ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1750/QĐ-UBND
|
Sơn La, ngày 26 tháng 6 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CƠ SỞ KINH DOANH VẬT LIỆU
NỔ CÔNG NGHIỆP, KINH DOANH CÓ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, KINH DOANH DỊCH
VỤ NỔ MÌN, KINH DOANH KHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương năm 2015;
Căn cứ Nghị định 39/2009/NĐ-CP
ngày 23/4/2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Nghị định 19/2016/NĐ-CP
ngày 22/3/2016 của Chính phủ về kinh doanh khí;
Căn cứ Nghị định số 96/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số
ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh
tại Tờ trình số 109/TTr-CAT-PC64-PV11 ngày 14 tháng 6 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp
trong công tác quản lý cơ sở kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh có
sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ nổ mìn, kinh doanh khí trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở,
ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thường trực tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- VPUBND tỉnh: LĐVP, Phòng KT, NC;
- Cổng thông tin điện tử; Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, NC, MH (60b).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Cầm Ngọc Minh
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CƠ SỞ KINH DOANH VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP,
KINH DOANH CÓ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, KINH DOANH DỊCH VỤ NỔ MÌN, KINH
DOANH KHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN
LA
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1750/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Sơn La)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy chế này quy định nội dung, hình
thức, biện pháp phối hợp giữa các
cơ quan, đơn vị chức năng và UBND các huyện, thành phố trong quản lý cơ sở kinh
doanh vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp,
kinh doanh dịch vụ nổ mìn, kinh doanh khí trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Cơ quan có chức năng và thẩm quyền
quản lý cơ sở kinh doanh
a) Công an tỉnh: Đầu mối là phòng Cảnh
sát QLHC về TTXH, Công an các huyện, thành phố (tùy theo phân cấp quản lý).
b) Sở Công Thương: Đầu mối là phòng
Quản lý công nghiệp, phòng Quản lý thương mại (tùy theo lĩnh vực quản lý).
c) UBND các huyện, thành phố: Đầu mối
là phòng kinh tế - hạ tầng huyện, thành phố.
2. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt
động kinh doanh hoặc đang trong quá trình làm thủ tục cấp phép hoạt động kinh
doanh vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp,
kinh doanh dịch vụ nổ mìn, kinh doanh khí trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
1. Cơ Sở kinh doanh vật liệu nổ công
nghiệp, kinh doanh có sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ nổ mìn, kinh doanh khí là các doanh
nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh, cơ sở trực thuộc doanh
nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp có thu của các cơ
quan, tổ chức, hộ kinh doanh đang hoạt động kinh doanh các ngành, nghề nêu trên
(sau đây viết gọn là cơ sở kinh doanh).
2. Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là hoạt động sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu,
mua, bán, tái chế, bảo quản, vận chuyển, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp.
3. Kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ
công nghiệp là hoạt động có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thi công công
trình, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí.
4. Kinh doanh dịch vụ nổ mìn là hoạt
động cung ứng dịch vụ có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ thi công công
trình, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân
có nhu cầu hợp pháp.
5. Kinh doanh khí là các hoạt động
kinh doanh khí được quy định tại Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016.
Điều 4. Mục đích,
yêu cầu và nguyên tắc của hoạt động phối hợp
1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công
tác quản lý Nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an
ninh, trật tự; quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh, đảm bảo cơ
sở hoạt động theo quy định của pháp luật.
2. Phát huy vai trò, trách nhiệm, đề
cao sự hợp tác, hỗ trợ trong quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định
của pháp luật về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT và
các văn bản pháp luật khác có liên quan.
3. Tăng cường hoạt động phối hợp giữa
các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong công tác quản lý hoạt động cơ sở kinh
doanh; bảo đảm sự phối hợp liên ngành, không chồng chéo, trùng lặp về nội dung,
không gây khó khăn, phiền hà cho cơ sở kinh doanh.
4. Tích cực, chủ động cải cách hành
chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở kinh doanh hoạt động, hạn chế đến mức
thấp nhất các hành vi tiêu cực, sách nhiễu của cán bộ thực thi nhiệm vụ.
Chương II
NỘI DUNG, HÌNH
THỨC PHỐI HỢP
Điều 5. Phối hợp
trong cấp phép hoạt động ngành, nghề kinh doanh
1. Tăng cường phối hợp triển khai thực
hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cấp phép hoạt động ngành, nghề
kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
2. Đẩy mạnh việc chủ động trao đổi
thông tin giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết thủ tục hành
chính, hạn chế đến mức thấp nhất phiền hà cho tổ chức, cá nhân.
3. Đầu mối tiếp nhận, trao đổi thông
tin, cụ thể:
a) Công an tỉnh: Phòng Cảnh sát QLHC
về TTXH, địa chỉ: Số 53, đường Tô
Hiệu, thành phố Sơn La, địa chỉ thư điện tử phongpc64sonIa@gmail.com, số điện
thoại 069.2680.389.
b) Sở Công Thương:
- Phòng Quản lý công nghiệp, địa chỉ:
Số 56, đường Lò Văn Giá, tổ 3, phường
Chiềng Lề, thành phố Sơn La, địa chỉ thư điện tử
quanlycongnghiep.ctsl@gmail.com, số
điện thoại 0212.3753.071.
- Phòng Quản lý thương mại, địa chỉ: Số 56, đường Lò Văn Giá, tổ 3, phường Chiềng Lề,
thành phố Sơn La, địa chỉ thư điện tử quanlythuongmai.sctsonla@gmail.com, số điện
thoại 0212.3789.099.
c) Cán bộ Công an tỉnh, Sở Công
Thương được điều động tăng cường, biệt phái, bố trí hoạt động tại Trung tâm hành chính công để tiếp nhận, giải quyết thủ
tục hành chính liên quan đến quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về
ANTT.
Điều 6. Phối hợp
trong trao đổi
thông tin, báo cáo đánh giá
1. Định kỳ 06 tháng (ngày 15/5) và 01
năm (ngày 15/11) hoặc đột xuất theo đề nghị của cơ quan phối hợp, Công an tỉnh
và Sở Công Thương thông báo cho nhau qua địa chỉ thư điện tử danh sách cơ sở và
việc phân cấp quản lý theo ngành dọc đối với cơ Sở kinh doanh để tiện cho công
tác phối hợp quản lý.
Trường hợp cần nghiên cứu, thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác quản
lý cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, cơ quan phối hợp trao đổi, cung cấp theo yêu cầu của cơ quan đề nghị.
Nếu từ chối cung cấp thông tin, cơ
quan được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối trong thời
hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
2. Khi thực hiện các báo cáo đánh giá
về tình hình, kết quả quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn
(theo định kỳ hoặc chuyên đề), Công an tỉnh, Sở Công Thương đồng gửi báo cáo
cho nhau để cùng nắm bắt thông tin, phối hợp quản lý.
Điều 7. Phối hợp
trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm
1. Trước khi tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra
chuyên đề tại cơ sở kinh doanh, Công an tỉnh, Sở Công Thương thông báo, thông tin cho nhau (qua email, điện
thoại hoặc bằng văn bản) về nội
dung, thời điểm, cơ sở dự kiến kiểm tra, lực lượng kiểm tra để hai bên thống nhất
thành lập đoàn kiểm tra liên ngành hoặc cử cán bộ tham gia phối hợp, hạn chế việc
tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, gây phiền hà cho cơ sở.
2. Trường hợp phát hiện cơ sở kinh
doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần phải kiểm tra, xử lý ngay hoặc để bảo đảm
bảo mật thông tin theo yêu cầu nghiệp vụ, cơ quan phát hiện có thể tiến hành kiểm
tra, xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật của cơ sở kinh doanh, tuy nhiên kết
thúc kiểm tra cần thông báo cho cơ quan phối hợp về nội dung, kết quả kiểm tra
để phối hợp quản lý.
3. Khi lập hồ sơ, xử lý vi phạm cơ sở
kinh doanh, Công an tỉnh, Sở Công Thương thông báo cho nhau bằng văn bản về
hành vi vi phạm, mức độ, hình thức xử lý đối với cơ sở để tăng cường công tác
quản lý.
Điều 8. Phối hợp
trong công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ
1. Khi tổ chức các lớp tập huấn, bồi
dưỡng nghiệp vụ hoặc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới cho cán bộ
quản lý cơ sở theo chuyên ngành,
Công an tỉnh, Sở Công Thương gửi văn bản đề nghị cơ quan phối hợp cử cán bộ tham gia lớp tập huấn để nắm,
tiếp thu nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ quản lý cơ sở.
2. Khi tổ chức các lớp tập huấn cho
chủ cơ sở, người làm trong cơ sở kinh doanh, Công an tỉnh, Sở Công Thương thông
báo cho cơ quan phối hợp biết; trường hợp trùng lặp về thời gian, đối tượng tập
huấn thì đơn vị chủ trì mời cán bộ đơn vị phối hợp tham gia giảng dạy lớp tập
huấn, hạn chế tổ chức nhiều đợt tập
huấn gây khó khăn cho cơ sở.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Quán triệt
và phổ biến quy chế
1. Lãnh đạo Công an tỉnh và lãnh đạo
Sở Công Thương, các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh, Sở Công Thương có trách nhiệm
quán triệt, phổ biến nội dung Quy chế đến từng cán bộ, chiến sỹ, công chức,
viên chức, nhân viên trong cơ quan, đơn vị nắm vững và tổ chức thực hiện tốt nội dung Quy chế này.
2. UBND các huyện, thành phố có trách
nhiệm phổ biến, quán triệt, nội
dung Quy chế đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý biết,
thực hiện.
Điều 10. Phân
công chủ trì
Giao Công an tỉnh chủ trì, theo dõi,
kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quy chế này. Định kỳ 06 tháng (ngày 20/5),
01 năm (ngày 20/11) tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng giải quyết
các kiến nghị và báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 11. Chế độ
thông tin báo cáo
Các cơ quan tham gia Quy chế, chỉ đạo
các đơn vị trực thuộc, các đơn vị cấp huyện, thành phố thuộc ngành định kỳ 06
tháng (ngày 15/5), 01 năm (ngày 15/11) tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện
báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh).
Điều 12. Khen thưởng, kỷ luật
1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích
trong việc tổ chức thực hiện Quy chế này sẽ được khen thưởng theo quy định.
2. Các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy
chế, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Quá trình triển khai, thực hiện Quy
chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo UBND
tỉnh (qua Công an tỉnh) để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.