according to direction of competent authorities; monitor and record such debts separately to serve assessment of task performance results.

7. Any difficulties arising during the handling of such debts, overdue debts or irrecoverable debts shall be reported to the Ministry of Finance for considering and settling within its competence or sending the case to competent authorities for consideration.

8. DATC must provide both objective and subjective reasons for receivable debts (excluding those arising from performance of tasks under direction of the Government or the Prime Minister) which are irrecoverable. In case of subjective reasons, DATC shall request relevant individuals or collectives to make compensation. In case of objective reasons, the Board of Members, Board of Executives and relevant departments shall clearly define the reasons and make records. If a debt is determined to be related to business activities, it shall be offset against by the provision for bad debts and the remaining debt amounts shall be recorded as the Company’s business expenses.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

10. Develop debt repayment plans, ensure balance of cash flows for ensuring debt repayment; pay debts on schedule as committed; manage and administer to ensure repayment of debts (excluding debts incurred from performance of tasks under direction of competent authorities); early find out difficulties in repaying debts and take actions against such difficulties to avoid overdue debts. In case of failure to deal with such difficulties in a timely manner resulting in debts which are more than 06 months overdue, the owner shall, based on consequences arising from such failure, decide to impose disciplines as prescribed. In case of failure to deal with such difficulties in a timely manner resulting in insolvency, DATC shall assume responsibility before the owner and before the law.

11. When DATC is unable to fully pay debts and other liabilities which arise in the course of its business operations and become due, the General Director shall report the case to the Board of Members for finding out measures for dealing with its financial difficulties and notifying DATC’s financial status to all creditors. In this case, neither of Chairperson of the Board of Members, members of the Board of Members and General Director of DATC is entitled to issue decisions on pay rise, distribute profits and pay bonuses to managerial position holders and employees of DATC. If DATC finds that it is unable to pay debts payable incurred from DATC’s performance of tasks under direction or the Government or the Prime Minister when they become due, it shall report the case to the Ministry of Finance or Government for consideration.

12. DATC shall be allowed to exclude receivable debts and payable debts arising from performance of tasks under direction of competent authorities when carrying out assessment and supervision of state capital, financial supervision, business performance assessment and disclosure of financial information by DATC.

Article 15. Handling receivable debts arising in the course of business operations (excluding debts purchased, received or arising from performance of tasks under direction of the Government or the Prime Minister)

1. The Company shall handle receivable debts arising in the course of its business operations in accordance with regulations of law on debt management applicable to wholly state-owned enterprises.

2. Debt handling methods:

a) Expedite collection of debts or disposition of collateral (if any) for debt recovery;

b) Charge off, reschedule or forgive debts;

c) Sell receivable debts in accordance with regulations of law, including those overdue, unlikely to be paid or irrecoverable on the principle that the provisions for these debts must be fully set aside and such debts cannot be sold directly to debtors. The debt selling price shall be agreed upon by the parties who shall assume responsibility for the debt selling decision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Specific provisions on handling of receivables:

a) Handling of receivable debts which are still recoverable:

DATC shall actively expedite and employ all measures for collecting receivable debts which are still recoverable. With regard to debts with guarantee or collateral or of which the debtor is following dissolution or bankruptcy procedures, DATC shall continue adopting measures for collecting debts according to regulations of law relevant to characteristics of such debts;

b) Handling of receivable debts which are irrecoverable:

- Clearly define the reasons and responsibility of relevant collectives and individuals, and request them to make compensation according to the debt management regulations adopted by the DATC’s Board of Members.

- Use the provision for bad debt for offsetting such irrecoverable debts.

- In case of sale of debts in accordance with regulations of law, after clearly defining the reasons and responsibility of relevant collectives and individuals, and requesting for compensation (if any), the loss actually incurred of each irrecoverable debt is the difference between the book value of the receivable debt and the debt amounts recovered (compensation paid by the entities causing damage, proceeds from sale of assets of debtor, or asset received under a decision issued by a competent court or authority), and shall be offset with funding from DATC’s provision for bad debts (if any). The remaining loss amounts shall be recorded as DATC’s expenses.

- DATC shall continue monitoring irrecoverable receivable debts which have been handled as prescribed (except sold debts) out of its statement of financial position and on notes to financial statements for a period of at least 10 years from the debt handling date. The recovered debt amounts that remain after deducting relevant expenses shall be recorded as other incomes of DATC;

c) Debt foregiveness:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ The debtor has completed the dissolution or bankruptcy process in accordance with regulations of law on dissolution or bankruptcy: Decision on dissolution of the enterprise (debtor) issued by a competent authority or a court’s decision to declare the enterprise’s bankruptcy in accordance with the Law on bankruptcy. In case of dissolution, the enterprise’s notification or certification of dissolution given by the authority competent to establish the enterprise or business registration office or supervisory tax authority of the enterprise is required.

+ In case the debtor is an enterprise or organization that has shutdown and is unable to pay debts or has nobody taking charge of paying debts: the certification given by the authority competent to establish the enterprise or business registration office or supervisory tax authority to certify that the enterprise has shutdown and is unable to pay debts is required.

- If the debtor is an individual, one of the following documents is required:

+ Death certificate (copy) or a local authority’s certification stating that the debtor died or has been missing without leaving inheritance for paying debt.

+ A local authority’s certification stating that the debtor is still alive but incapacitated or the heir is unable to pay debts.

+ A wanted notice or certification of a law enforcement agency stating that the debtor is incapable of civil acts and has escaped or is facing prosecution or imprisonment sentence.

Article 16. Handling of purchased or received debts

1. DATC shall handle purchased or received debts in accordance with provisions of Article 16 of the Decree No. 129/2020/ND-CP.

2. Contents about the handling of purchased or received debts shall comply with Article 17 of the Decree No. 129/2020/ND-CP and the following provisions:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

If DATC adjusts the interest rate charged on the debt, the new interest rate must be conformable with the debtor’s debt repayment capacity and market conditions but shall not be lower than the average rate of interests on 12-month term deposits announced by the Operations Centers of four largest commercial banks (including Vietcombank, VietinBank, BIDV and Agribank) at the time of consideration of interest rate adjustment. The rate of interest on 12-month term deposits of each bank shall be the one announced by that bank on its website or on written notification of interest rates applicable to institutional customers;

b) The Board of Members or General Director as assigned by the Board of Members shall consider offsetting interests and a part of debt principal payable by the debtor against the difference between the book value of the purchased debt and the debt purchase cost but must ensure the efficiency of the debt purchase plan;

c) DATC may reach agreement with the debtor and a third party on transferring the obligation to pay debt to the third party on the principle that such transfer must be unanimously agreed upon by third parties and facilitate DATC’s debt collection. In this case, the transferred debt shall not be recorded as DATC’s revenues;

d) In case there is an entity that commits to purchase the entire debt before DATC enters into the debt purchase contract, and meets all DATC’s requirements in terms of price, payment, deposit, capacity to engage in enterprise restructuring or assist enterprise’s stabilization after restructuring, DATC shall sell the debt at the agreed-upon price;

dd) The disposition of the collateral for the debt shall comply with the agreement between DATC, debtor and relevant parties which must be conformable with regulations of relevant laws. The sale of the collateral which is the land use rights must comply with regulations of the Law on land;

e) Reduction of entire debt

- With regard to received debts:

+ The Company shall carry out annual review and classification of debts to assess the ability to collect received debts.

+ With regard to received debts which are determined to be irrecoverable as prescribed (including debts which have been handled before transferred) and have been monitored out of the statement of financial position for more than 10 years (including the period in which the debt has been monitored out of balance sheet before it is transferred to DATC, if any), DATC shall comply handle such debts in accordance with Point g Clause 2 Article 17 of the Decree No. 129/2020/ND-CP.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ Entities eligible to receive debt forgiveness and requirements to be satisfied shall comply with Point c Clause 3 Article 15 of this document.

+ When carrying out debt forgiveness, the Company shall prepare documents for each borrower and send them to the Board of Members or General Director as assigned by the Board of Members for considering and approving forgiveness of debt within the scope of debt purchase plan within the competence of the Board of Members or General Director. Funding used for debt forgiveness shall be the difference between the book value of the debt and the debt purchase cost. If the amount of debt forgiven is greater than such difference, the remaining amount shall be offset against with the provision for bad debts. The amount of debt forgiven that remains after it has been offset against by the provision for bad debts shall be recorded as the Company’s business expenses.

3. Recording of proceeds from handling of purchased and received debts

a) With regard to debts purchased under agreement or direction:

- Amounts of debts collected in cash from debtors or proceeds from sale of debts or collateral shall be recorded as the Company’s revenues.

- In case of capital contribution which is equal to the difference between the book value of the debt and the debt purchase cost, DATC shall only record and monitor such investment according to face value out of its statement of financial position. In case of conversion of debt into capital contribution which is equal to the debt purchase cost, the Company shall record an increase in its investment (capital contribution) and a decrease in its debt purchase cost which is equal to the value of the debt converted into capital contribution determined at the time of conversion. The Company shall record revenues and expenses incurred when transferring such capital contribution in accordance with this document and relevant laws.

- In case DATC reaches an agreement with the debtor and a third party for transferring the obligation to pay debt to the third party, the transferred debt shall not be recorded as DATC’s revenues;

b) With regard to received debts:

The entire proceeds from recovery or handling of received debts, including recovered amounts of debts (debt amounts collected from enterprises in respect to debts which have been handled before transferred, debt amounts collected from debtors, and late payment interests charged on enterprises that handle debts before transfer), proceeds from sale of received debts, and proceeds from sale, lease or operation of collateral (excluding VAT as prescribed), shall be recorded as debts payable for determining responsibility to pay in accordance with the Ministry of Finance’s regulations on transfer, receipt and handling of excluded debts and assets when arranging or converting ownership of wholly state-owned enterprises and public service providers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. With regard to an equitized enterprise as prescribed in Point a Clause 1 Article 20 of the Decree No. 129/2020/ND-CP:

a) Reduction in debt repayment obligation must be associated with the restructuring or equitization plan as prescribed by law on enterprise equitization;

b) The maximum reduction in debt repayment obligation is equal to the negative number of the owner's equity according to a competent authority’s decision to disclose the enterprise value minus reductions in debt repayment obligation from other creditors (if any) and shall not exceed the difference between the book value of the purchased debt and the debt purchase cost by the time the decision to reduce debt repayment obligation is issued;

c) From the time of determining the enterprise value to the time of being officially converted into a joint-stock company, if the restructured enterprise suffers from losses, DATC and the creditors participating in the restructuring shall consider and continue the reduction in debt repayment obligation by means of offsetting a part of the debt against the difference between the book value of the purchased debt and the debt purchase cost after the restructured enterprise has clearly defined the reasons and responsibility for such losses of relevant collectives and individuals at the request the owner’s representative agency;y

d) The Board of Members or General Director as assigned by the Board of Members shall consider and continue the reduction in debt repayment obligation equal to the accumulated losses by means of offsetting the debt against the difference between the book value of the purchased debt and the debt purchase cost but must ensure the efficiency of the debt collection plan.

2. With regard to other enterprises as prescribed in Point b Clause 1 Article 20 of the Decree No. 129/2020/ND-CP:

The reduction in debt repayment obligation given to another enterprise that is a debtor of DATC must be associated with the plan for conversion of debt into capital contribution approved by DATC’s competent authority. The maximum reduction is equal to the accumulated losses recorded on the latest financial statements, which have been audited by an independent audit organization, of the debtor’s enterprise and shall not exceed the difference between the book value of the purchased debt and the debt purchase cost by the time the decision to reduce debt repayment obligation is issued.

3. Reductions in debt repayment obligation given to debtors do not influence the fulfillment of responsibilities by entities causing former financial losses.

Article 18. Handling of payable debts

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. With regard to issuance of bonds and bills of exchange under guarantee of the Government or the Prime Minister for performance of tasks assigned by competent authorities, DATC shall comply with relevant schemes approved by such competent authorities.

3. DATC shall handle debts incurred from performance of tasks assigned by the Government or the Prime Minister according to debt handling plans developed under direction of competent authorities, and monitor them separately to serve assessment of task performance results. Any difficulties arising during the handling of such debts shall be reported to the Ministry of Finance for considering and settling within its competence or sending the case to the Government or the Prime Minister for consideration.

Section 4. MANAGEMENT OF REVENUES, EXPENSES AND BUSINESS PERFORMANCE

Article 19. General principles

1. The Company’s revenues and expenses shall be determined in conformity with accounting standards, the Company's Charter and this document. Determination of revenues, expenses and other incomes for tax assessment purposes shall comply with regulations of the law on taxation and relevant laws.

2. Revenues and expenses incurred from implementation of plans for purchase, sale or receipt of debts and assets under direction of competent authorities shall be recorded according to the plans approved by competent authorities.

3. In case revenues are not sufficient to cover expenses incurred from performance of tasks assigned by competent authorities, DATC shall report the case to the Ministry of Finance for considering and settling within its competence or sending the case to the Government or the Prime Minister for consideration.

Article 20. Revenues and other incomes

1. Revenues earned from business operations include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Revenue from handling of debts and assets purchased under agreement and direction:

- Revenue from handling of purchased debts:

+ Revenue from debt collection;

+ Revenue from sale of debts and collateral;

+ Revenue from lease and operation of collateral;

- Revenue from handling of purchased assets:

+ Revenue from sale of assets;

+ Revenue from lease and operation of assets;

- Revenue from transfer of capital contributions which are established from assets purchased or received or from conversion of debts into capital contributions in restructured enterprises;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Revenues earned from financial activities include:

a) Interests earned on purchased government bonds or bonds;

b) Deposit interests (including estimated deposit interests as prescribed); late payment interests;

c) Dividends (excluding stock dividends), profits earned from contribution of share capital and contribution of capital to joint ventures and business cooperation;

d) Interests on loans given;

dd) Positive differences between the recovery values and book values of the Company’s external investments (excluding investments established from assets purchased or received or from conversion of debts into capital contributions in restructured enterprises);

e) Positive differences between values of assets contributed as capital and book values of these assets.

3. Other incomes include proceeds from liquidation, transfer or sale of fixed assets, fines for breach of contract, deposited amounts left by customers, and incomes from irregular activities.

Article 21. Company’s expenses

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Costs of receipt and handling of debts and assets:

- Discounts given to debtors for prompt repayment of debts;

- Costs of repairs and upgrades to assets (if any): These costs shall be recorded as assets on the statement of financial position when incurred and included in direct costs of handling received debts and assets when incomes are generated from such repaired or upgraded assets.

- Costs of outsourced services related to handling of debts and assets and transfer of investments;

- Other costs incurred during handling of received debts and assets (including debts and assets received under direction);

b) Expenses incurred from purchase and sale of debts and assets under agreement and direction:

- Debt purchase costs shall be recorded as expenses in the period according to the following provisions:

+ In case of a debt collected at once or sold:

(i) In case a debt is sold or collected at once in cash, the entire debt purchase cost shall be recorded as expenses in the period.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ In case of a debt collected multiple times:

 (i) In case the proceeds earned from debt handling (repayments made by debtor; proceeds from operation or sale of the collateral) is greater than the debt purchase cost at the time of debt handling: the entire debt purchase cost shall be recorded as expenses in the period.

 (ii) In case the proceeds earned from debt handling (repayments made by debtor; proceeds from operation or sale of the collateral) is smaller than the debt purchase cost at the time of debt handling: a part of the debt purchase cost which is equal to the proceeds actually earned from the debt handling or to be collected as committed under the debt handling plan approved by a competent authority shall be recorded as expenses in the period. The remaining debt purchase cost shall continue to be recorded as expenses by adhering the aforesaid principle when another debt handling method is adopted.

- Expenses incurred from purchase and sale of assets include asset purchase price and other relevant costs (costs of transporting, repairing or upgrading assets, land rents, etc.). If an asset is sold, DATC shall record the entire costs of purchasing that asset as expenses in the period. If an asset is leased out, DATC shall depreciate the asset and record all relevant costs as its expenses in the period as prescribed.

- Direct costs incurred from handling of debts and assets, and enterprise restructuring:

+ Contributions to the provision for bad debts arising from debt trading activities; provision for loss on investments made by means of conversion of debts into capital contribution; provision for devaluation of inventories;

+ Costs of outsourced services related to handling of debts and assets:

(i) Costs of maintaining, managing, operating and handling collateral of which DATC has taken delivery;

(ii) Costs of valuation services, organization of auction of debts or assets which are sold, leased out, used as capital contribution or contributed to joint ventures, associations or business cooperation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(iv) Payments to independent audit organizations;

(v) Costs of debt collection services;

(vi) Judgment enforcement charges;

(vii) Litigation costs (if any);

(viii) Advertising costs (including newspaper advertising);

 (ix) Costs of legal counseling or counseling services;

(x) Costs of other services employed to serve handling of debts and assets.

+ Payments to DATC’s officials seconded to enterprises in which DATC has capital contribution or enterprises undergoing restructuring process (including travel costs and accommodation costs, etc.);

+ Other costs related to handling of debts and assets, and enterprise restructuring;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

+ In case the proceeds earned from the sale of the entire or a part of the investment are greater than the book value of that investment, the entire investment value shall be recorded as expenses in the period.

+ In case the proceeds earned from the sale of the entire or a part of the investment are smaller than the book value of that investment, the book value of that investment that remains after it has been offset against by the provision on loss on investments shall be recorded as expenses in the period;

c) Brokerage fees paid when recovering, purchasing or selling debts and assets, or leasing assets (including collateral) must adhere to the following provisions:

- Pursuant to relevant regulations in force adopted by the State and specific characteristics of the Company, the Company’s Board of Members shall formulate and promulgate regulations on payment of brokerage fees which shall be consistently applied and made publicly available in the Company. The Company’s Board of Members and General Director shall assume legal responsibility for the Company's decisions to pay brokerage fees.

- The Company must ensure the economic efficiency achieved from brokerage services.

- Vietnamese and foreign entities that provide brokerage services to the Company shall be entitled to receive brokerage fees.

- Brokerage fees shall not be paid to designated customers, managerial position holders and employees of the Company.

- Brokerage fees shall be paid under contracts or certifications made between the Company and brokerage service providers. Such document shall, inter alia, have the following information: Name, address, ID card number of representative of the brokerage service provider; contents of payment (debt and asset handling results brought by the brokerage service provider to the Company); brokerage fee; payment method; validity period of brokerage service; responsibilities of the parties;

d) Payments of taxes, fees and land rents related to business operations as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The Company’s administrative expenses shall comply with its regulations on internal expenses issued by the Company’s Board of Members in conformity with State regulations applicable to wholly state-owned enterprises. To be specific:

- Costs of salaries shall comply with Article 22 of this document;

- Payments for employees: Compulsory insurance premiums; health and accident insurance premiums; contributions to the voluntary pension fund and social security funds, and costs of purchase of voluntary pension insurance and life insurance;

- Payments for Controllers; costs of hiring consultants by the Board of Members;

- Contributions to the provision for bad debts (excluding bad debts arising from debt trading activities);

- Costs of hiring independent audit organizations;

- Depreciation costs of fixed assets, tools and devices;

- Payments of taxes, fees and other expenses as prescribed by law.

3. Financial expenses:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Negative differences between the recovery values and book values plus (+) transfer fees and other costs incurred from transfer of the Company’s external investments (excluding investments established from assets purchased or received or from conversion of debts into capital contributions in restructured enterprises);

c) Exchange rate differences;

d) Payment discounts;

dd) Provision for loss on long-term investments which is set aside in accordance with provisions laid down in this document (excluding investments established from conversion of debts into capital contributions);

e) Interests on mobilized funds as prescribed;

g) Costs incurred from purchase and sale of government bonds or bonds;

h) Depository and trading service fees incurred when transferring financial investments;

i) Negative differences between values of assets contributed as capital and book values of these assets;

k) Payments of taxes, fees and other financial expenses as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Expenses incurred from transfer, sale or liquidation of fixed assets;

b) Expenses incurred from recovery of debts removed from accounting book: The Company is allowed to make payments to entities that have made contribution to the recovery of debts written off according to their contribution and performance. Procedures and legal liability for making these payments shall be same as those for payment of brokerage fees specified in Point d Clause 1 of this Article;

c) Asset losses remaining after they are offset against by funding sources prescribed by law;

d) Expenses incurred from marketing, communication, customer meetings, guest reception, external affairs and gifts;

dd) Other legitimate and lawful expenses.

5. The following amounts shall not be recorded as the Company’s expenses:

a) Costs of acquisition, construction and installation of tangible and intangible fixed assets which are included in the costs of such tangible and intangible fixed assets as prescribed;

b) Loan interests which are included in investment and construction costs;

c) Payments without valid documentary evidences;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Fines for violations against law committed by individuals.

Article 22. Salary fund and part-time remunerations

1. DATC’s salary fund shall be determined in accordance with regulations in force applicable to wholly state-owned enterprises and regulations adopted by the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs in conformity with DATC’s specific operational characteristics. The salary fund shall be managed, distributed and used according to specific regulations issued by DATC’s Board of Members.

2. Part-time remunerations shall be paid to DATC’s officials, including DATC’s executives, DATC’s officials appointed to hold positions in other enterprises, and those appointed to manage or participate in management of DATC’s capital invested in other enterprises.

3. Part-time remunerations shall be paid with funding derived from the remunerations which are actually paid by enterprises in which DATC has capital to DATC’s officials (including DATC’s executives) who are appointed to hold positions in other enterprises and transferred to DATC, and shall be paid according to the following rules:

a) Part-time remuneration shall be paid according to the performance of the official but shall not exceed 50% of his/her salary actually paid by the Company;

b) The part-time remuneration which is not yet fully paid in a year shall be used in the following years;

4. DATC shall manage and distribute part-time remunerations according to regulations on management of part-time remunerations issued by the Company’s Board of Members in conformity with this document.

Article 23. Profits and profit distribution

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Company shall distribute profits and establish funds in accordance with regulations of law applicable to wholly state-owned enterprises.

Section 5. SUPERVISION AND ASSESSMENT OF BUSINESS PERFORMANCE; FINANCIAL PLANS; ACCOUNTING, STATISTICS AND AUDITING WORKS

Article 24. Supervision, assessment of business performance and enterprise ranking

1. The Company shall implement internal supervision mechanisms applicable to wholly state-owned enterprises, and bear inspection of business performance by the owner and competent authorities as prescribed.

2. The Company's Board of Members shall carry out annual assessment of its business performance and submit the assessment report to the Ministry of Finance for considering and announcing enterprise ranking results on the basis of assessment criteria which are conformable with the Company’s specific operational characteristics and regulations applicable to wholly state-owned enterprises.

Article 25. Accounting and auditing

1. The Company shall organize accounting works in accordance with regulations of law on accounting in force and the Ministry of Finance’s guidelines, and in a manner suitable for its specific operational characteristics.

2. The Company’s annual financial statements must be audited by an independent audit organization as prescribed.

3. The Company shall conduct internal control and audit in accordance with regulations of law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Based on the Company’s orientations of 05-year business development strategies/plans approved by the owner, the Company shall develop its own 5-year business and financial plans.

2. Based on the Company's 5-year business plan, the Company's capacity and market demands, its Board of Members shall annually decide the business plan of the following year.

3. Based on the business plan decided by its Board of Members, the Company shall carry out assessment of its business performance of the reporting year and develop the financial plan of the following year which shall be submitted to the Ministry of Finance by July 31 of every year.

4. The Ministry of Finance shall consider the financial plan submitted by the Company and officially give written opinions to the Company for completing its financial plan. The completed financial plan shall be the official financial plan which shall be used as the basis for the Ministry of Finance to carry out inspection and assessment of the Company’s business performance.

Article 27. Financial statements, statistical reports and other reports

1. At the end of accounting period (quarterly/annual), the Company is required to prepare, present and submit financial statements and/or statistical reports to regulatory authorities, and perform financial disclosure in accordance with regulations of law in force. The Company's Board of Members shall assume responsibility for the accuracy and truthfulness of its financial statements, statistical reports and financial disclosure.

2. In addition to the financial statements and statistical reports prepared and submitted periodically as mentioned above, the Company shall prepare and submit ad hoc reports at the request of the Ministry of Finance and regulatory authorities. In case the Company gets domestic or foreign loans under guarantee of the Government, it shall be required to prepare and submit reports in accordance with regulations of law on Government-guaranteed debt management.

Chapter III

IMPLEMENTATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The plans for purchase and handling of debts and assets approved by the effective date of the Circular promulgating this document shall remain valid or be revised in accordance with this document.

2. Provisions set aside before the effective date of the Circular promulgating this document:

a) If the level of provision set aside for each plan is higher than that prescribed in this document, that provision must not be reversed;

b) If the level of provision set aside for each plan is lower than that prescribed in this document, the Company is required to make additional contribution to that provision as prescribed in this document.

Article 29. Responsibility for implementation

1. DATC’s Board of Members decides to authorize its General Director to take charge of issues falling within its jurisdiction as prescribed in this document. Such authorization to the General Director must be made in writing.

2. DATC’s Board of Members and General Director, relevant organizations and individuals are responsible for the implementation of this document.

Difficulties that arise during the implementation of this document should be reported to the Ministry of Finance for consideration./.

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 62/2021/TT-BTC ngày 29/07/2021 về Quy chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.357

DMCA.com Protection Status
IP: 18.189.170.17
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!