Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 15/2017/QĐ-UBND hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hồ Chí Minh

Số hiệu: 15/2017/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Thành Phong
Ngày ban hành: 16/03/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2017/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 03 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Căn cứ Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;

Căn cứ Thông tư số 01/2016/TT-NHNN ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn chính sách cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Căn cứ Thông tư số 21/2016/TT-BTC ngày 05 tháng 02 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về kê khai thuế giá trị gia tăng và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 201 5 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 788/TTr-SCT ngày 24 tháng 01 năm 2017 đề nghị ban hành Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 10240/STP-VB ngày 08 tháng 12 năm 2016 và Công văn số 275/STP-VB ngày 10 tháng 01 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 3 năm 2017.

Điều 3. Quyết định này bãi bỏ Khoản 2 Điều 3, Khoản 3 Điều 6 và Điều 13 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ đầu tư các dự án liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- UBMTTQ VN TP và các đoàn thể;
- Văn phòng Thành ủy;
- VP Đoàn Đại biểu QH TP;
- VP HĐND. TP;
- UBND các quận - huyện;
- TT Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP;
- Các báo, đài TW và TP;
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng CV, KT (5b);
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT, (KT-VT) XP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Phong

 

QUY ĐỊNH

VỀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố )

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ bao gồm: trình tự, thủ tục đăng ký tham gia; đơn vị làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương hỗ trợ lãi suất cho các dự án tham gia; chức năng và nhiệm vụ của các Sở, ban, ngành và đơn vị liên quan trong công tác phối hợp xem xét, theo dõi tình hình thực hiện, tình hình giải ngân và công tác quyết toán đối với khoản hỗ trợ lãi suất cho các dự án được hỗ trợ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại, sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tạo ra giá trị sản phẩm gia tăng, thúc đẩy phát triển mạnh các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

2. Các dự án đầu tư được hỗ trợ phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành, chủ trương đầu tư và thuộc các lĩnh vực nêu tại Điều 3 của Quy định này; được các tổ chức tín dụng chấp thuận cho vay và chưa triển khai thực hiện đối với các hạng mục (xây lắp và thiết bị) sử dụng vốn vay đăng ký tham gia chương trình.

3. Các dự án khác do Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

1. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể trong nước (100% vốn trong nước) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

2. Các Sở, ban, ngành chuyên môn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức tín dụng cho vay, các tổ chức khác có liên quan đến việc thực hiện Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

3. Các dự án đầu tư đã được hưởng ưu đãi theo các Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố không thuộc đối tượng áp dụng của Quy định này.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ LĨNH VỰC, MỨC LÃI SUẤT, THỜI GIAN VÀ HẠN MỨC VỐN VAY ĐƯỢC NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ HỖ TRỢ

Điều 3. Lĩnh vực hỗ trợ

1. Các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ được hỗ trợ lãi suất theo Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố (theo Phụ lục đính kèm).

2. Trường hợp danh mục lĩnh vực, ngành, sản phẩm cụ thể tại Phụ lục được cấp thẩm quyền điều chỉnh thì thực hiện theo danh mục điều chỉnh.

Điều 4. Mức lãi suất để tính hỗ trợ lãi vay

1. Mức lãi suất hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng (loại trả lãi cuối kỳ) bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) cộng thêm phí quản lý 2%/năm. Lãi suất này do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh thông báo hàng tháng theo quy định.

Phần chênh lệch giữa mức lãi suất cho vay thực tế của các tổ chức tín dụng hoặc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh với mức lãi suất hỗ trợ của ngân sách thành phố do Chủ đầu tư tự cân đối.

2. Đối với dự án vay vốn bằng ngoại tệ, ngân sách hỗ trợ lãi suất tính theo tỷ giá quy đổi do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán.

Điều 5. Thời gian và mức vốn vay được hỗ trợ

1. Thời gian hỗ trợ lãi suất đối với các dự án nêu tại Điều 3 của Quy định này không quá 7 năm, kể từ ngày giải ngân lần đầu; số vốn vay của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất không quá 70% của phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản (tham khảo suất đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành hoặc các cách tính toán tổng mức đầu tư khác theo quy định) và 85% phần vốn công nghệ và thiết bị.

2. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 200 tỷ đồng cho 1 dự án (đối với dự án vay vốn bằng ngoại tệ, mức vốn vay được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng). Đối với các dự án có yêu cầu mức vốn hỗ trợ lãi suất trên 200 tỷ đồng hoặc thời gian hỗ trợ lãi suất trên 7 năm, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.

3. Ngân sách thành phố không thanh toán phần lãi phát sinh do chủ đầu tư không hoàn trả vốn gốc đúng thời hạn quy định.

4. Chủ đầu tư phải hoàn trả vốn gốc theo phân kỳ đã quy định của hợp đồng tín dụng. Ngân sách không thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các dự án vay vốn trả một lần khi đến hạn. Trường hợp các Chủ đầu tư thực hiện cấu trúc lại khoản vay thì các hợp đồng tín dụng ký mới phải có các điều khoản về thời gian ân hạn, trả nợ gốc và mức lãi suất không làm phát sinh tăng vượt mức dự kiến được hỗ trợ của hợp đồng ban đầu và dự án được duyệt. Trường hợp các điều khoản về trả nợ gốc, lãi suất, thời gian ân hạn làm phát sinh tăng số vốn hỗ trợ từ ngân sách so với hợp đồng ban đầu thì ngân sách hỗ trợ theo các điều khoản của hợp đồng ban đầu.

Chương III

TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC THỰC HIỆN

Điều 6. Thẩm quyền giải quyết hồ sơ đăng ký tham gia

1. Ủy ban nhân dân thành phố quyết định việc chấp thuận hoặc không chấp thuận dự án được hỗ trợ theo Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.

2. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ, chủ trì và phối hợp với các Sở, ban, ngành xem xét, tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và trả kết quả giải quyết cho Chủ đầu tư của các dự án.

Điều 7. Trình tự, thủ tục và hồ sơ đăng ký tham gia

1. Chủ đầu tư dự án có nhu cầu hỗ trợ vốn vay lập hồ sơ theo thành phần quy định tại Khoản 2 điều này (gồm: 01 bản chính và 06 bản sao) và gửi đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều 6 Quy định này.

2. Thành phần hồ sơ đăng ký tham gia gồm có:

a) Văn bản đăng ký tham gia (theo Mẫu tại Phụ lục II đính kèm).

b) Hồ sơ Dự án đầu tư đảm bảo một số nội dung chủ yếu gồm:

- Thông tin về Chủ đầu tư của Dự án.

- Địa điểm đầu tư của Dự án.

- Giải trình sự cần thiết phải đầu tư, mục tiêu đầu tư, sự phù hợp về quy hoạch, ý nghĩa của dự án đối với kinh tế - xã hội.

- Nội dung đầu tư bao gồm:

+ Quy mô và các hạng mục đầu tư (nếu có);

+ Giải trình về công nghệ và máy móc, thiết bị dự kiến đầu tư; Danh mục và giá trị các máy móc, thiết bị (nếu có);

- Tổng mức đầu tư của Dự án, bao gồm:

+ Chi phí xây lắp;

+ Chi phí Thiết bị và chuyển giao công nghệ;

+ Chi phí khác;

+ Dự phòng phí;

- Nguồn vốn đầu tư của Dự án, bao gồm:

+ Vốn tự có của Chủ đầu tư;

+ Vốn vay tổ chức tín dụng;

+ Nguồn vốn khác;

- Các Phương án tài chính, khả năng cân đối tài chính để thực hiện Dự án;

- Tiến độ thực hiện dự án;

c) Văn bản chấp thuận cho vay của Tổ chức tín dụng sau khi đã thẩm định tính khả thi của Dự án.

3. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ có trách nhiệm chuyển các thành viên Tổ liên ngành, tổ chức kiểm tra thực trạng địa điểm đầu tư của dự án. Trường hợp dự án đã triển khai, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ phối hợp với Sở chuyên ngành (Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ) có liên quan để đi kiểm tra thực địa. Kết quả kiểm tra thực trạng (hiện trạng mặt bằng, tình hình xây dựng,...) phải được chụp ảnh, lập thành Biên bản làm việc.

4. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương có trách nhiệm làm đơn vị đầu mối chủ trì, triệu tập các thành viên của Tổ liên ngành thuộc các cơ quan chuyên ngành có liên quan tổ chức họp xem xét, đánh giá: sự phù hợp của dự án về quy hoạch ngành; thẩm tra công nghệ đối với dự án; tính khả thi của dự án và ý kiến về phần vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất cho dự án; Chủ đầu tư dự án được mời tham dự cuộc họp này.

Kết quả cuộc họp phải được lập thành Biên bản, thể hiện rõ ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý của các thành viên Tổ liên ngành tham dự cuộc họp; trường hợp dự án chưa đủ điều kiện để xem xét hỗ trợ thì cần nêu cụ thể từng nội dung để Chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh. Ý kiến của thành viên Tổ liên ngành tại cuộc họp là ý kiến chính thức của các cơ quan chuyên ngành cử người tham gia Tổ liên ngành.

5. Căn cứ vào Biên bản cuộc họp của Tổ liên ngành:

a) Đối với các dự án đủ điều kiện được hỗ trợ, trong vòng 03 ngày làm việc sau ngày tổ chức họp đánh giá, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm làm đơn vị đầu mối tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

b) Đối với các dự án chưa đủ điều kiện: Chủ đầu tư phải bổ sung, hoàn chỉnh lại hồ sơ theo yêu cầu và nộp lại cơ quan có thẩm quyền. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoàn chỉnh của Chủ đầu tư dự án, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm làm đơn vị đầu mối tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Thời hạn để Chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu là 30 ngày làm việc kể từ ngày họp xem xét, đánh giá dự án. Quá thời gian trên, nếu Chủ đầu tư dự án chưa nộp lại hồ sơ hoàn chỉnh mà không có lý do chính đáng, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lại hồ sơ cho Chủ đầu tư, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và kết thúc hồ sơ; Chủ đầu tư dự án nếu có nhu cầu đăng ký tham gia thì thực hiện lại hồ sơ theo quy trình.

6. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định do Sở Công Thương trình, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định chấp thuận cho dự án được hỗ trợ lãi vay theo Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ hoặc có văn bản từ chối, đồng thời nêu rõ lý do và gửi kết quả về Sở Công Thương để trả lời cho Chủ đầu tư dự án.

7. Tổng thời gian thực hiện thủ tục đăng ký tham gia chương trình không vượt quá 15 ngày làm việc.

8. Trường hợp dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, nếu Chủ đầu tư có văn bản báo cáo xin kết thúc không tham gia trong thời hạn còn được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất thì Tổ liên ngành xem xét, kiểm tra về tiến độ thực hiện, đánh giá các nội dung chính của dự án, lũy kế số vốn đã được ngân sách hỗ trợ lãi suất, hiệu quả kinh tế xã hội của dự án và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét ngừng hỗ trợ, đưa dự án ra khỏi Chương trình.

Điều 8. Quy định về việc giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất cho các dự án tham gia chương trình

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Chủ đầu tư nộp hồ sơ đề nghị giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất của dự án tại Kho bạc Nhà nước thành phố. Trình tự, thủ tục kiểm soát, cấp bù lãi suất cho các dự án được thực hiện theo quy định của ngành tài chính.

Điều 9. Quy định về công tác quyết toán đối với dự án tham gia Chương trình

Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quyết toán đối với các khoản được ngân sách hỗ trợ sau khi chấm dứt thời gian hỗ trợ lãi suất của dự án và phê duyệt quyết toán tại Sở Tài chính. Trình tự, thủ tục quyết toán được quy định theo quy định của ngành tài chính.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN

Điều 10. Trách nhiệm của Chủ đầu tư dự án

1. Triển khai thực hiện dự án đã được phê duyệt theo đúng các quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; thực hiện đúng các quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo vệ môi trường trong đầu tư và sản xuất; sử dụng vốn vay đúng mục đích theo kế hoạch đầu tư của dự án.

Trong trường hợp đặc biệt cần thay đổi chủ sở hữu dưới mọi hình thức, Chủ đầu tư dự án phải được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận bằng văn bản.

2. Trong vòng 03 tháng kể từ ngày kết thúc thời gian hỗ trợ lãi suất (căn cứ vào hợp đồng tín dụng) Chủ đầu tư có trách nhiệm quyết toán với Sở Tài chính về khoản hỗ trợ lãi suất từ ngân sách. Quá thời hạn nêu trên mà Chủ đầu tư không thực hiện quyết toán đối với các khoản được ngân sách hỗ trợ thì toàn bộ khoản lãi suất đã được hỗ trợ cho dự án sẽ bị thu hồi.

3. Ngay sau thời điểm triển khai dự án đầu tư, Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Hợp đồng tín dụng đã ký (bản sao) cho Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố để theo dõi. Chủ đầu tư đồng ý để tổ chức tín dụng cung cấp hồ sơ liên quan dự án theo yêu cầu của Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

4. Hàng quý, báo cáo về tình hình, tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân và sử đụng vốn vay, đề xuất, kiến nghị gửi Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố trước ngày 28 của tháng đầu tiên của quý; đồng thời, gửi bản đối chiếu công nợ hàng năm giữa Chủ đầu tư với Tổ chức tín dụng hoặc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh kể từ thời điểm bắt đầu vay đến khi thanh lý hợp đồng cho Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố. Thời hạn gửi bản đối chiếu chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.

Trường hợp Chủ đầu tư không thực hiện đúng trách nhiệm báo cáo thì Kho bạc Nhà nước được tạm dừng giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất cho dự án.

5. Khi dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt hỗ trợ, trong quá trình triển khai thực hiện nếu Chủ đầu tư thu xếp được nguồn vốn để tất toán các khoản nợ vay của Tổ chức tín dụng trước thời hạn được ngân sách hỗ trợ lãi suất thì Chủ đầu tư phải có văn bản báo cáo rõ về các nội dung chính của dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương và tình hình triển khai thực hiện, lũy kế số vốn đã được ngân sách hỗ trợ lãi suất, hiệu quả kinh tế xã hội của dự án để Tổ liên ngành xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận đưa dự án ra khỏi Chương trình.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Công Thương

1. Chỉ đạo Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ tiếp nhận, tham mưu giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ của dự án đăng ký tham gia Chương trình. Thẩm định sự phù hợp về địa điểm đầu tư, quy hoạch ngành và các yêu cầu khác của dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

2. Cung cấp danh mục các dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tham gia chương trình; định kỳ hàng quý tổng hợp nhu cầu vốn cần cấp bù lãi vay từ Ngân sách của các dự án được duyệt, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kế hoạch vốn hỗ trợ lãi suất, phân khai chi tiết chỉ tiêu kế hoạch cấp bù lãi suất cho các dự án được duyệt.

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố, các Sở - ngành liên quan và các tổ chức tín dụng định kỳ kiểm tra việc thực hiện dự án và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm các quy định liên quan.

4. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng quý, hàng năm.

Điều 12. Trách nhiệm của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức tín dụng

1. Thẩm định hiệu quả và tính khả thi của dự án, xác nhận khoản vay đã giải ngân.

2. Thực hiện việc kiểm soát và chịu trách nhiệm về giá trị, khối lượng xây lắp, thiết bị, công nghệ được giải ngân theo dự án và theo quy định hiện hành.

3. Hàng tháng phát hành phiếu tính lãi, bảng kê chi phí phát sinh đối với các khoản vay để thực hiện các hạng mục của dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt hỗ trợ lãi suất.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước thành phố tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kế hoạch vốn hỗ trợ lãi suất hàng năm đối với các dự án được phê duyệt.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư phân khai chỉ tiêu kế hoạch cấp bù lãi vay cho các dự án và gửi nội dung phân khai chi tiết về Sở Công Thương để thông tin đến các doanh nghiệp.

3. Phối hợp kiểm tra việc thực hiện dự án của các Chủ đầu tư trước khi dự án được bố trí kế hoạch vốn hỗ trợ lãi suất.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Phối hợp Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét phần vốn được ngân sách hỗ trợ lãi suất của các dự án được phê duyệt để thống nhất trước khi Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt.

2. Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước thành phố, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức tín dụng cho vay vốn kiểm tra việc thực hiện dự án của các chủ đầu tư.

3. Phối hợp Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về chế độ báo cáo của các chủ đầu tư.

4. Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện quyết toán đối với các khoản được ngân sách hỗ trợ sau khi chấm dứt thời gian hỗ trợ lãi suất của dự án và phê duyệt quyết toán.

Điều 15. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước thành phố

1. Căn cứ Quyết định phân khai chi tiết chỉ tiêu kế hoạch cấp bù lãi suất cho từng dự án của Sở Kế hoạch và Đầu tư và hồ sơ đề nghị cấp bù lãi suất cho dự án của Chủ đầu tư, Kho bạc Nhà nước thành phố kiểm soát, cấp bù lãi suất cho các dự án.

2. Định kỳ hàng quý gửi Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính báo cáo tình hình thanh toán vốn ngân sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án.

3. Phối hợp Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức tín dụng cho vay vốn kiểm tra việc thực hiện dự án của các chủ đầu tư; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

4. Hướng dẫn chủ đầu tư dự án về trình tự, thủ tục kiểm soát, cấp bù lãi suất cho các dự án.

5. Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện quyết toán đối với các khoản được ngân sách hỗ trợ khi chấm dứt thời gian hỗ trợ lãi suất của dự án.

Điều 16. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh

1. Xem xét tính khả thi, chứng thư chấp thuận cho vay của các tổ chức tín dụng đối với dự án, thống nhất với Tổ liên ngành trước khi trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt dự án tham gia chương trình.

2. Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước thành phố, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức tín dụng cho vay vốn kiểm tra việc thực hiện dự án của các chủ đầu tư.

3. Hàng quý gửi thông báo cho Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước thành phố về mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng (loại trả lãi cuối kỳ) bình quân của bốn ngân hàng thương mại được liệt kê tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này.

Điều 17. Trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan đối với các dự án

1. Xem xét tính phù hợp của dự án về quy hoạch địa điểm, quy hoạch phát triển ngành; tính khả thi của Dự án, sự phù hợp về công nghệ - thiết bị của dự án.

2. Phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra tình hình thực hiện của các dự án nhằm đảm bảo các dự án triển khai các nội dung đúng theo cam kết ban đầu, đồng thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai của các doanh nghiệp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết kịp thời.

3. Cử cán bộ tham gia Tổ liên ngành để tham gia các cuộc họp xem xét, đánh giá hồ sơ đăng ký, đồng thời kiểm tra tình hình thực hiện của các dự án theo đề nghị của Sở Công Thương.

Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện đối với các dự án liên quan

Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương theo dõi quá trình thực hiện dự án và đề xuất xử phạt, chế tài theo quy định nếu chủ đầu tư các dự án vi phạm Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.

Điều 19. Xử lý vi phạm

1. Trường hợp quá 06 tháng (đối với các dự án chỉ đầu tư thiết bị) và quá 12 tháng (đối với các dự án bao gồm cả xây lắp) kể từ ngày Quyết định phê duyệt danh mục dự án của Ủy ban nhân dân thành phố có hiệu lực thi hành mà Chủ đầu tư chưa triển khai dự án đầu tư bằng vốn vay tổ chức tín dụng theo cam kết (hoặc không chứng minh được đã triển khai dự án bằng các nguồn vốn khác), Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố đưa dự án ra khỏi chương trình.

Trường hợp chưa ký hợp đồng vay vốn hoặc chưa triển khai dự án mà có lý do khách quan, chính đáng, Chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo kịp thời để Sở Công Thương, Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước thành phố tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

2. Trường hợp Chủ đầu tư sử dụng phần vốn vay được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất không đúng với các nội dung đầu tư đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt thì phải hoàn trả ngân sách thành phố phần kinh phí đã được hỗ trợ tính đến thời điểm vi phạm và lãi suất phạt trên tổng số tiền đã nhận hỗ trợ từ Ngân sách (lãi suất áp dụng để tính là lãi suất của Ngân hàng cho vay tại thời điểm nhận hỗ trợ lần cuối cùng). Chủ đầu tư không được hỗ trợ theo Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của thành phố trong vòng 3 năm kể từ ngày có vi phạm.

Trường hợp quá 01 năm kể từ khi được yêu cầu hoàn trả phần kinh phí và nộp lãi suất phạt nhưng Chủ đầu tư vẫn không thực hiện, giao Sở Tài chính phối hợp với các ngành chức năng xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện có liên quan và Chủ đầu tư các dự án được hỗ trợ lãi suất theo Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ, các đơn vị báo cáo, đề xuất, gửi về Sở Công Thương để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

3. Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm theo dõi việc chấp hành quy định này; tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện./.

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP, CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ ĐƯỢC HỖ TRỢ LÃI SUẤT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I. Những dự án đầu tư được ngân sách của thành phố hỗ trợ 100% lãi suất:

- Các dự án đầu tư sản xuất các loại máy móc, thiết bị mới hoặc ứng dụng công nghệ mới được tự động hóa, điều khiển theo các chương trình máy tính.

- Dự án đầu tư trang thiết bị sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Các dự án đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm, chi tiết linh kiện như:

NHÓM NGÀNH

SẢN PHẨM

Ngành cơ khí

1. Các loại máy công - nông - lâm - ngư nghiệp:

- Máy công cụ phục vụ ngành cơ khí chế tạo như: máy cắt, máy mài, máy khoan, máy dập, máy ép, máy cán, máy hàn.

- Máy móc phục vụ sản xuất các ngành dược phẩm, chế biến tinh lương thực, thực phẩm, máy móc phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp như: máy dược phẩm, máy sản xuất sữa, máy đóng gói bao bì; máy phục vụ sản xuất công nghiệp; máy canh tác; máy thu hoạch; máy bảo quản; máy chế biến sản phẩm; dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm tự động.

2. Thiết bị ly tâm tách khuẩn; thiết bị vô trùng và tiệt trùng; thiết bị diệt khuẩn UV (tia cực tím); thiết bị trao đổi ion; thiết bị lọc than hoạt tính; thiết bị lọc thẩm thấu ngược.

3. Các máy chiết rót, máy đóng gói, máy dán nắp và máy ghép mí lon theo công nghệ tự động; dây chuyền băng tải tự động.

4. Máy dệt, máy may, máy thêu công nghiệp; máy làm khuy, máy đóng nút ứng dụng công nghệ tự động.

5. Thiết bị đóng ngắt điện; dây cáp điện 15 kV trở lên; thiết bị đấu nối, thiết bị tiết kiệm năng lượng; máy phát điện; máy biến thế; thiết bị điện; thiết bị phân phối điện; thiết bị nhiệt, lạnh sử dụng trong công nghiệp chế biến; hệ thống điều khiển tự động.

6. Linh kiện ô tô:

- Khung xe.

- Ghế xe, kính xe các loại.

- Hệ thống làm mát: Bộ tản nhiệt, két nước, quạt gió, van bằng nhiệt, bơm nước.

- Hệ thống cung cấp nhiên liệu: Thùng nhiên liệu, bộ lọc nhiên liệu, bộ lọc không khí, ống dẫn bơm nhiên liệu, bộ chế hòa khí, hệ thống phun nhiên liệu.

- Khung - thân vỏ - cửa xe: Các chi tiết dạng tấm đột dập, sắt xi, thùng xe tải, bậc lên xuống, cụm cửa xe.

- Hệ thống treo: Nhíp, lò xo đàn hồi, bộ giảm chấn.

7. Linh kiện, phụ tùng bằng kim loại phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp.

8. Linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất các thiết bị điện.

9. Khuôn mẫu.

10. Dụng cụ - dao cắt kỹ thuật.

11. Phụ tùng, chi tiết máy.

12. Bơm tăng áp, hệ thống phun nhiên liệu; bộ lọc nhiên liệu.

13. Phôi hợp kim, Thép chế tạo.

14. Linh kiện và phụ tùng máy động lực, đóng tàu.

15. Dụng cụ đo lường, kiểm tra.

16. Hệ thống xử lý bề mặt các chi tiết bằng kim loại hoặc nhựa.

17. Sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ lắp ráp hoàn chỉnh thiết bị ngành in.

Ngành hóa chất nhựa, cao su

1. Các sản phẩm nhựa, cao su kỹ thuật phục vụ ngành giao thông, cấp thoát nước, chống ngập của thành phố.

2. Băng tải, dây curoa, ống cao su kỹ thuật, ron, phốt cao su, sản xuất cao su nhân tạo.

3. Bao bì nhựa kỹ thuật, bao bì đa lớp, bao bì phức hợp, bao bì thân thiện môi trường, in phức hợp, in kỹ thuật số, in trên các chất liệu phục vụ sản xuất công nghiệp.

4. Lốp ô tô; lốp xe máy xuất khẩu; săm lốp kỹ thuật sử dụng cho máy công nghiệp, máy nông nghiệp; vật liệu giảm chấn bằng cao su.

5. Linh kiện, phụ tùng bằng nhựa kỹ thuật, cao su kỹ thuật phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp.

7. Các bộ truyền động chính xấc, các chi tiết có độ bền và tuổi thọ cao, chịu nhiệt và chịu mài mòn bằng nhựa.

8. Dự án đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ cho các ngành sản xuất vật liệu composit, vật liệu mới có chất lượng cao.

9. Sản xuất các loại hóa dược, thuốc chữa bệnh.

10. Sản xuất hóa chất, phụ gia, mực in các loại phục vụ ngành công nghiệp in.

Ngành chế biến lương thực - thực phẩm

1. Sản xuất các sản phẩm được chế biến từ các nguyên liệu như: gia súc, gia cầm, thủy - hải sản và nông sản được sản xuất công nghiệp trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Các sản phẩm phụ gia thực phẩm (phụ gia ổn định màu, phụ gia tạo cấu trúc, phụ gia bảo quản); các sản phẩm trích ly, chiết suất ra các hương liệu, thực phẩm chức năng.

Ngành Điện tử - Công nghệ thông tin

1. Máy tính (máy tính cá nhân để bàn (desktop), máy chủ (server); máy tính xách tay (laptop), máy tính bảng (tablet),...).

2. Máy móc, thiết bị thông tin và truyền thông (thiết bị phát thanh vô tuyến, truyền hình, viễn thông, điện thoại di động;...) thế hệ mới.

3. Hệ thống thông tin giám sát, điều khiển phục vụ các chương trình đột phá của thành phố.

4. Linh kiện điện tử - quang điện tử cơ bản: Transistor, mạch tích hợp, cảm biến, điện trở, tụ, điôt, ăngten, thyristor, đầu nối, cầu chì, thiết bị tự động điều khiển, bộ xử lý.

5. Linh kiện thạch anh.

6. Vi mạch điện tử.

7. Linh kiện phục vụ công nghiệp lắp ráp sản phẩm điện tử: linh kiện nhựa, linh kiện cao su, chi tiết cơ - điện tử, linh kiện kính.

8. Pin sản xuất theo công nghệ mới dùng cho ngành thông tin, tin học, dân dụng thay thế pin - ắc quy chì truyền thống, Pin mặt trời.

9. Sản xuất dây điện từ các loại; tai nghe, loa, thiết bị thông minh.

10. Các sản phẩm đầu cuối sử dụng công nghệ vi cơ điện tử (MEMF), nano cơ điện tử (NEMS) và các thiết bị ứng dụng.

11. Màn hình các loại.

12. Các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị: Thiết bị ngoại vi, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn; các loại chíp vi xử lý.

13. Cảm biến các loại: Cảm biến khí, cảm biến gia tốc, cảm biến từ trường; cảm biến sinh học, cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm, cảm biến ánh sáng, cảm biến áp suất...

14. Các loại động cơ thế hệ mới: Động cơ điện, động cơ ổ từ, động cơ servo (động cơ bước), động cơ từ kháng, động cơ tuyến tính.

Ngành Dệt - May

1. Xơ tổng hợp.

2. Sợi.

3. Vải kỹ thuật, vải các loại.

4. Hóa chất, chất trợ, chất tạo màu sử dụng trong hoàn tất vải.

5. Phụ liệu may phục vụ xuất khẩu hoặc thay thế hàng nhập khẩu: cúc, mex (keo định hình), khóa kéo, băng thun, nhãn mác, chỉ may, chỉ sợi kỹ thuật, kim.

Ngành Da - Giày

1. Đế giày, mũ giày, chỉ may giày, tấm lót trong, khoen, khóa, móc, phom làm giày, keo dán giày.

2. Vải giả da, Simili.

II. Những dự án được ngân sách của thành phố hỗ trợ 50% lãi suất:

1. Dự án đầu tư xây dựng trung tâm: triển lãm, giao dịch các sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

2. Dự án đầu tư xây dựng trung tâm: thiết kế; nghiên cứu; ứng dụng; phát triển sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

3. Các dự án cung cấp khí (LNG, CNG, LPG), hóa chất cho các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ, công nghiệp hỗ trợ, phòng nghiên cứu - thí nghiệm.

 

PHỤ LỤC 2

MẪU KHAI ĐĂNG KÝ THAM GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố)

CÔNG TY .....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …....../............
V/v đề nghị hỗ trợ lãi suất theo Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày... tháng... năm 20...

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân thành phố;
- Sở Công Thương.

 

I. Thông tin về Chủ đầu tư:

- Tên doanh nghiệp (đơn vị): …..........................................................................................

- Cơ quan chủ quản cấp trên của chủ đầu tư (nếu có) …...................................................

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số …....... ngày............... do …..................... cấp.

- Địa chỉ: …..........................................................................................................................

- Điện thoại: …......................................................Fax: …...................................................

- Ngành nghề hiện đang sản xuất kinh doanh, hoạt động: ….............................................

….........................................................................................................................................

- Tình hình tài chính trong 3 năm liền (đối với các đơn vị SX-KD):

Chỉ tiêu

Năm...

Năm...

Ước năm...

I. Kết quả kinh doanh

 

 

 

1. Doanh thu

 

 

 

2. Doanh thu xuất khẩu

 

 

 

3. Tổng lợi nhuận ròng (sau thuế)

 

 

 

4. Nộp ngân sách

 

 

 

II. Bảng cân đối kế toán

 

 

 

1. Tài sản lưu động

 

 

 

2. Tài sản cố định

 

 

 

3. Nợ ngắn hạn

 

 

 

4. Nợ dài hạn

 

 

 

5. Vốn chủ sở hữu

 

 

 

II. Dự án đầu tư:

1. Tên dự án:

2. Sự cần thiết phải đầu tư:

- Mục tiêu đầu tư (lĩnh vực đầu tư, ngành nghề, sản phẩm...): ….......................................

- Công suất thiết kế hoặc quy mô đầu tư: ….......................................................................

- Thị trường tiêu thụ (đối với dự án SXKD)

+ Thị trường xuất khẩu (cụ thể quốc gia): …...................................................................%

+ Thị trường nội địa: …....................................................................................................%

3. Hình thức đầu tư:

+ Đầu tư xây dựng mới:                                                □

+ Đầu tư chiều sâu (đổi mới công nghệ-thiết bị):                         □

+ Nâng cấp, mở rộng cơ sở đã có:                                □

4. Địa điểm đầu tư:.............................................................................................................

5. Diện tích khu đất (m2): …........................................

6. Diện tích sàn xây dựng (m2): …..................................

7. Các hạng mục công trình xây dựng chủ yếu:

+ Nhà xưởng sản xuất: …............................m2.

+ Kho chứa hàng: …..................................m2.

8. Công nghệ - thiết bị:

8.1. Công nghệ:

+ Mô tả phương án công nghệ, quy trình sản xuất được lựa chọn.

+ Phân tích, đánh giá mức độ hiện đại, tính thích hợp kinh tế, các ưu việt và hạn chế của công nghệ được lựa chọn.

8.2. Thiết bị: danh mục máy móc, thiết bị sản xuất chính và tính năng, thông số kỹ thuật chủ yếu.

9. Tổng vốn đầu tư: …...........................................................................................................

- Vốn cố định: + Xây lắp: …...................................................................................................

+ Thiết bị: …..........................................................................................................................

+ Chi phí khác: …..................................................................................................................

- Vốn lưu động ban đầu cho sản xuất (nếu có): …................................................................

10. Nguồn vốn đầu tư:

10.1. Vốn cố định: …..........................................................................................................

+ Tự có của chủ đầu tư: ….................................................................................................

+ Vay tín dụng: …................................................................................................................

+ Khác (nếu có): ….............................................................................................................

10.2. Vốn lưu động: ............................................................................................................

+ Tự có của chủ đầu tư: ….................................................................................................

+ Vay tín dụng: …................................................................................................................

+ Khác (nếu có): …..............................................................................................................

11. Thời gian vay vốn để đầu tư: ........................................................................................

12. Kết luận về tính khả thi của dự án: ...............................................................................

13. Đề nghị của Chủ đầu tư;

- Số vốn vay được Ngân sách hỗ trợ lãi suất: ....................................................................

- Mức lãi suất đề nghị hỗ trợ: ..............................................................................................

- Thời gian hỗ trợ: ….................năm, bắt đầu từ năm: …....................................................

Doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của Quyết định số …../QĐ-UBND và cam đoan các nội dung khai nêu trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về các nội dung khai nêu trên.

 

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày... tháng... năm 20...
Đại diện chủ đầu tư
(Ghi rõ họ tên và chức vụ, đóng dấu)

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 15/2017/QĐ-UBND ngày 16/03/2017 Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.656

DMCA.com Protection Status
IP: 3.148.106.49
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!