SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 118-SL NGÀY 18 THÁNG 10 NĂM 1949
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu Sắc lệnh số 29-SL ngày 12-3-1947 và các sắc lệnh, nghị định quy định những sự giao dịch về việc làm công giữa chủ và công nhân,
Chiểu đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động,
Căn cứ vào những điều kiện hiện thời của các ngành hoạt động kinh tế Quốc gia,
Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ,
Sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận,
RA SẮC LỆNH:
Điều 1- Công nhân và nhân viên các xí nghiệp Quốc gia có quyền cử Uỷ ban Xí nghiệp, theo những điều khoản ấn định trong Sắc lệnh này.
Điều 2- Uỷ ban xí nghiệp thành lập ở những xí nghiệp Quốc gia có từ 25 công nhân và nhân viên trở lên. Mỗi năm bầu một lần.
Điều 3- Những xí nghiệp nói trên là:
- Nhà máy, xưởng, hầm mỏ,
- Đơn vị làm việc của các cơ quan vận tải như xe hoả, thuyền, ga ra,
- Đơn vị thương mại,
- Đồn điền, ấp trại dùng công nhân thường xuyên v.v...
Điều 4- tất cả nam nữ công nhân và nhân viên, không phân biệt người Việt Nam và người ngoại quốc, đã làm việc 3 tháng trong xí nghiệp đều có quyền bầu cử.
Những công nhân và nhân viên 18 tuổi trở lên mới có quyền ứng cử.
Giám đốc, quản đốc và những uỷ viên các Ban Giám đốc và quản đốc có quyền bầu cử, song không được ứng cử.
Những đại biểu Uỷ ban xí nghiệp mãn hạn có quyền ứng cử lại.
Điều 5- Số đại biểu Uỷ ban xí nghiệp ấn định như sau:
- 3 chính thức và hai dự khuyết ở những xí nghiệp có từ 25 đến 100 công nhân và nhân viên,
- 5 chính thức và 2 dự khuyết ở những xí nghiệp có từ 101 đến 500 công nhân và nhân viên,
- 7 chính thức và 3 dự khuyết ở những xí nghiệp có từ 501 công nhân và nhân viên trở lên.
Điều 6- Bất cứ lúc nào, những đại biểu Uỷ ban xí nghiệp hoặc toàn thể Uỷ ban xí nghiệp thiếu năng lực và tư cách cũng có thể bị bãi miễn do sự biểu quyết của quá nửa số người có quyền bầu cử.
Điều 7 Uỷ ban xí nghiệp có những nhiệm vụ dưới đây:
a) Về sản xuất và kinh doanh:
- Góp ý kiến và đề nghị với cơ quan giám đốc về việc tổ chức xí nghiệp, về việc đặt chương trình sản xuất và kinh doanh, tăng mức sản xuất và cải tiến kỹ thuật,
- Giúp Chính phủ trong việc theo dõi sự sử dụng tài chính của xí nghiệp.
b) Bảo vệ xí nghiệp trong thời kỳ kháng chiến:
Giúp cơ quan giám đốc:
- Tổ chức việc bảo vệ xí nghiệp, công nhân và nhân viên,
- Đề phòng nội gian, giữ bí mật cơ quan và bí mật sản xuất.
c) Về cải thiện sinh hoạt cho công nhân và nhân viên:
- Trông nom sự thi hành cho đúng chế độ tiền lương, cấp bậc và thang lương,
- Tổ chức và điều khiển đời sống chung về vật chất và tinh thần,
- Trông nom sự thi hành nội quy.
d) Về thưởng phạt:
- Giúp ý kiến cơ quan giám đốc về việc thưởng phạt.
Điều 8- Uỷ ban xí nghiệp được cử đại biểu đến họp cùng cơ quan Giám đốc khi nào có bàn đến những công việc có liên hệ đến những nhiệm vụ của Uỷ ban xí nghiệp mói trong sắc lệnh này.
Số đại biểu ấn định là:
- 1 người cho những Uỷ ban xí nghiệp có 3 đại biểu chính thức,
- 2 người cho những Uỷ ban xí nghiệp có 5 đại biểu chính thức,
- 3 người cho những Uỷ ban xí nghiệp có 7 đại biểu chính thức.
Điều 9- trong trường hợp cơ quan giám đốc không đồng ý kiến với Uỷ ban xí nghiệp, thì ý kiến của Uỷ ban xí nghiệp sẽ do cơ quan giám đốc đưa lên cấp có thẩm quyền quyết định.
Trong khi chờ đợi, quyết định của cơ quan giám đốc vẫn thi hành.
Điều 10- Công đoàn xí nghiệp có quyền gửi một đại diện đến dự các phiên họp của Uỷ ban xí nghiệp, để thảo luận, góp ý kiến nhưng không biểu quyết.
Điều 11- Sáu tháng một lần đại diện của cơ quan giám đốc phải cho Uỷ ban xí nghiệp biết tình hình hoạt động chung của xí nghiệp.
Điều 12- Thể lệ và cách thức bầu uỷ ban xí nghiệp và những chi tiết thi hành các điều khoản trên do Nghị định của Bộ trưởng Bộ Lao động ấn định.
Điều 13- Quyền cử uỷ ban xí nghiệp của công nhân ở các xí nghiệp tư nhân sẽ do sắc lệnh quy định sau.
Điều 14- Bộ trưởng Bộ Lao động chiểu sắc lệnh thi hành.