ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1091/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long, ngày
06 tháng 5 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÔNG QUA CHÍNH SÁCH, BIỆN PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ
VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh
nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017;
Căn cứ Nghị định số
34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số
39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều
của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch
và Đầu tư tại Tờ trình số 784/TTr-SKHĐT-KT ngày 10/4/2020 về việc đề nghị xây dựng
Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp
nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Thông qua chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp
nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH
1. Mục đích
Nhằm cụ thể hóa và vận dụng các
quy định của Nhà nước vào điều kiện thực tế trong việc thực hiện các chính sách
hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, góp
phần thực hiện đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách đầy đủ, bảo đảm
tính chính xác, bảo đảm độ tin cậy và an toàn về mặt pháp lý của chính sách nhằm
tạo bước chuyển biến mới trong thực hiện hoạt động hỗ trợ đầu tư, phát triển
doanh nghiệp góp phần tháo gỡ khó khăn.
2. Quan điểm xây dựng chính
sách
Phù hợp với đường lối, chủ
trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
và vừa; Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng,
ban hành văn bản; Phù hợp với điều kiện, nguồn lực và định hướng phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh; chính sách được xây dựng hướng đến nhóm đối tượng cụ
thể đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Các nội dung hỗ trợ của chính sách không
quy định những chính sách Trung ương đã ban hành và không trùng lắp với các
chính sách, chương trình hỗ trợ khác trên địa bàn tỉnh.
II. PHẠM VI
ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CỦA CHÍNH SÁCH
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định nguyên tắc,
nội dung, nguồn lực, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Long; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
2. Đối tượng áp dụng
Các doanh nghiệp đăng ký thành
lập trên địa bàn tỉnh, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về
doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định
của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến thực hiện các
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
III. MỤC
TIÊU, NỘI DUNG CỦA CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH
1. Mục tiêu chính sách
Việc ban hành chính sách hỗ trợ
mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại sẽ góp phần tích cực trong hỗ trợ thành
lập và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Việc hỗ trợ phát triển nguồn
nhân lực nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực
quản trị cũng như sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực qua đó giúp các doanh nghiệp
nhỏ và vừa nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và
vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình
hành động của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW XII về “phát triển
kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa”. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký
thành lập trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp,
hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán phù hợp theo quy định,
phù hợp với thực tế địa phương hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
2. Nội dung chính sách
2.1. Hỗ trợ mở rộng thị trường,
xúc tiến thương mại
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được
hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước theo
Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh (không bao gồm chi phí gian hàng)
nhưng không quá 20 triệu đồng mỗi lần; mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 2
lần mỗi năm.
Các nội dung hỗ trợ mở rộng thị
trường, xúc tiến thương mại không quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo
quy định tại Điều 13 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Điều 21, Điều 24 Nghị
định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ.
2.2. Hỗ trợ phát triển nguồn
nhân lực
Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%
tổng chi phí đối với một học viên là người lao động, cán bộ quản lý của các
doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia các khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và
quản trị doanh nghiệp do các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh tổ chức; mỗi doanh nghiệp
được hỗ trợ không quá 4 người/năm.
Người lao động làm việc tại các
doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí (đi lại, lưu trú, tài liệu)
khi được cử tham gia các khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo,
tập huấn dưới 03 tháng do các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh tổ chức.
2.3. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển
đổi từ hộ kinh doanh, nhóm khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp được hỗ trợ 50%
chi phí sử dụng dịch vụ tư vấn thực hiện hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp lần
đầu (thực hiện tại đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh), tối đa 400 ngàn đồng/hợp
đồng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển
đổi từ hộ kinh doanh được hỗ trợ 50% phí sử dụng dịch vụ khai báo thuế, kế toán
trong 2 năm đầu (tính từ thời điểm sau khi chuyển đổi) nhưng tối đa không quá
10 triệu đồng mỗi năm.
Các nội dung hỗ trợ đối với
doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh mở rộng thị trường, xúc tiến
thương mại không quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định
tại Khoản 2 Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Điều 14, Điều 15 Nghị
định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ.
3. Giải pháp thực hiện
- Sau khi HĐND tỉnh ban hành
Nghị quyết, UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh theo đúng
quy định.
IV. DỰ KIẾN NGUỒN
LỰC, ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO VIỆC THI HÀNH CHÍNH SÁCH SAU KHI ĐƯỢC THÔNG QUA
1. Nguồn lực
Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ
quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết.
Nguồn kinh phí thực hiện chính
sách dự kiến bao gồm: Ngân sách Nhà nước địa phương và các nguồn vốn hợp pháp
khác.
2. Điều kiện bảo đảm thi
hành Chính sách sau khi được thông qua
- Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn
vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành
phố tổ chức thực hiện chính sách.
- Nguồn kinh phí thực hiện chính
sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Quy định này được bố trí hàng năm từ
nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Hằng năm, căn cứ vào các mức
hỗ trợ, các ngành chức năng theo quy định lập kế hoạch theo khả năng cân đối
ngân sách tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem
xét, quyết định.
V. THỜI GIAN
DỰ KIẾN TRÌNH THÔNG QUA CHÍNH SÁCH
Dự kiến trình thông qua Chính
sách tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh vào tháng 7/2020.
Điều 2.
Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp
với Giám đốc Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn tất hồ sơ, thủ
tục cần thiết để trình Thường trực HĐND tỉnh thông qua đề nghị xây dựng Nghị
quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp
nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Giám đốc Sở Tư pháp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành
kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- TT.HĐND tỉnh;
- Như Điều 3;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- LĐVP. UBND tỉnh;
- Phòng KT-NV;
- Lưu: VT, 5.13.05.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Quang Trung
|