BỘ NGOẠI GIAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
06/2014/TB-LPQT
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 01 năm 2014
|
THÔNG BÁO
VỀ
VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều
47 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại
giao trân trọng thông báo:
Hiệp định cụ thể cho dự án "Hỗ trợ xây dựng
chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp" giữa
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Bỉ,
ký tại Hà Nội ngày 20 tháng 01 năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm
2014.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo
quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Ngự
|
HIỆP ĐỊNH CỤ THỂ
GIỮA
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ VƯƠNG QUỐC BỈ
CHO DỰ ÁN "HỖ TRỢ XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ ƯƠM
TẠO DOANH NGHIỆP (BIPP)"
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
sau đây gọi tắt là "Việt Nam"
và
Chính phủ Vương quốc Bỉ, sau đây gọi tắt là
"Vương quốc Bỉ"
Sau đây được gọi tắt là "Các bên"
• Căn cứ vào «Hiệp định Khung về Hợp tác kinh tế,
Công nghiệp và Kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
và Chính phủ Vương quốc Bỉ» được ký kết tại Hà Nội ngày 11/10/1977;
• Căn cứ vào Biên bản đã được thông qua của kỳ họp
thứ sáu Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Phát triển giữa Vương quốc Bỉ và Việt Nam diễn
ra tại Hà Nội ngày 21/6/2011.
ĐÃ THỎA THUẬN NHƯ SAU:
Điều 1. Mục tiêu của Hiệp định
cụ thể
Hiệp định cụ thể này quy định những cam kết về mặt
thể chế, hành chính và ngân sách được hai Bên nhất trí trong việc thực hiện dự
án "Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo
doanh nghiệp (BIPP)", sau đây gọi tắt là "dự án".
Mục tiêu chung của dự án nhằm đóng góp vào Chiến lược
phát triển kinh tế xã hội và hỗ trợ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế và trở
thành một quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2020 nhờ lực lượng các doanh nghiệp
khoa học và công nghệ mạnh.
Mục tiêu cụ thể của dự án nhằm hỗ trợ Bộ Khoa học
và Công nghệ trong việc phát triển môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa
và nhỏ khoa học và công nghệ dựa trên cơ sở khung pháp lý đã được cải thiện và
một bộ cơ chế mạch lạc, chặt chẽ cho việc bắt đầu và vận hành các cơ sở ươm tạo
khoa học và công nghệ nhằm tăng cường cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ khoa
học và công nghệ.
Dự án được mô tả chi tiết trong Hồ sơ Kỹ thuật và Tài
chính, sau đây gọi tắt là HSKT&TC được đính kèm và là một phần không tách rời
của Hiệp định cụ thể này.
Điều 2. Trách nhiệm của các bên
2.1. Việt Nam chỉ định:
2.1.1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đây gọi tắt là
"Bộ KH&ĐT", là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát chung việc thực
hiện Hiệp định cụ thể này;
2.1.2. Bộ Khoa học và Công nghệ, sau đây gọi tắt là
Bộ KH&CN", là cơ quan chịu trách nhiệm phần đóng góp của Việt Nam, điều
phối và thực hiện Dự án theo phương thức như được mô tả trong chương 5 của
HSKT&TC.
2.2. Vương quốc Bỉ chỉ định:
2.2.1. Tổng Vụ Hợp tác Phát triển trực thuộc Bộ Ngoại
giao, Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Vương quốc Bỉ, sau đây gọi tắt là
"DGD" là cơ quan chịu trách nhiệm phần đóng góp của Vương quốc Bỉ cho
Dự án. DGD có đại diện là Giám đốc Văn phòng Hợp tác Phát triển thuộc Đại sứ
quán Vương quốc Bỉ tại Hà Nội;
2.2.2. Cơ quan Phát triển Bỉ - một công ty luật
công hoạt động với mục đích xã hội, sau đây gọi tắt là "BTC", là cơ
quan chịu trách nhiệm thực hiện, điều phối và theo dõi Dự án. BTC có đại diện
là Đại diện thường trú tại Hà Nội.
Điều 3. Đóng góp tài chính của
các bên
Vương quốc Bỉ cam kết đóng góp vào Dự án số tiền viện
trợ không hoàn lại là 4.000.000 (bốn triệu) ơ-rô.
Việt Nam cam kết đóng góp vào Dự án số tiền là 400.000
(bốn trăm ngàn) ơ-rô.
Chi tiết phần đóng góp của các Bên và việc sử dụng
được mô tả trong HSKT&TC.
Điều 4. Đóng góp và nghĩa vụ của
Việt Nam
Việt Nam sẽ áp dụng tất cả các biện pháp thể chế,
hành chính và ngân sách cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam để thực
hiện tốt và thuận lợi Dự án cũng như để đảm bảo tính bền vững của các kết quả của
dự án.
Theo đó, Việt Nam sẽ:
· Cho phép tiếp cận các tài liệu và sử dụng các dữ
liệu cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các hoạt động của dự án phù hợp với
các quy định của pháp luật Việt Nam;
· Cho phép dự án mở các tài khoản ngân hàng cần thiết
như được nêu trong HSKT&TC;
· Giữ các trang thiết bị được mua bằng các nguồn vốn
của dự án tại dự án và đảm bảo việc sử dụng và bảo dưỡng phù hợp;
· Áp dụng quy chế ưu đãi miễn trừ cho các chuyên
gia nước ngoài làm việc cho dự án theo Quyết định số 119/2009/QĐ-TTg ngày
01/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế chuyên gia nước
ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA;
· Cung cấp các hỗ trợ thông thường để các chuyên
gia nước ngoài hoàn thành nhiệm vụ thực hiện dự án;
· Bổ nhiệm các cán bộ nhà nước có năng lực vào các
vị trí công tác và trả lương, phụ cấp cho họ như được mô tả trong HSKT&TC;
· Cung cấp văn phòng làm việc phù hợp cùng một số
trang thiết bị cần thiết cho toàn bộ nhân viên dự án;
· Đóng góp vào chi phí hoạt động và bảo trì của dự
án như được mô tả trong HSKT&TC;
· Chịu trách nhiệm quản lý về mặt tài chính và kỹ
thuật nguồn vốn nhận được như là hỗ trợ tài chính để thực hiện dự án như được
nêu trong HSKT&TC.
Điều 5. Đóng góp và nghĩa vụ của
Vương quốc Bỉ
Vương quốc Bỉ sẽ góp phần vào thực hiện tốt và thuận
lợi Dự án thông qua cung cấp các đầu vào như được nêu chi tiết trong
HSKT&TC.
Theo đó, BTC sẽ:
· Chịu trách nhiệm quản lý về mặt tài chính và kỹ
thuật các dòng ngân sách của phía Bỉ;
· Chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động kiểm toán
và đánh giá độc lập như được mô tả trong HSKT&TC;
· Trả lương, bảo hiểm xã hội, chi phí đi lại và chỗ
ở cho các chuyên gia nước ngoài và gia đình (khi cần thiết và nếu có);
· Trả lương tổng, công tác phí và các khoản chi phí
khác liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên hợp đồng làm việc cho
Dự án do BTC tuyển dụng như được nêu trong HSKT&TC theo Hướng dẫn của Liên
Hợp Quốc - Liên minh châu Âu về chi phí địa phương trong hợp tác phát triển với
Việt Nam - Phiên bản 2012, do các cơ quan Liên Hợp Quốc, Đại sứ quán các nước
thành viên EU và Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Việt Nam ban hành, hoặc các văn bản thay thế;
· Đảm bảo chuyển tiền kịp thời vào các tài khoản của
Dự án cho việc thực hiện tốt Dự án, sau khi kiểm tra thấy các điều kiện trước
khi chuyển tiền đã được hoàn tất;
· Cung cấp dịch vụ và trang thiết bị như được nêu
trong HSKT&TC;
Điều 6. Quản lý, Chỉ đạo và
Giám sát Dự án
Theo Cam kết Hà Nội và Hiệu quả Viện trợ, hai bên sẽ
cùng nhau làm việc trên tinh thần nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch.
6.1. Bộ KHCN sẽ thành lập một Ban Quản lý Dự án
(BQLDA) đặt tại Vụ Tổ chức cán bộ. BQLDA sẽ đảm nhiệm điều hành hoạt động hàng
ngày của Dự án. Bộ KH&CN sẽ đảm bảo rằng BQLDA này hoạt động đầy đủ trong
suốt thời gian của Dự án, với số lượng nhân viên tối thiểu như được nêu trong
HSKT&TC. Thành phần và trách nhiệm của BQLDA được nêu chi tiết trong HSKT&TC.
Chi tiết và phương thức điều hành về mặt nhân sự, quản lý tài chính, mua sắm và
báo cáo được nêu cụ thể trong HSKT&TC.
6.2. Hai bên nhất trí thành lập Ban Chỉ đạo Dự án
(BCĐDA) chịu trách nhiệm hướng dẫn và điều hành Dự án về mặt tổ chức, kỹ thuật
và tài chính. Thành phần, số lần họp, quyền hạn và trách nhiệm của BCĐDA được
nêu trong HSKT&TC.
6.3. Căn cứ vào đánh giá tình hình và tiến độ thực
hiện dự án, BCĐDA có thể điều chỉnh HSKT&TC nhưng không làm thay đổi mục
tiêu chung và mục tiêu cụ thể của Dự án (điều 1) và tổng ngân sách (như được
xác định tại điều 3 của Hiệp định cụ thể và trong HSKT&TC) hoặc thời hạn của
Hiệp định cụ thể này (điều 12.1). Những điều chỉnh này, nếu cần, sẽ được thực
hiện thông qua trao đổi công hàm ngoại giao như được quy định tại điều 12.2.
6.4. Một bản sao báo cáo tiến độ và biên bản đã được
thông qua của các cuộc họp BCĐDA sẽ được gửi cho Giám đốc Văn phòng Hợp tác
Phát triển thuộc Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội.
Điều 7. Cơ chế điều phối
7.1. Bộ KH&CN, thông qua BQLDA, sẽ đảm bảo sự
điều phối suôn sẻ với các cơ quan liên quan về các hoạt động của Dự án.
7.2. Dự án sẽ thúc đẩy hoạt động kết nối với các hoạt
động hỗ trợ của Bỉ cho Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Điều 8. Sở hữu các kết quả của
Dự án và trao đổi thông tin
8.1. Tất cả các tài liệu và số liệu thu được từ các
hoạt động của Dự án là tài sản của hai Chính phủ và sẽ được ghi rõ nguồn gốc của
hai bên.
8.2. Mỗi bên sẽ chuyển cho bên kia tất cả các thông
tin phù hợp giúp thực hiện Dự án hiệu quả và thuận lợi.
Điều 9. Các loại thuế và thuế
nhập khẩu
9.1. Phần đóng góp của Vương quốc Bỉ sẽ không được
sử dụng để chi trả các loại thuế, thuế hải quan, thuế nhập khẩu hay các loại
phí liên quan đến thuế khác (bao gồm thuế giá trị gia tăng) đối với việc cung ứng
thiết bị, lao động và dịch vụ.
9.2. Chính phủ Việt Nam miễn trừ các loại thuế hải
quan đối với các hàng hóa, thiết bị và dịch vụ được mua cho các dự án ODA viện
trợ không hoàn lại theo đúng quy định hiện hành của Việt Nam. Các thủ tục hành
chính về miễn trừ thuế hoặc hoàn thuế sẽ do phía Việt Nam đảm nhiệm.
Nếu có những khoản thuế hải quan phải trả theo luật
và quy định của Việt Nam thì sẽ do phía Việt Nam chi trả.
Điều 10. Sử dụng ngân sách còn
lại của Dự án
10.1. Ngân sách để thực hiện các hoạt động đang tiếp
diễn đã được ký kết trước khi Dự án kết thúc sẽ vẫn được tiếp tục duy trì cho tới
khi tất toán xong như dự kiến trong hợp đồng.
10.2. Ngân sách còn lại trong phần đóng góp của
Vương quốc Bỉ bao gồm ngân sách chưa được sử dụng do phía Bỉ quản lý sẽ bị vô
hiệu hóa vào lúc kết thúc Dự án.
10.3. Ngân sách còn lại trong phần đóng góp của
Vương quốc Bỉ tại tài khoản ngân hàng địa phương được mở trong khuôn khổ thực
hiện Dự án này sẽ được xem xét và quyết định đầu tư vào một trong các lĩnh vực
ưu tiên dựa trên cơ sở nhất trí của các bên ký Hiệp định.
Điều 11. Báo cáo, kiểm soát và
đánh giá
11.1. Tất cả các thủ tục liên quan đến báo cáo hành
chính và hoạt động cũng như báo cáo tài chính và kế toán được mô tả trong
HSKT&TC và tuân theo các quy định của Việt Nam.
11.2. Mỗi bên có thể tiến hành đánh giá độc lập hoặc
chung vào bất kỳ thời điểm nào sau khi đã thông báo cho bên kia. Hai bên sẽ
thông báo cho nhau các kết quả đánh giá và những kiến nghị về các hoạt động kiểm
soát và đánh giá này.
Điều 12. Thời hạn, Chấm dứt, Sửa
đổi và Tranh chấp
12.1. Hiệp định cụ thể này sẽ có hiệu lực kể từ
ngày ký và duy trì hiệu lực trong vòng 72 tháng. Thời hạn của Dự án dự
kiến là 60 tháng kể từ ngày ký Hiệp định cụ thể này.
12.2. Các điều khoản của Hiệp định cụ thể này có thể
được sửa đổi với sự đồng ý của hai bên, thông qua trao đổi Công hàm ngoại giao.
12.3. Các tranh chấp liên quan đến việc áp dụng và
diễn giải Hiệp định cụ thể này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán giữa hai
bên.
12.4. Các bên có thể chấm dứt Hiệp định cụ thể này thông
qua đường ngoại giao và thông báo bằng văn bản trước 3 tháng.
Điều 13. Các địa chỉ
Các thông báo liên quan đến Hiệp định này mà cụ thể
hơn là các thông báo liên quan đến việc sửa đổi hay diễn giải Hiệp định này sẽ
được thực hiện thông qua đường ngoại giao tới các địa chỉ sau:
Phía Vương quốc Bỉ, gửi về:
Đại sứ quán Bỉ
Tầng 9, 49 Hai Bà Trưng
Hà Nội - Việt Nam
Phía Việt Nam, gửi về:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
6B Hoàng Diệu
Hà Nội - Việt Nam
và
Bộ Ngoại giao
1 Tôn Thất Đàm
Hà Nội - Việt Nam
và
Bộ Khoa học và Công nghệ
113 Trần Duy Hưng
Hà Nội - Việt Nam
Các thông báo và thư từ liên quan tới các vấn đề kỹ
thuật trong việc thực hiện Dự án sẽ được gửi về:
Đại diện thường trú
Cơ quan Phát triển Bỉ (BTC)
Nhà F7, Coco village
14 Thụy Khuê, Hà Nội - Việt Nam
và
Bộ Khoa học và Công nghệ
Vụ Tổ chức cán bộ
113 Trần Duy Hưng
Hà Nội - Việt Nam
Làm tại Hà Nội ngày 20 tháng 01 năm 2014, thành 04
bản gốc có giá trị như nhau (02 bản tiếng Anh và 02 bản tiếng Việt). Trong trường
hợp có sự khác biệt khi diễn giải Hiệp định này, bản tiếng Anh sẽ có giá trị hiệu
lực.
Để làm bằng, các đại diện được ủy quyền của hai
Chính phủ đã ký Hiệp định cụ thể này.
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Trần Văn Tùng
Thứ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ
|
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
VƯƠNG QUỐC BỈ
Johan Vande Lanotte
Phó Thủ tướng
kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế
|