VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số: 66/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2009
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM
VIỆC CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỚI TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM
Ngày
23 tháng 02 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn
Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về các giải pháp thực hiện
nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam năm
2009. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng
Trung Hải; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công
thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng
Phát triển Việt Nam; lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May
Việt Nam.
Sau
khi nghe Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam
báo cáo, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng kết luận như sau:
I.
ĐÁNH GIÁ CHUNG
Ngành
dệt may là một ngành có đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu, chiếm tỷ
trọng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, là ngành có số lượng lao động lớn
nhất trong các ngành công nghiệp; đạt được tốc độ tăng trưởng đều trong 10 năm
qua; đứng trong 10 nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, có khả năng
cạnh tranh trên thị trường, nhất là Mỹ và châu Âu.
Tập
đoàn Dệt May Việt Nam với gần 120.000 lao động, chiếm 7% lao động dệt may cả
nước, giữ 18% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, chiếm tỷ trọng tương đối cao
trong những lĩnh vực then chốt của ngành như: sản lượng bông, vải, sợi; có hệ
thống các viện nghiên cứu, nhà trường phục vụ cho ngành. Thương hiệu của
Vinatex đã được các khách hàng trên thế giới tin tưởng, thể hiện rõ vai trò
nòng cốt đối với ngành dệt may Việt Nam.
Trong
bối cảnh hết sức khó khăn, biến động phức tạp của năm 2008, ngành dệt may Việt
Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam vẫn đạt được các kết quả đáng khích lệ, cụ thể
là: kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 17% so với năm
2007, tuy chỉ đạt 95,8% kế hoạch Chính phủ giao, nhưng Việt Nam là quốc gia sản
xuất hàng dệt may xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2008 so với các
nước trên thế giới. Riêng kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đạt
1,7 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2007; lợi nhuận đạt mức trên 500 tỷ
đồng; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 16%; nộp ngân sách tăng, thu nhập
bình quân của người lao động đạt 2.250.000 đồng/tháng; duy trì đủ việc làm cho
người lao động, đồng thời là đầu mối giúp đỡ đơn hàng cho nhiều doanh nghiệp
trong Hiệp hội, nhất là từ quý IV năm 2008, hỗ trợ giải quyết và ổn định việc
làm cho hơn 15.300 lao động tại các doanh nghiệp dệt may địa phương có khó khăn
về đơn hàng.
Tuy
nhiên, Tập đoàn Dệt May Việt Nam còn có một số hạn chế như: chưa tạo được bước
đột phá trong việc xây dựng thương hiệu mạnh của ngành dệt may Việt Nam; tỷ lệ
nội địa hóa có tiến bộ nhưng chưa cao; tỷ trọng vốn vay/vốn chủ sở hữu còn cao;
công tác dự báo thị trường còn chưa kịp thời, còn phụ thuộc khá nhiều vào các
đối tác nhập khẩu truyền thống, việc đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu ngành
dệt may còn chậm.
II.
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Với
dự báo thị trường dệt may năm 2009 sẽ hết sức khó khăn, nhưng ngành dệt may
Việt Nam cần phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD; đảm bảo duy trì
việc làm cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội; phát triển mạnh
thị trường nội địa nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Riêng
Tập đoàn Dệt May Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 10%; duy
trì hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo đảm việc làm cho 120.000 lao động với
thu nhập ổn định; bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm của 3 chương
trình chiến lược đã được Thủ tướng phê duyệt; chuẩn bị tốt cho việc cổ phần hóa
Tập đoàn vào cuối năm 2009; tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ các đơn vị trong
ngành vượt qua khó khăn của nền kinh tế nói chung và của ngành dệt may nói
riêng.
Để
thực hiện được các mục tiêu trên và chuẩn bị điều kiện cho ngành dệt may Việt
Nam phát triển nhanh ngay sau khi bước ra khỏi suy thoái, yêu cầu các Bộ, ngành
và Tập đoàn Dệt May Việt Nam tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung
sau:
1.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các Bộ, ngành liên quan bố trí kịp thời nguồn
vốn ngân sách cho dự án phòng thí nghiệm sinh thái dệt may đã được phê duyệt;
trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục các dự án cho vay ưu đãi đối với các
dự án trọng điểm của ngành dệt may, đặc biệt là các dự án thuộc 3 chương trình
chiến lược phát triển đã được phê duyệt.
2.
Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam thu xếp nguồn vốn từ
ngân sách, vốn ODA và vốn vay ưu đãi để triển khai đối với các dự án xử lý môi
trường đã được phê duyệt.
3.
Bộ Công Thương chỉ đạo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam:
-
Xây dựng chương trình phát triển vùng bông có tưới; quy hoạch các khu công
nghiệp dệt may có xử lý môi trường, các khu trung tâm nguyên phụ liệu chiến
lược, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
-
Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn rào cản kỹ thuật cho các sản phẩm dệt may
phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để bảo vệ người tiêu dùng trong nước; nghiên
cứu và đề ra những giải pháp có tính chiến lược tổng thể giúp các doanh nghiệp
có điều kiện ổn định đơn hàng, sản xuất, tránh những thiệt hại không đáng có.
4.
Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn triển khai việc thí điểm xây
dựng thỏa ước lao động ngành dệt may và xây dựng mối quan hệ hài hòa trong
ngành dệt may và da giầy Việt Nam.
III.
CÁC KIẾN NGHỊ CỦA TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM
1.
Về chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu
Giao
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các ngành có liên quan bố
trí nguồn kinh phí xúc tiến thương mại giao cho Hiệp hội Dệt May Việt Nam và
Tập đoàn Dệt May Việt Nam, tập trung hỗ trợ tối đa ngay trong 6 tháng đầu năm
để chủ động tổ chức xúc tiến xuất khẩu, tìm khách hàng và thị trường mới, nhằm
tăng đơn hàng cho 6 tháng cuối năm và duy trì việc làm.
2.
Về chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm và đào tạo nguồn nhân lực
a)
Đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày … Chính
phủ sẽ hỗ trợ 40 đồng trên 1 USD xuất khẩu để hỗ trợ duy trì việc làm cho người
lao động.
b)
Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm theo Quyết định số
30/2009/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ
đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm
kinh tế.
c)
Giao Bộ Tài chính bố trí nguồn kinh phí 150 tỷ vốn đầu tư đã được phê duyệt cho
các trường thuộc Vinatex để thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực
toàn ngành dệt may. Đối với các dự án đào tạo khác, Tập đoàn Dệt May Việt Nam
chủ động chỉ đạo các trường tìm các nguồn vốn hợp pháp, đổi mới phương thức
hoạt động và tạo nguồn kinh phí để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực cho ngành
dệt may Việt Nam.
3.
Về chính sách tín dụng.
a)
Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
-
Bảo đảm nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp dệt may để nhập khẩu nguyên phụ
liệu; hướng dẫn các công ty tài chính thực hiện việc hỗ trợ lãi suất như các
ngân hàng thương mại; bố trí nguồn vốn vay lưu động bằng tiền đồng Việt Nam cho
Tập đoàn Dệt May Việt Nam vay để mua 15 triệu USD nhập khẩu bông dự trữ trong
thời hạn 01 năm và được hỗ trợ lãi suất ưu đãi; hướng dẫn các ngân hàng thương
mại nhà nước xem xét, điều chỉnh lại mức lãi suất vay hợp lý theo từng thời
điểm và hoãn 01 năm trả nợ gốc đối với các dự án đầu tư trọng điểm của ngành
dệt may đang vay tại các ngân hàng thương mại nhà nước.
-
Nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ việc hỗ trợ lãi suất cho doanh
nghiệp vay vốn lưu động bằng ngoại tệ.
b)
Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, điều chỉnh lại mức lãi suất vay hợp lý
theo từng thời điểm, hoãn 01 năm trả nợ gốc và kéo dài thời hạn vay tối đa 12
năm (kể cả các dự án thành phần) đối với các dự án đầu tư trọng điểm của ngành
dệt may đang vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam .
4.
Về chính sách thuế và hải quan
Giao
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Dệt May Việt Nam rà
soát lại các chính sách về thuế, hải quan còn vướng mắc cho doanh nghiệp, trình
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý I năm 2009.
Trước
mắt, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất việc giảm thuế VAT nhập khẩu bông từ 10%
xuống 5%; giãn thời gian nộp thuế VAT đối với thiết bị nhập khẩu đầu tư và ủy
thác gia công xuất khẩu; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV năm 2008
cho các doanh nghiệp dệt may; gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân đối với quỹ
tiền lương còn lại chuyển sang năm sau của các doanh nghiệp.
5.
Về việc sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất
Tập
đoàn Dệt May Việt Nam tổng hợp danh sách các đơn vị thuộc diện di dời, trình
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất khi di
dời các cơ sở sản xuất ra khỏi thành phố để tái đầu tư hoặc tăng nguồn vốn kinh
doanh nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đối với từng dự án cụ thể.
6.
Về việc lùi thời gian thanh tra
Đồng
ý chưa thanh tra cổ phần hóa đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong năm 2009,
để Tập đoàn tập trung vào đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Văn
phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ; Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo,
Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Tổng Liên đoàn Lao động VN;
- Ngân hàng Nhà nước VN;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Tập đoàn Dệt May Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN: Phạm Viết Muôn, Văn Trọng Lý, Phạm Văn Phượng, Cổng
TTĐT; các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX, TKBT;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (3b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Phạm Viết Muôn
|