THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI, ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT, GIẢI THỂ CÁC
ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC NGÀNH, LĨNH VỰC XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 52/2022/NĐ-CP
ngày 08 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP
ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải
thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP
ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn
vị sự nghiệp công lập;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư quy định
tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị
sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định tiêu chí phân loại, điều kiện
thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc
ngành, lĩnh vực xây dựng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với:
a) Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh
vực xây dựng được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định của pháp luật.
b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tổ
chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng.
2. Thông tư này không áp dụng đối với:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ
Quốc phòng;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý
của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Điều 3. Nguyên tắc thành lập,
sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập
1. Việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các
đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng phải phù hợp với quy định
tại Điều 4 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm
2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp
công lập.
2. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc
ngành, lĩnh vực xây dựng nhưng thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành khác thì
ngoài việc thực hiện quy định này còn thực hiện theo các quy định pháp luật có
liên quan và các quy định của Bộ, ngành đó.
Chương II
TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI ĐƠN VỊ
SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Điều 4. Phân loại theo chức
năng, nhiệm vụ
1. Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng phục vụ
quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng có ít nhất một trong các lĩnh vực
sau đây: quy hoạch xây dựng; kiến trúc, hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển
đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự
nghiệp công
a) Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự
nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước hoặc dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết
yếu thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng theo danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự
nghiệp công khác thuộc ngành, lĩnh vực xây dựng.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước
và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công là đơn vị thực hiện một hoặc nhiều chức
năng, nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và một hoặc nhiều chức năng, nhiệm vụ quy định
tại khoản 2 Điều này.
Việc xác định loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tại
khoản này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập được cấp
có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 5. Phân loại theo cơ quan
có thẩm quyền thành lập
1. Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm
quyền Thủ tướng Chính phủ.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm
quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc
Chính phủ, người đứng đầu tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập
mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm
quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo thẩm
quyền bởi các chủ thể khác theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Phân loại theo mức độ tự
chủ tài chính
1. Phân loại theo mức độ tự chủ về tài chính của
đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường
xuyên và chi đầu tư;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường
xuyên;
c) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần
chi thường xuyên;
d) Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm
chi thường xuyên.
2. Việc xác định mức độ tự chủ tài chính của các đơn
vị sự nghiệp công lập trong ngành, lĩnh vực xây dựng tại khoản 1 Điều này thực
hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự
nghiệp công lập.
Chương III
ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP, SÁP
NHẬP, HỢP NHẤT, GIẢI THỂ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Điều 7. Điều kiện thành lập đơn
vị sự nghiệp công lập
1. Việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trong
ngành, lĩnh vực xây dựng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a, c, d, đ và e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP
và không thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp thành
công ty cổ phần theo quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.
2. Ngoài các điều kiện chung quy định tại khoản 1
Điều này, việc thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực
xây dựng còn phải đáp ứng điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên
quan.
Điều 8. Điều kiện sáp nhập, hợp
nhất đơn vị sự nghiệp công lập
1. Việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp
công lập được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản
2 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập hình thành sau quá
trình sáp nhập, hợp nhất phải đáp ứng đủ điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp
công lập theo quy định tại Điều 7 Thông tư này và quy định của
pháp luật có liên quan. Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm
không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực
hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở mức độ
khác nhau thì mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp
nhập, hợp nhất được thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Điều 9. Điều kiện giải thể đơn
vị sự nghiệp công lập
1. Việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực
hiện khi có một trong các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 5
Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và các điều kiện giải thể khác theo quy định của
pháp luật khác có liên quan.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện giải thể
sau khi hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ
phải trả và các nghĩa vụ khác có liên quan và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
xác nhận bằng văn bản.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19
tháng 02 năm 2025.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn
chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo
quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Xây dựng để được hướng dẫn, xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương;
- Công báo, Website Chính phủ; Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm
pháp luật, Website Bộ Xây dựng;
- Bộ Xây dựng: Bộ trưởng; các Thứ trưởng; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, TCCB.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Tường Văn
|