VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
235/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2009
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI VÀ
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP
Ngày 22 tháng 7 năm 2009, tại trụ sở
Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới
và Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi
mới và Phát triển doanh nghiệp về công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh
nghiệp và chương trình công tác đến năm 2010.
Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ
đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp báo cáo và ý kiến của các thành viên
Ban, Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng ban Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như
sau:
1. Năm 2008 và sáu tháng đầu năm
2009, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp
100% vốn nhà nước tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đổi mới quản trị
doanh nghiệp, tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa, chuyển đổi các tổng công ty nhà
nước, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ -
công ty con, hoàn thiện thể chế và việc thí điểm tổ chức hoạt động của các tập đoàn
kinh tế. Thường trực Chính phủ đã trực tiếp làm việc với các tập đoàn, tổng
công ty 91 để xem xét kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, chỉ đạo thực hiện
các giải pháp để phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người
lao động, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Mặc dù
gặp khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng doanh nghiệp nhà nước, chủ lực
là tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đã đạt được những kết quả tích cực, hầu hết
các chỉ tiêu quan trọng đạt kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổ chức
hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục được kiện toàn, các
doanh nghiệp thành viên được cơ cấu lại một bước theo ngành nghề kinh doanh và
tập trung hơn vào những ngành kinh doanh chính, ngành phụ trợ.
Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, đổi mới
doanh nghiệp nhà nước từ năm 2008 đến nay còn chậm, có phần do sự chỉ đạo của
một số Bộ, ngành, địa phương, tổng công ty chùng xuống, sự phối hợp giữa các cơ
quan trong xử lý các vướng mắc chưa kịp thời, một số doanh nghiệp thuộc diện
sắp xếp, cổ phần hóa trong 2 năm qua có quy mô vừa và lớn, tình hình tài chính
phức tạp. Bên cạnh đó, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán trong và
ngoài nước thời gian qua có những biến động bất thường làm ảnh hưởng không nhỏ đến
quá trình cổ phần hóa và bán doanh nghiệp.
Mặc dù kinh tế suy giảm nhưng số
doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới vẫn tiếp tục tăng, năm 2008 có 65.318 doanh
nghiệp, sáu tháng đầu năm 2009 có trên 41.000 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng
18% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, việc thống kê và theo dõi về thực trạng
doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh còn yếu.
2. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát
triển doanh nghiệp cần tập trung vào những việc sau:
a. Giúp Đoàn kiểm tra của Bộ Chính
trị thực hiện việc kiểm tra thực hiện các Nghị quyết Trung ương ba, Trung ương
chín (Khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới,
phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
b. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện
Chỉ thị số 854/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về triển
khai Kết luận số 45-KL/TW của Bộ Chính trị, tập trung vào các nội dung: hoàn
thiện cơ chế, chính sách cho sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; điều chỉnh
phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục thực hiện
sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các nông, lâm trường quốc
doanh theo phương án tổng thể được phê duyệt; đổi mới quản trị doanh nghiệp; kiện
toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà
nước.
c. Phối hợp với các cơ quan chủ trì
xây dựng các Đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ nghiên cứu sửa
đổi, bổ sung các quy định hiện hành về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước,
bảo đảm tính khả thi và thúc đẩy công tác này.
Khi nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy
định pháp luật hiện hành, cần lưu ý:
- Về thực hiện quyền và nghĩa vụ
của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước: Bộ Kế hoạch và
Đầu tư đưa vào nội dung Nghị định thay thế Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20
tháng 10 năm 2005 về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối
với doanh nghiệp nhà nước quy định về tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của
chủ sở hữu nhà nước, của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ có vốn góp
vào doanh nghiệp khác.
- Về đổi mới quản lý của tập đoàn,
tổng công ty nhà nước: quy định theo hướng có cơ chế bảo đảm quyền chủ động
quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh của Hội đồng quản trị để đạt được hiệu quả
cao nhất.
- Về cổ phần hóa: quy định tiêu chí,
quyền, nghĩa vụ cổ đông chiến lược; phương thức và giá bán cổ phần cho cổ đông
chiến lược, cho người lao động, cơ chế bảo đảm khuyến khích các nhà đầu tư này
gắn bó với doanh nghiệp cổ phần hóa; việc xác định giá trị quyền sử dụng đất và
giá trị lợi thế kinh doanh bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai và phù
hợp với mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp; quy định về phương thức bán cổ
phần lần đầu và bán tiếp phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp cổ phần hóa.
- Kiện toàn tổ chức hoạt động và chức
năng, nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước phù hợp với lộ
trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đổi mới quản lý của chủ sở hữu
nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về
tình hình quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh và xây dựng Chiến lược
phát triển doanh nghiệp dân doanh, Đề án đổi mới quản lý doanh nghiệp sau đăng
ký kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2010.
- Tổ chức theo dõi hoạt động của
doanh nghiệp dân doanh để có thông tin giúp Chính phủ điều hành có hiệu quả
việc phát triển khu vực doanh nghiệp này.
- Trong quý IV năm 2009, trình
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
+ Bổ sung, sửa đổi Nghị định số
95/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà
nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, lưu ý việc tổ chức quản
lý của các công ty mẹ - tập đoàn, công ty mẹ - tổng công ty nhà nước và công ty
mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con khi chuyển thành công ty trách nhiệm
hữu hạn một thành viên bảo đảm sự quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối
với các doanh nghiệp này.
+ Ban hành tiêu chí phân loại doanh
nghiệp 100% vốn nhà nước thay thế cho tiêu chí được ban hành kèm theo Quyết
định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban
hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Cần quy định
rõ những lĩnh vực Nhà nước giữ cổ phần chi phối trong suốt quá trình hoạt động
của doanh nghiệp và những lĩnh vực khi cổ phần hóa Nhà nước giữ cổ phần chi phối,
sẽ tiếp tục bán cổ phần sau khi chuyển thành công ty cổ phần.
4. Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới
và Phát triển doanh nghiệp:
- Xây dựng kế hoạch để tập thể Ban
Chỉ đạo thảo luận những nội dung quan trọng về cơ chế, chính sách và tổ chức chỉ
đạo thực hiện.
- Chủ trì xây dựng chiến lược, định
hướng, kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước 5 năm, 10 năm (2010 -
2015, 2010 - 2020).
- Trong quý IV năm 2009, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban về công tác quản lý doanh nghiệp ở các Bộ,
ngành, địa phương; về hoạt động của Ban Đổi mới doanh nghiệp ở Bộ, ngành, địa
phương, tập đoàn, tổng công ty 91.
5. Về kiện toàn Ban Chỉ đạo Đổi mới
và Phát triển doanh nghiệp:
Bộ Nội vụ, trong quý III năm 2009
báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động và
thành phần của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, bảo đảm giúp Thủ
tướng Chính phủ xây dựng định hướng sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp
thuộc mọi thành phần kinh tế; chỉ đạo sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước,
phát triển doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thành
phần Ban cần bổ sung đại diện các Bộ có nhiều doanh nghiệp nhà nước và Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tăng cường
vai trò kiểm tra, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để
các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn,
tổng công ty 91 và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển
doanh nghiệp biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính
phủ;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các tập đoàn kinh tế, TCT 91;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, KTN;
- Lưu: VT, ĐMDN (5)
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Phạm Viết Muôn
|