ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 946/QĐ-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày
05 tháng 7 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HỖ TRỢ
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VÀ TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Khoa học và Công
nghệ ngày 18/6/2013;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh
nghiệp vừa và nhỏ ngày 12/6/2017;
Căn cứ Luật chuyển giao công
nghệ ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số
76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số
điều của Luật Chuyển giao công nghệ;
Căn cứ Nghị định số
13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về Doanh nghiệp khoa học và công
nghệ;
Căn cứ Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày
22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển
doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực
hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm”; Quyết định số 1381/QĐ-TTg ngày
12/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết
định số 592/QĐ-TTg ngày
22/5/2012 về việc phê duyệt "Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế
tự chủ, tự chịu trách nhiệm”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 675/TTr-SKHCN ngày 20/6/2019 và Giám đốc
các Sở: Tài chính tại Công văn số 1465/STC-HCSN ngày 18/6/2019, Kế hoạch và Đầu
tư tại Công văn số 910/SKHĐT-KGVX ngày 18/6/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình khoa học
và công nghệ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức
khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Điều 2.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, địa phương có liên quan triển khai Chương trình theo đúng mục tiêu,
nội dung, đạt chất lượng, hiệu quả và đúng thời gian quy định.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở:
Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng
các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cá
nhân, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Khoa học và Công nghệ (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- CPUB: PCVP(VX), TH, CBTH;
- Lưu: VT, KGVXlmc304.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Ngọc Dũng
|
CHƯƠNG TRÌNH
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HỖ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ VÀ TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH
HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 05/7/2019 của Chủ tịch
UBND tỉnh Quảng Ngãi)
I. Sự cần
thiết
Doanh nghiệp khoa học và công
nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công
nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển
công nghệ. Do đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) không chỉ là cầu
nối ứng dụng KH&CN chuyển giao vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực
lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp
cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội và GDP của đất nước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có
6 doanh nghiệp KH&CN được thành lập. Hầu hết các doanh nghiệp đều có hoạt động
KH&CN và đổi mới sáng tạo thuộc các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, nông nghiệp,
xử lý chất thải. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên
cứu phát triển sản phẩm công nghệ, công nghệ cao thông qua việc tái đầu tư,
dành những nguồn lực xứng đáng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp
KH&CN được thành lập chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh và quá thấp so
với mục tiêu phát triển doanh nghiệp KH&CN giai đoạn 2013 - 2020 đã được
xác định trong Chương trình hành động số 40-CTr/TU ngày 5/4/2013 của Tỉnh ủy Quảng
Ngãi thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập
quốc tế (là thành lập từ 15 - 20 doanh nghiệp KH&CN). Ngoài ra các doanh
nghiệp KH&CN của tỉnh thuộc loại doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực về tài chính hạn
hẹp nên công tác truyền thông đến công chúng còn hạn chế dẫn đến việc tiêu thụ
sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Tổ chức KH&CN trên địa bàn
tỉnh là đơn vị tiếp nhận, nghiên cứu làm chủ công nghệ nhằm phục vụ chủ yếu nhu
cầu công nghệ cho vùng nông thôn miền núi của tỉnh. Bên cạnh đó, người dân và tổ
chức, doanh nghiệp ở những vùng này rất cần công nghệ nhưng lại thiếu kinh phí.
Trong khi đó, tổ chức KH&CN cũng cần phải có kinh phí chuyển giao để thực
hiện việc tự chủ về tài chính. Như vậy, bên cung và cầu khó có thể gặp nhau để
cùng nhau phát triển.
Trong bối cảnh cuộc cánh mạng
công nghiệp lần thứ 4.0 diễn ra sâu rộng thì doanh nghiệp Việt Nam nói chung và
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng cũng phải có những bước đi, lộ trình
phát triển phù hợp nhằm đi trước, đón đầu, ứng dụng mạnh mẽ các kết quả
KH&CN để nhanh chóng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó,
doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN sẽ là đơn vị đầu tàu trong công tác
này.
Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban
hành Nghị định số 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật chuyển giao công nghệ. Theo đó, Chính phủ quy định các nội dung về
hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ (tại Chương III Nghị
định 76/2018/NĐ-CP) cho doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ. Đây là
điểm mới của Luật chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
và tổ chức khoa học và công nghệ.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên
việc ban hành Chương trình KH&CN hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN
và tổ chức KH&CN tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 là hết
sức cần thiết nhằm góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập
kinh tế quốc tế và sớm đưa tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại.
II. Căn cứ
pháp lý
- Luật khoa học và công nghệ ngày
18 tháng 6 năm 2013;
- Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;
- Luật chuyển giao công nghệ
ngày 19 tháng 6 năm 2017;
- Nghị định số 76/2018/NĐ-CP
ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật chuyển giao công nghệ;
- Nghị định số 13/2019/NĐ-CP
ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
- Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày
22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển
doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và tổ chức KH&CN công lập thực
hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm”; Quyết định số 1381/QĐ-TTg ngày
12/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết
định số 592/QĐ- TTg ngày 22/5/2012 về
việc phê duyệt "Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ
chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm”.
III. Mục
tiêu, đối tượng, phạm vi của Chương trình
1. Mục tiêu
a) Từ nay đến 2020:
- Hỗ trợ 03 dự án hoàn thiện,
làm chủ công nghệ để thành lập mới ít nhất 03 doanh nghiệp KH&CN.
- Hỗ trợ 03 dự án hoàn thiện
công nghệ tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường cho 03 doanh
nghiệp KH&CN đã được thành lập thông qua thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
b) Từ 2021 đến 2025:
- Hỗ trợ 20 dự án hoàn thiện,
làm chủ công nghệ để thành lập mới ít nhất 20 doanh nghiệp KH&CN.
- Hỗ trợ 25 dự án hoàn thiện
công nghệ tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường cho 25 doanh
nghiệp KH&CN đã được thành lập thông qua thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
- Hỗ trợ 05 dự án cho tổ chức
KH&CN chuyển giao công nghệ vào địa bàn ưu đãi đầu tư, lĩnh vực ưu đãi đầu
tư theo quy định của Luật đầu tư.
2. Đối tượng và phạm vi hỗ
trợ
Các doanh nghiệp KH&CN trên
địa bàn tỉnh, doanh nghiệp trong nước hoạt động theo luật doanh nghiệp có tiềm
năng ươm tạo doanh nghiệp KH&CN và các tổ chức khoa học và công trên địa
bàn tỉnh.
IV. Nhiệm vụ
và giải pháp
1. Công tác thông tin tuyên
truyền
a) Nhiệm vụ
Tổ chức các hoạt động tuyên
truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa của phát triển doanh nghiệp KH&CN;
chính sách, cơ chế hỗ trợ, các hoạt động phát triển doanh nghiệp KH&CN.
b) Giải pháp
- Khảo sát, đánh giá và lựa chọn
doanh nghiệp có tiềm năng hình thành doanh nghiệp KH&CN. Trên cơ sở đó,
tuyên truyền, vận động và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu hoàn thiện
công nghệ, sản phẩm mới làm cơ sở để thành lập doanh nghiệp KH&CN.
- Đẩy mạnh hoạt động thông tin
tuyên truyền các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp KH&CN trên trang Web
thành phần của Sở Khoa học và Công nghệ, trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh.
2. Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp
KH&CN
a) Nhiệm vụ
- Hỗ trợ các tổ chức, doanh
nghiệp thực hiện nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, sản phẩm mới, trực tiếp sản
xuất sản phẩm từ kết quả KH&CN làm cơ sở thành lập doanh nghiệp KH&CN.
- Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đủ
điều kiện của doanh nghiệp khoa học và công nghệ xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, thủ
tục để được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
b) Giải pháp thực hiện
- Tổ chức hướng dẫn các doanh
nghiệp tiếp cận, tham gia thực hiện đề tài, dự án thuộc các đề án, chương trình
KH&CN quốc gia, các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh theo hướng tăng cường lồng
ghép các chương trình, phát huy xã hội hóa các nguồn vốn, ngân sách nhà nước chỉ
hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các dự án. Trong đó:
+ Đối với các dự án thuộc các đề
án, chương trình KH&CN quốc gia: Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
KH&CN, tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách
nhiệm (Chương trình 592); Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia... được thực
hiện theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ. Kinh phí hỗ trợ,
ngoài nguồn vốn TW, tỉnh sẽ bố trí đối ứng từ ngân sách tỉnh đối với các dự án
có cơ cấu nguồn đối ứng của địa phương theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
+ Đối với các đề tài, dự án cấp
tỉnh hàng năm được hỗ trợ theo quy định thực hiện nhiệm vụ KH&CN của tỉnh.
- Sở Khoa học và Công nghệ hướng
doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp
KH&CN.
3. Hỗ trợ phát triển doanh
nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN
a) Nhiệm vụ
- Hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN
có dự án thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao
công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ.
- Hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN
thực hiện dự án nghiên cứu giải mã công nghệ (công nghệ cao, công nghệ tiên tiến,
công nghệ sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương).
- Hướng dẫn doanh nghiệp khoa học
và công nghệ trong việc hưởng chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh
nghiệp; ưu đãi tín dụng, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn từ
các tổ chức tín dụng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học
và công nghệ quốc gia và các loại quỹ khác có liên quan; ưu đãi về sử dụng đất.
- Hỗ trợ tổ chức KH&CN có dự
án chuyển giao công nghệ thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư.
b) Giải pháp thực hiện
Dự án thuộc ngành nghề ưu đãi đầu
tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và
công nghệ, dự án nghiên cứu giải mã công nghệ được ưu tiên đưa vào doanh mục
nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tuyển chọn, giao trực tiếp và được hỗ trợ
theo quy định thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.
V. Kinh phí
thực hiện Chương trình, thời gian thực hiện
1. Kinh phí: Nguồn kinh
phí thực hiện: Nguồn sự nghiệp KH&CN tỉnh, kinh phí sự nghiệp khoa học và
công nghệ của Trung ương và nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp (phụ lục kèm
theo).
2. Thời gian thực hiện:
Từ nay đến hết năm 2025.
VI. Tổ chức thực hiện
1. Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện đúng nội
dung của Chương trình.
2. Sở Tài chính: Cùng với
thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, trên cơ sở dự toán do Sở
Khoa học và công nghệ lập và căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính có
trách nhiệm tổng hợp trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định phân bổ kinh
phí./.
Các dự án được thực hiện theo hình
thức nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh. Do đó quá trình thực hiện dự án tuân
thủ các quy định của nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cụ thể như sau:
- Thông tư liên tịch số
55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết
toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà
nước.
- Thông tư số
27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Liên Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ
và Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng
ngân sách Nhà nước; trình tự thực hiện các dự án nêu trên theo quy định tại.
- Nghị định số 70/2018/NĐ-CP
ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình
thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng
vốn Nhà nước.
- Quyết định 25/2018/QĐ-UBND
ngày 12/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quy định quản lý nhiệm vụ khoa
học và công nghệ cấp tỉnh và cấp cơ sở sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn
tỉnh Quảng Ngãi.
Việc chọn mức hỗ trợ 30% là nhằm
để giao tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN cho doanh nghiệp sử dụng và
phát triển phù hợp với quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của
Chính phủ./.