VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 160/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 6 năm 2021
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI GẶP MẶT VỚI CÁC NHÀ KHOA HỌC,
CÁC ĐƠN VỊ DOANH NGHIỆP NGHIÊN CỨU, SẢN XUẤT VẮC XIN PHÒNG COVID-19
Sáng ngày 07 tháng 6 năm 2021, tại Trụ
sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi gặp mặt với các nhà khoa học, các đơn vị doanh nghiệp nghiên cứu, sản
xuất vắc xin phòng Covid-19, các nhà quản lý. Tham dự buổi gặp mặt có Phó Thủ
tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, lãnh đạo các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Tài
chính và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo và phát biểu
của các nhà khoa học, các đơn vị sản xuất vắc xin phòng
Covid-19, các đại biểu dự buổi gặp mặt, ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến kết luận như sau:
Đất nước ta đang trong cuộc chiến chống
đại dịch Covid-19 với tinh thần "Chống dịch như chống giặc". Lợi ích
quốc gia, dân tộc tính mạng và sức khỏe của nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước
đặt lên trên hết, trước hết. Đến nay, công tác phòng, chống
dịch đã đạt được kết quả tích cực và cơ bản
chúng ta đang kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời với việc đảm bảo các điều kiện để thực hiện "mục tiêu
kép", được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong thời gian tới
chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm “5K
+ vắc xin” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi trong
đó vắc xin có ý nghĩa chiến lược, lâu dài và quyết định. Ngay từ khi có dịch Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu,
chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước nói chung và đặc biệt là vắc
xin phòng Covid-19 nói riêng.
I. Về nhận thức cần thống nhất
1. Vắc xin có tính chất quyết định,
chiến lược, lâu dài trong phòng, chống dịch nói chung và trong phòng, chống
dịch Covid-19 nói riêng, đồng thời phải nằm trong chiến lược tổng
thể nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin để vừa chủ động trong
phòng, chống dịch vừa tiết kiệm ngân sách nhà nước cả trước mắt và lâu dài.
2. Trong triển khai chiến lược vắc
xin, cần thực hiện đồng bộ, bao gồm: mua, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản
xuất vắc xin trong nước đồng thời tổ chức, triển khai chiến dịch tiêm vắc xin kịp
thời, an toàn, hiệu quả.
3. Nhận thức nghiên cứu, chuyển giao
công nghệ và sản xuất vắc xin vừa là sản phẩm xã hội vừa là sản phẩm thương mại.
Do đó, mọi chiến lược, kế hoạch, chính sách phải phù hợp với tính chất xã hội,
tính chất thương mại của vắc xin.
4. Sản xuất vắc xin góp phần phát triển
công nghiệp Dược, một thế mạnh của nước ta. Cần quán triệt “Phát triển công nghiệp Dược làm nền tảng cho phát triển vắc xin, đáp ứng
yêu cầu tích cực chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân”
và tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.
5. Kế thừa và
phát triển sự chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo về phát triển vắc xin, phát huy
hiệu quả, thành tựu đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, sản xuất
vắc xin của nhiều thế hệ các nhà khoa học và cơ sở sản xuất vắc xin thời gian
qua; đồng thời khắc phục bằng được các hạn chế bất cập cả về nhận thức, về tư
tưởng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để đầu tư, tập trung nghiên cứu,
chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước.
II. Về tư tưởng chỉ đạo
1. Việc nghiên cứu, chuyển giao, sản
xuất vắc xin là khó khăn, thách thức nhưng phải làm bằng được vì có sản xuất
được vắc xin mới chủ động trong phòng chống dịch và chăm sóc,
bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân. Cần có quyết tâm cao và
niềm tin là Việt Nam sẽ sản xuất được vắc xin phòng Covid-19, để người dân tin,
tích cực tham gia, đóng góp nguồn lực vào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản
xuất và tham gia thử nghiệm, sử dụng vắc xin.
2. Những việc càng khó, phức tạp, nhạy
cảm đặc biệt liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người dân thì càng phải giữ
đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, phát huy dân chủ, huy động
trí tuệ tập thể, bàn bạc kỹ càng thống nhất, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến
đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất để quyết định thực hiện.
3. Phải đặt lợi ích của Quốc gia, của
Dân tộc, của Nhân dân, cộng đồng lên trên hết, trước hết để đưa ra các chính
sách, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, phân phối, sử dụng vắc
xin phù hợp, hiệu quả với phương châm 5 thật: “nghĩ thật,
nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân và doanh nghiệp thụ hưởng thật”.
4. Phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ
lực lớn, hành động quyết liệt. Do nguồn lực, thời gian có hạn nên phải chọn việc
trọng tâm, trọng điểm để tập trung giải quyết; do vắc xin liên quan đến sức khỏe,
tính mạng của người dân nên phải thực hiện khoa học, đúng quy trình, quy định nhưng làm việc nào dứt điểm việc ấy và phải có hiệu quả, thiết
thực, không để lãng phí nguồn lực.
5. Song song với việc nghiên cứu,
chuyển giao, sản xuất, phải đẩy mạnh thử nghiệm theo quy trình nghiêm ngặt, chặt
chẽ, kỹ lưỡng và xây dựng chương trình, kế hoạch, chiến dịch tiêm chủng vắc xin kịp
thời, an toàn, hiệu quả.
III. Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
1. Việc lãnh đạo, chỉ đạo phải xuyên
suốt, thống nhất xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn,
tôn trọng thực tiễn; lấy thực tiễn làm thước đo để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời,
đúng hướng, quyết liệt nhưng hiệu quả.
Xây dựng Chiến lược, Chương trình Quốc
gia, Kế hoạch lâu dài, toàn diện để nghiên cứu sản xuất, chuyển giao công nghệ
vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng Covid-19.
2. Tập trung tháo gỡ kịp thời những
khó khăn, vướng mắc về pháp lý, cơ chế, chính sách trên tinh thần bám sát thực
tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ
và sản xuất vắc xin; vướng mắc liên quan đến cấp nào thì đề xuất cấp đó giải
quyết theo phương châm 3 không: “không nói không, không
nói khó, không nói có mà không làm”; cái gì đã chín, đã
rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu
quả, được đa số đồng tình thì triển khai ngay; cái gì chưa có quy định hoặc đã
có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn thì mạnh
dạn làm thí điểm, vừa làm, vừa hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không
nóng vội.
3. Triển khai nhiều giải pháp huy động
nguồn lực tài chính, kinh phí cho nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó phải
có giải pháp hợp tác công - tư trên nguyên tắc hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa
lợi ích Nhà nước, Nhà khoa học và Doanh nghiệp, đó là nguyên tắc.
Đối với từng Chương trình, Dự án cụ thể thì phải thảo luận thống nhất được về
nguyên tắc và kết quả hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa ba nhà: Nhà nước -
Nhà khoa học - Doanh nghiệp để triển khai thực hiện.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì
cùng Bộ Y tế, các Bộ ngành có liên quan đề xuất ban hành và ban hành ngay cơ chế,
chính sách để tập hợp, thu hút các nhà khoa học; khích lệ, phát huy lòng yêu nước,
tự hào, tự tôn dân tộc; đồng thời có chế độ đãi ngộ, động viên, khen thưởng phù
hợp, kịp thời để các nhà khoa học trong nước, ngoài nước cùng tham gia, đóng
góp cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc
xin với quy định rõ ràng, công khai, minh bạch. Có chính sách nuôi dưỡng, duy
trì, phát triển một cách lâu dài, ổn định các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất vắc xin chân chính.
5. Nghiên cứu, ban hành quy trình thử
nghiệm, đánh giá, cấp phép vắc xin theo thủ tục rút gọn nếu quy trình luật pháp
cho phép trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”
nhưng phải tuân thủ nguyên tắc khoa học, bám sát thực tiễn, bảo đảm
kịp thời, an toàn, minh bạch, khách quan và phục vụ hiệu quả chăm sóc và bảo vệ
sức khỏe của nhân dân.
6. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các
cơ quan, đơn vị, trước hết là các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và
người dân.
7. Công tác tuyên truyền phải đúng hướng,
hiệu quả, bám sát quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị “Người
Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh tuyên truyền để người
dân có cảm hứng, tin tưởng và ủng hộ chủ trương sản xuất và tiêm vắc xin do Việt
Nam sản xuất.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống
dịch làm đầu mối chỉ đạo nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin. Đồng
chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống
dịch Covid-19 trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Chương trình Quốc gia về vắc xin
nói chung, trong đó trước mắt đặc biệt chú ý nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng
Covid-19.
2. Bộ Y tế, cơ quan quản lý nhà nước
về vắc xin, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển giao công nghệ, sản xuất, tổ chức
chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, thành lập trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin quốc gia đạt tiêu chuẩn quốc tế;
đề xuất cấp có thẩm quyền những vấn đề còn vướng mắc để
tháo gỡ kịp thời. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan dự báo tình hình, cân đối
cung cầu hợp lý vắc xin tránh tình trạng “lúc thiếu, lúc
thừa không đúng lúc” để điều tiết chính sách vĩ mô kịp thời,
hiệu quả.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ
quan quản lý nhà nước đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ việc nghiên cứu
vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất và cơ chế thông thoáng về nghiên cứu, ứng
dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế; chủ trì, triển khai nghiên cứu và
sản xuất vắc xin trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030;
hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ sản xuất vắc xin; phối
hợp với Bộ Y tế trong việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu, chuyển
giao công nghệ sản xuất vắc xin, Trung tâm thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm
sàng; nhưng chú ý vấn đề quy hoạch sản xuất và phát huy hiệu quả hợp tác công
tư.
4. Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu
bổ sung cơ chế, chính sách về tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ trong công tác
phòng, chống dịch Covid-19 và trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất
vắc xin phòng Covid-19.
5. Các Bộ, ngành khác căn cứ chức
năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và
Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức triển khai thực hiện các
nhiệm vụ đã nêu thiết thực, có hiệu quả.
6. Các kiến nghị về đầu tư, sử dụng
nguồn lực, cơ chế, chính sách,... của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất
vắc xin là chính đáng, phù hợp với tình hình, Chính phủ giao đồng chí Phó Thủ
tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ xử lý giải quyết và báo cáo Thường trực
Chính phủ.
Nhân Hội nghị này, thay mặt lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ trân trọng cảm ơn Nhân dân, các nhà khoa học,
các doanh nghiệp, các nhà quản lý đã góp phần làm nên thành quả chung của cả nước,
trong đó có thành quả về chống dịch, bảo đảm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào Quỹ vắc xin
phòng, chống dịch Covid-19 và nhất là góp phần vào việc nghiên cứu, chuyển
giao sản xuất và tham gia thí nghiệm tiêm chủng vắc xin phòng, chống
dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các tầng lớp nhân dân, người Việt
Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học, các doanh nhân, doanh nghiệp nêu cao tinh
thần yêu nước đóng góp tích cực vào sự nghiệp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với
tinh thần “Ai có ít góp ít, ai có nhiều đóng góp nhiều”
để chúng ta thực hiện thành công chiến lược vắc xin.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các
Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực
hiện và phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc báo cáo Thủ tướng
Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- VP TW Đảng, VP Chủ tịch nước, VP Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa, GDTNTNNĐ của
QH;
- Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
CP;
- Các Thành viên BCĐ quốc gia
phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- TANDTC, VKSNDTC;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Trợ lý TTgCP, TGĐ cổng TTĐT,
các Vụ, Cục: TH, KTTH, QHQT, NC,
QHĐP,
TKBT, NN, CN, PL, KSTT;
- Lưu: VT, KGVX (3).vt
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|