QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC
TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 77/2009/QĐ-UBND ngày 08/12/2009 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Bình Dương)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí
Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương
(sau đây gọi tắt là Chi cục) là cơ quan trực thuộc Sở Tài chính; chịu sự chỉ đạo,
quản lý trực tiếp của Sở Tài chính; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về
chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Tài chính doanh nghiệp.
Điều 2. Chức năng
Chi cục có chức năng giúp Giám đốc Sở Tài chính
trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về tài chính doanh
nghiệp, quản lý vốn và tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp trên
địa bàn tỉnh.
Chương II
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Nhiệm vụ
Chi cục tham mưu Giám đốc Sở Tài chính thực hiện
các nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Thống nhất quản lý nhà nước về tài chính
doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh.
a) Tham gia, hướng dẫn, triển khai thực hiện các
chính sách, chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh
tế tập thể, chính sách tài chính phục vụ chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh
nghiệp nhà nước, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp, cổ phần
hóa đơn vị sự nghiệp công lập, chế độ quản lý, bảo toàn và phát triển vốn nhà
nước tại doanh nghiệp, chế độ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và các chế
độ khác có liên quan đến quản lý tài chính doanh nghiệp theo quy định của Bộ
Tài chính.
b) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chính
sách, chế độ quản lý tài chính, chế độ quản lý vốn nhà nước, chế độ kế toán, kiểm
toán của các doanh nghiệp trong tỉnh theo quy định của pháp luật.
c) Tổng hợp tình hình chuyển đổi sở hữu, sắp xếp
lại doanh nghiệp nhà nước; phân tích, đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp
trên địa bàn, tình hình quản lý, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh
nghiệp do địa phương thành lập hoặc góp vốn; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ
Tài chính.
d) Tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện cơ chế
tài chính phục vụ chính sách phát triển hợp tác xã, kinh tế tập thể trên địa
bàn theo quy định của pháp luật.
đ) Tổ chức thông tin tài chính doanh nghiệp; hướng
dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý tài chính cho các doanh nghiệp.
2. Giúp Giám đốc Sở Tài chính tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh trong việc quản lý phần vốn và tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại
các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể do tỉnh thành lập
theo quy định của pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu phần
vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.
a) Hướng dẫn xây dựng và tổng hợp dự toán thu
chi ngân sách nhà nước hàng năm của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, báo
cáo Sở Tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp; phối hợp với Cục Thuế trong việc
kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
b) Góp ý kiến với doanh nghiệp nhà nước trên địa
bàn về nguồn và hướng dẫn sử dụng vốn nhà nước để đầu tư xây dựng đúng theo điều
lệ quản lý đầu tư và xây dựng
c) Tham gia thẩm định và có ý kiến các phương án
đầu tư tài chính, huy động vốn, góp vốn liên doanh của doanh nghiệp nhà nước do
tỉnh quyết định thành lập.
d) Tham gia ý kiến về việc cho thuê, chuyển nhượng,
thanh lý các tài sản quan trọng vượt quá thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước đối
với các doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương để các cơ quan có thẩm quyền quyết
định.
đ) Thẩm định và báo cáo Sở Tài chính để trình Bộ
Tài chính quyết định tăng, giảm mức trích khấu hao cơ bản tài sản cố định vượt
quá thẩm quyền của doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhà nước do địa phương
quản lý.
e) Tham gia thẩm định và báo cáo Sở Tài chính
trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc đầu tư vốn lần đầu; bổ sung
các khoản trợ cấp tài chính, trợ giá chính sách, vốn dự trữ nhà nước của địa
phương đối với các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định
thành lập.
g) Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình sản
xuất kinh doanh, biến động vốn, tài sản, các hoạt động tài chính - kế toán của
các doanh nghiệp do địa phương quản lý. Định kỳ hàng quý báo cáo toàn diện về
hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn với Sở
Tài chính và Cục Tài chính doanh nghiệp. Thực hiện việc quản lý và báo cáo tình
hình hoạt động của các xí nghiệp liên doanh, công ty cổ phần… có vốn nhà nước
theo quy định của Bộ Tài chính.
h) Tổ chức kiểm tra chuyên đề hoặc toàn diện quyết
toán quý, năm của các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý sau khi doanh
nghiệp nhà nước công bố quyết toán.
Tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình hoạt động
sản xuất kinh doanh, quyết toán của các doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn
theo ngành kinh tế kỹ thuật.
i) Tham gia thẩm định giá trị doanh nghiệp,
phương án cổ phần hóa doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hóa, đa dạng hóa hình
thức sở hữu theo phân cấp, tham gia thẩm định đơn giá tiền lương, xếp hạng
doanh nghiệp; phương án giá các sản phẩm do Nhà nước định giá đối với các doanh
nghiệp; tham gia ý kiến và giám sát hoạt động thành lập, chia tách, sáp nhập,
giải thể, phá sản... các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý.
k) Thực hiện các nhiệm vụ khác như: tham gia hội
đồng quản trị, ban kiểm soát, các thành viên khác (nếu có) đối với các doanh
nghiệp nhà nước cổ phần hóa có vốn nhà nước và một số nhiệm vụ khác do Giám đốc
Sở Tài chính phân công.
Điều 4. Quyền hạn
1. Chi cục có tư cách pháp nhân, được sử dụng
con dấu và tài khoản riêng.
2. Được yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
gởi báo cáo tài chính và các tài liệu có liên quan đến hoạt động tài chính
doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Được kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tài
chính, kế toán của doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Được
yêu cầu doanh nghiệp cung cấp và giải trình các tài liệu liên quan đến việc kiểm
tra, giám sát tình hình tài chính, quản lý vốn tại doanh nghiệp theo quy định của
pháp luật.
4. Được ban hành quy chế làm việc trong nội bộ
cơ quan để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Chương III
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN
CHẾ
Điều 5. Tổ chức bộ máy
1. Lãnh đạo: Chi cục có 01 Chi cục trưởng và 01
Phó Chi cục trưởng
- Chức vụ Chi Cục trưởng do Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài
chính và Giám đốc Sở Nội vụ.
- Chức vụ Phó Chi cục trưởng do Giám đốc Sở Tài
chính bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ
- Phòng Hành chính - Tổng hợp - Tài chính doanh
nghiệp ngoài quốc doanh
- Phòng Tài chính - Công nghiệp - Giao thông;
- Phòng Tài chính nông nghiệp - Thương mại - Dịch
vụ và các ngành khác
a) Mỗi phòng có 01 Trưởng phòng và 01 Phó Trưởng
phòng. Các chức vụ này do Chi cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm.
b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
cụ thể của các phòng chuyên môn do Chi cục trưởng quy định
trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục do Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành.
c) Tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi
giai đọan và trình độ năng lực của cán bộ, công chức, Chi cục trưởng có thể đề nghị thay đổi cơ cấu tổ chức của Chi cục cho phù hợp.
Điều 6. Biên chế
1. Biên chế của Chi cục thuộc biên
chế hành chính của tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
2. Việc bố trí, sử dụng cán
bộ, công chức, viên chức của Chi cục phải
căn cứ vào chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật về cán bộ,
công chức.
Chương IV
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 7. Chế độ làm việc
1. Chi cục làm
việc theo chế độ thủ trưởng. Chi cục trưởng là người đứng đầu, quyết định các công việc thuộc phạm vi chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục và chịu trách nhiệm cao nhất trước Ủy
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính,
trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Chi cục. Khi
có vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền, Chi cục phải báo cáo với Giám đốc Sở
Tài chính xin ý kiến chỉ đạo để thực hiện.
2. Phó Chi cục trưởng là người giúp Chi cục trưởng,
được Chi cục trưởng phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác và chịu trách
nhiệm trước Chi cục trưởng về lĩnh vực công tác được phân công; đồng thời cùng
Chi cục trưởng liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc tham mưu, đề xuất
của mình trong lĩnh vực được phân công.
3. Chi cục trưởng có thể ủy quyền cho Phó Chi cục
trưởng giải quyết các công việc cụ thể khác, nhưng Phó Chi cục trưởng không được
ủy quyền lại cho cán bộ, công chức dưới quyền.
4. Các phòng làm việc theo chế độ trưởng phòng,
giải quyết các vấn đề được Chi cục trưởng phân công theo từng lĩnh vực chuyên
môn nghiệp vụ và chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng về kết quả công việc được
giao.
Điều 8. Mối quan hệ công
tác
1. Đối với Cục Tài chính doanh
nghiệp
Chi cục chịu sự chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn về
chuyên môn nghiệp vụ của Cục Tài chính doanh nghiệp.
Chi cục trưởng có trách nhiệm thực hiện chế độ thông tin, báo cáo tình hình hoạt
động về chuyên môn, nghiệp vụ của Chi cục đến Cục Tài chính
doanh nghiệp theo định kỳ và theo yêu cầu đột xuất.
2. Đối với Sở Tài chính
Chi cục chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Sở
Tài chính. Chi cục trưởng có trách nhiệm báo cáo theo quy định và tham mưu đề
xuất với Sở về các lĩnh vực công tác do Chi cục phụ trách.
3. Đối với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh
Chi cục phối hợp với các cơ quan, đơn vị này
trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về mặt tài chính doanh nghiệp.
Chi cục tham gia với các ngành giải quyết các vấn
đề nghiệp vụ trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn, quản lý tài chính doanh nghiệp
được Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Giám đốc Sở Tài chính giao.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Trong quá trình
thực hiện, việc sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ bất kỳ điều khoản nào trong bản Quy
định này do Chi cục trưởng đề nghị, Giám đốc Sở Tài chính cùng Giám đốc Sở Nội
vụ thống nhất trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.