Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 13/2001/TT-BTC hướng dẫn thực hiện quy định thuế đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Số hiệu: 13/2001/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Vũ Văn Ninh
Ngày ban hành: 08/03/2001 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2001/TT-BTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 13/2001/TT-BTC NGÀY 8 THÁNG 3 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY ĐỊNH VỀ THUẾ ĐỐI VỚI CÁC HÌNH THỨC ĐẦU TƯ THEO LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12/11/1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 9/6/2000;
Căn cứ các Luật, Pháp lệnh thuế hiện hành của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các Luật, Pháp lệnh thuế;
Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ - CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam;
Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ về ban hành quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
Căn cứ Nghị định 62/CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế đầu tư theo Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao- kinh doanh, Hợp đồng xây dựng  chuyển giao áp dụng cho đầu tư nước ngoài tại Việt nam, Nghị định số 02/1999/NĐ-CP ngày 27/1/1999 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/CP;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như sau:

Phần thứ nhất:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng của Thông tư này:

- Các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (dưới đây gọi tắt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

- Ngân hàng liên doanh giữa ngân hàng Việt Nam với ngân hàng nước ngoài được cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài cấp giấy phép theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam.

- Các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam, Luật Kinh doanh bảo hiểm.

- Các doanh nghiệp liên doanh được thành lập trên cơ sở các Hiệp định ký giữa Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước ngoài. Nếu Hiệp định có các quy định nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp liên doanh khác với hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.

- Các bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng (dưới đây gọi tắt là các Bên nước ngoài hợp doanh) theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

- Các doanh nghiệp BOT, BTO, BT thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam. Trường hợp trong quy chế hoạt động của doanh nghiệp do Chính phủ ban hành hoặc hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) được Chính phủ phê duyệt có quy định nghĩa vụ thuế khác với hướng dẫn tại Thông tư này thì áp dụng theo các quy định đó.

Tất cả các đối tượng kể trên, dưới đây tuỳ từng ngữ cảnh cụ thể, sẽ được gọi tắt là doanh nghiệp.

Các nghĩa vụ thuế đối với các đối tượng tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt nam theo Luật dầu khí có hướng dẫn riêng.

2. Một số định nghĩa:

-"Năm tính thuế" là năm dương lịch bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 và kết thúc ngày 31 tháng 12 hàng năm. Trường hợp doanh nghiệp được Bộ Tài chính chấp thuận áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì năm tính thuế là năm tài chính đó.

-"Năm đầu tiên kinh doanh có lãi" là năm tài chính đầu tiên doanh nghiệp phát sinh lãi, không tính bù trừ số lỗ được chuyển của các năm trước.

- "Hợp đồng giao dịch không theo giá thị trường" là các hợp đồng giao dịch, mua bán bị ảnh hưởng bởi các quan hệ thương mại không bình thường như giao dịch giữa các doanh nghiệp liên kết mà trong đó các doanh nghiệp này bị ràng buộc với nhau bởi những điều kiện được đưa ra hoặc áp đặt khác với những điều kiện được đưa ra giữa các doanh nghiệp độc lập.

Các doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp liên kết khi:

(i) Một doanh nghiệp tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát hoặc góp vốn pháp định hoặc vốn cổ phần vào một doanh nghiệp khác.

(ii) Hai doanh nghiệp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp của một doanh nghiệp khác hoặc hai doanh nghiệp cùng có một doanh nghiệp khác tham gia góp vốn.

Phần thứ hai:

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ THUẾ

I. THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP:

1. Đối tượng chịu thuế:

Tất cả các khoản thu nhập thu được từ bất kỳ hoạt động kinh tế nào của doanh nghiệp, là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Đối tượng nộp thuế:

Các doanh nghiệp là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp một tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cùng một lúc vào nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh thì thuế thu nhập doanh nghiệp được tính riêng cho từng hợp đồng hợp tác kinh doanh (kể cả trường hợp công ty nước ngoài thành lập Văn phòng điều hành chung tại Việt nam).

3. Xác định thu nhập chịu thuế:

Thu nhập chịu thuế trong năm tính thuế

=

Doanh thu tính thu nhập chịu thuế trong năm tính thuế

-

Tổng các khoản chi hợp lý, hợp lệ trong năm tính thuế

+

Thu nhập khác

Khi xác định thu nhập chịu thuế, doanh nghiệp được trừ số lỗ của các năm trước theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam.

Riêng đối với bên nước ngoài hợp doanh được chuyển số lỗ phát sinh từ năm tài chính 2000 sang các năm tiếp theo đối với từng Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đối với bên nước ngoài hợp doanh áp dụng năm tài chính không phải là năm dương lịch, nếu năm tài chính 1999-2000 kết thúc trước ngày 1/7/2000 lại phát sinh lỗ thì số lỗ của năm tài chính 1999-2000 này không thuộc diện được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo.

Việc chuyển lỗ được thực hiện theo kế hoạch của doanh nghiệp. Trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, trong phạm vi 15 ngày kể từ khi lập báo cáo quyết toán thuế và xác định được số lỗ phát sinh của năm tài chính đó, doanh nghiệp chủ động đăng ký với cơ quan thuế kế hoạch chuyển lỗ của năm tài chính đó để trừ vào thu nhập chịu thuế của các năm tiếp theo (trong phạm vi 5 năm kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ) và thực hiện đúng thời gian chuyển lỗ đã đăng ký.

Ví dụ: năm 2000 doanh nghiệp A phát sinh lỗ 500.000 USD. Theo dự kiến kể từ năm 2001 doanh nghiệp A bắt đầu có lãi 150.000 USD, 2002 lãi 200.000 USD, 2003 lãi 300.000 USD, 2004 lãi 400.000 USD và năm 2005 lãi 550.000 USD. Theo quy định tại Giấy phép đầu tư, doanh nghiệp A được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm.

Như vậy, theo quy định tại Điều 48, Nghị định 24/2000/NĐ-CP , doanh nghiệp A được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm 2001 và 2002 (năm 2001 là năm đầu tiên kinh doanh có lãi). Doanh nghiệp A có thể lựa chọn phương án chuyển lỗ năm 2000 sang các năm từ 2003 đến 2005 để được hưởng trọn vẹn 2 năm miễn thuế. Việc chuyển lỗ sang năm nào do doanh nghiệp A tự quyết định và đăng ký (có thể chuyển toàn bộ số lỗ của năm 2000 sang năm 2005 hoặc chia đều số lỗ của năm 2000 sang 3 năm từ năm 2003 đến năm 2005).

a) Doanh thu tính thu nhập chịu thuế trong năm tính thuế:

Doanh thu tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp là toàn bộ tiền bán hàng, tiền cung cấp dịch vụ (không có thuế giá trị gia tăng) và các khoản thu khác của doanh nghiệp trong năm tính thuế.

Một số trường hợp cụ thể, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

* Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp là doanh thu của hàng hóa bán tính theo giá bán trả một lần, không bao gồm lãi trả chậm.

* Đối với hoạt động cho thuê tài sản như cho thuê nhà, cho thuê văn phòng, kinh doanh cho thuê cơ sở hạ tầng, là số tiền thuê phải thu từng kỳ theo hợp đồng thuê. Trường hợp có thu tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu tính thu nhập chịu thuế từng năm được xác định bằng số tiền thuê thu trước chia đều cho số năm thu trước.

* Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, biếu, tặng, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế theo giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm trao đổi, biếu tặng.

* Đối với sản phẩm tự dùng, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là chi phí để sản xuất ra sản phẩm đó.

* Đối với hoạt động gia công hàng hóa, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là tiền thu về gia công bao gồm cả tiền công, nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hóa.

* Đối với hoạt động tín dụng là lãi tiền cho vay phải thu trong năm tính thuế.

* Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là số tiền phải thu về phí bảo hiểm gốc, phí đại lý giám định, phí nhận tái bảo hiểm, thu hoa hồng tái bảo hiểm và các khoản thu khác.

* Đối với Hợp đồng hợp tác kinh doanh theo hình thức chia sản phẩm thì khoản thu về tiêu thụ sản phẩm được tính như sau:

+ Sản phẩm được chia nếu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì các khoản thu được xác định trên giá bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam.

+ Sản phẩm được chia xuất khẩu ra nước ngoài thì các khoản thu được xác định trên cơ sở giá xuất FOB tại các cửa khẩu Việt Nam.

Khi xác định nghĩa vụ thuế của Bên nước ngoài hợp doanh, trường hợp các bên hợp doanh không cung cấp được giá tiêu thụ sản phẩm hoặc việc tiêu thụ sản phẩm không được thực hiện theo nguyên tắc giao dịch mua bán theo giá thị trường, thì doanh thu được xác định theo các nguyên tắc quy định tại Mục IV, Phần thứ ba của Thông tư này.

b) Các khoản chi hợp lý trong năm tính thuế:

Các khoản chi có liên quan đến việc hình thành thu nhập chịu thuế trong năm tính thuế của doanh nghiệp bất kể áp dụng chế độ kế toán nào, được xác định bao gồm các khoản sau đây:

b1. Khấu hao và chi phí sửa chữa tài sản cố định dùng cho sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Mức khấu hao tài sản cố định được xác định trên cơ sở doanh nghiệp đăng ký thời hạn sử dụng tài sản với cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp trên nguyên tắc khấu hao theo đường thẳng, phù hợp với quy định tại Quyết định số 166/1999/QĐ/BTC ngày 30/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

b2. Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, công cụ lao động, hàng hóa thực tế sử dụng vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế trong năm tính thuế.

b3. Tiền lương, tiền công và các khoản mang tính chất tiền lương, tiền công; tiền ăn giữa ca và các khoản phụ cấp, trợ cấp trả cho người lao động Việt Nam và nước ngoài trên cơ sở hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể, phù hợp với pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam.

b4. Chi phí nghiên cứu khoa học, công nghệ; chi sáng kiến cải tiến; chi bảo vệ môi trường; chi phí bảo quản kho tàng, nhà cửa, phòng cháy chữa cháy; chi phí cho giáo dục, đào tạo, y tế kể cả các khoản chi hỗ trợ y tế, giáo dục cho bên ngoài như: đóng góp vào quĩ khuyến học, giúp đỡ trường học sinh tàn tật, học sinh không nơi nương tựa.

b5. Chi phí dịch vụ mua ngoài:

- Điện, nước, điện thoại, giấy, bút, mực, tiền thuê kiểm toán, in ấn tài liệu.

- Chi phí bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tài sản theo hợp đồng ký với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam hoặc các doanh nghiệp bảo hiểm khác được phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

- Đối với khoản chi phí thuê sửa chữa lớn tài sản cố định nhằm khôi phục năng lực của tài sản được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong năm. Nếu chi sửa chữa phát sinh một lần quá lớn thì doanh nghiệp có thể lập kế hoạch phân bổ cho các năm sau. Đối với những tài sản cố định đặc thù, việc sửa chữa có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa lớn vào chi phí sản xuất, kinh doanh trên cơ sở dự toán chi sửa chữa lớn của doanh nghiệp. Nếu khoản trích trước thấp hơn số thực chi sửa chữa thì doanh nghiệp được hạch toán thêm số chênh lệch vào chi phí; nếu cao hơn thì hạch toán giảm chi phí trong năm.

- Tiền thuê nhà, thuê đất để làm trụ sở văn phòng, nhà xưởng. Trường hợp các doanh nghiệp thuê nhà, thuê đất trả tiền trước nhiều năm thì chi phí thuê nhà, thuê đất được phân bổ cho từng năm theo số năm trả tiền trước.

- Tiền thuê tài sản cố định (máy móc, thiết bị phương tiện) được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo số tiền thực trả căn cứ vào hợp đồng thuê. Trường hợp trả tiền thuê tài sản cố định một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần vào chi phí sản xuất kinh doanh theo số năm sử dụng tài sản cố định.

- Chi phí mua sắm hoặc trả tiền sử dụng các tài liệu kỹ thuật, dịch vụ, kỹ thuật; chi phí sử dụng bản quyền, chuyển giao công nghệ, chi phí sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp như: bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá, theo các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng li-xăng đã được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Chi phí tư vấn, chi phí thuê công ty quản lý theo hợp đồng thuê quản lý đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận và các chi phí dịch vụ thuê ngoài khác.

b6. Các khoản chi cho lao động nữ theo qui định của pháp luật; chi bảo hộ lao động, chi bảo vệ cơ sở kinh doanh; trích nộp quĩ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động thuộc nghĩa vụ của doanh nghiệp, kinh phí công đoàn theo chế độ qui định.

b7. Các khoản trả lãi tiền vay trong phạm vi mức trần lãi suất cho vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố đối với các khoản vay trong nước; các khoản lệ phí Ngân hàng, lãi suất tiền vay trả theo hợp đồng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận đối với các khoản vay ở nước ngoài. Nếu hợp đồng tín dụng chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận thì lãi suất và phí được xác định theo số thực tế chi trả phù hợp với quy định trong hợp đồng tín dụng nhưng không quá mức lãi suất cho vay cao nhất của các tổ chức tín dụng thương mại Nhà nước.

Đối với các Ngân hàng liên doanh là lãi suất, chiết khấu hợp lý cho các khoản tiền gửi, vốn đi vay hoặc các công cụ tài chính khác.

Các khoản chi phí trả lãi tiền vay liên quan đến góp vốn pháp định hoặc vốn điều lệ (đối với hoạt động ngân hàng) đều không được tính vào các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định lợi tức chịu thuế.

b8. Các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng công nợ khó đòi, dự phòng giảm giá chứng khoán tại doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

b9. Trợ cấp thôi việc cho người lao động theo chế độ hiện hành.

b10. Các khoản chi liên quan tới hoạt động của Hội đồng quản trị (Ví dụ: chi phí cho các phiên họp của Hội đồng quản trị) của doanh nghiệp liên doanh phù hợp với Điều lệ liên doanh hoặc quyết nghị của Hội đồng quản trị.

b11. Chi phí liên quan trực tiếp đến việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ như chi phí bảo quản, đóng gói, bốc xếp, vận chuyển, thuê kho bãi, bảo hành sản phẩm, hàng hoá.

b12. Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tiếp tân, khánh tiết, giao dịch, đối ngoại, chi phí hội nghị và các loại chi phí khác không vượt mức khống chế qui định dưới đây:

- Các ngành sản xuất, xây dựng vận tải mới thành lập đi vào sản xuất trong 2 năm đầu: không quá 7% trên tổng số chi phí của các khoản b1 đến b11 nêu trên; các năm sau: không quá 5% trên tổng chi phí của các khoản b1 đến b11 nêu trên.

- Đối với hoạt động kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ trong 2 năm đầu mới thành lập: không quá 7% trên tổng chi phí của các khoản b1 đến b11 nêu trên (trừ giá mua vào của hàng hóa bán ra); các năm sau: không quá 5% trên tổng chi phí của các khoản b1 đến b11 nêu trên (trừ giá mua vào của hàng hóa bán ra).

- Đối với các ngành sản xuất, kinh doanh điện, khí đốt, lọc dầu, kinh doanh xăng dầu, bưu chính viễn thông, hàng không, trong hai năm đầu mới thành lập: không quá 5% trên tổng số chi phí của các khoản b1 đến b11 nêu trên (trừ giá mua vào của hàng hóa bán ra đối với hoạt động thương nghiệp); các năm sau: 3% trên tổng số chi phí của các khoản b1 đến b11 nêu trên (trừ giá mua vào của hàng hóa bán ra đối với hoạt động thương nghiệp).

Một số trường hợp đặc biệt, khoản chi phí này cần phải có mức khống chế cao hơn so với mức khống chế nêu trên thì phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản, nhưng không vượt quá 7% trên tổng chi phí của các khoản b1 đến b11 nêu trên.

b13. Các khoản đóng góp cho các tổ chức Việt nam với mục đích từ thiện, nhân đạo như: đóng góp khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn bất ngờ, đóng góp vào quỹ ủng hộ bà mẹ Việt nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, người tàn tật, không nơi nương tựa, quỹ phòng chống các bệnh xã hội.

b14. Các khoản thuế, phí và lệ phí mang tính chất thuế phải nộp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, nhưng không bao gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài.

Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng hoặc các trường hợp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì chi phí để tính thu nhập chịu thuế bao gồm cả số thuế giá trị gia tăng trong giá mua hàng hoá, dịch vụ đầu vào.

Tất cả các khoản chi phí nêu trên phải có chứng từ hợp lệ, bất kỳ khoản chi nào không có chứng từ hoặc chứng từ không hợp lệ đều không được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không được hạch toán vào chi phí các khoản tiền phạt, các khoản chi không liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế như: chi về đầu tư xây dựng cơ bản, các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ. Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt nam theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam không được phân bổ chi phí quản lý cuả công ty mẹ ở nước ngoài.

c) Thu nhập khác:

Thu nhập khác của các doanh nghiệp bao gồm:

c1. Lãi tiền gửi ngân hàng, lãi cho vay (không kể các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tín dụng); lãi bán hàng trả chậm.

c2. Chênh lệch về mua, bán ngoại tệ; chênh lệch về mua, bán chứng khoán; chênh lệch tỷ giá theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

c3. Thu nhập về quyền sở hữu và sử dụng tài sản của doanh nghiệp bao gồm cả thu nhập do chuyển nhượng, thanh lý tài sản. Đối với các trường hợp tài sản của doanh nghiệp bị tổn thất, bị hỏng do nguyên nhân chủ quan thì các khoản lỗ liên quan tới tài sản đó không được hạch toán vào thu nhập khác mà phải xác định đối tượng bồi thường theo chế độ.

c4. Thu nhập từ các khoản nợ khó đòi đã xoá sổ kế toán nay đòi được; các khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ; các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót mới phát hiện ra.

c5. Kết dư cuối năm các khoản chi phí trích trước nhưng không chi hết trong năm.

c6. Các khoản thu nhập thu được liên quan đến các hoạt động tham gia liên doanh, đầu tư cổ phần của doanh nghiệp tại các doanh nghiệp khác.

Thu nhập thu được từ các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài được tính vào thu nhập khác để xác định thu nhập chịu thuế.

Trường hợp các khoản thu nhập đó đã nộp thuế thu nhập ở nước ngoài thì doanh nghiệp phải xác định số thu nhập trước khi nộp thuế thu nhập ở nước ngoài để tính thuế thu nhập theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt nam. Khi xác định số thuế thu nhập phải nộp, doanh nghiệp được trừ số thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài nhưng số thuế được trừ không vượt quá số thuế thu nhập tính theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt nam cho các khoản thu nhập đó.

Các khoản thu nhập sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thu được từ hoạt động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong nước không phải tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế.

c7. Các khoản thu nhập khác liên quan đến kinh doanh nhưng không tính trong doanh thu, bao gồm các khoản như tiền thưởng của khách hàng, thu tiền phạt vi phạm hợp đồng, thu nhập từ bán phế liệu, phế phẩm (sau khi đã trừ các khoản chi phí tiêu thụ), quà tặng bằng tiền của các tổ chức, cá nhân cho doanh nghiệp.

d) Phương pháp tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số trường hợp đặc biệt:

Đối với Bên nước ngoài hợp doanh, trường hợp tại giấy phép kinh doanh quy định việc nộp thuế của Bên nước ngoài hợp doanh được thực hiện dưới hình thức khoán thu trên doanh số bán hàng thì việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập và việc kê khai nộp thuế được thực hiện theo quy định tại giấy phép.

Trường hợp Bên nước ngoài hợp doanh ký Hợp đồng Hợp tác kinh doanh với Bên Việt nam theo phương thức phân chia lợi nhuận và một Bên chịu trách nhiệm hạch toán chung, hoặc hai bên thành lập Ban điều phối hạch toán chung thì Bên hợp doanh đó hoặc Ban điều phối phải kê khai, nộp các khoản thuế phát sinh trong quá trình kinh doanh, chịu trách nhiệm hạch toán, xác định thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn trên đây và phân chia thu nhập chịu thuế theo Hợp đồng. Trường hợp Hợp đồng phát sinh lỗ thì số lỗ hàng năm của Hợp đồng cũng được chia cho các Bên và các Bên nước ngoài được chuyển trừ số lỗ của mình vào thu nhập chịu thuế của các năm tiếp theo. Sau khi nhận được thu nhập, các Bên nước ngoài tự kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ quan thuế địa phương.

4. Xác định số thuế phải nộp:

Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm tính thuế

=

Thu nhập chịu thuế

x

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Trong đó:

- Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định như quy định tại điểm 3 nêu trên.

- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định cụ thể trong giấy phép đầu tư. Trường hợp giấy phép đầu tư không quy định thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thì áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25%.

Trong quá trình hoạt động nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc bên nước ngoài hợp doanh không đạt các tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 46 và Điều 48 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ thì doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi. Cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp căn cứ vào các điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp thực tế đạt được hàng năm để xác định mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi và thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức thuế suất đó, đồng thời báo cáo với Bộ Tài chính và cơ quan cấp giấy phép đầu tư biết.

Đối với các doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 1/8/2000 nếu đáp ứng được các điều kiện hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 46 và Điều 48 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ, các doanh nghiệp có văn bản đề nghị cơ quan cấp giấy phép đầu tư điều chỉnh Giấy phép đầu tư. Các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại kể từ khi giấy phép điều chỉnh có hiệu lực.

5. Thủ tục đăng ký, kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:

a) Đăng ký thuế thu nhập doanh nghiệp:

Các doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký thuế thu nhập doanh nghiệp cùng với việc đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại cơ quan thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.

b) Kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp:

Chậm nhất vào ngày 25 tháng đầu tiên của năm tài chính hàng năm, doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp tờ khai thuế tạm nộp cả năm (theo Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này) cho cơ quan thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính. Căn cứ để kê khai là kết quả sản xuất, kinh doanh của năm tài chính trước và khả năng kinh doanh của năm tiếp theo.

Sau khi nhận được tờ khai, cơ quan thuế kiểm tra, xác định số thuế tạm nộp cả năm và chia ra từng quý để thông báo cho doanh nghiệp về số thuế tạm nộp. Trường hợp doanh nghiệp không kê khai hoặc kê khai không rõ căn cứ để xác định số thuế tạm nộp cả năm thì cơ quan thuế có quyền ấn định số thuế tạm nộp.

Trường hợp trong năm có biến động lớn về thu nhập chịu thuế thì cơ quan thuế điều chỉnh số thuế tạm nộp. Việc điều chỉnh được thực hiện theo đề nghị của doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp lập báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm.

c) Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:

Các doanh nghiệp tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 tháng một kỳ bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm tính thuế. Việc tạm nộp thuế được thực hiện theo thông báo nộp thuế của cơ quan thuế và chậm nhất không quá ngày cuối quý. Kết thúc năm tính thuế hoặc kết thúc hợp đồng thì quyết toán theo thực tế.

Đối với các hợp đồng hợp tác kinh doanh có thời hạn dưới một năm thì thuế thu nhập doanh nghiệp được nộp thành 2 kỳ, kỳ thứ nhất tạm nộp vào giữa thời hạn của hợp đồng, hết hạn hợp đồng sẽ quyết toán theo thực tế.

d) Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp:

Việc quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được tiến hành hàng năm theo quy định tại Phần thứ ba Thông tư này.

6. Hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp do tái đầu tư:

a) Nhà đầu tư nước ngoài đã góp đủ vốn pháp định theo Giấy phép đầu tư dùng lợi nhuận và các khoản thu hợp pháp khác từ hoạt động đầu tư tại Việt nam để tái đầu tư 3 năm trở lên vào các dự án mới hoặc các dự án đang thực hiện, được hoàn lại một phần hoặc toàn bộ số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp liên quan đến số thu nhập tái đầu tư theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ.

Trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài tái đầu tư vào các dự án được cấp giấy phép đầu tư trước ngày 23/11/1996 thì mức thuế thu nhập doanh nghiệp được hoàn lại như sau:

- 100% nếu đầu tư vào các dự án áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đến 14%.

- 75% nếu đầu tư vào các dự án áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 15% đến 20%.

- 50% nếu đầu tư vào các dự án áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% đến dưới 25%.

b) Số thuế thu nhập doanh nghiệp hoàn trả cho phần lợi nhuận tái đầu tư được xác định như sau :


T =

L

x

S x t

 

100%-S

 

Trong đó:

T: là số thuế thu nhập doanh nghiệp được hoàn trả.

L: Là số lợi nhuận sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sử dụng để tái đầu tư.

S: Là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đã áp dụng để tính thuế đối với số lợi nhuận sử dụng để tái đầu tư.

t: Là tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp được hoàn trả.

c) Thủ tục hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp tái đầu tư:

Để nhận được số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp cho số lợi nhuận tái đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài hoặc người được uỷ quyền phải xuất trình đầy đủ các chứng từ sau đây với Cục thuế địa phương nơi đặt trụ sở điều hành chính của doanh nghiệp có số lợi nhuận được sử dụng để tái đầu tư:

- Công văn hoặc đơn đề nghị hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp do tái đầu tư trình bày rõ lý do tái đầu tư và cam kết về sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư từ 3 năm trở lên của nhà đầu tư nước ngoài.

- Tờ khai hoàn thuế thu nhập tái đầu tư (theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này).

- Giấy phép đầu tư hoặc giấy phép điều chỉnh hoặc văn bản chấp thuận do cơ quan cấp giấy phép đầu tư cấp (bản sao có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp), trong đó quy định rõ cho phép chủ đầu tư dùng lợi nhuận để tái đầu tư.

- Văn bản xác nhận bên nước ngoài đã góp đủ vốn pháp định của Hội đồng quản trị đối với các doanh nghiệp liên doanh, cam kết của Nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và bên nước ngoài hợp doanh về việc đã góp đủ vốn pháp định hoặc vốn để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh (kèm theo xác nhận của cơ quan kiểm toán).

- Các chứng từ đã nộp thuế của doanh nghiệp (bản sao có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp), và xác nhận của Kho bạc Nhà nước về số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp.

Khi đã nhận đủ các chứng từ nêu trên, trong vòng 15 ngày làm việc, Cục thuế tiến hành kiểm tra, xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp của doanh nghiệp và tính số thuế thu nhập doanh nghiệp hoàn trả cho nhà đầu tư nước ngoài, gửi hồ sơ về Bộ Tài chính (Tổng cục thuế). Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Tài chính xem xét, ra quyết định hoàn thuế cho nhà đầu tư.

* Lợi nhuận mà các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển ra nước ngoài hoặc đã sử dụng cho các mục đích đầu tư, kinh doanh khác, nay thu hồi để tái đầu tư sẽ không được hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp do tái đầu tư.

* Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đã được hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không thực hiện tái đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài phải nộp trả ngân sách phần thuế thu nhập doanh nghiệp đã được hoàn kể cả lãi tính từ khi nhà đầu tư nhận được số tiền thuế được hoàn tới khi nhà đầu tư hoàn trả đủ cho Ngân sách số tiền thuế được hoàn kể trên (tính theo lãi suất tiền gửi Ngân hàng) và bị xử lý theo pháp luật.

II/ THUẾ CHUYỂN LỢI NHUẬN RA NƯỚC NGOÀI

1. Đối tượng chịu thuế:

Lợi nhuận mà các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân nước ngoài thu được do tham gia đầu tư vốn dưới bất cứ hình thức nào quy định trong Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (bao gồm cả số thuế thu nhập được hoàn trả cho số thu nhập tái đầu tư và thu nhập thu được do chuyển nhượng vốn) khi chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc giữ lại ngoài Việt Nam đều là đối tượng chịu thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Trường hợp bên nước ngoài sử dụng lợi nhuận được chia để thanh toán công nợ cho Công ty mẹ, hoặc sử dụng lợi nhuận được chia để chi tiêu cho Văn phòng đại diện của Công ty mẹ tại Việt Nam, đều coi là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và bên nước ngoài phải nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nưóc ngoài.

Tổ chức kinh tế nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài có lợi nhuận chuyển ra nước ngoài phải kê khai và nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

2. Xác định số thuế phải nộp:

Số thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài phải nộp được xác định bằng số lợi nhuận chuyển ra nước ngoài hoặc được coi là chuyển ra nước ngoài, hoặc số lợi nhuận mà nhà đầu tư giữ lại ngoài lãnh thổ Việt Nam nhân (x) thuế suất thuế chuyển lợi nhuận quy định tại Giấy phép đầu tư. Trường hợp, giấy phép đầu tư được cấp không quy định thì thuế suất thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ.

Đối với các trường hợp được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 1/8/2000 có mức thuế suất thuế chuyển lợi nhuận cao hơn mức thuế chuyển lợi nhuận quy định tại Điều 50 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ, các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp làm đơn gửi cơ quan cấp giấy phép đầu tư để được điều chỉnh giâý phép đầu tư. Trong khi chưa có điều chỉnh chính thức, nếu các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, các nhà đầu tư làm đơn gửi Cục thuế địa phương trình bày rõ điều kiện được hưởng thuế suất mới và kê khai, nộp thuế theo thuế suất mới. Thuế suất thuế chuyển lợi nhuận mới được áp dụng cho các khoản lợi nhuận các nhà đầu tư làm thủ tục chuyển ra nước ngoài kể từ ngày 1/7/2000.

3.Thủ tục nộp thuế:

- Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thu theo từng lần chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Riêng trường hợp các nhà đầu tư giữ lại lợi nhuận ở ngoài Việt Nam hoặc thanh toán cho công ty mẹ, chi tiêu cho Văn phòng Công ty mẹ tại Việt nam thực hiện việc kê khai, thu nộp hàng tháng.

- Trước khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hoặc chậm nhất vào ngày 5 tháng sau đối với trường hợp sử dụng lợi nhuận vào các mục đích coi như chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, giữ lại lợi nhuận ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân nước ngoài phải lập tờ khai thuế nộp cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp mà tổ chức kinh tế hoặc cá nhân nước ngoài đó đầu tư vốn (theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này), đồng thời nộp số thuế theo kê khai vào Kho bạc Nhà nước.

- Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được tờ khai, cơ quan thuế kiểm tra nếu phát hiện có sự sai sót trong tờ khai thuế thì thực hiện phát hành thông báo số thuế phải nộp cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm nộp bổ sung số thuế còn thiếu vào Kho bạc Nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế. Trường hợp quá thời hạn quy định nộp tờ khai mà nhà đầu tư không nộp tờ khai thuế, cơ quan thuế có quyền ấn định số thuế tạm nộp và phát hành thông báo thuế và xử lý phạt chậm kê khai.

Kho bạc Nhà nước giao lại cho người nộp thuế 1 liên chứng từ nộp thuế chuyển lợi nhuận để làm thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài.

- Hàng năm, chậm nhất 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính, các nhà đầu tư nước ngoài phải báo cáo cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp về số lợi nhuận được chia, tình hình sử dụng lợi nhuận và nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đối với số lợi nhuận của các năm trước. Báo cáo này được nộp cho cơ quan thuế cùng với báo cáo quyết toán thuế hàng năm của doanh nghiệp.

- Trường hợp tại tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm đã nộp cho cơ quan thuế (theo quy định tại điểm 5b, Mục I, phần thứ hai của Thông tư này), dự kiến doanh nghiệp có lợi nhuận và các nhà đầu tư thống nhất phân chia lợi nhuận của doanh nghiệp từng quý hoặc 6 tháng (có Quyết nghị bằng văn bản của Hội đồng quản trị doanh nghiệp), thì các nhà đầu tư nước ngoài có thể được tạm chuyển ra nước ngoài theo từng kỳ, ngay trong năm, số lợi nhuận được chia phát sinh trong năm tài chính và phải kê khai nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài mỗi lần chuyển tiền. Số lợi nhuận được chia tạm chuyển ra nước ngoài tối đa không được vượt quá 70% số lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài có thể được chia, xác định trên cơ sở báo cáo tài chính từng quý, 6 tháng và cả năm của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài phải có văn bản gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế đề nghị được tạm chuyển lợi nhuận, gửi kèm theo tờ khai tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm (nộp trong vòng 25 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính trước). Nội dung văn bản đề nghị bao gồm:

i. Dự kiến số lợi nhuận thu được trong năm tài chính, cụ thể cho từng kỳ hàng quý và 6 tháng;

ii. Dự kiến số lợi nhuận chia cho các chủ đầu tư;

iii. Dự kiến số lợi nhuận được chia nhà đầu tư nước ngoài đề nghị được tạm chuyển từng kỳ (không vượt quá 70% số lợi nhuận tạm chia);

iv. Quyết nghị của Hội đồng quản trị doanh nghiệp về kế hoạch phân chia lợi nhuận cho các chủ đầu tư trong năm tài chính (gửi kèm theo văn bản đề nghị).

Căn cứ vào đề nghị của doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài trên đây, cơ quan thuế thực hiện kiểm tra và hướng dẫn nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc tạm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và thu thuế theo pháp luật thuế hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này.

- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đã nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nhưng thực tế không chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hoặc không sử dụng cho các mục đích coi như chuyển lợi nhuận ra nước ngoài sẽ được hoàn lại số thuế đã nộp. Hồ sơ đề nghị hoàn lại số thuế đã nộp bao gồm:

i- Đơn đề nghị hoàn lại số thuế đã nộp. Nội dung đơn phải ghi rõ lý do đề nghị hoàn lại tiền thuế đã nộp; tên, địa chỉ, số tài khoản của nhà đầu tư đề nghị được hoàn trả số thuế đã nộp.

ii- Bảng kê số tiền thuế đã nộp kèm theo các chứng từ nộp tiền vào kho bạc (bản sao) và xác nhận của Kho bạc Nhà nước về số tiền thuế đã nộp (ghi rõ số thuế đã nộp vào chương, loại, khoản, hạng theo quy định của mục lục Ngân sách).

iii- Xác nhận của ngân hàng quản lý tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư nước ngoài về việc chưa thực hiện chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận đã kê khai nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài.

Hồ sơ đề nghị hoàn thuế nộp cho cơ quan thuế địa phương trực tiếp quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp. Cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ, nếu đã đầy đủ và hợp lệ thì gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế về Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) để Bộ Tài chính xem xét ra quyết định hoàn thuế cho nhà đầu tư.

Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính ra quyết định hoàn thuế cho Nhà đầu tư.

III. THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

Tất cả các hàng hoá mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên hợp doanh được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam, kể cả hàng hoá từ thị trường Việt Nam bán cho các doanh nghiệp trong khu chế xuất và hàng hoá cuả các doanh nghiệp trong khu chế xuất bán vào thị trường Việt Nam, đều là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và phải nộp thuế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

1. Miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

a) Thuế xuất khẩu:

Hàng hoá là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên hợp doanh bán cho các doanh nghiệp chế xuất để sản xuất, gia công hàng hoá xuất khẩu được miễn thuế xuất khẩu theo quy định tại Điều 8 Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg ngày 26/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ.

Các doanh nghiệp bán hàng cho các doanh nghiệp chế xuất chỉ cần lập tờ khai hàng hoá xuất khẩu gửi Hải quan Khu chế xuất khi bán hàng hoá cho các doanh nghiệp chế xuất. Cơ quan Hải quan đóng dấu "hàng miễn thuế" vào tờ khai hàng hoá xuất khẩu sau khi kiểm hoá.

b) Thuế nhập khẩu:

- Ngoài các trường hợp được miễn giảm thuế quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên hợp doanh còn được miễn, giảm thuế theo Điều 57 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ.

Căn cứ vào Giấy phép đầu tư, giải trình kinh tế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật của từng dự án, danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, Bộ Thương mại hoặc cơ quan được uỷ quyền xét duyệt danh mục mặt hàng nhập khẩu miễn thuế cho từng doanh nghiệp.

Căn cứ danh mục mặt hàng nhập khẩu miễn thuế được duyệt, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi việc nhập khẩu của các doanh nghiệp. Định kỳ hàng quý các Cục Hải quan phải tập hợp báo cáo về Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan kim ngạch xuất, nhập khẩu và số lượng các mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Riêng thủ tục miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất của các dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng cơ khí, điện, điện tử, các dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và dự án thuộc danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư được thực hiện theo Thông tư số 40/2000/TT-BTC ngày15/5/2000 và Thông tư số 117/2000/TT-BTC ngày 21/12/2000 của Bộ Tài chính.

- Các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá xuất khẩu được tạm chưa nộp thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu trong thời hạn 9 tháng (tính tròn là 275 ngày theo dương lịch) kể từ ngày doanh nghiệp nhận được thông báo thuế chính thức của cơ quan Hải quan về số thuế phải nộp. Đối với một số sản phẩm do yêu cầu sản xuất hoặc do chu kỳ sản xuất, thì thời gian tạm chưa nộp thuế nhập khẩu có thể dài hơn 9 tháng.

Điều kiện và thủ tục để được tạm chưa phải nộp thuế nhập khẩu, xác định thời hạn tạm chưa phải nộp dài hơn 9 tháng đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 172/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Trường hợp doanh nghiệp bán sản phẩm của mình sản xuất cho các doanh nghiệp khác để trực tiếp sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu nhập khẩu tương ứng với số sản phẩm này theo quy định tại Điều 58 của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ. Việc miễn thuế nhập khẩu thực hiện như sau:

Khi nhập khẩu vật tư, nguyên liệu để sản xuất sản phẩm bán cho doanh nghiệp khác để sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp phải nộp đủ thuế nhập khẩu theo quy định. Sau khi doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu làm thủ tục gửi Bộ Tài chính đề nghị hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm bán cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Thủ tục đề nghị hoàn thuế bao gồm:

- Công văn đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp trong đó có tính toán và ghi rõ số tiền thuế nhập khẩu nguyên liệu được hoàn;

- Định mức tiêu hao vật tư, nguyên liệu để sản xuất sản phẩm;

- Tờ khai Hải quan nhập khẩu và biên lai nộp thuế nhập khẩu của vật tư, nguyên liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm;

- Hợp đồng bán sản phẩm của doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác trong đó ghi rõ sản phẩm đó được sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu;

- Hoá đơn bán hàng của doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác sản xuất hàng xuất khẩu;

- Tờ khai Hải quan xuất hàng của doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã được Hải quan cửa khẩu xác nhận hàng đã thực xuất khẩu (bản sao công chứng);

- Bản kê khai của doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu về số lượng, giá trị bán thành phẩm do doanh nghiệp sản xuất đã được sử dụng để sản xuất hàng hoá đã xuất khẩu. Giám đốc doanh nghiệp sản xuất hàng hoá xuất khẩu phải chịu trách nhiệm về bản kê khai này.

Căn cứ các hồ sơ nêu trên, Bộ Tài chính sẽ ra quyết định hoàn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu.

2. Kê khai và truy thu thuế xuất, nhập khẩu:

- Trường hợp doanh nghiệp chế xuất mua hàng hoá, vật tư, nguyên liệu từ thị trường nội địa không đưa vào sản xuất, gia công mà xuất khẩu ra nước ngoài phải nộp thuế xuất khẩu theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành.

- Hàng hoá nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các bên nước ngoài hợp doanh đã được miễn thuế nhập khẩu trong các trường hợp nói trên, nếu sử dụng vào mục đích khác với mục đích được miễn thuế nhập khẩu, hoặc nhượng bán tại thị trường Việt Nam thì phải được Bộ Thương mại cho phép và phải truy nộp laị số thuế nhập khẩu đã được miễn.

Đối với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt ngày 28/10/1995, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 05/1998/QH10 ngày 20/5/1998, đã nhập khẩu khi các Luật này chưa có hiệu lực và đã được miễn thuế nhập khẩu, nhưng khi sử dụng vào mục đích khác với mục đích ban đầu, hoặc nhượng bán tại thị trường Việt Nam vào thời điểm Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực thì ngoài việc phải truy nộp thuế nhập khẩu (theo thuế suất hiện hành tại thời điểm truy nộp) các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các bên nước ngoài hợp doanh phải nộp cả thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày sử dụng vào mục đích khác với mục đích được miễn thuế nhập khẩu, hoặc nhượng bán hàng hoá, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các bên hợp doanh có trách nhiệm phải khai báo vơí cơ quan Hải quan tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở điều hành chính của doanh nghiệp, hoặc khai báo với cơ quan Hải quan nơi nhượng bán hàng hoá, hoặc khai báo với cơ quan Hải quan nơi doanh nghiệp đăng ký tờ khai nhập khẩu hàng hoá (theo Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này). Quá thời hạn trên mà không khai báo thì doanh nghiệp hoặc các bên hợp doanh sẽ bị xử phạt về hành vi trốn lậu thuế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Đối với các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng thuộc các ngành cơ khí, điện, điện tử, các dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và dự án thuộc danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư phải kê

khai, quyết toán thuế nhập khẩu đã được miễn đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất theo Thông tư số 40/2000/TT-BTC ngày15/5/2000 của Bộ Tài chính.

Đối với doanh nghiệp thuộc diện đặc biệt khuyến khích đầu tư theo tiêu chuẩn xuất khẩu trên 80% sản phẩm và đang được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu nhập khẩu 5 năm theo Điều 57 của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP , trường hợp doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau, thì chỉ những sản phẩm nào thực sự đạt tỷ lệ xuất khẩu trên 80% mới được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu trên đây. Đối với các sản phẩm xuất khẩu không đạt tỷ lệ trên 80% thì doanh nghiệp chỉ được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu cho phần sản phẩm thực xuất khẩu và doanh nghiệp phải truy nộp số thuế nhập khẩu đã được tạm miễn đối với phần sản phẩm tiêu thụ tại Việt nam.

Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nhưng có các cơ sở sản xuất tại địa phương khác không thuộc danh mục các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì chỉ được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu theo Điều 57 Nghị định 24/2000/NĐ-CP đối với số nguyên liệu nhập khẩu sử dụng cho sản xuất tại cơ sở sản xuất đặt tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Trong quá trình quản lý thu thuế các doanh nghiệp, cơ quan thuế quản lý thu thuế có trách nhiệm giám sát việc sử dụng hàng hoá xuất nhập khẩu được miễn thuế, khi phát hiện các trường hợp nhượng bán hàng hoá đã được miễn thuế thì ngoài việc thu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng, Cục trưởng cục thuế tỉnh, thành phố được quyền ra quyết định truy thu thuế nhập khẩu và xử phạt theo các quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

IV. THUẾ ĐỐI VỚI THU NHẬP TỪ CHUYỂN NHƯỢNG VỐN

Các chủ đầu tư nước ngoài chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh có thu nhập phải thực hiện nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn theo quy định tại Thông tư này.

1. Thuế thu nhập doanh nghiệp:

Thu nhập thu được từ chuyển nhượng vốn là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam.

Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp

=

Thu nhập chịu thuế

x

Thuế suất thuế thu

nhập doanh nghiệp

1.1. Thu nhập chịu thuế:

Thu nhập chịu thuế

=

Giá

chuyển nhượng

-

Giá trị ban đầu của phần vốn chuyển nhượng

-

Chi phí

chuyển nhượng

Trong đó:

+ Giá chuyển nhượng được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá thanh toán đã không được xác định theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá trị thanh toán của hợp đồng trên cơ sở tham khảo giá thị trường hoặc giá có thể bán cho bên thứ ba và các hợp đồng chuyển nhượng tương tự.

+ Giá trị ban đầu của phần vốn chuyển nhượng được xác định trên cơ sở sổ sách, chứng từ kế toán về vốn góp của chủ đầu tư tại thời điểm chuyển nhượng vốn đã được hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh công nhận đối với doanh nghiệp liên doanh, hoặc kết quả kiểm toán của cơ quan kiểm toán đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hoặc các bên tham gia hợp doanh công nhận phù hợp với Luật pháp hiện hành của Việt Nam.

Trường hợp các chủ đầu tư sau tiếp tục chuyển nhượng lại phần vốn góp của mình, giá trị ban đầu của phần vốn đem chuyển nhượng từng lần sau đó được xác định bằng giá trị chuyển nhượng của hợp đồng chuyển nhượng ngay trước đó cộng với giá trị thực tế vốn góp bổ sung thêm (nếu có) xác định theo nguyên tắc nêu tại khoản này.

+ Chi phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, theo chứng từ gốc được cơ quan thuế công nhận. Trường hợp chi phí chuyển nhượng phát sinh ở nước ngoài thì các chứng từ gốc đó phải được một cơ quan công chứng hoặc kiểm toán độc lập của nước có chi phí phát sinh xác nhận.

Chi phí chuyển nhượng bao gồm: chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng; các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác, có chứng từ chứng minh.

1.2. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp:

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn là 25%.

2. Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài:

Nhà đầu tư nước ngoài có lợi nhuận từ chuyển nhượng vốn, sau khi đã nộp thuế thu nhập chuyển nhượng vốn theo hướng dẫn tại điểm 1 trên đây, khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hoặc giữ lại lợi nhuận tại nước ngoài, phải nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Mức thuế suất thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định tại Giấy phép đầu tư.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chưa góp đủ vốn pháp định theo Giấy phép nhưng không tiếp tục đầu tư và chuyển nhượng vốn, có lợi nhuận từ chuyển nhượng vốn. Khi chuyển số lợi nhuận thu được từ chuyển nhượng vốn ra nước ngoài phải xác định mức thuế suất thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo mức vốn pháp định thực tế đã góp tại thời điểm chuyển nhượng phù hợp với quy định tại Điều 50 của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP .

3. Kê khai, nộp thuế:

3.1. Kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn:

Bên nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế phải nộp của bên chuyển nhượng và nộp vào NSNN.

Chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền chuẩn y việc chuyển nhượng vốn, bên nhận chuyển nhượng vốn phải lập tờ khai thuế về chuyển nhượng vốn nộp cho cơ quan thuế địa phương nơi quản lý doanh nghiệp (theo Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư này) kèm theo hợp đồng chuyển nhượng, quyết định chuẩn y việc chuyển nhượng vốn của cơ quan có thẩm quyền, chứng nhận vốn góp và các chứng từ gốc của các khoản chi phí; đồng thời nộp đủ số thuế phải nộp Kho bạc Nhà nước và gửi bản sao giấy nộp tiền thuế cho cơ quan chuẩn y việc chuyển nhượng vốn.

Trường hợp phát hiện việc kê khai, tính toán số thuế phải nộp chưa chính xác, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được tờ khai, cơ quan thuế phải thông báo số thuế phải nộp cho người nộp thuế hoặc yêu cầu người nộp thuế cung cấp các tài liệu cần thiết để xác định chính xác số thuế phải nộp.

3.2. Kê khai nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài: theo hướng dẫn tại điểm 3, Mục II, Phần này.

V. CÁC LOẠI THUẾ VÀ NGHĨA VỤ TÀI CHÍNH KHÁC

Các loại thuế và các nghĩa vụ tài chính khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môn bài, thuế tài nguyên, tiền thuê mặt đất, mặt nước, mặt biển... áp dụng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên nước ngoài hợp doanh được thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành.

Phần thứ ba:

QUYẾT TOÁN THUẾ VÀ KIỂM TRA TÌNH HÌNH NỘP THUẾ TẠI DOANH NGHIỆP

I. QUYẾT TOÁN THUẾ HÀNG NĂM

Kết thúc mỗi năm tài chính, các doanh nghiệp phải lập báo cáo quyết toán thuế gửi cho cơ quan thuế. Việc quyết toán thuế hàng năm được tiến hành theo nội dung quy định dưới đây:

1/ Chậm nhất là sau 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp phải nộp báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, báo cáo kế toán đã được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập được phép hoạt động tại Việt Nam, Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (theo Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư này) và báo cáo quyết toán các khoản thuế phải nộp trong năm (theo Phụ lục số 7 ban hành kèm theo Thông tư này) cho Cục thuế địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở điều hành chính.

Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày quy định nộp báo cáo quyết toán thuế nêu trên, các doanh nghiệp phải nộp số thuế còn thiếu theo báo cáo quyết toán vào Ngân sách Nhà nước. Nếu sau 10 ngày mà chưa nộp thì ngoài việc nộp đủ số thuế còn thiếu, các doanh nghiệp còn phải nộp tiền phạt nộp chậm theo quy định.

Các doanh nghiệp không được phép bù trừ số nộp thừa của loại thuế này với số nộp thiếu của loại thuế khác khi lập quyết toán thuế hàng năm.

2/ Căn cứ báo cáo sản xuất, kinh doanh và báo cáo quyết toán tài chính của doanh nghiệp, Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tính toán lại từng loại thuế doanh nghiệp phải nộp trong năm tài chính, đồng thời đối chiếu với các tờ khai thuế định kỳ trong năm để xác định tính xác thực của các tờ khai thuế, báo cáo quyết toán thuế. Trường hợp báo cáo thuế doanh nghiệp lập không chính xác, Cục thuế tổ chức kiểm tra tình hình nộp thuế của doanh nghiệp.

II. KIỂM TRA TÌNH HÌNH NỘP THUẾ TẠI DOANH NGHIỆP

Trong quá trình quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, Cục thuế tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra thuế định kỳ hoặc đột xuất tại doanh nghiệp khi cần thiết. Cục thuế phải tổ chức kiểm tra mỗi năm một lần tình hình nộp thuế đối với các trường hợp sau đây :

- Các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động phát sinh lỗ liên tục từ 3 năm trở lên.

- Các doanh nghiệp trọng điểm thu.

- Các doanh nghiệp báo cáo quyết toán thuế không chính xác hoặc không rõ ràng hoặc báo cáo quyết toán thuế ghi không đầy đủ các chỉ tiêu phục vụ việc tính toán thuế.

- Các doanh nghiệp không nộp báo cáo quyết toán thuế hoặc nộp không đúng thời hạn.

- Các doanh nghiệp có tình hình tài chính biến động lớn trong năm tính thuế so với các năm trước đó.

Trước khi kiểm tra doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc bên nước ngoài hợp doanh, cơ quan thuế phải có quyết định kiểm tra, trong đó nêu rõ nội dung kiểm tra và thời hạn kiểm tra. Quyết định kiểm tra được gửi tới doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc đại diện Bên nước ngoài hợp doanh trước ngày bắt đầu kiểm tra ít nhất 3 ngày làm việc. Trong trường hợp cần kiểm tra thêm các nội dung khác với nội dung ghi trong quyết định kiểm tra hoặc kéo dài thời hạn kiểm tra thì cơ quan thuế phải có quyết định kiểm tra bổ sung.

Kết thúc kiểm tra, cơ quan thuế phải lập biên bản kiểm tra có chữ ký của cán bộ thuế phụ trách đội kiểm tra gửi cho doanh nghiệp. Biên bản kiểm tra này cơ quan thuế có trách nhiệm gửi về Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) cùng với báo cáo tài chính của doanh nghiệp (bản sao).

Đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp có trách nhiệm ký vào biên bản kiểm tra. Trường hợp có những nội dung không nhất trí với các ý kiến cơ quan thuế kết luận trong biên bản kiểm tra thì doanh nghiệp có quyền có ý kiến và ghi vào biên bản kiểm tra để khiếu nại với cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế hoặc khiếu nại lên Tổng cục thuế và Bộ Tài chính. Trong quá trình chờ giải quyết khiếu nại, doanh nghiệp hoặc bên nước ngoài hợp doanh vẫn phải thực hiện nghiêm chỉnh các kết luận cơ quan thuế đã đưa ra.

III. QUYẾT TOÁN THUẾ KHI DOANH NGHIỆP HẾT THỜI HẠN HOẠT ĐỘNG HOẶC GIẢI THỂ

Khi các bên hợp doanh kết thúc hợp đồng hoặc khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hết thời hạn hoạt động hoặc giải thể theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong vòng 45 ngày kể từ khi cơ quan cấp giấy phép đầu tư ra quyết định giải thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải nộp báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế cần tiến hành ngay các công việc sau:

1. Thực hiện công tác kiểm tra báo cáo quyết toán thuế.

2. Xác định quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nội dung chủ yếu của công tác này là:

- Xác định về số vốn đầu tư của các chủ đầu tư đang có trên tài khoản của doanh nghiệp bao gồm vốn bằng tiền, tài sản cố định, vật tư, hàng hoá. Xác nhận cho các chủ đầu tư nước ngoài số vốn đầu tư có thể chuyển ra nước ngoài.

- Đối với trường hợp bên nước ngoài cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt nam khi hết thời hạn hoạt động nhưng chấm dứt trước thời hạn do các nguyên nhân không phải bất khả kháng, nếu bên nước ngoài không chuyển giao tài sản theo cam kết sẽ phải hoàn lại những ưu đãi đã được hưởng do cam kết chuyển giao không bồi hoàn mà có. Cục thuế căn cứ thực tế của doanh nghiệp, đối chiếu với quy định tại các Điều 46, 47, 48 và 49 Nghị định số 24/2000/NĐ-CP để xác định số thuế phải nộp của doanh nghiệp, thông báo thuế theo quy định gửi ban thanh lý doanh nghiệp và cơ quan cấp giấy phép đầu tư.

- Xác định các khoản lãi hoặc lỗ và quyền lợi, trách nhiệm của các chủ đầu tư liên quan đến số lãi hoặc lỗ đó. Xác nhận khoản thu nhập mà các chủ đầu tư nước ngoài được hưởng có thể chuyển ra nước ngoài. Số thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài này sẽ được thu ngay cho Ngân sách nhà nước trừ trường hợp các chủ đầu tư nước ngoài xuất trình các chứng từ chứng minh được số thu nhập đó không chuyển ra nước ngoài vì một trong các lý do sau:

+ Sử dụng để tái đầu tư tại Việt Nam theo Quyết định của cơ quan cấp giấy phép đầu tư.

+ Sử dụng cho các nhu cầu chi tiêu của cá nhân tại Việt Nam ngoài các thu nhập khác đã khai báo.

+ Chi dùng tại Việt Nam cho các mục đích khác.

IV. BIỆN PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ THỊ TRƯỜNG TRONG QUAN HỆ GIAO DỊCH GIỮA CÁC DOANH NGHIỆP LIÊN KẾT

Để đảm bảo xác định đúng nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp, trong quá trình kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra báo cáo quyết toán thuế của doanh nghiệp, nếu phát hiện có các vấn đề bất hợp lý về giá hoặc tỷ suất thu nhập trong các giao dịch giữa các doanh nghiệp liên kết, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp dưới đây để xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp:

1. Phương pháp so sánh giá thị trường:

Cơ quan thuế có thể sử dụng giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trên thị trường để ấn định cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trao đổi, buôn bán nội bộ giữa các doanh nghiệp liên kết. Điều kiện để áp dụng phương pháp so sánh giá thị trường:

(i) Không có sự khác nhau giữa 2 nghiệp vụ kinh doanh được so sánh ảnh hưởng đến giá giao dịch như chất lượng hàng hoá, nhãn hiệu hàng hoá, điều kiện giao hàng, quan hệ thanh toán.

(ii) Trường hợp có sự khác nhau trong việc so sánh 2 nghiệp vụ kinh doanh thì có thể sử dụng các biện pháp tính toán để loại trừ các nhân tố ảnh hưởng đến giá giao dịch.

Ví dụ: Một Công ty dầu nhờn của nước ngoài bán cho doanh nghiệp liên doanh A tại Việt nam (Doanh nghiệp A là doanh nghiệp liên doanh giữa Công ty dầu nhờn nước ngoài đó và một Công ty tại Việt Nam) 1.200 lít dầu nhờn với giá 1500 USD, trả tiền sau 6 tháng. Cũng thời gian đó, Công ty dầu nhờn nước ngoài đó bán cho doanh nghiệp B là doanh nghiệp độc lập tại Việt Nam 1000 lít dầu nhờn với giá là 1000 USD với điều kiện thanh toán ngay. Giả sử lãi suất tín dụng thương mại trên thị trường kỳ hạn 6 tháng là 5%. Khi xác định thu nhập của Xí nghiệp liên doanh A, cơ quan thuế Việt Nam có thể xác định lại giá dầu nhờn trong hợp đồng trên căn cứ vào giá so sánh theo hợp đồng của Công ty B như sau:

Đơn giá một lít dầu nhờn theo hình thức thanh toán sau 6 tháng:

1.000 USD + 1.000 USD x 5%

---------------------------------------- =

1.05 USD lít

1.000 lít dầu

 

Giá ấn định cho hợp đồng giữa Công ty liên doanh A và Công ty dầu nhờn nước ngoài là: 1.200 lít dầu x 1.05 USD/lít = 1.260 USD.

2. Phương pháp sử dụng giá bán ra để xác định giá mua vào:

Trường hợp đơn vị thương nghiệp có nguồn hàng hoá mua vào do một xí nghiệp liên kết ở nước ngoài cung cấp và không thể xác định được giá mua thực tế trên thị trường tự do, cơ quan thuế có thể sử dụng giá bán ra của đơn vị thương nghiệp để xác định giá mua vào theo công thức sau :

Giá mua = vào

Giá bán ra cho xí nghiệp độc lập

(trừ thuế nhập khẩu, nếu có)

-

Giá bán cho xí nghiệp độc lập

(trừ thuế nhập khẩu, nếu có)

x

Tỷ lệ lãi gộp bình quân ngành thương nghiệp

Tỷ lệ lãi gộp bình quân ngành thương nghiệp có thể được xác định căn cứ vào số liệu tỷ lệ lãi gộp của các mặt hàng khác của đơn vị đó thu mua từ xí nghiệp độc lập và bán cho các xí nghiệp độc lập hay tỷ lệ lãi gộp của các đơn vị thương nghiệp độc lập khác. Tỷ lệ lãi gộp được xác định theo công thức sau :

Tỷ lệ lãi gộp =

Doanh thu thuần - Giá vốn hàng bán

--------------------------------------- x

100%

 

Doanh thu thuần

 

(Số liệu căn cứ vào báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp)

Phương pháp sử dụng giá bán ra để xác định giá mua sẽ không áp dụng trong trường hợp:

- Hàng hoá sản phẩm trước khi bán ra đã gia công, chế biến, lắp ráp, thay hình đổi dạng, tăng thêm giá trị sử dụng;

- Hàng hoá sản phẩm trước khi bán ra được gắn với nhãn hiệu thương mại, tên thương mại có giá trị cao trên thị trường.

- Thời gian giữa thời điểm mua hàng và thời điểm bán hàng kéo dài trên một năm và trong thời gian đó thị trường có sự biến động lớn về giá cả.

Ví dụ : Một doanh nghiệp A tại Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư từ Công ty B sản xuất rượu của nước ngoài. Doanh nghiệp A độc quyền tiêu thụ sản phẩm của Công ty B tại thị trường Việt Nam. Trong năm 1999 doanh nghiệp A nhập khẩu từ Công ty B 10.000 lít rượu, đã nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt theo ấn định của Hải quan là 75.000 USD và trong năm tiêu thụ toàn bộ số rượu với doanh số quy đổi là 185.000 USD. Cuối năm 1999 cơ quan thuế xác định giá mua vào sản phẩm rượu của Xí nghiệp A như sau:

Doanh thu thuần = Doanh thu bán hàng - Thuế nhập khẩu.

= 185.000 USD - 75.000 USD = 110.000 USD

Giá bán ra (trừ thuế nhập khẩu)

=

110.000 USD

-----------------

10.000 lít

=

11 USD/lít

Giả sử tỷ lệ lãi gộp bình quân ngành kinh doanh rượu là 10%

Giá mua vào = 11 USD lít - 11 USD lít x 10% = 9,9 USD lít.

3. Phương pháp sử dụng giá thành toàn bộ để xác định thu nhập chịu thuế.

Trường hợp một đơn vị sản xuất, chế biến bán thành phẩm và giao toàn bộ cho xí nghiệp liên kết, không có sản phẩm bán ra trên thị trường để xác định giá so sánh, cơ quan thuế có thể căn cứ vào sổ sách kế toán hạch toán chi phí của đơn vị để xác định thu nhập của đơn vị đó theo công thức sau:

Thu nhập ấn định

=

Tổng giá thành toàn bộ sản phẩm

x

Tỷ lệ thu nhập ròng bình quân ngành sản xuất

 

Tổng giá thành toàn bộ sản phẩm giao trong kỳ

=

Giá vốn hàng giao trong kỳ

+

Chi phí giao hàng trong kỳ`

+

Chi phí quản lý chung

trong kỳ

Tỷ lệ thu nhập ròng bình quân ngành sản xuất có thể xác định căn cứ vào số liệu tỷ lệ thu nhập ròng của các xí nghiệp sản xuất độc lập khác.

Tỷ lệ thu nhập ròng được xác định theo công thức :

Tỷ lệ thu nhập ròng

=

Thu nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp

-----------------------------------------------------------------

Giá vốn hàng bán + Chi phí bán hàng + Chi phí quản lý chung

(Số liệu căn cứ vào báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp).

Ví dụ : Một doanh nghiệp may mặc A tại Việt nam là liên doanh giữa một Công ty B của nước ngoài và một Công ty Việt nam. Hoạt động của doanh nghiệp may mặc A là sản xuất gia công hàng may mặc và giao toàn bộ cho Công ty B tại nước ngoài. Giả sử trong năm 1999, doanh nghiệp A giao cho Công ty B 10.000 bộ quần áo với giá ấn định là 10 USD/ bộ. Sổ sách kế toán của xí nghiệp A trong năm 1999 có số liệu sau:

Giá vốn hàng bán

80.000 USD

 

Chi phí giao hàng

6.000 USD

 

Chi phí quản lý chung

12.000 USD

 

Tổng giá thành toàn bộ

98.000 USD

 

Doanh nghiệp A và Công ty B tại nước ngoài là hai Doanh nghiệp liên kết, cơ quan thuế có thể ấn định thu nhập chịu thuế như sau:

Giả sử cơ quan thuế xác định được tỷ lệ thu nhập ròng bình quân ngành sản xuất may mặc là 10%.

Thu nhập ấn định = 98.000 USD x 10%.

Trường hợp phát hiện những bất hợp lý về giá nhưng chưa có điều kiện áp dụng các biện pháp trên, cơ quan thuế cần thông báo để doanh nghiệp xuất trình các chứng từ có liên quan và yêu cầu doanh nghiệp cam đoan bằng văn bản tính hợp pháp của các chứng từ đã cung cấp.

Phần thứ tư:

ĐỒNG TIỀN NỘP THUẾ VÀ CÁC HƯỚNG DẪN KHÁC

I. ĐỒNG TIỀN NỘP THUẾ

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên nước ngoài hợp doanh nộp thuế bằng đồng Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp được phép của Bộ Tài chính sử dụng ngoại tệ trong hạch toán kế toán thì khi kê khai thuế phải quy đổi ra tiền Việt nam tại thời điểm kê khai.

Việc quy đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam hoặc ngược lại được thực hiện theo tỷ giá mua, bán thực tế bình quân trên thị trường ngoại tệ liên Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên báo Nhân dân hàng ngày. Trường hợp vào các ngày báo Nhân dân không phát hành hoặc có phát hành nhưng không thông báo tỷ giá thì tỷ giá quy đổi áp dụng theo tỷ giá của ngày trước đó.

Các khoản thu ngân sách từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hạch toán vào mục lục ngân sách theo quy định hiện hành.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP

1. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện đúng thủ tục đăng ký cấp mã số thuế, đăng ký thuế với cơ quan thuế trực tiếp quản lý theo đúng quy định hiện hành.

2. Chậm nhất là 5 ngày kể từ khi thay đổi mặt hàng kinh doanh hoặc thay đổi địa điểm đặt trụ sở điều hành; các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh phụ thuộc của doanh nghiệp hoặc bên nước ngoài hợp doanh phải làm thủ tục đăng ký thuế với cơ quan thuế tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở điều hành (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 79/1998/TT-BTC ngày 12/6/1998 của Bộ Tài chính).

3. Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về kê khai thuế.

4. Xuất trình đầy đủ các sổ sách, chứng từ kế toán và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc tính thuế, quyết toán thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.

5. Nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn quy định.

6. Khi có quyết định giải thể hoặc chấm dứt thời hạn hoạt động của dự án phải thông báo cho cơ quan thuế và nộp báo cáo quyết toán đúng thời hạn.

III. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN THUẾ

1. Hướng dẫn các đối tượng nộp thuế thực hiện đăng ký thuế và khai báo thuế theo đúng chế độ quy định.

2. Kiểm tra tờ khai thuế, kiểm tra sổ sách, chứng từ kế toán và các tài liệu cần thiết để tính thuế, có quyền yêu cầu các đối tượng nộp thuế giải đáp các vấn đề chưa rõ liên quan đến việc tính thuế.

3. Tính thuế, thông báo số thuế phải nộp cho đối tượng nộp thuế. Có quyền ấn định số thuế phải nộp trong trường hợp người nộp thuế không tự giác kê khai đúng thơì hạn quy định hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác hoặc không cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến việc tính thuế hoặc trường hợp các khoản thu bị ảnh hưởng bởi các quan hệ tài chính và thương mại không bình thường giữa các doanh nghiệp liên kết.

4. Lập biên bản và xử lý các vi phạm về thuế trong thẩm quyền được Luật pháp quy định.

5. Chịu trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh Luật pháp về thuế, đảm bảo tính trung thực, chính xác và khách quan.

6. Kiểm tra việc thực hiện đăng ký chế độ kế toán của các doanh nghiệp và kiểm tra việc thực hiện chế độ kế toán đã đăng ký.

7. Xác nhận các khoản thuế đã nộp của các chủ đầu tư nước ngoài trong trường hợp các chủ đầu tư nước ngoài yêu cầu.

IV. XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

1. Các vi phạm pháp luật về thuế sẽ bị xử phạt như sau:

- Không thực hiện đúng các quy định về đăng ký thuế như quy định tại điểm 1 Mục II, phần thứ tư của Thông tư này thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 22/CP ngày 17/4/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

- Không làm đúng các quy định về kê khai nộp thuế thì bị phạt tiền theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 22/CP ngày 17/4/1996 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

- Man khai, gian lậu tiền thuế thì bị xử phạt tiền đến 5 lần số thuế man khai, gian lậu.

- Chậm nộp thuế so với thời hạn quy định thì mỗi ngày chậm nộp phải bị phạt 0,1% (một phần nghìn) tính trên số thuế chậm nộp.

2. Thẩm quyền xử lý các vi phạm và khiếu nại:

- Thẩm quyền xử lý các vi phạm về thuế thuộc về cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế.

- Các khiếu nại về thuế của người nộp thuế do cơ quan thuế trực tiếp thu thuế xem xét và giải quyết. Nếu đương sự không đồng ý với kết luận giải quyết khiếu nại đó thì có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên và Bộ Tài chính hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của Pháp luật.

Trường hợp khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên và Bộ Tài chính thì quyết định xử lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính là quyết định cuối cùng. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại của cơ quan thuế cấp trên hoặc Bộ Tài chính, người có khiếu nại vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh kết luận giải quyết khiếu nại của cơ quan thuế cấp dưới hoặc của Tổng cục thuế đã đưa ra.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Cục thuế các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên nước ngoài hợp doanh thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tại Thông tư này.

Cục thuế có trách nhiệm bố trí một lực lượng cán bộ chuyên trách để quản lý thu các loại thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên nước ngoài hợp doanh. Bộ phận quản lý chuyên trách này có trách nhiệm hàng tháng, quý và khi kết thúc năm phải báo cáo với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) về tình hình thu thuế và các báo cáo khác phục vụ yêu cầu quản lý chung đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên nước ngoài hợp doanh hoạt động tại địa bàn.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Thông tư số 63/1998/TT-BTC ngày 13/5/1998, Thông tư số 89/1999/TT-BTC ngày 16/7/1999 của Bộ Tài chính.

 

Vũ Văn Ninh

(Đã ký)

 

PHỤ LỤC SỐ 1

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

TỜ KHAI THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Năm .....

- Tên doanh nghiệp:........

Mã số thuế:.. .. ..

- Giấy phép đầu tư

Số .......... ngày....

- Địa chỉ trụ sở điều hành chính:

 

- Năm tài chính áp dụng từ ngày.........

đến ngày........

- Tài khoản tiền gửi số:

mở tại ngân hàng.........

 

 

 

 

 

Đơn vị tính:

Số
thứ tự

Chỉ tiêu

Thực hiện năm trước

Dự kiến Năm nay

 

 

9 tháng đầu năm

ước 3 tháng cuối năm

Ước cả năm

 

1

2

3

4

5

6

1

Tổng các khoản thu

 

 

 

 

2

Các khoản được giảm trừ:

 

 

 

 

 

+ Chiết khấu bán hàng

 

 

 

 

 

+ Giảm giá bán hàng

 

 

 

 

 

+ Hàng bán bị trả lại

 

 

 

 

3

Doanh thu thuần (3=1-2)

 

 

 

 

4

Tổng các khoản chi được trừ:

 

 

 

 

 

Khấu hao tài sản cố định

 

 

 

 

 

Chi phí nguyên vật liệu, năng lượng

 

 

 

 

 

Lương và phụ cấp

 

 

 

 

 

Các chi phí khác

 

 

 

 

5

Thu nhập từ kinh doanh (5=3-4)

 

 

 

 

6

Thu nhập khác:

 

 

 

 

 

+ Chênh lệch mua, bán chứng khoán

 

 

 

 

 

+ Thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản

 

 

 

 

 

+ Thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản

 

 

 

 

 

+ Lãi tiền gửi, tiền cho vay, lãi bán hàng trả chậm

 

 

 

 

 

+ Chênh lệch do mua, bán ngoại tệ

 

 

 

 

 

+ Kết dư các khoản trích trước không chi, các khoản trích dự phòng

 

 

 

 

 

+ Thu hồi các khoản nợ khó đòi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Thu tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế

 

 

 

 

 

+ Các khoản nợ phải trả không có chủ

 

 

 

 

 

+ Các khoản thu nhập bỏ sót từ những năm trước

 

 

 

 

 

+ Các khoản thu nhập nhận được từ nước ngoài

 

 

 

 

 

+ Các khoản thu nhập không tính vào doanh thu

 

 

 

 

 

+ Các khoản thu nhập khác

 

 

 

 

7

Lỗ năm trước chuyển sang năm nay

 

 

 

 

8

Tổng thu nhập chịu thuế (8=5+6+7)

 

 

 

 

9

Thuế suất thuế thu nhập theo giấy phép

 

 

 

 

10

Thuế thu nhập doanh nghiệp (8x9)

 

 

 

 

11

Thu nhập chịu thuế thu nhập bổ sung

 

 

 

 

12

Thuế suất thuế thu nhập bổ sung

 

 

 

 

13

Thuế thu nhập bổ sung

 

 

 

 

14

Tổng số thuế (10+13)

 

 

 

 

 

Những điều chỉnh:

 

 

 

 

 

+ Số thuế được miễn giảm

 

 

 

 

 

+ Số thuế đã nộp ở ngoài nước

 

 

 

 

 

+ Số thuế nộp thừa, thiếu kỳ trước

 

 

 

 

 

Số thực phải nộp kỳ này

 

 

 

 

Cam đoan những số liệu khai trên đây là chính xác và trung thực.

Người lập biểu
(Ký và ghi rõ họ tên)

Kế toán trưởng
(ký và ghi rõ họ tên)

Ngày...tháng..năm....
Giám đốc
ký, đóng dấu

Nơi gửi tờ khai:

Cơ quan thuế:

Địa chỉ:

Cơ quan thuế nhận tờ khai:

Ngày nhận:

Người nhận: (ký và ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC SỐ 2

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

TỜ KHAI HOÀN THUẾ THU NHẬP TÁI ĐẦU TƯ

- Tên tổ chức, cá nhân nước ngoài:

- Địa chỉ tại Việt Nam:

- Mã số thuế:

- Hoạt động theo Giấy phép đầu tư số ........ ngày........

1. Số thu nhập thu được từ hoạt động đầu tư tạiViệt Nam

Cơ sở kinh doanh A: Mã số thuế:... .. ..

Năm......

Năm......

Cơ sở kinh doanh B: Mã số thuế.........

Năm..........

Hiện gửi tại tài khoản số.... tại Ngân hàng....

2. Số thu nhập đã sử dụng:

- Chuyển ra hoặc giữ lại ở nước ngoài: .................................................

- Góp vốn pháp định: .............................................................................

- Các mục đích khác (nêu rõ từng mục đích:.........................................

...............................................................................................................

3. Số thu nhập tái đầu tư........................................................................

4. Thời gian tái đầu tư, từ năm.......................... đến năm .......................

5. Văn bản chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số........... ngày..........

6. Số thu nhập được chia tái đầu tư vào dự án........... được cấp Giấy

phép số........................ ngày ................

7. Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của dự án nhận thu nhập tái đầu tư: ........................................................................................................

8. Số thuế thu nhập đề nghị hoàn trả ........................................................

Chúng tôi cam đoan những lời khai trên là chính xác và trung thực. Nếu cơ quan thuế kiểm tra phát hiện có sự không đúng với thực tế thì chúng tôi xin chịu xử lý theo pháp luật Việt nam hiện hành.

Xác nhận của cơ quan thuế
- Số thu nhập có thể đem tái đầu tư
- Số thuế thu nhập được hoàn trả

Ngày ......... tháng.......... năm..........
Người khai
(Ký tên)

 

PHỤ LỤC SỐ 3

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

TỜ KHAI NỘP THUẾ CHUYỂN LỢI NHUẬN RA NƯỚC NGOÀI

1.

Tên nhà đầu tư nước ngoài:.......................................................................

 

Quốc tịch: ..................................................................................................

2.

Tham gia đầu tư vốn tại doanh nghiệp :

................................................

 

Theo giấy phép đầu tư số ..................

ngày.....................

3.

Địa chỉ trụ sở điều hành chính của doanh nghiệp:.......................................

 

.....................................................................................................................

4.

Kê khai thu nhập thu được :

 

 

- Từ cơ sở kinh doanh A:

 

 

 

Năm :

 

 

 

Năm:

 

 

- Từ cơ sở kinh doanh B:

 

 

 

Năm:

Năm:

 

5.

Số thu nhập đã sử dụng:

 

 

- Đã chuyển ra hoặc giữ lại ở nước ngoài kỳ trước:...........................................

 

- Đã tái đầu tư tại Việt Nam:.............................................................................

 

- Đã sử dụng vào mục đích khác:......................................................................

6.

Số thu nhập xin chuyển ra nước ngoài lần này:

bằng tiền (của nước nào).......hoặc bằng hiện vật (tên hàng hoá, khối lượng).

 

Nếu chuyển bằng tiền, được rút ra từ tài khoản số ......... mở tại Ngân hàng.......

7.

Thuế suất thuế chuyển lợi nhuận theo Giấy phép:

8.

Số thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài:

Cam đoan những nội dung khai trrên đây là chính xác và trung thực.

 

Ngày ..... tháng ..... năm ...
Người khai
(Ký tên)

Xác nhận và thông báo thuế của cơ quan thuế:

- Số thu nhập được phép chuyển ra nước ngoài...

- Số thuế chuyển thu nhập phải nộp:.........

- Thuế nộp vào Kho bạc Nhà nước : ........

Chương ..... mục .... loại ..... khoản .... hạng....

 

Ngày ..... tháng ..... năm ...
Thủ trưởng cơ quan thuế
(Ký tên, đóng dấu)

 

 

THE MINISTRY OF FINANCE
------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
-------

No: 13/2001/TT-BTC

Hanoi, March 08, 2001

CIRCULAR

GUIDING THE IMPLEMENTATION OF TAX PROVISIONS FOR VARIOUS INVESTMENT FORMS UNDER THE LAW ON FOREIGN INVESTMENT IN VIETNAM

Pursuant to the Law on Foreign Investment in Vietnam, passed on November 12, 1996 by the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam; and the Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Foreign Investment in Vietnam, passed on June 9, 2000 by the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam;
Pursuant to the current tax laws and ordinances of the Socialist Republic of Vietnam; as well as the Governments decrees detailing the implementation of tax laws and ordinances;
Pursuant to the Governments Decree No.24/2000/ND-CP of July 31, 2000 detailing the implementation of the Law on Foreign Investment in Vietnam;
Pursuant to the Governments Decree No.36/CP of April 24, 1997 promulgating the Regulation on industrial parks, export-processing zones and hi-tech parks;
Pursuant to the Governments Decree No.62/CP of August 15, 1998 promulgating the Regulation on Build-Operate-Transfer (BOT) Contracts, Build-Transfer-Operate (BTO) Contracts and Build-Transfer (BT) Contracts applicable to foreign investment in Vietnam, and Decree No.02/1999/ND-CP of January 27, 1999 amending and supplementing a number of Articles of Decree No.62/CP;
The Finance Ministry hereby guides the implementation of tax provisions for various investment forms under the Law on Foreign Investment in Vietnam as follows:

Part I

GENERAL PROVISIONS

1. This Circular shall apply to the following subjects:

- Joint-venture enterprises and enterprises with 100% foreign capital, which are established under the Law on Foreign Investment in Vietnam (hereinafter called foreign-invested enterprises for short).

- Joint-venture banks between Vietnamese banks and foreign banks, which are licensed by the State bodies managing foreign investment under the Law on Foreign Investment in Vietnam.

- Foreign-invested insurance enterprises and insurance brokerage enterprises, which are established and operating under the Law on Foreign Investment in Vietnam and the Law on Insurance Business.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Foreign parties to business cooperation contracts (hereinafter referred to as foreign business cooperation parties) under the Law on Foreign Investment in Vietnam.

- BOT, BTO and BT enterprises established under the Law on Foreign Investment in Vietnam. In cases where operation regulations of enterprises issued by the Government or the BOT, BTO or BT contracts already approved by the Government contain provisions on tax obligations other than this Circulars guidance, such provisions shall apply.

All the above-mentioned subjects shall, depending on each specific context, be called enterprises for short.

Tax obligations of subjects conducting oil and gas prospection, exploration and exploitation in Vietnam under the Petroleum Law shall comply with separate guidance.

2. A number of definitions:

-"Tax calculation year" is the calendar year starting on January 1st and ending on December 31 every year. In cases where enterprises are allowed by the Finance Ministry to apply a fiscal year other than the calendar year, the tax calculation year shall be that fiscal year.

- "The first year with profit in business" is the first fiscal year when an enterprise earns profit, without offsetting losses transferred from the previous years.

- "Market price-free transaction contracts" are the transaction or trading contracts affected by abnormal commercial relationships such as the relationships between associated enterprises, which are bound together by set or imposed conditions other than those set among independent enterprises.

Enterprises shall be considered associated enterprises when:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(ii) Two enterprises are subject to the direct or indirect management or control by another enterprise or both enterprises are contributed with capital by another enterprise.

Part II

GUIDANCE FOR THE IMPLEMENTATION OF TAX PROVISIONS

I. ENTERPRISE INCOME TAX

1. Taxable objects:

All income amounts earned from any economic activity of enterprises shall be subject to enterprise income tax.

2. Taxpayers:

Enterprises shall be the payers of enterprise income tax.

In cases where a foreign organization or individual simultaneously invests in different business cooperation contracts, the enterprise income tax shall be calculated separately for each business cooperation contract (including cases where foreign companies set up general executive offices in Vietnam).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Taxable income in the tax calculation year

=

Turnover for calculation of taxable income in the tax calculation year

-

Total reasonable and valid expenses in the tax calculation year

+

Other incomes

When determining taxable incomes, enterprises may offset losses of previous years as prescribed in Article 55 of the Governments Decree No. 24/2000/ND-CP of July 31, 2000 detailing the implementation of the Law on Foreign Investment in Vietnam.

As for foreign business cooperation parties, they may carry forward losses incurred in the fiscal year of 2000 to the subsequent year for each business cooperation contract. For foreign business cooperation parties that apply a fiscal year other than the calendar year, if their 1999-2000 fiscal year ends before July 1, 2000 while losses still arise, such losses of the 1999-2000 fiscal year shall not be carried forward to the subsequent years.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Example: In 2000 enterprise A suffered from a loss of USD 500,000. It is expected that as from 2001, enterprise A starts to earn profit of USD 150,000, then USD 200,000 in 2002, USD 300,000 in 2003, USD 400,000 in 2004 and USD 550,000 in 2005. According to the provisions of its investment license, enterprise A shall be exempt from enterprise income tax for 2 years.

As a result, according to the provisions of Article 48, Decree No.24/2000/ND-CP, enterprise A shall be exempt from enterprise income tax for 2 years of 2001 and 2002 (2001 is the first year with profit in business). Enterprise A may opt for the transfer of its loss in the year 2000 to the years from 2003 to 2005 so as to enjoy the whole tax exemption for 2 years. The year to which its loss will be transferred shall be decided and registered by enterprise A itself (it may transfer the total loss amount of the year 2000 to the year 2005 or divide evenly such loss for the transfer thereof within 3 years from 2003 to 2005).

a/ Turnover for calculation of taxable income in the tax calculation year:

The turnover for calculation of taxable income of an enterprise is the whole proceeds from the sale of goods and provision of services (without value added tax) and other revenues of the enterprise in the tax calculation year.

In a number of specific cases, the turnover for calculation of taxable income shall be determined as follows:

* For goods sold by the mode of installment payment, it is the turnover of the sold goods calculated according to the lump-sum payment selling price, excluding the deferred payment interest.

* For asset-leasing activities such as the lease of houses, offices or infrastructure, it is the rent amount to be collected in each period according to the leasing contract. In cases where the rent is collected in advance for many years, the turnover for calculation of taxable income in each year shall be determined as equal to the advance rent amount divided evenly to the number of years with advance collection.

* For goods or services used for exchange, as donations or gifts, it is calculated according to the selling prices of products, goods or services of the same or equivalent type on the market at the time they are exchanged, donated or presented.

* For products for internal use, it is the production costs of such products.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



* For credit activities, it is the loan interest amounts that must be collected in the tax calculation year.

* For insurance and reinsurance business activities, it is the collectible insurance premium principals, expertise agency charge, reinsurance charge, reinsurance commissions and other revenues.

* For business cooperation contracts in form of product sharing, it is the proceeds from the sale of products, which shall be calculated as follows:

+ If the shared products are sold on the Vietnamese market, the turnover shall be determined according to the selling prices of such products on the Vietnamese market.

+ If the shared products are exported to foreign countries, the turnover shall be determined according to the FOB prices at the Vietnamese border gates.

When determining tax obligations of foreign business cooperation parties, if the business cooperation parties fail to provide the products selling prices or the sale of products fails to comply with the market price-based trading transaction principles, the turnover shall be determined according to the principles prescribed in Section IV, Part III of this Circular.

b/ Reasonable expenses in the tax calculation year:

The expenses related to the generation of taxable income in the tax calculation year of an enterprise, regardless of the applicable accounting regime, shall be determined to include the following:

b1. Depreciation expense and expense for the repair of fixed assets used for production, business and/or provision of services. The fixed asset depreciation rate shall be determined on the basis of such assets use duration registered by the enterprise itself with the tax authority directly managing it on the principle of straight-line depreciation in accordance with the provisions of the Finance Ministers Decision No. 166/1999/QD-BTC of December 30, 1999.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b3. Salaries, wages, remuneration and payments of salary and wage nature; mid-shift meal expenses and allowances as well as subsidies paid to Vietnamese and foreign laborers on the basis of labor contracts or collective labor agreements in compliance with the labor legislation applicable to enterprises, which are established and operating under the Law on Foreign Investment in Vietnam.

b4. Expenses for scientific and technological research; innovations; environmental protection; maintenance of storehouses, buildings, fire prevention and fight; education, training and health care, including expenses in outward support of health care and education, such as contributions to study promotion funds, assistance for schools of handicapped, homeless and supportless pupils.

b5. Expenses for services purchased from outside:

- Expenses for power, water, telephone, stationery, audit hiring, printing of documents.

- Liability or property insurance premiums according to insurance policies signed with Vietnamese insurance enterprises or other insurance enterprises licensed to lawfully operate in Vietnam.

- Expenses for hiring the overhaul of fixed assets in order to restore their capacity shall be accounted into production and business costs in the year. If an overhaul-expense amount is too large, the concerned enterprise may make a plan on the distribution thereof to the following years. For particular fixed assets requiring regular repair, the enterprise is entitled to make an advance deduction of the overhaul expense from the production and business costs on the basis of its overhaul expense estimate. If the advance deduction is lower than the actual overhaul expense, the enterprise may additionally account the difference into its expenses; if the advance deduction is higher than the actual overhaul expense, the expenses shall be accounted with decrease in the year.

- The rentals of houses and land for head offices or workshops. In cases where the house- and/or land-renting enterprises pay in advance the rentals for many years, these rentals shall be distributed to each year according to the number of years with the advance payment.

- The rentals of fixed assets (machinery, equipment and facilities), which shall be accounted into the production and/or business costs according to the amounts actually paid under renting contracts. In cases where the fixed asset rental is paid in lump-sum for many years, such rental shall be gradually accounted into the production and/or business costs according to the number of years during which the fixed assets are used.

- Expenses for the procurement of or payment for, technical documents, services or techniques; expenses for copyright and technology transfer; expenses for the use of objects of industrial property such as patents or trademarks under the technology transfer contracts or license contracts already approved by the Ministry of Science, Technology and Environment or the competent agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b6. Payments for female laborers as prescribed by law; expenses for labor safety, safeguarding of business establishments; remittances to the funds for social and health insurance for laborers, which fall within the enterprises obligations, or to the trade union operation fund according to the prescribed regime.

b7. Loan interests within the limit of the ceiling lending interest rate announced by the State Bank of Vietnam for domestic loans; banking fees and loan interest rates paid under credit contracts already approved by the State Bank for foreign loans. If a credit contract has not yet been approved by the State Bank, the interest rate and fee shall be determined according to the actual payments in accordance with the provisions of the credit contract but must not exceed the highest lending interest rate of the State commercial credit institutions.

For joint-venture banks, they are reasonable interest rates and discounts paid for deposits, loans or other financial instruments.

All expenses for interests on loans related to the contribution of legal capital or charter capital (for banking activities) shall not be accounted into the reasonable and valid expenses when determining the taxable profit.

b8. Reserves for the decrease of prices of unsold goods, bad debts or decrease of securities prices at enterprises shall comply with the guidance of the Finance Ministry.

b9. Severance allowance for laborers according to the current regime.

b10. Expenses related to the operation of the Managing Board (for example: expenses for meetings of the Managing Board) of a joint-venture enterprise in compliance with the joint ventures charter or resolution of the Managing Board.

b11. Expenses directly related to the circulation and sale of products or provision of services such as expenses for goods preservation and packing, loading and unloading, transportation, storehouse and store-yard rent, product or goods warranty.

b12. Expenses for advertisement, marketing, sale promotion, guest reception, festive occasions, transactions, external relations and conferences as well as other expenses, which must not exceed the restricted levels prescribed below:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- For trading, food and drink catering and service business activities, they must not exceed 7%, for the first 2 years after the enterprises establishment, then 5%, for the subsequent years, of the total amount of expenses prescribed in Clauses of from b1 to b11 above (excluding the cost prices of the sold goods).

- For enterprises in such branches as production and trading of electricity, gas, oil refinement, petrol and oil trading, post and telecommunications as well as aviation, they must not exceed 5%, for the first 2 years after the enterprises establishment, then 3%, for the subsequent years, of the total amount of expenses prescribed in Clauses of from b1 to b11 above (excluding the cost prices of the sold goods for trading activities).

In some particular cases where these expenses should be restricted to levels higher than the above-mentioned ones, they must be approved in writing by the Finance Ministry, but must not exceed 7% of the total amount of expenses prescribed in Clauses b1 to b11 above.

b13. Contributions to Vietnamese organizations for charity or humanitarian purposes such as contributions to overcoming consequences of natural calamities, accidents; contributions to the funds in support of heroic Vietnamese mothers, families of fallen combatants and people with meritorious services to the revolution, disabled people, homeless and supportless people and funds for social disease prevention and fight.

b14. Payable taxes, charges and fees of tax nature, which are related to production activities, goods trading and/or services provision but do not include: value added tax (VAT), enterprise income tax and tax on income transferred abroad.

Particularly for enterprises engaged in the production and/or trading of goods not subject to VAT or enterprises paying VAT by the direct method, the expenses used for taxable income calculation shall cover also the VAT amount in the input goods and/or services buying prices.

All the above-mentioned expenses must be evidenced by valid vouchers; any expense amount without vouchers or with invalid vouchers must not be accounted into the expenses when determining income liable to enterprise income tax. Enterprises must not account into their expenses fines and expenses which are not related to their turnovers and taxable incomes, such as expenses for capital construction investment and expenses covered by other funding sources. Enterprises established and operating in Vietnam under the Law on Foreign Investment in Vietnam must not allocate the management expenses of their parent companies overseas.

c/ Other incomes:

Other incomes of enterprises include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c2. Foreign currency purchase and sale difference, securities purchase and sale difference; exchange rate difference under the guidance of the Finance Ministry.

c3. Income earned from the right to own and use the enterprises assets, including income from the asset assignment or liquidation. In cases where the enterprises assets are lost or damaged due to subjective causes, those losses related to such assets must not be accounted into other incomes and the wrongdoers must be identified to make compensations for the losses according to the prescribed regime.

c4. Income earned from the recovery of bad debts which have already been written off from accounting books, or payable debts, of which the creditors cannot be identified; incomes omitted then discovered from the production and/or business activities in the previous years.

c5. The year-end credit balance of the advance deductions for expenses, which have not been wholly spent in the year.

c6. Incomes earned from activities related to the joint-venture participation or stock investment of an enterprise in other enterprises.

Incomes earned from overseas business activities shall be accounted into other incomes to determine the taxable income.

In cases where the income tax on such income amounts has been paid overseas, an enterprise shall have to determine the pre-income tax income amount earned overseas in order to calculate income tax thereon according to the Law on Enterprise Income Tax in Vietnam. When determining the payable income tax amount, the enterprise may subtract the income tax amounts already paid overseas but the subtracted tax amount must not exceed the income tax amount calculated according to the Law on Enterprise Income Tax for such incomes.

All incomes earned after the payment of enterprise income tax from joint-venture or cooperation activities with domestic enterprises shall not be accounted into other incomes when determining taxable income.

c7. Other incomes related to business but not accounted into turnover, including the customers bonuses, fines on the violation of contracts, incomes from the sale of discarded materials and faulty products (after deducting sale expenses), gifts in cash presented by organizations and/or individuals to enterprises.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



For foreign parties to business cooperation, in cases where their business licenses stipulate that they shall pay tax in form of packages payment over the sale turnover, the determination of the taxable income as well as the declaration of tax payment shall be effected according to the provisions of such licenses.

In cases where a foreign party to business cooperation signs a business cooperation contract with a Vietnamese party by the profit-sharing mode and one party is responsible for the common cost-accounting or both parties jointly set up a coordination board for the common cost-accounting, the responsible business cooperation party or the coordination board shall have to declare and pay taxes arising in the business process, make cost-accounting, determine taxable income according to the above guidance and share taxable income according to the contract. Where loss is incurred under the contract, its annual loss amount shall also be shared among concerned parties and the foreign party may transfer its loss to the taxable incomes of the subsequent years for deduction. After receiving its income, the foreign party shall make self-declaration and pay enterprise income tax to the local tax authority.

4. Determination of payable tax amount:

Payable enterprise income tax amount in the tax calculation year

=

Taxable income

x

Enterprise income tax rate

of which:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The enterprise income tax rate is specified in the investment license. Where the investment license does not specify the enterprise income tax rate, the enterprise income tax rate of 25% shall apply.

In the course of operation, if a foreign-invested enterprise or a foreign party to business cooperation fails to meet criteria to enjoy preferential enterprise income tax rates and enterprise income tax exemption or reduction as prescribed in Articles 46 and 48 of the Governments Decree No. 24/2000/ND-CP of July 31, 2000, such enterprise shall not be entitled to the preferences. The tax authority directly managing tax collection from the enterprise shall base itself on the conditions for entitlement to enterprise income tax preferences which the enterprise actually meets every year to determine the preferential enterprise income tax rate and settle the enterprise income tax according to that rate, and at the same time report such to the Finance Ministry and the investment licensing body.

For enterprises granted investment licenses before August 1, 2000, if they meet the conditions for preferential enterprise income tax rate and enterprise income tax exemption or reduction prescribed in Articles 46 and 48 of the Governments Decree No. 24/2000/ND-CP of July 31, 2000, they may submit applications to the investment licensing bodies, requesting the adjustment of their investment licenses. Such enterprises shall enjoy preferences for the remaining period after their adjusted licenses take effect.

5. Procedures for registration, declaration and payment of enterprise income tax:

a/ Registration of enterprise income tax:

Enterprises shall have to register enterprise income tax at the time of VAT payment registration with the tax authorities directly managing them. Enterprises shall register the enterprise income tax payment at the tax authorities of the localities where they are headquartered.

b/ Declaration of enterprise income tax:

Not later than the 25th of the first month of each fiscal year at the latest, enterprises shall have to declare and submit declarations of tax amounts temporarily paid for the whole year to the tax authorities of the localities where they are headquartered. The basis for declaration shall be the enterprises production and business results of the previous fiscal year and their business prospects in the following year.

After receiving the declarations, the tax authorities shall verify and determine the tax amounts temporarily paid for the whole year and notify the enterprises of the tax amounts to be temporarily paid in each quarter. In cases where the enterprises fail to declare or declare unclear basis for determination of the tax amounts to be temporarily paid for the whole year, the tax authorities shall have the right to fix such tax amounts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Payment of enterprise income tax:

Enterprises shall temporarily pay enterprise income tax once every 3 months, starting from the first day of the tax calculation year. The temporary tax payment shall be made according to the tax payment notices of the tax authorities and by the last day of each quarter at the latest. At the end of the tax calculation year or upon the termination of the contracts, the settlement shall be made according to actual figures.

For business cooperation contracts with a term of under 1 year, the enterprise income tax shall be paid in 2 periods: the first payment shall be temporarily made by the middle of the contractual term and the tax settlement shall be effected upon the expiry of the contracts according to actual figures.

d/ Settlement of enterprise income tax:

The settlement of enterprise income tax shall be made annually according to the provisions in Part III of this Circular.

6. Reimbursement of enterprise income tax as the result of reinvestment:

a/ Foreign investors, who have fully made legal capital contributions under their investment licenses and used other lawful revenues from investment activities in Vietnam for reinvestment in the new or underway projects for 3 years or more, shall be refunded part or whole of the enterprise income tax amounts they have already paid for the reinvested incomes as prescribed in Article 51 of the Governments Decree No. 24/2000/ND-CP of July 31, 2000.

Where foreign investors reinvest in projects licensed before November 23, 1996, the enterprise income tax reimbursement levels shall be as follows:

- 100%, if invested in projects subject to the enterprise income tax rate of up to 14%.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- 50%, if invested in projects subject to the enterprise income tax rate of from 21% to under 25%.

b/ The enterprise income tax amount to be reimbursed for the reinvested profit shall be determined as follows:

T =

L

x S x t

100% - S

Of which:

T: is the income tax amount to be reimbursed.

L: is the after-enterprise income tax profit amount used for reinvestment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



t: is the percentage of enterprise income tax to be reimbursed.

c/ Procedures for reimbursement of enterprise income tax on reinvested profits:

In order to get the enterprise income tax amount that the enterprise has already paid for the reinvested profit, the concerned foreign investor or authorized person shall have to produce all the following documents to the provincial/municipal Tax Department of the locality where the enterprise with reinvested profit is headquartered:

- A written request or application for the reimbursement of enterprise income tax as the result of reinvestment, which clearly states the reasons for reinvestment and the foreign investors commitment to use his/her profit for reinvestment for 3 years or more.

- The declaration for income tax reimbursement as the result of reinvestment.

- The investment license or readjusted investment license or written approval issued by the investment licensing body (the copy with certification stamp of the enterprise), which clearly stipulates that the investor is permitted to use his/her profit for reinvestment.

- A written certification of the foreign partys full legal capital contribution by the Managing Board, for joint-venture enterprises; of the foreign investors commitment on the full contribution of legal capital or capital for the performance of the business cooperation contract (together with certification by an auditing organization), for enterprises with 100% foreign capital and foreign business cooperation parties.

- The vouchers (copies with the enterprises certification stamp) evidencing tax payment by the enterprise and the State Treasurys certification of the tax amount already paid by the enterprise.

After fully receiving the above-mentioned documents, within 15 working days, the provincial/municipal Tax Department shall inspect and determine the enterprise income tax amount already paid by the enterprise and calculate the enterprise income tax amount to be reimbursed to the foreign investor, then send the dossier to the Finance Ministry (the General Department of Tax). Within 15 working days after fully receiving the dossier, the Finance Ministry shall consider and issue decision on tax reimbursement for the investor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



* In cases where the enterprise income tax has been reimbursed to foreign investors, who fail to make the reinvestment thereof, such foreign investors shall have to repay to the budget the reimbursed enterprise income tax amounts, including the interests thereon, which shall be calculated as from the time the foreign investors receive the reimbursed enterprise income tax amounts till the time they fully return such amounts to the budget (according to the bank deposit interest rates), and shall be handled according to law.

II. TAX ON PROFITS TRANSFERRED ABROAD

1. Taxable object:

Profits earned by foreign economic organizations or individuals from capital investment in any forms prescribed in the Law on Foreign Investment in Vietnam (including the income tax amounts reimbursed for the reinvested income and income earned from the capital transfer), when being transferred out of the Vietnamese territory or retained outside Vietnam, shall all be subject to this tax.

Cases where foreign parties use the shared profit to pay debts for the parent companies or to cover expenses of the Vietnam-based representative offices of their parent companies shall all be considered the transfer of profits abroad and such foreign parties shall have to pay tax thereon.

Foreign economic organizations or individuals having profits transferred abroad shall have to declare and pay tax on the profit transferred abroad.

2. Determination of the payable tax amount:

The payable amount of tax on the transferred profits abroad shall be determined as equal to the profit amount transferred abroad or considered being transferred abroad, or the profit amount retained by the investor outside the Vietnamese territory, multiplied (x) by the profit transfer tax rate stipulated in the investment license. Where the granted investment license does not specify the tax rate for the profit transferred abroad, such tax rate shall comply with the provisions in Article 50 of the Governments Decree No. 24/2000/ND-CP of July 31, 2000.

For cases where investment licenses which had been granted before August 1, 2000, specify the tax rates for the profits transferred abroad higher than that stipulated in Article 50 of the Governments Decree No. 24/2000/ND-CP of July 31, 2000, the concerned investors or enterprises shall submit their applications to the investment licensing bodies for the readjustment of their investment licenses. Pending the official readjustment, if such investors transfer profit abroad they shall have to send applications to the provincial/municipal Tax Departments, clearly stating the conditions for entitlement to the new tax rate, and declare, pay tax at the new tax rate. The new tax rate for the profits transferred abroad shall apply to profits transferred abroad by the investors as from July 1, 2000.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Tax on the profit transferred abroad shall be collected upon each transfer of profit abroad. Particularly for cases where investors retain their profit outside Vietnam, pay debts for their parent companies or cover expenses for the latters offices in Vietnam, the tax declaration, payment and collection shall be made on the monthly basis.

- Before transferring profit abroad or no later than the 5th of the following month for cases where the profit is used for purposes deemed to be the transfer of profit abroad or the retention of profit outside the Vietnamese territory, the concerned foreign economic organizations or individuals shall have to make and submit tax declarations to the tax authorities directly managing the enterprises, where such economic organizations or individuals have invested capital in, and at the same time, pay the declared tax amount to the State Treasury.

- Within 5 working days after receiving the tax declarations, the tax authorities shall examine them and, if detecting any errors therein, issue notices on the payable tax amounts to the foreign investors. The foreign investors shall have to pay the outstanding tax amounts into the State Treasury according to the tax authorities notices. In cases where an investor fails to submit the tax declaration within the prescribed time limit, the tax authority may fix the tax amount to be temporarily paid, issue a tax notice and impose a fine on the delayed tax declaration.

The State Treasury shall hand over to the taxpayer a copy of the profit transfer tax payment voucher so that the latter fills in the procedures for the transfer of profit abroad.

- Annually, within 90 days at most after the end of the fiscal year, foreign investors shall have to report to the tax authorities directly managing enterprises on their shared profits, the use thereof and the payment of tax on the profit transferred abroad in the previous years. Such reports shall be submitted to the tax authorities together with the annual tax settlement reports of enterprises.

- In cases where in the annual enterprise income tax declaration already submitted to the tax authority (according to the provisions at Point 5b, Section I, Part II of this Circular), it is expected that the enterprise will earn profit and the investors agree to share its profit quarterly or biannually (as decided in writing by the enterprises Managing Board), the foreign investors may, periodically and right in the year, temporarily transfer abroad the shared profits arising in the fiscal year and have to declare the payment of tax on the profits transferred abroad for each time of profit transfer. The shared profit amount temporarily transferred abroad must not exceed 70% of the profit amount which may be shared to a foreign investor and shall be determined on the basis of the quarterly, biannual and annual financial reports of the enterprise.

The enterprise and foreign investor shall have to send (within 25 days after the end of the previous fiscal year) a document to the tax authority directly managing them, requesting the temporary transfer of profit, together with the declaration of the temporary payment of the annual enterprise income tax. The contents of the written request include:

i) The estimate of the profit amount to be earned in the fiscal year, specifically for each quarter and each half of the year;

ii) The estimate of the profit amount to be shared to investors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



iv) The resolution of the enterprises Managing Board on the plan to share profits to investors in the fiscal year (attached with the written request).

On the basis of the enterprises and foreign investors above requests, the tax authority shall conduct inspection and guide foreign investor to effect the temporary transfer of profit abroad and collect tax thereon according to the current tax legislation and under the guidance in this Circular.

- Where the foreign investor has paid tax on the profit transferred abroad but has, in fact, not transferred profit abroad or has used the profit for purposes not being considered the transfer of profit abroad, such foreign investor shall be refunded with the already paid tax amount. A dossier of application for reimbursement of the already paid tax amount shall include:

i) A written request for the reimbursement of the already paid tax amount, which must clearly state the reasons for the tax reimbursement; the name, address and account number of the foreign investor requesting the reimbursement of the already paid tax amount.

ii) A list of the paid tax amount attached with vouchers (copies) on money payment to the treasury and the State Treasurys certification of the already paid tax amount (clearly stating the chapter, category, clause and grade to which the tax has been paid as provided for in the State budgets contents).

iii) The certification by the bank managing the foreign investors deposit money of the non-transfer of profit amount which has already been declared for the payment of tax on the profit transferred abroad by the foreign investor.

The dossier of application for tax reimbursement shall be submitted to the local tax authority directly managing tax collection from the enterprise. The tax authority shall examine the dossier and, if deeming it complete and valid, send it to the Finance Ministry (the General Department of Tax) so that the latter may consider and issue a decision to refund the tax to the foreign investor.

Within 15 days after receiving the complete and valid dossier, the Finance Ministry shall issue a decision on tax reimbursement for the foreign investor.

III. EXPORT TAX AND IMPORT TAX

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Export and/or import tax exemption or reduction:

a/ Export tax:

Goods being materials, raw materials, semi-finished products sold by foreign-invested enterprises and business cooperation parties to export-processing enterprises for the production and/or processing of export goods shall be exempt from export tax according to the provisions in Article 8 of the Prime Ministers Decision No. 53/1999/QD-TTg of March 26, 1999.

Enterprises, when selling goods to export-processing enterprises, shall only have to make and submit export goods declarations to the export processing zones customs offices. The customs offices shall stamp the "duty-free goods" on the export goods declarations after the goods inspection.

b/ Import tax:

- In addition to the cases of tax exemption or reduction specified in the Law on Export Tax and Import Tax, foreign-invested enterprises and business cooperation parties shall also be entitled to the tax exemption or reduction according to Article 57 of the Governments Decree No. 24/2000/ND-CP of July 31, 2000.

Basing itself on the investment license, economic and technical exposition as well as technical design of each project and the list of the home-made construction materials issued by the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Trade or the authorized agency shall consider and approve the list of duty-free import goods for each enterprise.

Basing themselves on the approved lists of duty-free import goods, the Customs Departments of the provinces and centrally-run cities shall monitor the goods import by enterprises. Quarterly, the provincial/municipal Customs Departments shall have to submit to the Finance Ministry and the General Department of Customs a sum-up report on the export and import turnover as well as the volumes of the major export and import goods items of foreign-invested enterprises.

Particularly, the procedures for import tax exemption for production raw materials of projects on the manufacture of mechanical, electrical and electronic components and spare parts, projects of investment in the geographical areas meeting with exceptional socio-economic difficulties and projects on the list of those particularly encouraged for investment, shall comply with the Finance Ministrys Circular No. 40/2000/TT-BTC of May 15, 2000 and Circular No. 117/2000/TT-BTC of December 21, 2000.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The conditions and procedures for the temporary non-payment of import tax as well as the determination of the 9 month-plus duration of temporary non-payment of import tax on raw materials and materials imported for the production of export goods shall comply with the Finance Ministry’s Circular No. 172/1998/TT-BTC of December 22, 1998 guiding the implementation of the Law on Export Tax and Import Tax.

- Where enterprises sell their manufactured products to other enterprises for the direct production of export goods, they shall be exempt from import tax on the imported raw materials correspondingly to the volume of those goods as provided for in Article 58 of the Governments Decree No. 24/2000/ND-CP of July 31, 2000. The import tax exemption shall be effected as follows:

When importing materials and/or raw materials for the manufacture of products to be sold to other enterprises for the production of export goods, an enterprise shall have to fully pay import tax as prescribed. After the export goods-producing enterprises have already exported their products, the raw materials-importing enterprise shall fill in the procedures and submit a dossier to the Finance Ministry, requesting the reimbursement of import tax on the raw materials imported for manufacturing products sold to the export goods-producing enterprises. The dossier of application for tax reimbursement includes:

+ The enterprises written request for tax reimbursement, with clear calculation and inscription of the amount of import tax on raw materials to be reimbursed;

+ The norms on the wasted materials and raw materials for manufacturing products;

+ The import customs declaration and receipt of the import tax payment for materials and raw materials used for the manufacture of products;

+ The contracts on the sale of the enterprises products to other enterprises, which clearly state that the products shall be used for the manufacture of export goods;

+ The enterprises invoices on goods sale to the export goods-producing enterprises;

+ The export goods customs declarations (notarized copies) of the export goods-producing enterprises with certification by border customs offices of the actually exported goods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Basing itself on the above-mentioned documents, the Finance Ministry shall issue decisions to reimburse the import tax to the raw materials importing enterprise.

2. Declaration and retrospective collection of export tax and import tax arrears:

- In cases where export processing enterprises purchase goods, materials and/or raw materials from the domestic market and export them to foreign countries instead of putting them into production and/or processing, they shall have to pay export tax according to the current Law on Export Tax and Import Tax.

- If the import goods of foreign-invested enterprises or business cooperation parties, which have been exempt from import tax as specified in the above-mentioned cases, are used for purposes other than those approved for import tax exemption or sold on the Vietnamese market, the Trade Ministrys permission is required and the already exempted import tax amounts shall be retrospectively collected.

For goods subject to special consumption tax under the October 28, 1995 Law on Special Consumption Tax and May 28, 1998 Law No. 05/1998/QH10 on Special Consumption Tax, which had been imported duty-free before these laws took effect but were used for purposes other than the initial ones or sold on the Vietnamese market at the time the Law on Special Consumption Tax is already effective, the concerned foreign-invested enterprises or business cooperation parties shall, in addition to the payment of import tax arrears (according to the tax rates currently in force at the time of retrospective collection), have to pay special consumption tax for the goods subject thereto.

- Within 2 working days from the date the import goods are used for purposes other than the purposes for which they are exempt from import tax, or for sale, the concerned foreign-invested enterprises or business cooperation parties shall have to declare with the Customs Departments of the provinces or cities where enterprises are headquartered or where the goods are sold or where the import goods declarations are registered. Past the above time limit, if the enterprises or business cooperation parties fail to make declaration, they shall be sanctioned for tax evasion according to the provisions of the Law on Export Tax and Import Tax as well as the Law on Special Consumption Tax.

- For enterprises manufacturing mechanical, electric or electronic components and spare parts, projects of investment in the geographical areas facing exceptional socio-economic difficulties and projects on the list of those specially encouraged for investment, the already exempted import tax on raw materials and materials in service of production must be declared and settled according to the Finance Ministrys Circular No. 40/2000/TT-BTC of May 15, 2000.

Where enterprises which have enjoyed the special investment encouragement according to the criterion of exporting more than 80% of products, and the import tax exemption for imported raw materials for 5 years as prescribed in Article 57 of Decree No. 24/2000/ND-CP, manufacture products of different types, only those that really achieve the export percentage of over 80% shall be eligible for the above-mentioned import tax exemption. For products that the enterprises fail to achieve the export percentage of more than 80%, they shall only be exempt from import tax on the raw materials already used for the manufacture of the actually exported products and have to retrospectively pay the import tax temporarily exempted for products consumed in Vietnam.

Enterprises investing in geographical areas facing exceptional socio-economic difficulties but possessing production establishments in localities outside the list of those facing exceptional socio-economic difficulties, shall be entitled to import tax exemption for raw materials under Article 57 of Decree No. 24/2000/ND-CP only for the volume of raw materials imported for the production at their production establishments located in the areas facing exceptional socio-economic difficulties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



IV. TAX ON INCOME FROM CAPITAL TRANSFER

Foreign investors that transfer their contributed capital shares in joint-venture enterprises, enterprises with 100% foreign capital or business cooperation contracts and earn incomes shall have to pay tax on the incomes from the capital transfer according to the provisions of this Circular.

1. Enterprise income tax:

Income earned from capital transfer shall be subject to enterprise income tax under the Law on Foreign Investment in Vietnam.

Payable enterprise income tax

=

Taxable income

x

Enterprise income tax rate

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Taxable income

=

Transfer price

-

Initial value of the transferred capital amount

-

Transfer expenses

Of which:

+ The transfer price shall be determined as the total actual value that the transferor receives under the transfer contract. In cases where the transfer contract does not specify the payment price or the tax authority has grounds to determine that the payment price has not been determined according to the market prices, the tax authority may examine and fix the payment value of the contract on the basis of reference to the market prices or prices for sale to the third party and similar transfer contracts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In cases where the subsequent investors further transfer their contributed capital shares, the initial value of the transferred capital amount in each subsequent transfer shall be determined equal to the value of the preceding transfer contract plus the actual value of any additionally contributed capital (if any) determined on the basis of the principle mentioned in this Clause.

+ Transfer expenses mean the actual expenses directly related to the transfer, according to the original vouchers recognized by the tax authorities. Where the transfer expenses arise overseas, such original vouchers must be verified by a public notary or an independent auditing organization of the country where the expenses arise.

Transfer expenses include expenses for the completion of legal procedures necessary for the transfer; charges and fees payable at the time of filling in the transfer procedures; expenses for transactions, negotiations and conclusion of transfer contracts and other expenses, which are evidenced by valid vouchers.

1.2. Enterprise income tax rate:

The rate of enterprise income tax on income from capital transfer shall be 25%.

2. Tax on profits transferred abroad:

Foreign investors who earn profit from capital transfer, after paying tax on income from capital transfer under the guidance at Point 1 above, when transferring profit abroad or retaining it overseas, shall have to pay tax on the transfer of profit abroad. The rates of the tax on the transfer of profit abroad shall comply with the provisions of the investment licenses.

In cases where foreign investors have neither fully contributed legal capital according to their licenses nor continued their investment but transfer their capital and earn profits therefrom, and transfer abroad the profits earned from their capital transfer, the rate of tax on the profits transferred abroad must be determined according to the actual level of the contributed legal capital at the time of transfer in compliance with the provisions of Article 50 of Decree No.24/2000/ND-CP.

3. Tax declaration and payment:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The capital transferee shall have to deduct the transferors payable tax amount and remit it to the State budget.

Within 5 working days after the competent agency approves the capital transfer, the capital transferee shall have to make and send a tax declaration on capital transfer to the local tax authority managing the enterprise, which shall be enclosed with the transfer contract, the decision approving the capital transfer issued by the competent agency, the certification of the contributed capital and the original vouchers of expenses; and at the same time, fully pay the payable tax amount to the State Treasury then send a copy of the tax payment receipt to the body approving the capital transfer.

Upon detection of any inaccurate declaration or calculation of the payable tax amount, within 5 working days after receiving the declaration, the tax authority shall have to notify the taxpayer of the payable tax amount or request the latter to supply necessary documents in order to determine the accurate payable tax amount.

3.2. Declaration of the payment of tax on the profit transferred abroad: shall comply with the guidance at Point 3, Section II of this Part.

V. OTHER TAXES AND FINANCIAL OBLIGATIONS

Other taxes and financial obligations such as value added tax, special consumption tax, excise tax, natural resources tax, as well as land, water surface and sea surface rentals... applicable to foreign-invested enterprises and foreign business cooperation parties shall comply with the provisions of the current legal documents.

Part III

TAX SETTLEMENT AND INSPECTION OF TAX PAYMENT AT ENTERPRISES

I. ANNUAL TAX SETTLEMENT

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Within 90 days from the end of the fiscal year, enterprises shall have to submit reports on their production and business situation, accounting reports already audited by an independent auditing organization licensed to operate in Vietnam, declarations of enterprise income tax settlement and reports on the settlement of taxes payable in the year to the tax authorities of the localities where they are headquartered.

Within 10 working days from the date prescribed for the submission of the above-said tax settlement reports, enterprises shall have to pay the outstanding tax amounts according to their settlement reports to the State budget. Past that time limit, if the enterprises fail to make the payment, they, apart from having to fully pay the outstanding tax amounts, shall also have to pay fines for the delayed payment as prescribed.

Enterprises are not allowed to clear the overpayment of one tax against the underpayment of another tax when making their annual tax settlements.

2. On the basis of the enterprises business and production reports as well as financial settlement reports, the Tax Departments of the provinces and centrally-run cities shall recalculate the amount of each tax payable by enterprises in the fiscal year, and at the same time, compare these amounts with those stated in the tax declarations periodically submitted during the year in order to determine the accuracy of these declarations and tax settlement reports. Where the enterprises tax settlement reports are inaccurate, the Tax Departments shall organize the inspection of tax payment by enterprises.

II. INSPECTION OF TAX PAYMENT AT ENTERPRISES

In the course of managing tax payment by enterprises, the provincial/municipal Tax Departments shall have to organize regular or irregular tax inspections at enterprises when necessary. They shall, at least once a year, inspect the tax payment by the following subjects:

- Enterprises, which have operated not for long but suffered losses for 3 or more years in a row.

- Enterprises, which are considered key points for tax collection

- Enterprises whose tax settlement reports are inaccurate or unclear, or are not fully inscribed with indexes for the tax calculation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Enterprises, which see major fluctuation in their financial situation in the tax calculation year as compared to the previous years.

Before inspecting a foreign-invested enterprise or foreign business cooperation party, the tax authority shall have to issue inspection decision, clearly stating the contents and duration of inspection. The inspection decision shall be sent to the concerned foreign-invested enterprise or representative of the foreign business cooperation party at least 3 working days before the inspection begins. Where it is necessary to inspect contents other than those stated in the inspection decision or to prolong the inspection time, the tax authority shall have to issue an additional inspection decision.

Upon the completion of inspection, the tax authority shall have to make and send the enterprise an inspection record, which must be signed by the tax official being the head of the inspection team. The inspection record must also be sent by the tax authority to the Finance Ministry (the General Department of Tax) together with the enterprise financial report (copy).

The competent representative of the enterprise shall have to sign the inspection record. If the enterprise disagrees with the tax authority’s conclusions on a number of contents, it may reserve its opinions and inscribe them in the inspection record so as to complain with the tax authority directly managing the tax collection or further complain with the General Department of Tax and the Finance Ministry. Pending the settlement of its complaint, the enterprise or foreign business cooperation party shall still have to strictly comply with the conclusions of the tax authority.

III. TAX SETTLEMENT UPON THE EXPIRY OF OPERATING DURATION OR DISSOLUTION OF ENTERPRISES

Upon the termination of a business cooperation contract by the parties thereto or the expiry of the operating duration or dissolution of a foreign-invested enterprise under the Law on Foreign Investment in Vietnam, within 45 days after the investment licensing body issues the dissolution decision, the concerned foreign-invested enterprise shall have to submit its tax settlement report to the tax authority. The tax authority shall have to immediately proceed with the following jobs:

1. Inspection of the tax settlement report.

2. Determination of interests and responsibilities of each party to the foreign-invested enterprise or business cooperation contract. The major contents of this job include:

- Determination of the investors investment capital amounts currently on the enterprises account(s), including capital in cash, fixed assets, materials and goods. Certification of the investment capital amounts, which the foreign investors may transfer abroad.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Determination of profits or losses as well as the rights and responsibilities of the investors, which are related to such profits or losses. Certification of the income amounts, earned by the foreign investors, which may be transferred abroad. The amount of tax on the transfer of income abroad shall be immediately remitted to the State budget, except for cases where the concerned foreign investors produce vouchers evidencing that such income is not transferred abroad due to one of the following reasons:

+ It is used for reinvestment in Vietnam under decision of the investment licensing body.

+ It is used for personal spending needs in Vietnam, in addition to other incomes already declared.

+ It is used for other purposes in Vietnam.

IV. MEASURES TO DETERMINE MARKET PRICES IN THE TRANSACTIONS BETWEEN ASSOCIATED ENTERPRISES

To ensure the correct determination of tax payment obligations of enterprises, during the regular inspection or examination of tax settlement reports of enterprises, if any price or income ratio irrationality is detected in the transactions between associated enterprises, the tax authorities shall apply the following measures to determine the enterprises taxable incomes:

1. Method of comparing market prices:

The tax authorities may use the market prices of products, goods and/or services to fix the prices of products, goods and/or services exchanged or traded internally between associated enterprises. The conditions for the application of the method of comparing market prices are:

(i) There is no difference between the two compared business operations, which affect the transaction prices such as goods quality, trademarks, conditions for goods delivery and payment relations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Example:

A foreign lubricant company sells to Vietnam-based joint-venture enterprise A (a joint- venture between such foreign company and a company in Vietnam) 1,200 liters of lubricant for USD 1,500, to be paid after 6 months. At the same time, the foreign lubricant company sells to enterprise B, an independent enterprise in Vietnam, 1,000 liters of lubricant for USD 1,000, to be paid immediately. Supposing that the 6-month commercial credit interest rate on the market is 5%, when determining income of joint-venture enterprise A, the Vietnamese tax authority may re-determine the contract lubricant price, based on the comparison with the contract with company B as follows:

Unit price of 1 liter of lubricant with payment made after 6 months:

USD 1,000 + USD 1,000 x 5%

= USD 1.05/liter

1,000 liter of lubricant

The price determined for the contract between joint- venture company A and foreign lubricant company B shall be:

1,200 liters of lubricant x USD 1.05/liter = USD 1,260

2. Method of using the selling price to determine the buying price:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The buying price

=

The selling price of goods sold to independent enterprises (excluding import tax, if any)

-

The selling price of goods sold to independent enterprises  (excluding import tax, if any)

x

The average gross profit margin of the trade service

The average gross profit margin of the trade service may be determined on the basis of the gross profit margin of other goods purchased by that unit from independent enterprises or the gross profit margin of other independent trade units. The gross profit margin shall be determined according to the following formula:

The gross profit margin

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The net turnover

-

The cost price of goods

x 100%

The net turnover

 (The data shall be based on the enterprises reports on business results).

The method of using the selling price to determine the buying price shall not apply to the following cases where:

- The goods and products, before being sold, have already been processed, assembled, transformed or added with more use value;

- The goods and products, before being sold, have been affixed with trademarks, trade names of high value on the market.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Example: Enterprise A in Vietnam is an enterprise with 100% foreign capital invested by foreign company B which produces liquor. Enterprise A is the sole outlet for company Bs products on the Vietnamese market. In 1999, enterprise A imported from company B 10,000 liters of liquor, paid USD 75,000 for import tax and special consumption tax set by the customs office and sold the whole liquor volume for USD 185,000 as converted turnover in the year. By the end of 1999, the tax authority determined the buying price of the liquor of enterprise A as follows:

The net turnover = The sale turnover - The import tax = USD 185,000 - USD 75,000 = USD 110,000

The selling price (excluding import tax)

=

USD 110,000

= USD 11/liter

10,000 liters

Supposing that the average gross profit margin of liquor is 10%

The buying price = USD 11/liter - (USD 11/liter x 10%) = USD 9.9/liter

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In cases where an unit produces and/or processes semi-finished products and delivers all to an associated enterprise, without products being sold on the market to determine the comparative price, the tax authority may base itself on the accounting books and records of the units expenses to determine the income of that unit according to the following formula:

The determined income

=

The total production cost of all products

x

The average net income rate of the production branch

The total production cost of all products delivered in the period

=

The cost price of goods delivered in the period

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The goods delivery expenses in the period

+

The general management expenses in the period

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

The average net income rate of the production branch may be determined on the basis of the data on the net income rates of other independent production enterprises.

The net income rate shall be determined according to the following formula:

The net income rate

=

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The cost price of the sold goods

+

The goods sale expenses

+

The general management expenses

 (The data shall be based on the enterprises business results)

Example: Garment enterprise A in Vietnam is a joint -venture between foreign company B and a Vietnamese company. Garment enterprise A produces apparel articles under processing contracts and delivers them all to company B in the foreign country. Presuming that in 1999, enterprise A delivered to company B 10,000 suits at a set price of USD 10/suit. Enterprise As 1999 accounting books contain the following data:

The cost price of sold goods:

USD 80,000

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



USD 6,000

The general management expenses:

USD 12,000

The total production cost:

USD 98,000

As enterprise A and company B overseas are the two associated enterprises, the tax authority may fix the taxable income as follows:

Presuming that the tax authority determines the average net income rate of the garment industry to be 10%.

The determined income = USD 98,000 x 10%

In cases where price irrationalities are discovered but there exist no conditions for the application of the above-mentioned methods, the tax authority should notify such to enterprises so that the latter may produce the relevant vouchers, and request the enterprises to make written attestations on the legality of the produced vouchers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



TAX PAYMENT CURRENCY AND OTHER GUIDANCES

I. TAX PAYMENT CURRENCY

Foreign-invested enterprises and joint-venture business cooperation parties shall pay taxes in Vietnam dong.

Enterprises which are permitted by the Finance Ministry to use foreign currency(ies) in their cost-accounting and book-keeping activities, when making tax declaration, shall have to convert such foreign currency(ies) into Vietnam dong at the time of declaration.

The conversion of a foreign currency into Vietnam dong or vice versa shall be effected at the actual average purchasing and selling rates on the inter-bank foreign currency market as announced by the State Bank of Vietnam on the Nhan Dan (People) daily. For certain days on which the Nhan Dan daily is not published or published without announcement of the exchange rate, the exchange rate applicable to the conversion shall be the preceding days exchange rate.

All budget revenues from foreign-invested enterprises shall be accounted into the budget index according to current regulations.

II. RESPONSIBILITIES OF ENTERPRISES

1. Foreign-invested enterprises shall have to strictly comply with the procedures of registration for the granting of tax codes and make tax registration with the tax authorities directly managing them in accordance with current regulations.

2. Within 5 days after changing their goods lines for business or relocating their headquarters, enterprises, their business affiliates or foreign business cooperation parties shall have to fill in the procedures for tax registration with the tax authorities of the provinces or cities where they are headquartered.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To produce all accounting books, vouchers and necessary documents related to the tax calculation and settlement at the tax authoritys request.

5. To pay taxes in full and on time as prescribed.

6. To notify the tax authority of the decision on dissolution or expiry of the projects operating duration, and submit the final settlement report on time.

III. RESPONSIBILITIES AND POWERS OF TAX AUTHORITIES

1. To guide taxpayers to make tax registration and declaration in strict compliance with the prescribed regime.

2. To examine tax declarations, accounting books and vouchers as well as documents necessary for tax calculation, and request taxpayers to explain unclear matters related to the tax calculation.

3. To calculate taxes and notify the taxpayers of the payable tax amounts. To have the right to fix the payable tax amounts in cases where the taxpayers deliberately fail to make tax declaration within the prescribed time limit or make incomplete or inaccurate tax declaration or fail to provide adequate and accurate information related to the tax calculation, or where the revenues are affected by abnormal financial and commercial relations between the associated enterprises.

4. To record in writing and handle tax violations according to their competence prescribed by law.

5. To strictly enforce the tax legislation, ensuring its truthfulness, accuracy and objectivity.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. To certify tax amounts already paid by foreign investors at the latters request.

IV. HANDLING OF VIOLATIONS AND SETTLEMENT OF COMPLAINTS

1. Violations of tax legislation shall be sanctioned as follows:

- Failure to strictly comply with the provisions on tax registration at Point 1, Section II, Part IV of this Circular shall be sanctioned according to the provisions of the Governments Decree No. 22/CP of April 17, 1996 on sanctioning administrative violations in the field of tax.

- Failure to comply with the provisions on declaration for tax payment shall be fined according to the provisions of the Ordinance on the Handling of Administrative Violations, the Governments Decree No. 22/CP of April 17, 1996 and the current guiding documents.

- False declaration or evasion of taxes shall be fined up to 5 times the falsely declared or evaded tax amount.

- Delayed tax payment shall be subject to a fine of 0.1% (one thousandth) of the delayed tax amount for each day of delayed payment.

2. Competence to handle violations and complaints:

- Violations of the tax regulations shall be handled by the tax authorities directly managing tax collection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In cases where a complaint is lodged to the higher-level tax authority and the Finance Ministry, the Finance Ministers handling decision shall be the final one. Pending the settlement of his/her complaint by the higher-level tax authority or the Finance Ministry, the complainant shall still have to strictly comply with the settlement conclusions of the lower-level tax authority or the General Department of Tax.

V. ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

The provincial/municipal Tax Departments shall have to popularize the provisions of this Circular to foreign-invested enterprises as well as foreign business cooperation parties and guide them in the implementation thereof.

The provincial/municipal Tax Departments shall have to arrange sections comprising full-time personnel to manage the collection of taxes from foreign-invested enterprises and foreign business cooperation parties. These specialized managerial sections shall have to submit monthly, quarterly and annual reports to the Finance Ministry (the General Department of Tax) on the tax collection situation as well as other reports in service of the general management requirements for foreign-invested enterprises and foreign business cooperation parties operating in their respective localities.

This Circular takes effect 15 days after its signing and replaces the Finance Ministrys Circular No.63/1998/TT-BTC of May 13, 1998 and Circular No.89/1999/TT-BTC of July 16, 1999.

 

  

FOR THE FINANCE MINISTER
VICE MINISTER




Vu Van Ninh

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



FILE ATTACHED

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 13/2001/TT-BTC ngày 08/03/2001 hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Tài Chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.268

DMCA.com Protection Status
IP: 18.219.25.226
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!