VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 53/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày
19 tháng 02 năm 2009
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI BUỔI LÀM VIỆC CỦA THƯỜNG
TRỰC CHÍNH PHỦ VỚI TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY VIỆT NAM
Ngày 11 tháng 02 năm 2009, tại Văn phòng Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ về
việc đầu tư, sản xuất kinh doanh và cân đối tài chính của Tập đoàn Công nghiệp
tàu thủy Việt Nam. Tham dự họp có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng,
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo các
cơ quan: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công
thương, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển
Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp
tàu thủy Việt Nam, ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ; ý kiến của các Bộ,
Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt
Nam; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Đánh giá chung:
Phát triển ngành cơ khí chế tạo, trong đó cơ khí
đóng tàu là một trọng điểm, là định hướng chiến lược nhất quán của Đảng và Nhà
nước ta trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng thời là
lĩnh vực quan trọng góp phần phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc
phòng theo Nghị quyết Trung ương IV Khoá X. Thực tế đã qua cho thấy đây là chủ
trương đúng đắn. Ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam mà Tập đoàn Công nghiệp
tàu thuỷ Việt Nam là lực lượng chủ yếu đã đạt được những kết quả rất quan trọng.
Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam được thành lập từ năm 1996 với vốn
điều lệ chỉ hơn 100 tỷ đồng, công nghệ lạc hậu, thị trường nhỏ bé, nay đã phát
triển thành Tập đoàn kinh tế mạnh về cơ khí chế tạo (công nghiệp đóng tàu), từng
bước phát triển công nghiệp sửa chữa tàu, công nghiệp phụ trợ và vận tải biển, tổng
tài sản đã tăng lên hàng trăm lần, các công trình biển và các nhà máy đóng tàu
lớn đã và đang được xây dựng, tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động có tay
nghề, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế Tập đoàn đã thực hiện được
những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho trong những điều kiện rất khó khăn và
đã đạt được những kết quả thiết thực:
- Năng lực chế tạo trong lĩnh vực đóng mới tàu
biển phát triển vượt bậc, từ chỗ mới đóng tàu 1.000 DWT đã đóng được tàu trên
100.000 DWT, tàu chở dầu thô từ 100.000 đến 300.000 tấn, tàu chuyên dùng chở
hàng ngàn ô tô, đặc biệt là kho nổi chứa xuất dầu - đánh dấu một bước tiến lớn
trong công nghiệp thiết kế và đóng tàu phục vụ khai thác dầu khí trên biển;
- Trình độ thiết kế, trình độ công nghệ và tay
nghề công nhân được nâng cao. Tập đoàn đã tự thực hiện phần thiết kế công nghệ,
kể cả đối với các sản phẩm xuất khẩu đã và đang thực hiện thiết kế kỹ thuật các
sản phẩm tàu hàng có trọng tải tới 58.000 DWT, tàu chở dầu có trọng tải tới
115.000 DWT, tàu chở sàlan lash. . . cho các chủ tàu trong nước và nước ngoài;
- Cùng với sự tăng trưởng của sản phẩm đóng tàu,
trình độ kỹ thuật, công nghệ, các ngành công nghiệp phụ trợ cũng có bước phát
triển khá;
- Thị trường đóng tàu được mở rộng, đưa Việt Nam
thành một quốc gia có tên tuổi trên thế giới trong lĩnh vực đóng tàu. Đối với
thị trường trong nước, đã đóng được hàng trăm tàu vận tải biển đáp ứng yêu cầu
phát triển ngành hàng hải nước ta, góp phần phát triển đội tàu tìm kiếm cứu nạn...
Đối với thị trường nước ngoài, đã và đang thực hiện hàng chục hợp đồng đóng tàu
xuất khẩu lớn, trị giá hàng tỷ đô la Mỹ. Trong một thời gian ngắn đã đóng và sửa
chữa thành công những sản phẩm tàu biển trọng tải lớn, chất lượng cao cho các
khách hàng châu Au;
- Theo báo cáo của Bộ Tài chính, những năm qua kết
quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đều đạt khá, như tốc độ tăng trưởng cao,
doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động đều tăng.
Tuy nhiên, thời gian qua, trong điều kiện nền kinh
tế chuyển đổi, khung pháp lý chưa hoàn thiện, hội nhập nhanh chóng với nền kinh
tế thế giới, nhiệm vụ và yêu cầu phát triển của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ
Việt Nam rất lớn nhưng vốn Nhà nước đầu tư cho Tập đoàn còn quá ít, mặt khác,
việc quyết định đầu tư của Tập đoàn cũng còn dàn trải, dẫn đến vốn để đầu tư
phát triển chủ yếu được hình thành từ nguồn vốn vay, do vậy dù Tập đoàn rất cố
gắng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và tình hình tài chính của Tập đoàn là chưa
lành mạnh, chưa vững chắc.
2. Trong thời gian tới, thị trường
đóng tàu vẫn còn nhiều tiềm năng, nhưng trước mắt đang bị thu hẹp do tình hình
suy giảm kinh tế thế giới. Để hoàn thành tốt mục tiêu chiến lược phát triển
ngành công nghiệp tàu thuỷ, nhằm xây dựng Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam
thành một Tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước, các Bộ chức năng, Tập đoàn Công
nghiệp tàu thuỷ Việt Nam cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:
a) Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam:
- Khẩn trương rà soát điều chỉnh chiến lược phát
triển dài hạn, trung hạn của toàn Tập đoàn, kết hợp chặt chẽ giữa chiến lược
phát triển dài hạn, trung hạn với kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, trên
cơ sở đó tính toán kỹ về nhu cầu đầu tư và bảo đảm cân đối tài chính lành mạnh
bền vững. Đặc biệt quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân
có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn.
- Khẩn trương rà soát cắt giảm các dự án đầu tư
và sản xuất kinh doanh chưa thật cấp thiết và hiệu quả thấp. Tập trung đầu tư
vào các dự án trọng điểm, với chức năng chính là đóng tàu, sửa chữa tàu, phát
triển công nghiệp phụ trợ cho đóng tàu và duy trì ở mức cần thiết vận tải biển;
khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Phấn đấu nâng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm
tàu vận tải biển.
b) Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp
với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát lại quy hoạch dài hạn phát triển
ngành công nghiệp tàu thuỷ nói chung và của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt
Nam nói riêng, trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời rà soát lại kế hoạch đầu tư
và sản xuất kinh doanh năm 2009, 2010 của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt
Nam theo hướng chỉ đạo nêu trên.
c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao
thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ
phương án lành mạnh hoá tình hình tài chính của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ
Việt Nam và thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với việc đầu tư
và tái cơ cấu làm lành mạnh hoá tài chính của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt
Nam.
3. Về các kiến nghị của Tập
đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam:
- Giao Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh
nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam rà
soát, hoàn thiện Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế quản lý tài chính, hệ thống
tổ chức của Tập đoàn gắn với việc điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh,
trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Về đề nghị tăng vốn cho Tập đoàn: giao Bộ Tài
chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể cơ cấu lại vốn cho Tập đoàn
trong tháng 3 năm 2009.
- Đồng ý việc áp dụng chế độ thuế phù hợp với
chu kỳ sản xuất của ngành công nghiệp tàu thuỷ. Bộ Tài chính xử lý các kiến nghị
cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt thẩm quyền.
- Đối với các hạng mục cơ sở hạ tầng của ngành
đóng tàu thuộc Tập đoàn được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, giao Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt
Nam và các cơ quan liên quan rà soát lại, trình Thủ tướng Chính phủ.
- Đồng ý các ngân hàng thương mại cho Tập đoàn
Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam vay vượt mức 15% vốn tự có của ngân hàng, thế chấp
bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay. Uỷ quyền Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
xem xét, quyết định mức cho vay tối đa đối với từng trường hợp cụ thể.
- Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét điều
kiện hoạt động, cơ chế quản lý của các Công ty Tài chính, giải quyết cụ thể
theo thẩm quyền về việc bổ sung thêm Công ty Tài chính là đối tượng được thực
hiện hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để sản xuất kinh doanh
(theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc
hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh
doanh), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Ngân hàng Phát triển tiếp tục cho Tập đoàn
Công nghiệp tàu thuỷ vay để thực hiện chương trình cơ khí trọng điểm đối với
các sản phẩm máy móc thiết bị công nghệ phục vụ công nghiệp đóng tàu, trong đó
có sản phẩm cần cẩu của Công ty Cơ khí Quang Trung, đã và đang cung cấp cho các
nhà máy đóng tàu của Tập đoàn.
- Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ
Việt Nam thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chịu trách nhiệm
rà soát các dự án đầu tư, danh mục các khoản vay đúng mục tiêu như trên, xây dựng
lộ trình cụ thể đối với từng dự án, làm việc với từng ngân hàng để giải ngân.
- Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp
các cơ quan liên quan, xem xét hỗ trợ Tập đoàn về đào tạo và phát triển nguồn
nhân lực theo kiến nghị của Tập đoàn, trình Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt
thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan
liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg CP;
- Các Bộ: GTVT, TC, KH&ĐT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng Phát triển VN, Ngân hàng ĐT&PT VN, Ngân hàng Công thương VN,
Ngân hàng NN&PTNT VN;
- Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các vụ: KTN, KTTH, TH, TKBT;
- Lưu: VT, ĐMDN (4).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Phạm Viết Muôn
|