BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1761/QĐ-TCHQ
|
Hà Nội, ngày 23
tháng 06 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN QUAN HỆ
ĐỐI TÁC HẢI QUAN - DOANH NGHIỆP TRONG NGÀNH HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13
ngày 23/6/2014;
Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg
ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định 448/QĐ-TTg ngày
25/03/2011 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định 1514/QĐ-BTC ngày
22/6/2011 của Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện
đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011-2015;
Xét đề nghị của Ban Cải cách hiện
đại hóa hải quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp
thực hiện nhiệm vụ phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp trong
ngành Hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải
quan; Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
- Lãnh đạo TCHQ (để chỉ đạo);
- Lưu: VT, CCHĐH (5b).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Dương Thái
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN QUAN HỆ ĐỐI TÁC HẢI QUAN - DOANH
NGHIỆP TRONG NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm Quyết định số 1761/QĐ-TCHQ ngày 23 tháng 6 năm 2015 của Tổng cục
trưởng Tổng cục Hải quan)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định nguyên
tắc hoạt động, cơ chế phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong việc thực hiện
nhiệm vụ phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp; quy định trách nhiệm
của cán bộ, công chức hải quan trong việc thực thi nhiệm vụ phát triển quan hệ
đối tác Hải quan - Doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là quan hệ đối tác).
2. Đối tượng áp dụng: Các đơn vị thuộc và trực thuộc
Tổng cục Hải quan, cán bộ, công chức hải quan trong việc thực hiện nhiệm vụ
phát triển quan hệ đối tác.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Quá trình tham gia phối hợp được thực hiện trên
cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị liên quan.
2. Công tác phối hợp phải đảm bảo tính kịp thời, đồng
bộ, thống nhất và đạt chất lượng, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các
doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong quan hệ đối tác với cơ quan Hải quan.
3. Mỗi nội dung phối hợp phải xác định rõ đơn vị chủ
trì, đơn vị phối hợp.
Điều 3. Quan hệ giữa đơn vị
chủ trì và đơn vị phối hợp
Mỗi hoạt động sẽ do một đơn vị chủ trì và một hoặc
nhiều đơn vị khác phối hợp giải quyết công việc.
1. Đơn vị chủ trì: chịu trách nhiệm tổ chức triển
khai các công việc được phân công phụ trách thực hiện. Trong quá trình thực hiện,
đơn vị chủ trì thường xuyên trao đổi thông tin, lấy ý kiến, hướng dẫn và hỗ trợ
các đơn vị phối hợp.
2. Đơn vị phối hợp: hợp tác chặt chẽ với đơn vị chủ
trì theo phân công và hướng dẫn của đơn vị chủ trì, thông tin tình hình triển
khai công việc cho đơn vị chủ trì; Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc
trong quá trình tổ chức thực hiện.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Xây dựng quy định về
quan hệ đối tác
1. Ban Cải cách hiện đại hóa chịu trách nhiệm chủ
trì tham mưu, đề xuất xây dựng các quy định chung về phát triển quan hệ đối
tác. Các Vụ, Cục chức năng thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm chủ trì
nghiên cứu, tham mưu, xây dựng các quy định cụ thể về quan hệ đối tác theo chức
năng, nhiệm vụ được giao.
2. Đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm nghiên cứu, tham
mưu, xây dựng, trình phê duyệt, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Các đơn vị chức
năng thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị
chủ trì trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện.
Điều 5. Xây dựng kế hoạch phát
triển quan hệ đối tác
1. Ban Cải cách hiện đại hóa chủ trì xây dựng kế hoạch
tổng thể về phát triển quan hệ đối tác theo từng giai đoạn, tổ chức lấy ý kiến
của các đơn vị trong ngành, tham khảo ý kiến của các bên liên quan, trình các cấp
có thẩm quyền phê duyệt;
2. Các đơn vị chức năng thuộc và trực thuộc Tổng cục
Hải quan chủ động xây dựng kế hoạch phát triển quan hệ đối tác và đưa vào kế hoạch
công tác hàng năm của đơn vị.
Điều 6. Thiết lập quan hệ đối
tác
1. Nguyên tắc thực hiện
- Xây dựng sự hiểu biết, đồng thuận, đồng hành, tin
tưởng, hỗ trợ lẫn nhau, trong việc xử lý các vấn đề về hải quan;
- Khuyến khích doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật
về hải quan, về thuế thông qua việc tham gia quan hệ đối tác và hợp tác với cơ
quan hải quan;
- Góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm thời
gian và chi phí thông quan, cải thiện điều kiện, phương thức phục vụ doanh nghiệp.
2. Phương thức thực hiện
Quan hệ đối tác được thiết lập thông qua các giải
pháp sau:
- Thông tin: tuyên truyền, phổ biến chính sách,
pháp luật hải quan; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục hải quan; giải
đáp vướng mắc liên quan;
- Tham vấn: trao đổi, thảo luận giữa cơ quan Hải
quan các cấp với doanh nghiệp và các bên liên quan để tìm kiếm giải pháp tối ưu
cho các vấn đề liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh
vực hải quan;
- Tham gia: nghiên cứu, góp ý, phản biện, xây dựng,
triển khai các công việc, giải pháp từ phía doanh nghiệp, các bên liên quan
theo đề nghị từ phía cơ quan hải quan hoặc theo kết quả tham vấn giữa cơ quan hải
quan với doanh nghiệp và các bên liên quan;
- Hợp tác: phối hợp giữa cơ quan hải quan với doanh
nghiệp và các bên liên quan thực hiện các công việc đã được các bên đồng thuận,
thống nhất thực hiện.
3. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng
cục hải quan
3.1. Tại Tổng cục Hải quan
- Ban Cải cách hiện đại hóa chịu trách nhiệm:
+ Hướng dẫn thiết lập quan hệ đối tác trong toàn
ngành, tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện tại các đơn vị;
+ Đề xuất thiết lập quan hệ hợp tác, là đầu mối thực
hiện hoạt động hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp và các bên liên quan ở cấp
Tổng cục dưới hình thức ký văn bản thỏa thuận hợp tác;
+ Phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục
Hải quan thực hiện các nội dung thỏa thuận hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp
và các bên liên quan;
+ Tham mưu, đề xuất các chương trình đối tác, hợp
tác giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp và các bên liên quan.
- Các Vụ, Cục chức năng thuộc Tổng cục Hải quan chịu
trách nhiệm:
+ Thực hiện các nội dung thỏa thuận hợp tác với các
hiệp hội doanh nghiệp và các bên liên quan do Tổng cục ký kết, giải quyết các vấn
đề nghiệp vụ phát sinh theo phân công của Lãnh đạo Tổng cục;
+ Thực hiện các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác
theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
+ Nghiên cứu và xây dựng chương trình đối tác
chuyên đề cấp Tổng cục theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trình các cấp có thẩm
quyền phê duyệt; chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn các đơn vị liên quan thực
hiện.
3.2. Tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố
Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm:
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển
quan hệ đối tác;
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc
các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Cục thực hiện nhiệm vụ phát triển quan hệ đối
tác;
- Đề xuất, xây dựng và thực hiện các chương trình đối
tác chuyên đề cấp Cục trên phạm vi địa bàn quản lý;
- Thúc đẩy các hoạt động hợp tác với các hiệp hội
doanh nghiệp, doanh nghiệp và các bên liên quan qua hình thức ký văn bản thỏa
thuận hợp tác.
Điều 7. Thực hiện quyền lợi của
đối tác
1. Nguyên tắc thực hiện
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về hải quan,
đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của việc giải quyết các thủ tục hành chính
trong lĩnh vực hải quan;
- Thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cộng đồng
doanh nghiệp về quyền lợi, lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia quan hệ đối
tác với cơ quan hải quan;
- Chủ động tổ chức, thực hiện các giải pháp, biện
pháp phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi, lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia quan
hệ đối tác với cơ quan hải quan.
2. Quyền lợi của doanh nghiệp đối tác
Doanh nghiệp tham gia quan hệ đối tác với cơ quan hải
quan được cơ quan hải quan tạo điều kiện thực hiện các quyền lợi sau:
- Quyền được thông tin: Doanh nghiệp được cơ quan hải
quan thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác về chính sách, pháp luật hải quan
theo cách thức thuận tiện nhất cho doanh nghiệp.
- Quyền được hướng dẫn: Doanh nghiệp được cơ quan hải
quan hướng dẫn kịp thời ngay khi có sự thay đổi về chính sách, pháp luật hải
quan và trong quá trình thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật trong
lĩnh vực hải quan.
- Quyền được hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan:
Doanh nghiệp được cơ quan hải quan hỗ trợ trong việc thực hiện thủ tục hải quan
theo các quy định của pháp luật. Doanh nghiệp tham gia ký kết thỏa thuận hợp
tác với cơ quan hải quan được tạo điều kiện thực hiện thủ tục hải quan trước và
trong thời gian nhanh nhất có thể theo các nội dung tại văn bản thỏa thuận.
- Quyền được giải đáp: Doanh nghiệp được giải đáp kịp
thời ngay khi có vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với
hàng hóa, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
- Quyền được hỏi ý kiến: Khi có bất kỳ sự thay đổi
nào về chính sách, pháp luật hải quan, về điều kiện và phương thức phục vụ
doanh nghiệp, doanh nghiệp được hỏi ý kiến về những thay đổi đó, ưu tiên các
doanh nghiệp tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác với cơ quan hải quan.
- Quyền được tham gia: Doanh nghiệp được cơ quan hải
quan tạo điều kiện tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật hải
quan, thiết lập điều kiện và phương thức phục vụ doanh nghiệp, quá trình xây dựng
lực lượng hải quan; tham gia các hoạt động tham vấn, hợp tác với cơ quan hải
quan và các bên liên quan.
3. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng
cục Hải quan
3.1. Tại Tổng cục Hải quan
- Ban Cải cách hiện đại hóa chịu trách nhiệm:
+ Thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp về quyền lợi,
lợi ích khi tham gia quan hệ đối tác với cơ quan hải quan tại các hoạt động
phát triển quan hệ đối tác do Tổng cục Hải quan tổ chức và trên Cổng thông tin
điện tử Tổng cục Hải quan;
+ Tham mưu, đề xuất tổ chức các hoạt động thông
tin, tham vấn, tham gia, hợp tác ở cấp Tổng cục để các hiệp hội doanh nghiệp,
doanh nghiệp tham gia;
+ Kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị trong toàn
ngành thực hiện quyền lợi của doanh nghiệp đối tác;
+ Tiếp nhận thông tin, kiến nghị, vướng mắc từ các
hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đã ký thỏa thuận hợp tác với cơ quan hải
quan các cấp, tổng hợp và phân công các đơn vị chức năng thuộc và trực thuộc Tổng
cục Hải quan tiếp thu xử lý.
- Các Vụ, Cục chức năng thuộc Cơ quan Tổng cục chịu
trách nhiệm:
+ Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ
thực hiện chính sách, pháp luật về hải quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao,
giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp trên cơ sở quy định và cơ chế xử lý hiện
hành;
+ Xử lý, giải quyết trước các kiến nghị, vướng mắc
của hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp do Ban Cải cách hiện đại hóa chuyển đến;
+ Gửi kết quả xử lý kiến nghị, vướng mắc cho hiệp hội
doanh nghiệp, doanh nghiệp có kiến nghị, đồng gửi Ban Cải cách hiện đại hóa,
các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có liên quan để theo dõi, tổng hợp, Cục Công
nghệ thông tin và Thống kê Hải quan để cập nhật trên chuyên mục Quan hệ đối tác
Hải quan - Doanh nghiệp tại Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan.
3.2. Tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố
Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm:
- Thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp về quyền lợi,
lợi ích khi tham gia quan hệ đối tác với cơ quan hải quan tại các hoạt động
phát triển quan hệ đối tác do Cục tổ chức và trên trang web hải quan của Cục;
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ
doanh nghiệp thực hiện chính sách, quy định pháp luật về hải quan, về thuế;
- Bố trí cán bộ, công chức thuộc Tổ tư vấn hải quan
- Doanh nghiệp làm đầu mối tiếp nhận, hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của
doanh nghiệp đối tác trong quá trình làm thủ tục hải quan tại cấp Cục và Chi cục;
Thông tin trên trang web hải quan của Cục và tại các địa điểm làm thủ tục hải
quan đầu mối tiếp nhận thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đối tác;
- Thường xuyên cập nhật các kiến nghị, vướng mắc,
tình trạng xử lý và kết quả xử lý tại chuyên mục Quan hệ đối tác Hải quan -
Doanh nghiệp trên trang web hải quan của Cục;
- Ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan trước đối với
các doanh nghiệp đã ký thỏa thuận hợp tác với cơ quan hải quan theo các nội
dung đã thống nhất giữa các bên trong văn bản thỏa thuận hợp tác;
- Báo cáo lên Tổng cục Hải quan (qua Ban Cải cách
hiện đại hóa) các kiến nghị, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết của các hiệp
hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đã ký thỏa thuận hợp tác với Cục;
- Phối hợp với các Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi
doanh nghiệp đối tác thực hiện thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi
cho doanh nghiệp đối tác trong quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác
chung hoặc ký kết văn bản thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa các Cục Hải quan tỉnh,
thành phố để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đối tác;
- Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đối tác tham gia
vào các hoạt động tham vấn, tham gia, hợp tác của Cục tổ chức.
Điều 8. Giải quyết các vấn đề
phát sinh trong quan hệ đối tác
1. Nguyên tắc thực hiện
- Có đầu mối tiếp nhận và giải quyết các vấn đề
phát sinh;
- Các vấn đề được xử lý kịp thời theo quy định pháp
luật và phù hợp với các điều khoản các bên đã ký kết;
- Các vấn đề được giải quyết trên cơ sở hiểu biết,
đồng thuận và tin cậy.
2. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng
cục Hải quan
2.1. Tại Tổng cục Hải quan
- Ban Cải cách hiện đại hóa chịu trách nhiệm:
+ Tổng hợp, đề xuất giải pháp, trình cấp thẩm quyền
quyết định;
+ Hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục
Hải quan giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ đối tác và các bên liên
quan.
- Các Vụ, Cục chức năng thuộc Cơ quan Tổng cục chịu
trách nhiệm:
+ Phân công đầu mối chuyên trách thực hiện nhiệm vụ
phát triển quan hệ đối tác và các bên liên quan;
+ Giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi thẩm
quyền của đơn vị và theo phân công của Tổng cục.
2.2. Tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố
Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm:
- Giao Tổ tư vấn Hải quan - Doanh nghiệp tiếp nhận
và đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh trong quan hệ đối tác và các bên liên
quan;
- Giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi thẩm
quyền của đơn vị và theo thỏa thuận hợp tác đã ký kết.
Điều 9. Quản lý đối tác và hoạt
động đối tác
1. Nguyên tắc thực hiện
- Khuyến khích và động viên doanh nghiệp tích cực
tham gia vào các hoạt động đối tác với cơ quan hải quan các cấp;
- Phát hiện và ngăn chặn các hành vi lợi dụng quan
hệ đối tác để vi phạm pháp luật
2. Phương thức thực hiện
- Bố trí nguồn lực theo dõi, quản lý đối tác và hoạt
động đối tác;
- Lập cơ sở dữ liệu quản lý đối tác và hoạt động đối
tác; cập nhật và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong ngành;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các điều khoản
thỏa thuận đối tác;
- Thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên, định kỳ, đột
xuất.
3. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng
cục Hải quan
3.1. Tại Tổng cục Hải quan
- Ban Cải cách hiện đại hóa chịu trách nhiệm:
+ Xây dựng tiêu chí hồ sơ quản lý đối tác; hướng dẫn
các đơn vị tổng hợp, cập nhật thông tin đối tác trên Cổng thông tin điện tử Tổng
cục Hải quan để các đơn vị cùng theo dõi và giám sát hoạt động đối tác;
+ Đôn đốc việc thiết lập, cập nhật cơ sở dữ liệu quản
lý đối tác và hoạt động đối tác của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải
quan;
+ Thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ
phát triển quan hệ đối tác tại cơ quan hải quan các cấp;
+ Thiết lập kênh thông tin giữa Tổng cục Hải quan với
các đối tác phục vụ cho việc đánh giá mức độ hài lòng của các bên tham gia đối
tác.
- Các đơn vị chức năng thuộc Cơ quan Tổng cục chịu
trách nhiệm:
+ Bố trí công chức theo dõi, quản lý đối tác và hoạt
động đối tác thuộc phạm vi quản lý của đơn vị;
+ Lập hồ sơ quản lý đối tác và theo dõi hoạt động đối
tác; Định kỳ hàng tháng tổng hợp thông tin về đối tác, hoạt động đối tác, gửi Cục
Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan để đăng tải tại chuyên mục Quan hệ đối
tác Hải quan - Doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan và
Ban Cải cách hiện đại hóa để theo dõi;
+ Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả
hoạt động đối tác do đơn vị chủ trì thực hiện, kiến nghị các giải pháp cải thiện,
nâng cao chất lượng hoạt động đối tác; cảnh báo kịp thời các trường hợp doanh
nghiệp đối tác vi phạm pháp luật về hải quan đến các Cục Hải quan tỉnh, thành
phố và Ban Cải cách hiện đại hóa;
+ Cung cấp thông tin liên quan đến các doanh nghiệp
dự kiến ký thỏa thuận hợp tác với các Cục Hải quan tỉnh, thành phố;
+ Thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên, định kỳ, đột
xuất theo yêu cầu của cấp thẩm quyền về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển
quan hệ đối tác.
3.2. Tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố
Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm:
- Phân công công chức quản lý các đối tác trên địa
bàn;
- Lập hồ sơ quản lý đối tác và hoạt động đối tác; Định
kỳ hàng tháng tổng hợp thông tin về đối tác, hoạt động đối tác, đăng tải trên
trang web hải quan của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, gửi Cục Công nghệ thông tin
và Thống kê Hải quan để đăng tải tại chuyên mục Quan hệ đối tác Hải quan -
Doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan và gửi Ban Cải cách
hiện đại hóa để theo dõi;
- Định kỳ thực hiện kiểm tra việc thực hiện thỏa
thuận đối tác;
- Phối hợp với Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và
các đơn vị nghiệp vụ chức năng thuộc Tổng cục trong công tác quản lý các đối
tác và hoạt động đối tác. Trong trường hợp doanh nghiệp đối tác vi phạm pháp luật
về hải quan thì kịp thời báo cáo Tổng cục (Ban Cải cách hiện đại hóa) và các Cục
Hải quan tỉnh, thành phố tham gia ký kết;
- Tổng hợp, báo cáo tình thực hiện nhiệm vụ phát
triển quan hệ đối tác tại đơn vị lên Tổng cục Hải quan qua Ban Cải cách hiện đại
hóa và đơn vị chủ trì theo quy định hiện hành và theo các yêu cầu đột xuất khác
của Tổng cục.
Điều 10. Đào tạo kiến thức, kỹ
năng về quan hệ đối tác
1. Trường Hải quan Việt Nam chủ trì xây dựng tài liệu
đào tạo, tổ chức đào tạo và phối hợp với Ban Cải cách hiện đại hóa thực hiện
đào tạo kiến thức, kỹ năng về quan hệ đối tác cho cán bộ, công chức trong
ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan.
2. Ban Cải cách hiện đại hóa phối hợp và hỗ trợ Trường
Hải quan cập nhật kiến thức, kỹ năng về phát triển quan hệ đối tác phục vụ cho
việc biên soạn tài liệu đào tạo.
3. Các đơn vị chức năng thuộc và trực thuộc Tổng cục
Hải quan phối hợp với Trường Hải quan tổ chức các hoạt động đào tạo cho các bộ,
công chức của đơn vị.
Điều 11. Hợp tác quốc tế phát
triển quan hệ đối tác
1. Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì đàm phán với Hải quan
các nước, các tổ chức quốc tế hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ phát triển quan hệ đối
tác của Ngành.
2. Ban Cải cách hiện đại hóa chủ trì tham mưu đề xuất
các nội dung hợp tác về phát triển quan hệ đối tác với hải quan các nước, các tổ
chức quốc tế.
3. Các đơn vị chức năng thuộc và trực thuộc Tổng cục
Hải quan phối hợp với Ban Cải cách hiện đại hóa, Vụ Hợp tác quốc tế xây dựng nội
dung hợp tác, tham gia đàm phán, chủ trì triển khai các hoạt động hợp tác theo
phân công của Tổng cục Hải quan.
Điều 12. Thông tin, tuyên truyền
về hoạt động đối tác
1. Nguyên tắc thực hiện
- Thông tin nhanh chóng, đầy đủ, chính xác;
- Hướng dẫn, giải đáp kịp thời.
2. Phương thức thực hiện
- Thông tin trên các phương tiện thông tin đại
chúng;
- Thông tin trên trang web hải quan các cấp;
- Thông tin trên các trang điện tử của Phòng thương
mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam
(VBF), các hiệp hội doanh nghiệp;
- Thông tin tại các địa điểm làm thủ tục hải quan;
- Thông tin tại các buổi hội thảo, tập huấn, đối
thoại, tham vấn hải quan - doanh nghiệp.
3. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng
cục Hải quan
3.1. Tại Tổng cục Hải quan
- Ban Cải cách hiện đại hóa chịu trách nhiệm:
+ Xây dựng các nội dung thông tin, tuyên truyền về
hoạt động đối tác Hải quan - Doanh nghiệp.
+ Phối hợp với các đơn vị hữu quan trong và ngoài
ngành tổ chức thông tin, tuyên truyền về hoạt động đối tác Hải quan - Doanh
nghiệp của Ngành.
- Các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Hải quan chịu
trách nhiệm:
+ Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan chịu
trách nhiệm thiết lập chuyên mục Quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp trên Cổng
thông tin điện tử Tổng cục Hải quan, thường xuyên cập nhật thông tin về các hoạt
động phát triển quan hệ đối tác, thông tin về các doanh nghiệp, hiệp hội doanh
nghiệp đối tác, tình trạng xử lý kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, hiệp hội
doanh nghiệp đối tác;
+ Văn Phòng Tổng cục chịu trách nhiệm tổ chức tuyên
truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động phát triển quan hệ
đối tác của ngành;
+ Báo Hải quan chịu trách nhiệm viết bài và đăng tải
thông tin về hoạt động phát triển quan hệ đối tác các cấp;
+ Các Vụ, Cục chức năng thuộc Tổng cục Hải quan chịu
trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động phát triển quan hệ đối tác do đơn vị
chủ trì thực hiện cho Ban Cải cách hiện đại hóa, Cục Công nghệ thông tin và Thống
kê Hải quan, Văn Phòng Tổng cục, Báo Hải quan để thông tin, tuyên truyền đến cộng
đồng doanh nghiệp và các bên liên quan.
3.2. Tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố
Các Cục Hải quan tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm:
- Thông tin, tuyên truyền về hoạt động phát triển
quan hệ đối tác của đơn vị trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội
thảo, hội nghị, đối thoại, tập huấn;
- Xây dựng chuyên mục về quan hệ đối tác và thường
xuyên cập nhật thông tin về hoạt động đối tác trên trang web hải quan của đơn vị.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Khen thưởng và xử lý
vi phạm
1. Căn cứ theo các quy định hiện hành về khen thưởng,
đề xuất của các đơn vị và việc tổng hợp, đánh giá công tác thực hiện phát triển
quan hệ đối tác, Ban Cải cách hiện đại hóa đề nghị các cấp có thẩm quyền khen
thưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hoạt động phát triển
quan hệ đối tác.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm các
quy định tại Quy chế này thì tùy theo mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý theo
quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 14. Kinh phí thực hiện
1. Kinh phí đảm bảo cho công tác phối hợp được thực
hiện theo quy định hiện hành.
2. Việc lập dự toán kinh phí đảm bảo cho công tác
phối hợp thực hiện theo các quy định hiện hành trên nguyên tắc: Đơn vị nào chủ
trì xử lý công việc thì lập dự toán kinh phí phục vụ cho công tác phối hợp.
Điều 15. Trách nhiệm tổ chức
thực hiện
1. Giao Ban Cải cách hiện đại hóa tổ chức hướng dẫn
thực hiện Quy chế này; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Tổng cục Hải quan
tình hình thực hiện.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục
Hải quan có trách nhiệm thi hành, phổ biến Quy chế này tới các bộ phận và cán bộ,
công chức trong đơn vị để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Quy chế;
Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu có phát
sinh vướng mắc, các địa phương, đơn vị phản ánh về Ban Cải cách hiện đại hóa để
hướng dẫn xử lý; tổng hợp báo cáo Tổng cục Hải quan xem xét sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp.
3. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có sự
thay đổi về cơ cấu tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển quan hệ đối tác, Ban Cải
cách hiện đại hóa chịu trách nhiệm nghiên cứu, báo cáo Tổng cục Hải quan xem
xét, sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.