Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông báo 319/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 319/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Mai Thị Thu Vân
Ngày ban hành: 12/07/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 319/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2024

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÀM VIỆC VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THAM GIA ĐÓNG GÓP, THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, BẢO ĐẢM CÁC CÂN ĐỐI LỚN CỦA NỀN KINH TẾ

Ngày 15 tháng 6 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Thành Long; Bộ trưởng các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; đại diện các Bộ: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

1. Hoan nghênh, đánh giá cao báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị và đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, xây dựng, tâm huyết, cầu thị của các đồng chí đối với sự nghiệp chung của chúng ta. Cảm ơn, tri ân các doanh nghiệp nhà nước đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và trong 5 tháng đầu năm 2024; mong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tham mưu kịp thời cho Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm, đặc biệt chú trọng việc phát triển khu vực doanh nghiệp nhà nước - khu vực có tỷ trọng đóng góp lớn đối với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, làm tốt công tác an sinh xã hội.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phức tạp, kinh tế trong nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức, vai trò doanh nghiệp nhà nước một lần nữa được khẳng định và phát huy, tiếp tục là công cụ hữu hiệu ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường.

2. Một số kết quả đạt được nổi bật của doanh nghiệp nhà nước trong 5 tháng đầu năm nay, như sau:

Một là, doanh nghiệp nhà nước đã bám sát, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch được phê duyệt, trong đó tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đạt kết quả khả quan về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, đồng thời bảo đảm đời sống, thu nhập cho người lao động. Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có doanh thu hợp nhất đạt 823.000 tỷ đồng (bằng 61,63% kế hoạch năm và 112% so với cùng kỳ năm 2023); lợi nhuận trước thuế đạt 28.000 tỷ đồng (bằng 47,28% kế hoạch năm và 133% so với cùng kỳ năm 2023). Giá trị nộp ngân sách nhà nước đạt trên 70.000 tỷ đồng (bằng 61,77% của kế hoạch năm, 91% so với cùng kỳ năm 2023).

Hai là, doanh nghiệp nhà nước tập trung thực hiện các dự án đầu tư phát triển và đạt nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo kế hoạch được phê duyệt. Đến hết tháng 5, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty lớn đạt trên 76.000 tỷ (bằng 38% kế hoạch năm và 120% so với cùng kỳ năm 2023).

Một số dự án lớn trọng điểm, quan trọng quốc gia đạt giá trị thực hiện cao, nhất là trong lĩnh vực năng lượng như nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4, Quảng Trạch 1, mở rộng thủy điện Hòa Bình, Yaly, đường dây 500 kV, chuỗi dự án điện khí lô B, các dự án giao thông (mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cảng hàng không Long Thành thành phần 1 giai đoạn 3, các bến container số 3, 4 tại cảng Lạch Huyện), tái cơ cấu dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn) đạt kết quả tích cực...

Ba là, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vững vị trí, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực, chủ đạo trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn thông qua cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản, vận tải đường hàng không, đường biển, đường sắt, viễn thông, công nghệ thông tin..., đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Có doanh nghiệp nhà nước địa phương phát triển mạnh, vươn ra khắp cả nước như Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp.

Lĩnh vực điện, xăng dầu, vận tải đều có tăng trưởng cao so với năm 2023, như là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nhiều đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.

Bốn là, khu vực doanh nghiệp nhà nước từng bước chuyển mình trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thí điểm và áp dụng các mô hình quản trị hiện đại, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao uy tín, thương hiệu trong nước và thế giới. Một số doanh nghiệp nhà nước lớn vươn lên đi đầu trong các lĩnh vực công nghệ mới, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã báo cáo làm chủ một số công nghệ 5G và các thiết bị trong hệ sinh thái 5G.

3. Bên cạnh các kết quả đạt được là rất cơ bản thời gian qua, tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, tồn tại, như sau:

Một là, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước nói chung chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào luôn biến động, có doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Hai là, khu vực doanh nghiệp nhà nước nhìn chung còn tồn tại những chậm trễ, vướng mắc về thể chế, dẫn tới mất cơ hội, giảm hiệu quả hoạt động, chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, tạo động lực mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác. Hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nhà nước, quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt còn nhiều tầng nấc, chưa phân cấp triệt để, phải được sự chấp thuận của nhiều cơ quan quản lý trong quyết định các vấn đề quản trị kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng. Việc khai thác nguồn vốn, tài sản chưa tương xứng với nguồn lực được giao.

Ba là, hiệu quả đầu tư phát triển về tổng thể chưa đạt như kỳ vọng, một số dự án có vốn đầu tư lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như các dự án đầu tư tại khu vực có địa chính trị bất ổn; một số dự án lỗ lũy kế lớn, liên tiếp trong nhiều năm.

Quy mô đầu tư phát triển và sự tham gia của các DNNN vào các dự án trọng điểm quốc gia còn khiêm tốn, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen, công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả, một số doanh nghiệp chưa tối ưu được hiệu quả nguồn vốn, quyết định đầu tư khi năng lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu mà chủ yếu dựa vào vốn vay, một số dự án tồn đọng kéo dài như Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2).

Bốn là, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, còn lạc hậu so với xu thế phát triển; công tác điều hành quản trị kinh doanh chưa được đổi mới nhiều, chưa thực sự hướng theo các nguyên tắc, thông lệ quốc tế, phù hợp kinh tế thị trường hiện đại. Chế độ đãi ngộ, xử lý trách nhiệm còn mang tính hành chính nhiều, chưa tạo động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường, năng lực quản trị, đầu tư, triển khai dự án nói chung còn thiếu, yếu. Phần lớn doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước do địa phương quản lý năng lực còn hạn chế, hiệu quả kinh doanh thấp.

4. Năm 2024 là năm có ý nghĩa tăng tốc hết sức quan trọng, tiền đề để hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ không còn nhiều, do đó chúng ta phải phát huy những điểm mạnh, thành tựu đã đạt được trong hơn 3 năm qua, khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém, bất cập do chủ quan và khách quan. Theo đó một số định hướng hoạt động, như sau:

Một là, luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sứ mệnh cao cả này. Tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) bênh canh việc tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).

Hai là, triển khai hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán các dự án hoàn thành đúng thời hạn quy định.

Chiến lược đúng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức. Vì vậy, với kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phấn đấu đạt toàn bộ các chỉ tiêu chủ chốt gồm doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động.

Ba là, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự...; chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện ba đột phá chiến lược. Quán triệt, nhận thức rõ ưu thế nổi trội về nguồn lực, vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao đang nắm giữ.

Doanh nghiệp nhà nước làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là, ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định rõ xây dựng và phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược.

Nhân rộng mô hình của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex Bình Dương), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), phấn đấu mỗi ngành, lĩnh vực có một Tập đoàn như Viettel, mỗi địa phương có ít nhất một doanh nghiệp như Becamex Bình Dương.

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị cũng xác định nghiên cứu chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Các doanh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích luỹ, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.

Với tinh thần đó, doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện tốt 5 tiên phong: (1) Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (2) Tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; (3) Tiên phong trong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước, đi đôi với tích cực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (4) Tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá phát triển đất nước, trong đó có phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; (5) Tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.

5. Đối với một số nhiệm vụ cụ thể, như sau:

a) Đối với các doanh nghiệp nhà nước:

- Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng (điện, xăng dầu, than) phải đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là bảo đảm cung ứng điện trong bất cứ hoàn cảnh nào.

- Trong cung ứng lương thực, thực phẩm, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nắm bắt thị trường, phối hợp chặt chẽ triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Trong thời gian tới, sẽ tổ chức hội nghị 3 bên (Nhà nước, doanh nghiệp và người dân) về triển khai Đề án này.

- Đối với nhóm các doanh nghiệp nhà nước cung ứng dịch vụ công ích phải bảo đảm an sinh xã hội nâng cao chất lượng, đời sống của nhân dân, bảo đảm cấp nước sạch, chống ngập úng. Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục nghiên cứu các giải pháp miễn giảm phí, lệ phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là với nước, cước viễn thông, chi phí logistics, cất hạ cánh...

- Các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở đô thị tập trung phát triển một triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhất là năm nay phải hoàn thành 130.000 căn hộ.

- Các ngân hàng thương mại Nhà nước triển khai quyết liệt, tiên phong trong việc giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, hướng vào các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới, phát triển kinh tế vùng.

b) Đối với các bộ, cơ quan, địa phương:

- Tiên phong trong tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính, đề xuất các cơ chế, chính sách, rà soát các thủ tục pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, doanh nghiệp hưởng thụ thật", "nói ít, làm nhiều", "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được".

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực, cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, bám sát tình hình quốc tế và khu vực, diễn biến trong nước và hoạt động của doanh nghiệp để luôn đổi mới; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chip, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh....

- Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương đề xuất công tác cán bộ, tổ chức hợp lý, mang tính đặc thù với doanh nghiệp nhà nước nhưng bảo đảm hài hoà trong tổng thể hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Bộ Tài chính sớm nghiên cứu xây dựng, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện các chủ trương phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát.

- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, tổng kết mô hình hoạt động phù hợp; phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

- Các cơ quan đại diện chủ sở hữu, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thực hiện quyết liệt, đầy đủ, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện, khẩn trương, chủ động giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền, những vấn đề tồn đọng kéo dài, không đùn đẩy, né tránh; lãnh đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt các chức trách, nhiệm vụ được giao với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nâng cao năng lực quản trị, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính.

6. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, cơ bản xử lý tất cả kiến nghị của doanh nghiệp, dù doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước, doanh nghiệp lớn hay nhỏ.

Với vai trò nòng cốt của các tập đoàn, tổng công ty trong sử dụng, quản lý nguồn lực lớn, với sự đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, trong đó có kết quả tích cực trong 5 tháng đầu năm, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổng quát của năm 2024 là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo đúng tinh thần "đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, chỉ bàn làm, không bàn lùi".

7. Các Bộ, ngành, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xem xét, xử lý hiệu quả, kịp thời các kiến nghị của các doanh nghiệp nhà nước tại Phụ lục đính kèm, thông tin kịp thời kết quả xử lý cho các doanh nghiệp nhà nước nêu trên; đồng thời gửi kết quả tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quý III năm 2024. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp kết quả xử lý các kiến nghị này, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 tháng 10 năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân;
các Vụ: KTTH, CN, NN, QHQT,
KGVX, PL, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, ĐMDN (2b). Trung Anh

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

PHỤ LỤC

TỔNG HỢP CÁC KIẾN NGHỊ CỦA DOANH NGHIỆP TẠI HỘI NGHỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ GẶP MẶT CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THAM GIA ĐÓNG GÓP, THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, BẢO ĐẢM CÁC CÂN ĐỐI LỚN CỦA NỀN KINH TẾ
(Kèm theo Thông báo kết luận số 319/TB-VPCP ngày 12 tháng 7 năm 2024)

STT

Đơn vị kiến nghị, đề xuất

Nội dung kiến nghị, đề xuất

Phân công xử lý

1

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

Hiện nay, định mức kinh phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia được quy định tại Quyết định số 65/QĐ-BKH ngày 27/01/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được ban hành từ 21 năm trước và có rất nhiều điểm không còn phù hợp với điều kiện thực tế và thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp. Để bù đắp đủ chi phí cho các doanh nghiệp tham gia giữ hộ hàng DTGQ, với vai trò là doanh nghiệp chủ đạo dẫn dắt, Tập đoàn đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sớm điều chỉnh lại định mức chi phí bảo quản hàng DTQG phù hợp với thực tế. Trước mắt bãi bỏ Quyết định 65/QĐ-BKH ngày 27/01/2003 của Bộ kế hoạch đầu tư cho phép doanh nghiệp được thanh toán phí bảo quản hàng Dự trữ quốc gia theo chi phí phát sinh thực tế tại Doanh nghiệp đã được kiểm toán.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

2

Thực hiện thông báo kết luận số 240/TB-VPCP ngày 23/6/2023 của Thường trực Chính Phủ, dưới sự chủ trì của UBQLVNN, Petrolimex và ACV đang phối hợp xúc tiến nghiên cứu phương án hợp tác đầu tư, sở hữu, vận hành, khai thác hệ thống kho nhiên liệu bay và hệ thống tra nạp ngầm tại CHKQT Long Thành. Petrolimex kính đề nghị Chính Phủ, TTgCP cho phép, chấp thuận Petrolimex và ACV thành lập Công ty TNHH hai thành viên/Công ty cổ phần để sở hữu, vận hành, khai thác hệ thống kho nhiên liệu bay và hệ thống tra nạp ngầm tại CHKQT Long Thành dựa trên giá trị quyết toán, kiểm toán sau khi xây dựng xong dự án. Các trình tự, thủ tục đầu tư, góp vốn dự án nêu trên thực hiện theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

3

Bên cạnh đó, Petrolimex kính đề nghị Chính Phủ, TTgCP xem xét cho phép Petrolimex là đơn vị chủ trì nghiên cứu cùng với tỉnh Đồng Nai và các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước thuộc UBQLVNN cùng tham gia đầu tư dự án tuyến ống, kho đầu nguồn bên ngoài phục vụ CHKQT Long Thành, coi đây là công trình trọng điểm quốc gia để đảm bảo nguồn cung kịp thời nhiên liệu hàng không cho CHKQT Long Thành cũng như xăng dầu cho các phương tiện vận tải bộ của tỉnh; Trong đó Petrolimex đề xuất cơ chế Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng, Petrolimex và các Doanh nghiệp nhà nước thuộc UBQLVNN cùng đầu tư, triển khai dự án.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai

4

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Sớm sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 liên quan đến thuế giá trị gia tăng, nhất là đối với mặt hàng phân bón.

Bộ Tài chính

5

Điều chỉnh hạn mức tín dụng cho khách hàng và một nhóm khách hàng (vừa qua, hạn mức tín dụng bị giảm, trong đó quy mô càng lớn thì hạn mức lại càng thấp).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

6

Bộ Công thương xem xét cấp giấy phép nhập khẩu dầu thô.

Bộ Công thương

7

Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Theo kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8, cơ bản các dự án nguồn điện hiện nay giao cho các tỉnh tiến hành đấu thầu và giao cho các chủ đầu tư. Như vậy, tỷ trọng nắm các nguồn điện quan trọng, lớn của đất nước sẽ giảm trong thời gian tới. Kiến nghị giao cho các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư một số công trình quan trọng để giữ được tỷ lệ ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng.

Bộ Công thương

8

Bộ Công thương sớm thay đổi cơ chế giá điện (tính giá điện theo công suất sử dụng và theo giờ cao điểm sử dụng điện).

Bộ Công thương

9

Tổng công ty Lương thực miền Bắc

Tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa, các văn bản ban hành sớm nhất có thể để có cơ sở thực hiện; văn bản được ban hành cần cụ thể, kịp thời, bao quát được nhiều trường hợp khác nhau.

Bộ Nội vụ

10

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục phân cấp các vị trí cấp trung và tiêu chuẩn về vị trí cần nới thêm.

Bộ Nội vụ

11

Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội

Với những doanh nghiệp nhà nước như Viettel hay PVN, nguồn tăng trưởng từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng. Tuy nhiên một số cơ chế chính sách về đầu tư ra nước ngoài chưa hoàn thiện, dẫn đến doanh nghiệp vẫn còn gặp vướng mắc, nguy cơ bỏ lỡ cơ hội để nâng cao hiệu quả đầu tư, cụ thể:

- Chưa có hướng dẫn chi tiết về M&A các công ty nước ngoài; chưa có văn bản quy định hình thức, cơ chế thoái vốn các dự án/công ty tại nước ngoài, trong khi việc thoái vốn thoái vốn hoặc mua một phân hoặc toàn bộ công ty ở nước ngoài cần phải phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp nước sở tại và cần nhanh để tận dụng cơ hội có được giá tốt nhất.

- Cơ chế đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước vẫn đang đánh giá theo từng dự án, do đó chỉ cần một dự án có lỗ trong khi tổng thể các dự án có lãi thì doanh nghiệp vẫn bị đánh giá là để xảy ra mất vốn, không bảo toàn được vốn nhà nước.

Viettel đề xuất Chính phủ chỉ đạo, xây dựng chiến lược toàn diện về đầu tư ra nước ngoài để phát huy được tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong công tác đầu tư nước ngoài đang gặp phải.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính

12

Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã triển khai một số giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể tham gia đấu thầu, dần thay thế các sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên các chính sách này chưa đủ mạnh (chỉ được ưu đãi 7-15% giá), chưa đủ để cạnh tranh để cạnh tranh với các doanh nghiệp, thương hiệu lớn trên thế giới. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới thường là các công ty có vài chục năm kinh nghiệm, có công nghệ tiên tiến, có quy mô thị trường, sản xuất hàng triệu sản phẩm, nên tối ưu được giá thành... trong khi các doanh nghiệp công nghệ của Việt còn non trẻ, mới thâm nhập thị trường, quy mô chỉ bằng 0,1% của các hãng trên thế giới nên giá thành thường cao hơn 20-30%.

Viettel đề xuất Chính phủ nghiên cứu, có chính sách đồng bộ và mạnh hơn nữa để các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp Việt được đưa vào khai thác sử dụng tại thị trường trong nước, tiến tới hoàn thiện sản phẩm và xuất khẩu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

13

Các DNNN thường được tổ chức theo lĩnh vực hẹp như viễn thông, dầu khí, điện lực, hàng không... Khi các DNNN phát triển đến một giai đoạn nhất định thì không gian tăng trưởng bị hạn chế. Để tiếp tục phát triển, các DNNN cần được mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế.

Hiện nay, việc tổ chức sắp xếp bộ máy, kinh doanh các ngành nghề mới, mua bán sáp nhập,... DNNN đều cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ dẫn đến các thủ tục kéo dài, phần nào cản trở tính linh hoạt và chủ động của các DNNN.

Viettel đề xuất Chính phủ:

- Nghiên cứu xây dựng các chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp “đầu đàn” chủ động hơn trong việc mở rộng không gian tăng trưởng như cơ chế cho phép các DNNN lớn được chủ động hơn trong việc triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp start up,... liên kết tạo hệ sinh thái để các doanh nghiệp cùng phát triển.

- Nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực cho các doanh nghiệp nhà nước một cách hợp lý, kịp thời, hiệu quả, dựa trên quy mô, năng lực của doanh nghiệp, xu thế công nghệ và tín hiệu thị trường,... giúp các doanh nghiệp có đủ nguồn lực để phát triển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

14

Hiện nay, nhiều nhiệm vụ, chương trình nghiên cứu công nghệ cấp quốc gia đòi hỏi nguồn kinh phí lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, như nghiên cứu thiết kế, sản xuất chùm vệ tinh, xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất chip bán dẫn, nghiên cứu thiết bị năng lượng mới,... Nhu cầu này vượt quá khả năng đáp ứng của Quỹ phát triển KHCN tại doanh nghiệp. Trong khi đó, việc chi nguồn ngân sách nhà nước phục vụ khoa học công nghệ vẫn còn hạn chế.

Viettel đề xuất Chính phủ xây dựng cơ chế phân bổ nguồn ngân sách nhà nước phục vụ khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ trọng điểm của Quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

15

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Cần sớm ban hành hệ thống ngành kinh tế xanh, hoàn thiện hành lang pháp lý cho chuyển đổi xanh, đặc biệt vấn đề chính sách để khuyến khích phát triển đầu tư kinh tế xanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

16

Đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước, thực hiện triệt để nguyên tắc phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra giám sát, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp. Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước, tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính

17

Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận sau thuế hàng năm để nâng cao năng lực tài chính doanh nghiệp nhà nước

Bộ Tài chính

18

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam

Bộ Giao thông vận tải sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết các Cảng hàng không.

Bộ Giao thông vận tải

19

Sớm hoàn thiện cơ chế ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất.

Bộ Tài chính

20

Sớm thông qua Đề án về xã hội hóa

Bộ Giao thông vận tải

21

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Ưu tiên bố trí kinh phí để gia cố chủ động đảm bảo an toàn kết cấu hạ tầng Đường sắt quá hạn tuổi thọ, xung yếu (12 Hầm, 94 Cầu, 14 công trình kiến trúc) khoảng 1.295 tỷ đồng (một nghìn hai trăm chín mươi lăm tỷ đồng).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải

22

Tiếp tục chính sách giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng Đường sắt do Nhà nước đầu tư cho đến khi hoàn thành toàn bộ các Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.

Bộ Tài chính

23

Để nâng cao tốc độ chạy tàu, an toàn, êm thuận và chống rung lắc, kính đề nghị bố trí nguồn vốn cho hàn liền ray trên các tuyến đường sắt

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

24

Các địa phương tích cực thực hiện xoá bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính Phủ

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

25

Các địa phương tiếp tục phối hợp với Đường sắt để kết nối, trải nghiệm di sản bản địa, kết nối dịch vụ, giao thông - chia sẻ để cùng phát triển như: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Bình; phát triển liên kết vùng, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ theo chỉ đạo của TTCP.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

26

Các đối tác tiếp tục hợp tác với Đường sắt để phát huy tiềm năng thế mạnh, hướng đến 1 tấm vé cho cả hành trình (Hiện nay Tổng công ty ĐSVN đã hợp tác với: Vietravel, Vin Group, Sun Group, Tập đoàn Hóa chất...)

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

27

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị thành viên được làm chủ đầu tư một phần các dự án KCN/CCN, dự án phát triển nông nghiệp xanh, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với quy hoạch của địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm sẵn có của Tập đoàn, tạo điều kiện cho Tập đoàn duy trì và không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản được Nhà nước giao cho Tập đoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

28

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hoàn thành thẩm định đối với hồ sơ đề xuất Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án để VIMC/ Cảng Sài Gòn và đối tác tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo 319/TB-VPCP ngày 12/07/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế do Văn phòng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


860

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.90.108
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!