KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ
16/2007/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 06-NQ/TU CỦA BAN CHẤP
HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH (KHÓA XI) THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP
HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA X) VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH
TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG
MẠI THẾ GIỚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 74/2007/QĐ-UBND ngày 13/11/2007 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Mục tiêu chung của Kế hoạch hành động của Ủy ban
nhân dân tỉnh là xác định, tổ chức triển khai nhiệm vụ của các cơ quan hành
chính Nhà nước ở địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế nhằm
thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chương trình hành động
của Chính phủ và của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tận dụng cơ hội,
vượt qua thách thức, đưa nền kinh tế tỉnh Bình Thuận bước vào giai đoạn phát
triển mới, nhanh và bền vững.
2. Các chỉ tiêu phát triển
chủ yếu (phấn đấu thực hiện đến năm 2010 và 2012):
- Tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) tăng bình quân
hàng năm: 14 - 14,5%. Trong đó: nông, lâm, ngư nghiệp tăng 6,5 - 7%; công
nghiệp - xây dựng tăng 19,5 - 20%; dịch vụ tăng 15,5 - 16%;
- Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng
tăng nhanh khối ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Đến năm 2010, tỷ trọng
khối ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 39,5 - 40%; ngành dịch vụ chiếm 39 -
40% và ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 20 - 21% trong GDP;
- GDP bình quân đầu người năm 2010 : trên 1.000
USD;
- Kim ngạch xuất khẩu năm 2010: 235 triệu USD;
- Tỷ lệ thu ngân sách (chưa tính các khoản thu
trực tiếp từ dầu khí) so với GDP đạt 16 - 20%;
- Chi ngân sách cho đầu tư phát triển hàng năm
chiếm 35 - 40% tổng chi ngân sách địa phương;
- Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 54 - 56%
GDP;
- Giải quyết việc làm bình quân hàng năm: 21.000
lao động;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 - 2012:
trên 30%;
- Tỷ lệ thất nghiệp năm 2010 - 2012 còn dưới: 4%;
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2010 - 2012
dưới: 1,14%;
- Tỷ lệ hộ được dùng nước sạch năm 2010 - 2012
trên: 95%; (Trong đó hộ nông thôn trên 90%)
- Tỷ lệ hộ sử dụng điện năm 2010 - 2012: 99,5%;
- Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 - 2012 (theo chuẩn
mới) còn dưới: 5%;
- Tỷ lệ độ che phủ rừng (kể cả cây công nghiệp)
năm 2010: 52%.
II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Phát huy vai trò của
chính quyền địa phương trong việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, định hướng
phát triển và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp
để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận:
1.1. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức
về cơ hội và thách thức sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới:
- Tổ chức quán triệt Chương trình hành động của
Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI)
thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X)
về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền
vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (sau đây gọi
tắt theo tiếng Anh là WTO), phổ biến sâu rộng kiến thức về WTO, các cam kết và
lộ trình thực hiện cam kết gia nhập WTO, những cơ hội và thách thức đặt ra khi
Việt Nam là thành viên của WTO đến các cấp, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp
trong tỉnh;
- Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề;
xây dựng các điểm hỏi đáp, chuyên trang, chuyên mục trên Website của các cơ
quan Nhà nước, cổng thông tin điện tử của tỉnh để tuyên truyền, phổ biến các
nội dung cam kết, quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước, xác định nhận diện
cụ thể những thuận lợi cơ hội cũng như những khó khăn thách thức của tỉnh khi
Việt Nam gia nhập WTO;
- Thực hiện các chương trình phát thanh và
truyền hình tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết gia nhập
WTO gắn với các điều kiện cụ thể, đặc thù của kinh tế - xã hội địa phương trên
sóng phát thanh và truyền hình Bình Thuận;
- Biên soạn và xuất bản các ấn phẩm, tài liệu
giới thiệu và nghiên cứu về WTO và việc tham gia của Việt Nam, định hướng dư
luận xã hội trong tỉnh tiếp cận tích cực với những thay đổi khi gia nhập WTO;
- Lồng ghép, đưa nội dung về hội nhập kinh tế
quốc tế nói chung và WTO nói riêng vào chương trình giảng dạy tại Trường Chính
trị, Trường Cao đẳng Cộng đồng và hệ thống các trường chuyên nghiệp, dạy nghề
của tỉnh.
1.2. Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp
luật của tỉnh:
- Tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp
luật (QPPL), các chính sách của tỉnh đã ban hành, loại bỏ những quy định, chính
sách không phù hợp nội dung cam kết trong WTO;
- Hoàn thiện quy chế phối hợp soạn thảo, thẩm
định, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh để bảo đảm phù hợp với các cam
kết quốc tế và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
1.3. Đẩy mạnh cải cách hành chính:
- Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định trình
tự, thủ tục hành chính, trước hết là trong các lĩnh vực về đầu tư, đăng ký kinh
doanh, xây dựng, đất đai, nhà cửa, đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch đô
thị, thuế, hải quan… nhằm chuẩn hóa quy trình thủ tục hành chính liên quan đến
việc giải quyết các yêu cầu của công dân trong các lĩnh vực nói trên, đáp ứng
yêu cầu của nhiệm vụ cải cách hành chính; loại bỏ các thủ tục hành chính chồng
chéo, phức tạp có thể gây lãng phí thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp và
nhân dân, gián tiếp ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của địa phương. Mở rộng việc
xây dựng và triển khai quy chế phối hợp trong giải quyết hồ sơ hành chính cho
tổ chức, công dân và doanh nghiệp theo cơ chế “Một cửa liên thông” áp dụng rộng
rãi trong các ngành và lĩnh vực ở địa phương;
- Kiến nghị Trung ương loại bỏ các loại giấy tờ,
thủ tục giấy phép không cần thiết; công bố công khai, minh bạch mọi chính sách,
cơ chế quản lý, quy trình tác nghiệp, người chịu trách nhiệm và thời hạn giải
quyết công việc của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công để
các doanh nghiệp và người dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện;
- Triển khai việc kiện toàn, sắp xếp lại các cơ
quan Nhà nước theo yêu cầu quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; hoàn thiện tổ chức,
cơ chế hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh, chống trợ cấp, chống bán phá
giá, giải quyết tranh chấp thương mại, các lực lượng quản lý thị trường ở địa
phương theo yêu cầu, hướng dẫn của Chính phủ và của các Bộ, ngành Trung ương;
- Triển khai thực hiện hệ thống phân cấp mới, cơ
chế kiểm tra việc thực hiện phân cấp, gắn phân cấp với công tác thanh tra, kiểm
tra và giám sát theo đề án tổng thể và quy định của Chính phủ trong các cấp,
ngành, lĩnh vực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;
- Triển khai thực hiện các quy định của Trung
ương về tiêu chuẩn công chức theo yêu cầu hội nhập; đào tạo, bồi dưỡng, xây
dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp và hiện đại.
1.4. Đổi mới công tác xây dựng quy hoạch, kế
hoạch:
- Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, điều
chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể, quy
hoạch ngành (nhất là những ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh), quy hoạch phát
triển các sản phẩm lợi thế chủ lực của tỉnh bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ.
Trên cơ sở đó, triển khai xây dựng danh mục các dự án khuyến khích, ưu tiên đầu
tư làm cơ sở để gọi vốn, thu hút đầu tư;
- Điều tra, đánh giá khả năng cạnh tranh của các
sản phẩm công nghiệp của tỉnh; xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển công
nghiệp, kế hoạch chuyển dịch cơ cấu sản phẩm công nghiệp của tỉnh phù hợp các
yêu cầu, điều kiện, cam kết gia nhập WTO;
- Hoàn chỉnh, ban hành quy hoạch tổng thể phát
triển nông nghiệp của tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 trong năm 2007.
Triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các quy hoạch cây trồng, con
nuôi, chính sách phát triển sản phẩm nông nghiệp lợi thế: thanh long, hạt điều,
cao su phù hợp các yêu cầu gia nhập WTO;
- Rà soát, bổ sung điều chỉnh, triển khai quy
hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển, hải đảo và quy hoạch nuôi
thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh, hướng hoạt động nuôi trồng sang các loại
hải đặc sản có giá trị xuất khẩu cao. Hỗ trợ các địa phương trong tỉnh triển
khai công tác quy hoạch các khu chế biến và dịch vụ thủy sản;
- Hoàn thành công tác quy hoạch du lịch trên địa
bàn tỉnh làm cơ sở pháp lý cho việc kêu gọi và thu hút đầu tư. Nghiên cứu ban
hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc quản lý các quy
hoạch du lịch đã được phê duyệt.
1.5. Từng bước phát triển đồng bộ các yếu tố
kinh tế thị trường trên địa bàn tỉnh:
a) Thị trường lao động:
- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền thường xuyên,
sâu kỹ về pháp luật lao động, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ
Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và các bộ luật khác có liên
quan trong các doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng nhiều lao động, để người sử
dụng lao động và người lao động nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ và quyền lợi của
mình trong quan hệ lao động;
- Hoàn thiện quy định về hợp đồng lao động theo
cung - cầu của thị trường, hoàn thiện cơ chế thỏa thuận về tiền lương của người
lao động;
- Tăng cường và duy trì thường xuyên công tác
thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, tuân thủ các quy định về lao động và sử
dụng lao động trên địa bàn tỉnh; xử lý, giải quyết thỏa đáng các tranh chấp về
lao động phù hợp các quy định của pháp luật.
b) Thị trường bất động sản:
- Triển khai tổng kiểm kê quỹ đất toàn tỉnh theo
hướng dẫn của Trung ương; đối chiếu, rà soát, bổ sung, điều chỉnh và triển khai
thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm, hàng năm, đáp
ứng phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
- Căn cứ các quy định, hướng dẫn về nguyên tắc,
phương pháp xác định giá đất của Trung ương, xây dựng phương án và lộ trình đưa
giá giao đất và thuê đất theo cơ chế thị trường để triển khai thực hiện tại địa
phương;
- Rà soát, phát hiện bãi bỏ những bất hợp lý,
tiếp tục hoàn thiện cơ chế, quy trình đăng ký bất động sản, thủ tục giao đất,
thuê đất đơn giản, thống nhất, công khai, minh bạch trên địa bàn tỉnh, nhất là
trong lĩnh vực giao dịch bất động sản, thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh;
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai phục
vụ yêu cầu chỉ đạo, điều hành, quản lý trên địa bàn tỉnh;
- Triển khai tổng kiểm kê quỹ nhà, trụ sở làm
việc của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh theo
hướng dẫn của Trung ương;
- Triển khai thực hiện việc đăng ký quyền quản
lý và sử dụng tài sản Nhà nước là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp
đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao và
quản lý theo Nghị định số 137/2006/NĐ-CP của Chính phủ;
- Triển khai thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý
cơ sở nhà, đất do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty Nhà nước quản
lý, sử dụng theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
c) Thị trường tài chính, tiền tệ:
- Nâng cao năng lực hoạt động của Chi nhánh Ngân
hàng Nhà nước tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trước sự phát triển đa dạng
loại hình tổ chức tín dụng và nghiệp vụ ngân hàng, phù hợp với yêu cầu chuyển
đổi mô hình tổ chức mới, chính sách quản lý mới của Ngân hàng Nhà nước Trung
ương;
- Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước và làm
dịch vụ thanh toán bù trừ liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Phát triển
công nghệ, phương tiện thanh toán, các hình thức và dịch vụ thanh toán không
dùng tiền mặt tiên tiến, an toàn, hiệu quả. Tăng cường hệ thống an toàn, bảo
mật thông tin, dữ liệu và an ninh mạng trong quản lý và hoạt động ngân hàng;
- Thực hiện các biện pháp hành chính đồng bộ tạo
điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài mở
mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch tại địa phương. Vận động, khuyến khích
thành lập mới Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) cơ sở ở những nơi có nhu cầu và đủ
điều kiện theo quy định, đi đôi củng cố, chấn chỉnh hoạt động, xử lý các yếu
kém tồn tại của các QTDND cơ sở; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt
động bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, quy trình đơn
giản, hợp lý, ngăn chặn tiêu cực trong hoạt động tín dụng để nâng cao chất
lượng phục vụ khách hàng;
- Thúc đẩy các ngân hàng thương mại trên địa bàn
tỉnh nhanh chóng tiếp cận, vận hành và làm chủ các ứng dụng công nghệ ngân hàng
tiên tiến. Triển khai các dịch vụ ngân hàng đa dạng, đa tiện ích trên cơ sở
tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các dịch vụ ngân hàng truyền thống,
đồng thời tiếp cận nhanh và mở rộng các dịch vụ ngân hàng mới có hàm lượng công
nghệ cao; tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao dịch tiếp cận,
sử dụng thuận lợi các dịch vụ ngân hàng.
d) Thị trường khoa học - công nghệ:
- Triển khai đồng bộ các giải pháp để hình thành
và phát triển thị trường công nghệ địa phương, bao gồm: hỗ trợ các doanh nghiệp
vừa và nhỏ tiếp cận các dịch vụ công nghệ; các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa
học - công nghệ tham gia góp vốn bằng các sáng chế, giải pháp hữu ích vào doanh
nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm lợi thế, dịch vụ cơ khí phục
vụ nông nghiệp của địa phương trong việc đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ;
tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp gắn với nâng cao hiệu lực
thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật, đo lường và chất lượng sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ việc hình
thành và phát triển các tổ chức tư vấn, dịch vụ về chuyển giao, giám định công
nghệ, dịch vụ sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, v.v…, tạo điều kiện thuận lợi cho
các tổ chức khoa học - công nghệ có uy tín thành lập cơ quan (viện, phân viện,
trung tâm…), đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Bình Thuận;
- Thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây
dựng và đăng ký thương hiệu quốc gia, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo
tiêu chuẩn ISO. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp để áp dụng các tiêu chuẩn quản lý
quốc tế khác như: HACCP, SA 8000;
- Trợ giúp các doanh nghiệp thi hành các nghĩa
vụ được quy định về sở hữu trí tuệ theo nội dung, tiến độ, chỉ tiêu và phương
thức phối hợp tại Chương trình phát triển trí tuệ của tỉnh. Hỗ trợ doanh
nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc thiết kế và thủ tục xin cấp đăng ký bảo hộ
bản quyền sở hữu trí tuệ;
- Xây dựng, triển khai các dự án hỗ trợ nâng cao
nhận thức cho các doanh nghiệp trong tỉnh về năng suất, chất lượng và hàng rào
kỹ thuật trong thương mại (TBT) góp phần tham gia hội nhập và phát triển bền
vững; hỗ trợ kỹ thuật xác lập, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và nâng
cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận.
2. Khai thác tối đa nguồn
lực trong và ngoài tỉnh, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế của Bình Thuận:
2.1. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực:
- Tổ chức triển khai Chương trình hành động thực
hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI) về xây dựng đội ngũ cán bộ
giai đoạn 2007 - 2010, định hướng đến năm 2015 nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ, công chức. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức về thương mại, luật pháp kinh
tế quốc tế và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan quản lý
Nhà nước của tỉnh;
- Triển khai kế hoạch cử cán bộ, sinh viên đi
đào tạo ở nước ngoài các ngành học tỉnh đang có nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng,
phát triển; đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn, kế toán, kiểm toán, quản trị
doanh nghiệp của tỉnh đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Xây dựng và triển khai
thực hiện kế hoạch đào tạo tiếng Anh, tin học cho đội ngũ công chức ngành tư
pháp, tòa án, viện kiểm sát nhân dân các cấp;
- Xây dựng và triển khai thực hiện chính sách
thu hút sử dụng và đãi ngộ thỏa đáng những chuyên gia giỏi; những người có tài
năng ở trong và ngoài nước về công tác tại tỉnh nhà;
- Tổ chức hợp tác liên kết đào tạo với các
trường ngoài tỉnh có các ngành nghề phục vụ cho kinh tế đối ngoại và các ngành
nghề khác. Tăng cường liên hệ và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tranh
thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong việc đào tạo;
- Liên kết với các trường đào tạo du lịch trong
và ngoài tỉnh tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh;
chuẩn bị các điều kiện đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành lập
Trường Nghiệp vụ Du lịch tại Bình Thuận trước năm 2010. Hỗ trợ các doanh nghiệp
du lịch các hình thức đào tạo tại chỗ, áp dụng đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn kỹ
năng nghề du lịch Việt Nam của Dự án EU;
- Tuyên truyền sâu rộng về chủ trương phát triển
xã hội hóa dạy nghề; các chính sách có liên quan đến hoạt động dạy nghề để
khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân có khả năng đầu tư thành lập các cơ sở dạy
nghề ngoài công lập. Lập đề án đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên dạy
nghề tại các cơ sở dạy nghề trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Bình
Thuận đến năm 2010. Hướng dẫn việc xây dựng chương trình, giáo trình của các
nghề phục vụ các chương trình phát triển kinh tế, các khu công nghiệp.
2.2. Thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển của
Bình Thuận:
- Đẩy mạnh công tác huy động vốn, hướng hoạt
động đầu tư tín dụng của hệ thống ngân hàng vào các nhiệm vụ trọng tâm về phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: cho vay phát triển kinh tế thủy sản;
chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi trong nông nghiệp; phát triển
công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển xuất khẩu; phát triển mạnh kinh
tế du lịch, dịch vụ; xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân
tộc thiểu số, miền núi, vùng căn cứ kháng chiến; phát triển giáo dục đào tạo.
Chú trọng đầu tư vào các dự án có hiệu quả và khai thác các sản phẩm lợi thế
của địa phương;
- Phát triển đa dạng các kênh huy động vốn khác,
mở rộng và thúc đẩy đầu tư gián tiếp thông qua thị trường tài chính phi ngân
hàng. Đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, các công cụ và hình thức đầu tư,
khuyến khích phát triển các dịch vụ trung gian trong lĩnh vực tài chính như:
thuê mua tài chính, bảo lãnh phát hành, tư vấn, thanh toán bù trừ, định giá,
mua bán nợ…;
- Từng bước hình thành và phát triển thị trường
trái phiếu kho bạc nhằm thu hút vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm của
tỉnh (không áp dụng hoặc hạn chế áp dụng trái phiếu ngắn hạn). Phát triển hàng
hóa cho thị trường tài chính như: các loại trái phiếu, cổ phiếu (thông qua đẩy
mạnh cổ phần hóa công ty Nhà nước và khuyến khích việc phát hành cổ phiếu của
các công ty cổ phần), các công cụ chuyển nhượng như hối phiếu đòi nợ, hối phiếu
nhận nợ, séc...;
- Phát triển thị trường vốn trung và dài hạn,
đẩy nhanh tốc độ luân chuyển, phân bổ nguồn tài chính, đáp ứng yêu cầu vốn, đầu
tư phát triển; nghiên cứu, tổ chức, áp dụng và phát triển các dịch vụ khác như:
dịch vụ khoa học - kỹ thuật về tài chính, bảo hiểm tài chính, kế toán, kiểm
toán v.v…;
- Triển khai đồng bộ các giải pháp như: rà soát
thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được chấp thuận đầu tư; tạo môi
trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư,
nhằm thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển. Công khai
và chi tiết các dự án, thủ tục đầu tư để thu hút các nhà đầu tư trong nước và
nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước) đầu
tư vào Bình Thuận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương;
- Lập các danh mục, thủ tục, hồ sơ để triển khai
các dự án có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (bao gồm nguồn ngân sách
tập trung, vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, vốn Trung ương đầu tư trên
địa bàn, tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA, NGO); tập trung vào các dự án đầu tư
thủy lợi, đường giao thông, kè chống xói lở bờ biển, bảo vệ môi trường, các khu
neo đậu tàu thuyền, các dự án tái định cư, hạ tầng các cụm công nghiệp - tiểu
thủ công nghiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biển đảo và các công
trình trọng điểm bức xúc… thuộc diện ngân sách Nhà nước phải đầu tư. Đôn đốc,
đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng trên địa bàn thuộc nguồn vốn của
Trung ương;
- Triển khai Đề án chi tiết huy động nguồn lực
tài chính cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 để thực
hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI). Tăng cường công tác giám
sát, đánh giá đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai, bao gồm các dự án
đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách.
2.3. Khuyến khích phát triển và chuyển giao khoa
học và công nghệ trên địa bàn tỉnh:
- Khuyến khích nghiên cứu khoa học chuyển giao
thiết bị kỹ thuật, công nghệ mới và gắn kết giữa nghiên cứu với sản xuất. Xây
dựng cơ chế liên kết giữa nhà quản lý với nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và
doanh nghiệp, cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu ứng dụng, triển khai các thành
tựu khoa học - công nghệ đi vào giải quyết những vấn đề bức xúc của tỉnh như:
chống hoang mạc hóa, bảo vệ và phát triển tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng
cao năng suất, chất lượng sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản;
- Nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển
khoa học - công nghệ của tỉnh với chức năng tài trợ, cho vay để thực hiện nhiệm
vụ khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân đề xuất.
3. Nâng cao năng lực cạnh
tranh của nền kinh tế, tạo môi trường thu hút, nâng cao hiệu quả đầu tư:
3.1. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
chủ yếu:
a) Giao thông vận tải:
- Triển khai kế hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu
hạ tầng giao thông một cách có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, thất
thoát, lãng phí từ nguồn vốn ngân sách tập trung của Trung ương, của địa
phương, vốn ODA, NGO; đi đôi huy động được các nguồn vốn xã hội, phát triển
mạng lưới giao thông đi trước một bước, đáp ứng kịp thời yêu cầu hội nhập và
phát triển nền kinh tế;
- Đôn đốc, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án
đầu tư, hoàn thiện, mở rộng các trục giao thông chính: quốc lộ 1A, quốc lộ 55
và tuyến đường cao tốc (đoạn Dầu Giây - Nha Trang) do Trung ương đầu tư trên
địa bàn. Tranh thủ nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ Trung ương, đầu tư hoàn chỉnh
tuyến giao thông ven biển; hình thành tuyến đường nối trung tâm các xã vùng cao
của tỉnh, nhất là tuyến nối quốc lộ 28 - Phan Tiến - Phan Sơn - Phan Dũng;
- Đầu tư mở mới một số tuyến đường trục để phát
triển, mở rộng, chỉnh trang các đô thị của tỉnh như: đường Lê Duẩn, Trần Phú
nối dài, Hùng Vương, ĐT 718 (Phan Thiết - Hàm Hiệp - Mương Mán), cầu Văn Thánh,
cầu Hùng Vương… (thành phố Phan Thiết); đường N2, đường tránh ĐT 719 và cầu qua
sông Dinh, đường tránh quốc lộ 55 (thị xã La Gi); đường trục Đông - Tây, đường
Liên Hương - Bình Thạnh - Chí Công… (các thị trấn Liên Hương và Phan Rí Cửa).
Đầu tư nâng cấp một số đoạn, tuyến đường nối quốc lộ 1A đến cảng nước sâu, đến
các khu công nghiệp, khu chế biến thủy sản;
- Quy hoạch và bảo vệ quỹ đất, hành lang bảo vệ
an toàn giao thông cho các tuyến đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc quốc gia
đi qua địa bàn tỉnh; quy hoạch đấu nối hệ thống đường địa phương với ga đường
sắt cao tốc và đường bộ cao tốc. Giải tỏa lấn chiếm hành lang đường bộ;
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và
triển khai thực hiện quy hoạch giao thông, đấu nối giao thông vào các khu công
nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các khu kinh tế, dân sinh.
Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống bến xe, bến cảng, ga đường sắt;
- Hoàn chỉnh Quy hoạch cảng biển nước sâu (Kê
Gà) và sân bay của tỉnh để tạo thuận lợi cho các tập đoàn công nghiệp - tài
chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này theo các
phương thức BOO hoặc BOT;
- Tăng tỉ lệ vốn duy tu bảo trì đường bộ hàng
năm nhằm tăng cường khả năng khai thác của các công trình giao thông. Xây dựng
và triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về khảo sát, nghiên cứu đánh giá hiện
trạng các mỏ cấp phối tự nhiên và các giải pháp ứng dụng hợp lý trong xây dựng
đường ô tô tại Bình Thuận;
- Tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh
nghiệp đầu tư kinh doanh vận tải, mở rộng các loại hình dịch vụ vận tải mới
nhằm duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới xe buýt ở thành phố Phan
Thiết và thị xã La Gi, nâng cao chất lượng vận tải đường sắt Sài Gòn - Phan
Thiết đi đôi tăng cường hạ tầng đường sắt để có thể đón thêm một số chuyến tàu
có chất lượng cao dừng đón và trả khách tại các ga lớn của tỉnh. Ban hành chính
sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vận tải bằng xe buýt, đầu tư bến xe, trạm dừng
chân. Nghiên cứu chuyển dần phương thức vận tải hành khách trên một số tuyến
vận tải khách cố định sang loại hình vận tải xe buýt đường dài nội tỉnh như
tuyến Phan Thiết - Hàm Tân - La Gi và Phan Thiết - Phan Rí - Liên Hương. Khuyến
khích đầu tư tàu khách cao tốc tuyến đường thủy Phan Thiết - Phú Quý.
b) Hệ thống cấp điện, cấp nước:
- Xây dựng đường dây 220 Kv Hàm Thuận - Phan
Thiết; các đường dây Xuân Trường - Đức Linh; Phan Thiết - Mũi Né; Phan Rí - Đại
Ninh; Tánh Linh - Khu công nghiệp Tân Đức. Bảo đảm duy trì vận hành và nâng cấp
công suất các trạm 220 Kv và 110 Kv ở Phan Thiết, Mũi Né, Đại Ninh, Tánh Linh,
Hàm Tân, Phan Rí, Khu công nghiệp (KCN) Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam), KCN Tân Đức
(Hàm Tân), KCN Vĩnh Hảo (Tuy Phong);
- Nâng cấp và chuẩn hóa lưới điện trung thế từ
15 Kv lên 22 Kv trên địa bàn toàn tỉnh. Nâng cấp công suất và xây dựng hệ thống
các trạm biến áp tại 3 vùng phụ tải nhằm đáp ứng nhu cầu tăng phụ tải. Xây dựng
hệ thống trạm và đường dây vào các KCN;
- Phát triển mạng lưới sản xuất điện theo hướng
đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; từng bước hình thành Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân
và Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ nhằm phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa
dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm đủ điều kiện cho các ngành sản xuất, kinh
doanh và sinh hoạt trên toàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư
sớm triển khai các dự án đầu tư nhà máy sản xuất điện như: điện than, năng
lượng gió…;
- Xây dựng cơ sở phát điện bằng sức gió kết hợp
với nhà máy diesel hiện có ở đảo Phú Quý đảm bảo cung cấp điện 24 giờ/ngày. Quy
hoạch phát triển mạng lưới cấp điện phù hợp điều kiện thực tế ở vùng cao, miền
núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đảm bảo đến năm 2010 có
100% xã có điện và trên 98% số hộ trong tỉnh được dùng điện, nâng mức tiêu thụ
điện bình quân đầu người lên 800 kwh/người vào năm 2010;
- Tiếp tục đầu tư nâng công suất và mở rộng hệ
thống cấp nước đô thị đảm bảo nhu cầu cấp nước sinh hoạt 120 - 150
lít/người/ngày đêm. Tăng công suất của hệ thống cấp nước ở Phan Thiết, các thị
trấn huyện lỵ Hàm Tân, Bắc Bình, Tuy Phong lên 1,2 - 1,5 lần;
- Xây dựng hệ thống cấp nước ở các thị trấn
huyện lỵ các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Đức Linh và Tánh Linh. Huy
động các nguồn vốn và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu
tư xây dựng các hệ thống cấp nước tại các cụm điểm dân cư tập trung (quy mô
trên 2.000 dân), bảo đảm đến năm 2010 có 90 - 95% dân số trong tỉnh được dùng
nước sạch.
c) Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông:
- Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thông
tin và truyền thông tại địa phương, tập trung các lĩnh vực: bưu chính viễn
thông (BCVT), công nghệ thông tin (CNTT), internet, tần số vô tuyến điện và an
toàn an ninh thông tin;
- Xây dựng và triển khai Chương trình ứng dụng
CNTT trong các hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, dự án Chính phủ điện tử,
xây dựng cổng thông tin điện tử của tỉnh (Portal); rà soát nâng cao chất lượng
các Website của tỉnh và của doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng hạ tầng mạng BCVT,
đầu tư mở rộng và phát triển hệ thống mạng nội bộ, liên kết trao đổi và hoàn
chỉnh kết nối vào hệ thống mạng diện rộng của Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh. Xây dựng và triển khai dự án hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy
ứng dụng CNTT và truyền thông phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế; dự án thương
mại điện tử, sàn giao dịch điện tử;
- Triển khai dự án hệ thống thông tin cơ sở nông
thôn nhằm thiết lập cổng thông tin điện tử và hệ thống các điểm truy cập internet
công cộng; dự án xây dựng thư viện tại các điểm bưu điện văn hóa xã nhằm hướng
dẫn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, thông tin về kinh tế thị trường, …
cho khu vực nông thôn; kế hoạch cung ứng dịch vụ viễn thông công ích đến 26 xã
giai đoạn 1 và giai đoạn tiếp theo; dự án xây dựng mạng cáp quang nội tỉnh, xây
dựng các trạm phủ sóng di động và internet băng rộng đến tất cả các xã trong
toàn tỉnh.
3.2. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành,
lĩnh vục kinh tế trọng tâm, của doanh nghiệp và các sản phẩm lợi thế của tỉnh:
a) Phát triển công nghiệp:
- Rà soát, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư,
thi công KCN Phan Thiết giai đoạn 2; đồng thời, xây dựng hình thành các KCN tập
trung khác là: KCN Hàm Kiệm, KCN Dịch vụ Sơn Mỹ; khởi công xây dựng KCN Tân
Đức. Từng bước xây dựng các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, quy mô 40 -
50ha ở các huyện; phấn đấu đến năm 2010, mỗi huyện có 1 - 2 cụm công nghiệp -
tiểu thủ công nghiệp tập trung. Ban hành quy chế về tổ chức quản lý hoạt động
các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng mạnh
dạn phân cấp đầu tư kết cấu hạ tầng cho cấp huyện. Bảo đảm đến năm 2010, cơ bản
hình thành mạng lưới các KCN, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo yêu
cầu chỉ đạo của Nghị quyết số 28-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X);
- Xây dựng, triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh
nghiệp sản xuất sản phẩm nước khoáng, tảo, chế biến hải sản xuất khẩu, hạt
điều, muối… xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP, công nhận sản phẩm
hợp chuẩn để tăng sức cạnh tranh hội nhập thị trường quốc tế;
- Phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất công
nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản; tăng cường thu hút nguồn nguyên liệu lâm
sản từ các tỉnh và nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ xuất khẩu. Ưu tiên
bố trí mỏ nguyên liệu khoáng sản đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất
Ilmenite, Zircon xuất khẩu có công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
- Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị định
số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành
Trung ương về phát triển ngành, nghề nông thôn. Xây dựng đề án bảo tồn và phát
triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển bền vững, xóa đói,
giảm nghèo và phục vụ du lịch để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
b) Phát triển nông nghiệp:
- Xây dựng đề án thực hiện chương trình chuyển
đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, con nuôi trong nông nghiệp dự báo sẽ gặp khó khăn
do chịu tác động trực tiếp của việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO (bông
vải, mía đường, chăn nuôi bò…) ở tỉnh Bình Thuận;
- Xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản
xuất các loại cây trồng, con nuôi lợi thế, nhất là các sản phẩm rau quả ăn tươi
không qua chế biến; triển khai xây dựng, ứng dụng rộng rãi tiêu chuẩn vệ sinh
an toàn thực phẩm, ngăn chặn việc lạm dụng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực
vật trong sản xuất nông nghiệp;
- Xây dựng, triển khai dự án phát triển thanh
long chất lượng cao, sạch, an toàn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu của tỉnh, gắn
với chính sách khuyến khích trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP (Good
Agricutural Practise); quy chế sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận. Xây
dựng, triển khai đề án đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ nội địa, xuất
khẩu rau quả địa phương;
- Triển khai các chương trình khuyến nông hướng
vào nhân rộng các mô hình kinh tế - kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả, hỗ trợ cung
cấp thông tin thị trường, giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp cận với
các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh. Sơ kết, đánh giá,
tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết “4 nhà” đối với sản phẩm bông vải, thanh
long, điều, cao su. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu
thụ đối với các hộ nông dân sản xuất nông sản xuất khẩu, gắn với việc áp dụng
các biện pháp an toàn thực phẩm trong các cơ sở chế biến nông sản;
- Đa dạng hóa các nguồn vốn và hình thức đầu tư
vào xây dựng kết cấu hạ tầng như: giao thông nông thôn, đê kè, công trình cấp
nước, thủy lợi… để đảm bảo tiến độ đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo
quy hoạch được duyệt;
- Củng cố và phát huy vai trò của hiệp hội
ngành, nghề, hợp tác xã (HTX); đẩy mạnh phát triển và nhân rộng mô hình kinh tế
trang trại. Tổ chức tập huấn các HTX nông nghiệp, các tổ hợp tác, trang trại
hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và quản lý, gắn các chương trình khuyến nông với
việc nâng cao vai trò kinh tế tập thể. Triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến
khích phát triển đối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, HTX sản xuất và kinh
doanh dịch vụ ở nông thôn.
c) Phát triển thủy sản:
- Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng
nguyên liệu và sản phẩm thủy sản chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn
thực phẩm;
- Tổ chức quản lý chặt chẽ ngành, nghề khai thác
thủy sản thông qua việc cấp và kiểm tra giấy phép khai thác. Xây dựng, triển
khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp khai thác trong các tuyến khai thác
theo hướng: ổn định khai thác ven bờ, tập trung đẩy mạnh khai thác xa bờ. Tăng
cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm;
- Tiếp tục quy hoạch phát triển khu quy hoạch
sản xuất tôm giống, giữ vững chất lượng tôm giống, xây dựng thành thương hiệu
tôm giống Bình Thuận. Xây dựng thương hiệu uy tín đối với các mặt hàng thủy sản
chủ lực của tỉnh (mực, nước mắm, nhuyễn thể hai mảnh vỏ…);
- Rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng,
hoàn thiện các dự án: Cảng cá Phan Thiết, Phú Quý, La Gi, Phan Rí Cửa; đê kè
biển, khu neo đậu tàu thuyền; các khu chế biến thủy sản tập trung; khu dịch vụ
hậu cần nghề cá, dự án Trung tâm giới thiệu và giao dịch thủy sản;
- Triển khai các hoạt động khuyến ngư gắn kết
với việc hỗ trợ hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, các hiệp hội chuyên
ngành thủy sản.
d) Phát triển du lịch:
- Củng cố, nâng cấp hoàn thiện Khu du lịch Hàm
Tiến - Mũi Né và các khu, điểm du lịch đã có trên địa bàn của tỉnh. Xây dựng,
triển khai cơ chế, mô hình quản lý, đầu tư, tôn tạo, khai thác các điểm du lịch
để thật sự là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách; cơ chế khuyến
khích, tạo điều kiện để các dự án nhỏ, doanh nghiệp du lịch nhỏ, liền kề sát
nhập, mở rộng, liên kết để tạo sản phẩm du lịch có chất lượng cao;
- Kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các điểm tham
quan du lịch: các làng chài (Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong), vườn
thanh long, làng nghề dệt thổ cẩm, làng gốm truyền thống…;
- Khôi phục và phát triển mạnh các sản phẩm
truyền thống: thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, vỏ sò, ốc, dệt thổ cẩm…; sản phẩm
lợi thế của tỉnh như đặc sản: thanh long, thủy đặc sản, nước khoáng, tảo biển,
nước mắm… phục vụ du lịch. Ban hành quy định xét chọn cơ sở mua sắm, ăn uống
đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch;
- Gắn kết công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao
thông, điện, nước, bưu chính viễn thông với phát triển cây xanh; qua đó, thu
hút các nguồn lực đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch địa phương.
Mở rộng các tuyến xe buýt từ thành phố Phan Thiết đến các điểm, khu du lịch;
- Khuyến khích thu hút kinh doanh lữ hành, nhất
là kinh doanh lữ hành quốc tế. Xây dựng các tuyến, tour du lịch hợp lý, hiệu
quả đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Nâng cấp, hoàn thiện Website du lịch
Bình Thuận, đẩy mạnh thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước;
- Triển khai hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp
áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ,
xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh
du lịch;
- Xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng
kết hợp với xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Triển
khai đề án bảo tồn và phát triển cảnh quan du lịch, phát triển du lịch sinh
thái trên địa bàn tỉnh;
- Lập và triển khai các dự án đầu tư, công trình
về môi trường như: hệ thống xử lý nước thải, trạm cứu hộ, nhà vệ sinh công
cộng, trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên các tuyến, khu, điểm du
lịch;
- Ban hành quy định về quản lý các hoạt động
kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban
quản lý các khu du lịch phù hợp Luật Du lịch. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển
du lịch tỉnh về tổ chức và cơ chế làm việc. Tiếp tục củng cố nâng cao vai trò
của Hiệp hội Du lịch tỉnh.
đ) Phát triển sản phẩm lợi thế, tăng cường các
hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoạt động thương mại, xuất khẩu, nâng
cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp:
- Tiến hành rà soát chính sách phát triển các
sản phẩm lợi thế, trước hết là các sản phẩm lợi thế chủ lực của tỉnh: thanh
long, nước khoáng, tảo, nước mắm, các loài thủy đặc sản có giá trị xuất khẩu
cao; trên cơ sở đó xây dựng và triển khai đồng bộ đề án phát triển sản xuất,
nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm lợi thế tỉnh Bình Thuận;
- Tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến
thương mại hàng năm, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, xúc tiến thương
mại, xuất khẩu. Tổ chức, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành
hàng tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu tại các hội chợ, triển
lãm thương mại, khảo sát và mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài, tập
trung phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm lợi thế của địa phương, hướng
mạnh xuất khẩu;
- Tiếp tục triển khai Chương trình hành động của
Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) về
đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010. Xây
dựng, triển khai các đề án phát triển thương mại nội địa, phát triển hệ thống
phân phối; phát triển mạng lưới thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh;
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cổ phần hóa doanh
nghiệp Nhà nước theo lộ trình đã xác định. Định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp
trong việc xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với lộ trình hội
nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu xây dựng, triển khai các cơ chế hỗ trợ doanh
nghiệp mang tính lâu dài thông qua việc cho thuê đất, giao đất, cho vay vốn với
lãi suất thấp, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, v.v… thực hiện thường xuyên
việc gặp mặt, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, nắm và giải quyết
các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
4. Giải quyết một số vấn đề
xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển và hội nhập của tỉnh:
4.1. Lao động, việc làm:
- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số
23-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) về giải quyết việc làm, phấn đấu hàng năm giải
quyết việc làm cho khoảng 21.000 lao động trong tỉnh;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ
trương, chính sách của Đảng, quy định, chế độ của Nhà nước về giải quyết việc
làm, tập trung vào các đối tượng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,
lao động ở các khu công nghiệp tập trung, lao động khu vực nông thôn, vùng sâu,
vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Xây dựng các chuyên mục phổ
biến, phổ cập kiến thức lao động, việc làm trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc
tế phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên các phương tiện thông tin
đại chúng của tỉnh;
- Rà soát, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách
trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài như: thành lập Quỹ hỗ trợ
xuất khẩu lao động, chế độ cho công tác viên; cơ chế phối hợp của các ngành về
cho vay vốn, làm hộ chiếu, khám sức khỏe, hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn ban đầu;
- Xây dựng quy hoạch, nâng cao năng lực hoạt
động hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm; đẩy mạnh công tác tư vấn, giới
thiệu việc làm, cung ứng lao động cho thị trường lao động trong tỉnh, trong
nước và nước ngoài. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, tổ chức
sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm giúp lao động trong tỉnh cơ hội tiếp
cận với các doanh nghiệp để tìm kiếm việc làm phù hợp với điều kiện và năng lực
lao động.
4.2. Xóa đói, giảm nghèo:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, người
nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, làm cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện các
chính sách, dự án giảm nghèo và các chính sách xã hội liên quan. Đảm bảo các
chính sách, dự án giảm nghèo được triển khai đến với người nghèo, hộ nghèo, xã
nghèo trong tỉnh;
- Xây dựng, triển khai mức trợ cấp, trợ giúp các
đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính
sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;
- Triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo
của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010. Thực hiện tốt chính sách cho vay hộ
nghèo nói chung, cho vay các đối tượng chính sách khác và triển khai thực hiện
tốt việc huy động vốn và cho vay vùng II, vùng III thông qua hoạt động của Chi
nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
4.3. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội:
- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các
chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Xây dựng,
triển khai kế hoạch phát triển, mở rộng đối tượng và loại hình thực hiện chế độ
bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho các tầng lớp nhân dân theo quy
định của Nhà nước;
- Tiếp tục thực hiện tốt chế độ BHXH bắt buộc;
triển khai hiệu quả chế độ BHYT tự nguyện cho học sinh, sinh viên và nhân dân
theo Thông tư số 06/2007/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính. Tuyên
truyền và triển khai BHXH tự nguyện cho các đối tượng nhân dân không thuộc diện
tham gia BHXH bắt buộc với hai chế độ hưu trí và tử tuất từ đầu năm 2008. Triển
khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi mất việc làm với các
chế độ: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm từ đầu năm
2009.
5. Bảo vệ và phát huy những
giá trị văn hóa dân tộc:
- Tiếp tục triển khai Đề án phát triển xã hội
hóa hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2010. Nâng cao chất lượng các
chương trình văn hóa - văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc, duy trì và phát triển
phong trào văn nghệ quần chúng. Tiếp tục bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, chống xuống
cấp và chống xâm hại các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn
tỉnh; chú trọng việc khôi phục, nâng cao và phát triển các giá trị văn hóa
truyền thống vật thể và phi vật thể; đồng thời, thực hiện công tác nghiên cứu,
điều tra, sưu tầm, tổ chức phục dựng các lễ hội văn hóa đặc sắc của dân tộc,
phục vụ phát triển kinh tế và du lịch của tỉnh;
- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực
hiện Đề án phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai
đoạn 2006 - 2010, gắn với triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và thực
hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Chỉ thị số 27/CT-TW
của Bộ Chính trị và Quyết định số 308/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm
soát, quản lý có hiệu quả các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa
công cộng, nhất là lưu hành, in sang, kinh doanh băng đĩa hình, đĩa nhạc lậu,
hoạt động quảng cáo, hoạt động lễ hội, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử,
dịch vụ internet công cộng, dịch vụ văn hóa và các hình thức vui chơi giải trí
khác theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP và Nghị định số 56/2006/NĐ-CP của Chính
phủ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật, khắc phục và
đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các loại hình hoạt động đồi trụy, phản động, xây
dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở địa phương; kiên quyết chống lại những quan
điểm sai trái, lệch lạc.
6. Bảo vệ môi trường trong
quá trình phát triển:
- Hạn chế và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường đặc
biệt ở các KCN và đô thị; nâng cao chất lượng môi trường sống. Chấm dứt tình
trạng ô nhiễm rác thải, tình trạng khí thải gây ô nhiễm của các dự án đầu tư,
nhà máy, bệnh viện… áp dụng rộng rãi công nghệ sạch, ít phế thải, ít tiêu hao
năng lượng;
- Xây dựng, triển khai các đề án bảo vệ môi
trường tại các KCN, các làng nghề, lưu vực sông, khu bảo tồn thiên nhiên, môi
trường biển, ven biển. Quy hoạch, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo
tồn đa dạng sinh học rừng, biển và các vùng đồi cát tự nhiên;
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận
thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
việc tuân thủ, thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực quản
lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh.
7. Củng cố quốc phòng, giữ
vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong quá trình hội nhập:
- Tiếp tục phát động sâu rộng phong trào quần
chúng bảo vệ an ninh tổ quốc trên khắp các địa bàn; tập trung vào các địa bàn
trọng điểm. Có phương án bảo đảm an ninh trên các lĩnh vực: chính trị, tư
tưởng, kinh tế, văn hóa theo hướng chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp
thời, ngay tại chỗ, có hiệu quả các tình huống xảy ra; tăng cường các biện pháp
tập trung làm giảm tai nạn giao thông, phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội và khai
thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Chú trọng phòng, chống tội phạm
có tổ chức, các hành vi tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại;
- Thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh các
phương án phòng thủ, chiến đấu, củng cố khu vực phòng thủ, phòng chống bạo
loạn, lật đổ. Xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạnh vững mạnh, quân
đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, chú ý đúng mức đến lực lượng dân
quân; coi trọng xây dựng về mặt chính trị, không ngừng nâng cao khả năng chủ
động sẵn sàng chiến đấu.
8. Bảo đảm sự lãnh đạo của
Đảng đối với hoạt động của các cơ quan, đơn vị, góp phần củng cố, xây dựng hệ
thống chính trị vững mạnh:
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng
trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước, doanh nghiệp, trước hết là của tổ chức cơ
sở Đảng trong việc: tổng kết thực tiễn, vận dụng các chủ trương của cấp trên
vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị; làm tốt công tác tư
tưởng, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong nội bộ và quần chúng nhân dân; lãnh
đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch, chương
trình hành động của cấp ủy Đảng các cấp đã đề ra;
- Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, trước
hết là chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế của chính quyền các cấp, năng lực
tham mưu, quản lý của các cơ quan Nhà nước chuyên môn; phát huy đúng mức hiệu
lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn; hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng
cường kỹ cương, kỹ luật trong bộ máy hành chính Nhà nước của tỉnh.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ những nội dung chủ yếu trong Kế hoạch
hành động này và căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao; các sở, ngành và Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng và triển khai kế
hoạch hành động của sở, ngành, địa phương mình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
trước ngày 30/11/2007; đồng thời, trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ
hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện.
2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm
tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động này; định kỳ hàng năm
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện.
3. Giao Sở Thương mại chịu trách nhiệm làm đầu
mối, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đôn đốc, theo dõi việc triển
khai thực hiện Kế hoạch hành động này của các sở, ban, ngành, địa phương; định
kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo kịp
thời./.