CHƯƠNG TRÌNH
HỖ TRỢ
PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2010 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1152 /QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2010 của
Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
I. Mục tiêu, ý nghĩa và nguyên tắc hỗ trợ
pháp lý doanh nghiệp
1. Mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình
Chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Quảng Ninh giai đoạn 2010 – 2020 có mục tiêu là cung cấp thông tin pháp lý cho
doanh nghiệp; bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh cho người quản
lý doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, thực thi pháp luật
phục vụ kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực
cạnh tranh của doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý
nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
Thông qua việc xây dựng và triển khai các hoạt động thông
tin pháp lý cho doanh nghiệp sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn
trong việc tiếp cận thông tin pháp luật; góp phần tăng cường sự phối hợp giữa
các cơ quan quản lý về thực thi pháp luật với các tổ chức đại diện cho doanh
nghiệp và người quản lý doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi thực
hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế đất nước, qua đó
phát huy trách nhiệm và ý thức của doanh nghiệp trong việc kiến nghị về hoàn
thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập
kinh tế quốc tế trong thời gian tới.
2. Nguyên tắc hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp
Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp được thực hiện đối với mọi doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức
tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động.
Hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp được thực hiện thông
qua kế hoạch hàng năm về triển khai thực hiện Chương trình, do Sở Tư pháp xây dựng
trên cơ sở căn cứ vào điều kiện thực tế về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh
và nhu cầu của từng đối tượng hỗ trợ.
Hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp được thực hiện trên
nguyên tác có sự phối hợp giữa Sở Tư pháp và cơ quan nhà nước với các tổ chức đại
diện của doanh nghiệp.
II. Nội dung và hình thức hỗ trợ pháp lý
doanh nghiệp
Chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Quảng Ninh giai đoạn 2010 – 2020 được triển khai thực hiện theo các nội dung và
hình thức hỗ trợ chủ yếu như sau:
1. Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục
vụ hoạt động của doanh nghiệp
Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức xây dựng,
duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân
tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp,
đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Uỷ ban nhân dân tỉnh, trừ
văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; Uỷ ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc thuộc tỉnh có trách nhiệm cập
nhật, đăng tải văn bản (văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh ban hành; văn bản hướng dẫn
của ngành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp) trên Cổng thông tin điện tử
thành phần của Uỷ ban nhân dân tỉnh; phối hợp Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh
trong việc cập nhật, đăng tải văn bản trên trang thông tin điện tử chính thức của
Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin đăng
tải trên trang thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Trong trường hợp văn
bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh ban
hành đã có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải, thì doanh nghiệp có quyền
đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh cập nhật, đăng tải văn bản đó trên trang thông tin
điện tử chính thức của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Giải đáp pháp luật cho
doanh nghiệp
Doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh giải đáp pháp luật theo phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý có
liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (không áp dụng đối với các yêu cầu giải
đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động
sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp).
Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có
trách nhiệm trả lời yêu cầu giải đáp pháp luật trong thời hạn 15 ngày làm việc,
kể từ ngày doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp
pháp luật; đối với các trường hợp có nội dung phức tạp hoặc liên quan đến phạm
vi quản lý nhà nước trong nhiều ngành, lĩnh vực thì thời hạn trả lời là 30 ngày
làm việc; trong trường hợp không giải đáp pháp luật thì cơ quan được yêu cầu giải
đáp phải nêu rõ lý do.
Hoạt động giải đáp pháp luật được tiến hành thông qua việc
tiếp nhận kiến nghị trực tiếp từ các doanh nghiệp hoặc tổng hợp tiếp nhận kiến
nghị từ các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã trên địa bàn
tỉnh. Việc giải đáp pháp luật được thực hiện thông qua các hình thức sau đây: giải
đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp hoặc
thông qua điện thoại; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
3. Thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh
nghiệp và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp
Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn, toạ đàm về
các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo doanh
nghiệp trong việc thực thi pháp luật; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật
kinh doanh cho doanh nghiệp và các kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh
nghiệp.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức xây dựng mạng lưới tư vấn
pháp luật tại địa phương; hỗ trợ nguồn lực tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật
cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương thông qua mạng lưới tư vấn pháp
luật.
4. Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện
pháp luật
Doanh nghiệp có quyền kiến nghị với Hội đồng nhân dân tỉnh
và Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến
hoạt động của doanh nghiệp.
Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức
tiếp nhận, tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp về sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng
mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương, hoặc
kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên xem xét, quyết định việc sửa
đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.
Sở Tư pháp có trách nhiệm lập danh mục
văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh cần sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc
ban hành mới (theo kết quả tập hợp kiến nghị doanh nghiệp do các cơ quan chuyên
môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh gửi đến) để tổng hợp chung vào chương trình xây
dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của tỉnh
III. Bảo đảm kinh phí và tổ chức thực hiện
Chương trình
1. Kinh phí ngân sách thực
hiện Chương trình
Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh
nghiệp được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách tỉnh.
Khi lập dự toán ngân sách hàng năm bảo đảm hoạt động thường
xuyên của cơ quan, căn cứ vào chương trình hỗ trợ pháp lý cụ thể cho doanh nghiệp
được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Sở Tư pháp xây dựng dự toán ngân sách phục
vụ công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách
của cơ quan, gửi Sở Tài chính thẩm định trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Tổ chức thực hiện Chương trình
2.1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh về
công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và làm đầu mối phối hợp
với các cơ quan chuyên môn khác thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện các hoạt động
hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo nội dung tại các mục 2, 3 và 4 phần II của
Chương trình này; hàng năm, xây dựng kế hoạch hỗ trợ pháp
lý doanh nghiệp và kết hợp đồng thời công tác theo dõi thi hành pháp luật, đảm
bảo phù hợp với điều kiện thực tế về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu
cầu của từng đối tượng được hỗ trợ, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; cuối
năm, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2.2. Trách nhiệm của các ngành và địa phương
- Xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của
doanh nghiệp: các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; Uỷ ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc thuộc tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu
pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp theo nội
dung tại mục 1 phần II của Chương trình này.
- Thực hiện kế hoạch hàng năm của Uỷ
ban nhân dân tỉnh: các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh phối hợp Sở Tư pháp thực hiện kế hoạch hàng
năm về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, tiến hành các hoạt
động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của
ngành; xây dựng và bố trí cán bộ pháp chế để thực hiện hiệu quả hoạt động hỗ trợ
pháp lý doanh nghiệp; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân
dân tỉnh thông qua Sở Tư pháp.
2.3. Trách nhiệm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm chủ động
tìm hiểu pháp luật, bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế doanh nghiệp hoặc
thuê luật sư tư vấn để giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật; phối hợp với các
cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong việc thực
hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp.
2.4. Huy động các tổ chức, cá nhân tham gia, hỗ trợ
Chương trình
Uỷ ban nhân dân tỉnh khuyến khích các các luật sư, luật gia,
tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia hoạt động hỗ
trợ pháp lý cho doanh nghiệp; các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền
pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; khuyến khích sự đóng góp của các tổ chức,
cá nhân tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp./.