BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
27/2002/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2002
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 27/2002/TT-BTC NGÀY 22 THÁNG 03 NĂM 2002
HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÔNG TY QUẢN LÝ NỢ VÀ KHAI THÁC TÀI SẢN TRỰC
THUỘC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
Thi hành Quyết định số 150/2001/QĐ-TTg ngày 5/10/2001 của Thủ tướng
Chính phủ về việc thành lập Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc
ngân hàng thương mại, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với công ty
quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại như sau:
I. NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng áp dụng thông tư
này là các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng thương
mại được thành lập theo quy định tại Quyết định số 150/2001/QĐ-TTg ngày 5/10/2001 của Thủ tướng
Chính phủ.
Công ty quản lý nợ và khai thác
tài sản trực thuộc ngân hàng thương mại (dưới đây gọi tắt là Công ty) có tư
cách pháp nhân, hạch toán độc lập, hoạt động phù hợp với quy định tại Điều lệ mẫu
"về tổ chức và hoạt động của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực
thuộc ngân hàng thương mại" do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban
hành.
2. Trong thông tư này, tài sản bảo
đảm nợ vay được hiểu là tài sản cầm cố, thế chấp, tài sản gán nợ, tài sản được
Toà án quyết định giao cho ngân hàng thương mại, mà những tài sản này thuộc quyền
định đoạt của ngân hàng thương mại để xử lý thu hồi nợ vay.
3. Công ty không phải nộp thuế
giá trị gia tăng đối với hoạt động bán tài sản bảo đảm nợ vay do Công ty tiến
hành theo uỷ thác của ngân hàng thương mại khi thực hiện xử lý tài sản bảo đảm
nợ vay theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số
178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ
chức tín dụng.
II. NHỮNG QUY
ĐỊNH CỤ THỂ
A. QUẢN LÝ,
SỬ DỤNG VỐN VÀ TÀI SẢN:
1. Vốn hoạt động của Công ty gồm:
- Vốn điều lệ do ngân hàng
thương mại cấp.
- Vốn vay của các tổ chức tài chính
và các tổ chức tín dụng khác trong và ngoài nước.
- Các quỹ Công ty được phép
trích lập.
- Vốn khác theo quy định của
pháp luật.
2. Vốn hoạt
động của Công ty phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo an toàn
và cho các mục đích sau:
- Đầu tư, mua sắm tài sản cố định
phục vụ cho hoạt động của Công ty theo nguyên tắc phù hợp với nhu cầu cần thiết
cho hoạt động của Công ty và giá trị còn lại của tổng tài sản cố định không vượt
quá 50% vốn điều lệ của Công ty. Việc đầu tư, mua sắm tài sản cố định của Công
ty phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.
- Xử lý tài sản bảo đảm nợ vay bằng
các biện pháp thích hợp, như:
+ Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp
tài sản để bán, cho thuê, khai thác, kinh doanh, góp vốn, liên doanh bằng tài sản
để thu hồi nợ.
+Thuê trông coi, bảo vệ tài sản
bảo đảm nợ vay.
+ Bảo hiểm cho tài sản bảo đảm nợ
vay.
+ Quảng cáo, môi giới để bán,
cho thuê tài sản bảo đảm nợ vay.
+ Thuê kiểm định, đánh giá, định
giá tài sản bảo đảm nợ vay để bán, cho thuê, góp vốn, liên doanh.
+ Tổ chức bán đấu giá tài sản bảo
đảm nợ vay thông qua các trung tâm bán đấu giá.
+ Nộp tiền thuê đất, thuế đất,
thuế chuyển quyền sử dụng đất (nếu có).
+ Các hoạt động khác cần thiết
cho việc xử lý tài sản bảo đảm nợ vay.
- Mua, bán nợ tồn đọng của tổ chức
tín dụng khác, của các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng
thương mại khác.
- Các hoạt động hợp pháp khác phục
vụ cho hoạt động kinh doanh của Công ty.
3. Việc sử dụng vốn hoạt động của
Công ty vào các hoạt động để xử lý tài sản bảo đảm nợ vay nêu trên phải đảm bảo
các nguyên tắc và yêu cầu sau đây:
- Số vốn sử dụng phải thực sự cần
thiết và có hiệu quả trong việc xử lý tài sản bảo đảm nợ vay để thu hồi nợ và
được bồi hoàn từ nguồn thu được do thu nợ, do bán, cho thuê, khai thác, kinh
doanh, góp vốn, liên doanh bằng tài sản bảo đảm nợ vay để thu hồi nợ theo
nguyên tắc nêu tại điểm 6 mục II.A thông tư này.
- Mọi khoản chi phí cho các hoạt
động để xử lý tài sản bảo đảm nợ vay phải có hoá đơn, chứng từ theo đúng chế độ
quy định của Nhà nước về hoá đơn chứng từ.
- Chi phí cho các hoạt động để xử
lý tài sản bảo đảm nợ vay nêu trên không bao gồm các khoản chi phí cho cán bộ,
nhân viên của Công ty để tham gia vào việc thực hiện các hoạt động đó.
- Đối với các chi phí để nâng cấp,
cải tạo, sửa chữa tài sản bảo đảm nợ vay còn phải tuân thủ những yêu cầu sau:
+ Việc đầu tư vốn để nâng cấp, cải
tạo, sửa chữa tài sản bảo đảm nợ vay phải có hiệu qủa, đảm bảo tài sản sau khi
đầu tư bán được hoặc đưa tài sản vào khai thác, cho thuê, kinh doanh để thu hồi
được nợ và bù đắp chi phí bỏ ra phù hợp với tiến trình xử lý nợ tồn đọng của
Ngân hàng theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
+ Đối với trường hợp thuộc về đầu
tư xây dựng cơ bản phải được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về quản
lý đầu tư và xây dựng.
- Đối với chi phí môi giới để
bán, cho thuê tài sản bảo đảm nợ vay còn phải đảm bảo các quy định sau:
+ Hoa hồng môi giới không được
áp dụng cho trường hợp bên môi giới là cán bộ, nhân viên của Công ty và cũng
không áp dụng cho trường hợp có tổ chức đấu giá.
+ Việc chi hoa hồng môi giới phải
căn cứ vào hợp đồng hoặc giấy xác nhận giữa Công ty và bên nhận hoa hồng, trong
đó phải có các nội dung cơ bản: tên của bên nhận hoa hồng, nội dung chi, mức
chi, phương thức thanh toán, thời gian thực hiện và kết thúc, trách nhiệm của
các bên.
+ Mức chi môi giới để cho thuê một
tài sản tối đa không quá 5% giá cho thuê tài sản đó theo thời gian thực tế cho
thuê, nhưng đồng thời không vượt quá 50 triệu đồng mỗi năm.
+ Mức chi môi giới để bán được một
tài sản tối đa không vượt quá 3% giá bán tài sản đó, đồng thời không vượt quá
50 triệu đồng.
- Chủ tịch Hội đồng quản trị
ngân hàng thương mại thành lập Công ty có trách nhiệm ban hành quy chế sử dụng vốn
hoạt động của Công ty cho các hoạt động xử lý tài sản bảo đảm nợ vay để thu hồi
nợ, đảm bảo quản lý chặt chẽ, có hiệu quả trên cơ sở các nguyên tắc và yêu cầu
nêu trên.
4. Đối với những khoản nợ và tài
sản bảo đảm nợ vay công ty được ngân hàng thương mại uỷ thác, công ty có trách
nhiệm quản lý và thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ theo đúng nội dung được
ngân hàng thương mại uỷ thác và phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước
về xử lý nợ vay và xử lý tài sản bảo đảm nợ vay.
5. Đối với những tài sản bảo đảm
nợ vay được phép bán, Công ty phải bán theo giá thị trường thông qua một trong
các hình thức sau:
- Công ty tự bán công khai trên
thị trường.
- Công ty bán qua trung tâm dịch
vụ bán đấu giá tài sản.
- Công ty bán cho Công ty mua
bán nợ của Nhà nước.
Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân
hàng thương mại thành lập Công ty có trách nhiệm quy định cụ thể những trường hợp
Công ty được tự tổ chức bán tài sản bảo đảm nợ vay và quy trình, thủ tục để
Công ty tự bán tài sản bảo đảm nợ vay.
6. Nguồn thu từ khai thác tài sản
bảo đảm nợ vay, thu nợ, bán nợ, bán tài sản bảo đảm nợ vay còn lại sau khi trừ
phần phải nộp thuế theo chế độ quy định (nếu có) được xử lý theo thứ tự như
sau:
a. Đối với khoản nợ Công ty được
uỷ thác:
a.1. Bù đắp các chi phí để xử lý
tài sản bảo đảm nợ vay nêu tại điểm 2 Mục II.A mà Công ty đã
chi ra bằng vốn hoạt động của Công ty để xử lý tài sản bảo đảm đó.
a.2. Chuyển trả
bên uỷ thác theo hợp đồng uỷ thác.
Việc giao nhận nợ, tài sản bảo đảm
nợ vay và thanh toán giữa Công ty với ngân hàng thương mại được thực hiện theo
hợp đồng uỷ thác giữa hai bên.
b. Đối với khoản nợ Công ty mua:
b.1. Bù đắp các chi phí để xử lý
tài sản bảo đảm nợ vay nêu tại điểm 2 Mục II.A mà Công ty đã
chi ra bằng vốn hoạt động của Công ty để xử lý tài sản bảo đảm đó.
b.2. Thu hồi giá trị của khoản nợ
được bảo đảm bằng tài sản đó.
b.3. Phần còn lại được xử lý tiếp
như sau:
- Trường hợp khách nợ vẫn còn những
khoản nợ khác đối với Công ty mà những khoản nợ này đã quá hạn và khách nợ chưa
có nguồn để trả nợ thì số tiền còn lại nêu trên được sử dụng để tiếp tục trả nợ
Công ty nếu không có những thoả thuận khác giữa Công ty với khách nợ.
- Trường hợp khách nợ không còn
nợ đối với Công ty thì số tiền còn lại nêu trên được trả lại cho khách nợ hoặc
cá nhân, tổ chức được quyền thừa kế tài sản của khách nợ nếu như khách nợ đã được
pháp luật xác định là đã chết, mất tích hoặc đã giải thể, phá sản.
- Trường hợp khách nợ đã được
pháp luật xác định là đã chết, mất tích, hoặc đã giải thể, phá sản nhưng không
có người, tổ chức được thừa kế hoặc được quản lý theo quy định của pháp luật
thì Công ty được đưa số tiền còn lại nêu trên vào thu nhập bất thường của Công
ty.
7. Công ty được trích lập dự
phòng giảm giá chứng khoán, dự phòng giảm giá hàng tồn kho và dự phòng rủi ro
cho các khoản nợ mà Công ty mua. Việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm
giá chứng khoán, dự phòng giảm giá hàng tồn kho được thực hiện như chế độ quy định
đối với ngân hàng thương mại thành lập Công ty. Riêng về dự phòng rủi ro cho
các khoản nợ Công ty mua thì thời điểm trích lập, căn cứ trích lập, tỷ lệ trích
lập do Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng thương mại thành lập Công ty quy định
và phải được quy định rõ trong quy chế tài chính của Công ty, nhưng phải đảm bảo
nguyên tắc: tại thời điểm khoá sổ kế toán, số dư dự phòng rủi ro trích lập được
không nhỏ hơn 5% số dư giá vốn của các khoản nợ Công ty đã mua. Số dư giá vốn của
các khoản nợ Công ty đã mua được xác định bằng giá mua các khoản nợ trừ đi số
tiền Công ty thực thu được từ các khoản nợ đó để hoàn vốn. Việc xử lý dự phòng
rủi ro cho các khoản nợ Công ty mua được áp dụng như đối với việc xử lý dự
phòng giảm giá chứng khoán, giảm giá hàng tồn kho.
8. Công ty có trách nhiệm mở sổ
kế toán theo chế độ quy định để theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hoạt động của
công ty cũng như các khoản nợ và tài sản bảo đảm nợ được khách hàng uỷ thác cho
công ty; thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán, thống kê hiện hành, phản
ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản
trong quá trình hoạt động của công ty.
Mọi tổn thất (hư hỏng, mất) tài
sản của công ty và tài sản bảo đảm nợ vay công ty được khách hàng uỷ thác đều
phải được lập biên bản xác định mức độ tổn thất, nguyên nhân gây ra tổn thất,
trách nhiệm của tập thể hoặc cá nhân gây ra tổn thất và phải được xử lý theo
nguyên tắc xử lý tổn thất tài sản quy định đối với ngân hàng thương mại thành lập
công ty.
B. QUẢN LÝ
DOANH THU, CHI PHÍ:
1. Doanh thu của công ty được
xác định là số Công ty thực thu được trong kỳ từ những khoản thu sau đây:
a. Thu từ hoạt động nghiệp vụ, gồm:
- Thu phí dịch vụ quản lý nợ và
quản lý tài sản bảo đảm nợ vay.
- Thu phí dịch vụ bán nợ, bán hoặc
khai thác (cho thuê, góp vốn, liên doanh) tài sản bảo đảm nợ vay.
- Thu lãi từ các khoản nợ đã
mua.
- Thu phí dịch vụ khác.
b. Thu từ hoạt động tài chính và
thu nhập bất thường, gồm:
- Thu lãi tiền gửi tại các tổ chức
tín dụng.
- Thu hoàn nhập dự phòng rủi ro.
- Thu nhập bất thường.
- Các khoản thu khác theo quy định
của pháp luật.
Về nguyên tắc, mức phí dịch vụ là
do thoả thuận giữa công ty với bên uỷ thác được quy định trong hợp đồng uỷ thác
được ký kết giữa hai bên và phải đảm bảo nguyên tắc: tiết kiệm, hiệu quả, đủ bù
đắp các chi phí cho công ty thực hiện các nhiệm vụ được ngân hàng uỷ thác thực
hiện về quản lý nợ và quản lý tài sản bảo đảm nợ vay. Phí dịch vụ quản lý nợ và
quản lý tài sản bảo đảm nợ vay không được bao gồm các chi phí để xử lý tài sản
bảo đảm nợ vay nêu tại điểm 2, mục II.A thông tư này.
Lãi từ khoản nợ đã mua được xác
định khi giá trị thu hồi được của khoản nợ mà công ty thực tế thu được theo quy
định tại điểm 6.b.2 mục II.A thông tư này lớn hơn giá mua
khoản nợ. Số chênh lệch lớn hơn đó được xác định là lãi từ khoản nợ đã mua.
2. Chi phí của công ty được xác
định là các chi phí Công ty thực chi trong kỳ, gồm:
a. Chi trả lãi tiền vay.
b. Chi phí về tài sản, gồm:
- Chi khấu hao cơ bản tài sản cố
định của Công ty
- Chi thuê tài sản cố định
- Chi sửa chữa, bảo dưỡng tài sản
cố định của Công ty
- Chi công cụ lao động
- Chi bảo hiểm tài sản cố định của
công ty.
c.Chi cho nhân viên, gồm:
- Chi lương và các khoản phụ cấp
có tính chất lương.
- Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế, kinh phí công đoàn.
- Chi phí tiền ăn giữa ca cho
người lao động của công ty.
- Chi phí trợ cấp thôi việc cho
người lao động.
- Chi phí cho lao động nữ.
- Chi trang bị bảo hộ lao động
và chi trang phục giao dịch cho người lao động của công ty.
d. Chi nộp thuế theo chế độ (nếu
có)
đ. Lỗ từ các khoản nợ đã mua
e. Chi khác, gồm: các khoản chi
hợp lý khác theo chế độ Nhà nước quy định nhưng chưa nằm trong các khoản chi
nêu trên.
Tất cả các khoản chi phí nêu
trên được áp dụng theo chế độ hiện hành của Nhà nước đang áp dụng đối với ngân
hàng thương mại thành lập công ty.
Riêng khoản lỗ từ các khoản nợ
đã mua được xác định khi giá trị thu hồi được của khoản nợ nêu tại điểm 6.b.2 Mục II.A thông tư này nhỏ hơn giá mua khoản nợ. Số
chênh lệch nhỏ hơn đó được xác định là lỗ từ các khoản nợ đã mua.
C. PHÂN PHỐI
LỢI NHUẬN VÀ TRÍCH LẬP CÁC QUỸ:
Việc phân phối lợi nhuận, trích
lập các quỹ và mục đích sử dụng các quỹ của Công ty được thực hiện theo các quy
định hiện hành của Nhà nước áp dụng đối với ngân hàng thương mại thành lập Công
ty.
D. CHẾ ĐỘ KẾ
TOÁN, KIỂM TRA, KIỂM TOÁN, BÁO CÁO VÀ CÔNG KHAI TÀI CHÍNH:
1. Công ty thực hiện chế độ kế toán
do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
2. Năm tài chính của công ty bắt
đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.
3. Công ty thực hiện việc quyết
toán tài chính, lập và gửi báo cáo tài chính, công khai tài chính và kiểm toán
tài chính theo các quy định hiện hành của Nhà nước như đối với ngân hàng thương
mại thành lập Công ty. Công ty tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực
của các báo cáo tài chính của mình.
4. Bộ Tài chính có trách nhiệm
kiểm tra việc chấp hành chế độ tài chính của Công ty. Việc kiểm tra tài chính
được tiến hành theo các hình thức sau:
- Kiểm tra tài chính định kỳ hoặc
đột xuất.
- Kiểm tra theo từng chuyên đề
theo yêu cầu của công tác quản lý tài chính.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Căn cứ vào hướng dẫn tại Thông
tư này và các chế độ tài chính hiện hành của Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản
trị ngân hàng thương mại có trách nhiệm ban hành quy chế tài chính cho Công ty
quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc ngân hàng mình.
2. Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
3. Trong quá trình thực hiện nếu
có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.