UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
49/2006/QĐ-UB
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN VÀ BAN HÀNH QUY CHẾ TÀI
CHÍNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN NHÀ NƯỚC MỘT THÀNH VIÊN 19 - 12 HÀ NỘI
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Luật doanh nghiệp nhà nước được thông qua ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật thuế thu nhập và các Luật thuế hiện hành;
Căn cứ Nghị định 63/2001/NĐ-CP ngày 14/9/2001 và Nghị định
số 145/2005/NĐ-CP ngày 21/11/2005 của Chính phủ quy định về việc chuyển đổi
doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã
hội thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
Căn cứ Thông tư số 58/2002/TT-BTC ngày 28/6/2002 của Bộ
Tài chính hướng dẫn quy chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành
viên thuộc sở hữu nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-UB ngày 19/01/2006 của
UBND Thành phố Hà Nội về việc chuyển Công ty Chỉnh hình và phục hồi chức năng
Hà Nội thành Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên 19 - 12 Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 20/2006/QĐ-UB ngày 02/3/2006 của
UBND Thành phố Hà Nội về việc phê chuẩn và ban hành Điều lệ tổ chức hoạt động
Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên 19 - 12 Hà Nội;
Căn cứ Tờ trình số 4749/TTr/STC-TCDN ngày 23/12/2005 của
Sở Tài chính Hà Nội về việc thẩm định Quy chế Tài chính Công ty Chỉnh hình và
phục hồi chức năng Hà Nội khi chuyển sang Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước
một thành viên,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê
chuẩn và ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế tài chính công ty trách nhiệm
hữu hạn nhà nước một thành viên 19 - 12 Hà Nội, gồm 6 chương và 22 điều.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc Sở tài chính Hà Nội; Giám đốc các Sở, Ban,
ngành có liên quan; Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà
nước một thành viên 19 - 12 Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thế Quang
|
QUY CHẾ TÀI CHÍNH
CÔNG TY TNHH NHÀ NƯỚC MỘT THÀNH VIÊN 19 -
12 HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 49/2006/QĐ-UB ngày 12
tháng 4 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội)
Chương I.
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1.
Nguyên tắc cơ bản của quản lý tài chính
1. Phân định rõ trách nhiệm và
quyền hạn trong việc quản lý tài chính giữa Chủ sở hữu công ty, Công ty và các
đơn vị trực thuộc Công ty phù hợp với từng đối tượng quản lý tài chính.
2. Các đối tượng quản lý tài
chính phải được quản lý chặt chẽ theo đúng trình tự đã quy định phù hợp với Điều
lệ Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên 19- 12 Hà Nội và pháp luật hiện hành.
Điều 2. Đối
tượng và phạm vi điều chỉnh của qui chế tài chính.
1. Đối tượng quản lý tài chính
bao gồm:
a. Quản lý vốn và tài sản.
b. Quản lý doanh thu, chi phí
và giá thành.
c. Quản lý lợi nhuận và sử dụng
lợi nhuận.
d. Kế hoạch tài chính kế toán
và kiểm toán.
2. Phạm vi điều chỉnh:
a. Qui chế này điều chỉnh các
quan hệ về tài chính giữa Chủ sở hữu công ty, công ty và các đơn vị thành viên
trực thuộc công ty (nếu có).
b. Ngoài các qui định của qui
chế này, các quan hệ quản lý tài chính trong Công ty còn chịu sự điều chỉnh của
Điều lệ Công ty các quy định của pháp luật hiện hành.
Chương
II.
QUẢN LÝ VỐN
VÀ TÀI SẢN
Điều 3. Vốn
điều lệ.
Vốn điều lệ của Công ty TNHH
Nhà nước 1 thành viên 19 - 12 Hà Nội do chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu đầu
tư và được quy định trong Điều lệ của Công ty là 30 tỷ đồng (Ba mươi tỷ đồng).
Mức vốn chủ sở hữu tại thời điểm
chuyển đổi là: 24.653.526.023 đồng (Hai mươi tư tỷ, sáu trăm năm mươi ba triệu,
năm trăm hai mươi sáu ngàn, không trăm hai mươi ba đồng)
a. Vốn điều lệ của Công ty bao
gồm:
- Vốn chủ sở hữu thực có trên sổ
kế toán tại thời điểm chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sang Công ty TNHH Nhà nước
1 thành viên 19 - 12 theo quy định tại Nghị định số 63/2001/NĐ-CP ngày
14/09/2001 của Chính phủ.
- Lợi nhuận sau thuế để lại bổ
sung vốn cho Công ty.
- Vốn do chủ sở hữu Công ty bổ
sung cho Công ty (nếu có).
- Ngoài ra vốn điều lệ còn được
bổ sung từ các nguồn sau:
+ Khoản phải nộp ngân sách Nhà
nước nhưng được Nhà nước để lại bổ sung vốn (nếu có) theo quy định.
+ Các loại vốn khác có nguồn gốc
từ Ngân sách và coi như của Ngân sách theo quy định của Bộ Tài chính.
b. Việc điều chỉnh tăng, giảm vốn
điều lệ của Công ty do chủ sở hữu quyết định.
Chủ sở hữu chỉ được rút vốn đầu
tư vào Công ty trong trường hợp điều chỉnh vốn điều lệ. Trường hợp không điều
chỉnh vốn điều lệ Công ty thì chủ sở hữu chỉ được rút vốn đã đầu tư vào công ty
thông qua hình thức chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn cho tổ chức, cá nhân
khác.
Điều 4. Huy động
vốn
1. Ngoài số vốn do chủ sở hữu đầu
tư, công ty được quyền huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước
theo quy định của pháp luật để phục vụ kinh doanh. Việc huy động vốn của công
ty không được làm thay đổi hình thức sở hữu của công ty.
2. Công ty có trách nhiệm hoàn
trả vốn huy động (gồm cả gốc và lãi vay) cho chủ nợ theo cam kết.
3. Chủ sở hữu công ty quyết định
và chịu trách nhiệm về các hợp đồng vay vốn có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng
giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính của công ty tại thời điểm gần nhất
trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh tế của vốn vay.
Trong trường hợp đặc biệt, chủ
sở hữu có thể uỷ quyền cho chủ tịch công ty quyết định các hợp đồng vay vốn
này.
4. Các hợp đồng vay vốn có giá trị
thấp hơn 50% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính của công ty tại thời
điểm gần nhất do Công ty quyết định.
Điều 5. Tài sản
cố định của công ty
1. Tài sản cố định của công ty
bao gồm tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình. Tiêu chuẩn (về thời
gian và giá trị) của tài sản cố định được xác định theo quy định của Bộ Tài
chính.
Chi phí đi vay và chi phí khác
liên quan trực tiếp đến việc đầu tư tài sản cố định được tính vào giá trị của
tài sản đó.
2. Công ty được chủ động lựa chọn
các phương án đầu tư mua sắm tài sản cố định, đổi mới thiết bị công nghệ hoặc
thay đổi cơ cấu tài sản cố định phù hợp với mục tiêu kinh doanh nhằm nâng cao
hiệu suất sử dụng tài sản và hiệu quả sử dụng vốn.
Việc đầu tư xây dựng, mua sắm
tài sản cố định thực hiện theo quy chế quản lý đầu tư xây dựng và các văn bản
hiện hành.
3. Thẩm quyền quyết định các dự
án đầu tư mua sắm tài sản cố định:
- Chủ sở hữu công ty quyết định
các dự án có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản ghi trên báo
cáo tài chính của công ty tại thời điểm gần nhất.
- Các dự án còn lại có giá trị
thấp hơn 50% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính của công ty tại thời
điểm gần nhất do Công ty quyết định.
4. Tổng Giám đốc công ty có
trách nhiệm tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch công ty và Chủ
sở hữu công ty về tiến độ, chất lượng các dự án đã quyết định đầu tư.
5. Đối với tài sản cố định là
công trình, hạng mục công trình hoàn thành đã đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết
toán giá trị công trình, hạng mục công trình thì tạm ghi tăng nguyên giá tài sản
cố định theo giá trị tạm tính để trích khấu hao. Sau khi quyết toán nếu có
chênh lệch tăng hoặc giảm so với giá trị tạm tính thì hạch toán điều chỉnh lại
nguyên giá theo giá trị quyết toán.
Điều 6. Quản
lý và sử dụng tài sản cố định
- Tài sản cố định được quản lý,
sử dụng theo quy định của nhà nước và Điều lệ công ty.
- Chủ tịch công ty quyết định mức
trích khấu hao tài sản cố định theo quy định của Bộ Tài chính để thu hồi vốn đầu
tư và bảo toàn vốn. Trường hợp trích khấu hao thấp hơn mức trích khấu hao tối
thiểu theo quy định của Bộ Tài chính, không bảo toàn được vốn đã đầu tư thì Chủ
tịch công ty phải có văn bản báo cáo Chủ sở hữu và Bộ Tài chính theo quy định.
- Việc cho thuê, thế chấp, cầm
cố tài sản để vay vốn thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước. Thẩm quyền
quyết định việc cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản cố định như sau:
+ Việc cho thuê, thế chấp, cầm
cố tài sản được Nhà nước đầu tư để thực hiện sản xuất cung cấp sản phẩm dịch vụ
công ích do Chủ sở hữu quyết định.
+ Đối với các tài sản được đầu
tư để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, Chủ sở hữu quyết định các phương
án cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản cố định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng
giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính của công ty tại thời điểm gần nhất.
Các phương án cho thuê, thế chấp, cầm cố còn lại do Công ty quyết định.
Điều 7. Thanh
lý, nhượng bán tài sản cố định.
1. Việc nhượng bán thanh lý tài
sản phải thực hiện thông qua phương thức đấu giá công khai. Tiền thu được từ hoạt
động thanh lý, nhượng bán tài sản sau khi nộp các khoản thuế (nếu có) được hạch
toán vào thu nhập để xác định kết quả kinh doanh của công ty.
2. Thẩm quyền quyết định các
phương án thanh lý, nhượng bán tài sản cố định như sau:
- Đối với các tài sản được Nhà
nước đầu tư để thực hiện mục đích chính là sản xuất cung cấp sản phẩm dịch vụ
công ích, Chủ sở hữu quyết định phương án thanh lý, nhượng bán.
- Đối với các tài sản được đầu
tư để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, Chủ sở hữu quyết định các phương
án thanh lý, nhượng bán tài sản cố định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng
giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính của công ty tại thời điểm gần nhất.
Các phương án thanh lý, nhượng bán còn lại do Công ty quyết định.
Trong trường hợp đặc biệt chủ sở
hữu có thể uỷ quyền cho chủ tịch công ty quyết định và chịu trách nhiệm về các
phương án thanh lý, nhượng bán tài sản cố định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50%
tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính của công ty.
Điều 8. Quản
lý hàng tồn kho
1. Tài sản lưu động là hàng hoá
tồn kho bao gồm: Hàng hoá mua để bán còn tồn kho; nguyên liệu, vật liệu, công cụ,
dụng cụ tồn kho; hàng mua đang đi đường; hàng gửi bán; sản phẩm dở dang trong
quá trình sản xuất; sản phẩm đã hoàn thành nhưng chưa nhập kho; thành phẩm tồn
kho hoặc thành phẩm đã gửi đi bán.
2. Trị giá hàng hoá tồn kho được
xác định theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính, bao gồm giá gốc và các chi
phí liên quan (Chi phí chế biến, chi phí vận chuyển, chi phí bốc xếp, chi phí bảo
quản, chi phí bảo hiểm, thuế nhập khẩu,...) để đưa hàng hoá về vị trí hiện tại.
3. Công ty có quyền và trách
nhiệm trong việc xử lý các hàng hoá tồn kho kém phẩm chất, mất phẩm chất, chậm
luân chuyển theo các quy định hiện hành của Nhà nước để bảo toàn vốn.
Điều 9. Các
khoản nợ phải thu, phải trả
1. Công ty phải mở sổ theo dõi
các khoản công nợ theo từng đối tượng (Số phải thu, phải trả đầu kỳ; số phải thu
phải trả tăng hoặc giảm trong kỳ và số phải thu, phải trả cuối kỳ). Đồng thời
phải thường xuyên phân tích, đôn đốc thu hồi và thanh toán các khoản nợ.
2. Trước khi khoá sổ kế toán để
lập báo cáo tài chính hàng quý và hàng năm, công ty phải kiểm kê đối chiếu từng
khoản nợ với chủ nợ, hoặc khách nợ.
Đối với khoản nợ phải thu xác định
là khó đòi hoặc từ hai năm trở lên thì phải trích lập dự phòng theo quy định của
Bộ Tài chính. Nợ phải thu không đòi được phải xử lý xoá sổ theo quy định của
nhà nước và được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi sau khi trừ tiền
bồi thường của cá nhân tập thể có liên quan, nếu còn thiếu thì hạch toán vào
chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với nợ phải trả nhưng không
có người đòi được xử lý và hạch toán theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.
Điều 10. Quản
lý sử dụng vốn
1. Công ty có quyền quản lý và
sử dụng linh hoạt toàn bộ số vốn chủ sở hữu đã đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp
khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh với mục tiêu thu lợi nhuận. Đồng
thời chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về việc sử dụng vốn có hiệu quả, bảo
toàn và phát triển vốn nhà nước đã đầu tư, cũng như đảm bảo quyền lợi của những
người có liên quan đến công ty như các chủ nợ, khách hàng theo cam kết.
2. Công ty được sử dụng vốn và
tài sản của công ty đầu tư ra ngoài công ty theo quy định của pháp luật. Việc sử
dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn đầu tư ra ngoài công ty được thực hiện
theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản pháp luật hiện hành.
Việc đầu tư ra ngoài công ty
(bao gồm cả đầu tư ra nước ngoài) được thực hiện theo các hình thức góp vốn
liên doanh, góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, nhận
chuyển nhượng phần vốn của các nhà đầu tư khác hoặc các hình thức đầu tư khác
theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm quyền quyết định các dự
án đầu tư ra ngoài công ty, hoặc chuyển nhượng phần vốn góp của công ty ở các
doanh nghiệp khác thực hiện như sau:
- Chủ sở hữu quyết định các dự
án đầu tư ra ngoài công ty hoặc chuyển nhượng phần vốn góp của công ty ở doanh
nghiệp khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản ghi trên báo
cáo tài chính của công ty tại điểm gần nhất.
- Các dự án đầu tư vốn ra bên
ngoài công ty và các phương án chuyển phần vốn công ty góp ở các doanh nghiệp
khác còn lại do Công ty quyết định.
4. Việc đánh giá lại tài sản để
góp vốn liên doanh thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn thực
hiện theo quy định của pháp lệnh hiện hành.
5. Hàng năm trước khi khoá sổ kế
toán để lập báo cáo tài chính năm. Công ty phải tổ chức kiểm kê thực tế tài sản
cố định, hàng tồn kho, tiền vốn công nợ được xác định số thực tế ở thời điểm lập
báo cáo tổ chức xác định giá trị tài sản thừa, thiếu hoặc tài sản bị tổn thất
làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của cá nhân tập thể có liên quan và xác định
mức bồi thường vật chất theo quy định pháp luật và điều lệ của công ty. Mức bồi
thường do chủ tịch công ty quyết định. Giá trị tài sản thừa thiếu hoặc tài sản
bị tổn thất thực tế được xử lý và hạch toán theo quy định của Bộ Tài chính.
Chương
III.
QUẢN LÝ DOANH
THU - CHI PHÍ VÀ GIÁ THÀNH
Điều 11.
Doanh thu, thu nhập của công ty
Công ty được quyền quyết định
giá bán sản phẩm hàng hoá của mình (trừ hàng hoá và sản phẩm công ích do Nhà nước
quy định giá) và quyết định các khoản chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động
sản xuất kinh doanh.
Doanh thu, chi phí hoạt động
sản xuất kinh doanh được xác định như sau:
1. Doanh thu hoạt động kinh
doanh là số tiền đã thu hoặc sẽ thu được phát sinh từ việc bán hàng hoá, cung ứng
dịch vụ trong kỳ, của doanh nghiệp (bao gồm cả các khoản phụ thu và phí thu
thêm).
2. Doanh thu hoạt động tài
chính là số tiền đã thu hoặc sẽ thu được phát sinh từ việc cho các bên sử dụng
tài sản của công ty, thu nhập phát sinh từ việc cho vay vốn, lãi tiền gửi, lãi
trái phiếu, tín phiếu hoặc thu nhập được tịch từ số vốn đầu tư ra ngoài doanh
nghiệp như góp vốn liên doanh, góp cổ phần. Khoản thu nhập từ hoạt động đầu tư
ra ngoài doanh nghiệp nếu chưa nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì công ty phải
hoạch toán vào thu nhập trước thuế.
3. Thu nhập khác là số tiền đã
thu hoặc sẽ thu được từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, thu tiền bảo
hiểm được bồi thường, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng, các khoản nợ
phải trả nhưng nay không phải trả.
Các khoản doanh thu, thu nhập
nói trên được xác định theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 14 “Doanh thu và
thu nhập khác” ban hành kèm theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001
của Bộ Tài chính về ban hành và công bố chuẩn mực kế toán Việt Nam và các văn bản
hướng dẫn chuẩn mực kế toán, các luật thuế.
Điều 12. Chi
phí của công ty bao gồm:
1. Chi phí hoạt động sản xuất
kinh doanh:
a. Chi phí sản xuất kinh doanh
phát sinh trong kỳ gồm:
- Chi phí nguyên vật liệu, động
lực, bán thành phẩm, dịch vụ mua ngoài (tính theo mức tiêu hao thực tế và giá vốn
thực tế) trên cơ sở định mức quy định của Nhà nước và công ty.
- Chi phí phân bổ công cụ, dụng
cụ lao động, sửa chữa tài sản cố định.
- Chi phí khấu hao tài sản cố định
xác định theo quy định tại Điều 6, Quy chế này.
- Chi phí tiền lương, tiền công
phải trả cho người lao động do Chủ tịch công ty quyết định theo năng suất, chất
lượng hiệu quả công việc và theo đơn giá tiền lương công ty đăng ký với cơ quan
nhà nước có thẩm quyền hoặc do chủ sở hữu phê duyệt theo quy định.
- Kinh phí BHXH, BHYT, kinh phí
công đoàn của người lao động trong doanh nghiệp phải trích nộp theo quy định hiện
hành.
- Chi phí quảng cáo tiếp thị,
khuyến mại, tiếp tân, khánh tiết, chi phí giao dịch đối ngoại, chi phí hoa hồng
môi giới, chi phí hội nghị và các loại chi phí khác theo số thực chi không quá
10% tổng số các khoản chi phí hợp lý từ khoản 1 đến khoản 10 của mục III phần B
Thông tư 128/2003-TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thi hành
luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Việc chi hoa hồng môi giới phải
căn cứ trên cơ sở hiệu quả kinh tế do hoạt động môi giới mang lại và theo đúng
quy định hiện hành.
- Chi phí bằng tiền khác như:
trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho nguồi lao động; chi phí đào tạo nâng cao năng
lực quản lý, tay nghề của người lao động; chi phí công đoàn; chi lao động nữ;
chi phí y tế; chi tiền ăn ca; bồi dưỡng độc hại; chi phí bảo hộ lao động;
nghiên cứu khoa học; các khoản thuế như: Thuế tài nguyên, thuế đất, tiền thuê đất,...;
chi phí trích trước bảo hành sản phẩm hoặc sửa chữa tài sản; chi công tác phí;
chi phí tập huấn lao động; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; chi phí khám sức
khoẻ định kỳ cho người lao động theo quy định của bộ luật lao động. Chi phí mua
bảo hiểm tài sản;...
- Giá trị tài sản tổn thất thực
tế (xác định bằng giá trị tài sản ghi trên sổ kế toán trừ các do thu được do cá
nhân tập thể có liên quan bồi thường, tiền bồi thường của cơ quan bảo hiểm, giá
trị phế liệu thu hồi và số đã được bù đắp bằng các quỹ dự phòng tài chính),
công nợ không thu hồi được.
b- Giá trị các khoản dự phòng
giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư dự phòng nợ phải
thu khó đòi, trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm theo đúng quy định của
Bộ Tài chính chi trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động theo điều
12, 13 Nghị định 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ qui định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về việc làm và các quy định
hiện hành khác.
c- Chi phí sản xuất kinh doanh
chia theo các khoản mục như sau:
- Chi phí sản xuất kinh doanh
trực tiếp, gồm: Chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, động lực sử dụng trực tiếp cho
sản xuất sản phẩm; chi phí phải trả cho người lao động trực tiếp như: tiền
lương, phụ cấp lương bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn,...
- Chi phí sản xuất chung phát
sinh ở phân xưởng, gồm: Tiền lương, phụ cấp lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y
tế, kinh phí công đoàn của nhân viên phân xưởng; chi phí khấu hao tài sản cố định;
chi phí nguyên vật liệu gián tiếp và các chi phí sản xuất chung khác theo chế độ
hiện hành.
- Chi phí bán hàng là toàn bộ
các chi phí liên quan tới việc tiêu thụ sản phẩm dịch vụ, bao gồm cả chi phí bảo
hành sản phẩm như tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công
đoàn, phải trả cho nhân viên bán hàng, chi phí bao bì, đóng gói sản phẩm.
- Chi phí quản lý doanh nghiệp,
gồm:
+ Chi phí cho bộ máy quản lý và
điều hành liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty như: Chi phí khấu hao
tài sản cố định; công cụ lao động nhỏ, phục vụ cho bộ máy quản lý và điều hành
của công ty.
+ Tiền lương phụ cấp lương và
các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kinh phí công đoàn của bộ máy quản lý
điều hành công ty.
+ Chi phí dịch vụ mua ngoài,
chi phí bằng tiền như chi phí tiếp tân, khánh tiết, giao dịch, khoản trợ cấp
thôi việc cho người lao động, các khoản chi cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu
đổi mới công nghệ, chi thưởng sáng kiến cải tiến, chi phí đào tạo giáo dục, chi
y tế cho người lao động, chi phí bảo vệ môi trường, chi phí cho lao động nữ,
giáo dục, chi phí mua bảo hiểm tài sản theo quy định.
+ Chi phí dự phòng giảm giá
hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, chênh lệch tỷ giá của các khoản nợ
vay dài hạn bằng ngoại tệ.
+ Giá trị tài sản tổn thất thực
tế, công nợ không thu hồi được.
2. Chi phí hoạt động tài chính:
Chi phí hoạt động tài chính bao
gồm: Chi phí đầu tư ra ngoài doanh nghiệp (góp vốn liên doanh, liên kết, góp vốn
thành lập công ty...); chi phí lãi vay vốn kinh doanh; chi phí chiết khấu tài
chính; chi phí cho thuê tài sản; dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư; chi phí
mua bán trái phiếu, cổ phiếu, kể cả tổn thất trong đầu tư (nếu có).
3. Chi phí khác:
- Chi phí nhượng bán, thanh lý
tài sản cố định (bao gồm cả giá trị còn lại của tài sản cố định khi thanh lý
nhượng bán).
- Chi phí cho việc thu hồi các
khoản nợ phải thu khó đòi đã xoá sổ kế toán.
- Chi phí về tiền phạt do vi phạm
hợp động kinh tế.
- Các khoản chi phí khác được
tính vào chi phí hợp lý hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế theo qui định tại
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
4. Các khoản chi phí không được
tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế gồm:
- Tiền lương, tiền công do cơ sở
kinh doanh không thực hiện đúng chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp
luật về lao động, trừ trường hợp thuê mướn lao động theo vụ việc.
- Các khoản trích trước vào chi
phí mà thực tế không chi tiết như: Chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định, chi
phí bảo hành sản phẩm hàng hoá, công trình xây dựng và các khoản trích trước
khác.
- Các khoản chi không có hoá đơn
chứng từ theo chế độ quy định hoặc chứng từ không hợp pháp.
- Các khoản phạt vi phạm luật
giao thông, phạt vi phạm hành chính về thuế và các khoản phạt khác.
- Các khoản chi không liên quan
đến doanh thu, thu nhập chịu thuế như: Chi về đầu tư xây dựng cơ bản, chi ủng hộ
các đoàn thể, tổ chức xã hội và ủng hộ địa phương, chi từ thiện và các khoản
chi khác không liên quan đến doanh thu thu nhập chịu thuế.
- Các khoản chi do nguồn kinh
phí khác đài thọ: Chi sự nghiệp, chi ốm đau, thai sản, trợ cấp khó khăn thường
xuyên, khó khăn đột xuất và các khoản chi khác do nguồn kinh phí khác đài thọ.
- Chi phí không hợp lý, không
liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Điều 13. Giá
thành sản phẩm dịch vụ:
1. Giá thành sản phẩm, dịch vụ
tiêu thụ trong kỳ được tính theo phương pháp quy định của Bộ Tài chính (Bình
quân gia quyền; Nhập trước - Xuất trước; Nhập sau - Xuất trước; Thực tế đích
danh).
Khi thay đổi phương pháp tính
giá thành, công ty phải đăng ký và thông báo với cơ quan thuế và cơ quan tài
chính theo quy định, đồng thời phải có giải trình về sự chênh lệch kết quả tính
giá thành do thay đổi phương pháp tính toán.
2. Chi phí quản lý doanh nghiệp
phát sinh trong kỳ: Trường hợp do chu kỳ sản xuất sản phẩm dài hoặc sản xuất
mang tính đặc thù, tuỳ theo tình hình cụ thể Chủ tịch công ty quyết định mức
phân bổ chi phí quản lý doanh nghiệp vào cho số lượng sản phẩm tiêu thụ trong kỳ
và sản phẩm tồn kho cuối kỳ, đảm bảo giá thành sản phẩm tồn kho cuối kỳ không
cao hơn giá trị có thể thu hồi được.
3. Chi phí bán hàng phát sinh
trong kỳ.
4. Chi phí dự phòng giảm giá
hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, chênh lệch tỷ giá của các khoản nợ
vay dài hạn bằng ngoại tệ.
5. Giá trị tài sản tổn thất thực
tế, nợ không thu hồi được.
Đối với các hoạt động theo hình
thức hợp đồng hợp tác liên doanh, theo hình thức hợp đồng phân chia sản phẩm
thì công ty phải tổ chức hạch toán riêng doanh thu và chi phí sản xuất tương ứng
với số lượng sản phẩm được chia. Trường hợp theo hình thức hợp đồng chia lợi
nhuận, lợi nhuận được chia từ hoạt động hợp tác liên doanh được hạch toán vào
thu nhập tài chính của doanh nghiệp.
Đối với phần thực hiện nhiệm vụ
công ích nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch công ty phải xây dựng các chỉ tiêu kế
hoạch riêng về sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích trong kế hoạch
hàng năm của công ty. Việc tổng hợp giao kế hoạch thực hiện theo đúng qui định
hiện hành. Chủ sở hữu thực hiện thanh quyết toán đối với sản phẩm dịch vụ công
ích đặt hàng hoặc giao chủ hàng.
Chương
IV.
LỢI NHUẬN VÀ
SỬ DỤNG LỢI NHUẬN
Điều 14. Lợi
nhuận của công ty
1. Tổng lợi nhuận của công ty
bao gồm lợi nhuận hoạt động kinh doanh, lợi nhuận hoạt động tài chính và hoạt động
khác.
Tổng lợi nhuận thực hiện của
công ty là khoản chênh lệch giữa doanh thu từ hoạt động kinh doanh, doanh thu
hoạt động tài chính và thu nhập khác với chi phí của các hoạt động tương ứng.
2. Lợi nhuận thực hiện của công
ty, sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo qui định của luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, bù đắp các khoản lỗ năm trước và chi phí trước thuế, chia lãi cho
các đối tác góp vốn theo hợp đồng, hợp tác liên doanh, liên kết (nếu có) chủ sở
hữu quyết định sử dụng phần lợi nhuận còn lại như sau:
a. Trích 10% lập Quỹ Dự phòng
tài chính.
b. Trích tối đa 10% Quỹ Khen
thưởng.
c. Trích tối đa 10% Quỹ Phúc lợi.
d. Trích tối đa 5% Quỹ thưởng
Ban quản lý điều hành công ty.
e. Trích tối thiểu 30% bổ sung
vốn cho Công ty.
Đối với phần cung sản phẩm dịch
vụ công ích mà Nhà nước đặt hàng. Khi phân phối lợi nhuận mà không đủ trích quỹ
khen thưởng và phúc lợi theo mức 2 tháng lương thì Nhà nước sẽ trợ cấp đủ để
trích lập 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng 2 tháng lương.
f. Phần lợi nhuận còn lại Chủ tịch
công ty trình Chủ sở hữu quyết định sử dụng để tiếp tục bổ sung vốn cho công
ty, nộp Ngân sách nhà nước, hoặc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác.
Điều 15. Quỹ
Dự phòng tài chính
Quỹ Dự phòng tài chính dùng để:
1. Bù đắp các tổn thất về tài sản
xảy ra trong quá trình kinh doanh sau khi trừ tiền bồi thường của các tổ chức
cá nhân có liên quan và của tổ chức bảo hiểm.
2. Bù đắp khoản lỗ của Công ty
theo quyết định của Chủ sở hữu.
Điều 16. Quỹ
Khen thưởng
Quỹ khen thưởng của công ty được
dùng để thưởng cuối năm hoặc thưởng định kỳ cho người lao động trong công ty
bao gồm cả các thành viên Ban Quản lý và điều hành công ty và những người bên
ngoài công ty có quan hệ đóng góp, giúp đỡ công ty trong hoạt động sản xuất
kinh doanh. Chủ tịch công ty phê duyệt phương án sử dụng quỹ khen thưởng.
Điều 17. Quỹ
phúc lợi
Quỹ Phúc lợi được sử dụng để:
1. Đầu tư sửa chữa công trình
phúc lợi của công ty.
2. Chi cho các hoạt động thể
thao, văn hóa, phúc lợi công cộng của tập thể, đóng góp quỹ hoặc chi dùng cho
các hoạt động phúc lợi công cộng của chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp
đóng trụ sở (bao gồm cả công tác từ thiện xây dựng nhà tình nghĩa).
3. Trợ cấp khó khăn thường
xuyên, đột xuất cho người lao động trong công ty, kể cả người lao động đã nghỉ
hưu, nghỉ mất sức.
Việc sử dụng Quỹ phúc lợi do Chủ
tịch công ty quyết định sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với đại diện người
lao động của công ty.
Điều 18. Quỹ
thưởng Ban quản lý, điều hành.
Quỹ thưởng Ban Quản lý điều
hành dùng để thưởng cho Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc công ty và các thành
viên khác trong Ban Quản lý điều hành công ty. Hàng năm Chủ tịch công ty trình
Chủ sở hữu quyết định mức chi thưởng trên cơ sở kết quả cống hiến của từng
thành viên Ban Quản lý điều hành và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của
công ty.
Điều 19. Quy
định chung về quản lý và sử dụng các Quỹ của công ty.
Khi công ty chưa thanh toán đủ
các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn trả thì công ty chưa được
trích lập, sử dụng các quỹ nói trên và Chủ sở hữu công ty không được rút lợi
nhuận của công ty. Trong trường hợp này, người nào quyết định trích lập và sử dụng
các quỹ, hoặc phân phối lợi nhuận thì người đó chịu trách nhiệm thu hồi, hoặc bồi
thường.
Chương V.
KẾ HOẠCH TÀI
CHÍNH, KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN
Điều 20. Kế
hoạch tài chính.
1. Công ty xây dựng phương án sản
xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính dài hạn và hàng năm phù hợp
với chiến lược phát triển của công ty, quy hoạch của Nhà nước và Thành phố.
2. Phương án và kế hoạch đầu tư
xây dựng hàng năm được lập theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư xây dựng và
các văn bản hiện hành.
3. Chủ tịch công ty quyết định
kế hoạch tài chính của công ty và báo cáo chủ sở hữu làm căn cứ giám sát và
đánh giá kết quả quản lý điều hành hoạt động kinh doanh của Chủ tịch công ty và
Tổng Giám đốc công ty.
4. Chỉ tiêu tỉ suất lợi nhuận
trước thuế trên vốn chủ sở hữu dùng để xác định mức trích lập Quỹ thưởng Ban quản
lý điều hành công ty.
Điều 21. Kế
toán và kiểm toán
1. Công ty phải tổ chức và thực
hiện công tác kiểm toán nội bộ theo quy định của Bộ Tài chính nhằm mục đích phục
vụ cho công tác điều hành của Tổng Giám đốc công ty và công tác giám sát của Chủ
tịch công ty.
2. Cuối kỳ kế toán (quý, năm)
công ty phải lập và gửi báo cáo tài chính, báo cáo thống kê theo quy định của
Nhà nước. Chủ tịch công ty phải tổ chức thẩm định và chịu trách nhiệm về tính
trung thực, chính xác của số liệu trong các báo cáo này.
3. Công ty phải thực hiện công
khai tài chính theo quy chế dân chủ ở cơ sổ và quy định của Nhà nước.
4. Báo cáo tài chính hàng năm của
công ty phải được kiểm toán theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và trình
Chủ sở hữu phê duyệt.
Chương
VI.
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 22. Hiệu
lực thi hành
Quy chế tài chính Công ty TNHH nhà
nước một thành viên 19 - 12 Hà Nội gồm 6 chương, 22 điều, có hiệu lực thi hành
kể từ ngày được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt.
Khi Nhà nước ban hành những điều
sửa đổi có liên quan khác với những điều ghi trong quy chế này thì thực hiện
theo các quy định sửa đổi của Nhà nước.