THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
88/2009/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
NƯỚC NGOÀI TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ hướng
dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế góp vốn, mua cổ
phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Điều 2.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn
thi hành Quyết định này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8
năm 2009 và thay thế Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2003 của
Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu
tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị các Tập đoàn, Tổng công ty
nhà nước, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, ĐMDN (5b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
QUY CHẾ
GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG CÁC
DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2009 của
Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về việc góp
vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam.
2. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần của
nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong một số
lĩnh vực có quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc có cam kết trong các điều
ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khác với quy định tại Quy chế này thì thực
hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc các điều ước quốc tế đó.
3. Việc tham gia của bên nước ngoài
trên thị trường chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy chế riêng do Thủ
tướng Chính phủ ban hành.
4. Các hoạt động đầu tư của nhà đầu
tư nước ngoài quy định tại khoản 1, 2, 3, 6, 7 Điều 21 Luật Đầu
tư không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này, bao gồm:
a) Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn
nước ngoài;
b) Góp vốn với nhà đầu tư trong nước
để thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
c) Đầu tư theo hình thức hợp đồng
BCC, BOT, BTO, BT;
d) Đầu tư thực hiện việc sáp nhập,
mua lại doanh nghiệp;
đ) Các hoạt động đầu tư trực tiếp
khác.
Điều 2. Đối tượng
điều chỉnh
1. Nhà đầu tư nước ngoài quy định tại
Quy chế này bao gồm tổ chức và cá nhân nước ngoài, cụ thể như sau:
a) Tổ chức thành lập và hoạt động
theo pháp luật nước ngoài và chi nhánh của các tổ chức này tại nước ngoài và tại
Việt Nam;
b) Tổ chức thành lập và hoạt động ở
Việt Nam có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49%.
c) Quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng
khoán có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49%.
d) Cá nhân nước ngoài là người
không mang quốc tịch Việt Nam, cư trú tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam.
2. Doanh nghiệp Việt Nam quy định tại
Quy chế này là các tổ chức kinh tế hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực, ngành
nghề mà pháp luật không cấm đầu tư, bao gồm:
a) Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác;
b) Công ty cổ phần, công ty trách
nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân thành lập và hoạt động
theo Luật Doanh nghiệp.
Điều 3. Mức
góp vốn, mua cổ phần
1. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần
của các công ty đại chúng theo tỷ lệ quy định của pháp luật về chứng khoán và
các văn bản hướng dẫn liên quan.
2. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn,
mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề thuộc
pháp luật chuyên ngành theo tỷ lệ quy định của pháp luật chuyên ngành đó.
3. Tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của
nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thương mại dịch
vụ tuân theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4. Đối với doanh nghiệp Việt Nam hoạt
động đa ngành nghề, đa lĩnh vực, bao gồm cả một số ngành nghề, lĩnh vực có quy
định khác nhau về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước
ngoài được góp vốn, mua cổ phần không quá mức của ngành nghề, lĩnh vực có quy định
tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thấp nhất.
5. Đối với doanh nghiệp 100% vốn
nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần
theo tỷ lệ tại phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không vượt mức
quy định nếu doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động trong các lĩnh vực thuộc các trường
hợp nêu tại khoản 2, 3, 4 Điều này.
6. Ngoài các trường hợp nêu trên,
nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam
với mức không hạn chế.
Điều 4. Các
hình thức góp vốn, mua cổ phần
1. Góp vốn:
a) Nhà đầu tư nước ngoài mua lại phần
vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, góp vốn vào công ty trách
nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên mới của công ty trách nhiệm hữu hạn hai
thành viên trở lên hoặc mua lại toàn bộ số vốn điều lệ của chủ sở hữu trong
công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để trở thành chủ sở hữu mới của công
ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
b) Nhà đầu tư nước ngoài mua lại phần
vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh hoặc góp vốn vào công ty
hợp danh để trở thành thành viên góp vốn mới.
Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân
mua lại phần vốn góp của thành viên hợp danh trong công ty hợp danh hoặc góp vốn
vào công ty hợp danh để trở thành thành viên hợp danh mới, sau khi được sự chấp
thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
c) Nhà đầu tư nước ngoài mua lại một
phần vốn của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc góp vốn với chủ doanh nghiệp tư nhân
để chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành
viên trở lên và trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành
viên trở lên.
2. Mua cổ phần:
a) Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần
phát hành lần đầu của các công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
b) Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần
phát hành lần đầu của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa;
c) Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần
trong số cổ phần được quyền chào bán, cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
d) Nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ
phần của các cổ đông trong công ty cổ phần, bao gồm cả các công ty đại chúng
niêm yết và các công ty đại chúng chưa niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán.
Điều 5. Hình thức
thanh toán góp vốn, mua cổ phần
1. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia
góp vốn, mua cổ phần bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các tài sản
hợp pháp khác theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số
108/2006/NĐ-CP;
a) Trường hợp góp vốn, mua cổ phần
bằng ngoại tệ thì quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá mua của ngân hàng thương
mại được phép hoạt động ngoại hối tại thời điểm góp vốn, mua cổ phần sau khi được
đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp chấp thuận và theo quy định của pháp luật
hiện hành về quản lý ngoại hối;
b) Trường hợp góp vốn, mua cổ phần
bằng tài sản hợp pháp khác (không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển
đổi) phải được định giá bằng một trong hai phương thức sau:
- Định giá bởi các tổ chức định giá
độc lập và được các thành viên, cổ đông sáng lập của doanh nghiệp được góp vốn
và người góp vốn cùng nhau chấp thuận;
- Doanh nghiệp thành lập Hội đồng định
giá và cùng với người góp vốn thỏa thuận về giá.
2. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện
góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam bằng máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu,
hàng hóa, chuyển giao công nghệ và các tài sản khác phải tuân thủ các quy định
của pháp luật Việt Nam về công nghệ, văn hóa và môi trường, sở hữu trí tuệ, xuất
nhập khẩu …
3. Việc mua bán chứng khoán trên Sở
Giao dịch chứng khoán được thực hiện bằng đồng Việt Nam theo quy định pháp luật
về chứng khoán.
Điều 6. Điều kiện
để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần
1. Đối với nhà đầu tư nước ngoài là
tổ chức:
a) Có tài khoản vốn đầu tư mở tại
ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng
vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài
và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông
qua tài khoản này;
b) Có bản sao Giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác chứng minh tư cách pháp lý, có chứng
thực của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại nơi tổ chức đó đã đăng ký;
Nhà đầu tư nước ngoài chịu trách
nhiệm về tính hợp lệ của các tài liệu cung cấp.
c) Các điều kiện khác quy định
trong điều lệ của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ
phần và bảo đảm không trái với quy định của pháp luật.
2. Đối với nhà đầu tư nước ngoài là
cá nhân:
a) Có tài khoản cá nhân mở tại ngân
hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn
góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và
các hoạt động khác có liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông
qua tài khoản này.
b) Bản sao hộ chiếu còn giá trị;
c) Các điều kiện khác quy định
trong điều lệ của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ
phần và bảo đảm không trái với quy định của pháp luật.
3. Đối với các tổ chức, cá nhân nước
ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về
chứng khoán.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 7. Góp vốn
vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh
1. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện
việc góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của
Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty.
2. Đối với công ty trách nhiệm hữu
hạn có hai thành viên trở lên, công ty hợp danh: Chủ tịch Hội đồng thành viên
hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty (theo Điều lệ công ty) xây dựng phương án
huy động vốn, trong đó có phần nhận vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài để trình
Hội đồng thành viên. Hội đồng thành viên quyết định việc huy động vốn góp và tỷ
lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Thành viên của công ty trách nhiệm
hữu hạn có hai thành viên trở lên, công ty hợp danh chuyển nhượng phần vốn góp
của mình cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và Điều lệ công
ty.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên chuyển nhượng một phần vốn điều lệ hoặc huy động thêm vốn góp của
người khác trong đó có nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của
Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên thuộc sở hữu nhà nước, phải lập đề án chuyển từ công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành
viên trở lên để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư
đăng ký góp vốn với tổng giá trị vượt quá số vốn góp theo phương án huy động vốn
đã được phê duyệt, doanh nghiệp có thể thỏa thuận hoặc thực hiện đấu giá để lựa
chọn nhà đầu tư.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn
nhà nước một thành viên thuộc sở hữu nhà nước, việc chuyển nhượng phần vốn góp
cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định pháp luật và quản lý tài
chính đối với công ty nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
khác.
Điều 8. Mua lại
một phần vốn, góp vốn với chủ doanh nghiệp tư nhân
1. Chủ doanh nghiệp tư nhân quyết định
bán lại một phần vốn hoặc huy động vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài để chuyển
đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở
lên.
2. Việc chuyển đổi doanh nghiệp tư
nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải bảo đảm thực
hiện đúng quy định tại Điều 24 Nghị định số 139/2007/NĐ-CP
ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều
của Luật Doanh nghiệp.
Điều 9. Mua cổ
phần lần đầu của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa
Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc
mua cổ phần lần đầu của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa
theo quy định tại các văn bản hướng dẫn hiện hành về việc chuyển doanh nghiệp
100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Điều 10. Mua cổ
phần của công ty cổ phần đang hoạt động
1. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc
mua, bán cổ phần của công ty cổ phần đại chúng theo quy định của Luật Đầu tư,
Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Điều lệ của công ty.
2. Đối với công ty cổ phần trong thời
hạn ba năm đầu hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,
nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập khi được
sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông để trở thành cổ đông sáng lập của công
ty.
Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ
phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác trong công
ty cổ phần khi Điều lệ công ty có quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
3. Hội đồng quản
trị hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty cổ phần xây dựng phương án huy động vốn,
phát hành cổ phiếu trong đó có bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để trình Đại
hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị (theo Điều lệ tổ chức hoạt động của
công ty cổ phần).
Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng
quản trị quyết định việc bán cổ phần và tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước
ngoài.
4. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần
trong các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, công ty đại chúng chưa
niêm yết theo quy định pháp luật về chứng khoán.
Chương 3.
QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA
NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Điều 11. Quyền
lợi của nhà đầu tư nước ngoài
1. Được sử dụng cổ phiếu để cầm cố
trong quan hệ tín dụng và trong việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy
định của pháp luật Việt Nam.
2. Được chuyển sở hữu cổ phiếu, được
tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán khi công ty cổ phần đã niêm yết
theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định của pháp luật về chứng khoán.
3. Được quyền chuyển nhượng phần vốn
góp, điều chỉnh vốn đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định của
pháp luật Việt Nam và điều lệ của doanh nghiệp.
4. Được chuyển đổi ra ngoại tệ các
khoản thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận có được thông qua hoạt động đầu tư tại Việt
Nam để chuyển ra nước ngoài, sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với
Nhà nước Việt Nam và các bên liên quan. Việc mua lại ngoại tệ để chuyển ra nước
ngoài tuân thủ theo chế độ quản lý ngoại hối và các quy định của pháp luật Việt
Nam.
5. Được tham gia quản lý doanh nghiệp
theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của doanh nghiệp mà nhà đầu tư
nước ngoài góp vốn, mua cổ phần (trừ trường hợp là thành viên góp vốn trong
công ty hợp danh).
6. Được hưởng quyền lợi như các nhà
đầu tư trong nước khi tham gia đầu tư trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm
hữu hạn, công ty hợp danh.
7. Được hưởng các quyền lợi khác
theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 12. Nghĩa
vụ của nhà đầu tư nước ngoài
1. Thực hiện đúng các điều kiện và
cam kết khi tham gia mua cổ phần, góp vốn.
2. Thực hiện đầy đủ các quy định
trong Quy chế này và trong Điều lệ tổ chức hoạt động của doanh nghiệp mà nhà đầu
tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần.
3. Trường hợp chuyển sở hữu cổ phiếu,
chuyển nhượng vốn góp có phát sinh lợi nhuận thì phải nộp thuế thu nhập và các
khoản thuế khác theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo
quy định của pháp luật Việt Nam.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm
tra các doanh nghiệp nhà nước do mình quyết định cổ phần hóa, bán cổ phần cho
nhà đầu tư nước ngoài.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các doanh
nghiệp nhà nước do mình quyết định cổ phần hóa và các doanh nghiệp hoạt động
theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn bán cổ phần, nhận góp vốn của nhà đầu tư nước
ngoài.
3. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn
thực hiện Quy chế này.
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|