BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC
THUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1125/QĐ-TCT
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 10 năm 2005
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH XỬ LÝ KÊ KHAI, NỘP THUẾ, KẾ TOÁN THEO DÕI THU NỘP TIỀN
THUẾ ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH THỰC HIỆN CƠ CHẾ TỰ KÊ KHAI, TỰ NỘP
THUẾ
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG
CỤC THUẾ
- Căn cứ các Luật thuế,
Pháp lệnh thuế hiện hành;
- Căn cứ Quyết định
số 218/2003/QĐ-TTg ngày 28/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc
Bộ Tài chính;
- Căn cứ Quyết định
số 189/2003/QĐ-BTC ngày 14/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế trực thuộc Tổng cục Thuế;
- Căn cứ Quyết định
số 3484/QĐ-BTC ngày 07/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc điều chỉnh cơ
cấu tổ chức của 05 Cục thuế tỉnh để mở rộng áp dụng thí điểm cơ chế tự khai, tự nộp thuế;
- Theo đề nghị của
Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Thuế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy trình Xử lý kê khai, nộp thuế, kế toán theo
dõi thu nộp tiền thuế đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện cơ chế tự
kê khai, tự nộp thuế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006 và
thay thế Quy trình xử lý tờ khai và kế toán thuế; Quy trình đôn đốc kê khai và
xử phạt vi phạm về kê khai thuế được ban hành tại Quyết định 1800/TCT/QĐ-HTQT
ngày 03/12/2004 của Tổng cục trưởng Tổng cục thuế về việc sửa đổi, bổ sung Quy
trình quản lý thuế đối với doanh nghiệp thực hiện cơ chế tự kê khai, tự nộp
thuế; thay thế quy định tại Mục II - Phần hai – Quy trình quản lý thuế đối với
doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 1209/TCT/QĐ/TCCB ngày 29/7/2004
của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Điều 3. Cục
trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện cơ chế tự
kê khai, tự nộp thuế, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế và các Ban và đơn vị tương
đương thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm thi hành quyết định
này./.
Nơi nhận:
-
Cục Thuế các tỉnh, thành phố: Hà Nội,
Tp.HCM, Quảng Ninh, Thừa Thiên- Huế,
Khánh Hoà, Bình thuận, Đồng Nai,
Vũng Tàu, An Giang (để thực hiện).
- Cục thuế các tỉnh, thành phố (để biết)
- Các Ban và tương đương
thuộc và trực thuộc TCT
- Lưu: VT, HTQT (2b)
|
KT/TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Phạm Duy
Khương
|
XỬ
LÝ KÊ KHAI THUẾ; NỘP THUẾ VÀ KẾ TOÁN THEO DÕI THU NỘP THUẾ ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ
SẢN XUẤT KINH DOANH THỰC HIỆN CƠ CHẾ TỰ KÊ KHAI, TỰ NỘP THUẾ
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 1125 /QĐ-TCT ngày 26 tháng 10 năm 2005 của Tổng cục
trưởng Tổng cục Thuế)
PHẦN MỘT
QUY
ĐỊNH CHUNG
I/ MỤC ĐÍCH
CỦA QUY TRÌNH.
- Đảm bảo thi
hành đúng pháp luật thuế;
- Đảm bảo
tính tuân thủ pháp luật về thuế của tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh;
- Quy định hợp lý trình tự các bước xử
lý công việc của cơ quan thuế, đảm bảo hạch toán số thuế phải thu, số thuế đã
thu chính xác, kịp thời vào ngân sách nhà nước nhằm thực hiện cải cách hành
chính thuế và nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Thuế theo pháp luật.
II/ PHẠM VI
ÁP DỤNG CỦA QUY TRÌNH.
Quy trình này áp dụng cho các Cục thuế
thực hiện cơ chế quản lý thuế tự kê khai, tự nộp thuế.
III. GIẢI
THÍCH TỪ NGỮ.
1. “Thuế” quy định trong quy
trình: Là khoản thu theo quy định của pháp luật, bao gồm các loại thuế, phí, lệ
phí, tiền phạt và các khoản thu khác của Ngân sách Nhà nước thuộc phạm vi cơ
quan thuế quản lý.
2. “Kỳ tính thuế”: Là khoảng
thời gian (tháng, quý, năm) theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế mà
trong khoảng thời gian đó đối tượng nộp thuế phải xác định nghĩa vụ nộp Ngân
sách Nhà nước.
3. “Kỳ kê khai thuế”: Là thời
gian được tính là tháng mà đối tượng nộp thuế phải thực hiện kê khai số thuế phải nộp theo kỳ tính thuế và phải nộp tờ khai cho cơ quan thuế theo quy định của
pháp luật về thuế.
4. “Tờ khai thuế”: Là các tờ khai thuế do đối tượng nộp thuế thực hiện tính thuế và kê khai cho từng kỳ tính thuế tương ứng
với các loại thuế theo quy định của pháp luật thuế bao gồm: tờ khai thuế tháng, quý, năm; tờ khai tự quyết toán thuế; báo cáo quyết toán thuế; bản xác định số
tiền thuế tạm nộp (Bản xác định thuế Thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý); các
tài liệu đính kèm giải trình cho việc kê khai thuế và các văn bản điều chỉnh kê
khai thuế của tất cả các loại thuế do đối tượng nộp thuế lập và gửi đến cơ quan
thuế theo quy định.
5. “Báo cáo thuế”: Là các báo
cáo, văn bản của đối tượng nộp thuế lập và gửi đến cơ quan thuế theo quy định:
báo cáo tài chính doanh nghiệp, báo cáo cung cấp thông tin…
6. “Chứng từ nộp thuế”: là các
chứng từ nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước của đối tượng nộp thuế hoặc các
văn bản, chứng từ xác định như đối tượng nộp thuế đã nộp tiền thuế vào ngân
sách nhà nước theo quy định hiện hành.
7. “Hồ sơ của đối tượng nộp thuế”:
Là các tài liệu liên quan đến quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế của đối tượng
nộp thuế đã được cơ quan thuế hoàn thành xử lý và tổ chức lưu trữ theo các quy
định hiện hành. Riêng các tài liệu sau được bộ phận Xử lý tờ khai tổ chức lưu tập trung hồ sơ của đối tượng nộp thuế tại cơ quan thuế:
- Hồ sơ đăng ký thuế (bao gồm hồ sơ
đăng ký cấp mã số thuế và các hồ sơ đăng ký thuế thay đổi, bổ sung, đóng mã số
thuế);
- Tờ khai thuế, quyết toán thuế và các
tờ khai điều chỉnh hoặc văn bản điều chỉnh kê khai của đối tượng nộp thuế;
- Chứng từ nộp tiền thuế của đối tượng
nộp thuế và các chứng từ, văn bản điều chỉnh nộp tiền thuế của đối tượng nộp
thuế;
- Các Quyết định của cơ quan thuế bao
gồm: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế; Quyết định truy
thu thuế; Quyết định thanh tra, kiểm tra tại cơ sở kinh doanh; Quyết định khen
thưởng; Quyết định hoàn thuế; Quyết định thoái trả thuế; Quyết định thu hồi
hoàn thuế; Quyết định khoanh nợ; Quyết định xoá nợ...;
- Các thông báo tính thuế của cơ quan
thuế: Thông báo ấn định số thuế phải nộp, Thông báo phạt nộp chậm tiền thuế;
- Báo cáo quyết toán tài chính năm của
doanh nghiệp.
8. “Hạn nộp tờ khai thuế”: Là thời hạn (được tính là ngày) cuối cùng tờ khai thuế, báo cáo thuế phải được
nộp hoặc coi như đã nộp cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
9. “Hạn nộp thuế”: Là thời hạn
(được tính là ngày) cuối cùng một khoản thuế phát sinh phải được nộp đầy đủ vào
Ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế.
10. “Ngày làm việc”: Mỗi tuần
gồm có 5 ngày làm việc, trừ các ngày lễ, tết theo quy định của Nhà nước.
11. Các chữ viết tắt trong quy trình:
- ĐTNT: đối tượng nộp thuế
- NSNN: ngân sách nhà nước
- TKTN: tự kê khai, tự nộp thuế
- GTGT: Giá trị gia tăng
- TNDN: Thu nhập doanh nghiệp
- TNCN: Thu nhập cá nhân
IV/ CÁC BỘ
PHẬN THAM GIA THỰC HIỆN QUY TRÌNH.
Căn cứ vào các quy định về tổ chức bộ
máy, chức năng, nhiệm vụ của các phòng, đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện quy trình quản lý thuế đối với doanh nghiệp thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp thuế bao gồm:
- Lãnh đạo Cục thuế;
- Phòng/ Tổ Tuyên truyền, hỗ trợ tổ
chức và cá nhân nộp thuế (gọi tắt là bộ phận TTHT);
- Phòng/ Tổ Xử lý tờ khai và Kế toán thuế (gọi tắt là bộ phận XLTK);
- Phòng/ Tổ Quản lý thu nợ thuế (gọi
tắt là bộ phận Thu nợ);
- Phòng/ Tổ Thanh tra (gọi tắt là bộ
phận Thanh tra);
- Phòng Hành chính- Quản trị- Tài vụ
(bộ phận Hành chính văn thư và gọi tắt là bộ phận Hành chính).
V/ PHÂN CẤP
KÝ CÁC VĂN BẢN CỦA CƠ QUAN THUẾ GỬI ĐTNT TRONG QUY TRÌNH.
1. Các thông báo, quyết định thuộc
phạm vi quy trình này do Lãnh đạo Cục thuế ký, đóng dấu trước khi gửi cho ĐTNT
bao gồm:
- Quyết định xử phạt vi phạm hành
chính về việc nộp chậm, không nộp tờ khai thuế;
- Thông báo về việc số tiền thuế ấn
định phải nộp của cơ sở kinh doanh (Mẫu 11/QTR-XLTK).
2. Cục trưởng Cục thuế uỷ quyền cho
phụ trách bộ phận Hành chính hoặc bộ phận XLTK ký các thông báo thuộc phạm vi quy
trình này trước khi gửi cho ĐTNT bao gồm:
- Thông báo về việc tờ khai không hợp
lệ (Mẫu 03/QTR-XLTK).
3. Cục trưởng Cục thuế uỷ quyền cho
phụ trách bộ phận XLTK ký các thông báo thuộc phạm vi quy trình này trước khi
gửi cho ĐTNT bao gồm:
- Thông báo về việc yêu cầu cơ sở kinh
doanh giải trình, điều chỉnh tờ khai thuế (Mẫu 05/QTR-XLTK);
- Thư nhắc nộp tờ khai thuế (Mẫu 07/QTR-XLTK);
- Thông báo về việc yêu cầu cơ sở kinh
doanh nộp tờ khai thuế (Mẫu 09/QTR-XLTK);
- Thông báo về việc đề nghị điều chỉnh
nộp tiền thuế của cơ sở kinh doanh (Mẫu 01/QTR-XLCT);
- Thông báo về việc đối chiếu tình
hình thu nộp thuế của cơ sở kinh doanh (Mẫu 02/QTR-KTT);
- Thông báo về việc điều chỉnh nghĩa
vụ thuế của cơ sở kinh doanh (Mẫu 03/QTR-KTT).
PHẦN HAI
NỘI
DUNG CỦA QUY TRÌNH
I/ QUY TRÌNH
XỬ LÝ KÊ KHAI THUẾ.
1. Quản lý các trường
hợp phải kê khai thuế.
- Hàng tháng, căn cứ thông tin của
ĐTNT được cấp mã số thuế mới, thay đổi thông tin đăng ký thuế, tổ chức sắp xếp
lại doanh nghiệp, chuyển địa điểm... và các thông tin liên quan đến nghĩa vụ
phải kê khai, nộp thuế của các tổ chức và cá nhân nộp thuế, bộ phận XLTK phải
cập nhật Danh sách ĐTNT phải nộp tờ khai thuế, báo cáo thuế theo mẫu
01/QTR-XLTK nhằm xác định loại thuế phải nộp, loại tờ khai phải nộp và kỳ phải
kê khai thuế của các ĐTNT đó để thực hiện theo dõi, đôn đốc và xử lý tờ khai, báo cáo thuế theo quy trình. Đồng thời, rà soát và xác định các trường hợp đã ngừng kê khai thuế với các nguyên nhân như: ĐTNT đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ trốn, mất tích,
chuyển địa điểm kinh doanh và chuyển cơ quan thuế quản lý, tổ chức sắp xếp lại
doanh nghiệp dẫn đến thay đổi mã số thuế, phân cấp quản lý cho cơ quan thuế Chi
cục.... để cập nhật trạng thái không phải nộp tờ khai thuế, báo cáo thuế kể từ
thời điểm có các thay đổi trên.
- Các trường hợp chỉ kê khai phát sinh với cơ quan thuế 1 lần theo từng vụ việc mà không mang tính chất định kỳ thường
xuyên thì bộ phận XLTK phải lập danh sách riêng để theo dõi, đôn đốc và xử lý
tờ khai theo quy trình.
2. Tiếp nhận tờ khai, hồ sơ thuế.
- Bộ phận Hành chính tiếp nhận các tờ
khai thuế, báo cáo thuế do ĐTNT trực tiếp nộp tại cơ quan thuế hoặc Bưu điện
chuyển đến (tuỳ theo sự bố trí của từng Cục thuế có thể giao việc tiếp nhận này
cho bộ phận XLTK). Bộ phận được giao tiếp nhận tờ khai thuế, báo cáo thuế có
nhiệm vụ sau:
+ Thực hiện thủ tục đăng ký văn bản
đến (đóng dấu nhận hồ sơ) và vào sổ nhận hồ sơ của cơ quan thuế (sử dụng các
phần mềm ứng dụng của ngành thuế).
+ Ghi sổ nhận tờ khai thuế (mẫu số 02/QTR-XLTK) trong đó xác định rõ ngày nộp tờ khai theo quy định và ghi ngày
nộp tờ khai vào ô “ngày nộp….” trên tờ khai).
+ Phân loại tờ khai, báo cáo thuế theo
từng loại tờ khai, báo cáo thuế tương ứng với mẫu tờ khai, đóng tệp theo Bảng
kê tệp Tờ khai thuế (mẫu số 04/QTR-XLTK). Mỗi tệp tuỳ theo yêu cầu của cơ quan
thuế nhưng tối đa không quá 50 bộ (tờ khai và các phụ lục kèm theo) đối với tờ
khai thuế, không quá 30 bộ (các loại báo cáo) đối với báo cáo tài chính của
doanh nghiệp.
- Chuyển tờ khai thuế, báo cáo thuế
đến bộ phận XLTK ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp
theo, kể từ khi nhận tờ khai thuế hợp lệ (nếu là bộ phận Hành chính tiếp nhận
tờ khai thuế, báo cáo thuế). Khi giao nhận tờ khai thuế, báo cáo thuế hai bên phải ký giao nhận vào Bảng kê tệp tờ khai thuế.
3. Nhập và xử lý tờ khai thuế.
- Bộ phận XLTK nhận các tệp tờ khai thuế (trường hợp bộ phận Hành chính nhận và chuyển đến) trước khi nhập tờ khai thuế và báo cáo của ĐTNT vào hệ thống máy tính thực hiện:
+ Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của các
tờ khai thuế, căn cứ vào các quy định trong chính sách pháp luật về thuế, như:
mẫu tờ khai theo quy định, tính pháp lý của tờ khai, các bảng kê, phụ lục, bảng
giải trình… kèm theo tờ khai.
+ Trường hợp tờ khai thuế, báo cáo thuế của ĐTNT không đúng, không đủ theo quy định thì cán bộ của bộ phận thực
hiện công tác tiếp nhận tờ khai, báo cáo thuế phải liên hệ hoặc gửi Thông báo
về việc tờ khai không hợp lệ theo mẫu 03/QTR-XLTK cho ĐTNT yêu cầu lập lại tờ khai khác để thay thế.
- Bộ phận XLTK thực hiện nhập toàn bộ
thông tin trên tờ khai thuế, báo cáo của ĐTNT và các tài liệu đính kèm và ghi
lưu vào hệ thống máy tính ngành thuế. Việc nhập thông tin từ tờ khai thuế, báo cáo thuế của ĐTNT bao gồm cả việc nhập dữ liệu từ bàn phím hoặc nhập bằng các công
cụ điện tử, công cụ hỗ trợ khác hiện có của ngành thuế.
- Thực hiện kiểm tra trên hệ thống máy
tính đối với các chỉ tiêu kê khai trên tờ khai thuế, báo cáo của ĐTNT và các
tài liệu, phụ lục kèm theo tờ khai để phát hiện các lỗi kê khai sai.
- Đối chiếu kết quả kiểm tra tờ khai thuế, báo cáo của ĐTNT trên hệ thống máy tính với tờ khai trên giấy của ĐTNT (trừ các trường
hợp ĐTNT không phải gửi tờ khai, báo cáo bằng giấy cho cơ quan thuế). Nếu thông
tin trên màn hình nhập tờ khai và thông tin trên tờ khai giấy hoàn toàn khớp
đúng thì xác định và ghi kết quả kiểm tra tờ khai thuế, báo cáo thuế vào hệ
thống máy tính ngành thuế, đồng thời đánh dấu các tờ khai có lỗi số học trên
bảng kê tệp tờ khai. Nếu thông tin trên màn hình nhập tờ khai và thông tin trên tờ khai giấy có sai lệch thì phải sửa lại theo đúng thông tin trên tờ khai giấy trước khi kết thúc việc xử lý tờ khai thuế, báo cáo thuế.
Bộ phận XLTK thực hiện tổ chức việc
nhập tờ khai thuế, báo cáo thuế vào hệ thống máy tính ngành thuế phải đảm bảo:
- Chậm nhất sau 2 ngày kể từ ngày cơ
quan thuế ghi sổ nhận tờ khai thuế đối với các tờ khai thuế hàng tháng, quý (tờ
khai thuế GTGT, bản xác định thuế TNDN tạm nộp từng quí, tờ khai thuế Thu nhập cá nhân, tờ khai thuế TTĐB, tờ khai thuế Tài nguyên...).
- Chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày cơ
quan thuế ghi sổ nhận tờ khai thuế đối với các tờ khai thuế năm, tờ khai quyết toán thuế và báo cáo của ĐTNT (tờ khai tự quyết toán thuế TNDN năm, tờ khai quyết toán thuế TNCN, tờ khai Quyết toán thuế Tài nguyên, báo cáo tài chính doanh nghiệp
năm) .
4. Thực hiện điều
chỉnh kê khai thuế.
a/ ĐTNT tự điều chỉnh
tờ khai theo các quy định tại các văn bản pháp luật về thuế.
Bộ phận XLTK nhận và nhập các bản điều
chỉnh tính thuế của ĐTNT theo các bước quy định như đối với tờ khai thuế và xử lý tính số thuế điều chỉnh của ĐTNT tại kỳ phát sinh điều chỉnh. Các bản điều
chỉnh tính thuế của ĐTNT có giá trị như tờ khai thuế.
Các bản điều chỉnh tính thuế được ghi
nhận để đánh dấu mức độ, hành vi điều chỉnh của ĐTNT phục vụ công tác quản lý
thuế.
b/ Cơ quan thuế yêu
cầu ĐTNT điều chỉnh tờ khai thuế.
Sau khi kết thúc nhập tờ khai thuế, báo cáo thuế vào hệ thống máy tính ngành thuế, chậm nhất sau 2 ngày làm việc, Bộ phận
XLTK lập danh sách các ĐTNT có tờ khai thuế sai theo kết quả kiểm tra của hệ
thống máy tính ngành thuế để thực hiện đôn đốc ĐTNT sửa lỗi và điều chỉnh tờ khai thuế, báo cáo thuế. Cán bộ XLTK có thể sử dụng điện thoại để liên lạc với ĐTNT, hoặc mời
ĐTNT trực tiếp đến cơ quan thuế, hoặc gửi Thông báo về việc yêu cầu cơ sở kinh
doanh giải trình, điều chỉnh tờ khai thuế theo mẫu 05/QTR-XLTK. Thông báo này
do phụ trách bộ phận XLTK ký thừa uỷ quyền Lãnh đạo Cục và được in thành 03 bản
(1 bản gửi cho ĐTNT, 1 bản lưu bộ phận Hành chính, 1 bản lưu tại bộ phận XLTK)
và chuyển cho bộ phận Hành chính để gửi cho ĐTNT.
Nếu lỗi trên tờ khai ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thì cán bộ XLTK phải yêu cầu ĐTNT gửi tờ khai thay thế cho tờ khai sai hoặc điều chỉnh vào tờ khai của kỳ tính thuế tiếp theo. Bộ phận
XLTK phải gạch bỏ toàn bộ tờ khai thuế bị thay thế (gạch chéo trên phần tờ khai từ bên trái trên xuống bên phải dưới).
Trường hợp cán bộ XLTK nhập sai thông
tin trên tờ khai thuế bằng giấy của ĐTNT vào hệ thống máy tính ngành thuế làm
ảnh hưởng đến số tiền thuế trên tờ khai của ĐTNT, cán bộ phải lập Phiếu đề nghị
điều chỉnh nội bộ theo mẫu 06/QTR-XLTK đính kèm quy trình này, trình Lãnh đạo
bộ phận ký xác nhận làm căn cứ điều chỉnh thông tin và chịu trách nhiệm toàn bộ
về số liệu điều chỉnh trên.
Bộ phận XLTK phải nhập thông tin đã
điều chỉnh vào máy vi tính và thực hiện lại chức năng kiểm tra lại tờ khai thuế để đảm bảo tờ khai đã được chỉnh sửa theo đúng thông tin kê khai của ĐTNT.
Kết thúc kỳ kê khai, phụ trách bộ phận
XLTK phải kiểm tra lại danh sách các tờ khai sai để xác định danh sách công
việc còn phải tiếp tục theo dõi đôn đốc chuyển kỳ sau.
5. Thực hiện đôn đốc
ĐTNT nộp tờ khai thuế.
Ngay sau ngày hết hạn nộp tờ khai thuế, báo cáo thuế theo quy định, bộ phận XLTK phải thực hiện rà soát, đối chiếu danh sách
ĐTNT phải nộp tờ khai thuế và danh sách ĐTNT đã nộp tờ khai thuế, xác định danh
sách các ĐTNT chưa nộp tờ khai để theo dõi và có biện pháp đôn đốc các ĐTNT nộp
tờ khai thuế. Cán bộ XLTK sử dụng Thư nhắc nộp tờ khai thuế theo mẫu 07/QTR-XLTK
để đôn đốc ĐTNT nộp tờ khai hoặc nhắc nhở ĐTNT qua điện thoại. Thư này do phụ
trách bộ phận XLTK ký thừa uỷ quyền Lãnh đạo Cục và được in thành 03 bản (1 bản
gửi cho ĐTNT, 1 bản lưu bộ phận Hành chính, 1 bản lưu tại bộ phận XLTK) và
chuyển cho bộ phận Hành chính để gửi cho ĐTNT.
Trường hợp ĐTNT đã nộp tờ khai nhưng cơ quan thuế chưa nhận được, bộ phận XLTK phải liên hệ với bộ phận Hành chính (trường
hợp bộ phận Hành chính tiếp nhận tờ khai thuế, báo cáo thuế) để xác nhận lại,
tránh trường hợp nhầm lẫn và tiếp tục theo dõi, xử lý.
Đối với các ĐTNT đã có hành vi chậm
nộp tờ khai thuế các kỳ kê khai trước đó, bộ phận XLTK phải thường xuyên nhắc
nhở ĐTNT trước khi đến thời hạn kê khai và nộp tờ khai thuế nhằm hạn chế các
trường hợp vi phạm tiếp theo.
Quá hạn phải nộp tờ khai thuế đến 5 ngày làm việc đối với tờ khai tháng, quý, 10 ngày làm việc đối với tờ khai năm,
quyết toán năm và báo cáo tài chính doanh nghiệp, bộ phận XLTK lập Danh sách
ĐTNT chưa nộp tờ khai thuế theo mẫu số 08/QTR-XLTK và gửi Thông
báo về việc yêu cầu cơ sở kinh doanh nộp tờ khai thuế theo mẫu số 09/QTR-XLTK.
Thông báo do phụ trách bộ phận XLTK ký
thừa uỷ quyền Lãnh đạo Cục và được in thành 03 bản (1 bản gửi cho ĐTNT, 1 bản
lưu bộ phận Hành chính, 1 bản lưu tại bộ phận XLTK) và chuyển cho bộ phận Hành
chính để gửi cho ĐTNT.
Sau khi gửi Thông báo về việc yêu cầu
cơ sở kinh doanh nộp tờ khai thuế mà ĐTNT vẫn không nộp tờ khai, quá thời hạn trên
10 ngày làm việc đối với tờ khai tháng, quý; 90 ngày làm việc đối với tờ khai năm, quyết toán năm, bộ phận XLTK tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo quy
định và thực hiện ấn định số tiền thuế phải nộp tại các bước tiếp theo của quy
trình.
6. Xử phạt vi phạm
hành chính đối với các trường hợp chậm nộp, không nộp tờ khai thuế, báo cáo thuế.
6.1. Đối với các ĐTNT
nộp tờ khai thuế chậm so với thời hạn quy định.
Căn cứ sổ nhận hồ sơ thuế và các hành
vi vi phạm có liên quan đến việc nộp tờ khai của ĐTNT đó, bộ phận XLTK xác định
từng trường hợp ĐTNT có tờ khai thuế, báo cáo thuế nộp chậm so với thời hạn quy
định để lập Danh sách ĐTNT chậm nộp tờ khai thuế theo mẫu số 10-QTR-XLTK.
Bộ phận XLTK phân công cán bộ trực tiếp xử lý từng trường hợp vi phạm. Cán bộ
được phân công phải xác định lịch sử hành vi vi phạm về nộp tờ khai, số ngày
nộp tờ khai quá hạn của ĐTNT và thực hiện các thủ tục để xử phạt vi phạm hành
chính theo quy định.
Bộ phận XLTK căn cứ hành vi vi phạm,
biên bản vi phạm của ĐTNT, lập tờ trình đề nghị hình thức, mức độ xử phạt vi phạm
hành chính và số tiền phạt, trình Lãnh đạo Cục ký duyệt Quyết định xử phạt vi
phạm hành chính theo quy định chuyển bộ phận Hành chính lưu hành Quyết định.
Quyết định được in thành 03 bản: 1 bản gửi cho ĐTNT, 1 bản lưu bộ phận Hành
chính, 1 bản lưu hồ sơ ĐTNT tại bộ phận XLTK.
Bộ phận XLTK nhập Quyết định xử phạt
vi phạm hành chính vào hệ thống máy tính ngành thuế ngay trong ngày làm việc để
hạch toán số tiền phạt phải nộp và theo dõi đôn đốc thu nộp đối với ĐTNT theo
quy trình quản lý thu nợ thuế đối với tổ chức và cá nhân nộp thuế.
6.2. Đối với ĐTNT không
nộp tờ khai thuế.
Sau 10 ngày kể từ ngày hết hạn nộp tờ
khai thuế tháng, quý và sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp tờ khai thuế năm hoặc quyết toán năm mà ĐTNT vẫn không nộp tờ khai thuế, bộ phận XLTK căn cứ Danh
sách ĐTNT chưa nộp tờ khai thuế tại mẫu số 08/QTR-XLTK để xác
định các ĐTNT không nộp tờ khai và thực hiện các thủ tục xử phạt vi phạm hành
chính.
Bộ phận XLTK căn cứ hành vi vi phạm,
biên bản vi phạm của ĐTNT, lập tờ trình đề nghị hình thức, mức độ xử phạt vi
phạm hành chính, trình Lãnh đạo Cục ký duyệt Quyết định xử phạt vi phạm hành
chính thuế theo quy định chuyển bộ phận Hành chính lưu hành Quyết định. Quyết
định được in thành 03 bản: 1 bản gửi cho ĐTNT, 1 bản lưu bộ phận Hành chính, 1
bản lưu hồ sơ ĐTNT tại bộ phận XLTK.
Bộ phận XLTK nhập Quyết định xử phạt
vi phạm hành chính vào hệ thống máy tính ngành thuế ngay trong ngày làm việc để
hạch toán số tiền phạt phải nộp và theo dõi đôn đốc thu nộp đối với ĐTNT theo
quy trình quản lý thu nợ thuế đối với tổ chức và cá nhân nộp thuế.
6.3. Ban hành quyết
định xử phạt vi phạm hành chính.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính
về các hành vi vi phạm liên quan đến nộp tờ khai sau khi ban hành phải được
giao cho ĐTNT bị xử phạt hoặc thông báo để ĐTNT đến nhận; Trường hợp quyết định
xử phạt gửi qua bưu điện phải được gửi bảo đảm để nhận hồi báo của bưu điện làm
căn cứ xác định ngày ĐTNT đã nhận quyết định xử phạt.
Bộ phận XLTK ghi nhận hành vi vi phạm
và kết quả xử phạt vi phạm của ĐTNT làm căn cứ đánh dấu hành vi phục vụ công
tác quản lý thuế.
7. Ấn định số thuế
phải nộp do không nộp tờ khai:
Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ
quan thuế lưu hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không nộp
tờ khai, nếu ĐTNT vẫn không nộp tờ khai, bộ phận XLTK phải xác định số thuế ấn
định phải nộp, thời hạn phải nộp số tiền thuế ấn định đối với ĐTNT, in Thông
báo về việc số tiền thuế ấn định phải nộp của cơ sở kinh doanh theo mẫu số
11/QTR-XLTK, trình Lãnh đạo Cục ký và chuyển bộ phận Hành chính gửi
Thông báo cho ĐTNT. Thông báo được in thành 03 bản: 1 bản gửi cho ĐTNT, 1 bản
lưu bộ phận Hành chính, 1 bản lưu hồ sơ ĐTNT.
Bộ phận XLTK nhập kết quả ấn định thuế
vào hệ thống máy tính ngành thuế để hạch toán số tiền thuế phải nộp do ấn định
thuế và theo dõi đôn đốc thu nộp đối với ĐTNT theo quy trình quản lý thu nợ
thuế đối với tổ chức và cá nhân nộp thuế.
Việc ấn định số thuế phải nộp được
thực hiện theo quy định của các Luật thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
8. Lưu trữ tờ khai và
các tài liệu về đôn đốc kê khai và xử phạt vi phạm về kê khai thuế
- Bộ phận XLTK thực hiện lưu trữ các
tờ khai và các tài liệu, phụ lục kèm theo tờ khai sau khi đã xử lý theo từng
tệp được quy định tại bước 2 của quy trình này.
- Bộ phận XLTK lưu toàn bộ sổ sách,
báo cáo, hồ sơ và các tài liệu có liên quan đến việc theo dõi đôn đốc nộp tờ khai và xử lý vi phạm hành chính về kê khai thuế của các ĐTNT.
II/ QUY TRÌNH
XỬ LÝ CHỨNG TỪ NỘP THUẾ
1. Nhận chứng từ nộp
thuế:
- Hàng ngày, Bộ phận XLTK thực hiện
việc nhận các chứng từ nộp tiền thuế vào NSNN của các ĐTNT từ:
+ Cơ quan Kho bạc chuyển sang: các
chứng từ nộp tiền của ĐTNT tại cơ quan Kho bạc cấp tỉnh/ thành phố;
+ Cơ quan thuế cấp Chi cục chuyển lên:
các chứng từ nộp tiền của ĐTNT do Cục thuế quản lý nhưng nộp tại cơ quan Kho
bạc cấp quận/ huyện;
+ Cơ quan thuế cấp Tổng cục: các chứng
từ nộp tiền thuế của ĐTNT tại cơ quan Kho bạc cấp Trung ương.
- Các chứng từ nộp thuế bao gồm cả các
chứng từ nộp tiền vào NSNN và các chứng từ nộp tiền vào các tài khoản thu của
cơ quan thuế. Chứng từ có thể được chuyển đến cơ quan thuế dưới các hình thức
bằng giấy hoặc bằng các tệp tin điện tử nhưng phải đảm bảo tính pháp lý theo
đúng quy định tại các văn bản hướng dẫn hiện hành.
- Kiểm tra chứng từ: Bộ phận XLTK thực
hiện kiểm tra sơ bộ các chứng từ nộp tiền vào NSNN theo các yêu cầu sau:
+ Chứng từ có đầy đủ tính pháp lý
chứng minh đã nộp tiền vào Kho bạc nhà nước hoặc đã nộp tiền vào tài khoản thu,
tài khoản tạm giữ của cơ quan thuế;
+ Chứng từ đầy đủ chỉ tiêu: Mã số
thuế, tên ĐTNT, nơi nộp tiền, tài khoản ngân sách nhà nước hoặc tài khoản tạm
thu, tạm giữ của cơ quan thuế, tên loại thuế, mục lục ngân sách, ngày nộp tiền
và số tiền thuế nộp.
Các chứng từ nộp thuế không đúng quy
định, bộ phận XLTK phải liên hệ với ĐTNT hoặc cơ quan Kho bạc yêu cầu chỉnh sửa.
2. Nhập và xử lý
chứng từ nộp thuế
Bộ phận XLTK thực hiện nhập hoặc nhận
các thông tin trên chứng từ nộp thuế vào máy vi tính, kiểm tra lại tính đầy đủ,
chính xác của các thông tin trước khi ghi vào hệ thống máy vi tính.
Trường hợp cơ quan thuế đã thực hiện
việc trao đổi thông tin với cơ quan Kho bạc hoặc cơ quan thuế cấp dưới trên hệ
thống máy tính, bộ phận XLTK thực hiện việc nhận file chứng từ từ Kho bạc hoặc
cơ quan thuế cấp dưới và cập nhật vào hệ thống ứng dụng. Sau đó, phải thực hiện
việc kiểm tra, đối chiếu các thông tin đã nhận với bảng kê chứng từ nộp tiền hoặc
bản chứng từ nộp tiền trên giấy do cơ quan Kho bạc hoặc cơ quan thuế cấp dưới
chuyển đến.
Thực hiện hạch toán số tiền thuế ĐTNT
đã nộp của ĐTNT vào sổ thuế trên hệ thống máy tính ngành thuế.
3. Điều chỉnh chứng
từ
Bộ phận XLTK phải kiểm tra lại các nội
dung trên chứng từ nộp tiền có đảm bảo đúng quy định, đầy đủ thông tin hoặc đã
được ghi theo đúng mục lục ngân sách hay không để yêu cầu ĐTNT hoặc cơ quan kho
bạc thực hiện điều chỉnh theo quy định.
Trường hợp phát hiện việc hạch toán số
thuế đã nộp của ĐTNT có sai sót, bộ phận XLTK phải xác định nguyên nhân sai
lệch:
- Nếu việc sai sót do ĐTNT, bộ phận
XLTK gửi Thông báo về việc đề nghị điều chỉnh nộp tiền thuế của cơ sở kinh
doanh theo mẫu 01/QTR-XLCT cho ĐTNT để ĐTNT lập văn bản đề nghị điều chỉnh nộp
tiền thuế gửi cơ quan thuế. Thông báo này do phụ trách bộ phận XLTK ký thừa uỷ
quyền Lãnh đạo Cục và được in thành 03 bản (1 bản gửi cho ĐTNT, 1 bản lưu bộ
phận Hành chính, 1 bản lưu tại bộ phận XLTK) và chuyển cho bộ phận Hành chính
để gửi cho ĐTNT.
Bộ phận XLTK thực hiện lập Chứng từ
điều chỉnh nộp tiền thuế vào NSNN theo mẫu quy định chung gửi cơ quan Kho bạc
để thực hiện điều chỉnh số thuế đã nộp NSNN (theo mẫu C2-12/NS tại Quyết định
số 130/2003/QĐ-BTC ngày 18/8/2003 của Bộ Tài chính). Trường hợp ĐTNT chỉ ghi
sai mã mục lục ngân sách, bộ phận XLTK thực hiện lập Chứng từ điều chỉnh nộp
tiền thuế vào NSNN gửi cơ quan Kho bạc đề nghị điều chỉnh và thông báo cho ĐTNT
tránh sai sót trong lần nộp thuế tiếp theo.
- Nếu việc sai sót do cơ quan Kho bạc,
bộ phận XLTK phải thông báo cho Kho bạc Nhà nước thực hiện điều chỉnh nộp tiền
thuế vào NSNN .
- Nếu việc sai sót do cơ quan thuế, bộ
phận XLTK phải lập Chứng từ điều chỉnh nộp tiền thuế vào NSNN theo mẫu quy định
chung gửi cơ quan Kho bạc thực hiện điều chỉnh số thuế đã nộp NSNN. Nếu việc
sai sót không liên quan đến cơ quan Kho bạc, bộ phận XLTK lập Phiếu đề nghị
điều chỉnh nội bộ theo mẫu 06/QTR-XLTK, trình phụ trách bộ phận phê duyệt làm
căn cứ điều chỉnh.
- Nếu việc điều chỉnh chứng từ nộp
thuế liên quan đến hạch toán số thu nộp ngân sách nhà nước của năm trước, bộ
phận XLTK thực hiện hạch toán số tiền thuế điều chỉnh tại kỳ phát sinh điều
chỉnh đối với số tiền thuế đã nộp của ĐTNT nhưng hạch toán vào tài khoản điều
chỉnh ngân sách năm trước đối với tài khoản ngân sách nhà nước theo các hướng
dẫn để đảm bảo khớp đúng với cơ quan Kho bạc nhà nước.
Việc điều chỉnh số thuế đã nộp NSNN
với cơ quan Kho bạc phải sử dụng chứng từ điều chỉnh theo đúng quy định.
Bộ phận XLTK thực hiện nhập Chứng từ
điều chỉnh nộp tiền thuế vào NSNN, Phiếu đề nghị điều chỉnh nội bộ vào hệ thống
máy tính ngành thuế và thực hiện hạch toán điều chỉnh theo “bút toán đỏ” tại kỳ
phát sinh điều chỉnh.
Trước ngày 10 hàng tháng, Bộ phận XLTK
lập danh sách các ĐTNT có sai sót trong việc nộp tiền thuế nhưng chưa thực hiện
điều chỉnh của tháng trước đó để tiếp tục theo dõi đôn đốc trong kỳ tiếp theo.
4. Lưu chứng từ:
Hàng tháng, bộ phận XLTK thực hiện lập
bảng kê lưu chứng từ nộp thuế và các văn bản, chứng từ liên quan đến việc điều
chỉnh nộp thuế. Chứng từ nộp thuế được lưu theo ngày hạch toán, nơi nộp tiền,
loại chứng từ và tài khoản nộp thuế.
III/ QUY
TRÌNH KẾ TOÁN THEO DÕI THU NỘP THUẾ CỦA ĐTNT.
1. Nhận các văn bản
xử lý về thuế của ĐTNT do cơ quan thuế thực hiện.
- Bộ phận XLTK thực hiện nhận các văn
bản (thông báo, quyết định...) liên quan đến tiền thuế của ĐTNT do các bộ phận
khác trong cơ quan thuế thực hiện và chuyển sang bao gồm:
+ Quyết định xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực thuế (quyết định phạt, quyết định truy thu);
+ Thông báo ấn định số tiền thuế phải
nộp NSNN;
+ Quyết định/ Thông báo phạt nộp chậm
tiền thuế;
+ Quyết định xoá nợ thuế;
+ Quyết định hoàn thuế;
+ Quyết định thu hồi hoàn thuế
+ Quyết định thoái trả tiền thuế;
+ Quyết định miễn giảm thuế;
+ Quyết định xử lý khiếu nại về thuế
của ĐTNT;
+ Các quyết định xử lý khác liên quan
đến tiền thuế của ĐTNT.
- Bộ phận Hành chính và các bộ phận
chức năng (bộ phận thanh tra, bộ phận quản lý thu nợ...) có trách nhiệm chuyển
các văn bản kể trên cho bộ phận XLTK ngay sau khi ban hành các văn bản đó hoặc
chậm nhất sau 1 ngày làm việc để bộ phận XLTK thực hiện hạch toán theo dõi thu
nộp tiền thuế, tiền phạt của ĐTNT đảm bảo chính xác và kịp thời.
2. Nhập các thông tin
liên quan đến số tiền thuế của ĐTNT.
- Bộ phận XLTK nhập các thông tin trên
các văn bản liên quan đến xử lý tiền thuế trên vào hệ thống máy tính ngay trong
ngày làm việc.
- Kiểm tra đối chiếu các thông tin đã
nhập đảm bảo chính xác. Trường hợp phát hiện các sai sót hoặc thông tin chưa rõ
ràng, đầy đủ trên các văn bản đó, bộ phận XLTK liên hệ với bộ phận trực tiếp xử
lý và ban hành văn bản để trao đổi làm rõ nội dung và điều chỉnh kịp thời.
3. Lập sổ theo dõi
thu nộp thuế của ĐTNT.
Trước ngày 10 hàng tháng, bộ phận XLTK
thực hiện lập Sổ theo dõi thu nộp tiền thuế của từng ĐTNT trên hệ thống máy
tính ngành thuế theo mẫu 01a/QTR-KTT đính kèm quy trình này. Sổ này phải kế
thừa toàn bộ số dư tiền thuế trên sổ theo dõi thu nộp tiền thuế kỳ trước chuyển
sang (số thuế còn nợ, số thuế nộp thừa, số thuế còn được khấu trừ) và ghi chép
toàn bộ các hoạt động phát sinh trong kỳ liên quan đến tiền thuế của ĐTNT bao
gồm: số thuế phát sinh phải nộp, số thuế đã nộp, số thuế miễn giảm, số thuế đã
hoàn, số thuế thu hồi hoàn,số thuế được thoái trả, số thuế được xoá nợ...
4. Ghi chép sổ theo
dõi thu nộp thuế và tính sổ trên hệ thống máy tính ngành thuế.
- Bộ phận XLTK thông qua hệ thống máy
tính thực hiện ghi chép toàn bộ các thông tin liên quan đến tiền thuế của ĐTNT
vào sổ theo dõi thu nộp thuế ngay sau khi nhập các thông tin đó vào hệ thống
máy tính. Các thông tin được ghi chép là căn cứ để tính số tiền thuế phải nộp,
số tiền thuế đã nộp, số tiền thuế được hoàn, số thuế thu hồi hoàn, số tiền thuế
đã miễn giảm, số tiền thuế đã thoái trả, số tiền thuế đã được xoá nợ... của
từng ĐTNT.
- Trước ngày 10 tháng sau, bộ phận
XLTK (thông qua hệ thống máy tính ngành thuế) phải thực hiện tính số dư cuối kỳ
của sổ theo dõi thu nộp thuế tháng trước, làm căn cứ cho việc lập sổ theo dõi
thu nộp của kỳ lập sổ tiếp theo. Số dư cuối kỳ bao gồm: số thuế còn phải nộp,
số thuế nộp thừa hoặc còn được khấu trừ tiếp chuyển sang kỳ sau... Đồng thời,
bộ phận XLTK thông báo cho bộ phận quản lý thu nợ về việc đã tính và kết chuyển
sổ thuế để bộ phận quản lý thu nợ có căn cứ lập sổ theo dõi nợ và tiến hành
phân tích nợ thuế.
5. Khoá và in sổ theo
dõi thu nộp thuế
- Phụ trách bộ phận XLTK có trách
nhiệm kiểm soát việc ghi chép và tính sổ theo dõi thu nộp thuế trên hệ thống
máy tính ngành thuế và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của
các thông tin dữ liệu trên sổ theo dõi thu nộp thuế.
- Trước ngày 15 hàng tháng, bộ phận
XLTK phải thực hiện in lưu sổ theo dõi thu nộp thuế tháng trước. Phụ trách bộ
phận XLTK phải ký xác nhận đã kiểm soát và chịu trách nhiệm về tính chính xác
của sổ. Sau khi sổ này được in lưu, mọi số liệu của sổ thuế các tháng trước sẽ
không được điều chỉnh, bổ sung (khoá sổ thuế). Nếu phát hiện sai sót về tiền
thuế của các tháng đã khoá sổ, bộ phận XLTK hướng dẫn ĐTNT hoặc thực hiện lập các
văn bản, phiếu điều chỉnh để làm căn cứ nhập và điều chỉnh các số liệu liên
quan đến tiền thuế của ĐTNT trên hệ thống máy tính vào kỳ phát sinh điều chỉnh.
Đồng thời bộ phận XLTK kết xuất Sổ
tổng hợp theo dõi tình hình thu nộp thuế theo mẫu 01b/QTR-KTT trên hệ thống máy
tính ngành thuế gửi Tổng cục thuế qua hệ thống truyền tin ngành thuế.
6. Đối chiếu tiền
thuế với ĐTNT
- Định kỳ hàng quý, bộ phận XLTK phải
thực hiện in Thông báo về việc đối chiếu tình hình nộp thuế của cơ sở kinh
doanh theo mẫu 02/QTR-KTT gửi cho ĐTNT. Thông báo bao gồm tất cả các thông tin
liên quan đến số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế đã nộp, số tiền thuế đã hoàn,
số tiền thuế đã miễn giảm, số tiền thuế đã thoái trả, số tiền thuế đã được xoá
nợ... của từng ĐTNT. Thông báo này do phụ trách bộ phận XLTK ký thừa uỷ quyền
Lãnh đạo Cục và được in thành 03 bản (1 bản gửi cho ĐTNT, 1 bản lưu bộ phận
Hành chính, 1 bản lưu tại bộ phận XLTK) và chuyển cho bộ phận Hành chính để gửi
cho ĐTNT.
Trường hợp có sự sai lệch về số liệu
do ĐTNT phát hiện trên thông báo đối chiếu đó, bộ phận XLTK phải bố trí làm
việc với ĐTNT để đối chiếu chi tiết, xác định nguyên nhân sai lệch và thực hiện
hướng dẫn ĐTNT điều chỉnh (nếu sai lệch do ĐTNT) hoặc lập Phiếu đề nghị điều
chỉnh nội bộ theo mẫu 06/QTR-XLTK trình phụ trách bộ phận XLTK xác nhận (nếu
sai lệch do cơ quan thuế).
7. Chuyển đổi nghĩa
vụ thuế giữa các ĐTNT:
Trường hợp ĐTNT thay đổi mô hình hoạt động và tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp có liên quan đến thay đổi mã số thuế, có bản cam kết phân chia, chuyển đổi nghĩa vụ thuế, bộ phận XLTK căn cứ các
tài liệu này, kiểm tra lại số liệu trên sổ thuế và thực hiện chuyển đổi nghĩa
vụ thuế từ ĐTNT này cho ĐTNT khác. Việc chuyển đổi được căn cứ số dư trên sổ
theo dõi thu nộp thuế tại thời điểm thực hiện giao dịch chuyển đổi. Đồng thời
gửi Thông báo về việc điều chỉnh nghĩa vụ thuế của cơ sở kinh doanh theo mẫu
03/QTR-KTT cho ĐTNT sau khi thực hiện chuyển đổi nghĩa vụ thuế. Thông báo này
do phụ trách bộ phận XLTK ký thừa uỷ quyền Lãnh đạo Cục và được in thành 03 bản
(1 bản gửi cho ĐTNT, 1 bản lưu bộ phận Hành chính, 1 bản lưu tại bộ phận XLTK)
và chuyển cho bộ phận Hành chính để gửi cho ĐTNT.
8. Lưu hồ sơ ĐTNT
Hàng tháng, bộ phận XLTK tổ chức lưu
các tài liệu liên quan đến tiền thuế của ĐTNT được quy định tại mục 1 của quy
trình này vào hồ sơ của từng ĐTNT.
Sổ thuế và các tài liệu có liên quan
trong quá trình xử lý được lưu tại bộ phận XLTK.
1. Báo cáo
nhanh hàng tháng:
- Bộ phận XLTK lập và gửi báo cáo tình hình công tác xử lý tờ khai, chứng từ nộp thuế và kế toán theo dõi thu nộp tiền thuế của ĐTNT về cho Tổng cục trước ngày
27 hàng tháng theo chế độ báo cáo nhanh được Tổng cục thuế quy định đối với các
Cục thuế thực hiện cơ chế TKTN.
- Báo cáo nhanh được gửi qua đường truyền tin cho Tổng cục thuế theo
địa chỉ quy định của Tổng cục thuế.
2. Báo cáo
kết quả thực hiện công tác xử lý kê khai, nộp thuế và kế toán theo dõi thu nộp
tiền thuế của ĐTNT
Hàng tháng, bộ phận XLTK phải lập các
báo cáo về tình hình nộp tờ khai thuế, tình hình nộp thuế của các ĐTNT thuộc
phạm vi quản lý của cơ quan thuế cấp Cục và kết quả công tác có liên quan báo
cáo Lãnh đạo Cục theo yêu cầu quản lý thuế của Cục thuế. Đồng thời, tổng hợp và
cung cấp thông tin về tình hình kê khai, nộp thuế và theo dõi kết quả thu nộp
của các ĐTNT do cơ quan Cục thuế quản lý theo yêu cầu và chỉ đạo của Lãnh đạo
Cục thuế và Tổng cục thuế.
Ngoài ra, bộ phận XLTK chịu trách
nhiệm cung cấp thông tin cho các bộ phận có liên quan khai thác để phối hợp
trong công tác quản lý thuế thông qua hệ thống máy tính ngành thuế. Các thông
tin cung cấp bao gồm:
- Danh sách các ĐTNT chưa điều chỉnh
tờ khai thuế theo thông báo của cơ quan thuế theo mẫu số 12/QTR-XLTK
- Danh sách các ĐTNT thường xuyên điều
chỉnh kê khai thuế theo mẫu số 13/QTR-XLTK
- Danh sách ĐTNT nộp tờ khai thuế chậm so với thời hạn quy định theo mẫu 10/QTR-XLTK
- Danh sách các ĐTNT chưa nộp tờ khai thuế theo mẫu 08/QTR-XLTK
- Danh sách ĐTNT do cơ quan thuế ấn
định số thuế phải nộp theo mẫu số 14/QTR-XLTK
- Báo cáo thống kê tình hình nộp tờ khai thuế theo mẫu số 15/QTR-XLTK.
- Danh sách ĐTNT bị xử phạt vi phạm
hành chính về nộp tờ khai thuế theo mẫu số 16/QTR-XLTK.
Bộ phận XLTK chịu trách nhiệm về tính
đầy đủ và chính xác của thông tin đối với các danh sách này.
PHẦN BA
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Lãnh đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức,
bố trí phân công cán bộ thực hiện công việc theo đúng quy định của quy trình
này; định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy trình của các
đơn vị và thực hiện các hình thức khen thưởng, kỷ luật theo quy định về chế độ
chấp hành kỷ luật lao động, quy chế công tác đối với đơn vị./.