1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát:
- Phát
triển chăn nuôi của thành phố theo hướng sản xuất hàng hóa; chuyển nhanh phương
thức chăn nuôi truyền thống hộ gia đình quy mô nhỏ sang chăn nuôi trang trại,
gia trại theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp để tạo điều kiện ứng
dụng công nghệ nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, tăng sức cạnh tranh sản phẩm,
chủ động phòng, chống dịch bệnh một cách kịp thời và có hiệu quả, xử lý tốt
chất thải chăn nuôi, đảm bảo mỹ quan và vệ sinh đô thị, hạn chế tối đa ô nhiễm
môi trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, tăng dần tỷ trọng
chăn nuôi và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây
dựng nông thôn mới.
- Ưu tiên đầu tư phát triển ngành chăn nuôi của
thành phố, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm sản xuất giống chăn
nuôi chất lượng cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo thị trường giống cung
cấp cho người chăn nuôi ở các tỉnh.
- Khuyến khích phát triển trang trại, doanh
nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm phù
hợp về quy mô và điều kiện sản xuất của từng vùng, từng quận, huyện, đặc biệt
là các cơ sở chăn nuôi lớn với quy trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, chế
biến, tiêu thụ. Gắn kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, người
chế biến và người tiêu thụ, giữa việc áp dụng kỹ thuật công nghệ với đổi mới tổ
chức quản lý sản xuất kinh doanh, từng bước hình thành và nhân rộng các mô hình
chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị.
- Bố trí, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm tập trung hiện có theo hướng giảm dần số lượng cơ sở, tăng quy mô công
suất gắn liền với đổi mới dây chuyền thiết bị đồng bộ, công nghệ giết mổ tiên
tiến và hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 2016 - 2020:
+ Tốc độ tăng bình quân giá
trị sản xuất ngành chăn nuôi (giá so sánh năm 2010)
đạt 7,41%/năm giai đoạn 2016 - 2020;
+ Nâng tỷ trọng giá trị sản
xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá
hiện hành) đạt 17,3% năm 2020;
+ Quy mô đàn năm 2020: gia cầm đạt 2.500.000 con; đàn heo 200.000 con; đàn bò 4.000 con;
đàn trâu 300 con; đàn dê 1.000 con;
+ Số lượng con giống hàng hóa
đến năm 2020: 120.000 con heo giống, 1.700.000 con gà giống, 1.200.000 con vịt
giống;
+ Đưa tỷ lệ đàn heo nuôi tập
trung trang trại so với tổng đàn đạt 50% - 60%; đàn gia cầm đạt 15% - 20%; nâng dần tỷ lệ đàn heo được lai quy ước 2 - 3 máu trên
95%.
- Giai đoạn 2021 - 2030:
+ Duy trì tốc độ tăng trưởng
giá trị sản xuất ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm. Phấn
đấu tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2030 đạt 28% -
30%;
+ Xây dựng vùng chăn nuôi theo
hướng áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt; đến năm 2030, phương thức chăn
nuôi bán công nghiệp và công nghiệp trên địa bàn thành phố đối với đàn heo đạt
trên 70% và đàn gia cầm đạt trên 45%;
+ Số lượng con giống gia súc,
gia cầm hàng hóa đạt 4.726.000 con. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm đạt 46.800
tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 110 triệu quả.
2. Nội dung quy hoạch
a) Quy hoạch phát
triển chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm
tập trung, công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến
năm 2020:
- Phát triển các loại vật nuôi
chính như: Heo, gà, vịt, bò; duy trì và phát triển đàn trâu,
đàn dê theo hướng gia trại có sự kiểm dịch bệnh chặt chẽ. Khuyến khích người
dân phát triển các vật nuôi đặc sản như: Heo rừng, nhím, trăn, rắn, ba ba,…
gắn với mô hình gia trại, trang trại nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và
tăng thu nhập cho người lao động.
- Phát triển cơ sở
chăn nuôi tập trung:
+
Vùng không phát triển cơ sở chăn nuôi tập trung: Có diện tích 61.325 ha, chiếm
43,53% diện tích tự nhiên của thành phố;
+ Vùng phát triển cơ sở chăn nuôi
tập trung: Có diện tích 79.570 ha, chiếm 56,47% diện tích
tự nhiên của thành phố, trong đó: Diện tích rất thuận lợi
cho phát triển cơ sở chăn nuôi tập trung là 14.420 ha, diện tích thuận lợi là
56.790 ha và diện tích ít thuận lợi là 8.360 ha;
+ Vận động, khuyến khích di dời
các cơ sở chăn nuôi từ vùng không phát triển cơ sở chăn nuôi tập trung sang
vùng phát triển cơ sở chăn nuôi tập trung.
- Quy hoạch mạng lưới cơ sở giết mổ:
+ Mạng lưới cơ sở giết mổ đến năm
2020: Hình thành 16 cụm cơ sở giết mổ tập trung, trong mỗi
cụm bố trí 1 khu giết mổ gia súc và 1 khu giết mổ gia cầm tập trung.
+ Lộ trình thực hiện: Năm 2017, mỗi quận, huyện tiến hành đầu
tư xây dựng thí điểm 1 cụm cơ sở giết mổ tập trung. Năm 2018 - 2020, xây dựng
tiếp các cụm cơ sở giết mổ tập trung còn lại và tiến hành di dời các cơ sở giết
mổ tập trung không đủ điều kiện hoạt động vào các cụm giết mổ tập trung theo
quy hoạch.
+ Khi các cụm cơ sở giết mổ tập
trung chưa hình thành, thì các cơ sở giết mổ hiện tại phải tiếp tục cải tạo,
nâng cấp để đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày
03 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới
được phép hoạt động.
b) Quy hoạch phát triển chăn nuôi,
giết mổ gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, công
nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm đến năm 2030:
- Phát triển chăn nuôi: Tiếp tục phát triển các loại vật nuôi chính như: Heo, gà, vịt, bò nhưng tập trung vào giống
và thịt chất lượng cao.
- Phát triển cơ sở chăn nuôi tập trung: Giai đoạn 2021 - 2030,
tiếp tục di dời các cơ sở chăn nuôi đến vùng chăn nuôi tập trung. Phấn đấu đến
năm 2030, toàn bộ cơ sở chăn nuôi tập trung, trang trại đều được di dời hoặc
hình thành mới trong vùng chăn nuôi tập trung; dự kiến trên 70% đàn heo, 45%
gia cầm được nuôi trong các cơ sở chăn nuôi tập trung và trang trại theo phương
thức chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp. Nhu cầu quỹ đất dành cho trang
trại chăn nuôi khoảng 235 ha.
- Quy hoạch mạng lưới cơ sở
giết mổ: Hoàn thành xây dựng 16 cụm giết mổ tập trung
với dây chuyền thiết bị đồng bộ, công nghệ giết mổ tiên tiến và hiện đại, đảm
bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, hình thành các nhà máy chế biến và
xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi phục vụ toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Kinh phí và
nguồn kinh phí thực hiện
a) Tổng kinh phí đầu tư thực
hiện quy hoạch đến năm 2020: Ước tính 520 tỷ đồng.
b) Nguồn kinh phí thực hiện quy hoạch bao
gồm: Vốn đầu tư của doanh nghiệp, hộ gia đình (khoảng 398,9 tỷ đồng); Vốn đầu tư từ ngân
sách nhà nước (khoảng 112,3 tỷ đồng); Nguồn vốn khác (khoảng 8,8 tỷ đồng).
Điều 2. Trách nhiệm và hiệu lực thi hành
1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố
tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp
luật quy định và cụ thể hóa các nội dung và giải pháp đảm bảo triển khai thực
hiện tốt Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và cơ sở chăn
nuôi gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến
năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đáp ứng được mục tiêu quy hoạch đề ra.
Giao Thường trực Hội đồng nhân
dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm
tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
2. Nghị quyết này đã được Hội
đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa IX, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 09 tháng
12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày ký ban hành./.